Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Mối tình nồng thắm

Mối tình nồng thắm

Năm anh 20 tuổi vào dịp nghỉ hè anh cùng nhóm bạn mình tới chơi một vùng biển. Trong lúc đang chạy theo trái banh trên bãi cát anh dẫm phải mãnh thủy tinh Trong khi đám bạn bối rối và giục nhau đi mua bông băng thì chị xuất hiện. Chị nhanh chóng giúp anh cầm máu và băng bó vết thương một cách rất thành thục. Mẹ chị có một cửa hàng nhỏ bán những thứ lưu niệm như vỏ ốc và vài đôi ba thứ vặt vãnh khác gần đó. Nên vài ngày sau anh tới mua chút qùa và cám ơn chị trước khi trở về Sài Gòn.
Năm đó chị 16 tuổi.
Chẳng biết có phải là định mệnh khiến xui hay không, mà anh thấy rất cảm mến cô bé miền biển nghèo khó chân quê nhưng lại có nụ cười rất tươi sáng. Những mùa hè sau đó anh điều trở lại tìm chị.Dần dà một chút thì những cánh thư khi xa cách rồi họ yêu nhau một cách rất đổi tự nhiên. Bốn năm sau, khi hoàn tất xong việc học anh xin mẹ hỏi cưới chị cho mình thì lập tức sóng gió nổi lên. Mẹ anh một góa phụ được xuất thân từ một gia đình vọng tộc nên bà không thể nào chấp nhận cưới một cô con dâu vừa học ít, nghèo khó không môn đăng hộ đối. Bà đã ướm sẳn vài cô gái xinh đẹp con nhà gia thế ở ngay tại Sài Gòn . Lần đầu tiên anh đối kháng chống lại mẹ.
Cuối cùng mẹ anh ra nói rằng nếu anh không theo ý bà thì bà sẽ gạt tên anh ra khỏi gia đình, đồng nghĩa với việc anh không nhận được bất cứ món thừa kế gia sản nào do cha anh để lại. Nhưng ngược lại với dự tính của bà anh cúi đầu xin lổi mẹ tha thứ tội bất hiếu cho mình và anh đi theo tiếng gọi của trái tim.
Đám cưới được tổ chức ấm cúng với vài người thân thích. Dù chị có phần buồn vì nhà trai không có một ai ngoài anh. Phần ba mẹ chị vốn dân quê chất phất họ không câu nệ và lấy làm vui vì anh ở rể khỏi phải gả đi cô con gái duy nhất của mình. Hai năm trôi qua cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khá hạnh phúc. Anh nhanh chóng bỏ đi chiếc áo thư sinh thành thị xin ngay một chân dạy học.Ngoài những buổi lên lớp anh ở nhà phụ chị làm những công việc như bao người dân làng chài.
Năm ấy vào dịp nghĩ hè anh tranh thủ theo phụ việc trên tàu đánh cá bởi anh muốn kiếm thêm tiền cho gia đình của mình. Lúc đầu chị căn ngăn vì thương anh vất vả nhưng thấy anh cương quyết và sau vài chuyến nhìn anh hứng khởi, vui vẻ với công việc mới nên chị cũng bớt lo lắng. Một buổi chiều kia khi nghe tin biển động bất thường , linh tính chị mách bảo chị điều gì bất an. Dù là dân miền biển chị đâu lạ gì những khi thiên nhiên thịnh nộ ngoài dự tính của con người.Cuối cùng thì điều chị lo sợ nhất đã đến. Con thuyền của anh gặp bão giữa biển và không một ai còn sống sót. Nhưng điều đau xót hơn là trong số ít những cái xác người ta tìm được không có anh. Chị không chỉ ngất lịm khi nghe hung tin mà chị từng có suy nghĩ chết đi. Nếu không vì người mẹ già luôn bên cạnh nhắc nhở với chị họ chỉ có mình chị nương dựa tuổi già thì chị đã trầm mình xuống biển vào một đêm khuya tăm tối.
Mẹ của anh từ khi nhận biết tin dữ thì bà càng thù ghét chị. Bà xua đuổi khi chị đến thăm bà và cô em gái của anh. Nhưng chị vẩn đến thăm bà thường xuyên dù khoảng cách cũng khá xa xôi. Thời gian sau cuộc sống có nhiều biến đổi gia đình anh khánh kiệt một cách nhanh chóng khiến mẹ anh suy sụp tinh thần và ngã bệnh. Những ngày cuối đời có lẽ hiểu được tấm lòng của chị vào lúc hấp hối bà cố đưa tay vuốt mái tóc của chị và nói:''Con là đứa con dâu tốt '' trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Sau khi mẹ mất nghe theo sự khuyên nhủ của họ hàng và di nguyện của bà khi còn sống, cô em gái của anh bán đi căn nhà coi như chút của cải phòng thân còn sót lại theo một người dì về miền Bắc. Sau một thời gian cô ấy lấy chồng làm nghề buôn bán ngược xuôi ngày đây mai đó. Dần dà thì chị cũng mất liên lạc và không được tin về cô ấy nữa.
Gia đình của chị cũng không khá hơn, ba chị có già yếu nên không thể đi biển thường như ngày xưa. Mẹ chị cứ đau bệnh liên miên nhà lại không có đàn ông nào trẻ gánh vác cuộc sống bộn bề khó khăn. Sau ba năm mãn tang anh có rất nhiều người muốn chấp nối với chị. Ba mẹ chị cũng khuyên chị nên tái giá tìm ai nương dựa bởi chị còn trẻ và không con cái gì. Lúc đầu chị im lặng hay lịch sự từ chối nhưng cũng có nhiều kẻ táo tợn cứ bám mãi theo chị. Thậm chí có đôi lần còn muốn giở trò chận đường, đón ngõ . Cho đến một ngày người trong làng đồn chị bị thần kinh.
Nhiều đêm chị ngồi nhìn ra biển rồi cười sằng sặc, có lúc lại lăn ra cát mà la hét gào khóc. Khi thì ngồi lảm nhãm ngoài ghềnh đá cheo leo. Bình thường thì chị không có biểu hiện gì nhưng khi ai đó tán tỉnh thì lại như thế. Nhiều người mê tín nói do vong hồn người chồng đã chết của chị nhập vào. Nên khiến những ai muốn tán tỉnh chị sợ hãi tránh ra xa .Chỉ có ba mẹ chị biết rõ chị chẳng có điên có dại gì mà là chị không muốn tái giá mà thôi. Vì muốn thay đổi cuộc sống xem có khá hơn không và cũng muốn tránh xa nơi gợi cho chị nhiều thương tâm cả nhà chị dọn trở về quê ngoại ở một vùng nông thôn miền tây.
Mười năm trôi qua gia đình chị có thêm một thành viên mới đó là bé Nhân, Nhân là đứa bé gái mồ côi cô được chị xin ở một ngôi chùa tình thương về nuôi khiến căn nhà của chị có tiếng trẻ thơ ấm áp hẳn lên. Mười năm sau nữa ba và mẹ chị lần lượt qua đời.Mười năm kế tiếp lại trôi, chị bây giờ tóc bạc gần phân nửa dù chị vẩn còn khoẻ để lo chuyện nhà cùng vườn cây sinh kế của gia đình.
Nhân ngày nay đã là cô gái trưởng thành, thấu hiểu nổi khó nhọc của chị Nhân ngoan ngoãn hiếu thảo với mẹ và học rất giỏi. Ở tuổi 25 mới ra trường chưa lâu cô đã được nhận vào làm trong công ty quốc tế có chi nhánh tại Sài Gòn. Một năm trước Nhân gặp và yêu Tuấn vốn là sếp hơn cô một bậc được công ty mẹ cử về quản lý chi nhánh này. Lúc đầu Nhân cũng e ngại sợ không hợp nhau vì anh vốn sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng sau thời gian tìm hiểu cô tin anh là chàng trai tốt rất thuần việt .Điều cô bâng khâng lo lắng là mẹ cô không chịu lên Sài Gòn ở cùng mình mà thích ở đồng quê hơn.
Tháng trước Tuấn có cùng Nhân về quê xin phép chị cho một ngày để ba Tuấn thu xếp về Việt Nam gặp chị bàn tính chuyện hôn sự. Nhìn Tuấn ăn nói nhã nhặn lể độ chị hài lòng và tin con gái mình không chọn lầm người. Hôm nay chính là ngày đính hôn của Nhân và đàng trai xuống gặp mặt bởi khi nghe Tuấn trình bày hoàn cảnh đơn chiếc của mình là chỉ còn có Ba và một em trai nên chị bảo chăm chước không câu nệ hình thức chủ yếu hai đứa hạnh phúc là chị mừng.
Trong cơn bảo dữ giữa biển đêm đó anh không hề chết như nhiều người và chị vẩn nghĩ. Anh ôm được mãnh phao và lênh đênh theo sóng nước. Lúc gần chạm vào cái chết thì anh được một con tàu lớn đi ngang qua trông thấy và cứu vớt trong tình trạng gần như sắp hôn mê. Khi anh hồi phục và tỉnh dậy thì họ đã đi xa Việt Nam lắm rồi. Anh cũng không có cách nào khác hơn là phải ở lại trên tàu. May nhờ từng được học ngoại ngữ nên anh cũng giao tiếp được với họ khá nhiều.
Khi con tàu cập bến trên đất nước của họ thì anh phải đối diện với chuyện mưu sinh sắp tới và kiếm tiền để đi về lại quê nhà. Một mình nơi xứ lạ quê người, không thân thích anh chịu không ít đắng cay vất vả. Anh lao vào làm việc với suy nghĩ có thể nhanh chóng gặp lại chị. Thời gian dần trôi cuộc sống nhiều biến đổi khiến những lá thư anh gởi điều biệt vô âm tín, không có hồi âm. Sau đó anh may mắn gặp được một cặp vợ chồng người Việt cưu mang giúp đỡ.
Mười năm sau mọi nổ lực anh mới liên lạc được với cô em gái của mình. Năm năm kế tiếp đó anh mới có thể trở về quê hương để cúng bái người mẹ qúa cố của mình. Nhưng tin tức về chị thì vẩn biệt mù. Nơi làng chài thay đổi nhiều và người ta cũng không biết gia đình chị dọn về đâu. Anh vẩn không ngừng tìm kiếm dù thời đó phương tiện thông tin đại chúng không phát triển như bây giờ. Sau đó anh nhận được tin cặp vợ chồng ân nhân của mình đột ngột bị mất đi vì tai nạn giao thông trong cơn bão tuyết.Nhớ ơn họ cưu mang mình và không muốn con họ phải vào viện mồ côi. Anh thay họ gánh vác việc nuôi nấng hai đứa con trai .
Mười năm tiếp theo anh nhận được tin từ cô em gái. Có người họ hàng xa trong dịp tảo mộ đã nhìn thấy chị dẩn theo một đứa con gái khá lớn đi cúng mộ mẹ anh.Nhưng vốn chẳng thân thiết và không biết anh vẩn còn sống và đang tìm kiếm chị nên người họ hàng không quan tâm hỏi han gì thêm ngoài đôi ba câu xã giao thông thường.
Nghe được tin ấy anh mừng vì chị còn mạnh khoẻ an khang và anh cũng thoáng buồn khi nghĩ hẳn là chị đã có gia đình mới. Đúng thôi chị không có sai gì cả khi bước thêm bước nữa. Anh cũng muốn gặp lại chị dù chỉ một lần nhưng anh đắn đo. Liệu như thế có ảnh hưỡng hay đảo lộn cuộc sống hạnh phúc hiện tại của chị không?
Nên sau khi suy nghĩ đắn đo anh bảo người em gái thôi không tìm kiếm nữa cứ để cho chị nghĩ anh đã chết đôi khi như thế lại tốt hơn.
Mười năm tiếp theo lại trôi, hai người con của ân nhân anh đã lớn ăn học thành tài. Điều an ủi lớn nhất là họ rất yêu qúy kính trọng anh như ba đẻ. Năm trước anh có nghe cậu con trai lớn đang công tác ở Viêt Nam bảo rằng đã chọn được một người hợp với mình. Lúc đầu anh cũng lo lắng cho hạnh phúc của con. Nhưng khi nghe nói gia đình cô ấy ở vùng nông thôn miền tây chỉ còn một người mẹ tần tảo nuôi dạy, cha mất sớm. Anh cảm thấy yên tâm hơn và khi nghe cô gái ấy tên Nhân khiến anh có cảm tình ngay. Bởi ngày xưa anh từng nói với chị sau này có con gái sẽ đặt tên Nhân.
Tháng trước con trai anh gọi điện qua, xin anh thu xếp về Việt Nam , nhà gái đã chọn được ngày tốt vào tháng sau. Nghe cậu con trai bảo ''Sao con thấy hình ba của Nhân có nét giống ba qúa '' anh cười đáp lời đúng là khéo biết ăn nói lấy lòng ba mình. Thế là sau ba bốn năm từ ngày gặp cơn bão trên biển ở cái tuổi sáu mươi anh về Việt Nam đi hỏi vợ cho con trai mình.
Sáng giờ chị tất bật chạy tới chạy lui dưới bếp nêm lại những nồi thức ăn đã chuẩn bị dù bà con lối xóm kêu chị cứ để họ làm giúp. Chị không yên tâm khi giao cho họ. Nói gì thì nói, nhà trai cũng gia đình trí thức ăn học, mình lại thân đàn bà góa ở quê nên chị lo không tươm tất người ta không vui lòng.
Khi đám trẻ con lao nhao đàng trai tới đang xuống đò bên kia sông . Chị chạy nhanh vào buồng thay cái áo dài, búi lại đầu tóc cho gọn gàng. Mở tủ áo lấy đôi bông mù u vật kỷ niệm ngày xưa anh cưới chị đeo vào. Nghe tiếng bác chủ lể gọi ''Má bé Nhân đâu?'' Chị lật đật vén tấm mành bằng vải bước vội ra ngay. Khi nghe tiếng Tuấn giới thiệu ba mình, chưa kịp nhìn rõ mặt thì chị đã vội cúi đầu chào ngay theo những nghi lể truyền thống. Nhưng ngay lúc đó bên tai chị chợt như có tiếng vọng về từ cõi xa xôi nào đó:
- Thanh đúng là em thật rồi. Thanh.... Trần Thị Thiên Thanh.
Chị run lẩy bẩy nhìn lên người đàn ông cất câu nói ấy bởi có hóa ra tro bụi chị cũng nhận ra cái giọng nói đó. Chị quẹt vội đôi mắt nhoè lệ nhìn cho kỷ. Chỉ kịp nói '' Mình ơi '' thì chị ngã ngang ra ngất xỉu, trước ánh mắt ngỡ ngàng của mọi người chung quanh.
Ba ngày sau khi nắng chiều vừa tắt hẳn trời săm sẳm tối. Anh và chị ngồi ở cái chõng che trước nhà. Thoảng trong gió mùi hương hoa chanh hoa bưởi hoà quyện vào giọng kể của anh. Khi anh chấm dứt câu chuyện về khoảng thời gian vừa qua của mình, anh nghe tiếng chị khóc rấm rức. Anh nhìn những giọt nước mắt trong suốt chảy ra từ đôi mắt không còn long lanh như thời tươi trẻ. Gương mặt sạm nắng vì gió mưa, nghĩ đến cảnh chị bao năm sống như thế anh nghe đau nhói cả lòng anh nắm tay chị và nói :
- Khi bước vào nhà nhìn tấm ảnh của chính anh trên bàn thờ anh đã đoán là em. Nhưng anh thật sự không ngờ em vẩn sống một mình. Bao năm qua vất vả cho em lắm phải không?
Chị cười nhẹ và khẽ lắc đầu. Chị đưa tay rờ nhẹ vào mái tóc gần như bạc trắng của anh và hỏi:
- Sao bao năm qua anh không tìm ai để chăm sóc cho mình. Có như vậy em thấy đở xót xa hơn khi nghĩ anh một mình bôn ba bao năm.
Anh trả lời chị nhẹ như gió thoảng qua:
- Bởi vì em là một phần cuộc sống của anh.
Dạo gần đây vào những buổi chiều mát trời người ta thường thấy một cặp vợ chồng lớn tuổi ăn mặc giản dị đi tản bộ dọc bờ sông. Nhiều người thầm ngưỡng mộ cái hạnh phúc của họ khi thấy ông và bà vừa đi vừa trò chuyện.Họ sống chan hoà thân thiện với làng xóm khiến ai cũng yêu qúy và đành nhiều thiện cảm. Đôi khi người vợ đưa mắt nhìn vào con nước đầy phù sa khẽ mĩm cười và nói:
- Ba mươi bốn năm như một giấc mơ...
Những cơn gió mát dịu từ mé sông vẫn thổi không người, dòng sông hình như cũng lấp lánh tựa những nốt nhạc của một bản tình ca.
Song Nhi
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...