Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Người đàn ông có gương mặt buồn

Người đàn ông có gương mặt buồn

Nhân đi quanh tượng đài, ngắm từng gương mặt và vóc dáng 9 chiến sĩ hải quân, tượng trưng cho 64 chiến sĩ công binh đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Nhân chăm chú ngắm đi ngắm lại những hình tượng chiến sĩ cầm cuốc xẻng búa rìu xây dựng bồi đắp đảo, trước lúc hy sinh, họ tựa lưng nắm tay nhau quây tròn, giương cao ngọn cờ tổ quốc. 
Trong bữa ăn trưa ở Nhà sáng tác, họa sĩ Nhân xích lại gần hai bạn nhiếp ảnh là Hoàng và Long, nói: “Hồi sáng tui nghe nói chiều nay hai bạn đi chụp ảnh ở Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc-Ma, cho tôi theo với được không?” Hoàng và Long sốt sắng: “Được chứ. Có bác theo càng vui. Từ Nhà sáng tác đến đó 20 cây số, bác chạy xe còn ngon không?” Nhân gật: “Hai cậu chạy tốc độ vừa phải thì tôi theo kịp. Ăn xong tôi sẽ xuống chỗ tiếp tân mướn chiếc xe máy.” Long cười: “Nói vậy thôi. Em sẽ chở bác. Tụi em mỗi đứa một xe mà.” – “Cảm ơn. Thế tôi mua đồ nhậu nhé?” Hoàng tủm tỉm cười: “Sáng tác là phải riêng, phải độc đáo, cá biệt. Nói vui mà thiệt: Gặp cảnh đẹp, người đẹp, tụi em sẵn sàng bỏ nhau đó bác. Có điện thoại di động rồi, alô là xong.” Nhân cười gật gù: “Đi với các bạn trẻ, biết đâu tôi có tác phẩm lạ đẹp” – “Bác đem theo màu và cọ vẽ nhé?” Nhân gật: “Dĩ nhiên rồi. Tôi cũng thích chủ động, tự do. Thôi cứ để tôi mướn thêm chiếc xe. Lúc nãy nghe các cậu nói sẽ đi Phan Rí nữa mà. Biết đâu tôi ở lại đó để vẽ. Hội họa không nhanh như nhiếp ảnh được.” – “Ừ nhỉ… Bác ở lại thì… hơi buồn và bất tiện đấy. Khu Tưởng Niệm mới xây dựng vài năm, quanh đó vắng vẻ, nghe nói chưa có phòng trọ…” Nhân lưỡng lự một chút, rồi dứt khoát: “Cứ đi rồi tính. Ăn thua là có đi hay không. Tôi tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn máu phiêu lưu. Hai cậu không biết chứ từ hồi đi Thanh niên xung phong tôi đã quen ngủ võng, đến giờ mỗi khi đi vẽ tôi thường mang võng theo, kiếm chỗ giăng gần giá vẽ để lúc mệt hay chán mình nằm thư giãn, có khi ngủ luôn…” Hoàng mỉm cười: “Bác dân văn nghệ mà. Tụi em cũng vậy, ngủ bụi quen rồi, chứ cứ rúc trong khách sạn thì làm sao săn được ảnh đẹp”.
Hơn 4 giờ chiều ba người mới đến Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma, so với dự tính thì trễ gần nửa tiếng, bởi trên đường đi họ phát hiện thấy cảnh đẹp liền dừng lại tranh thủ chụp hình.
Đến Khu Lưu Niệm thì ánh hoàng hôn đã tràn ngập biển chiều, ba người nhanh chóng gửi xe gần phòng bảo vệ.
Đã có chủ định trước, Nhân hỏi anh bảo vệ trẻ tầm tuổi Hoàng và Long: “Gần đây có phòng trọ không chú?” Anh bảo vệ lắc đầu: “Chưa có bác ạ. Bác định ở lại đây à?” Nhân gật: “Tôi vẽ nên sợ lâu…” Anh bảo vệ mau mắn: “Nếu bác và hai anh không ngại thì có thể ở tạm trong phòng bảo vệ, cũng rộng rãi nhưng chỉ có hai chiếc giường, tụi em sẽ bố trí hoặc căng thêm lều…” Nhân mừng mừng: “Các cậu có cả lều cho du khách thuê nữa à?” – “Dạ không phải cho thuê, chẳng qua tháng trước có đoàn đi phượt ghé qua, họ mang theo lều cắm trại, ở lại đây 2 ngày 2 đêm, vui lắm! Trước khi đi họ tặng anh em tôi chiếc lều làm kỷ niệm, phòng khi có khách lỡ đường.” – “Cảm ơn cậu. Vậy tôi xin đăng ký ở lại, còn hai bạn tôi sẽ đi tiếp Phan Rí để chụp ảnh câu mực đêm. Tôi có đi theo cũng chẳng vẽ được.” Hoàng gật đầu, nói với Nhân: “Tụi em sẽ chụp nhiều ảnh, bác thích thì vẽ lại sau. Thế là bác an tâm nhé. Thôi giờ chúng ta nhanh nhanh lên chỗ tượng đài kẻo hết nắng bác ạ.”.
Nhân đi quanh tượng đài, ngắm từng gương mặt và vóc dáng 9 chiến sĩ hải quân, tượng trưng cho 64 chiến sĩ công binh đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Nhân chăm chú ngắm đi ngắm lại những hình tượng chiến sĩ cầm cuốc xẻng búa rìu xây dựng bồi đắp đảo, trước lúc hy sinh, họ tựa lưng nắm tay nhau quây tròn, giương cao ngọn cờ tổ quốc.
Nhân gật gù: Đẹp và ý nghĩa lắm!
Đây là lúc họ còn sống – Nhân nghĩ, – rồi chợt rùng mình tưởng tượng cảnh tang thương diễn ra ngay sau đó, tất cả 64 người vô tội đã bị thảm sát.
Đau đớn thật! Là người Việt Nam, ai mà không uất hận? Thế giới thì thương xót, sau đó họ càng hiểu thêm sự dã man thâm độc của quân xâm lược bành trướng – Nhân gật gù nghĩ, rồi nhanh chóng đặt giá vẽ.
Chỉ mươi lăm phút sau, Nhân vừa phác thảo xong bố cục bức tranh thì Hoàng và Long đã đến sau lưng. Hoàng nói: “Tụi em xong rồi. Bác ở lại phải không?” Nhân quay lại gật đầu: “Ừ… Nhanh thế? Ảnh chụp đẹp không?” – “Đẹp ạ”. Long nói: “Thôi tụi em đi kẻo tối, đây đến Phan Rí cũng xa. Bác ở lại đây với hai anh bảo vệ là vui rồi.” Hoàng tiếp: “Tụi em sẽ kiếm ít hải sản, trưa mai quay lại, anh em mình liên hoan nhẹ với mấy anh bảo vệ rồi về Nha Trang.” Nhân gật: “Ừ các cậu đi cho sớm. Đừng lo cho tôi.”.
Khu Tưởng Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma có nhiều cảnh đẹp tự nhiên của vùng biển xanh hoang dã. Rừng phi lao nhiều tuổi ngả nghiêng theo chiều gió biển, trập trùng như đoàn quân đang di chuyển. Gió hú, biển gầm gào, và muôn sóng dội bờ, nghe như tiếng bom đạn vang rền xa xa, như tiếng  ngàn xưa dội lên từ biển sâu. Những cây bàng vuông, những cây phong ba mang từ đảo xa về trồng, vặn vẹo oằn mình trước gió mạnh, thân cây sần sùi cổ quái giơ những cành tay như muốn chụp, muốn ôm giữ những bóng hình…
Những bóng hình… – Nhân lẩm bẩm – Mình nhiều tưởng tượng đó mà, cứ tạm gọi như vậy, những bóng hình là người sống, người chết, và cả những linh hồn. Mình sẽ vẽ những bóng hình mờ ảo, tượng trưng cho những linh hồn oan khuất vật vờ than khóc, trong gió bão cuộn xoay… Sẽ làm nền cho tượng đài chính thêm nổi bật. Hay đấy! Vậy mới sáng tạo. Đang cảm xúc mình phải vẽ ngay, vẽ nền trước, tuy ngược bài bản nhưng mình tin sẽ vẽ được.
Nghĩ là làm, Nhân thoăn thoắt thả màu vào khoảng trống mà anh giành cho không gian nền, viễn cảnh càng xa càng mờ, những phối màu thấp thoáng nhiều bóng hình hư ảo, ẩn hiện người sống đứng ngồi, người chết nằm ngược xuôi, những linh hồn bay bổng… Những bóng hình theo Nhân nghĩ ấy nắm tay nhau xoay tròn xoay tròn, trong một vũ điệu kỳ lạ giữa đất trời bao la đầy bão giông.
Nhân lúc ấy như lên đồng, mơ màng thả tâm trí vào nét cọ, nét cọ trong tay anh như bị kéo, bị dẫn dắt, tung tẩy những sắc màu hỗn mang, giữa thật và ảo, giữa cõi âm dương minh mang…
Một cơn gió mạnh ào qua khiến Nhân rùng mình dừng cọ, anh bàng hoàng nhìn lại khoảng tranh nền mình vừa vẽ. Ôi sao nhiều bóng hình quá vậy? Những linh hồn nhiều sắc màu hòa nhập trong suốt chất chồng lên nhau…
Ừ, đâu phải chỉ có 64 linh hồn chiến sĩ bị thảm sát ở đảo đá ngầm Gạc Ma trôi dạt về đây, mà còn nhiều, còn rất nhiều những bóng hình và linh hồn khác nữa đang lơ lửng bay về quần tụ…
Lạ thật!? Mình đâu có vẽ, không dám nghĩ đến, sao lại thấp thoáng những hộp sọ và xương trắng dập dềnh sau ghềnh đá phía cuối dốc, sát bờ biển như thế này?…
Nhân chớp mắt, những hình ảnh chấp chới trăng trắng ấy biến mất, nhưng rồi sau đó lại ẩn hiện. Mình có bị ám ảnh không? – Nhân phân vân tự hỏi rồi rùng mình liên tiếp, cảm giác ghê rợn cách đây nhiều năm chợt rùng rùng ùa về, tê điếng tâm hồn và thể xác anh…
Năm đó…, Nhân trong đoàn họa sĩ của Hội Mỹ Thuật đi tham quan thực tế sáng tác các tỉnh miền Tây, đoàn ghé vào Nhà mồ Ba Chúc giáp ranh biên giới Việt Miên, Nhân đã rùng mình sởn cả da gà khi thấy hàng đống sọ người xếp chất chồng. Anh chỉ dám liếc qua những hình ảnh và các vật chứng giết người man rợ của giặc Pôn Pốt diệt chủng: Những cọc tre dài nhọn thâm máu từng đâm suốt xuyên chiều dài thân thể phụ nữ, những lưỡi mai bén ngót như còn ánh máu, những chiếc cuốc chim mà bọn quỷ dùng bổ vào đầu dân lành. Dã man rùng rợn hơn nữa là những hình chụp thân thể trẻ em bị chúng xé! Trời ơi lũ thú người với những tội ác khủng khiếp của chúng đã ám ảnh Nhân suốt một thời gian dài. Với anh nó còn ghê rợn hơn nhiều so với cảnh giết người tập thể bằng hơi ngạt, bằng bom nguyên tử trong hai cuộc thế chiến  đã qua. Đáng ra con người càng văn minh càng bớt đi sự dã man độc ác, đây lại thâm hiểm tàn độc hơn.
Nhân nghĩ mà sợ, không phải riêng anh mà hầu như ai cũng thầm lo, lỡ sau này không kềm chế được, thế chiến lại xẩy ra thì hậu quả sẽ tàn khốc đến chừng nào? Nhiều sinh vật trên trái đất sẽ bị tận diệt, bao linh hồn oan khuất sẽ trôi dạt về đâu?
Nhân nghĩ đến đó rồi lắc đầu. Chẳng qua mình tin có linh hồn, tin vào nhân quả. Còn những kẻ không tin có linh hồn, không sợ Trời không sợ Đất, cho con người là trung tâm vũ trụ, tự cao tự đại, hung hãn và đầy tham vọng. Kẻ ác khi có quyền lực sẽ trở thành độc tài nguy hiểm. Những ác nhân lớn nhỏ đó sẽ nghĩ: Thiện nhân Ác nhân rồi cũng chết, còn sống thì ta cứ là ta. Có lẽ vì thế cái Ác mới tồn tại để răn đe nhân loại.
Là người ưa suy nghĩ, Nhân đã cố suy nghĩ đến tận cùng theo sự hiểu biết của mình. Cuối cùng anh vẫn tin tưởng Thiện sẽ thắng để thế giới khỏi diệt vong.
Khi có niềm tin đó rồi, Nhân bình tâm sống, tránh bon chen, chuyên sâu về nghệ thuật và siêng đọc sách hơn. Sách giúp anh kiến thức, hiểu biết, suy xét, thấy mình thật nhỏ bé.
Cũng từ đó Nhân chán xem những phim chiến tranh chết chóc, tránh nhìn cảnh bạo lực, máu me. Ngay thời gian gần đây, đại dịch Covid hoành hành trên toàn thế giới, cướp đi biết bao sinh mạng con người. Nhân thích theo dõi thời sự nhưng anh chỉ nghe tin đọc báo, chứ không muốn nhìn thảm cảnh người chết la liệt chôn không kịp. Phải nói rằng anh sợ. Nhân tai rồi Thiên tai, liên tiếp những trận động đất lớn, núi lửa phun trào, cháy rừng diện rộng, lũ lụt khủng khiếp như đại hồng thủy… Có phải đó là những điềm báo tận thế sắp tới?
Nhân lắc đầu: Nếu có xảy ra thì cũng phải chịu thôi. Trong hoang mang lo sợ con người đang nhìn lại. Do đâu và từ đâu? Những gì còn, những gì mất? Cuộc đời vốn phù du giờ càng thêm phù du. Nhân nghĩ sau cuộc đại thanh lọc bể dâu những người còn lại sẽ thương nhau hơn.
Nhân vừa vẽ vừa lan man suy nghĩ, khi giấy bút không thể nói hết được thì âm nhạc và hội họa diễn tả. Trong đợt sáng tác năm xưa anh không vẽ được bức tranh nào về thảm cảnh ở Ba Chúc. Anh yêu cái đẹp nên không thể vẽ những cảnh xấu xa. Vẽ cho xong, sáng tác cho có thì anh không muốn. Thời gian đã xa, thế mà những hộp sọ và đống xương người vô tội năm xưa giờ lại lởn vởn hiện ra trong tranh anh.
Nhân vươn vai, vặn người vài cái cho đỡ mỏi rồi ngồi thừ trên ghế xếp, anh thở dài, lặng ngắm cảnh mặt trời mầu da cam đang từ từ chìm xuống biển, ráng hoàng hôn còn ánh hồng trên những đám mây xa, vài cánh chim hải âu về muộn chấp chới cuối chân trời tím. Nhân biết mình không thể nắm bắt vẽ kịp những góc cạnh ánh sáng chiếu vào gương mặt các chiến sĩ trên tượng đài. “Để sáng mai thôi!” – Anh lẩm bẩm, rồi gật gù ngắm khoảng nền kỳ ảo trong giây phút xuất thần mình vừa vẽ.
Nhân định xếp những tuýp màu vào hộp thì chợt nghe có tiếng nói sau lưng: “Đẹp lắm!” Anh giật mình quay lại, bắt gặp một người đàn ông trạc tuổi mình, ông ta mỉm cười mà gương mặt thật buồn, đôi mắt cũng buồn. Nhân lúng túng: “Cảm ơn… Tôi vẽ chưa xong mà”.
Người đàn ông có gương mặt buồn gật đầu. Nhân thấy ông này sao quen quen, hình như đã gặp ở đâu rồi? Anh xoay người rời ghế đứng lên để nhìn cho rõ người mà mình thấy quen.
“Mình có quen nhau không?” – Nhân hỏi. Bất chợt gương mặt buồn ấy tối sầm lại, chỉ đôi mắt long lanh sáng, nụ cười buồn lần này như mếu. Nhân lạnh người, nhưng sau đó anh chợt hiểu và bình tĩnh lại. À thì ra mình đứng lên, bóng mình đổ tối khuôn mặt ông ta… Ông ta ngồi phía sau xem mình vẽ không biết từ lúc nào?
Người đàn ông có gương mặt buồn nói lững lơ: “Trước lạ sau quen…” Rồi chống tay lên bệ đá đang ngồi chậm rãi đứng lên, dáng vẻ khập khiểng, chân trái xiêu một bên.
“Anh vẽ lại cảnh thảm sát trên đảo Gạc Ma phải không?” – Người đàn ông hỏi. Nhân gật đầu, ông ta nói: “Hôm ấy tôi đã tận mắt chứng kiến. Anh có muốn nghe tôi kể thêm để hình dung vẽ?” Nhân ngạc nhiên rồi mừng rỡ: “Muốn chứ. Vậy ông là…?” – “Tôi là lính hải quân, thợ máy trên tàu HQ-604, tàu tôi lúc ấy đang chở hàng tiếp tế cho đảo Gạc Ma.” Nhân xích ghế lại gần người đàn ông: “Mời ông ngồi. Ông cứ kể?” – “Từ trên boong, anh em tôi thấy đồng đội mình trên đảo chiến đấu trong tuyệt vọng. Tàu chiến Trung Quốc nã pháo dồn dập vào những người lính công binh vô tội. Chúng thả canô chở lính đông như kiến tràn lên hò hét tàn sát dã man. Bãi san hô nhuộm đỏ máu và xác đồng đội tôi. Tàu tôi cùng hai tàu nước ngoài khác chạy gần đó tấp vào định cứu thì bị pháo địch bắn chận. Tàu vận tải chúng tôi không trang bị pháo tự vệ, bị trúng đạn nghiêng một bên, anh em phải chạy dạt về một phía boong tàu…”
Nhân lắng nghe, rồi nhắc: “Ông ngồi đi, chân ông đau mà…” – “Cảm ơn, tôi bị thương tật…” Ông ta nói rồi vịn ghế ngồi xuống, không khách sáo nữa, sau đó tiếp tục kể: “Tàu chiến địch áp sát, chúng tôi nghĩ mình cũng bị thảm sát! May có tàu nước ngoài chạy quanh đó nên địch còn kiêng dè. Mục đích chiếm đảo của chúng xong rồi. Tôi bị thương ở nhiều nơi, do để lâu nên vết thương bốc mùi. Địch trói chặt chân tay tôi, đưa đến bệnh viện mổ sống. Vết thương đã đau, cộng với những vết dao sắc lạnh đến giờ còn ám ảnh tôi. Nhưng vẫn không đau bằng khi chứng kiến cảnh đồng đội mình bị thảm sát.”
Người đàn ông kể đến đây dừng lại, vén áo để lộ khoảng ngực gầy chằng chịt những vết sẹo: “Trong nhà tù Lôi Chấn, chúng tôi bị đối xử tàn tệ. Số tôi chưa chết. Hàng chục mảnh đạn còn nằm trong cơ thể tôi, mỗi khi trở trời lại đau buốt, lại làm tôi nhớ và thêm căm hận. Anh biết không? Thời gian nằm dài trong tù, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tào Tháo ngày xưa khi biết giết lầm vợ con người đã cứu giúp cưu mang mình, ông ta sợ bị trả thù nên mới quay lại nhẫn tâm giết luôn người mà mình đã mang ơn. Thà mình phụ người, còn hơn để người phụ mình – kẻ gian hùng đại ác đã biện giải vậy. Kẻ ác bây giờ còn tàn độc hơn, biết người ta không oán thù mình, người ta yếu và kiêng dè mình, vậy mà vẫn cố tình đàn áp giết cho bằng hết, cố đạt mục đích và thỏa mãn tham vọng. Đầu óc những kẻ đại ác luôn hung hãn chiếm đoạt, dẫu họ đã mạnh và giàu có”.
Nhân gật gù: Ông này nói sao đúng với suy nghĩ của mình. Bọn diệt chủng Pôn Pốt năm xưa cũng theo sách đó.
Nhân nhớ mình đọc sách sử, ngày xưa Nguyễn Trãi đã tổng kết về giặc phương Bắc: “Hiếu đại, Hỷ công, Cùng binh, Độc vũ”(*) Thật là chính xác!
Người đàn ông thấy Nhân im lặng suy nghĩ, ông ta chờ một chút rồi kể tiếp: “Ba năm sau, nhờ Nhà nước và Quốc tế can thiệp theo luật tù binh, tôi được thả về. Anh em chúng tôi đã thành lập Hội Cựu Chiến Binh Gạc Ma đó anh.”
Nhân gật đầu: “Giờ ông ở đâu?” – “Ở đây chớ đâu.” – Người đàn ông nói như không. Nhân giật mình: “Ông nói tôi chưa hiểu?…” – “Thì đây là ngôi nhà chung của anh em chúng tôi. Xây dựng được Khu Tưởng Niệm này chúng tôi mừng lắm! Hằng năm đến ngày 14 tháng 3* anh em tôi đều hẹn nhau đến đây để tưởng niệm đồng đội mình đã hy sinh. Có người đưa cả con cháu theo, để thế hệ sau biết những gì đã xảy ra với cha ông chúng. Riêng tôi thì xin làm bảo vệ ở nơi này.” – “Ô vậy à?…” – “Trước đây thôi. Giờ tôi nghỉ rồi, nhưng vẫn quyến luyến nơi này, nên có dịp đi ngang là tôi ghé.” Nhân gật gù: “Ra vậy!… Cảm ơn ông đã kể cho nghe câu chuyện sống động.” – “Không có chi. Chuyện này phải kể chứ. Hồi mới trở về nước, đài VOA phỏng vấn, tụi tui đểu kể rõ. Với anh tôi thấy hạp nên kể thêm để anh vẽ.”
Nhân nhìn trời: “Sắp tối rồi, ông ở lại chứ? Tôi rất muốn nghe thêm.” – “Tôi nghĩ như vậy cũng đủ rồi. Có mấy ông bạn đang chờ tôi dưới kia. Chúng tôi phải đi vài nơi.” – “Tối rồi mà còn đi à?” – “Đi chớ. Trước hết là thăm một ông bạn ở gần đây.”
Nhân định hỏi tên và địa chỉ người thương binh để có gì liên lạc thì ông ta nói: “À này, hồi nãy tới đây, ở phòng bảo vệ, anh có thấy gì không?” Nhân ngơ ngác: “Không…” – “Tưởng anh dân văn nghệ nhạy cảm phải thấy chớ. Không thấy thiệt à?” – “Thú thật lúc đó tôi và hai bạn đang vội nên không vào nhà bảo vệ, chỉ gửi xe ở ngoài rồi lên đây.” Người đàn ông gật đầu: “Tối nay anh ngủ ở phòng bảo vệ phải không?” Nhân gật đầu. Người đàn ông nói: “Tôi từng ở trong phòng đó gần một năm. Giờ tôi nói với anh việc này – tôi hạp anh nên mới nói – anh suy nghĩ giùm, rồi giải quyết cách nào thì tùy. Chuyện này nhỏ mà lớn đó, chuyện dễ mà coi bộ khó…” Nhân thắc mắc: “Chuyện gì mà quan trọng vậy ông?” – “À chuyện này tôi phát hiện ra, đã nêu ý kiến với lãnh đạo mà không được, tôi bực mình ấm ức nên mới xin nghỉ.” – “Vậy sao? Ông nói đi?” – “Trước hết tôi xin hỏi anh: Ngay cổng vào, hay ngay sau cửa chính nhà anh, anh có làm nhà vệ sinh không?” Nhân nghĩ nhanh rồi trả lời: “Dứt khoát không. Kỳ lắm! Phản khoa học nữa.” – “Đúng rồi. Về mặt phong thủy rất kỵ, đó là nhà cửa dân thường, đây là Khu Lưu Niệm, phải nói là chốn linh thiêng có nhiều người đến thăm viếng, vậy mà ngay sau bức tường lớn dán gạch vàng đẹp đẽ, cao đến 5m, dài 20m, trên tường có hàng chữ Khu Lưu Niệm Chiến Sĩ Gạc Ma nổi bật sáng bóng ánh đồng – mà khi mới tới đây anh thấy đó – Bức tường đẹp và uy nghi thay cho cổng chào, trên tường nổi lên bản đồ đảo Gạc Ma bằng gạch đen, có cờ Việt Nam nền đỏ sao vàng – phải nói là rất trang trọng. Thế mà sát ngay sau lưng bức tường đầy biểu tượng đó là một dãy phòng vệ sinh, phòng ngoài dành cho bảo vệ. Anh thấy xây dựng bố trí như vậy có được không? Chớ tôi thấy buồn và tức lắm!”
Nhân ngơ ngác: “Thật vậy à? Không ngờ!…” – “Vậy mà có đó! Tối nay anh ngủ ở phòng bảo vệ sẽ thấy. Thôi kể luôn với anh: Tôi làm ở đây khá lâu, còn thấy thỉnh thoảng có người, có một vài xe, do bận hay vì lý do nào đó, vô tình hoặc cố ý, họ đến chụp hình trước bức tường đẹp, tạt vào vệ sinh xong rồi về. Đau chưa? Bởi vậy tôi bất mãn xin nghỉ đó anh”.
Người đàn ông có gương mặt buồn nói xong đứng lên bắt tay Nhân: “Thôi giờ tôi đi nghen?” Rồi lắc đầu bước đi. Nhân ngơ ngẩn nhìn theo bóng dáng khập khểnh của ông ta dần khuất sau hàng cây.
Phòng bảo vệ đã sáng đèn, Nhân ôm mớ đồ nghề của mình chậm rãi bước vào, thấy một anh bảo vệ tuổi trên dưới 40 đang lúi húi dọn giường. Nhân hắng giọng: “Chào anh!” Rồi nhìn lướt nhanh dãy phòng vệ sinh lót gạch men sáng bóng. Anh lắc đầu: “Quả thế thật! Chán quá!”
Nhân nghĩ có thể những người xây dựng chỗ này sơ ý, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng bố trí như vậy cho tiện, đỡ tốn thêm bức tường dài rộng…
Không được! Thiếu gì chỗ làm?… Ông thương binh lúc nãy giận là phải.
Nhân để gọn đồ nghề vào  một góc, hỏi anh bảo vệ: “Mình anh ở đây thôi à? Lúc nãy tôi thấy có anh tre trẻ nữa mà?” Anh bảo vệ bước xuống giường: “À cậu ấy đã theo hai bạn của bác đi Phan Rí rồi – nhà cậu ta ở đó. Nghe bác nói sẽ ở lại nên cậu ấy muốn nhường giường, vả lại nhà cũng có việc.” Nhân gật đầu: “Anh đã ăn uống gì chưa?” – “Chưa ạ, đang chờ bác đây. Bác tắm rửa đi, rồi mình ăn cơm. Em hâm lại thức ăn.” – “Cảm ơn. Tôi có mang theo bánh mì và thịt quay. Anh em ta cùng dùng bữa cho vui. Anh tên gì nhỉ?” – “Em tên Tùng. Bác đừng gọi em bằng anh, gọi bằng em hay cậu em cho thân mật.” Nhân gật đầu, đưa mắt nhìn dãy phòng vệ sinh với vẻ ngần ngại, anh tiến đến chỗ bếp tìm vòi nước rửa tay, nói với Tùng: “Không cần tắm đâu, trước khi đến đây tôi đã tắm ở khách sạn Nha Trang rồi”.
Trong lúc ăn cơm, Nhân hỏi thăm Tùng: “Cậu làm ở đây lâu chưa?” – “Dạ gần ba năm rồi.” – “Thế cậu có biết ông bảo vệ… trạc tầm tuổi tôi, trước làm ở đây không?” – “Bác ấy tên gì ạ?” – “Tôi chưa kịp hỏi, nên giờ mới hỏi anh.” – “Thế à, bác ấy ra sao?” – “Ông ấy là thương binh, đi khập khểnh chân trái thì phải…” – “À có phải bác Thông, người ốm ốm gầy gầy, trước là lính công binh trên tầu…” – “Đúng rồi! Cậu có số điện thoại hay địa chỉ ông ấy thì cho tôi xin?” – “Bác là bạn của bác Thông à?” – “Mới quen thôi. Tôi vừa gặp và nói chuyện với ông ấy ở chân Tượng đài, chỗ tôi vẽ.” Tùng tròn mắt: “Vậy sao?… Bác Thông mất đã hai năm rồi mà?” Nhân giật mình, lạnh người: “Cậu nói gì?… Mất rồi à?… Có chính xác không?” Tùng run run: “…Em nghe một ông bạn của bác Thông nói vậy… Năm vừa rồi… Lễ Tưởng Niệm họp mặt em không thấy bác Thông đến.” Nhân hoang mang: “Vậy… người tôi vừa gặp… là ma à?” Tùng ngơ ngác: “Không lẽ… là một người khác?… Bác nhớ kỹ lại xem? Bác và ông ấy nói chuyện có lâu không?” – “Cũng đến mươi phút…” Tùng nói chậm: “Khu Tưởng Niệm này xây dựng đến nay đã bốn năm, theo em biết thì có ba bác bảo vệ lớn tuổi từng làm ở đây, chỉ bác Thông là chân đi khập khiểng…” Nhân gật đầu, nói nhỏ: “Tôi có linh cảm…” Tùng nhìn vào mắt Nhân, gật đầu có vẻ hiểu.
Nhân nói: “Mà lạ? Tôi thấy ông ấy quen quen cậu ạ, như đã thấy, đã gặp ở đâu rồi? Quen lắm! Tôi tin vào trí nhớ mình. Cậu có tấm hình nào của ông Thông ở đây không? Hình chụp chung cũng được.” – “Em không có…” – “Tiếc thật! – Nhân gật gù – Rồi tôi sẽ tìm, sẽ hỏi thăm những bạn đồng đội ông ấy, họ còn đến đây mà.” Tùng chợt nói: “Không có ảnh bác Thông, nhưng… có hình tượng được không?” – “Hình tượng gì?” – “Em nghe bác Thông có lần kể, vài bạn của bác ấy cũng kể, rằng ông điêu khắc gia nào đó, trước khi làm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, đã chụp ảnh bác Thông và vài người bạn để làm mẫu. Em thấy trên cụm tượng đài có tượng một chiến sĩ trông giống bác Thông lắm.”
Nhân vỗ trán: “Ô thế là tôi hiểu rồi! Gương mặt buồn… Gương mặt tượng chiến sĩ dựa lưng nằm nghiêng nghiêng ngước lên trời, như van xin cầu cứu… hồi chiều tôi đã ngắm vẽ – gương mặt buồn lắm! Giống với gương mặt người đàn ông nói chuyện với tôi.”.
Nhân nói xong thở nhẹ, đưa mắt nhìn ra bóng tối bên ngoài, nói nhỏ: “Sáng mai tôi sẽ ra đó coi lại.”
Chuyện bất ngờ ly kỳ khiến hai người hoang mang, họ yên lặng một lúc. Nhân ăn nốt chén cơm rồi nói: “Nếu quả thật ông Thông đã mất, hồn ma ông ấy hiện về nói chuyện với tôi… nói rằng hợp tôi… tâm sự những gì ông ấy ấm ức… Lúc ấy tôi lắng nghe, khi vào đây tôi mới thấy hồn ma ấy nói đúng.” Tùng ngơ ngẩn: “Nói đúng… ông ấy nói gì hở bác?”
Nhân kể cho Tùng nghe đoạn cuối câu chuyện của người đàn ông có gương mặt buồn, sau đó hỏi Tùng: “Theo cậu thì bố trí xây dựng như vậy có được không? Có gì khuất tất không?” Tùng suy nghĩ một chút rồi nói: “Không được. Giờ bác nói em mới nhận ra. Em vô tình quá! Giờ tính sao đây bác?”.
Nhân im lặng, suy nghĩ, lúc sau mới chậm rãi nói: “Ông Thông, hay linh hồn ông Thông, đã ấm ức kể cho nhiều người khác nghe, đã nêu ý kiến với lãnh đạo mà chưa giải quyết được. Giờ ông ấy nhắn nhủ tôi, thì tôi cũng sẽ đem chuyện này kể với bạn mình, với nhiều người, rồi hỏi: “Có được không?” để tổng hợp ý kiến số đông. Chứ như tôi với cậu thì vẫn là ý kiến chủ quan. Ai cũng nghĩ mình đúng.”.
Tùng gật đầu: “Vâng, em cũng sẽ kể lại chuyện này, sẽ có ý kiến. Còn chuyện có sửa lại hay không là do ở trên”.
Tùng nói xong đứng lên: “Bác để em dọn dẹp. Mình chuẩn bị đi nghỉ bác ơi, bác đi xa cũng mệt”.
Đêm hôm ấy Nhân trằn trọc không ngủ được, cứ suy nghĩ về những lời nói và nỗi ấm ức của người đàn ông có gương mặt buồn. Người hay ma? Lạ thật! Nhân không còn sợ nữa mà thấy gần gũi linh hồn tội nghiệp.
Thỉnh thoảng có tiếng trở mình sột soạt nho nhỏ ở giường bên, cách giường Nhân hơn sải tay, Nhân biết Tùng cũng đang trăn trở.
Đã quá nửa đêm, Nhân bấm điện thoại xem giờ, lấy ánh sáng lục tìm chiếc võng dù cất trong balô mình. Anh tránh không vào phòng vệ sinh mà đi ra ngoài.
Trời đang trở gió. Gió thế này, biển ầm ào thế này, không có bọn muỗi đâu – Nhân nghĩ thế rồi giăng võng giữa hai cột gỗ trong nhà để xe.
Nhân nằm võng đu đưa, nhìn về phía phòng bảo vệ rồi lại nghĩ lan man…
Không biết thì thôi, biết rồi thấy sai thì sửa, sai nhỏ cũng sửa.
Trước sau cũng phải sửa, thà sửa sớm còn hơn, để vậy áy náy ấm ức lắm!
Chà! Sẽ có người cho là chuyện nhỏ, chuyện mê tín dị đoan… Lỡ rồi thì cứ để vậy, sửa lại sinh rùm beng, vỡ lỡ đủ thứ chuyện, đụng chạm này nọ… Rách việc!
Không sửa sẽ có thêm nhiều người phát hiện, kẻ chê cười, người thắc mắc, tức tối…
Mình mà có quyền, có tiền, mình sẽ bố trí lại, sửa phòng bảo vệ có dãy phòng vệ sinh đó thành hai ba phòng trọ lịch sự, phòng bảo vệ nằm ngoài cùng. Các phòng đó sẽ đối diện với bức tường dài bên ngoài.
Còn dãy phòng vệ sinh thì làm gần nhà để xe này cũng tiện. Có tốn kém thêm cũng chẳng bao nhiêu so với đống tiên đã bỏ ra xây dựng Khu Lưu Niệm này.
Ước muốn vậy thôi! – Nhân thở dài – Chẳng giải quyết được gì. Thôi không nghĩ nữa. Mình cố ngủ một chút, mai còn vẽ tiếp.
Nhân giật mình nghe tiếng lay gọi rối rít: “Bác ơi! Dậy đi! Dậy đi! Mưa bão lớn quá!”.
Nhân choàng mở mắt, thấy Tùng mặc áo mưa, đầu tóc ướt nhem, đứng một bên đầu võng, nói gấp rút: “Gió biển mạnh quá! Lốc xoáy tốc cả mái!… May mà bác ra đây nằm…”
Nhân ngồi dậy, gượng gạo: “Vậy à?… Mình ngủ say quá!…”.
Lúc đó Nhân mới thấy một bên má Tùng có vết bầm rướm máu. Nhân nhìn qua phòng bảo vệ, trời tảng sáng, cho thấy vài mái tôn còn mắc đinh đóng chấp chới bay phần phật, cọ xiết vào nhau nghe rợn!
Phía dưới là cảnh tan hoang, hầu hết bị cuốn bay hoặc đổ sập, chỉ còn trơ lại bức tường cao dài nhờ sườn cốt bê tông chắc chắn.
“Cậu bị sao thế?” – Nhân hỏi. Tùng nói: “Em bị cây đòn tay rớt xuống va vào… May kịp chạy ra đây, thấy bác không sao, mừng quá!… Cơn lốc xoáy đi qua phòng bảo vệ bác ạ”.
Gió hú! Một tiếng sét long trời, tiếp theo nhiều cơn lốc nữa đang nối nhau cuộn tới. Nghe ầm ĩ gió cát, rào rạt những vòng nước xoắn ốc, lần này là lốc biển, sóng dữ gào thét bốc lên thành vòi rồng đen xì từ biển xa cuồn cuộn tiến vào đất liền.
Tùng hét: “Chạy mau bác ơi! Chạy theo em…”.
Nhân quáng quàng chạy theo Tùng, không kịp mặc áo mưa mà Tùng vừa đưa.
Hàng loạt tiếng sấm sét, tiếng hú của gió, tiếng thét của biển, tiếng gầm gào của sóng, tiếng rít của lốc biển cuộn xoáy, tiếng rào rào răng rắc của cành lá bị bức khỏi thân cây… Những âm thanh hỗn độn khủng khiếp ấy khiến Nhân sợ hãi ôm đầu ngồi sụp xuống, rụng rời hoảng loạn trước cơn thịnh nộ của Trời Đất.
Nhân ngẩng lên, không thấy Tùng đâu? Anh quay qua quay lại, vừa chạy vừa gọi: “Tùng ơi! Tùng ơi!…”
Nhân lạ chỗ không quen đường, mất phương hướng, thay vì chạy ra Quảng trường thì anh lại băng xuống hướng biển.
Mưa bão mịt mù, sấm sét điên cuồng, những đợt sóng thần cao như núi đổ ầm vào bờ, Nhân sợ hãi chạy ngược lên, băng qua khu Mộ gió.
Thoáng thấy bóng Tùng phía trước, Nhân mừng quá gọi: “Tùng ơi đợi tôi!” rồi ôm đầu chạy theo.
Sóng biển liên tiếp cuộn dâng, tràn lên như những con rồng biển đuổi theo hai người. Nhân chạy sau, anh sợ hãi khi nước biển dâng lên quá nhanh, mực nước mới đến chân thoáng chốc đã lên đến ngực, đến cổ, miệng anh mặn chát!
Nhân bơi yếu, thêm lớn tuổi, anh sợ mình không bơi nổi trong dòng nước biển cuộn xoáy, bờ bãi xung quanh anh đã thành biển cả mênh mông.
Cách Nhân vài mét, Tùng mạnh mẽ sải tay bơi, Nhân biết không thể bơi theo kịp, định gọi Tùng cầu cứu thì một con sóng lớn ập đến nhấn anh chìm xuống.
Nhân sặc sụa, vẫy vùng tuyệt vọng!… Bỗng một bàn tay nắm chặt cổ tay anh kéo mạnh, cả thân hình anh được nhấc bổng nổi bềnh trên mặt nước biển.
Nhân mừng quá vuốt mạnh nước trên mặt mình rồi nhìn Tùng ra dấu cảm ơn. Tùng cười, Nhân chớp mắt giật mình, không phải Tùng mà là người đàn ông có gương mặt buồn, ông ta nheo mắt nhìn Nhân và nở nụ cười.
Nhân tròn mắt nhìn, sau gương mặt ấy, một tòa nhà dài rộng cao sáu bảy tầng trên hòn đảo xa xa đang bị rạn nứt, bị xé bởi cuồng phong sấm sét. Tòa nhà khổng lồ ấy sụp đổ, từ từ chìm xuống biển, bị muôn ngàn con sóng thần đập xuống.
Tiếng sét như bom nổ xé trời, Nhân giật mình ngồi dậy, chiếc võng anh đang nằm đu đưa, đu đưa…
Nhân dụi mắt, không biết mình mơ hay tỉnh?.
20/7/2021
Phan Đức Nam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...