Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Hoa ban trắng - Truyện ngắn của Trần Quang Lộc

Hoa ban trắng - Truyện ngắn
của Trần Quang Lộc

Hắn mong sao cuộc chiến sớm kết thúc để trở về với góc phố ngày xưa nhiều kỷ niệm! Về thăm lại giảng đường đại học của thời sinh viên nhiều mộng ước!. Nhưng chiến tranh cứ ngày càng ác liệt, miền Nam ngập chìm trong máu lửa, trong đau thương tang tóc!. Bạn bè hắn bên này lẫn bên kia nhiều đứa đã ngã xuống rải rác trên các chiến trường! Tất cả mọi chuyện riêng tư của đời người đành phải gác lại!
Cuối thu năm 1972, Bộ tư lệnh B2 huy động lực lượng tổ chức nhiều cuộc tấn công vào các đơn vị VNCH gây cho đối phương nhiều thiệt hại nặng nề. An Lộc, cứ điểm chiến lược cực kỳ quan trọng của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cũng đang bị bao vây.
Trong lúc chiến trường Miền Đông đang diễn ra ác liệt thì hắn được lệnh quân khu gọi về chuẩn bị hồ sơ sang Liên Xô du học.
Rời mặt trận bằng xe cơ giới với những trang ký sự sôi động và những bộ ảnh quý hiếm về mặt trận miền Đông không những kịp gửi về tòa soạn các tờ báo lớn phục phụ bạn đọc nhân các ngày lễ lớn trong năm mà còn làm tư liệu cho các tập sách viết về cuộc chiến giải phóng miền Nam sau này.
Xe chở cán bộ trong đó có hắn đến địa phận đông Trường Sơn thì trời đổ mưa như trút nước. Máy bay địch đã cắt đứt thành nhiều đoạn tuyến hậu cần chiến lược chi viện khí tài, quân dụng cho quân giải phóng miền Nam. Lực lượng công binh phối hợp với các đơn vị thanh niên xung phong dầm mưa khẩn trương nối lại cung đường huyết mạch. Thế là xe chở các cán bộ phải vòng qua tây Trường sơn tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Còn hắn, hắn tạm dừng chân tại trạm Giao liên M2, trạm gần làng người dân tộc thuộc địa phận tỉnh Kon Tum chờ thông tuyến.
Giam mình trong căn phòng chật chội của trạm giao liên đọc lại tập bản thảo nhật ký chiến trường. Ngoài trời mưa xối xả suốt mấy ngày liền. Trường sơn buồn heo hút…
Rồi trận mưa dai dẳng cũng tạnh dần, bầu trời trở nên trong veo, mây trắng lang thang qua những tán lá rừng xanh ngăn ngắt. Trường sơn như thêm sức sống mới. Hắn rời trạm giao liên thong thả cuốc bộ dọc theo lối mòn chạy thẳng ra một con suối vắng tìm cảm giác thanh thản yên bình sau những tháng năm xông pha trận mạc đầy gian khổ và hy sinh.
Lúc này, nắng Trường sơn cuối thu vàng rực phủ trùm lên những sườn đồi phía trước. Lá khua xào xạc lẫn tiếng suối chảy róc rách giữa rừng chiều tĩnh lặng. Hương ngọc lan ngan ngát. Ngồi tựa lưng vào tảng đá xanh rêu cạnh dòng suối nhỏ, phóng tầm mắt về hướng đồng bằng xa hun hút tận cuối chân trời nhớ về thành phố ven biển miền Trung da diết. Nhớ khu công viên ngay phía trước nhà vào những ngày nắng ấm, nhớ mặt biển êm đềm mỗi lúc hoàng hôn, nhớ chuông giáo đường thong thả ngân nga vào mỗi chiều chủ nhật  và nhất là nhớ tiếng sóng thầm thì ru hắn suốt cả thời thơ bé. Hắn mong sao cuộc chiến sớm kết thúc để trở về với góc phố ngày xưa nhiều kỷ niệm! Về thăm lại giảng đường đại học của thời sinh viên nhiều mộng ước!. Nhưng chiến tranh cứ ngày càng ác liệt, miền Nam ngập chìm trong máu lửa, trong đau thương tang tóc!. Bạn bè hắn bên này lẫn bên kia nhiều đứa đã ngã xuống rải rác trên các chiến trường! Tất cả mọi chuyện riêng tư của đời người đành phải gác lại!
Đang hoài niệm về một thời chưa cũ, bỗng có tiếng động nhẹ ngay phía sau lưng khiến hắn vội quay đầu nhìn lại. Sững sờ, bất động trong giây lát, hắn reo lên phấn khích:
– Quỳnh! Trúc Quỳnh!
Quỳnh với một người bạn gái trong trang phục nữ thanh niên xung phong đang đứng bên gốc sồi già cụt ngọn, lặng lẽ nhìn hắn, cười rúc rích!.
Hắn đứng lên đi nhanh về phía Trúc Quỳnh, nắm lấy bàn tay thô ráp của em. Quỳnh khẽ rút tay về, giọng nàng rất mỏng:
– Được tin anh đang trên đường về lại đơn vị cũ nên bọn em tranh thủ ghé thăm! Đến trạm giao liên, chị trưởng trạm bảo anh vừa mới ra bờ suối.
-Về trạm nhằm lúc Trường Sơn mưa như xối nước. Chiều nay mới thoát khỏi căn phòng chật hẹp của trạm giao liên.  Còn em? Đơn vị vẫn đóng chỗ cũ chứ?
Quỳnh thở dài :
– Bọn em đang tập trung về trại an dưỡng rồi anh. Quỳnh nhìn hắn lo lắng – Lần này trông anh gầy lắm! Anh nên bảo trọng. Cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục hủy diệt, tàn phá…! Thôi nhé, bọn em ngồi nói chuyện với chị trưởng trạm cũng khá lâu, giờ phải về lại đơn vị gấp lo công tác hậu cần!
Nói xong, Quỳnh định quay đi. Hắn hốt hoảng kêu lên :
– Trúc Quỳnh! Làm gì em vội thế. Có thể ngày mai anh phải theo xe chở thương về đơn vị cũ. Hay là… tối nay, anh đến đơn vị thăm  em? Trại an dưỡng có gần đây không?
Quỳnh chỉ tay về khu đồi phía bên kia dòng suối, bảo:
– Cũng gần thôi anh. Qua khỏi con suối này, vượt khu đồi nhỏ bên kia rồi đi hết rừng bạch đàn của người dân tộc. Lán trại bọn em ở giữa đồi sim. Quỳnh nhìn hắn, giọng trầm buồn – Tạm biệt! Cầu Chúa phù hộ cho anh!
Nói xong, Quỳnh với người bạn gái vội vã quay đi. Hắn sung sướng lẫn chút ngậm ngùi nhìn theo dáng hình thon thả của người yêu như đang tan dần trong rừng chiều mờ sương…
Trong chuyến thực tế tại tây Trường Sơn chuẩn bị luận văn tốt nghiệp khoa báo chí, tình cờ gặp Trúc Quỳnh, nữ thanh niên xung phong trực thuộc Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559). Định mệnh xui khiến hai người lính trẻ gặp nhau rồi yêu nhau. Giữa rừng xanh núi đỏ, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, tình yêu đầu đời chợt đến đã làm cho tâm hồn nở hoa, tràn đầy sức sống, giúp họ vượt qua mọi khó khăn gian khổ đời lính và vẽ ra một chân trời phía trước bảy sắc cầu vòng rực rỡ.  Với giọng Bắc ngọt ngào, thi thoảng Quỳnh đưa hắn trở về miền Tây Bắc quê em đầy hoa ban trắng với những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò …
Quỳnh dân tộc Thái trắng, con thứ ba trong gia đình có giáo dục. Bố Quỳnh hy sinh năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi đến lượt mẹ Quỳnh cũng qua đời bởi chứng nhồi máu cơ tim. Quỳnh được người chị ruột nuôi dưỡng và cho theo học khoa giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội. Đến năm thứ ba cũng là lúc chiến tranh miền Nam diễn ra ác liệt, cô thiếu nữ Trúc Quỳnh thông minh, xinh đẹp, tương lai đầy hứa hẹn phải tạm biệt giảng đường, giã từ tuổi mộng mơ cùng với nhiều thanh niên yêu nước thời bấy giờ hăng hái ra đi giải phóng miền Nam thoát khỏi xích xiềng đế quốc, như lời Đảng gọi .
Chuyến thực tế rồi cũng kết thúc trong luyến tiếc. Đêm chia tay, hai bạn trẻ ngồi bên nhau trên thảm cỏ mềm giữa rừng sim, cạnh dòng suối Pơling. Mảnh trăng rừng trong suốt như pha lê dịu dàng tỏa sáng. Trăng cài lên mái tóc em, trăng tan trong giòng suối ngọt, trăng hoà vào mùi hoa rừng ngai ngái được luồng gió hào phóng nào đó mang đến trao tặng. Đêm Trường sơn tĩnh lặng, mọi thứ trên thế gian này như tan biến, chỉ còn lại hai người lính trẻ rất hạnh phúc bên dòng Pơling du dương khúc tình ca muôn thuở.
Hơn hai năm trời cách biêt, không một cánh thư, không một lời nhắn gửi, thì kỳ diệu thay, trên dọc đường chiến tranh khốc liệt, hai người lính trẻ bỗng gặp nhau trong một góc rừng chiều như một giấc mộng. Lòng hắn nao nao nghĩ đến cuộc hẹn sắp tới…
Ngay buổi chiều hôm đó, chưa kịp dùng cơm, hắn xin phép người trạm trưởng tranh thủ đến đơn vị Trúc Quỳnh và hứa sẽ trở về trước lúc bình minh.
Rời khỏi trạm giao liên trời nhá nhem tối. Lội qua dòng suối cạn rồi lần dò theo hướng Trúc Quỳnh chỉ dẫn ban chiều. Sau gần tiếng đồng hồ băng rừng vượt dốc, hắn đã đến khu lán trại của đơn vị Trúc Quỳnh giữa cánh rừng sim.
Nói là lán trại chứ thực ra, đó là những căn lều cá nhân dựng tạm bằng cây rừng, mái và chung quanh lợp bằng cỏ tranh bám víu tạm bợ phía lưng chừng đồi. Đây là nơi nghỉ dưỡng của đơn vị thanh niên xung phong.
Trời tối mịt. Đứng từ cuối dốc nhìn lên, những ánh đèn leo lét từ các trại cá nhân ẩn hiện dưới tán cây rừng như những vì sao. Nhờ cô gái trẻ người dân tộc chỉ dẫn nên việc tìm trại cá nhân của Trúc Quỳnh không mấy khó. Quỳnh đang ngồi đọc môt tờ báo cũ dưới ánh đèn dầu lờ mờ. Nhận ra hắn, Quỳnh đứng bật dậy reo lên:
– Anh ! Em tưởng anh chỉ hứa suông thôi chứ…
Hắn chân thành như con chiên trước chúa:
– Dù phải vượt qua muôn núi ngàn đèo, đêm nay anh cũng phải đến gặp em.
Quỳnh nheo nheo mắt nhìn hắn, cười rúc rich:
– Nghe nói con trai miền Trung giỏi nịnh đầm. Chắc anh cũng nằm trong số đó!
Vội bước đến định nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của Trúc Quỳnh, Quỳnh khẽ rụt tay về, giọng hắn đượm buồn:
– Anh nói thật lòng mà!
Quỳnh lái câu chuyện sang hướng khác:
– Ngày mai đường thông tuyến rồi đó anh!
– Chị trạm trường còn cho biết, chiều mai có chuyến xe chở thương binh nặng ra bắc. Có thể anh sẽ theo xe quá giang!
Quỳnh chỉ vào vỏ thùng đạn đại liên kê góc trại:
– Anh ngồi tạm. Hình như đã gần ba mùa hoa sim rồi anh!
Hắn vừa loay hoay cắm mấy bông hoa mới hái dọc đường vào chiếc ca nhôm, vừa nói :
– Vâng! Tuổi xuân cứ trôi dần mà chiến tranh không biết lúc nào mới chiệu kết thúc!!
Đặt lọ hoa trên bàn của Trúc quỳnh , hắn vui vẻ hỏi:
– Đẹp không em?
Quỳnh rút một cành hoa tím còn ướt đẫm sương đêm đưa lên nhìn ngắm một thoáng, nói:
– Đẹp! Rất cảm ơn anh, nhưng em thích nhất hoa ban trắng, cánh mỏng, trắng ngần thanh khiết, tỏa hương thoang thoảng. Loài hoa tượng trưng cho nét đẹp tinh khôi và lòng chung thủy của người phụ nữ miền Tây bắc quê em.
Sau ba mùa sim, kể từ đêm trăng thơ mộng bên dòng pơling, trong căn phòng chật chội lợp lá tranh săn giữa đại ngàn, dưới ánh sáng lờ nhờ của ngọn đèn dầu lạc, hắn ngồi đối diện với người yêu ôn lại những kỷ niệm buồn vui của đời lính, luận về tình yêu đôi lứa giữa thời tao loạn, về những mất mát khổ đau khó lòng tránh khỏi bởi cuộc chiến ngày càng diễn ra ác liệt… Nhưng có điều lạ, đêm nay, Quỳnh không có cái dáng vẻ sôi nổi, tự tin, yêu đời như trong đêm chia tay. Đôi mắt em buồn đến nao lòng . Hình như Quỳnh đang mang một niềm uẩn khúc nào đó khó nỗi giải bày. Khuôn mặt thanh tú của Trúc Quỳnh như lung linh mờ ảo dưới ánh sáng lờ nhờ của ngọn đèn dầu luôn chao đảo. Lòng tôi cũng se se buồn. Thi thoảng rút thuốc Vàm cỏ, bật lửa đốt….
Không biết hắn đã nói với Trúc Quỳnh đến đâu về những dự tính hắn đã lập trình sẵn từ chiều mà gà rừng đã báo sáng ở đầu truông.
Hắn đứng lên tạm biệt Trúc Quỳnh để về trạm giao liên. Bất chợt, bắt gặp giọt nước mắt long lanh trên khuôn mặt của Quỳnh, hắn nghẹn lời động viên an ủi :
– Em đừng buồn. Nếu ngày mai chưa rời trạm, thế nào anh cũng trở lại gặp em!
Về đến trạm giao liên trời vừa rựng sáng. Lòng thung lãng đãng một màn sương trắng đục. Chích chòe, bách thanh, sơn ca… hót râm rang trên những đọt cây phía trước cửa trạm lẫn với tiếng gà rừng eo óc gáy từ những bụi sim già. Hương ngọc lan thoang thoảng trong làn gió sớm.
Trong lúc thu xếp đồ dùng cá nhân cho vào ba lô, hắn phát hiện ra tối qua đã bỏ quên hộp quẹt zippo tại lán trại Trúc Quỳnh. Hộp quẹt mác Mỹ chính hiệu, vật kỷ niệm một đồng đội tặng hắn trước lúc hy sinh tại chiến trường miền Đông. Lính Trường sơn không thể thiếu ngọn lửa ngoài cây súng. Thế là hắn quyết định phải trở lại lán trại Trúc Quỳnh dù phải bỏ lỡ chuyến xe ra Bắc.
Men theo lối cũ hắn đã hai lượt đi – về. Băng suối, vượt đồi. Qua khỏi rừng bạch đàn phóng tầm mắt về phía đồi sim… Nhưng không thấy đâu là trại an dưỡng của lực lượng nữ thanh niên xung phong tối qua hắn đến! Trước mặt hắn lúc này toàn một màu hoa sim tím xen lẫn những tán bạch đàn, ngọc lan, chò chỉ đang đong đưa dưới cái nắng chói chang của buổi sáng Trường sơn.  Thấp thoáng giữa rừng sim là những ngôi mộ chí mới, cũ, to, nhỏ của người dân tộc!
Nắng Trường sơn đã bắt đầu gay gắt, mồ hôi thấm đẫm cả lưng áo! Ngạc nhiên, hắn nghĩ bụng: Có lẽ mình đã vô ý đi nhầm hướng chăng!?. Nhưng không thể như thế được với một phóng viên chiến trường còn rất trẻ! Ngẫm ngợi giây lát, hắn quyết định cắt ngang đồi sim để đến cánh rừng thưa phía bên kia. Lúc ngang qua khu nghĩa trang người dân tộc, bất chợt, một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng buộc hắn phải đột ngột dừng lại khi bắt gặp cái bật lửa zippo màu bạc lấp lóa ánh mặt trời đang nằm trên một tảng đá cạnh ngôi mộ cách hắn chừng vài sải chân. Lúc này, hắn nghĩ về hiện tượng tâm linh đầy bí ẩn như các nhà truyền giáo từng rao giảng và cảm giác như đang lạc vào thế giới của người đã chết. Định rời ngay khu nghĩa trang, nhưng lòng dũng cảm của người lính khiến hắn phải dừng lại rồi tiến lên phía trước. Hắn bỗng kêu lên thảng thốt :
– Trúc Quỳnh !
Phải, Trúc Quỳnh trong tấm ảnh bán thân gắn trên tấm bia dựng tạm đang nhìn hắn bằng ánh mắt hồn nhiên rạng rỡ…. Ảnh thời sinh viên, Trúc Quỳnh đã có lần đem ra khoe với hắn. Bức ảnh không những xua tan nỗi sợ hãi mà còn làm cho lòng hắn ấm lại.
Ngồi cạnh mộ Trúc Quỳnh, đưa mấy ngón tay lau lớp bụi mỏng trên tấm ảnh, khuôn mặt Trúc Quỳnh toát lên vẻ đẹp thanh tú, thánh thiện… Tim hắn đau nhói và không cầm được nước mắt! Hắn nói với Trúc Quỳnh như nói với chính mình:
– Hãy tha thứ cho anh! Chiến tranh đã cướp mất tuổi thanh xuân nên đành lỗi hẹn!. Anh yêu em mãi mãi. Cầu mong em bình yên trên đất chúa!.
Về trạm giao liên M2 thuật lại mọi việc vừa mới xảy ra với chị trưởng trạm. Chị trạm trưởng không giấu được sự kinh ngạc về hiện tượng siêu nhiên hắn kể. Nhờ chị mà hắn được biết: Cuối năm 1971, Quỳnh và bảy cô gái thanh niên xung phong tuổi đời chưa quá 20 đã hy sinh trong một trận đánh bom của máy bay B52 lúc họ đang làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, tuyến đường chiến lược góp phần không nhỏ vào chiến thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Đồng đội may mắn còn sống sót cùng với bà con địa phương lo mai táng 8 cô gái trẻ trên đồi hoa sim, phía bên kia ngọn đồi AI. Riêng mộ Trúc Quỳnh, trên tấm bia dựng tạm được gắn thêm bức ảnh bán thân, di vật duy nhất của nàng.
Ngay trong ngày hôm đó, trước khi tiếp tục cuộc hành trình về đơn vị cũ, hắn đến nhờ già làng trong bản thường xuyên cho người đến chăm sóc mộ Trúc Quỳnh và đồng đội của em.
Hai mùa xuân sau, trước khi sang Liên Xô du học, hắn trở lại đồi sim thăm mộ Trúc Quỳnh. Tám ngôi mộ của tám cô gái thanh niên xung phong đã được xây lại bằng gạch nung, mỗi ngôi mộ có dựng tấm bia ghi rõ tên, họ, quê quán, ngày tháng hy sinh. Riêng mộ Trúc Quỳnh, ngoài tấm ảnh bán thân, bên cạnh còn có cây ban đang trổ bông, những bông hoa trắng ngần thanh khiết, ngan ngát tỏa hương giữa ngút ngàn hoa sim tím.
11/6/2022
Trần Quang Lộc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...