Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương - Lời thoại hạng người dưới đáy

Ngôn ngữ nghệ thuật của Nguyễn Bình
Phương - Lời thoại hạng người dưới đáy

Mỗi lời thoại đều khác nhau giữa các file ghi âm. Khác về giọng điệu, lối kể, thói quen khẩu ngữ, mặc dù về trình độ tư duy hầu hết đều ở mức bình dân dưới đáy. Đây là một dụng công khiến câu chuyện như thực, đằng sau mỗi lời kể là cả một thời họ sống.
Trong bài “Thành bại trên hành trình đổi mới tiểu thuyết ở một số nhà văn trẻ”, tôi có viết: “Từ Nguyễn Huy Thiệp đến Nguyễn Bình Phương là bước dài của tiến trình văn học, dầu nó chênh chao lủng củng hơn, đúng hơn là dở hơi hơn, như là chuyện kể của chú Tễu, thằng Bờm. Nguyễn Bình Phương sở hữu một lối văn mà nhân vật, do thiểu năng hay thất học, đã nói lời thoại sai ngữ pháp mà người đọc vẫn hiểu đúng cái tinh thần của mạch văn.” Nguyễn Huy Thiệp gặp nạn khi viết về các danh nhân lịch sử nhưng lại thành công ở các nhân vật bình dân với lời thoại thô sơ mà thăm thẳm sâu ngữ nghĩa, ôm chứa triết luận một thời và một đời. Nguyễn Bình Phương bước qua giới hạn bình dân, đến được tầng lớp thấp hơn, tầng dưới đáy, cắm lều trại ở đấy mà sống với họ, “đi thực tế” về họ và lạ lùng thay, ở đấy ông phát hiện khả năng chứa đựng cái muôn thủa của thời thế. Đây là bí quyết của riêng ông, như thể chỉ xem gót chân mà ra tướng mệnh người đời; bí quyết trở về với cái bản năng thô sơ, với đám đông cơ hàn hoặc thất học hay ít học mà mơ mộng viển vông; là trở về với lối hành văn ngắn, cộc, lấy đủ làm trọng. Cốt chuyện không có gì, rất khó để kể lại, nhưng hấp dẫn, cực hấp dẫn nhờ các chi tiết bản năng người, ác và thiện hay tự nhiên đều hết sức thật, nó vọt ra tạo cảm giác rất gần cái bên trong, nhìn rõ cái bên trong mù mịt của con người. Cái gần, cái nhìn thấy là hiệu quả thẩm mỹ của văn cộc; không bị che lấp bởi vòng vo “làm” văn. Mời đọc một đoạn mẹ chồng Liên cùng ngánh gã đàn ông với con dâu Hiền, chẳng phải vì con dâu và là vì mình:
Nam tranh thủ lúc nghỉ, chuồn về nhà Hiền. Nam đang dớn dác, bà Liên hỏi giật:
– Gì đấy chú?
Nam ngượng bảo bỏ quên đôi quân hàm. Bà Liên chỉ ve áo Nam:
– Nó nhơn nhơn đấy thôi!
Nam chống chế:
– Cháu có hai đôi
Đây nữa, đoạn kể nhân vật nói mà gần như không nói gì nhưng người đọc lại hiểu  đúng điều mà tác giả muốn họ hiểu:
Ông Khoa gặp Nam run run hỏi:
– Tình hình thế nào, chú?
Nam đanh mặt:
– Máu chảy đầu rơi. Chết vô kể, ta thắng địch thua…
Đoạn thứ ba, con người thật cứ phơi ra thông thống:
Bà Liên ngoắt lại:
– Sao hôm nay mày vui thế?
Hiền cúi xuống đập. Bà Liên vẫn gặng. Hiền cắn môi:
– Con mơ
– Thấy gì?
– Có ông đầu vàng rực.
– Có cười không?
– Có!
Bà Liên nhẩy cẩng lên:
– Khốn. Thế mà cũng vui. Nó tán mày đấy
(…) Hiền tìm đến ông Khoa. Hỏi, có việc gì không? Đáp đến chơi. Ông Khoa an ủi. Hiền chỉ tay lên bàn thờ, bảo mình mơ thấy ông này. Ông ta là ai hả bác? Chúa đấy! Hiền hỏi nó có tán tỉnh cháu thật không?
Những đoạn trên đây tôi trích dẫn ở tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy, đến Một ví dụ xoàng này, lạ thay tôi vẫn nhận ra hạng người dưới đáy với lời thoại đầy bất ngờ của họ; chỉ khác, họ cũng chuyển động theo dòng thời cuộc, xuất phát ở tầng lớp trên, anh tiến sĩ, bác sĩ, chị giáo viên, ông phó chủ tịch tỉnh… nhưng đã bị số phận xô đẩy, bị cái ác tâm và dục vọng trong chính họ được xã hội với các tập tục thói quen tâm lý yếu hèn dung dưỡng xô đẩy nên đã văng khỏi tầng lớp bình dân mà rơi xuống tầng đáy của thân phận, nhân cách hay suy sụp bệnh hoạn theo tuổi tác.
Một ví dụ xoàng dày 203 trang, chia làm hai phần. Phần I, 74 trang, kể nhiều chuyện oái oăm kỳ quái ở một thành phố bị dân đào vàng tràn qua như những cơn bão dập cho tâm tính dân cư tơi tả. Vàng đã khiến Uyên, vốn ở xóm nghèo Linh Sơn trở thành con dâu rồi thành tình – dục – nhân của ông Chính; kẻ đã sát hại cha cô, người lính kiểm lâm nhằm độc chiếm túi vàng mà cả hai vừa tước đoạt của người đào vàng sau khi đã đẩy ông ta xuống vực. Từ phía khác Sang đến với vàng: Từng du học bên Liên Xô, là tiến sĩ. Do tính cách bộc trực, lại lâm vào hoàn cảnh nghèo túng, Sang văng khỏi tư duy cùng tập quán thời đại, anh ta xin nghỉ dạy đại học để đi đào vàng trên Na Rì. Chỉ sáu tháng sống “dưới đáy”, Sang đã ra ngay một kẻ giang hồ ở cả tư duy lẫn thói quen hành xử. Trong một lần tìm gái, Sang gặp lại Uyên, người tình thời trẻ con của mình, anh ta nảy ra ý khinh khi anh chồng bằng việc “mua” cô và màn mua bán đầy kịch tính diễn ra rõ ràng đến mức Sang nói mà không cần chứng minh: “Nó không xứng làm chồng em đâu.” Phần I kết thúc ở đoạn Sang từ bãi vàng trở lại dạy học, đã có hai con, cô vợ bỏ đi với trai theo tiếng gọi đồng tiền, anh ta phải đi buôn chè để cầm cự cuộc sống. Một lần đi buôn 4 kg chè, anh ta bị đám phòng thuế, công an, kiểm sát viên quân đội vây bắt. Sang vừa chạy vừa vẩy khẩu súng ngắn thể thao về phía sau, trúng vào thùy trán anh bộ đội. Sang bị xử tử.
Phần II, con trai Sang đã trưởng thành, làm nghề viết lách, muốn phục dựng lại hồ sơ vụ án để mường tượng về người cha. Gần 130 trang sách là lời kể của những người tham gia tố tụng, hành quyết, chôn cất Sang cùng các nhân chứng. Phần này viết bằng gỡ băng ghi âm, cái chết của Sang trở đi trở lại theo cách nhìn của người dẫn tù, đào hố chôn cột, đào huyệt, bịt mắt, người bắn, kẻ chôn… thành ra văn bản chồng văn bản. Thủ pháp toán tập mờ gây hiệu ứng nghệ thuật bất ngờ, Sang hiện ra khi thì cực thô sơ, lúc lại hư ảo như một giai thoại, tiến dẫn đến một minh triết về con người – một sinh thể phong phú phức hợp, nó không thể trùng khít với bất cứ nhận định, nhận xét theo quy ước nào một cách võ đoán. Có thể hình dung, với hơn 10 file ghi âm, Sang đã hiện ra qua hơn mười bức chân dung; bức nào cũng chân thực, sống động và cũng khác những chân dung còn lại nhưng thật lạ, chân dung nào cũng là Sang.
Không ai kể về vụ án từng thù oán Sang, có tình ruột thịt hay tình tri kỷ tri âm với Sang. Kể cả Uyên, họ từng lén đi chơi ở chỗ khuất với nhau nhưng chưa một lần quan hệ thân xác; hơn nữa, cái kể của Uyên là tâm sự của một kẻ đã không còn thấy thiêng trong tình yêu, nó bị lẫn vào nhiều mối quan hệ tình dục ê chệ, nhầy nhụa, nhục nhã rồi trộn vào nhau trong một tâm thức chán chường vừa tự khinh vừa khinh bỉ. Đằng khác, tất cả các lời kể đều có độ lùi thời gian khá sâu, tới đến hai chục năm, tuyệt đối không còn vương chút xót thương, căm phẫn tươi nguyên nào. Đây là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Bình Phương, ông muốn vùng thoát khỏi cảm tính dễ dẫn tiến đến thiên vị để đưa câu chuyện lên tầng cao hơn của trần thuật khách quan. Ở Mình và họ, Nguyễn Bình Phương còn cho ma kể chuyện, với xác tín rằng, ma thì không còn cảm xúc như người; lời của ma thật như đời sống, không lấy lòng, tô vẽ hay bôi đen. Nói chung, sự trung thực, sự đứng giữa là điều tối cần để văn chương có được sức thuyết phục khách quan, lâu bền. Đây vốn là cái kỹ thuật dĩ nhiên của tiểu thuyết, cái kỹ thuật xoàng xĩnh khiến nó khác hẳn với sử thi, thực lục. Thật đáng buồn là hôm nay, tôi đưa chúng ra như một ưu điểm của thi pháp tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.
Mỗi lời thoại đều khác nhau giữa các file ghi âm. Khác về giọng điệu, lối kể, thói quen khẩu ngữ, mặc dù về trình độ tư duy hầu hết đều ở mức bình dân dưới đáy. Đây là một dụng công khiến câu chuyện như thực, đằng sau mỗi lời kể là cả một thời họ sống. Xin đọc thử:
Đây là đoạn kể xen kẽ giữa các nước cờ của hai ông giáo đại học đánh cờ, kể cho khách nghe:
“Đến con vật nó còn sống thuận theo đàn, huống hồ mình là con người. [… ] Kinh nhỉ, định tính nước chiếu độn cơ à. Khép sĩ… [… ] học tiến sĩ mà thành sát nhân.”
“Tôi thì tôi chả thấy có gì lạ. Nói xin lỗi cả nhà chứ, đã ăn hạt mít thì phải đánh rắm thối, có thế thôi. Sống thế, cho nên con vợ nó mới bỏ đi, sống thế cho nên có hai đứa con thì đánh lạc mất một đứa…”
Đây là lời kể của ông chủ quán chè chén, người năm xưa đã bán chè cho Sang:
“Thế hệ chú còn may, như lứa tôi, chỉ vài cân chè mà đi toong hai mạng người [… ] Công nhận người có học họ hiền. Nói ra bảo là bịa, chứ sau hôm bọn chúng nó bắn, tôi có mơ thấy chú ấy về đứng ở đầu giường tôi. Thoạt tiên tôi hoảng, nghĩ bỏ mẹ rồi, có khi mình bị oán rồi, nhưng không phải. Chú ấy nó nhìn tôi cứ hiền hiền, buồn buồn một lúc rồi thì đi mất. Hóa ra là họ đến chào mình. Người tử tế, chết rồi vẫn cứ tử tế.”
Đây là lời kể của người xem [bắn] vô danh:
“Đang chạy, bỗng thằng cả nhà tôi lo lắng bảo mưa thế này chẳng biết họ có hoãn xử bắn cái ông tiến sĩ không. Nếu hoãn thì thật chán. [… ] Tôi quyết định chuyển gia đình đi chỗ khác mặc dù cũng chẳng biết sẽ có thú vui gì cho chúng nó.”
Tôi đặc biệt nhớ hai lời kể, một của ông nguyên trưởng phòng tổ chức của trường đại học. Đang phản biện rất say sưa về cơ chế, chợt ông bảo:
“A, khoan đã, đề nghị đồng chí tắt ghi âm đi. Cứ tắt đi. Nếu muốn tôi nói cho thoải mái phải tắt đi, tôi sẽ nói quan điểm của tôi về bản chất của cái cơ chế này cho mà nghe. Tắt chưa, để tôi nói. [… ] Vấn đề là đừng để bất cứ cái gì nó đi đến cùng quẫn. Cùng quẫn là xảy ra phá liều. Nguyên tắc đơn giản vậy thôi. Sang nó là gương đấy.”
Lời kể thứ hai mà tôi nhớ, lại là của con gái người dẫn tù:
“… giục đi tắm thì chú Sang bảo chú đã tắm sẵn rồi. Bảo viết thư cho gia đình thì chú ấy đáp chú không viết, bảo có dặn gì thì sẽ chuyển lời giúp, chú ấy cũng không dặn gì. Bố chị mới tò mò hỏi sao không dặn dò gì người nhà thì chú ấy nói chú ấy không muốn để lại dấu tích gì về mình. Chú ấy muốn biến mất tăm mất tích luôn, sạch sành sanh luôn.”
Hiệu quả bất ngờ của thi pháp mờ chồng văn bản khiến dần dà hé lộ toan tính của ông Chính khiến Sang bị xử bắn vội vã. Đặc biệt thú vị là cả Uyên, cả Quyết cháu gọi ông Chính là bác họ và hầu hết bạn đọc đều ngờ ngợ ông ta do ghen với Sang kẻ ông ta cho là tình địch; nhưng không ai chắc chắn cả. Nó thực như đầy dẫy việc ở ngoài xã hội, ai cũng biết, ai cũng ngờ ngợ nhưng không ai biết chắc chắn cả. Uyên thậm chí còn không biết ông Chính là kẻ sát hại cha mình, còn chọc cho nát bét đôi mắt để trừ hậu họa soi đáy mắt tìm hình ảnh cuối cùng in vào mắt nạn nhân. Vậy rồi bạn đọc sởn gai ốc khi hình dung, đêm đêm lão Chính vẫn vần vò Uyên mà lục sục. Cái ghen đầy bản năng, nó trần trụi mà không thèm mặc bất cứ thứ phục trang nào. Cái cách con dâu cả, Vân vợ Công, nói với bố chồng không đại từ nhân xưng làm chứng rằng chúng đã loạn luân; cái cách Uyên bị lão Chính vờn vò rồi chính cô vờn vò lại lão, ưỡn ngực lên phía ban thờ có 6 tấm ảnh thờ càng tố lên rằng chúng đã tuột khỏi tư cách người mà rơi thẳng xuống vũng bùn nhầy nhụa dưới đáy, nơi các bản năng mặc sức phơi bầy sự sa đọa. Xót xa thay, Sang là tấm tình người may mắn còn sót lại để Uyên bấu víu, vậy mà rồi bị chính cái ghen bản năng của bố chồng đang tâm tăng sức ép, tình người bị tình thú vật gây áp lực xử tử.
Nhân vật chính có tên, nhưng người ta chỉ nhớ nó với cái đại từ khách như một ẩn dụ về nhà văn. Khách xâu chuỗi các sự kiện, gỡ băng ghi âm các nhân chứng của vụ án dẫn đến cái chết của chính cha anh ta. Nhưng, ngay ở cái vai trò rất dễ cảm thán, xúc động này, khách cũng được viết với tất cả kìm nén của ngòi bút tiểu thuyết chân chính. Khách tìm ra mọi lời bào chữa cho cha mình, có vẻ như sẽ dẫn đến một sự phanh phui cả gói về nỗi oan điển hình của một thời. Vậy mà rồi không có thiên phóng sự điều tra nào cả. Nó bị buông lửng đầy ẩn dụ qua lời ông nguyên chánh án –lời thoại duy nhất của tiểu thuyết có tính lương tri của người bình dân đã đi qua cái thời nhí nhố của mình: “Mà này, cái vụ của cậu tiến sĩ ấy mà, xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi. Nếu mỗi người là một ví dụ, thì cậu ấy nó là cái ví dụ xoàng, hết sức xoàng.”
Thực ra, ngay câu nói đầy lương tri của kẻ nguyên là quan chức này, phần chứa đựng nhiều nhất lại nằm ở ngôn ngữ dưới đáy: “xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi.” Nó vào hùa với những lời đĩ bợm của con dâu bố chồng Chính, với những tục tĩu của ông bác sĩ Quyết, của thằng cháu nghiện gọi ông ta là cậu khi chửi ông nội mình hay các câu nói của ông Chính ngô nghê khi bệnh hoạn.
Tại sao tôi đánh giá cao ngôn ngữ hạng người dưới đáy và coi lời thoại của hạng người này trong các tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương nói chung, ở Một ví dụ xoàng nói riêng như một lựa chọn tối ưu nghệ thuật? Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần một bài viết chuyên biệt, ở đây chỉ xin vắn tắt. Bởi vì, cùng với quá trình phát triển vượt bậc của tiếng Việt khi nó tương tác với tiếng Pháp vào những năm 1930 – 1945; sau đó thì rơi vào khủng hoảng rồi khi chững lại thì đã kịp quan liêu hóa. Trong các bản tin VTV, các trang báo dẫn lời quan chức nghe rất buồn cười trước thực trạng che chắn, che giấu ý nghĩa thực khi hành ngôn trong khi bản chất của ngôn ngữ là truyền thông tin chân thực: Lựa chọn thu giá thay thu phí rồi tiếp theo là lựa chọn học giá; “Nếu chúng ta sai, chúng ta cần xin lỗi nhân dân còn nhân dân sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.” Năm 1992 – 1993, là năm mà nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi vì được giao ruộng sử dụng lâu dài theo dự luật đất đai, tôi nghe trên VTV có ông cán bộ xã ở Hà Tây trả lời phóng viên rằng, “nhân dân đại đa số muốn trích quỹ đất công tối thiểu 10%” [dự luật 5%.] Đặc điểm lời thoại của tầng lớp cán bộ là nói theo nhau và theo đài báo, họ nhân danh nhân dân nhưng nói cái điều có lợi cho cán bộ hành pháp; lâu dần đã thành tập quán. Tầng lớp trung lưu bao gồm cả trí thức cũng ít nhiều ảnh hưởng trào lưu quan phương, họ khéo léo tránh va chạm, né quy kết. Đọc các bài phê bình văn chương trên báo chí sẽ thấy rõ căn bệnh này. Tiếng Việt của hạng trung lưu trí thức già nua, lười biếng, không chịu lớn. Vậy còn đại đa số nông dân, công nhân thì sao? Xin thưa, từ bé họ học diễn ngôn qua văn mẫu nhà trường và giọng đọc thiếu nhi VTV lên bổng xuống trầm… hệt TV. Xin cứ đọc lời thoại của các em trong các tiểu thuyết ăn khách của Nguyễn Nhật Ánh mà xem, các em già nua sáo mòn. Tôi không chỉ chê tác giả, cả tác giả lẫn học đường đều là nạn nhân của nhau. Bé đã vậy, lớn lên sách không, báo không, chỉ bắt chước VTV mà nói năng cho phải phép. Tôi chỉ còn biết trông chờ vào lớp thanh niên choai hôm nay, vừa nói vừa Rap, vừa tiếng Việt xổi vừa chen tiếng Anh bồi rồi trộn tất cả với miên man tiếng lóng học đường, tiếng lóng đường phố rồi sẽ kết tủa, sẽ định hình một thời kỳ phát triển tiếng Việt mới, thời nó tương tác với đa ngôn ngữ.
Trong bối cảnh ngôn ngữ chung như thế, chỉ còn tiếng Việt của hạng người dưới đáy khả dĩ tin được. Vì họ nói mà không cần giữ ý, không sợ va chạm, sợ quy kết. Họ không ngừng được bổ túc tiếng lóng đường phố qua các trại tù. Họ không biết sợ va chạm, quy chụp vì thiểu năng, thất học, sống với sắn khoai bùn lầy bụi bặm nơi bến xe bến tàu thậm chí là bãi rác. Ở họ, tiếng Việt phát triển tuy chậm nhưng chắc chắn, tự nhiên nên đúng hướng; độ chính xác của ngôn ngữ còn ở mức cao. Cái tính từ “nhí nhố” trong câu “xét cho cùng, cũng nhí nhố cả thôi.” của ông nguyên chánh án chính là sự pha trộn ngôn ngữ của hạng người này với của quan phương nay đã nghỉ hưu làm bật lên nội hàm bung phá của ngữ nghĩa. Chúng ta chỉ cần thay nhí nhố bằng phổ biến [vầy vậy/ chả có gì đặc biệt/ tiêu biểu…] hàm nghĩa sẽ bị co lại, trượt đi vì nó quen.
Vâng, chính nhờ lời của dưới đáy khiến nội hàm mà nó chất chứa văng xa khỏi ngữ cảnh, tạo thành hạt nhân làm bùng nổ cảm xúc nơi người đọc; bùng nổ dây chuyền bừng dậy, râm ran dậy toàn bộ tư tưởng nghệ thuật của Một ví dụ xoàng. Tôi chợt nhớ câu ai đó nói về sân khấu: “Chủ đề kịch không chạy lăng xăng trên sân khấu mà nó theo khán giả từ sân khấu về nhà của họ.” Ở đây, cái không chạy lăng xăng còn là cảm xúc của ngôn ngữ thoại, chủ yếu là ngôn ngữ thoại.
23/7/2022
Văn Chinh  
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...