Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Hùm xám Bắc Sơn gặp phóng viên Tây

Hùm xám Bắc Sơn
gặp phóng viên Tây

Trong khói nhang trầm, tôi cúi đầu tưởng nhớ vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 28 tháng 8 năm 1945 đến mùng 2 tháng 3 năm 1946.
Trong buổi gặp đạo diễn người Pháp Gérard Guillaume năm 1968, Bác Hồ dặn: “Nếu ông muốn quay đơn vị du kích đầu tiên đã nổi dậy chống thực dân Pháp từ những năm 1940 thì phải lên Bắc Sơn gặp ông Chu Văn Tấn, con hùm xám Bắc Sơn…”
Nhưng do hoàn cảnh lúc bấy giờ, phải đến tháng 3 năm 1972, Gérard Guillaume mới gặp được tướng Chu Văn Tấn. Đoàn làm phim của Gérard gồm quay phim, ánh sáng, thu thanh, biên tâp toàn là người Pháp. Tất cả đều là những người đến Việt Nam lần đầu tiên. Tôi được Ủy ban Văn hóa đối ngoại phân công làm phiên dịch cho đoàn và… kiêm luôn việc tổ chức quay phim, chủ nhiệm, hậu cần v.v… Năm ấy thiếu người nên đa số anh em phải đảm nhiệm nhiều việc. Gérard quá phấn khởi: “Trời ơi! Hãy tưởng tượng xem. Được quay đơn vị du kích đầu tiên của Việt Nam từ những năm 1940. Lại sắp được gặp Con Hùm Xám Bắc Sơn”.
Những năm 1970-1980, các đoàn khách, nhất là nhà báo, quay phim nước ngoài muốn đi một tỉnh hay thành phố cách Hà Nội vài chục cây số đều phải có giấy phép của Sở Công an Hà Nội. Đằng này lên tận Thái Nguyên, Bắc Sơn!
Bí quá, tôi cầu cứu anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác và là người anh yêu quý giúp đỡ cánh phóng viên chúng tôi rất nhiều. “Bác chỉ thị như thế, khách họ cuống lên, đòi đi ngay lên gặp thượng tướng Chu Văn Tấn và quay hang Bắc Sơn. Anh mà không giúp thì em cũng bó tay luôn”.
Anh Vũ Kỳ vẫn nhớ rõ chỉ thị của Bác từ năm 1968. Như có phép màu, ngay tối hôm ấy, một tờ giấy cứu nguy:
“Thực hiện chỉ thị của Bác, nay cho phép đoàn làm phim của Đảng Cộng sản Pháp lên Thái Nguyên, Bắc Sơn, Võ Nhai để làm phim về thượng tướng Chu Văn Tấn. Đề nghị các cơ quan hết sức giúp đỡ.
Sau đây là danh sách Đoàn:
Đạo diễn: Gérard Guillaume… 
T/L. Bác
Ký tên: Vũ Kỳ”.
Thế là: Vừng ơi! Mở cửa ra! Với “lá bùa” Vũ Kỳ trong tay, chúng tôi hối hả lên đường ngay tờ mờ sáng ngày 16 tháng 3 năm 1972, hướng Thái Nguyên thẳng tiến.
Con đường trải nhựa nham nhở đá từ Hà Nội đến thị xã Thái Nguyên thật khó đi. Gần bảy tiếng đồng hồ mò mẫm, ba lần lạc đường, chúng tôi mới đến được ngôi nhà của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Nằm trên một ngọn đồi, ngôi nhà chìm trong bóng tối. Gõ cửa mãi, mới thấy dưới ánh sáng mờ mờ của một ngọn đèn dầu, một chú bộ đội, đầu tóc bù xù, quân phục xộc xệch hỏi to: “Có phải đoàn làm phim của người nước ngoài đấy không? Trạm bảo vệ báo từ trưa mà bác Tấn chờ mãi không thấy nên về nhà rồi”. Bước đầu đã thấy bất lợi!
Chú Tân bảo vệ đưa chúng tôi về Chiêu đãi sở, một dãy nhà mái ngói chạy dài phía bên trái của chiếc sân rộng. Cả bốn người Pháp suốt ngày mệt nhoài trên những con đường chưa lấp hết hố bom, nằm vật ra, không một tiếng nói. Thị xã hôm nay mất điện, tối om. Căn phòng nóng hầm hập.
Đang nằm lơ mơ trong bóng tối, bỗng có tiếng đập cửa: “Dậy đi. Dậy đi. Bác Tấn đến”.
Chưa kịp nhổm dậy, cánh cửa mở toang. Lố nhố năm sáu chiếc đèn bão, một bóng người cao to, một giọng nói oang oang: “Chào các đồng chí. Chờ lâu quá, tôi về nhà lua vội bát cơm, không kịp gặp. Xin lỗi, xin lỗi nhé. Nào, chúng mày đem đèn vào đây”. Như có một chiếc đũa thần, trong vài phút, căn nhà bừng sáng. Một mâm cơm với gà luộc, canh măng, cá rán kèm một chai rượu trắng được bưng lên. Ông xua tay đập đập vào giường của mấy người Pháp chưa kịp tỉnh ngủ: “Chắc là đói bụng lắm rồi phải không? Dậy ăn vài miếng là hết mệt mà. Rượu Việt Bắc ngon lắm đấy”. Không hiểu tiếng Việt nhưng có lẽ mùi thơm của gà, cá, măng… đã làm cả đoàn vùng dậy. Sau khi nâng vài chén rượu “nhà nấu”, xì xụp một bát canh măng nóng hổi, cả đoàn xúm quanh vị tướng huyền thoại.
Chuyện trò tíu tít, Gérard rạng rỡ hỏi dồn dập, tôi dịch liên tục, không húp vội nổi một bát canh. Ấn tượng đến nỗi hàng chục năm sau, Gérard hễ gặp tôi là nhắc: “Thật là một con người đáng quý”.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường về xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai. Những dãy núi đá phủ cây xanh sừng sững vươn dài đến tận chân trời. Khu rừng già với những tán cây cổ thụ rậm rạp, cao vút đã che kín hang Dơi. Con đường dốc ngược ghồ ghề sỏi đá chỉ vừa lọt hai bước chân người. Tiếng chim rừng vang vang. Phong cảnh hùng vĩ của chiến khu Việt Bắc làm quay phim Frédéric mê man ghi cảnh, thu thanh Alix Comte núp vào một bụi cây để thu tiếng động của đủ loại côn trùng…
Hai tay bảo vệ, dao quắm cầm tay, ra sức phạt cây, đốt lá, mở đường vào hang Dơi. Trong ánh sáng nhập nhòe của vòm hang sâu, ngồi trên một phiến đá nhấp nhô, bác Chu Văn Tấn, đôi mắt tinh anh, vóc dáng vạm vỡ trong bộ quân phục màu cỏ úa, nở một nụ cười thật hiền lành: “Tôi cảm ơn các đồng chí đã không ngại khó khăn từ nước Pháp đến với khu tự trị Việt Bắc chúng tôi…” Sau đó là những lời giải thích cặn kẽ về việc thành lập Khu Tự trị Việt Bắc, về ngày thành lập đội Du kích Bắc Sơn gồm 22 đồng chí tại rừng Khuổi Nọi ngày 14 tháng 2 năm 1941, về sự trưởng thành nhanh chóng để trở thành ba trung đội Cứu Quốc Quân trong tháng chín cùng năm. Và quan trọng là vào ngày 15 tháng 5 năm 1945, đội Cứu Quốc Quân của Chu Văn Tấn đã sáp nhập với đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp. “Từ những nhóm du kích lẻ tẻ, chúng tôi đã tạo nên một sức mạnh lớn, những bước đầu lịch sử của Việt Nam Giải Phóng Quân…” Giọng nói mạnh mẽ, khúc chiết, những tiếng cười sảng khoái của người chỉ huy du kích Bắc Sơn tám mươi năm trước vang vang trong vòm hang lịch sử…
– Còn tên gọi “Hùm Xám Bắc Sơn”?
Một tiếng cười thật giòn giã: “Thì Tây nó sợ du kích nên chúng nó rất sợ rừng. Rừng Việt Bắc thì có hùm, mà lại là Hùm Xám càng đáng sợ hơn nữa.
Chỉ trong tám tháng trong năm 1941, trước sự đàn áp giết chóc tàn bạo của lính Pháp tại khu vực Trường Xá, du kích Bắc Sơn quyết định đánh trả nhiều trận. Có lần chúng tôi chỉ có ba người mà mưu trí đánh trả cả vài chục tên lính Pháp. Chúng nó đứa thì chết tại trận, tụi còn lại phải rút chạy. Có một điều chúng nó không hề ngờ là hễ chúng rút về đồn bốt là quân ta lập tức rút vào hang sâu. Chỉ có mấy người thôi mà (cười rất to).
Nhằm gây thanh thế và phát triển lực lượng, anh em đã kể lại những trận đánh đầy mưu trí cho bà con các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Kinh, ở quanh vùng nghe. Chỉ trong một tháng 9 năm 1941, từ một tổ du kích Bắc Sơn, chúng tôi đã phát triển ra ba đội vũ trang lấy tên là Cứu Quốc Quân”.
Một nụ cười hóm hỉnh: “Các đồng chí ạ, tôi được bọn lính Pháp và cả bà con ta phong “Hùm Xám Bắc Sơn” là từ đấy!”
Một tràng pháo tay lan ra khắp hang Dơi. Không ai bảo ai, cả bốn người Pháp bỏ máy quay phim, chân máy, máy thu thanh xuống và vừa vỗ tay vừa ùa đến ôm chầm vị tướng…
Thun thút phía sau hang Dơi là những vách đá dựng đứng. Chi chít bao quanh những thạch nhũ hình thù quái dị là hàng ngàn đôi mắt tròn xoe, trợn trừng, lấp lánh một màu vàng rực, những cánh dơi lông lá màu xám đen treo ngược, chuyển động liên hồi… Frédéric vừa lia máy quay vừa lẩm bẩm: “Kỳ thú quá”…
Máy quay theo chân bác Chu Văn Tấn ra khỏi hang. Trời nắng ấm, tiếng chim rừng líu lo, rộn rã. Những ngôi nhà sàn nhấp nhô nằm xen những căn nhà trệt tường đất, mái tranh, đưa chúng tôi đến xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng thuộc huyện Võ Nhai, quê hương của đại gia đình họ Chu. Bỗng cả quay phim và kỹ sư thu thanh vội vã chạy vượt lên phía trước. Frédéric nhảy xuống một rãnh đất ven đường, nhô người lên bấm máy. Hai chú bé đang thong dong cưỡi trâu đi trên đường làng. Vóc dáng mảnh mai ung dung ngồi trên lưng trâu, hai bàn chân nhỏ bé dính đầy bùn thúc thúc vào cái bụng đồ sộ căng bóng của con trâu vùng núi to mập với cặp sừng nhọn bén, đã gây ấn tượng mạnh.
Bác Tấn nói với theo hai cháu bé: “Cứ tự nhiên đi, đừng nhìn vào máy quay!” Và thêm một nụ cười: “Trẻ con cho trâu về chuồng để đến lớp đấy”. Ông ngước mắt nhìn đạo diễn: “Trước kia, cả huyện chỉ có một trường tiểu học. Nay mỗi xã đều có từ một đến hai trường và trẻ em các dân tộc chúng tôi sau những lúc lao động với gia đình đều không bỏ lớp. Cha mẹ chúng phấn khởi lắm, mù chữ mãi rồi mà”.
Nhìn hàng chục bà con trong xã đang tiếp tục đào hào chống máy bay, bác Tấn nói to: “Đào đến đâu, nhớ ngụy trang đến đấy. Máy bay chúng nó tinh lắm, phải coi chừng”. Tiếng cười giòn giã: “Chúng tôi biết rồi. Không cho chúng nó thấy”.
Lao xao trên đường là những tiếng cười, tiếng chào, tiếng cuốc đất. Một cháu bé, đầu đội mũ rơm, tay cắp quyển vở, tay giữ chiếc quần dài lưng quá rộng, tò mò trố mắt nhìn chú quay phim người nước ngoài cao gần hai thước, đầu tóc tay chân lông lá một màu vàng hoe. Bác Tấn can thiệp ngay: “Mày nhìn cái gì. Người phe ta đang quay phim về quê mình đó”. Rồi đạo diễn luôn: “Mày nhảy xuống hào, rồi từ từ đi vào lớp học để họ thấy là vì máy bay Mỹ bắn phá mà trẻ con xã ta phải đến trường bằng đường hào dưới mặt đất đấy. Nhanh lên”. Chú bé cuống quýt nhảy xuống hào nhưng mắt vẫn nhìn chằm chằm vào Frédéric. Một tiếng nạt to: “Cái thằng này. Ông bảo mày đi vào lớp học chứ có bảo mày nhìn người ta như nhìn con khỉ trên rừng đâu? Mày con nhà ai đấy, thằng kia? Đã bảo đi đi mà cứ ngoái đầu lại”. Thằng bé khiếp vía, so vai, rụt cổ chạy cun cút… Buổi dạy dỗ của “đạo diễn” Ông với “diễn viên” Cháu thật đặc biệt.
Ngôi nhà sàn của vị trưởng họ Chu đã đông người. Y như tôi dự đoán, chẳng kịp chào hỏi, anh quay phim lao đến gần bếp lửa ở góc nhà và quay liên tục cảnh một người đàn ông khuôn mặt vuông vức, tóc cắt ngắn, đang vỗ vỗ tay trên miệng một ống thuốc lào. Máy quay bấm liên tục từ lúc ông cầm cây đóm mồi lửa vào tẩu đến lúc rít một hơi dài để một làn khói mỏng bay ra. Chú Alix Comte, thu thanh, thì thào: “Hút thuốc phiện à?”. Tôi vội lắc đầu: “Thuốc lào”. “Thuốc của nước Lào à?” Tôi chưa kịp giải thích, bác Tấn hình như hiểu câu hỏi của chàng người Pháp: “Đây là một loại thuốc có tên là thuốc lào nhưng trồng ở miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi bỏ trồng cây thuốc phiện lâu rồi. Đồng chí có muốn thử không?” Chàng Alix gật đầu lia lịa. Mọi người xúm quanh. Khi tiếng nõ kêu tách tách thật giòn giã, mấy cô gái nãy giờ im lặng bỗng đập vào vai nhau, nhìn chàng trai Pháp, cười nghiêng ngả. Phấn khởi quá, Alix rít mạnh vài hơi. Khói thuốc tuôn ra nhòe nhoẹt. Tiếng vỗ tay đôm đốp rung cà sàn nhà. Bỗng, phịch, phịch, Alix hai mắt đờ đẫn, mặt đỏ bừng, lảo đảo ngồi sập xuống, chiếc máy thu thanh Ariflex rời khỏi vai. “Nó say thuốc ấy mà. Không sao đâu”, một bác tóc bạc phơ vừa cười vừa nói với lên một câu tiếng Tày. Bà cụ áo chàm, vòng kiềng bạc, ngồi canh bếp lửa nhỏm ngay dậy và bưng đến cho Alix một bát nước màu nâu nâu: “Uống đi, khỏi ngay ấy mà”. Bà huơ huơ tay, rồi chỉ vào mồm, ra hiệu: “Uống. Uống”. Alix mắt đỏ ngầu, tay run run, đỡ bát nước tu một hơi, rồi tựa đầu vào cột, thở dốc, mái tóc bạch kim bết mồ hôi che hết mặt mày. Bác Tấn điềm nhiên đưa hai tấm ảnh lớn ra trước mặt Gérard: “Đây là ảnh bố mẹ tôi. Hồi đó không có máy ảnh, vẽ truyền thần đấy”. Rồi vừa cười vừa đủng đỉnh nói tiếp: “Đừng lo. Khỏi ngay ấy mà”. Chưa dứt lời, Alix đã mở bừng mắt, ngơ ngác nhìn quanh. Cả gian nhà rộ tiếng cười, tiếng hoan hô.
Trong bữa ăn chiều với cơm lam và thịt trâu nướng, Alix phân trần: “Mỗi ngày tôi hút hết hai bao thuốc lá Gauloises, loại nặng nhất. Sáng, chiều, bốn ly cà phê đen không đường vẫn làm việc bình thường. Nay chỉ có một nhúm thuốc lá Việt Nam cắt vụn mà say như thế này! Chả trách lính Pháp sợ du kích Việt Nam là đúng rồi”.
Đang ngồi xếp bằng cùng ăn với đoàn, bác Tấn cầm một thanh cơm lam đã tước phần vỏ cứng nhanh nhẹn trao cho cô trợ lý đạo diễn xinh đẹp Nadine: “Gạo nương nấu cơm lam vừa dẻo vừa thơm. Đặc sản vùng núi đấy. Mấy ngày nay đoàn chưa được nếm cá suối Việt Bắc. Tối mai sẽ đãi các đồng chí một bữa”. Tiếng cười nói, tiếng cụng ly kéo dài đến tận khuya. Nổi bật lên là tiếng hát giọng ồ ồ của tướng quân Hùm Xám. Vài chai rượu trắng nằm lăn lóc bên một góc nhà.
Sáng hôm sau, khi kéo nhau ra một con suối gần Chiêu đãi sở đã thấy bác Tấn, quần áo màu xanh chàm giản dị như một người dân trong bản. Năm chú lính cầm dây điện, pin, thuốc nổ theo sau. Anh nào anh nấy ướt như chuột lột. “Chúng nó lặn từ sáng mà chỉ có vài con cá ranh. Đành vi phạm một tí vậy. Chúng mày làm trong phạm vi gần con suối thôi nhé”.
Ba chú lính nhảy ùm xuống nước, loay hoay một hồi rồi nhanh chóng lên bờ. Một tiếng nổ vang lên. Nước tung bọt trắng xóa. Rồi cơ man nào là cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Năm chú lính lao xuống. Cả ba chàng Pháp hò reo khản cổ, cởi vội quần dài, vứt cả máy quay, lao xuống theo, hai tay vớt vội những chú cá dồn vào một chiếc sọt tre.
Cả ba sọt đã đầy chật mà trên mặt nước vẫn lềnh bềnh những thân cá phô mình trắng phếu. Bác Tấn lúc đầu còn đứng nhìn. Sau vung vẩy chân tay, vừa cười rất to vừa chạy dọc ven suối cổ vũ mấy chàng Tây. Bỗng bác cúi xuống định cởi chiếc quần dài. Một tay bảo vệ lao đến, xua tay rối rít: “Báo cáo thủ trưởng… Báo cáo bác…” Ông Hùm Xám nạt to: “Phiền phức. Thằng này. Báo cáo báo mèo gì? Ông còn bơi giỏi gấp mấy lần chúng mày chứ lỵ”. Rồi cứ quần đùi, lưng trần, ông Hùm Xám lao xuống nước, la hét, cười nói oang oang, nhét vội mấy con cá vào lưng quần. Cả mấy bảo vệ vội lao đến bơi quanh vị thủ trưởng quá nồng nhiệt của mình. Ba anh chàng người Pháp, cười toe toét, cũng vung tay, đạp chân bơi theo. Cả một con suối vang dậy tiếng hò reo.
Buổi chiêu đãi cá suối nướng, cá suối hấp, cá suối rán cùng đậm đà hương rượu miền núi thơm nồng kéo dài bên dòng nước lộng gió. Tiếng cười giọng hát tiếng Tày, tiếng Việt, tiếng Pháp hòa inh ỏi cùng những âm thanh rộn rã về đêm của rừng đại ngàn…
Hai ngày sau, đoàn quay tiếp một cửa hàng cung cấp vải vóc, dầu đèn và hai lớp mẫu giáo và vườn trẻ. Một cô bảo mẫu, người thon thả, da ngăm đen, hai mắt hơi xếch sắc lẹm, đôi gò má cao cao làm chàng quay phim Pháp ngẩn ngơ. Frédéric ghé tai tôi: “Madame đưa cô này sang Pháp thi hoa hậu đi”. Chú lái xe Ngọc đi theo thì dè bỉu: “Ngữ này, gầy dơ xương, da đen sì, lưỡng quyền cao, mắt liếc láo liên, xấu thế thì ế chồng là cái chắc”.
Đông Tây thật khó gặp nhau.
Mười ngày sống với núi rừng Việt Bắc qua thật nhanh. Trong bữa tiệc chia tay, bác Tấn đãi đoàn một buổi liên hoan văn nghệ. Trên sân khấu mờ mờ ánh đèn dầu, hơn mười thiếu nữ Tày xinh đẹp, áo dài dân tộc màu chàm, cổ đeo vòng bạc lấp lánh, ngồi thành hình vòng cung trên chiếc sân khấu rộng nửa chìm trong bóng tối, cất giọng ca bằng tiếng dân tộc, tay cầm đàn tính tẩu, chiếc đàn ba dây, cán dài trang điểm thêm mấy dây tua rua ngũ sắc. Lúc đầu, hai chàng trai vừa nhún nhảy theo nhịp của những chùm sóc nhạc, vừa bấm máy quay máy thu thanh cho chạy hết công suất. Nhưng cứ xong bài này liền chuyển sang bài khác, tiếng đàn tiếng hát cứ đều đều cất lên như tiếng suối thì thầm làm bầu không khí bắt đầu lặng đi. Bỗng tiếng Hùm Xám vang lên: “Sao chúng mày cứ ngồi ru rú ở phía sau sân khấu thế? Đèn thì tối om om, làm sao mà quay phim được?”
Từ phía sau, bốn người cầm thêm bốn ngọn đèn bão chạy vội lên sân khấu. Các cô diễn viên nhỏm cả dậy, rùng rùng kéo ghế ra phía trước. Bác Tấn chỉ huy luôn: “Chúng mày mặt mày sao cứ khó đăm đăm như thế? Và hát to lên, cho rõ lời. Hát Then mà cứ eo éo như mèo kêu thế kia thì còn ai hiểu được cái gì”. Sân khấu rộn rã hẳn lên. Bác Tấn dịu giọng giải thích: “Từ xưa, tổ tiên chúng tôi đã có hát Then. Then là Thiên. Đó là khúc hát gửi đến thần tiên cầu mong được tai qua nạn khỏi, bình an may mắn. Nhạc và lời hay lắm mà chúng nó chưa hiểu hết ý nghĩa nên cứ ê a ê a sốt ruột”.
Tôi còn nhớ hai câu bác dịch cho đoàn: “Gió rừng ơi đưa câu hát đi xa/ Ai đi cho gửi theo lời hẹn/ ố… ố ơi, ố ơi…”
Bộ phim Hùm xám Bắc Sơn được chiếu nhiều lần trên các kênh truyền hình Pháp. Đạo diễn Gérard Guillaume liên tục báo tin vui cùng một Giải thưởng Lớn tại Liên hoan phim Grenoble vào những năm 1970. Riêng ở Việt Nam, không hiểu vì sao, phim không thấy chiếu.
Cuộc đời người làm phim tài liệu xê dịch liên miên, mãi mấy chục năm sau tôi mới có dịp trở lại Bắc Sơn.
Con Hùm Xám oanh liệt một thời nay đã nằm yên nghỉ song song với mộ của người vợ tận tụy của mình trên một ngọn đồi cao ngay phía sau ngôi nhà của dòng họ Chu tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
Trong khói nhang trầm, tôi cúi đầu tưởng nhớ vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 28 tháng 8 năm 1945 đến mùng 2 tháng 3 năm 1946.
Là một trong chín thiếu tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam được phong năm 1948 và mười một năm sau là một trong hai thượng tướng đầu tiên của đất nước ta. Trong suốt hai mươi năm và ba trăm năm mươi ba ngày, từ tháng 7 năm 1960 đến 24 tháng 6 năm 1981, ông là phó Chủ tịch Quốc hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Do những điều kiện lịch sử thời bấy giờ, năm 1984, khi Con Hùm Xám vĩnh biệt cuộc đời, ông chỉ được an táng một cách lặng lẽ tại nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội. Sau này, người con trai của ông, anh Chu Thành, đã cải táng và đưa về nghĩa trang của gia đình tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Nhưng “Hùm chết để da, người chết để tiếng“, oai danh của Hùm Xám Bắc Sơn đã trở lại. Ngày 21 tháng 6 năm 2011, Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã công nhận người anh cả đầu tiên của lực lượng du kích Việt Nam Chu Văn Tấn là lão thành cách mạng.
Ngày 16 tháng 12 năm 2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã về Võ Nhai thành kính dâng hương tưởng niệm.
Rời hai ngôi mộ trong buổi chiều trời trở gió, trong tôi còn đọng lại lời nhắn cuối cùng của Hùm xám Bắc Sơn với con trai mình: “Tao bảy mươi tư rồi. Dạo này mệt. Lỡ có việc gì thì… nhớ đưa tao về… nằm với các bác trên quê!”.
6/6/2021
Xuân Phượng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...