Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

"Hào quang của đất" thắp sáng ngọn đuốc của kiếp phận

"Hào quang của đất" thắp sáng
ngọn đuốc của kiếp phận

Tập truyện ngắn Hào quang của đất của Đào Quốc Vịnh xuất hiện cho thấy mạch đập sóng đôi giữa thơ ca và văn xuôi trong ông luôn mãnh liệt, bất chấp mọi thời điểm. Đây là tập truyện ngắn đầu tay của ông sau những tập thơ ông đã ra mắt trước đó và để lại cho bạn đọc nhiều ấn tượng nhất định.
Hào quang của đất gồm 15 truyện ngắn, bao quát rõ tiếng nói nội tâm dựa trên sự vận động đa hướng của ngôn ngữ, soi chiếu nhiều chân dung số phận ở những điểm đứng gần xa khác nhau, mang lại một cảm giác bằng lòng cho độc giả. Đào Quốc Vịnh khai thác đề tài trong nhiều không gian, hoàn cảnh; tự sự một cách giản dị, mộc mạc; bám sát hiện thực chân xác – Và những phận kiếp éo le, trôi nổi được mở tạo, xây dựng, dẫn dắt hoàn chỉnh, cuốn hút.
Truyện ngắn Đào Quốc Vịnh đã tổng hòa gắn kết với khuynh hướng truyền thống, mà dựa vào đó nhằm vận dụng hiệu quả trên các quỹ đạo không gian – thời gian hợp lý, logic. Hầu hết các truyện trong Hào quang của đất đều được kể theo ngôi thứ nhất, bằng một giọng điệu chững chạc, mộc mạc, thấu hiểu men theo số phận bi kịch của nhiều con người hợp tụ. Vì thế, ngôn ngữ trần thuật thông dụng này đã tạo điều kiện thuận lợi để tác giả tập trung miêu tả chân dung và thế giới nội tâm của nhân vật trong truyện. Mỗi truyện được tiếp cận, bắt đầu bằng nhiều cách khác nhau như từ quá khứ đến hiện tại hoặc hiện tại đến quá khứ,…
Lối kể liên tục được thay đổi tự nhiên, tạo mở cho người đọc cảm giác thoải mái, không gò bó giữa một khuôn khổ nào cả. Chẳng hạn truyện ngắn Bí mật trong cuốn nhật ký, toàn bộ mạch truyện được hồi ức đến quá khứ của nhân vật Quang trong những năm kháng chiến chống Mỹ, kể về mối tình ngắn ngủi giữa Quang và Lan. Bằng ngôn ngữ chân thực, dung dị, bằng lối kể mềm mại, nhẹ nhàng đã phác họa nên một câu chuyện đẹp, đầy lãng mạn của tuổi thanh xuân. Những năm dài đằng đẵng xa cách đáng trân trọng; những bức thư trao nhau đầy tâm trạng đã cấu thành thức đoạn không thể quên trong tâm trí của Quang. Cho đến những ngày mỗi người đều đã yên bề gia thất, trời đã cho họ gặp lại nhau, và trong tiềm thức của Quang và Lan, mối tình ngắn ngủi ấy mãi mãi là một phân đoạn đẹp trong cuộc đời mình. Toàn bộ câu chuyện là sự ám thị về quá khứ và quá khứ là một thành tố hình thành, hoàn thiện nên một con người hội tủ đủ cái gọi là “buồn, vui, thương, nhớ, đợi, chờ”.
Đối với ngôn ngữ kể, thứ nhất: tôi ám ảnh và tâm đắc với truyện ngắn “Chuyện của Quyền”. Bắt đầu từ cái chết và kết thúc cũng là cái chết, sự tuần hoàn chung của số phận trong nhân vật Quyền hiện diện một cách chu toàn và logic. Tại đây không gian là gia đình, cuộc đời của Quyền là trung tâm với bối cảnh chính là thời loạn. Do đó, ngôn ngữ được tác giả sử dụng mang đậm nét tân thời, vừa dễ tiếp cận quần chúng mà vừa thể hiện rõ sự từng trải của một ông giáo quá tuổi lục tuần Đào Quốc Vịnh.
Theo tôi nghĩ, truyện ngắn “Chuyện của Quyền” bao quát, hội tụ đủ yếu tố xây dựng nên chân dung riêng của nhà văn từ cách trần thuật ở trên một cấu trúc tạo mới cho đến cái nhìn nhân văn của một người viết đối với con chữ. Số phận của nhân vật Quyền là một điển hình trên bình diện khắt khe của cuộc sống!!! Cuộc đời anh như mối tơ vò, rối ren, không thể tháo gỡ. Anh bị cuốn vào vòng xoáy áp lực của công việc và những mâu thuẫn khó xử trong tình yêu, gia đình. Vì vậy, những vết sẹo lớn liên tục găm vào thân thể anh; mọi giằng xé, mọi khổ lụy ấy giằn vặt anh đến nỗi anh đã đột tử trên ban công, chấm dứt cuộc đời mình. Quyền chính là những lấp lánh điển hình tồn tại trong mảnh đất văn chương để nhà văn khai phá, sàng lọc làm vốn liếng cho nghiệp viết của mình. Cũng như nhà văn Võ Thị Xuân Hà đã nhận định: Mười lăm câu chuyện trong Hào quang của đất là mười lăm cuộc sống, mười lăm cảnh ngộ với những mối quan hệ gia đình, xã hội, những trăn trở nghề nghiệp, những bi kịch và hạnh ngộ,… Tất cả những mảnh đời được tác giả khắc họa đều có thể đem đến cho người đọc hình dung về hào quang của đất, về những ánh sáng lấp lánh hay ẩn khuất trên thế gian. Một lúc nào đó, chính hào quang của vũ trụ, đem đến cho con người niềm tin vào sự trường tồn cõi thế.
Truyện ngắn Chuyện của Quyền khiến người đọc phải suy tư và duy cảm về một số kiếp phải cam chịu từ nhiều yếu tố xã hội, con người tác động đến một cách mãnh liệt. Nhưng số kiếp ấy không thể thể hiện ra được nỗi đau, nỗi trăn trở của mình. Sự bất công của dạng thức chấn thương bên trong (vô thức) khiến con người có thể đau đớn hơn rất nhiều so với những vết thương da thịt… Nhà văn Đào Quốc Vịnh đã thành công trong việc lấy đi cảm giác, lấy cái sự “nghĩ” của người đọc, để rằng tự thân người đọc nhận thức, tiếp giáp với những tư tưởng mà họ hướng tới, mà tư tưởng ấy luôn mật thiết, liên kết với tác phẩm gốc.
Thứ hai, tôi ấn tượng với một ngôn ngữ kể dứt khoát, nhanh, nhưng không hề làm mất đi tâm trạng nội hàm của câu chuyện. Chẳng hạn ở một số truyện ngắn như Vợ dở; Đám cưới đứa con đèo; đặc biệt ở truyện ngắn Chị, những biến cố, xung đột chủ đạo bất ngờ xuất hiện dẫn đến một từ trường cảm xúc mạnh và nhất quán. Ngoài ra sự dịch chuyển của dòng tâm cảm tạo mở nhiều cơ hội bén sáng, sự xúc tác giữa người với người, khách thể và chủ thể bỗng chốc trở thành vòng xoáy bất tận của đời người, phận người. Truyện ngắn Chị hàm chứa những giá trị nghệ thuật chuẩn mực, đồng thời cô đọng được những tha hóa, biến dạng phía sâu xa của tâm hồn con người dù đó là một nhân vật trí thức như Chị. Sự phủ nhận tình cảm sâu đậm sau nhiều năm, sự thay đổi trước những biến cố do chính bản thân gây ra và đem hậu quả ấy chuyển dịch tới đối tượng thân thiết của mình đã vô tình biến một con người có học thức trở thành điểm tối giữa không gian sáng. Những nhân vật như Chị là hiện thận của một con người tự xô đẩy mình xuống đáy vực tối tăm của xã hội, tự bóc tách những thứ thầm kín bên trong mình ra. Qua đó, chúng ta có thể thấy sự tinh tế của tác giả và thấu cảm được cuộc đời ngấm đủ đắng, cay, ngọt, bùi để không tìm gì khác, ngoài tìm sự tử tế.
Tập truyện ngắn “Hào quang của đất” của Đào Quốc Vịnh
Đào Quốc Vịnh sinh năm 1955; là người gốc Gia Lâm, Hà Nội. Ông dạy học, viết văn và làm thơ. Ông đã có một quá trình dài về học tập và làm việc ở nhiều môi trường. Việc xuất phát từ Thơ đã tạo cho ông một tiền đề tương đối vững chắc trong khi làm văn xuôi. Cũng như thơ, ở truyện ngắn ông khai thác, tìm hiểu và đi sâu vào nhiều chủ đề như thiên nhiên, con người, thành thị, nông thôn, vùng miền,… Trong tuyển truyện Hào quang của đất, thì tính dục xuất hiện hơn phân nửa các tác phẩm. Như chúng ta đã biết, hiện nay trong văn học tính dục được rất nhiều nhà văn khai thác và vận dụng thành công như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Bảo Ninh,… Và yếu tố sex, tình dục được nhà văn Đào Quốc Vịnh sử dụng khá đậm nét và ấn tượng. Sex trong truyện ngắn Đào Quốc Vịnh khác về nội dung, về bối cảnh, về cảm giác của sự riêng tư nhằm vận tải ý đồ, hé lộ những u uẩn, mang đến cho người đọc sự suy giác về không gian và thời gian; mở rộng chiều kích liên tưởng, chuyền tải ra ngoài những hiện thực khách quan nhất.
Chẳng hạn ở một trích đoạn trong truyện ngắn Giấc mộng buồn, nói về sự thèm khát hơi thở đàn ông của cô nàng đã cưới chồng hơn sáu tháng mà không được biết cảm giác của đêm tân hôn cũng như một lần chạm của người đàn ông đến mình. Và lần đầu tiên cũng là lúc Sỹ, chồng cô say mềm không biết gì: Cánh tay chồng nàng khùa khoạng trên thân thể nàng. Nàng khẽ kìm nén hơi thở mình vì lo sợ hơi thở của nàng làm chồng mình tỉnh giấc, nhận ra nàng, rồi lại vùng dậy bỏ mặc nàng trên chiếc giường hạnh phúc mà chưa một lần được hạnh phúc cùng chồng… Những chiếc khuy áo của nàng dần được bật ra. Rồi chiếc áo con được bứt ra khỏi ngực nàng. Bàn tay thô ráp của chồng nàng thoa đều đều. Đều như trộn vào hơi thở nàng. Đều như hòa vào nhịp đập con tim nàng. Bàn tay lần mò xuống bụng dưới nàng. Nàng hổn hển, vì không còn kiểm soát được cảm xúc của mình. Chồng nàng ôm chặt lấy nàng, như thể bù đắp cho nàng, như thể sợ chính nàng vùng dậy để thoát khỏi vòng tay của mình. Chồng nàng hôn lên đôi mắt nàng. Đôi mắt ứa đầy lệ mặn chát. Hôn lên cặp môi nàng. Cặp môi mềm và ngọt lịm. Bàn tay thô ráp của chồng nàng lần mò, xoa xoa âu yếm lên cái nơi tận cùng của cơ thể nàng. Sau một khoảnh khắc của bản năng tự vệ hai đùi khép chặt lại là cái cảm giác hoàn toàn bị chinh phục, hoàn toàn thả lỏng cơ thể, cảm giác đón nhận trống mái của bản năng con người… “Anh Sỹ ơi…” – “Ngọc… gì vậy em…?” tiếng nàng khe khẽ kêu lên rồi lịm dần trong tiếng đêm tĩnh mịch. Sự thiếu tình thương và nhiều nỗi buồn tích tụ khiến một thân phận người phụ nữ phải lâm vào cảnh thiếu thốn, tủi hờn, cô đơn trong chính căn phòng của mình mặc dù người đầu ấp tay gối vẫn sống và sờ sờ ở đó. Tính dục ở đây không phải là thô tục, thô thiển mà là cái quan yếu để bộc tả khát khao nhận được một chút ấm áp từ đối tượng mình đang luôn tôn trọng và sẵn sàng hết mình về người đó. Đây là cái đẹp trong văn học, cái tinh tế của ngôn từ mọc lên.
Khuynh hướng tính dục ra đời, khi vào Việt Nam đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng cho các nhà văn, nhà thơ. Không ngoại lệ Nhà văn Đào Quốc Vịnh đã tạo cho mình khoảng trời riêng trên một chất liệu chung. Tính dục trong truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh đa dạng, hấp dẫn, rất dễ gây cảm giác gì đó bạn đọc. Một trong mười lăm truyện ngắn thể hiện tính dục nhân văn rõ nét đó là Chuyện của Quyền, ngoài ra còn những truyện khác cũng mang chất sex, nhưng không nhiều. Tham chiếu với truyện ngắn viết về nhân vật Quyền, thì tác động của hai giới thông qua nhiều đối tượng đến với nhau cực kì mãnh liệt. Từ nguyên nhân đó, dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho cuộc đời Quyên và gia đình Quyền: Quyền hồng hộc thở gấp, lần mò đôi môi hôn lên khắp nơi trên cơ thể Thảo. Anh ấp khuôn mặt gầy guộc, râu ria lởm chởm vào hai bầu vú căng tròn khiến Thảo run lên. Trời đất ngả nghiêng. Vạn vật im lặng. Hai người như rơi thỏm vào một khoảng không huyền bí. Họ nhẹ bẫng như hai hạt nhỏ li ti vừa bật ra khỏi thân cây, bay vào một miền đất mới giữa mùa sinh sôi, nảy nở / Vạn vật chìm trong đêm. Trong căn phòng nhỏ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng thở dồn dập của Quyền, tiếng rên khe khẽ buột ra từ Thảo… Thảo là người đàn bà thứ hai sau người vợ tên là Xạ. Vì biến cố bất chợt ập đến nên mới ra nông nỗi Quyền lấy Thảo làm vợ. Tính dục được thể hiện xuyên suốt câu chuyện như sợi dây thừng được thắt từng đoạn mà mỗi đoạn ấy làm cho một kiếp người đau đớn và suy tư rất là nhiều. Nhà văn lấy cái chết của Quyền để kết truyện, thực ra đây không phải là một kiểu kết thúc truyện mới mẻ – khá nhiều tác giả đã sử dụng kiểu kết thúc này để tạo độ mở cho câu chuyện, xóa bỏ tiếng nói quyết định của tác giả và lôi kéo người đọc tham gia vào câu chuyện như một nhân tố tích cực. Nhưng riêng đối với Chuyện của Quyền, kỹ thuật sử dụng chiều kết thúc vòng tròn này bao hàm nhiều lớp nghĩa khác nhau. Tất cả những trung tâm quyền lực đang áp đặt nghĩa cho số phận và hé mở một cánh cửa của sự đa nghĩa và giải trình. Đó vốn là lực đẩy cho sự hình thành tiềm lực phát triển độ mở cũng như sự độc đáo trong tác phẩm của nhà văn.
Hơn nữa, tạo ra một nét riêng, độc đáo về phong cách là điều mà mọi nhà văn luôn muốn hướng đến. Bởi lẽ, nó được xem là dấu hiệu đánh dấu sự khác biệt của nhà văn này với nhà văn khác, là sự khẳng định giá trị của mỗi nhà văn. Những khai phá khác nhau trong tuyển truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh, trong đó có tính dục chiếm một phần không nhỏ tạo nên đắc sắc, hấp dẫn cho câu chuyện. Cộng thêm ý tưởng, lối kể, cách sử dụng ngôn ngữ, chọn bối cảnh, không gian thông minh lại càng tác động đến người đọc một trường độ lớn hơn.
Đã có nhiều phương thức nghệ thuật, kĩ thuật diễn đạt được thể hiện trong truyện ngắn. Các nhà văn tự do phô diễn sự tư duy duy một, cô đúc ngôn ngữ, câu văn mở gợi, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Cũng nhờ những sự thay đổi lớn về cách viết, khai thác triệt để tư duy lạ, dồn nén câu chữ, thu hẹp kết cấu,… Vì thế, truyện ngắn đã thành công định danh cho mình về thể loại mà không có mốt hạn định nào cả, như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập,… Và tập truyện ngắn Hào quang của đất có thể đi xa đến như vậy không thì đang còn là một dấu hỏi? Mỗi truyện ngắn ở tuyển tập này trong nội tại đều có một sức hút riêng biệt. Ở đó, có những nhát cắt, những vụn mảnh về thời than, không gian,… từ đó người đọc có thể cảm giác được sự đổi thay, sự tha hóa của một số phận nào đó (người, vật, thực thể không xác định,…). Ở Hào quang của đất, dù là tập truyện đầu tay nhưng cho thấy nhà văn Đào Quốc Vịnh đã có những bước tiến đột phá trong tìm tòi và tạo mới, mà trọng tâm chính là sâu thẳm của không gian “vô thức” và vòng xoáy nội tâm nhân vật. Với ngòi bút chắc, vững và một hành trang gói lại những kiến thức riêng biệt, ông đã lột tả từng chi tiết nhỏ trong cái đáy vực hun hút, tối tăm của nhiều phận người, kiếp người trôi dạt khác nhau.
26/6/2022
Lê Ngọc Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...