Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Mùa xuân phía trước miên trường phía sau

Mùa xuân phía trước
miên trường phía sau

Với 60 đầu sách và 14 tập thơ, lúc sinh thời Bùi Giáng (1926-1998) trong xiêm áo thảm thương của người hành khất bước vào thi ca mà làm nên chuyện phụng hiến cho đời. Không phải một lần tự nhận trước là thi sĩ sau là đười ươi và ngạo mạn gọi Nguyễn Du là con ngỗng trời. Hơn thế nữa, người đời đã không tiếc lời ban tặng nhiều danh hiệu cho ông. Một trong những thi sĩ kỳ dị nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Bùi Giáng nguồn Xuân.
Người thi sĩ chối bỏ thi ca. Hồn thơ bị vây khốn. Bùi Giáng cuộc hòa giải vô tận. Người lữ khách cuồng điên và khôn cùng kỷ niệm. Hiện tượng Bùi Giáng. Trường phái Bùi Giáng. Bùi Giáng rong chơi phố thị. Nhà thơ của ngày tháng ngao du. Một nhà thơ độc đáo. Phóng túng hình hài ngang tàng tính cách. Thiên tài hủy diệt v.v… Tưởng như còn chưa dứt. Nhưng có lẽ, người ta tốn nhiều giấy mực hơn cả khi bảo rằng ông là một nhà thơ điên. Người điên và thơ điên như chính lời ông nhận. Chữ điên chưa ai đếm rõ xuất hiện bao nhiêu lần trong thơ ông. Đặc biệt giai đoạn từ 1969-1970 trở đi. Vừa điên dại vừa thê lương. Vừa vui trời đất vừa buồn nắng mưa. Điên với Bùi Giáng là sự tĩnh tâm giản đơn và thường nhật của đời người. Nắng trưa, nắng xế đầy trời, bóng cây râm mát cho đời ta điên. Bùi Giáng điên thật sự khi nhắn gửi Cô Kim Cương ơi! bằng lời tỏ tình tội nghiệp rằng khi thi sĩ chết đi, nếu không rỏ được giọt lệ thì cũng rỏ một giọt… nước tiểu lên chính mộ cho ông để ngậm cười nơi chín suối vẫn còn thấy thơm lây? Nhưng điên không phải cái làm nên thi sỹ Bùi Giáng mà hơn nữa cũng không phải là điều gì mới mẻ trong thơ. Trước Bùi Giáng đến hơn ba chục năm, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên đã điên một cách cao ngạo và sang trọng rồi. Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Chế Lan Viên thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là người điên. Hàn Mặc Tử có cả một tập Thơ điên. Còn gọi là Đau thương. Nhưng chưa bao giờ hai người ấy điên thật như Bùi Giáng cả. Hàn Mặc Tử viết 2 bài thơ Anh điên, Em điên nhưng rất tỉnh khi kể rõ ngọn ngành chuyện đường tơ đã đứt mà không đứt được. Tập Thơ điên lại có những bài thơ trong sáng nhất của Tử. Mùa xuân chín. Đây thôn Vĩ Dạ… Chế Lan Viên chỉ để một lần Trăng điên mà thôi và thốt ra một câu thật tỉnh: Mảnh trăng cũng điên rồi em ạ.
Bởi thế cái để lại cho đời của Bùi Giáng không phải người điên, thơ điên mà ở chỗ sự xuất hiện của ông vào năm 1962 ở Sài Gòn, khi tập thơ đầu tiên của ông – tập Mưa nguồn được xuất bản như là sự tiếp nối đầy sức sống của chủ nghĩa lãng mạn trong phong trào thơ Mới 1930-1945, làm nên một phong cách thơ trữ tình, lãng mạn với nhiều vần thơ hay và tạo nên căn cốt thơ Bùi Giáng. Sự tiếp nối ấy là minh chứng cho sức sống của thi ca Việt Nam như là một dòng chảy liên tục của thơ, bất chấp những ghềnh thác đổi thay của xã hội và lịch sử mỗi thân phận con người. Nét chủ đạo của phong cách Bùi Giáng ở phương diện này là cảm thức giao hòa giữa thời gian, thiên nhiên và tình người trong những vần thơ đẹp nhất, trữ tình, lãng mạn và tinh tế giữa tiếng reo vang của trần gian chiều bên lá lung lay vàng cửa khép.
Đó là bức chân dung người con gái ở trên rừng giữa một buổi trưa đầy gió ngẫu nhiên của lúc sang mùa tao ngộ.
Em ở trong rừng một buổi trưa
Ngẫu nhiên tao ngộ gió sang mùa
Hai bờ lãnh địa đau lòng gọi
Sầu suốt giang san vọng tiếng thừa.
Đó chỉ là tà áo xanh thôi mà ẩn chứa cuộc bể dâu trời đất còn chưa nguôi giấc mộng buổi ban đầu.
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
Đó là dòng sông thời gian đi về bến đợi ngu ngơ mây khói chung niềm cảm hứng bơ vơ với phận con người.
Mây đứng lại chân trời phủ khói
Dòng sông đi bến đợi ngu ngơ
Trời chiều đẹp tâm tình em không nói
Đất với trời chung nghĩa bơ vơ.
Đó là buổi trưa tìm về nơi sách cũ. Cuốn cổ lục vốn không còn thơm nữa ở bên đèn đêm trước để nay sáng sớm hay chiều buông liễu rủ mà chẳng hề biết lạ hay quen, như thấp thoáng một bóng người ở đó.
Về cổ lục cũ rồi câu chuyện cũ
Và cảo thơm không mới nữa bên đèn
Và sương sớm hay chiếu buông liễu rủ
Biết thế nào mà nói lạ hay quen.
Đó là một Bùi Giáng chẳng bao giờ điên khi cảm thức đầy nhân hậu và đau đáu về một trần gian thi sĩ đang chung sống mà có lần ông gọi to lên: Trần gian hỡi tôi đã về đây sống, tôi đã tìm đâu ý nghĩa của trần gian. Cũng có lúc tuyệt vọng phải rời xa nó: Tôi bỏ trần gian năm tháng lạ, khóc rất nhiều em ạ, em ơi. Nhưng cao hơn tất cả, điệp khúc trần gian được nhắc đi nhắc lại như sự hài hòa giữa thiên nhiên, thời gian và thân phận con người.
Nước ở trần gian thương nhớ gió
Nằm sông buồn ngủ nhớ không lời
Tiếng nhỏ ngậm ngùi nhà em rộng
Đi bốn phương trời chỉ gặp mây.
Dù biết chắc ngày sẽ hết nhà thơ không ở lại và sẽ đi mà chưa biết đi đâu, vẫn tiếc thương trần gian mãi mãi vì ở nơi đây người sống đủ vui buồn. Cái cuối cùng còn lại Bùi Giáng muốn mách bảo con người trong sự xoay vần của thiên nhiên và thời gian chỉ còn hai điều quan yếu nhất. Đó là mùa xuân chan hòa cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Bùi Giáng thường hình dung chiều dài vô tận của mùa xuân lúc thì nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại khi thì dòng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại. Mùa xuân ấy rộng dài đến mức siêu hình Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt. Không hiểu vài thế kỷ sau người em gái nhìn trăng có còn thấy nguyên màu xuân ấy hay không, làm cho mùa xuân hữu hình mà lại vô hình trong vòng tay đẹp thơ dại của cành xuân. Mùa xuân ấy được làm nên bởi tình thương và lòng vị tha của con người với con người giữa bao nhiêu thử thách.
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng, giữa lời hẹn hoa
… Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
Không thi sĩ nào đau đáu chữ trần gian như Bùi Giáng. Nhưng Bùi Giáng lại lánh xa thế sự. Thơ ông nhập cuộc lúc Việt Nam đang ngập chìm khói lửa chiến tranh. Vậy mà trong Bùi Giáng – Đười ươi chân kinh – NXB Hội Nhà văn in 2011 với 245 bài thơ, 88 câu lục bát lẻ và nhiều tiểu luận, chỉ một lần Bùi Giáng dùng từ chiến tranh và một lần bôm (bom). Khuynh hướng chung của không ít nhà thơ miền Nam thời kỳ 1954-1975 nghiêng về bày tỏ thân phận con người. Khác với khuynh hướng sử thi gắn Thơ với cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc và phẩm chất anh hùng của người Việt Nam trong thi ca miền Bắc. Giờ đây, thi ca Việt Nam như là một chỉnh thể thống nhất đã hợp lưu hai dòng chảy ấy để tiếp tục câu chuyện sử thi hùng tráng của đất nước với khát vọng và niềm trắc ẩn của thân phận con người, làm nên diện mạo mới của thi ca hiện đại trước thách thức và cơ hội của thời cuộc trên nền tảng của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân văn.
Nhân vật thường gặp trong thi ca lãng mạn Bùi Giáng là người mà ông gọi ngắn gọn là gái – nghe lúc đầu thấy không quen tai và trang trọng gì nhưng thật ra là những điều từ gan ruột của ông.
Hồng nhan không lệ mà hai mắt sầu
Chở lang thang nối chân cầu
Rẽ chia ngàn nước tại màu gái tơ.
Đôi khi là những tên gọi mơ hồ. Dòng thiên thu rộng là em bây giờ. Lại có lúc mang đậm màu lụy tục Trời ơi có nhớ hẻm nhà hồng nhan. Có lúc lại trọng vọng quá đáng gái Quảng Nam đội lên trên ông trời. Không có ai như Bùi Giáng công khai mê mẩn với những thiên hương quốc sắc Nam Phương Hoàng hậu, Marilyn Monroe, Bricitte… và dành 7 bài thơ gọi cô Phùng Khánh là mẫu thân. Họ ngang hàng với những người bình dân khác mà ông gọi là Nàng ve chai, Nàng tiên lao động, Em mọi… Ít ai kỳ dị như Bùi Giáng khi nói chuyện tình cảm với nửa bên kia của loài người. Ở đây, lẫn trong bao nhiêu câu thơ ngu ngơ, quê mùa, dân dã… bỗng sáng lên vần thơ đẹp rỡ ràng. Bùi Giáng gửi phận làm thi sĩ với thôn nữ Vĩnh Trinh.
Làm thơ như ngỗng lạc bầy
Bay cô đơn gió một ngày cuối thu.
Trong bài thơ dài Trang phượng vĩ, Bùi Giáng mô tả người con gái Việt ở miền lục tỉnh u sầu hay đang ngủ giấc buồn hải ngoại. Buổi xuân xanh hớt hải về thăm cho mùa thu mộng triền miên bởi vẻ đẹp chải chuốt như tóc người của thời gian.
Em có thấy thời gian đi óng ả
Suốt càn khôn châu thổ nguyệt sương đồng.
Nhiều lúc theo bóng mây chiều như không thể tìm thấy ai là người tri kỷ ở thế giới siêu thực này.
Buông xuôi nửa tiếng thở dài
Những ai hình nhạt những ai bóng nhòa.
Trong lúc nhiều thi sĩ miền Nam 1954-1975 mà điển hình là Thanh Tâm Tuyền đi tìm một hướng mới hiện đại cho thơ dưới sự dẫn đường của chủ nghĩa hiện sinh; Cũng có nhà văn coi thơ Bùi Giáng hiện sinh trong đoạn trường và định mệnh. Thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về số kiếp, ta từ đâu lại? ta là ai? Những trầm luân, biến đổi làm sao đo, đếm, đặt tên được? Đến bản thân ta, ta còn không biết nữa là…nếu hiện sinh của J.Sartre bác bỏ định mệnh thì ở Bùi Giáng định mệnh và hiện sinh giao hưởng với nhau (1). Nhưng cần lưu ý một điều tưởng như mâu thuẫn là Bùi Giáng sống cuộc đời hiện sinh hơn ai hết với sự tự hủy diệt và hành xác ghê gớm thì trong thơ dường như lại chọn cho mình một hướng đi ngược lại. Tưởng Bùi Giáng chìm đắm vào chủ nghĩa hiện sinh lúc viết bài thơ Hư vô và Vĩnh viễn, thì tiếng gọi của chủ nghĩa lãng mạn đã kéo ông trở về. Bờ bến cũng ngậm ngùi sông nước dạo, Đêm tàn canh khắc vợi nguyệt sương ngàn. Ông là một học giả biên dịch những công trình tư tưởng, triết học Đông Tây và không lạ gì với triết học hiện sinh. Bùi Giáng bày tỏ: Có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào hoặc một cơn gió thu. Ông đề cao quan niệm về thơ cốt ở tự nhiên, hồn nhiên. Các ngươi hãy gột rửa bớt thói học đòi bác học đi. Các ngươi hãy mù lòa đi và các ngươi sẽ không còn tội lỗi. Và lấy Xuân Diệu làm ví dụ: Y trẻ dại, y lăng nhăng. Y nói tới nỗi đời rồi y xóa đa đoan dâu biển. Y hồn nhiên rũ áo nắm lấy cung cầm đánh lên tiếng hát giữa mùa xuân (2) Bùi Giáng chọn con đường bình dân, lãng mạn và mơ hồ một cách hồn nhiên, đặc biệt sử dụng triệt để thể thơ lục bát truyền thống được ông coi là hoằng viễn kỳ ảo nhất bốn biển năm châu làm phương thức biểu đạt đầy ngẫu hứng cho thi ca. Tuy nhiên, Bùi Giáng đôi khi dễ dàng quá khiến không ít câu thơ sơ lược, giản đơn, thậm chí đôi khi buông tuồng dễ dãi. Lại có lúc khó hiểu nữa. Thủ thuật ngôn ngữ nói lái khiến người ta thấy ổng muốn làm em của nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Tuy vậy do lặp đi lặp lại lối nói lái này, đặc biệt liên quan đến bộ phận sinh đẻ của loài người khiến phong nhụy thơ đôi phần nhàm chán. Có bài nhằm vào cái đó tới 5, 7 lần làm cho không còn ý vị thơ như Hoàng hậu, Đố nọ kia v.v..
Bởi là một thi sĩ, đoản văn và nghị luận của Bùi Giáng phong lưu, tinh tế mà giàu chất thơ. Có lẽ nhành cây của Bùi Giáng hay hơn là cụm hoa của Phạm Duy trong khi hai người cùng dịch câu sau đây của Apollinair: Ta đã hái nhành cây thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi. Nhà thơ Huy Tường không phải là một trường hợp đặc biệt nhưng Bùi Giáng chọn được tứ thơ của ông ấy liên quan đến sư nữ trong chùa mà tôi thấy một số nhà thơ trẻ đương đại đã vận dụng để làm sống lại một chút mơ màng nơi cửa Phật.
Giọng chuông rơi thấm cỏ vàng
Nghe kìa sư nữ vừa choàng áo tu
Tôi nằm ấp lá đêm thu
Mai sau nở trái sa mù pháp không.
Từ cảm thụ tinh tế đó, ít ai trong hội làm thơ thế kỷ 20 lại tự hào về thi ca Việt Nam và nhiệt thành cổ vũ như Bùi Giáng. Nguyên Sa được cho là có một sức quyến rũ khác hẳn mọi lối thơ xưa nay. Thơ Thơ của Xuân Diệu dường như toàn thể tuổi xuân bỗng sống dậy kêu gào. Câu thơ của Hồ Dzếnh như thể mang toàn khối Như lai trong mấy trăm bộ kinh Phật. Áo nâu phai nhạt màu cây cỏ, lá rụng hoa rơi đất nước chàm. Mê hồn ca của Đinh Hùng là nguồn thơ lạ nhất trong Thi nhân Việt Nam. Thiên tài Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam có những lời bất hủ. Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thét đầy máu, tiếng than tràn ngập hư vô. Huy Cận là cõi huyền bí nhất của tinh thể phương Đông v.v. Đôi khi Bùi Giáng có quá lời cũng đáng để cho ta suy nghĩ về vị thế của văn học Việt Nam trong nền văn học thế giới. Bùi Giáng viết: Thơ Xuân Diệu thường có chất bát ngát hồn nhiên. Tây phương Đông phương cổ kim không có một nguồn thơ nào sánh kịp. Có người nói nước Nga sẽ không còn nguyên nghĩa nữa nếu thiếu nền văn học Nga. Người Việt Nam có thể nói được điều đó chưa và khi nào nói được? Bùi Giáng dù có lúc quá lời, nhưng đó là điều cần thiết và là ước vọng của người cầm bút.
Trong thiên tiểu luận Ngày thật điên Bùi Giáng đã làm khó và giao trách nhiệm cho hậu thế bằng những lời cay đắng sau đây Tôi xin vĩnh viễn gào thét thật to rằng tôi xin im lặng mãi mãi. Người nào đọc thơ tôi, nảy sinh cái ý gì, người đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về cái ý nảy ra trong đầu họ hoặc nảy ra trong tứ chi họ .v.v. Tôi là thằng chăn trâu, tôi ăn nói theo ngôn ngữ chăn trâu. Kẻ nào muốn nhảy vào cuộc đối thoại với tôi, kẻ đó phải học tập làm chăn trâu trước đã. Đúng là Bùi Giáng đã im lặng mãi mãi kể từ năm 1998 khi với khăn áo lòe xòe của một kẻ hành khất không cửa không nhà để rời khỏi thế giới này. Những điều tôi viết ra trong bài này có thể từ đầu tôi và có thể từ tứ chi nữa; bởi vì có những dòng thơ đầy cát bụi của ông tôi như sờ thấy được. Và bởi vì tôi trân trọng một người đã dám làm thi sĩ để ca ngợi vẻ đẹp của con người giữa khi ông rách rưới, rét mướt và hành khất trên những nẻo đường ồn ào phố thị ở Sài Gòn hay ở những lối đi đầy nắng gió miền lục tỉnh. Không hiểu tôi đã đáp ứng đủ yêu cầu của ông hay chưa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng rằng tôi đã là trẻ chăn trâu nghèo túng và thơ dại ở xứ Đoài suốt buổi thiếu thời gian khổ. Xin chịu trách nhiệm trước ông. Tiếng thơ Bùi Giáng là tiếng hát nghẹn ngào mà tha thiết lẫn trong tiếng cười bối rối mà mê hoặc của mùa xuân không tuổi, của Chào Xuân Nguyên từ thuở Mưa nguồn. Cả đời người thi sỹ ấy đi góp nhặt phôi pha để dựng mùa bến nước giao hòa Màu con mắt bên màu xuân siêu đổ. Quá trình đó là hiện sinh quá khứ hiện tại và tương lai của xứ sở này như ông từng mong ước: Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Chú thích:
(1). Bùi Giáng trong cõi người ta – NXB Lao Động – 2008, Tr.496, 497, 498
(2). Bùi Giáng – Đười ươi chân kinh – NXB Hội Nhà văn – 2012, Tr.346, 347
1/8/2022
Khuất Bình Nguyên
Nguồn: Văn Nghệ số 25+26/2022
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...