Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Nguyễn Đình Chiểu - Nghệ sĩ hay hủ nho

Nguyễn Đình Chiểu
Nghệ sĩ hay hủ nho?

Sau khi đọc bài: “Đọc… chơi vài bài ca dao” của Nguyễn Hưng Quốc và bài “Bàn thêm về Lục Vân Tiên và ca dao” với Nguyễn Hưng Quốc của Thế Uyên trên tạp chí Văn học – Xuân Mậu Dần 1998 – Cali – USA, tôi thấy một số điểm cần được bàn thêm với hai tác giả, đặc biệt là việc đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu.
1. Hai tác giả khá nhất trí với nhau cách đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu, thể hiện là Thế Uyên đã trích lại đoạn đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu của Nguyễn Hưng Quốc in ở trang 79: “Ông một mực đề cao những chuẩn mực đạo đức cổ điển và cổ kính như trung, hiếu, tiết, nghĩa với hy vọng là chúng sẽ giúp duy trì sự ổn định trong xã hội; tuy nhiên, một là, xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX trong sự cọ sát dữ dội với văn minh Tây phương và thế lực thực dân, cứ ngày một rạn nứt, vô phương hàn gắn; hai là, bản thân những chuẩn mực đạo đức tưởng đâu là chân lý vĩnh cửu ấy thật ra rất đáng ngờ và với sự lung lay của Nho học, càng ngày càng ngờ thêm. Con thuyền chở đạo của Nguyễn Đình Chiểu, do đó, chỉ loay hoay mãi trong một vùng nước tù, không có lối thoát, hết đụng cái này thì đụng cái kia, cứ quanh quẩn mãi trong sự tuyệt vọng và bế tắc. Nói cách khác đó là những lý tưởng ở đường cùng”.
Ở đây cả hai tác giả đều tự mâu thuẫn với chính mình khi đem lý tưởng (đạo đức, chính trị và xã hội) để đánh giá tác phẩm nghệ thuật và tác giả – Nguyễn Đình Chiểu với tư cách là một nhà thơ – nhà nghệ sỹ chứ không phải với tư cách là một nhà hoạt động chính trị – xã hội. Thế Uyên viết: “… Các chính sách lấy yếu tố chính trị (trung quân, ái quốc, tính đảng, tính công nông, tính dân tộc, tính chống Cộng…) ra thay thế các giá trị văn chương, nghệ thuật, khoa học, tư tưởng ấy đã làm dân tộc Việt bị thui chột các khả năng sáng tạo về bất cứ địa hạt nào, và hậu quả khi tỉnh giấc ra khỏi mây mù ngàn năm tải đạo ấy Việt Nam đã tụt hậu vài ba chục năm”…
Vậy nên cả Nguyễn Hưng Quốc và Thế Uyên lại đều cho rằng Lục Vân Tiên và Nguyễn Đình Chiểu, “đó là những lý tưởng ở đường cùng”. Vì từ trước tới nay chưa ai coi Nguyễn Đình Chiểu là một nhà hoạt động xã hội và càng không phải là một chính khách. Vả, giả định rằng Lục Vân Tiên là người phát ngôn cho những tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Đình Chiểu, thì tư tưởng nghệ thuật không phải là tư tưởng chính trị xã hội, mặc dù có lúc hai loại tư tưởng đó có những nét tương đồng. Vậy thì vì lý do gì mà Nguyễn Hưng Quốc và Thế Uyên lại đem thước đo của lý tưởng đạo đức và xã hội áp đặt vào tác giả và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Nguyễn Đình Chiểu được người đời biết đến với hai tư cách: nhà giáo (ông Đồ Chiểu) và nhà thơ. Hai tư cách này ở ông đã chất chứa những khối mâu thuẫn lớn không thể nào dung hoà, xét từ phía chủ quan. Ông Đồ Chiểu dạy chữ nho là điển hình của các khuôn phép đạo đức nho giáo, suốt đời chỉ lo sống làm gương cho kẻ khác đã là mệt lắm rồi. Ông luôn phải sống bằng những điều ông cần phải có hơn là những điều ông thích.
Với tư cách nhà giáo ông luôn phải sống theo các khuôn phép của tam cương, ngũ thường (quân – thần, phụ – tử, phu – phụ và nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Nếu đặt mình vào cương vị của ông trong giai đoạn lịch sử hậu bán phần của thế kỉ XIX, khi vùng đất Mỹ Tho quê ông còn hoang sơ đến mức con người nếu sa xẩy chỉ còn nước làm mồi cho dã thú (cũng may ông Đồ của chúng ta chưa đến mức như vậy để hôm nay còn có cái mà bàn), thì chúng ta mới thấy rằng nhốt mình vào cái vòng luẩn quẩn đó cũng khó bề mà cưỡng lại được.
Là nhà thơ- nghệ sỹ, Nguyễn Đình Chiểu luôn có nhu cầu bứt mình ra khỏi những ràng buộc và định kiến nho giáo để sáng tạo. Bởi lẽ, sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi sự tự do cá nhân hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác. Nó không chấp nhận những khuôn mẫu đã có sẵn, những lối mòn mà tiền nhân đã đi qua, nếu như nhà nghệ sỹ muốn tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.
Nhân vật Lục Vân Tiên trong tác phẩm cùng tên là cái bóng, là bản photocopy của ông Đồ- nghệ sĩ bằng xương bằng thịt, chất chứa đầy mình những mâu thuẫn cá nhân và thời đại. Đấy chính là số phận của những tài năng lớn. Không một nghệ sỹ lớn nào trên thế gian này, từ cổ chí kim, từ đông sang tây lại không mang trong mình một khối mâu thuẫn lớn đến mức chỉ có thần chết mới hoá giải được cho họ.
3. Không vì cái thứ nho giáo thở hắt ra, hi hóp ở vùng đất mới Nam Bộ cuối thế kỷ XIX bị đo ván trước sự chói loà của hào quang văn minh phương Tây, mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, kẻ phát ngôn trung thành cho hiện thực ấy, trở thành không vĩ đại. Cũng vậy, về bản chất hai cuộc chiến tranh thế giới là vô nhân đạo, nó đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người, nhưng không phải vì thế mà Hemingway, người lính- nhà báo, nhà văn đã từng tham gia cả hai cuộc chiến đó trở thành nhỏ bé. Ngược lại ông đã đoạt giải Nobel văn học năm 1954.
Cái vĩ đại, lớn lao của Nguyễn Đình Chiểu chính là ở chỗ ông đã di chuyển được số phận lịch sử của cả một dân tộc thời bấy giờ vào trong các tác phẩm nghệ thuật của mình. Bại hay thành là vấn đề của chính trị và xã hội, không bàn đến ở đây. Vấn đề là nhà nghệ sỹ có phản ánh sự thành bại đó một cách chân thực và đầy xúc cảm thẩm mỹ bằng hình tượng nghệ thuật hay không và tác phẩm của anh ta có được công chúng đương thời đón nhận và sẻ chia hay không? Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã được công chúng Nam Bộ thời ấy đón nhận và chuyển hoá một phần thành sức mạnh vật chất mà đỉnh cao là phong trào kháng Pháp của nhân dân lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ XIX. Sự thất bại của các phong trào ấy là nằm ngoài ý muốn chủ quan của Nguyễn Đình Chiểu và cũng ngoài sự quan tâm của tôi trong bài viết này.
4. Thực ra, nếu phóng chiếu từ một góc nhìn khác tôi thấy rằng trong con người Nguyễn Đình Chiểu có sự kết hợp chân chính giữa một trang hiệp sỹ thích vùng vẫy tận nơi góc biển chân trời của vùng đất mới Nam Bộ và nàng thơ kiêu sa luôn muốn thoát tục để bay tới miền cực lạc, vương quốc riêng của nàng. Còn con người nhà nho trong ông chỉ như một chứng bệnh viêm loét ngoài da làm cho người ta luôn ngứa ngáy, khó chịu nhưng lại không dễ tẩy được ngay trong một sớm một chiều, vì đấy là bệnh nhiễm khuẩn.
Những tư tưởng, quan niệm và tri thức nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu chỉ là cái vỏ bề ngoài, cái hình thức do lịch sử và thời đại cố tình áp đặt vào ông. Thực chất con người nghệ sỹ và con người hiệp sỹ trong Nguyễn Đình Chiểu lớn hơn con người nho giáo gấp bội lần. Lớn đến mức, những hoạt động sống hàng ngày mà những người bình thường không bao giờ có thể chuyển tải nổi những nhu cầu tâm lý bên trong, những thúc bách của tự do và sáng tạo vốn là hai đặc trưng cơ bản của con người hiệp sỹ và nghệ sỹ. Những sợi dây tư tưởng và đạo đức nho giáo trở nên quá mong manh khi nó phải đối mặt với con người hiệp sỹ và nghệ sỹ nếu như họ phải sống bằng những phẩm chất vốn có của nó. Tức là khi người hiệp sỹ và người nghệ sỹ thoả chí anh hùng, vùng vẫy núi sông thì không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được họ. Nhưng nếu như anh ta bỏ gươm, hạ giáo thì dường như trở thành kẻ yếu mềm hơn bất cứ ai. Ấy chính là lúc con người nho giáo trong anh ta có thể trỗi dậy. Người hiệp sỹ có thể quỳ dưới chân cái đẹp nhưng lại không bao giờ đầu hàng trước đối phương. Một chàng Lục Vân Tiên: “Giữa đường nào thấy bất bằng mà tha” để rồi lại: “Khoan khoan ngồi đấy chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai”, thực chất cũng chỉ là một anh hiệp sỹ Lục Vân Tiên mà thôi. Nhiều người đã vin vào chữ phận, cả Nguyễn Hưng Quốc và Thế Uyên cũng vậy, mà cho rằng đây là những hạn chế nho giáo trong con người Lục Vân Tiên và cũng là của Nguyễn Đình Chiểu. Thực ra, đi cùng với chữ phận có các nghĩa: “danh phận, chức phận, định phận, số phận, cam phận”… Căn cứ vào hai câu thơ trên mà cho rằng Nguyễn Đình Chiểu là người hẹp hòi, bảo thủ và có phần hèn nhát do những định kiến nho giáo trói buộc là hiểu sai về Nguyễn Đình Chiểu và oan cho ông. Nguyễn Hưng Quốc và Thế Uyên chỉ căn cứ vào một nghĩa của chữ phận là chức phận mà đánh giá và kết luận. Nhưng nếu xét một cách tổng thể thì chúng ta thấy Lục Vân Tiên vẫn là một trang hiệp sỹ của lục tỉnh. Khuyên răn và ngăn cấm người con gái vừa được mình cứu sống không được đến gần chính là biểu hiện tinh thần nghĩa hiệp của những kẻ chuộng công lý và lẽ phải. Do vậy, chính Lục Vân Tiên đã từng nói: “Làm ơn thế ấy cũng phi anh hung” hoặc “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Đấu tranh cho công lý và lẽ phải là định phận của người anh hùng, chứ đâu phải vì mục đích chiếm hữu. Lục Vân Tiên khuyên Kiều Nguyệt Nga chớ ra là cách nói theo nghĩa định phận của người con trai đồng nghĩa với anh hùng và người con gái đồng nghĩa với kẻ bị chà đạp về nhân phẩm. Thực tế này thật dễ hiểu trong bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỷ XIX. Lịch sử đã định ra “Chí làm trai ở trong trời đất” thì việc tôi cứu nàng đâu phải vì tôi yêu, tôi muốn chiếm đoạt nàng mà chỉ đơn thuần tôi là con trai, là đàn ông, là hiệp sỹ, tôi không thừa nhận sự áp bức, bất công trên đời này với bất cứ ai chứ đâu phải riêng nàng. Thế thì việc gì nàng phải băn khoăn, lo lắng. Thực chất nếu Lục Vân Tiên để cho Kiều Nguyệt Nga đến với mình cũng có nghĩa hoặc là làm nàng hiểu sai chàng hoặc là chàng tự tước bỏ phẩm chất anh hùng của mình để đổi lấy một mối lợi cỏn con là sự chiếm đoạt nàng. Diễn biến tâm lý ở đây, nếu suy diễn thì cũng chỉ có thể hiểu là Nguyễn Đình Chiểu muốn để cho Lục Vân Tiên chỉ đến để ngưỡng mộ dung nhan nàng Kiều Nguyệt Nga như là một đặc ân mà tạo hoá đã phú cho con người mà thôi, nếu chàng có nhắc đến tư tưởng “nam nữ thụ thụ bất thân” của nho giáo thật, thì đó cũng là thái độ lúng túng của con người hiệp sĩ núp sau nhà nho để chống đỡ với những cám dỗ trần thế mà chàng không muốn buông thả theo nó.
Con người nhà nho đích thực của Nguyễn Đình Chiểu không biểu hiện rõ ở “Lục Vân Tiên”, mà là trong “Ngư tiều vấn đáp y thuật” là tác phẩm truyền dạy cho người khác thuật bốc thuốc và cách làm người theo kiểu các nhà nho. “Lục Vân Tiên” chỉ là bản tình ca dang dở và nhạt phèo của mấy gã trai làng rỗi hơi, hết việc nghêu ngao ngâm vịnh dưới trăng suông để trêu ghẹo mấy cô thôn nữ, mặc dù cả hai đều muốn… ấy, nhưng vẫn ỡm ờ, làm bộ nói lảng. Đấy là sự phản ánh tâm lý của kẻ chưa đủ sinh lực, chưởng lực để đến với người khác. Lối vòng vo tam quốc, dùng dằng của anh chàng Lục Vân Tiên trong quan hệ với Kiều Nguyệt Nga là hiện thân của căn bệnh nhiễu tâm thể, thường thấy ở những kẻ suy nhược sinh lực, bất lực với phụ nữ. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu vĩ đại hơn chúng ta ở chỗ ông đã phản ánh thành công được chàng hiệp sỹ họ Lục đã trót một thời ăn nằm với nho giáo, nên khi đến với cô gái họ Kiều mới giở dói ra như vậy. Đấy không phải là bản chất của người nông dân Nam Bộ mà là số phận lịch sử của dân tộc và của thời đại.
5. Cái làm nên sự lớn lao của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là ở tác phẩm “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc”. Cái con người hiệp sỹ trong “Lục Vân Tiên”được phóng chiếu đầy đủ và rõ nét hơn ở hình tượng các nghĩa sỹ Cần Giuộc. “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” chính là một cảnh đặc tả rõ tính cách của những người nông dân Nam Bộ và cũng là đặc tả tư cách nghệ sỹ của Nguyễn Đình Chiểu. Những người lính Cần Giuộc cầm vũ khí đánh giặc thật tự nhiên như là đuổi tên kẻ trộm. Tất cả sức mạnh sinh thể, tâm thể và tâm linh được huy động đến mức tối đa ở họ:
Bữa thấy bòng bong che trắng lốp muốn tới ăn gan
Ngày xem ống khói chạy đen sì muốn ra cắn cổ

Đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không
Phá cửa xông vào liều mình như chẳng có
Cái ham muốn ăn sống, nuốt tươi những kẻ thích gây sự là nét đặc trưng tính cách của những người dân Nam Bộ.
Nhìn một cách thiển cận theo kiểu người trần mắt thịt thì thật là khó hiểu những nghĩa sỹ của Nguyễn Đình Chiểu đã đánh giặc theo kiểu gì. Đánh giặc mà coi giặc cũng như không, liều mình như chẳng có với một kẻ thù từ xứ sở của nền văn minh phương Tây kéo đến thì chỉ một phát đòm là chết ngay tức khắc. Thấy người khác trắng lốp hay đen sì mà đã muốn tới ăn gan và ra cắn cổ thì thật là cách xử sự không quân tử chút nào, chẳng hợp với tư cách của nhà nho.
Nhưng ngẫm nghĩ một cách cẩn trọng lại thấy rằng những nghĩa sỹ của Nguyễn Đình Chiểu là chủ nhà, còn giặc Pháp lúc bấy giờ chỉ như là những tên trộm. Một khi ông chủ phát hiện tên trộm vào nhà, bất luận để làm gì thì ông ta thượng cẳng tay hạ cẳng chân phang cho hả dạ để bảo vệ tài sản của mình vốn là sự kết tinh mồ hôi, nước mắt và xương máu của cả gia đình, dòng họ gây dựng nên từ bao đời nay. Lịch sử của quê hương, dân tộc đã dạy cho ông bài học cảnh giác chẳng bao giờ là thừa. Ông xông vào người nó trước hết không bằng sự tính toán thắng hay thua, được hay mất mà bằng sức mạnh cơ bắp tự nhiên. Mặt khác, kẻ thù xâm lược là đối tượng, đánh lại chúng là cơ hội hiếm hoi để giải toả những ẩn ức cá nhân và thời đại đã dồn nén, trầm tích trong con người hiệp sỹ và nghệ sỹ của ông quá lâu. Bao giờ sự ngưng tụ những ức chế tâm lý cũng là một quá trình dài lâu. Đến một lúc nào đó, các ức chế tâm lý đơn lẻ bị dồn nén thành một khối chắc nịch trong tâm thể, người ta gọi đó là stress. Và đến lúc đó chủ thể luôn có nhu cầu giải phóng các stress như là cứu cánh của sự tồn tại sinh tâm thể. Vì vậy sức mạnh giải stress là vô cùng to lớn đến mức không một lực cản khách quan nào có thể chống lại nó. Cơ chế tâm lý này thường thấy ở các nghệ sỹ tài ba như Petophy (Hungari), Puskin (Nga), Gogol (Nga),  Guy de Maupassant (Pháp)… Có thể kết cục của quá trình giải stress là khác nhau. Người thì chọn cách đấu súng với người khác để giải stress. Còn Guy de Maupassant lại chọn cách thắt cổ. Nguyễn Đình Chiểu lại chọn cách đánh giặc ngoại xâm, v.v…  Chỉ vì muốn bảo vệ danh dự nghệ sỹ và hiệp sỹ trong ông nên dù có thua, chứ chưa nói là thắng, ông cũng phải đánh để chứng tỏ mình không phải là một kẻ hèn và khối u tâm lý cá nhân và thời đại trong ông được giải toả. Dồn hết sức ra để làm một việc gì đó cũng là một cơ hội để giải toả các ẩn ức sinh tâm lý. Sức lực, tinh thần, cơ bắp, sinh lý và tâm lý càng được huy động đến mức tối đa thì càng tạo điều kiện để giải phóng stress tối đa.
Do vậy, đánh giặc không cốt thắng mà cốt là để giải toả các xung năng tâm lý. Đánh cho mày biết tay, kiềng mặt để biết trọng người cần trọng là cách đánh của các trang hiệp sỹ và các nhà nghệ sỹ chứ không phải là cách đánh của các võ sư, các nhà quân sự. Đánh ở đây, trước hết là một thông điệp, và đã là thông điệp thì nó không thể đi với đàm phán như đánh của các nhà chính trị hay quân sự. Thế Uyên chê Nguyễn Đình Chiểu tả khuynh, chỉ biết đánh là đã đánh đồng nghệ sỹ, hiệp sỹ với chính khách và tướng lĩnh, đánh đồng thái độ tình cảm đặc biệt mang tính hiệp sỹ của cá nhân nghệ sỹ Nguyễn Đình Chiểu với chiến lược và chiến thuật của các lãnh tụ chính trị và quân sự thời xưa.
Xét ở khía cạnh tâm lý cá nhân nhà nghệ sỹ và người hiệp sỹ thì những người lính trong “Văn tế…” của Nguyễn Đình Chiểu là hiện thân của các nhu cầu tâm lý được chuyển hoá thành những con người bằng xương bằng thịt và được chưng cất lên thành những hình tượng nghệ thuật. Mặt khác, thành công của Nguyễn Đình Chiểu là ở chỗ tạo nên trong các hình tượng nghệ thuật của mình sự giao thoa giữa các nhu cầu tâm lý cá nhân, các nhu cầu tâm lý cộng đồng và thời đại. Thời đại và vùng đất lục tỉnh, nơi ông sinh ra và lớn lên là của các trang hiệp sỹ và của các nghệ sỹ. Ở đấy chính là miền đất hứa của những người yêu tự do, công lý và lẽ phải, ghét sự áp bức, đè nén bất cứ từ đâu. Với bản chất và mẫn cảm nghệ sỹ, Nguyễn Đình Chiểu thực sự đã tìm thấy sự tương đồng về tâm lý và tính cách ở những người nghĩa sỹ Cần Giuộc. Và với tư cách là những hình tượng nghệ thuật, nghệ sỹ Nguyễn Đình Chiểu đã đem đến cho các hiệp sỹ, những con người bằng xương bằng thịt một sức mạnh tâm linh mê đắm không cùng và một sự cứu rỗi cho bổn phận con người ở họ.
Rõ ràng, những nghĩa sỹ Cần Giuộc khác hẳn chàng công tử Vân Tiên, nhiều khi còn mang sẵn trong mình căn bệnh tây tấy của mấy ông đồ nho nửa mùa. Nếu ông Đồ lục tỉnh của chúng ta sống lại chắc chỉ cười mỉm với những trang nghĩa hiệp. Còn chàng thi sỹ Nguyễn Đình Chiểu sống lại không chỉ thích mà còn sướng ra mặt khi đọc lại những trang văn tế của mình. Và biết đâu chàng thi sỹ họ Nguyễn lại chẳng sẽ trở thành một Arcimet, tay cầm cuốn văn tế trần truồng chạy ra giữa phố mà hét vang Ơrêca…
Theo tôi, nếu chúng ta dám dũng cảm loại bỏ các định kiến xem xét và đánh giá các tác giả và tác phẩm nghệ thuật, văn chương bằng cái nhìn bị ám ảnh bởi những vấn đề chính trị và xã hội thì chắc chắn chúng ta còn có thể khám phá ra nhiều điều mới lạ và lớn lao hơn ở con người nghệ sỹ Nguyễn Đình Chiểu. Âu đấy cũng là một khả năng tự vượt lên mình mà chắc chắn những người yểu tâm, thiểu chí không dễ gì làm được. Trước hết mỗi chúng ta hãy trả lại các giá trị văn chương nghệ thuật về cho văn chương nghệ thuật. Còn những vấn đề chính trị xã hội trả về cho các chính trị gia và những nhà hoạt động xã hội.
6. Có lẽ đây là điều cuối cùng dành cho những băn khoăn của Thế Uyên.
Thế Uyên cho rằng những sưu tập về ca dao, tục ngữ vắng bóng những bài nói về thân xác phụ nữ là hoàn toàn đúng sự thật. Bởi lẽ theo thói quen tâm lý và đạo đức người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung không thích nói về những điều ấy. Mà một khi đã là không thích thì chẳng có sức mạnh nào bắt người ta phải làm việc đó. Cũng giống như một người không thích ăn thịt thì chẳng ai có thể bắt họ ăn. Mặt khác, nếu đấy là những giới hạn của lịch sử thì đích thị đấy cũng là một nhiệm vụ chân chính của khoa học và của hậu thế. Khám phá phát hiện những thiếu sót, những sai lầm và những hạn chế của lịch sử, rồi bổ sung, sửa chữa… và cứ thế khoa học ngày càng phát triển. Vả, mỗi thời đại, dân tộc và cá nhân đều xem xét, đánh giá lịch sử theo cách chủ quan của mình trên cơ sở của những sự thật khách quan hiện tồn trong lịch sử và những quy ước chung nhất. Nếu như mọi sự diễn ra trên thế gian này là hoàn toàn sáng rõ và ngay một lúc nó được nhìn nhận, đánh giá đúng như nó đã từng tồn tại thì không những khoa học không còn đất sống mà cả nhân loại cũng diệt vong. Bản chất của vũ trụ là một tập mờ, là sự đan xen, kết nối, loại trừ cũng như tựa vào nhau để tồn tại. Vì thế một cái gì đó trước đây chưa làm hay không làm bất luận vì lý do gì cũng trở thành sứ mệnh của chúng ta hôm nay và của các thế hệ tiếp theo. Những người như chúng tôi cũng mong sự đóng góp của các đồng nghiệp ở hải ngoại về lĩnh vực này. Âu đấy cũng là một sự chấn hưng văn hoá cần thiết chứ sao. Có một câu ngạn ngữ rất hay mà tôi nghiệm chẳng sai: “Một nghìn lời trách không bằng một việc làm”. Nếu Thế Uyên thích thì cứ việc làm hoặc đầu tư cho người khác làm một bộ sưu tập ca dao tục ngữ theo quan điểm của mình, không biết chừng đó lại là một đóng góp thú vị.
Hiện nay, giới trí thức, học giả trong nước không phải chỉ thiếu điều kiện về chính sách hay quan điểm như một số người vẫn hay nhấn mạnh. Tất nhiên, có rất nhiều việc phải đổi thay và xây dựng để cải thiện đời sống tư tưởng văn hoá mà có lúc có nơi vừa vọng ngoại, thả nổi lại vừa hẹp hòi, bảo thủ và tù đọng như hiện nay. Nhưng bên cạnh những điều kiện liên quan đến cơ chế, thể chế, còn cần có nhiều điều kiện quan trọng khác như: tâm thế, nhiệt huyết, trình độ, sự giải phóng khỏi những tập quán, nếp nghĩ định kiến, thực dụng chính trị và sự đầy đủ các phương tiện vật chất, xã hội khác mà những người trong nước còn thiếu.
Bản thân tôi cũng muốn làm việc này và nhiều việc khác nữa, nhưng lực bất tòng tâm, một lẽ vì chiến tranh đã cướp đi sinh lực nguyên khởi của tôi tới bảy, tám phần; lẽ khác, phần còn lại ít ỏi sinh lực lại phải đem nó ra mà bươn chải, vật lộn với cuộc sống thường nhật, những mong kiếm đủ hai bữa ăn một ngày cũng là điều không mấy dễ dàng. Và còn biết bao chuyện khác trên đời câu thúc, đe doạ đến chính sự tồn tại của mình, hỏi còn đâu thời gian và sức lực để làm văn chương như các bạn ở hải ngoại.
Đấy cũng chính là một bi kịch lịch sử của thế hệ chúng tôi, những người đang tại nội hôm nay.
Hà Nội, 28/6/2022
Đỗ Ngọc Yên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...