Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Mỹ cảm về những vọng âm huyền sử và nỗi đau sinh thái

Mỹ cảm về những vọng âm
huyền sử và nỗi đau sinh thái

Trong gia tài nghệ thuật của ông, nếu những bức ảnh đặc sắc đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế hoặc đang được trưng bày trong một số bảo tàng là phần phô diễn những quan sát, những trải nghiệm về thiên nhiên và con người một cách trực tiếp, sống động, thì thơ ca chính là phần lắng đọng, chưng cất, tinh chế những trải nghiệm ấy cùng với thứ mỹ cảm vừa giàu tính thời sự, vừa mang chiều sâu triết lý nhân sinh của một tâm hồn đa cảm và trí tuệ sắc sảo.
Đặng Bá Tiến là một nhà báo, một nghệ sĩ rong ruổi trên nhiều chặng đường văn hoá nghệ thuật: làm báo, làm thơ, làm nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng có lẽ hành trình nào cũng đưa ông về một miền cổ tích trong tâm tưởng: miền của cái Đẹp được dệt nên bởi lá hoa, bởi chim muông, bởi đại ngàn, bởi những nụ cười, những phong tục tập quán, những truyền thuyết, sử thi, giai thoại, và hơn hết, bởi một tình yêu tha thiết, trách nhiệm xã hội và những rung cảm đặc biệt tinh tế trước cuộc đời cùng tài năng biến những rung cảm ấy thành thứ ngôn ngữ nghệ thuật giàu cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc.
Trong gia tài nghệ thuật của ông, nếu những bức ảnh đặc sắc đã đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế hoặc đang được trưng bày trong một số bảo tàng là phần phô diễn những quan sát, những trải nghiệm về thiên nhiên và con người một cách trực tiếp, sống động, thì thơ ca chính là phần lắng đọng, chưng cất, tinh chế những trải nghiệm ấy cùng với thứ mỹ cảm vừa giàu tính thời sự, vừa mang chiều sâu triết lý nhân sinh của một tâm hồn đa cảm và trí tuệ sắc sảo. Đọc thơ ông là tham dự vào một hành trình miên viễn – lung linh sắc màu, ngất ngư nhịp điệu và đắm đuối suy tư để tìm lại những vọng âm huyền sử, những ký ức văn hoá, để tưởng nhớ bản nguyên sinh thái của một vùng đất và của sự sống nói chung.
Trong tâm lý học sáng tạo nghệ thuật có khái niệm “vùng thẩm mỹ”, và một trong những hướng tiếp cận hiện đại đối với văn học là gắn tác giả, tác phẩm với các “nơi chốn” (place) sản sinh ra nó để phân tích ý nghĩa của nó với nơi chốn ấy: “Nơi chốn không trừu tượng hoặc bất biến. Chúng được kiến tạo và cấu thành bởi một loạt các quá trình sinh thái xã hội phức tạp, đầy mâu thuẫn. Do đó, những câu hỏi về căn tính, giới tính, dân tộc, giai cấp, chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa đa văn hoá, hay toàn cầu hóa, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phê bình nơi chốn – tương tự như với các phương pháp tiếp cận khác trong phê bình văn học. Các nhà phê bình nơi chốn (placed critics) hướng sự chú tâm của họ vào nơi chốn để kiếm tìm các phương pháp “chữa lành” cho các vấn đề xã hội và sinh thái địa phương – giống như các nhà phê bình thông thường coi tác phẩm của họ là giải pháp cho các vấn đề quốc gia” (Ball, E.). Tiếp cận từ cả góc độ tâm lý học sáng tạo lẫn từ lý thuyết phê bình sinh thái (Ecocriticism), phê bình nơi chốn (Placed criticism) thì Tây Nguyên chính là nơi chốn quen thuộc, vùng sinh thái – xã hội thân thuộc, vùng thẩm mỹ chủ yếu của thơ Đặng Bá Tiến.
Từ trường ca Rừng cổ tích qua các tập thơ Hồn cẩm hương và Linh hồn tiếng hú xuất hiện nhiều địa danh khác nhau, trải khắp các vùng miền đất nước, nhưng hiện lên với tần suất dày đặc nhất, thông qua nhiều hình ảnh nhất, chứa đựng nhiều cảm xúc và tâm tư nhất, chính là Tây Nguyên. Những ám ảnh sinh thái của nhà thơ được thể hiện rõ nét trong các bài thơ về Tây Nguyên. Ông viết về Tây Nguyên bằng một tư thế đặc biệt: không phải một người bản địa Tây Nguyên, nhưng cũng không phải một nghệ sĩ rong chơi qua Tây Nguyên trong thoáng chốc. Từ Hà Tĩnh – miền đất văn nhân, chuyển vào sinh sống gần bốn mươi năm ở Đắk Lắk, làm việc, gắn bó sự nghiệp với Tây Nguyên, cái nhìn đối với Tây Nguyên trong thơ ông vừa là cái nhìn quan sát, chiêm ngưỡng của một chứng nhân từ bên ngoài, vừa là cái nhìn tham dự, thẩm thấu ở bên trong của một người thuộc về và gắn bó. Bởi thế, những vần thơ về Tây Nguyên của Đặng Bá Tiến vừa chứa chan xúc cảm, tình yêu nồng nàn với cảnh vật, con người Tây Nguyên, vừa thể hiện một thái độ khách quan, những suy tư đầy lý trí và tinh thần trách nhiệm với miền đất ấy.
Nếu trong ấn tượng chung của người Việt Nam, và trong ký ức văn học nghệ thuật, Tây Nguyên thường hiện lên trong vẻ đẹp quyến rũ của rừng đại ngàn, của cao nguyên đất đỏ hùng vĩ, của một nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc truyền thống từ các tộc người, và được miêu tả trong niềm tự hào, say mê, khao khát, thì thơ Đặng Bá Tiến lại tái hiện Tây Nguyên từ một góc nhìn khác, một cảm thức khác. Đó là một Tây Nguyên của sự vận động biến đổi, Tây Nguyên của những nghịch lý, những bi kịch; một Tây Nguyên hiện lên trong nỗi đau, nỗi ám ảnh về những vẻ đẹp đang dần tàn phai, những giá trị đang dần mất mát, những bản sắc đang dần mai một, và khắc khoải một nỗi nhớ nhung, sầu thương khôn nguôi về những ảnh hình, những biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên và văn hoá đang có nguy cơ biến mất. Đó chính là nỗi đau rừng và nỗi đau văn hoá hiển hiện một cách đậm đặc như những ám ảnh sinh thái trong tác phẩm của Đặng Bá Tiến qua hàng loạt tác phẩm, mà tiêu biểu nhất là qua Hồn cẩm hương (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017) và Linh hồn tiếng hú (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020). Hai tập thơ đưa người đọc vào những chuyến du ngoạn của tâm hồn tìm về với rừng xanh, với nét đẹp và bản nguyên sinh thái của một miền xanh kỳ thú; cùng trò chuyện và suy tư với rừng, với đại ngàn, với buôn làng, với linh hồn một vùng đất – vùng thẩm mĩ thân thiết của tác giả. Cuộc trò chuyện ấy xuất phát từ tâm sự cá nhân, từ những trải nghiệm về “cuộc bể dâu” mà chủ thể trữ tình quan sát thấy:
Mới đó mà thời trai trẻ đã bỏ ta/Đại ngàn đã thưa dần cổ thụ/ Nước cũng cạn rồi, lá khô đầy bến cũ/ Chỉ gió còn hú mãi tiếng buồn xưa/ Bạn bè rụng rơi theo nắng theo mưa/ Cồng chiêng cũng vơi dần buôn vắng…(Cúc quỳ).
Và sau những quan sát là những xúc cảm: là tình yêu và nỗi đau mất mát – khi ào ạt sôi nổi khi nghẹn ngào đầy suy tư, khi sâu lắng khi cuồng nhiệt – cứ trở đi trở lại trong ông và tràn sang người đọc một nỗi day dứt, ám ảnh về sự mai một, biến mất  những giá trị đẹp đẽ của đất, của người Tây Nguyên. Những xúc cảm ấy hằn trong hình ảnh, trong tâm tư của từng ngọn thác, dòng sông, con voi, già làng, lời chiêng, tiếng hú… Có thể nói, thơ Đặng Bá Tiến, với phương thức trữ tình nhập vai và lối viết phóng khoáng, giàu cảm xúc, giàu tính biểu tượng, là cách nhìn đa chiều đầy trăn trở về Tây Nguyên trên tinh thần “Tưởng nhớ trái đất”(remember the earth), tưởng nhớ đại ngàn, lấy sinh thái, trái đất làm trung tâm (earth – centered) để cất lên những tiếng kêu cứu về sinh thái và văn hoá cho vùng đất Tây Nguyên nói riêng, cho đất nước và nhân loại nói chung trên hành trình phát triển.
“Giải huyền thoại” về Tây Nguyên bằng cái nhìn đương đại
Cây, rừng, suối, thác, cao nguyên là những hình ảnh quen thuộc của thiên nhiên Tây Nguyên, tạo nên một nét đặc trưng cho vùng đất ấy: hệ sinh thái rừng. Và những cánh rừng bạt ngàn, thơ mộng, hùng vĩ ấy lại tạo nên một hệ sinh thái tinh thần đặc trưng cho buôn làng Tây Nguyên: văn hoá rừng – với lối sống, thói quen sinh hoạt, tập tục sản xuất, ứng xử, tín ngưỡng gắn liền với rừng. Nguyên Ngọc – một nhà văn, nhà phê bình gắn bó mật thiết với Tây Nguyên, cho biết: “Một làng Tây Nguyên phải có ít nhất năm loại rừng, đủ cả năm loại thì mới thành làng, mới còn làng Tây Nguyên và còn Tây Nguyên”, năm loại rừng đó là: “Rừng đã biến thành nơi cư trú của con người. Là khoảnh rừng làng đã xin, đã mượn của tự nhiên – rừng làm đất cư ngụ”; “Rừng để làng làm rẫy, là khu vực được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, do già làng chọn, và hội đồng già làng phân cho các hộ canh tác”; ‘Rừng sinh hoạt, là khu vực rừng không làm rẫy, con người chỉ thỉnh thoảng vào đấy khi tìm sợi mây, khúc gỗ làm vật dụng, khi theo dấu con ong và tìm cái mật, khi mải miết đuổi theo con cheo, con chồn…”;  “Rừng đã thành nghĩa trang, bao giờ cũng nằm về hướng tây của làng, hướng mặt trời lặn, đường đi về cõi bên kia”; và “Rừng thiêng, hay rừng ma. Là nơi ngự trị của các thần linh. Không ai được động tới. Đến đây, tự nhiên thống trị tuyệt đối. Đấy cũng là rừng đầu nguồn, giữ nước, sự sống của làng” (Nguyên Ngọc). Rừng vừa là môi trường sống, là cái nôi của sự sống ở Tây Nguyên, vừa là không gian linh thiêng huyền bí trong tâm thức của người Tây Nguyên, vừa là nơi người Tây Nguyên tìm cách thích nghi, khai thác, chung sống trong cả khát vọng chinh phục và thái độ thành kính.
Nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá Tây Nguyên đã thống nhất đánh giá rừng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong không gian tự nhiên, xã hội, trong văn hoá của người Tây Nguyên. Nguyễn Văn Kim khẳng định: “Đặc tính rừng núi chi phối hầu hết nếp sống, nếp sinh hoạt kinh tế, văn hoá, đời sống tâm linh của người Ê – đê và đồng bào Tây Nguyên. Rừng là nơi khởi nguyên đồng thời cũng là nơi trở về với tổ tiên của bao thế hệ. Rừng gắn với đời sống tâm linh, với tầng sâu về nguồn cội văn hoá” (Nguyễn Văn Kim, 73). Có thể nói núi rừng chính là đặc trưng sinh thái cả về thiên nhiên, cả về tinh thần, văn hoá của người dân Tây Nguyên, và đặc điểm đó được lưu giữ đậm nét trong các sáng tác văn học nghệ thuật. Các tác phẩm của Tây Nguyên và về Tây Nguyên thường khắc hoạ vùng đất này với nét đẹp bình dị, khoáng đạt của con người hoà quyện trong vẻ đẹp trù phú, xanh tươi, huyền bí và kỳ vĩ của thiên nhiên: Sử thi Đam Săn được đưa vào chương trình Sách Giáo khoa môn Ngữ văn Trung học phổ thông với trích đoạn đặc sắc về chàng trai Đam Săn đi bắt Nữ thần Mặt Trời – thể hiện dũng khí vô song và khát vọng phi thường của người tù trưởng Ê – đê; những ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên luôn lấp lánh vẻ đẹp của con người gắn với thiên nhiên tươi xanh, mát lành: Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hoà/ Những đứa con của Trường Sơn trung kiên như Trường Sơn, như tiếng trống già làng (Nguyễn Cường, Ơi M’ Drăk), Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglai/ Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn chapi (Trần Tiến, Giấc mơ Chapi), Gái trai Ê Đê, gái trai Mơ Nông/ Hát cho cao nguyên xanh mãi mãi/ Hát cho K’ Rông A Na sóng vỗ/ Xôn xang, mênh mang (Nguyễn Cường, Xôn xang mênh mang cao nguyên Đăk Lăk)… Truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành được mở đầu bằng hình tượng cây xà nu như một ẩn dụ cho nỗi đau, sự hi sinh và sức sống, khả năng hồi sinh diệu kỳ của dân làng Xô Man trong bom đạn chiến tranh. Có những tác phẩm hình dung về Tây Nguyên bằng một màu xanh ngút ngàn của trời, của nước, của núi, của cây: Trời Tây Nguyên xanh/ Hồ trong nước xanh/ Trường Sơn xa xanh/ Ngút ngàn cây xanh (Hoàng Vân, Tình ca Tây Nguyên). Sức sống của thiên nhiên và nét đẹp khoẻ khoắn trong lao động của con người khiến cho Tây Nguyên luôn rộn ràng niềm vui của đất trời, niềm tự hào, say mê ngây ngất của lòng người: Tháng Ba, rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/ Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát/ Bầy chim muông cất cánh rợp trời/ Sông từng đàn con cá lội bơi (Văn Thắng, Tháng Ba Tây Nguyên).
Từ văn hoá rừng, từ sự tương tác với rừng, với nương rẫy, một số học giả định vị văn hoá Tây Nguyên với những đặc sản vùng miền được kiến tạo một cách phong phú, giàu có, trở thành một di sản đáng tự hào giữa bức tranh chung của văn hoá Việt Nam trên hành trình phát triển trong bối cảnh xã hội đương đại: “Nền văn minh nương rẫy Tây Nguyên đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam một địa chỉ văn hóa, với ba hình thái văn hóa phi vật thể lớn: Kho tàng đồ sộ các trường ca – sử thi truyền miệng mà không một đất nước nào trên thế giới có được; vùng không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo và phong phú; vùng du lịch sinh thái và văn hóa huyền thoại đầy sức quyến rũ” (Linh Nga NiêkDam). Có thể nói sự hình dung của các học giả, giới nghệ sĩ và công chúng văn học nghệ thuật về Tây Nguyên thường gắn với nét đẹp hùng vĩ, bao la, trù phú, xanh tốt của thiên nhiên, vẻ đẹp mộc mạc, khoẻ khoắn, hồn hậu của con người và nền văn hoá giàu bản sắc, phong phú di sản của các tộc người thiểu số. Cái nhìn ấy dường như tạo thành một định đề, một huyền thoại về vùng đất Tây Nguyên, và không ngừng được nhân lên, được tiếp nối, được bồi đắp thêm trong các công trình, các tác phẩm.
Nhưng đến với thơ Đặng Bá Tiến, người đọc có thể có một góc nhìn, một cách tiếp cận khác về Tây Nguyên: Tây Nguyên trong thơ sinh thái, Tây Nguyên trong nỗi âu lo về một cuộc khủng hoảng, tổn thương của cả thiên nhiên và văn hoá bản địa trên tiến trình phát triển của xã hội. Nỗi âu lo ấy được thể hiện vừa trực tiếp trên bề mặt câu chữ dày đặc những thông điệp giàu tính thời sự, vừa ẩn dụ, sâu sắc trong hệ thống những hình ảnh, biểu tượng, những rung cảm thẩm mỹ giàu tính triết lý mà vẻ đẹp của thơ ca mang lại cho người đọc.
Trong lời mở đầu trường ca Rừng cổ tích, Đặng Bá Tiến từng bộc bạch: “Văn hoá bản địa Tây Nguyên độc đáo, đặc sắc. Thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ, thơ mộng, động – thực vật phong phú. […]. Vậy mà bây giờ… Bản Đôn đã và đang từng ngày, từng giờ đánh rơi dần bản sắc văn hoá độc đáo của mình. Tấm áo đẹp mà thiên nhiên khoác cho Bản Đôn cũng đang bị xé toạc dần từng mảng lớn. Đấy là nỗi buồn. Và không chỉ buồn, thực sự là nỗi đau đối với tất cả những ai yêu mến vùng đất này! Tôi viết trường ca Rừng cổ tích như một hoài niệm, một giấc mơ của riêng mình về vùng đất Bản Đôn thân thương” (Đặng Bá Tiến: 2012, 6). Hoài niệm Tây Nguyên, tinh thần tưởng nhớ vẻ đẹp của Tây Nguyên trong quá khứ được thể hiện tha thiết, và hiện hữu một cách đậm đặc trong những hoài niệm ấy là một nỗi đau rừng và nỗi đau văn hoá khôn xiết, cồn cào.
Trong một bài viết có ý nghĩa nền tảng đối với Phê bình sinh thái, “Phê bình sinh thái: nghiên cứu văn học trong bối cảnh khủng hoảng môi trường toàn cầu” (Ecocriticism: literary studies in an age of environmental crisis), khi định nghĩa về Phê bình sinh thái, Cheryll Glotfelty từng minh định những mối quan tâm đặc biệt của các nhà sinh thái học như sau: “Phê bình sinh thái và các nhà lí thuyết đã đặt ra nhiều vấn đề: tự nhiên được hình dung như thế nào trong các bài thơ trữ tình? Vai trò của bối cảnh tự nhiên trong cốt truyện của tiểu thuyết? Các giá trị thể hiện trong kịch có nhất quán với trí tuệ sinh thái? Làm thế nào chúng ta có thể mô tả cách viết về tự nhiên như một thể loại? Ngoài chủng tộc, giới tính nên đặt điểm nào trở thành danh mục phê bình mới? Nhà văn nam viết về tự nhiên khác nhà văn nữ như thế nào? Cách đọc nào chịu ảnh hưởng của mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên? Ý niệm về sự hoang dã sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới? Những cách nào và những tác động gì mà khủng hoảng môi trường thấm vào văn học đương thời và văn hóa đại chúng?” (Cheryll Glotfelty). Đọc thơ Đặng Bá Tiến từ góc nhìn của Phê bình sinh thái, có thể thấy: cách mà nhà thơ trình hiện thiên nhiên trong tác phẩm của mình, những ẩn dụ, những biểu tượng nghệ thuật trong thơ ông nói lên một sự trăn trở, dằn vặt sâu sắc về những rạn nứt trong mối quan hệ giữa con người với giới tự nhiên, sự đổi thay của thiên nhiên theo hướng mất mát những giá trị nguyên sơ và trù phú, và bao trùm lên tất cả là tinh thần trân quý, khát vọng tìm lại bản nguyên sinh thái của vùng đất Tây Nguyên. Đó chính là một cái nhìn đương đại đầy tính hiện thực trên tinh thần “giải huyền thoại” của thơ ông về vùng đất này.
Nỗi đau rừng hay là tinh thần “Tưởng nhớ Trái đất”
Theo Kate Rigby, một trong những điểm cốt lõi hàng đầu của Phê bình sinh thái là “tưởng nhớ trái đất thông qua sự phơi bày trước mắt con người khoản nợ của văn hoá đối với tự nhiên”. Thơ Đặng Bá Tiến, theo đó, chính là những văn bản chứa đựng tinh thần tưởng nhớ Trái đất, tưởng nhớ vẻ đẹp nguyên sơ của rừng Tây Nguyên từ những vọng âm trong quá khứ, trong huyền sử của miền đất ấy.
Một kiểu kết cấu quen thuộc trong các bài thơ của Đặng Bá Tiến là kết cấu tương phản, đối lập: tương phản giữa quá khứ với hiện tại, giữa hoài niệm, hồi ức về hôm qua với hiện thực được phơi bày hôm nay. Qua đó, nhà thơ thực hiện một hành trình trong tâm tưởng để “đi tìm thời gian đã mất”, tìm lại quá khứ huy hoàng, rực rỡ, đầy màu sắc, âm thanh, tràn ngập những hình ảnh sinh động, rộn ràng của thiên nhiên gắn với không gian núi rừng, để rồi sực tỉnh trước hiện thực: tất cả những vẻ đẹp đó chỉ là ảo ảnh, hồi ức, tất cả nay “còn đâu”:
Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng/ Trăm thứ hoa rừng đua nhau khoe sắc/ Ong đập cánh cho ngợp trời phấn rắc/ Mật ngọt như mưa dưới tán biếc ròng ròng/ Còn đâu điệu múa xoè của những bầy công/ Cánh rừng bên sông chỉ còn đất trống/Lau phơ phất một màu tang trắng/ Hồn cẩm hương… cũng hết gốc nương nhờ/Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ/Giờ những đống xương khô tàn lạnh/ Mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh/ Trong hoài niệm hằng đêm lại vỗ cánh bay về./ (Tiếng tù và Ma – Kông).
Những nét đẹp lãng mạn, thơ mộng của rừng xưa đã vụt biến mất như trong giấc mơ, chỉ còn lại sự trống vắng, hắt hiu, tàn lụi. Và hình ảnh người đàn bà mang gùi đi trên con đường thân thuộc bỗng trở nên lẻ loi, buồn tủi bởi không được thiên nhiên điểm tô, hoà quyện:
Không có tiếng chim đ’rao, không có tiếng chim s’tiêng… lảnh lót như ngày xưa./ Không có mùi hương hoa ê – pang, hoa sớc – khọt… bay trong sương như ngày xưa./ Không có làn khói mỏng dan díu trên mái tranh như ngày xưa./ Chỉ có hoài niệm về rừng xưa, buôn xưa, tiếng chim xưa chập chờn ẩn hiện./ Làm niềm tin cho người đàn bà gắng sức. (Người đàn bà mang gùi).
“Còn đâu”, “Không có” – những điệp khúc trong hai đoạn thơ trên đã diễn tả nỗi mất mát và cả sự hụt hẫng, tiếc nuối, nhớ thương về rừng xưa. Và những hoài niệm ấy dường như luôn là báu vật, là sức mạnh, niềm tin để con người của hôm nay bớt trơ trọi, đơn côi giữa cảnh tượng heo hút không còn những người bạn thiên nhiên thưở nào. Nhưng càng hoài niệm thì chủ thể trữ tình càng xót xa nhận ra sự đối lập giữa hiện tại và quá khứ: Những ngày sống cùng đại thụ, bạn cùng cây lá, muôn ngả là rừng, là những bàn tay Mẹ Thiên Nhiên bao dung che chở /Bây giờ suối khô, rừng hoang…(Nước mắt tượng nhà mồ).
Trong những đoạn thơ trên, thiên nhiên – những yếu tố “non – human” vốn dĩ là một người bạn của con người trong hệ sinh thái, những yếu tố vốn bình đẳng với con người, thậm chí là cái nôi che chở, môi trường, nguồn sống của con người, đang trở thành nạn nhân của sự phá huỷ, tiêu diệt, và nhà thơ đã đặt những câu hỏi nhức nhối để lên án đanh thép những kẻ làm nên nỗi mất mát, nỗi đau này. Đặng Bá Tiến đã từng viết nhiều bài báo về nạn phá rừng, nhưng với thơ, ông còn có thêm những “vũ khí” tinh thần lợi hại nữa để sự phản ánh về vấn nạn này trở nên sâu sắc và tràn đầy cảm xúc. Trong tập Hồn cẩm hương, bằng phương thức nhập vai, hoá thân vào nhân vật trữ tình, thơ ông không phải sự mô tả, phản ánh một chiều mà là câu chuyện, là tâm sự, là nỗi niềm của chính thiên nhiên, là nơi hệ sinh thái cất lời: đó là câu hỏi của thác Đray Nu: Mẹ Đại Ngàn mát lành cội rễ/ Ai đưa Mẹ về xanh lại núi đồi xưa?, là Lời con voi Bản Đôn: Chiều nay ta nhai nắng đến rã rời/ Chẳng còn cỏ thơm, chẳng còn mía ngọt/ Ta nuốt cả phận mình trong đắng đót/ Bản Đôn ơi ai còn hiểu lòng ta? Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, trở thành mô típ quen thuộc của một loạt bài thơ: Quá khứ đẹp tươi của cỏ cây chim muông, của rừng đại ngàn xanh thắm – Hiện tại điêu tàn, chơ vơ, mất mát- Ai có thể trở lại ngày xưa, ai có thể trả lại rừng xưa? Những câu hỏi buông lơi, những câu hỏi cồn cào không lời đáp như liên tục bổ sung, hô ứng với nhau để gieo vào lòng người đọc tình yêu, tình thương bỏng cháy với Trái đất, với đại ngàn, với dòng thác, với con sông, với voi, với chim muông, hoa nắng, và từ đó nhen lên một nỗi xót xa với thiên nhiên đang chết dần, thưa vắng dần.
Vẫn là phương thức trữ tình nhập vai và những câu hỏi tu từ, nhưng đến Linh hồn tiếng hú, chủ thể trữ tình thường là con người: là “tôi”, là “ta” – những đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất; là mí – người mẹ đắng lòng nhớ lá bép rừng xưa, là cô gái má đầm nước mắt thương voi gầy Bản Đôn; là già làng, Ây Nô, Khăm Xay với nỗi cô đơn trong chén rượu nhớ rừng, trong đắm đuối xót thương linh hồn tiếng hú… Nếu ở Hồn cẩm hương, “Nỗi rừng” được bộc lộ sôi nổi, nồng nhiệt, cháy bỏng trong những hoài niệm, những nhớ thương, những khao khát, thì đến Linh hồn tiếng hú, dường như những tình cảm, những tâm trạng với thiên nhiên, với đại ngàn, với đất đã bầm lại trong nỗi đau, nỗi hận, trong những suy tư giàu triết lý. Nếu tập trước là tiếng kêu cứu của tự nhiên non – human, thì tập sau là nỗi niềm của những con người đang bị bóc tách dần khỏi tự nhiên, bị “mất trộm” tự nhiên như là một phần cuộc sống của mình, và của cả những linh hồn không nơi trú ngụ:Giờ ta về giữa rừng xưa/ hồn không chỗ trú/ nắng mưa ngút trời/ xót xa!/ ta hỏi một lời:/rừng tàn/ sông cạn/ rồi người về đâu?!- (Câu hỏi của linh hồn).
Có thể nói, trong hai tập thơ, có một nỗi ám ảnh nhức nhối về sự biến đổi, mai một, mất mát của thiên nhiên so với quá khứ, được cụ thể hoá, định danh thành “Nỗi rừng” (như tên Phần I của Hồn cẩm hương). Nỗi niềm ấy được nhìn, được diễn tả từ cả góc nhìn của thiên nhiên và góc nhìn của con người – trong sự bình đẳng, hô ứng với nhau: thiên nhiên nhớ nhung quá khứ tươi xanh, trù phú, kỳ vĩ của mình, và con người nuối tiếc, buồn thương thiên nhiên – người bạn, người chở che, nuôi dưỡng mình, bị mất mát. Điều đáng nói là trong những lời tâm sự, những nỗi niềm của cả tự nhiên và con người, có thể thấy rõ một sự chối từ tư tưởng lấy con người làm trung tâm (anthropocentrism) và đề cao tinh thần lấy sinh thái làm trung tâm, trái đất làm trung tâm (earth – centered), trong đó tiếng nói con người và tiếng nói của thiên nhiên (lời của thác, của sông, của hồ, của rừng, của voi, của hoa, của bìm bịp…) đều là tiếng nói nhân danh hệ sinh thái, nhân danh sự sống, nhân danh Tây Nguyên. Sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên vì một hệ sinh thái cân bằng chính là khát vọng, là niềm tin tối thượng trong các bài thơ sinh thái, và trong một số tác phẩm (Lời chiêng từ đất, Nước mắt tượng nhà mồ, Chuyện của Ma – Té, Chuyện về hồ Lăk, Chuyện không hot), khát vọng ấy được thể hiện qua niềm tin về Giàng: Giàng là đấng tối cao, là mẹ thiên nhiên, là quy luật vận hành của tạo hoá, của hệ sinh thái. Vì vậy, trong nhiều bài thơ, tác giả cũng trực tiếp hay gián tiếp phê phán, lên án những hành động phá huỷ tự nhiên, đi ngược lại sự sắp xếp của Giàng khiến hệ sinh thái bị tổn thương, cuộc sống bị mất cân bằng: “Hồ Lắk bây giờ…”/ Già nghẹn ngào, mắt nhoè sương khói/ “… nước đục vũng trâu/ Cá chích điện kiệt rồi/ Nai hoẵng quanh hồ còn trong chuyện kể thôi/ Vài bóng voi già buông vòi tư lự/ Rừng trơ gốc mưa cuộn trào đất đỏ/ Hồ đang bỏ người/ Về với Giàng xưa…” (Chuyện về hồ Lắk).
Trong sự đối lập giữa còn và mất, giữa có và không, giữa quá khứ tươi đẹp giàu có và hiện tại hoang vắng cằn cỗi của thiên nhiên ấy, nhà thơ không chỉ miêu tả, không chỉ tiếc nuối, không chỉ xót thương, ông đã đặt ra câu hỏi đanh thép về thủ phạm của hiện trạng đau đớn này, và kiếm tìm điểm tựa ở tổ tiên, ở Giàng:
Hỡi ông bà tổ tiên, hỡi Giàng trên cao xa kia, ai đã lấy cắp những cánh rừng của tổ tiên tiên ta./Ai đã hút máu cánh rừng của ta, để bây giờ giọt nước mắt của rừng khô thành đá ngổn ngang lòng suối.-(Nước mắt tượng nhà mồ).
Thông qua dày đặc những hình ảnh, những địa danh, những nhân vật sống động được hoà trộn trong những cảm xúc thẩm mỹ dạt dào, nhà thơ đã đánh thức trong người đọc những rung cảm, những suy tư, đã đặt ra những câu hỏi buộc người đọc phải dấn thân vào một cuộc thảo luận: Nguồn cơn nào đã khiến đại ngàn Tây Nguyên, hệ sinh thái Tây Nguyên bị mất mát, phá vỡ? Nguyên nhân nào đã dẫn đến nỗi đau rừng nhức nhối như vậy? – Là thói quen khai thác rừng trong cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa? Là nạn phá rừng tràn lan sau những làn sóng di cư? Biết bao kẻ đứng sau sự tổn thương, sau cái chết của đại ngàn – với những khuôn mặt muôn hình vạn trạng nhưng đều giống nhau ở nỗi khát tiền, cơn mơ tiền mà gỗ rừng mang lại, như nhà thơ từng phác thảo chân dung trong Rừng cổ tích – bằng thứ ngôn ngữ đầy tinh thần hiện thực và tính thời sự: Sau làn sóng di cư/ Là bọn lâm tặc, là lũ mọt rừng trăm phương mò tới/ Chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối/ Ăn rừng giữa bạch nhật thanh thiên/ Chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún/ Chúng ngủ mơ cũng thấy gỗ chập chờn/ Chúng bán, mua cả rừng gỗ giản đơn/ Bằng những dự án đỏ lòm con dấu/ Và bầm tím những mưu đồ ẩn náu/ Chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào/ Những cánh rừng đẫm máu thương đau/ Voi phơi xác cho quạ, diều mở tiệc/ Hổ, báo cũng cùng đường mạt kiếp/ Chúng biến cẩm, hương thành những đống vàng mười/ Thành đô – la xanh cho chúng đổi đời…
Có lẽ chính bởi vì Đặng Bá Tiến hiểu rất rõ thực trạng này thông qua sự quan sát và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều năm làm báo, làm nhiếp ảnh, nên thơ ông chan chứa nỗi đau rừng, sự trăn trở trước vấn nạn mất rừng, nhưng ông chỉ dừng lại ở việc phản ánh và và bộc lộ tâm tư từ góc nhìn sinh thái, ông không trực tiếp phơi bày những nguyên nhân, càng không thể đưa ra được những giải pháp cho hiện trạng. Và câu chuyện ấy, hiện trạng ấy đâu phải chỉ của riêng Tây Nguyên. Vì vậy, ông không phán xét, chỉ cảm thán. Rốt cuộc, ông đứng về đâu trong cuộc chiến chống lại “lâm tặc” (theo nghĩa rộng nhất của từ này)? Có lẽ, ông đứng về phe Trái đất, bằng tất cả yêu thương, bằng tất cả những nỗi buồn triền miên, những đau xót khuôn nguôi – vô vọng, bế tắc, và bằng cả những giấc mơ trong tâm tưởng.
Ký ức về huyền sử và trăn trở về những thách thức của cộng đồng trong phát triển, hội nhập.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của văn học sinh thái và phê bình sinh thái là mối quan hệ giữa văn hoá và tự nhiên, văn minh và hoang dã – nói cách khác là nghịch lý của việc phá huỷ môi trường tự nhiên để đạt tới những giá trị văn hoá và trình độ văn minh mới của những quốc gia phát triển thiếu bền vững. Hiểu rộng ra, phê bình sinh thái phê phán sự áp đặt thô bạo của con người lên giới tự nhiên để đạt được những thành tựu văn minh hiện đại. Từ góc nhìn của phê bình sinh thái, có thể thấy trong thơ Đặng Bá Tiến chứa đựng một sự suy tư, day dứt không nguôi trước sự mai một của văn hoá rừng và những biểu hiện văn hoá đương đại, sự hội nhập, pha tạp các giá trị đa dạng đang làm phai nhạt dần bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Khi rừng bị thu hẹp, những “hồn cẩm thương”, “linh hồn tiếng hú” không còn là sinh quyển quen thuộc, thì văn hoá rừng cũng không có điều kiện bảo tồn. Sự thưa vắng rừng đại ngàn liên quan mật thiết tới những biến đổi về phong tục, tập quán, lối sống, phong khí. Bên cạnh đó, những biến đổi về cơ cấu dân cư của khu vực cũng chi phối rất đậm nét bức tranh văn hoá nơi đây.
Trước kia, cư dân ở Tây Nguyên có đến gần 70% là người dân tộc thiểu số, với 18 tộc người. Hiện nay, Tây Nguyên có đủ cư dân của 54 tộc người trên đất nước Việt Nam, trong đó người dân tộc thiểu số chỉ còn chiếm khoảng gần 37%, người Kinh chiếm tỉ lệ lớn và có ảnh hưởng quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của khu vực. Sự tương tác văn hoá trong quá trình phát triển, hội nhập đã khiến cho đời sống văn hoá ở khu vực có những biến đổi quan trọng, trong đó có việc phai nhạt dần bản sắc văn hoá truyền thống của người bản địa, hoặc sự du nhập, pha trộn giữa các nền văn hoá tộc người dẫn đến sự lai căng, xa lạ với thói quen, tập tục truyền thống. Khi rừng bị tàn phá và các tộc người thiểu số dần dần thoát ly khỏi cuộc sống phụ thuộc vào rừng để du nhập lối sống hiện đại trên đà công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì những bản sắc văn hoá truyền thống cũng dần mai một. Đặng Bá Tiến đã cất lên một tiếng thở dài trong thơ về hiện trạng này. Tiếng hú là một âm thanh gắn liền với tập tục sinh hoạt và lao động của dân làng xưa khi cuộc sống gắn liền với rừng. Âm thanh gọi đàn vang dội núi rừng ấy tượng trưng cho đời sống hoang dã, cho sự cường tráng, nét phóng khoáng của người Tây Nguyên khi gọi nhau vào rừng săn bắn, lao động, khi quần tụ trong những sinh hoạt cộng đồng, nhưng nay đã vắng im khỏi buôn làng, khiến nhà thơ, già làng và cả cảnh vật cồn cào nỗi nhớ:Tất cả đều nghe/ Không phải bằng tai và bằng ruột gan khắc khoải/ Tiếng hú từ thăm thẳm thời gian/ Vọng về từ những mùa săn voi xa lắc/ Từ những tháng ba hú gọi nhau đi tìm mật/ Rừng cổ thụ bảy tầng ong bao đõ đung đưa/ Tiếng hú từ những cơn mưa xưa/ Cá say nước đầu mùa nổi đầy Sê rê pốc/ Cá vớt lên tràn khoang độc mộc/  Đêm/ Tiếng hú thơm rượu cần, thơm cá nướng/ Khắp làng buôn…(Linh hồn tiếng hú).
Từng câu thơ như tuôn dài, trôi dài theo nhịp điệu khắc khoải, buông lơi triền miên của nỗi nhớ, nỗi khát thèm không khí xưa, và rồi vỡ vụn, nghẹn ngào trong sự đối mặt với nỗi mất mát của hiện tại: Tiếng hú xưa/ giờ như cứa vào tim/ còn đâu/ tìm đâu tiếng hú? Bài thơ Linh hồn tiếng hú và tập thơ cùng tên, cao hơn nỗi nhớ rừng, sâu hơn nỗi đau rừng, đó là nỗi hoài niệm về một tập tục, một không khí, một hệ sinh quyển đậm văn hoá rừng của buôn làng Tây Nguyên, hoài niệm về một huyền sử được bao phủ bởi tinh thần hoà hợp, sự cố kết, đầm ấm của buôn làng.
Cồng chiêng vốn là đặc trưng văn hoá của Tây Nguyên, là hơi thở, linh hồn của các sinh hoạt văn hoá, lễ hội truyền thống bản địa, nhưng trong xã hội hiện nay đang thưa vắng dần, hoặc được kết hợp một cách thô bạo với những sắc màu văn hoá không phù hợp:
Tất cả đều xa lạ/ Những cà – vạt kia, những com – lê kia, những toà nhà cao tầng kia, những pop rock kia, ta không hiểu, ta không biết…
Họ kéo ta về từ trăm năm trước, bắt ta ngân lên những lời chiêng linh thiêng trong ánh đèn điện tử chói loà biến hoá như lũ ma rừng, bắt tiếng chiêng ta va vào những bức tường xi măng vô hồn khô khốc, bắt những đôi tai vểnh lên dù nó muốn cụp xuống, bắt những cái miệng phải cười, dù nó đang muốn khóc, bắt những cái bụng phải vui, dù nó đã lên váng nỗi buồn và dù chán chường đã duềnh lên như lũ lụt.
Thần linh ơi/Giàng ơi/Ta xin thần linh, ta xin Giàng tha thứ cho loài chiêng ta, ta không muốn dối lòng mình, ta không muốn làm điều khác với ông bà ta đã làm, ta không muốn sự phục hưng vô hồn, vô cảm – (Lời chiêng từ đất).
Nhập thân để cất lên lời của chiêng, Đặng Bá Tiến đã phơi bày một hiện trạng đầy nghịch lý: trong lúc văn hoá cồng chiêng đang phai nhạt dần trong cộng đồng, thì những cuộc bảo tồn, chấn hưng, phục hưng lại làm cho nét đặc sắc văn hoá ấy bị bóp méo, trở nên dị dạng, kệch cỡm, giả dối, lại càng mất đi những nét đẹp, nét linh thiêng vốn có.
Cũng với tinh thần hoá thân vào đối tượng để cất lên tâm tư của mình, Nước mắt tượng nhà mồ lại là một khía cạnh khác trong nỗi đau văn hoá về một tập tục tâm linh ở Tây Nguyên. Nỗi đau văn hoá gắn liền với nỗi đau rừng: khi rừng mất cũng là khi những nề nếp sinh hoạt, những tập tục linh thiêng bị xâm phạm và xúc phạm:
Tất cả đã đổi thay/ Đêm nay ta còn đây/ Ngày mai, ngày kia đời tượng ta biết có còn không/ Khi rừng hết, khi nghệ nhân buông rìu/ Ngồi chắp tay khấn Giàng nhìn đời bằng đôi mắt nhắm/Nhắm để nhìn, để không còn nghe, không còn biết, những chướng ta gai mắt những nhà mồ sắt thép xi măng, những hip hop, rock, jazz thét gào cuốn chìm cả ay – ray êm đềm tình tứ./Nhắm mắt, bịt tai để chìm vào quá khứ, để bàn tay được cầm rìu tạc tượng, được gõ chiêng trong mơ, trong ảo giác buôn làng 100 năm trước… (Nước mắt tượng nhà mồ).
Đó còn là nỗi niềm của những người dân bản địa trước nguy cơ mát mát những sản vật địa phương: Món ngon của ông bà, đành ăn trong tưởng tượng (Chuyện của mí), là văn hoá suy tôn già làng, người lớn tuổi bị lung lay: bao tâm huyết già làng Bản Đôn gửi gắm trong Giọng bổng trầm như kể sử thi nhưng nhận lại sự thờ ơ của lũ trẻ đang nghêu ngao nhạc rock (Chuyện không hot), là sự biến đổi thiếu định hướng của những không gian văn hoá đặc trưng vùng miền: Bản Đôn ngày nay mang bộ mặt của một thứ không rõ hình hài: Bản chẳng còn là bản, Làng chưa hẳn là làng, Phố càng chưa là phố… Tất cả những điều ấy khiến cho Tôi chơi vơi, ngỡ ngàng (Bản Đôn). Ta có thể thấy rõ tất cả những nghịch lý, những điều trớ trêu mà tác giả thể hiện trong thơ được hiển hiện trong thực tế phát triển của Tây Nguyên: nhà rông, nhà dài thưa vắng dần và những ngôi nhà tiêu biểu cho kiến trúc, thói quen sinh hoạt của người bản địa thường hiện diện ở những địa chỉ du lịch, những nhà hàng, quán cafe theo mô hình nhà rông, nhà dài để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu hơn là hiện diện trong thực tế cuộc sống; văn hoá cồng chiêng được Unesco công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, nhưng không nhiều gia đình còn sử dụng cồng chiêng, “kiệt tác” ấy chủ yếu được trưng bày như bảo vật im lặng trong bảo tàng; những trang phục truyền thống chủ yếu xuất hiện trong các dịp biểu diễn ở lễ hội hoặc trên sân khấu…
Những biến đổi ấy, một mặt, phản ánh sự tự phủ định hoặc đào thải của một số thành tố văn hoá trong quá trình phát triển của kinh tế – xã hội để lưu giữ những giá trị phù hợp với điều kiện mới, nhưng trên một phương diện khác, cũng cho thấy những bất cập của cơ chế bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trước yêu cầu phát triển kinh tế. Đó là sự thống nhất, tính hiện đại đang khiến cho đa dạng văn hoá, những biệt sắc văn hoá truyền thống của các tộc người thiểu số có nguy cơ bị mai một, triệt tiêu ngay trên chính vùng đất đã sản sinh ra nó. Từ những liên hệ ấy, có thể thấy Đặng Bá Tiến, bằng phương thức trữ tình nhập vai, bằng những hình thức thơ co giãn tự do đến tận độ, bằng những biểu tượng văn hoá lặp đi lặp lại (chiêng, tượng nhà mồ, Bản Đôn, già làng..), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hoá trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập. Đó chính là tinh thần chung của thơ ca sinh thái, tinh thần chung của những nhà thơ có nhận thức, cảm quan sinh thái nhạy bén và sâu sắc. Như Deuk Ju Jeon đã mô tả khái quát, “Họ (các nhà thơ sinh thái) phê phán những yếu tố tiêu cực của văn minh phương Tây, song đồng thời cũng trải qua việc cô lập khỏi một nền văn hoá bản địa. Mặc dù chính cuộc sống và giá trị của họ đi ngược lại với thế giới công nghệ cao của nền văn minh phương Tây, tuy nhiên, khả năng cảm thụ của họ, dù có ý thức hay không, vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi nó. Các cá nhân không thể hoàn toàn tách rời khỏi một xã hội ngày càng lớn mạnh và độc quyền hơn, đặc biệt là trong thời đại hiện đại và hậu hiện đại” (Deuk Ju Jeon, 3). Soi chiếu vào thơ Đặng Bá Tiến, ta cũng thấy những vấn đề ông hình tượng hoá trong thơ không chỉ là vấn đề riêng của Tây Nguyên, mà còn là vấn đề khá phổ biến ở những khu vực của người thiểu số, ở các quốc gia đang phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam.
Những vấn đề về tự nhiên và văn hoá, quá khứ và hiện tại, xã hội và nghệ thuật được hoà quyện vào nhau để mang đến cho người đọc những rung động sâu sắc và từ đó trăn trở, suy tư, đối thoại về những vấn đề của một vùng đất. Và không chỉ là một vùng đất, không chỉ là Tây Nguyên, thơ Đặng Bá Tiến khiến người ta suy ngẫm về Trái đất, về hệ sinh thái, về chính mình với tư cách là một thành phần của hệ sinh thái ấy, trên hành trình sống và góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Với ý nghĩa như vậy, thơ Đặng Bá Tiến không chỉ gợi cho chúng ta về “những mối quan tâm trên bình diện sinh học, tâm lý học và tâm lý giữa con người với thế giới tự nhiên” ở phạm vi địa phương, vùng miền như Karen Lauren Thornber mô tả những nhà phê bình sinh thái trước thế kỷ XXI trong bài “Những tương lai của phê bình sinh thái” (Hoàng Tố Mai, 314), mà sâu rộng hơn, còn gợi lên những vấn đề xã hội liên đới như ảnh hưởng của công nghiệp hoá và bất công môi trường, những vấn đề về cộng đồng bản địa trong tương tác với các tộc người khác trên hành trình hội nhập và phát triển…
Nói cách khác, từ một vùng thẩm mỹ yêu thích cụ thể là Tây Nguyên, là Đắk Lắk, là Bản Đôn, từ nỗi đau rừng và nỗi đau văn hoá về vùng đất ấy, thơ Đặng Bá Tiến đưa chúng ta đến những suy tư sinh thái được dịch chuyển từ phạm vi địa phương sang phạm vi quốc gia và toàn cầu trong xã hội đương đại.  “Nhà phê bình sinh thái đọc một tác phẩm văn học với những câu hỏi nhất định trong đầu để làm nổi bật các giá trị môi trường” (Makwana Pradeep Haribhai, Manish Vyas). Và bởi vì “Làm thế nào để nghiên cứu văn học có thể dẫn tới những hành động vì môi trường?” là một trong 12 câu hỏi cốt lõi mà các nhà phê bình sinh thái đặt ra khi khám phá một văn bản văn học, nên những phân tích, nhận định về thơ Đặng Bá Tiến chính là lời cảnh báo và đánh thức con người về một ứng xử đúng đắn để bảo vệ Tây Nguyên, bảo vệ trái đất bằng một tư duy sinh thái trung tâm (ecocentric) giàu ý nghĩa nhân văn, giá trị xã hội.
Là thơ sinh thái, văn học sinh thái, nhưng không chỉ để người đọc nhận thức, suy tư về những vấn đề sinh thái, lịch sử, văn hoá, thơ Đặng Bá Tiến trên hết vẫn là thơ ca, là nghệ thuật, là mỹ cảm được hiển thị qua vẻ đẹp của ngôn từ, của hình ảnh, biểu tượng, của nhịp điệu, thanh âm để độc giả được thưởng thức, chiêm ngưỡng. Như một tiếng thở dài, như nỗi đau đã lâu ngày bị nén lại, thơ ông nhẹ nhàng nhưng thấm thía, dễ hiểu nhưng không kém phần triết lý, đậm chất suy tư; tập trung về chủ đề nhưng mỗi bài lại mang một tứ thơ, một hình hài mới mẻ và hấp dẫn. Hình ảnh, hình tượng thơ ông vừa đa dạng, vừa có sự xảy lặp để tạo điểm nhấn. Những con sông, dòng thác, con voi, những già làng, hay Bản Đôn đều là những hình ảnh, nhân vật, địa danh được lặp lại trong nhiều bài thơ, là nơi tác giả gửi gắm đậm đặc nhất những suy tư về sự đổi thay, mất mát, những tâm sự chất chứa nỗi đau, nhưng ở mỗi bài lại mang một dáng vẻ, được dệt bằng một sắc thái ngôn ngữ và giọng điệu khác nhau – khi thiết tha, khi đau đớn cồn cào, khi thổn thức, khi dồn dập. Sắc thái tình cảm về cùng một đối tượng, theo đó, sẽ khác nhau ở từng bài khiến, cho rung cảm, suy nghĩ về vấn đề được trở lại tâm trí người đọc, tăng tiến nhưng không nhàm chán.
Điểm đáng chú ý trong tư duy và nghệ thuật thơ Đặng Bá Tiến là thủ pháp trữ tình nhập vai và thủ pháp đối lập. Nếu trữ tình nhập vai là cách nhà thơ nhập thân, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, dòng ý thức nhân vật trữ tình (già làng, tượng nhà mồ, voi bản Đôn, thác Đray-Nu…), để chủ đề tác phẩm được cất lên từ điểm nhìn và lời của người trong cuộc với tinh thần “Thiên nhân hợp nhất”, tinh thần sinh thái trung tâm – không áp đặt, không phán xét; thì thủ pháp đối lập đã thể hiện những quan sát, trải nghiệm và trăn trở của chủ thể trữ tình trong sự chông chênh bập bềnh giữa nay và xưa, giữa sự hoang vắng, mất mát, cằn cỗi với sự trù phú, xanh tươi, rộn rã, giữa nỗi buồn và sự cô độc triền miên trong hiện tại với phong khí hân hoan, phóng khoáng của dĩ vãng, kỷ niệm… Hai thủ pháp ấy được lặp lại thường xuyên trong nhiều bài thơ, trở thành đặc điểm thi pháp đáng chú ý của thơ Đặng Bá Tiến, nhưng qua mỗi bài đều được thể hiện sinh động bằng một tứ thơ với những hình ảnh, biểu tượng cụ thể, sinh động.
Vẻ đẹp thơ ông còn đến từ thể thơ tự do với sự co giãn linh hoạt, năng động – khi thì là những câu ngắn với 2, 3 chữ, khi tuôn dài thành thơ văn xuôi như một dòng ý thức triền miên, vô định. Dù sử dụng nhiều thể thơ, nhưng có lẽ thơ tự do đã được Đặng Bá Tiến vận dụng hiệu quả nhất, đặc biệt ở những bài có sự nhập vai. Chẳng hạn, ở bài Đray-Nu, câu thơ co giãn đa dạng, khi chỉ 1 chữ, khi thì 10 chữ, những dòng thơ uốn lượn trên trang giấy như dòng thác bạc đổ xuống – khi mềm mại dịu dàng, khi ồn ào náo nhiệt; Lời chiêng từ đất hay Khúc xuân chép ở bản Đôn được tạo nên bởi những đoạn thơ văn xuôi miên viễn như âm vang của tiếng chiêng cồng, như hơi thở, không khí mùa xuân đang len lỏi, lan toả vào câu từ theo cảm nhận mùa xuân nơi buôn làng của tác giả… Sự linh hoạt của thể thơ lại được điểm tô bởi sự đa dạng về màu sắc, hình hài của cảnh vật và sự đa dạng của nhịp điệu thời gian nên càng tạo nên nét phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn cho các tác phẩm. Có thể nói, thơ Đặng Bá Tiến là sự quyện hoà giữa chiều sâu tư tưởng, tình cảm với sự hấp dẫn của một lối viết vừa đa dạng, linh hoạt, vừa có những điểm nhấn đầy bản sắc.
Đặng Bá Tiến dành nhiều bài thơ, dòng thơ để thể hiện tình yêu với hoa dã quỳ – loài hoa mang màu nắng đặc trưng của Tây Nguyên. Trong bài Cúc quỳ, ông viết:Ta bé nhỏ giữa một trời huyền/gót lữ hành đậu lại giữa rừng hoa.
Nhân vật lớn nhất, hình tượng yêu quý nhất của Đặng Bá Tiến là Tây Nguyên, là đất nước, là lịch sử – văn hoá được khúc xạ qua ánh sáng thơ ca. Trước những đổi thay, chuyển vần theo năm tháng, nhà thơ đã hoá thân, nhập vai vào cẩm, vào hương, vào voi, vào sông, vào thác, vào tượng gỗ, vào già làng… để cảm nhận và hình tượng hoá những ám ảnh sinh thái bằng câu chữ, bằng vẻ đẹp lãng mạn, phóng khoáng của thơ ca. Còn lại sau những chuyển vần của cảnh quan, của đời sống, là một hằng số, một giá trị bất biến: tình yêu, tinh thần trách nhiệm của nhà thơ với đất nước, với thời đại, và những rung động, những mỹ cảm tinh tế, nhạy bén, sâu sắc. Giữa “một trời huyền sử” mênh mang nhiều thăng trầm còn mất, thơ ông như hoa dã quỳ bỏng cháy, thắp một màu nắng vào kho tàng văn học đương đại Tây Nguyên.
Tài liệu trích dẫn:
1. Nguyên Ngọc (2018), “Người Tây Nguyên làm văn hóa như thế nào?”, https://nguoidothi.net.vn/.
2. Nguyễn Văn Kim (2020), Huyền thoại về một vùng đất – Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê – đê, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
3. Linh Nga NiêkDam (2006), “Văn hóa Tây Nguyên trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”, https://nhandan.vn/.
4. Ball, E. (2006), “Literary Criticism for Places”, Symplokē, 14(1/2), 232-251. Retrieved September 7, 2021, from http://www.jstor.org/.
5. Cheryll Glotfelty (2014), “Nghiên cứu văn học trong thời đại khủng hoảng môi trường”, Trần Thị Ánh Nguyệt dịch, http://tapchisonghuong.com.vn/.
6. Kate Rigby, Chapter 7: “Ecocriticism” from Julian Wolfreys (ed.), Introducing Criticism at the Twenty-First Century, Edinburgh: Edinburgh UP, 151-78.
7. Đặng Bá Tiến (2012), Rừng cổ tích, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
8. Đặng Bá Tiến (2017), Hồn cẩm hương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
9/ Đặng Bá Tiến (2020), Linh hồn tiếng hú, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
10. Deuk Ju Jeon (2004), Nature and poetry: an ecoccritical approach to modern poetry (from the romantic age to the ecological age), University of Nebraska.
11, Hoàng Tố Mai (chủ biên) (2017), Phê bình sinh thái là gì?, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
12, Makwana Pradeep Haribhai, Manish Vyas (2019), “Ecocritic: A Bridge between Nature & Literature”, Think India Journal (Vol 22 Issue 14 December 2019).
10/8/2022
Nguyễn Thị Năm Hoàng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...