Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

"Lòng ta say chiến trận đã thành thơ" - Đọc thơ Huỳnh Văn Nghệ

"Lòng ta say chiến trận đã
thành thơ" - Đọc thơ Huỳnh Văn Nghệ

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ có một hồn thơ đẹp, một cốt cách lạ, vừa mạnh mẽ, vừa hồn hậu, vừa rất riêng và cũng rất chung. Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ của nhân dân, của Chiến khu Đ anh hùng…
Nhà thơ – chiến sĩ  Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) đã được tặng Giải thưởng Nhà Nước về văn học-nghệ thuật (2006) và truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2010). Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tôn vinh ông như một người con anh hùng và một nhà thơ lớn của đất Đồng Nai và của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. TS Huỳnh Văn Tới còn nhận ra một tầm vóc khác của ông trong bài viết: “Huỳnh Văn Nghệ-Thi tướng của dân gian”. Ông khẳng định: “Cái gì còn lại sau khi những cái khác đã mất đi, đó là văn hóa”-điều còn lại của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ trong dân gian chính là giá trị văn hóa từ dân gian, vì dân gian”.[1]
Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy, nhà thơ Đàm Chu Văn, và các tác giả như Nguyễn Nguyên Phượng, Nguyễn Huy Hùng, Phan Xuân, Hoài Nguyễn, Tân Linh… đã viết khá đầy đủ về cuộc đời và giá trị thơ của Huỳnh Văn Nghệ [2] các tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh “tướng” (“nhà thơ-chiến sĩ” Huỳnh Văn Nghệ) để từ đây lý giải nội dung thơ. Đó là cách giải mã thơ có sức thuyết phục.
Tuy nhiên còn nhiều điều chưa được làm rõ về phẩm chất thi sĩ, cá tính sáng tạo của Huỳnh Văn Nghệ. Thơ của Huỳnh Văn Nghệ có vị trí nào trong văn học dân tộc trước và sau 1945 (thơ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ)
Nhà thơ- chiến sĩ
Tên gọi “Nhà thơ-chiến sĩ” chỉ xuất hiện từ sau 1945. Hình ảnh này trước hết là hình ảnh nhà thơ lớn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, Người vừa đánh giặc vừa làm thơ (Lên Núi, Không Đề, Nhớ Bùi Công…) và thế hệ nhà thơ chống Pháp xuất thân từ người lính như Chính Hữu, Hồng Nguyên, Quang Dũng…Danh xưng này vừa mang đặc điểm nhà thơ kháng chiến, vừa chứa đựng trong nó truyền thống vừa làm thơ vừa đánh giặc của cha ông như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi… và nối tiếp đến thế hệ nhà thơ chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân…
Huỳnh Văn Nghệ nằm trong truyền thống này. Năm 1948, Huỳnh Văn Nghệ viết bài Dòng sông xanh như một tuyên ngôn thơ. Người chiến sĩ và nhà thơ ở Huỳnh Văn Nghệ là một, một người như mọi người, ở giữa mọi người.
Bờ sông xanh hôm nay buộc ngựa
Kiếm gối đầu theo gió thổi hồn cao
Thơ tôi đây cũng hoa bướm muôn màu
Lòng tôi đây, cũng vui sầu như bạn
Tôi cũng biết nhớ thương tơ tưởng
Nào chỉ là võ tướng hay thi nhân
Tôi là người lăn lóc trên đường trần
không phân biệt lúc mài gươm múa bút
Đời chiến sĩ máu hòa lệ mực
Còn yêu thương là chiến đấu không thôi
Cần nhận rõ một trong những đặc điểm của cá tính sáng tạo Huỳnh Văn Nghệ là phẩm chất nhà thơ và người chiến sĩ không tách biệt: Tôi là người lăn lóc trên đường trần/ không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hòa lệ mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi.
Điều này giúp ta hiểu tại sao đối tượng, đề tài, cảm hứng và nội dung thơ Huỳnh Văn Nghệ tập trung vào đời sống chiến đấu ở chiến khu Đ thời kháng chiến chống Pháp. TS Huỳnh Văn Tới ghi nhận: “Tác phẩm của Huỳnh Văn Nghệ đã thể hiện rõ nét hiện thực kháng chiến gắn với lịch sử chiến khu Đ hào hùng. Qua những bài thơ nóng hổi hơi thở cuộc sống, người đọc bắt gặp những hình ảnh, nhân vật, sự kiện rất thật của đời thực”[đd].
Nhà thơ Đàm Chu Văn khẳng định: “chính ở Chiến khu Đ, chiến khu của miền Đông gian lao mà anh dũng, Huỳnh Văn Nghệ đã viết được những câu thơ, bài thơ đẹp nhất của đời mình…Ông là người đã viết nên pho lịch sử Chiến khu Đ độc đáo bằng THƠ.”[2c]
Nguyễn Nguyên Hùng cũng ghi nhận: “Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả gươm và bút. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”. Làm thơ để đánh giặc, động viên những người ra trận, vì thế mà các bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ đều phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu gian khổ, oanh liệt ở chiến khu. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một trận bão lụt, một chiến sĩ hy sinh… tất cả ùa vào thơ ông, mang nguyên những bụi bặm chiến trường, nhiều khi như một phóng sự, ghi chép sự kiện.[2e]
Huỳnh Văn Nghệ có một vùng sáng tác riêng. Đó là đời sống chiến đấu và núi rừng chiến khu Đ, nơi ông đã góp phần xây dựng, cũng là nơi ông trực tiếp chỉ huy làm nên những chiến công vang dội như trận La Ngà ngày 1.3.1948, đơn vị ông được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Chiến công, riêng Trung đoàn trưởng Huỳnh Văn Nghệ được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thưởng riêng một áo trấn thủ.…
Nguyễn Nguyên Hùng khẳng định: “Thơ Huỳnh Văn Nghệ dường như chỉ nói về Chiến khu Đ, nếu đem sắp chúng theo trật tự biên niên, ta sẽ có gần đủ một cuốn lịch sử Chiến khu Đ bằng thơ. Qua thơ của ông, người đọc sẽ trả lời được câu hỏi: Chiến khu Đ ra đời trước hay sau ngày Nam Bộ kháng chiến, điều mà rất nhiều người còn thắc mắc: “Chiến khu Đ có từ thuở ấy/ Có một anh đồng chí/ Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi/ Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai/ Lập chiến khu nuôi chí lớn” (Du kích Đồng Nai).[đd]
Bùi Quang Huy khái quát hơn: “Ngẫm lại, Huỳnh Văn Nghệ như một giấc mơ. Mà đó là giấc mơ đẹp và hình như chỉ đến một lần nên người đời luôn nhớ lại và khát khao…Huỳnh Văn Nghệ đã thỏa mãn “giấc mơ” của những người thợ, của những dân cày ở đất miền Đông trên nhiều phương diện: Hiện thực và lý tưởng, ý chí và tâm hồn, phóng khoáng và dũng mãnh, gan dạ và thông minh,… Từ người “nông dân – tướng cướp” Chín Quỳ đến bậc “trưởng lão” Trần Văn Giàu, người khuyên Huỳnh Văn Nghệ đi lập Chiến khu Đ đều tìm thấy ở ông một phần giấc mơ đã thành sự thật…”
Cốt lõi cá tính sáng tạo của Huỳnh Văn Nghệ là hồn thơ trong veo, mộc mạc và đậm chất lãng mạn. Nếu đọc Hoàng Văn Bổn, (Miền đất ven sông, Trên mảnh đất này, Lũ chúng tôi…) hiện thực kháng chiến miền Đông Nam bộ hiện lên hết sức khốc liệt, máu và nước mắt, bi thương không sao tả xiết. Ngòi bút sử thi của Hoàng Văn Bổn tập trung miêu tả cái bi thương và cái hào hùng, có cả những cái ngổn ngang xô bồ của một thời.
Trái lại, cũng hiện thực ấy, trong thơ Huỳnh Văn Nghệ lại hiện lên rất đẹp. Mặc dù không phải là không có bi thương. Dân phải đốt nhà tiêu thổ kháng chiến (Mẹ buồn: “Thấy mẹ buồn, con hỏi /“Má tiếc gì má ơi!/ Nhà mình con đốt rồi/ Kẻo mai thành bót giặc”.) Biên Hòa đã mất (“Biên Hòa đã mất/ Chiến khu Đ cờ vẫn đỏ ngọn cao./ Du kích Tân Uyên ngày đào đắp chiên hào/ Đêm tập một, hai vang trường Đất Cuốc/ Già, trẻ, gái, trai rộn ràng tập hát / Tiến quân ca.”), Mất Tân Uyên (“Và từ đó dân Tân Uyên anh dũng/ Vào chiến khu dựng lại mái lều tranh/ Quyết kháng chiến cho đến ngày toàn thắng/ Bóng cờ son in lại đáy sông xanh.), Bờ sông bị chiếm (“Mất bờ sông là mất một nửa chiến khu/ Mất nước ngọt, bờ tre gió mát./ Thuyền tiếp tế, lúa khoai chìm đáy nước/ Đường giao thông liên lạc đứt đôi bờ./ Nhưng quân thù vẫn sợ lòng chiến khu/ Cờ đỏ vẫn phất cao cành cổ thụ”) với rất nhiều hy sinh: Em bé liên lạc bị giặc bắt chặt đầu (Em bé liên lạc), Đầu năm 1946, ông Nguyễn Văn Xiểng, Nghị sĩ Quốc hội người thiểu số tỉnh Biên Hòa trên đường đi Hà Nội để họp Quốc hội lần đầu tiên, bị giặc bắt giết hại tại Xuân Lộc (Cái chết của anh Xiểng), cái chết của anh công binh (Nấm mộ giữa rừng) và bão lụt tàn phá chiến khu (Chiến khu Đ chống bão.
Huỳnh Văn Nghệ đã nhìn hiện thực bằng một hồn thơ sáng trong. Những bi thương đã thăng hoa thành cái đẹp bình dị và hào hùng. Lời thơ của ông chân thực, một mạc, tự nhiên như ngôn ngữ đời thường, không trau chuốt nhưng “thi tính” vẫn hiện lên lấp lánh, hấp dẫn và rất riêng (xin đọc Mẹ buồn)
Thấy mẹ buồn, con hỏi
“Má tiếc gì má ơi!
Nhà mình con đốt rồi
Kẻo mai thành bót giặc”.
Mẹ nhìn con âu yếm
Vuốt tóc con, mỉm cười
“Thằng này nó coi tôi
Như học trò của nó
Má đẻ ra mày đó
Không nhớ, má nhắc cho.
Nhà má có ra tro
Con càng lo đánh giặc.
Nhưng mà má chỉ tiếc
Cái ống ngoáy trầu thôi”
Tôi nghĩ khó có nhà thơ nào viết được những câu thơ trong trẻo như thế về nhân dân. Cái đẹp và phẩm chất anh hùng của nhân dân hiện lên rất đỗi bình dị, có lẽ không thể bình dị hơn. Dân tộc này từ xưa vẫn bình dị như vậy.
Điều làm nên sự bình dị đẹp đẽ và hào hùng của thơ Huỳnh Văn Nghệ là ở
Cái Tôi nhà thơ. Đó là một Cái Tôi nhân dân. Nhà thơ suy nghĩ, cảm xúc, và sống như nhân dân, không có chút riêng tư nào vướng bận. Cái Tôi này khác hẳn với Cái Tôi cá nhân chủ nghĩa trong thơ lãng Mạn trước 1945, cũng khác với Cái tôi trữ tình trong thơ kháng chiến (Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu). Chính Cái Tôi này làm nên cốt cách thơ Huỳnh Văn Nghệ và là một đặc điểm cá tính sáng tạo.
Trong bài Tình Súng (1952), Huỳnh Văn Nghệ nằm mơ ngày độc lập về quê thăm mẹ. Mẹ hỏi “Hỏi mày giết giặc mấy thằng / Vợ con, sự nghiệp, chiến công những gì?”, nhà thơ kể lại chiến công như nói chuyện đời thường, chuyện nhỏ. Bởi vì, nhà thơ là con của nhân dân, chiến công là của nhân dân. Nhà thơ, chỉ kể lại sơ lược cho mẹ biết để mẹ mừng:
“Thưa mẹ đây báng súng
Còn ghi mấy chiến công,
Chỗ này là trận Bưng Còng
Còn đây Bến Sắn thành công mới rồi
Trảng Bom lửa cháy ngập trời
Là Ngà xe giặc, tơi bời giữa trưa
Còn đây là trận Gò Dưa
Lệnh kèn chưa dứt, giặc thua tan tành.
Máu thù mã tấu còn tanh
Súng còn thơm khói, đôi chân ướt lầy.
Vết thương Mỹ Quới còn đây
Nhăn nheo da ngực khác gì huân chương”.
(Tình súng)
Trái lại, Cái Tôi trữ tình trong thơ kháng chiến chống Pháp ít nhiều đượm buồn và chưa hoàn toàn thoát khỏi chất lãng mạn của thơ trước 1945:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
 Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
(Đồng chí-Chính Hữu)
Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ước mơ sương
Màu trắng vôi lờm lợp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi đau gì không ?
(Nhà tôi-Yên Thao)
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy núi Ba Vì
(Đôi mắt người Sơn Tây-Quang Dũng)
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong long Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(Đất nước-Nguyễn Đình Thi)
Vì Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ-chiến sĩ, hồn thơ ông là đời sống kháng chiến của nhân dân, nên khi ông ra Bắc và công tác ở những môi trường khác (1953), ông vẫn sống với chiến khu Đ những ngày kháng chiến: Du kích Đồng Nai (1954), Hội nghị bình công (1954), Lịch sử quê hương (1954), Hành quân (1955), Cái chết của anh Xiển (1956).
Năm1960 khi Huỳnh Văn Nghệ ở Hà Nội. Ông viết bài thơ Chiến khu Đ chống bão. Người đọc nếu không đọc năm sáng tác ở cuối bài thơ có thể sẽ nghĩ rằng tác giả là người đang trong cơn bão lũ. Trận bão lụt đã xảy ra 8 năm trước đo: năm Nhâm Thìn 1952. Điều này cho thấy hồn thơ ông sống động với những ký ức về chiến khu Đ như thế nào.
Sáng tạo nghệ thuật
Phẩm chất thi nhân thể hiện ở sự sáng tạo. Đọc thơ Huỳnh Văn Nghệ, người đọc nghĩ rằng ông ghi lại “nguyên si” chuyện người thật việc thật, không thấy dấu vết của sự trau chuốt hay hư cấu sáng tạo gì. Lời thơ mộc như lời nói hàng ngày đi vào thơ tự nhiên. Thí dụ, Huỳnh Văn Nghệ kể chuyện nhân dân dánh Tây:
Giặc về lấy miễu Bà Cô
Đóng đồn kiểm soát đôi bờ sông xanh.
Bắt dân đắp lũy xây thành
Giết người ngay giữa sân đình sớm trưa.
Đồng bào bàn tán xôn xao:
“Bà Cô thiêng lắm, lẽ nào sợ Tây
Quân ta muốn đánh bót này
Xin bà phò hộ trở tay dễ dàng…”
Xóm trên, xóm dưới luận bàn
Trăm mưu, ngàn kế trung đoàn tấn công.
Người thì chỉ cách qua sông
Đường đi nước bước thuộc lòng từng ly.
Người xin mở cửa thép gai
Người thề cướp súng cối xay cạnh đình.
Buồng thờ chúng nhốt tù binh
“Tượng bà, chúng bện bù nhìn gác sông”.
Tình hình nắm vững ngoài, trong
Trung đoàn quyết định tấn công bất ngờ
(Nhờ Bà Cô)
Nhưng nếu nghĩ Huỳnh Văn Nghệ chỉ sao chép hiện thực thì người đọc sẽ không nhận ra sự độc đáo sáng tạo của Huỳnh Văn Nghệ, điều làm nên phẩm chất thi nhân của ông.
Ông Huỳnh Văn Nam, con trưởng thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cho biết [3], xuất xứ của bài thơ Tiễn bạn về Bắc (Nhớ Bắc) là buổi tiễn bạn tại sân ga Sài Gòn 1940. Hoàn cảnh cụ thể như sau. “Nhân sự kiện quan trọng thông tuyến đường sắt Bắc – Nam, Sở Hỏa xa Sài Gòn được Nhà nước bảo hộ ưu tiên một số vé cho nhân viên đi tham quan Hà Nội bằng xe lửa. Do số lượng ghế ngồi hạn chế nên sở phải tổ chức bốc thăm, người nào bốc trúng vé mới được đi. Huỳnh Văn Nghệ may mắn là người duy nhất của Văn phòng Sở Hỏa xa bốc trúng vé đi tham quan…Nhưng hai ngày trước khi lên đường, ông Nghệ quyết định nhường lại suất vé về Bắc cho người bạn tâm giao.
Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn, khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga Sài Gòn, Huỳnh Văn Nghệ đã phóng bút viết” những câu thơ tuyệt bút:
“Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.”
Ai về xứ Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hung đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?
(Tiễn bạn về Bắc-Huỳnh Văn Nghệ. 1940)
Lưu ý rằng, lúc này (1940) Huỳnh Văn Nghệ chưa là người lính, chưa là một vị chỉ huy quân sự tài ba với những chiến công lừng lẫy. Hơn thế ông đang sống trong thời của Thơ Mới với Cái tôi lãng mạn ngự trị trong thơ, nhưng Huỳnh Văn Nghệ đã thể hiện một hình ảnh thật mới lạ so với thơ đương thời, hình ảnh mà sau này có người gọi ông là “thi tướng”.
Nếu so sánh cùng đề tài đưa tiễn trong bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, bạn đọc sẽ thấy rõ sự khác biệt phong cách thơ của Huỳnh Văn Nghệ
“Đưa người ta không đưa sang sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đây hoàng hôn trong mắt trong”
(Tống biệt hành-Thâm Tâm. 1940)
Cuộc tiễn đưa của Huỳnh Văn Nghệ có cái khí phách sử thi, trái lại cuộc tiễn đưa của Thâm Tâm trĩu nặng nỗi buồn của “tráng sĩ một đi không trở lại”. Buổi tiễn đưa trên sân ga buồn buổi chiều sao lại có thể gợi những câu thơ, tứ thơ cao rộng trong không gian, thời gian, trong lịch sử dân tộc như vậy? Chỉ có thể giải thích bằng chính tài năng sáng tạo rất riêng của Huỳnh Văn Nghệ.
Bài thơ Tiếng hát giữ rừng Huỳnh Văn Nghệ làm tại chiến khu Đ 1946 là một sáng tạo khác:
Ngựa bỗng dừng chân
Bên quân y viện:
Giật mình nghe tiếng
Quốc ca vang.
Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng
Hay hội nghị cơ quan?
Sao chỉ một người cất giọng
Hát đi, rồi hát lại nhiều lần.
Xuống ngựa, buộc cương
Hỏi ra mới biết:
Bác sĩ đang cưa chân
Một chiến sĩ bị thương
Bằng cưa thợ mộc…
Bác sĩ vừa cưa vừa khóc
Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe
Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre
Anh chiến sĩ cứ mê mải hát.
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt
Máu cứ rơi từng vết đỏ bông.
Hai bàn tay siết chặt đôi hông.
Dồn hết phổi vào trong tiếng hát:
“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…”.
Đã hát đi hát lại bao lần
Vẫn chưa đứt xương chân
Vẫn chưa ngừng máu đỏ
Vừa xong băng bó
Anh lịm đi
Hồi hộp cả núi rừng
Tiếng hát mới chịu ngưng.
Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt.
Trở lên yên ngựa đi từng bước
Cúi đầu nén nỗi đau thương
Nhưng lửa căm hờn
Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy
Vang trời ngựa hí
Chí phục thù cháy bỏng tay cương.
CKĐ. 1946
Bài thơ kể chuyện anh thương binh phải cưa chân bằng cưa mộc, cách kể gọn, sống động, cố nén đau thương từ đó toát lên vẻ đẹp anh hùng của người chiến sĩ thương binh trong tình thương của Bác Hồ và của đồng đội. Đọc bài thơ, người đọc nghĩ rằng Huỳnh Văn Nghệ chỉ ghi lại sự việc mình chứng kiến mà không có sáng tạo gì. Xin chú ý đến thể thơ, giọng thơ, nhịp kể, cách chọn chi tiết để tả, sự kết hợp rất tài tình giữa kể và tả, giữa phản ánh sự việc và thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người trong một hoàn cảnh cùng cực.
Và xin nghe câu chuyện sau đây [4] để nhận ra phẩm chất thi nhân của Huỳnh Văn Nghệ:
“Một trong những người thương binh đầu tiên của tỉnh Biên Hoà là anh Bùi Xuân Tảo, một thanh niên làm công nhân cao su là dân contrat, ký hợp đồng với bọn mộ phu vào Nam Kỳ tham gia bộ đội và bị thương trong trận tấn công thị xã Biên Hoà vào Tết Dương lịch 01.01.1946. Anh được đưa về quân y viện ở Ðất Cuốc trong chiến khu Ð giải phẫu cánh tay bị thương.
Giám đốc quân y viện Chi đội 10 của tỉnh Biên Hoà là sinh viên y khoa năm chót, Võ Cương nhảy theo kháng chiến. Tuy là sinh viên mới ra trường, Võ Cương nổi tiếng là nhà giải phẫu “mát tay”. Chuyên viên gây mê của quân y viện là chị An (sau là vợ giám đốc binh công xưởng Bùi Cát Vũ) được đào tạo ở Sài Gòn. Bấy giờ chiến khu có một ít thuốc tê và mê do bác sĩ Hồ Văn Huê đưa vô khu từ bệnh xá Sở cao su Lộc Ninh.
Do tiết kiệm thuốc mê nên y sĩ Võ Cương bảo anh Tảo:
– Thuốc mê ít, anh nên hát một bài nào đó để hỗ trợ tinh thần khi tôi bắt đầu giải phẫu.
Anh Tảo chỉ biết có bài Tiến quân ca nên hát Quốc ca. Khi chị An rắc thuốc mê được vài giây thì anh Tảo lịm đi, tiếng hát chìm xuống như máy hát hết dây cót. Anh em y tá cùng ca tiếp với anh. Ðúng vào lúc đó, anh Tám Nghệ cỡi ngựa đi ngang quân y viện. Nghe hát Quốc ca, anh xuống ngựa đứng nghiêm. Nhưng bài Quốc ca cứ hát đi rồi hát lại. Tò mò, anh bước vào thì chứng kiến ca mổ. Anh đứng nhìn khá lâu, xúc động lắm. Sáng hôm sau trong chiến khu có bài thơ mới “ra lò”, bài thơ lấy tên Tiếng hát giữa rừng”.
Năm 1996, Bác sĩ Võ Cương nhận xét về bài thơ Tiếng hát giữa rừng như sau:
“Bài thơ có nhiều điểm sai “đập vào mắt” mà sao tác giả và các thi hữu không trông thấy.
Thứ nhất, anh Tảo bị thương ở cánh tay. Chính tôi cắt cánh tay đó. Nhà thơ đã đổi cánh tay thành cái chân. Có lẽ cái chân thuận tiện hơn cánh tay trong việc gieo vần. Thôi cũng được. Mình thông qua đi.
Thứ hai, do tác động của thuốc mê, anh Tảo chỉ hát Quốc ca có câu đầu “Ðoàn quân Việt Nam đi…” rồi anh hết hơi, câu thứ hai hạ thấp để rồi tắt hẳn “chung lòng cứu quốc”. Những câu sau là do anh em y tá hát tiếp chớ anh Tảo thì đã mê man rồi. Nhà thơ cứ cho anh Tảo hát đi rồi hát lại là sai luật tự nhiên. Nhưng cũng có thể cho qua vì nhà thơ không phải là y bác sĩ.
Thứ ba, bác sĩ vừa cưa vừa khóc. Ðây là điểm sai căn bản. Cái nghề cưa tay cưa chân, cặp mắt phải thật tinh, bàn tay cũng phải thật chính xác. Vừa cưa, vừa khóc thì làm sao chỉ huy bàn tay giải phẫu chính xác được?
Thứ tư, giải phẫu dứt khoát phải tiến hành nhanh. Làm gì có chuyện “hát đi hát lại bao lần, vẫn chưa đứt xương chân”. Như vậy, anh Tám “chê” thằng cha Võ Cương này kém nghiệp vụ chuyên môn.”[đd]
Đó là cái nhìn của bác sĩ phẫu thuật. Nhà thơ là người sáng tạo, thổi hồn thơ vào sự kiện để khắc họa cái đẹp. Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ của hồn thơ đẹp ở mọi góc nhìn:
Rừng đẹp như một bài thơ cổ
Cành cao vượn hú
Ríu rít tổ chim.
Bờ suối đỏ hoa sim
Thảm cỏ xanh điểm vàng quả bứa.
Đêm trăng một người một ngựa
Lỏng cương cho gió ráo mồ hôi.
Hội nghị giữa trời
Chim, lá cũng góp lời góp ý.
Mắc võng cây này qua cây ấy
Củi khô lửa cháy ấm đêm đông.
Tắm, ăn nước suối một giòng.
Chung cho cả ngựa, người, trên, dưới.
Củ mì luộc chia đôi chấm muối
Mặn bùi tình nghĩa anh em.
(Rừng đẹp)
Trong dòng chảy thơ dân tộc
Những bài thơ Huỳnh Văn Nghệ làm trước 1945 nằm trong ảnh hưởng của Thơ Mới với bút pháp lãng mạn và hình ảnh tượng trưng, thơ là tâm trạng nhân vật trữ tình. Tuy vậy đã xuất hiện những dấu hiệu rất lạ như bài Tiễn bạn về Bắc: Mộng làm thơ (1937), Đám ma nghèo (1938), Đường về (1938), Trốn học (1939), Thú tội (1939), Sông Đồng Nai (1940), Tết quê người (1942), Bế cũ (1944), Lời chim (1945)
Ôi mong đợi héo tàn bao bóng nến
Nhớ thương anh mòn mỏi cột lều tranh
Có bao giờ tình anh nỡ phụ mình!
Nhưng em hỡi! Chờ thái bình thiên hạ.                                       
Em vẫn rõ anh là thân chiến mã
Nợ kiếm cung oằn oại gánh yên cương.                                           
Tiếng non sông giục bước ra sa trường…”
(Trả lời thư Lan)
Hỡi Thượng đế, Người ban cho đôi cánh,
Con mừng thầm tưởng tránh khỏi trần ai.
Cho ăn trái, tưởng khỏi phiền tranh cạnh
Với lòng tham vô tận của người đời.
Con cứ tưởng: phước trời riêng con hưởng
Khi mới bay chập chững dưới chân đồi.
Con cứ tưởng: khi tập tành hát xướng
Rằng đời chim chỉ để hát ca thôi.
(Lời chim)
Thơ kháng chiến chống Pháp của Huỳnh Văn Nghệ là một cõi riêng. Cõi riêng ấy trước hết là núi rừng, đồng bào, chiến sĩ và cuộc sống chiến đấu ở chiến khu Đ. Điều này không nhà thơ đương thời nào cạnh tranh được. Và xin lưu ý rằng, Nhà thơ kháng chiến chống Pháp định vị thơ mình bằng chính quê hương. Hoàng Cầm có Bên Kia sông Đuống. Yên Thao có Nhà Tôi, Quang Dũng có Tây Tiến và Đôi mắt người Sơn Tây. Tố Hữu có Việt Bắc…Huỳnh Văn Nghệ đóng đinh vào thơ ca dân tộc với nhiều bài tuyệt bút như: Tiếng hát giữa rừng, Mẹ buồn, Ngày hội, Rừng đẹp, Một trận chống càn, Mẹ Nam con Bắc, Hành Quân, Chiến khu Đ chống bão…
Nếu thơ chống Pháp của nhiều nhà thơ đương thời là thơ trữ tình (Đồng Chí, Tây Tiến, Bên Kia sông Đuống, Nhà tôi) thỉ thơ Huỳnh Văn Nghệ là thơ kể chuyện.
Nội dung bài thơ là một câu chuyện cần được kể tỉ mỉ, có khi phải dài dòng, trong khi đặc trưng của thơ là ngôn ngữ hàm xúc, ngôn ngữ biểu cảm. Huỳnh Văn Nghệ đã kết hợp hai đặc điểm thể lọai này trong nhiều bài thơ kể chuyện đặc sắc. Ông kết hợp kể chuyện với tả cận ảnh. Ông chọn được những chi tiết đặc tả có sức khơi gợi. Ngôn ngữ quần chúng, giọng kể tâm tình, đa thanh (có khi là rất nhiều giọng của nhân dân), tốc độ kể nhanh, ngôn ngữ có sức khơi gợi tình cảm thẩm mỹ, và trên hết là một hồn thơ trong veo, ở đó Cái Đẹp hiển trị. Cái Tôi riêng tư tan trong cái chung. Thể loại thơ kể chuyện này có trong thơ Kháng chiến (trong tập Việt Bắc của Tố Hữu), nhưng không tập trung nhiều như thơ Huỳnh Văn Nghệ. Xin đọc: Xuân chiến khu, Tiếng hát giữa rừng, Mẹ buồn, Nhờ Bà Cô, Tình súng, Một trận chống càn, Em bé liên lạc, Giữ bí mật, Mẹ Nam con Bắc, Hội nghị bình công, Lịch sử quê hương, Hành quân, Cái chết của anh Xiển, Cây thông già và anh thợ rừng, Chiến khu Đ chống bão…
Đây là đọan kể sinh động về chiến khu Đ chống bão:
Chèo chống ngày đêm, lênh đênh trên mặt nước.
Vớt của, vớt người.
Thân trần chèo chống dưới mưa.
Tiếng cười vẫn nô đùa sóng gió.
Từng manh chiếu, quả dừa, chiếc bừa, bó đũa.
Vớt lên mang trả lại từng người.
Đồn Rạch Đông nước ngập sắp trôi
Lính ngụy lên nóc đồn kêu cầu cứu:
“Huyện đội Vĩnh Cửu ơi… Vĩnh Cửu,
Cứu chúng em, ơn trả, nghĩa đền”.
Chiến sĩ ta, cười reo lên
Nghe lệnh đồng chí chính trị viên:
“Chèo nhanh lên, cứu chúng nó…”
Nói đến những dấu hiệu lạ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ, tôi vẫn chưa giải thích được.
Trong bài Mộng làm thơ (1937), Huỳnh Văn Nghệ có những câu thơ này:
“Chàng chỉ muốn làm thơ bằng máu
Trên mây hồng cho gió rải cùng trời
Để những người đau khổ khắp nơi nơi
Ngừng than thở
Và thương nhau khi trông hàng chữ máu
Trong khi năm 1938, Tố Hữu viết Từ Ấy:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
Huỳnh Văn Nghệ cũng có những bài kể lại giấc mơ như: Cây thông già và anh thợ rừng, Tình súng.  Bài thơ Trở về (1947) là một bài thơ lạ. Giữa chiến khu, ông mơ mình lên Thiên Thai, gặp lại người yêu tiên nữ xưa, nhưng nàng không đoái hoài làm cho lòng thi nhân sụp đổ. Khi nhìn vào gương, nhà thơ thấy mình đã chết. Nhưng biết nợ trần còn nặng, người thơ vung kiếm, trở về:
Dưới tầng mây dày đặc
Đưa lên tận lòng tôi
Lời oán hờn u uất
Tiếng thở than ngàn đời.
Vung kiếm tan lầu ngọc
Vội chắp cánh về trần.
Tôi giật mình tỉnh giấc
Sung sướng giữa ngàn xuân
Giấc mơ như vậy phải cần đến những nhà Phân tâm học giúp giải mã mới có thể hiểu được chút gì về vô thức Huỳnh Văn nghệ. Nhưng đọc theo cảm quan bình thường, người đọc vẫn có thể hiểu Huỳnh Văn Nghệ phủ định sự hưởng thụ hạnh phúc riêng. Hạnh phúc Thiên Thai như người đời hằng mơ chỉ là cõi chết (vì trong cõi Thiên Thai, ông soi gương thấy mình đã chết). Hạnh phúc thật của nhà thơ-chiến sĩ là chính cuộc sống trần gian tươi đẹp: “Tôi giật mình tỉnh giấc/ Sung sướng giữa ngàn xuân”.
Thay lời kết
Thơ Huỳnh Văn Nghệ còn nhiều điều để khám phá. Thơ ông cần được giới thiệu để nhiều người đọc hôm nay nhận ra những giá trị quý báu của thơ ca Đồng Nai. Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ có một hồn thơ đẹp, một cốt cách lạ, vừa mạnh mẽ, vừa hồn hậu, vừa rất riêng và cũng rất chung. Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ của nhân dân, của Chiến khu Đ anh hùng.
Đọc thơ của ông, nhà thơ Đồng Nai hôm nay có thể học được nhiều điều. Thí dụ, việc khai thác chất liệu về hiện thực đất nước, con người Đồng Nai; thí dụ, tự mình tìm ra một cốt cách thơ riêng trong dòng thơ chung của dân tộc, và đặc biệt là, con đường thăng hoa của thơ là con đường gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với cuộc sống chiến đấu của nhân dân, của thời đại và dân tộc (như thơ Huỳnh Văn Nghệ), như Huỳnh Văn Nghệ đã mài gươm và múa bút.
Tôi là người lăn lóc trên đường trần
không phân biệt lúc mài gươm múa bút
Đời chiến sĩ máu hòa lệ mực
Còn yêu thương là chiến đấu không thôi
(Bên bờ sông xanh)
Chú thích:
(1)  Huỳnh Văn Tới- Huỳnh Văn Nghệ-Thi tướng của dân gian
http://nhavantphcm.com.vn/.
(2) Xin đọc:
a.Bùi Quang Huy-Huỳnh Văn Nghệ-Như một giấc mơ
http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/.
b. Bùi Quang Huy-Mùa xuân của thi tướng rừng xanh
http://baodongnai.com.vn/.
c. Đàm Chu Văn-Huỳnh Văn Nghệ – Người chép sử Chiến khu Đ bằng thơ
http://www.baodongnai.com.vn/.
d. Tân Linh-Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: Còn lại thiên thu một chút tình
http://antg.cand.com.vn/.
e. Nguyễn Huy Hùng-Huỳnh Văn Nghệ: một chiến sĩ – nhà thơ “thi tướng” http://nxbctqg.org.vn/
f. Phan Xuân- Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thi Tướng Huỳnh Văn Nghệ
http://www.thuviendongnai.gov.vn/.
g. Hoài Nguyễn- Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và bài thơ “Nhớ Bắc”
http://ubmttq.hochiminhcity.gov.vn/.
(3) An Chi-Chuyện sửa thơ Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ
http://www.nhavantphcm.vn/.
(4) Nguyên Hùng- Nước mắt và nụ cười chung quanh bài thơ “Anh thương binh đầu tiên” của Huỳnh Văn Nghệ, http://dongnai.vncgarden.com/.
31/6/2017
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...