Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Nhấm nháp "Chỉ là vậy thôi" cùng Lê Văn Nghĩa

Nhấm nháp "Chỉ là
vậy thôi" cùng Lê Văn Nghĩa

“Có thể nói với “Chỉ là vậy thôi” ngắn gọn, súc tích nhà văn Lê văn Nghĩa đã hóm hỉnh dựng lên một chân dung từ thiện rất tự nhiên mang đậm kiểu thiện nguyện con người Sài Gòn. Âm thầm làm, lặng lẽ sẻ chia, miễn là việc làm kia có ý nghĩa thiện lương thì cần chi ồn ào giải thích”. Nhân kỷ niệm tròn 1 năm (25.7.2021-2022) ngày nhà văn Lê Văn Nghĩa từ giã cõi đời, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu bài viết của Khang Quốc Ngọc về truyện ngắn của ông.
Trong cái xô bồ tả bí lù quá trời các kiểu viết truyện ngắn hiện nay thì cách viết hóm hỉnh, tự nhiên dung dị nhưng vẫn ra truyện, cho dù truyện ông viết thường rất ngắn, của nhà văn Lê Văn Nghĩa cho người đọc một cái nhìn thú vị và thâm trầm về cuộc đời.
Câu chuyện trong“Chỉ là vậy thôi” xoay quanh việc nhân vật “anh” mỗi sáng mua tặng chiếc bánh mì bì cho anh chị em cùng cơ quan. Khi thì là cô thường trực, khi là ông trưởng phòng tổ chức, khi thì cô văn thư văn phòng, lúc lại là cô phục vụ căn tin… Kiểu mua tặng cho ấy của nhân vật “anh” đã khiến người nhận dấy lên những mối nghi ngờ. Một sự ngộ nhận gắn liền với yếu tố thực dụng rất đời khiến cho câu chuyện như một đường ray dẫn lối người đọc, người đọc không hề có một sự nghi ngờ nào khác với nghi ngờ kia của những nhân vật được tặng bánh mì bì. Do vậy, độc giả bị cuốn theo câu chuyện.
Cái hay của nhà văn là ở chỗ này. Ông kể chuyện tự nhiên và hầu như diễn biến câu chuyện ông nhường hẳn cho từng nhân vật. Khi nhận được bánh mì bì, người nhận lập tức đẩy mình vào trung tâm câu chuyện mà không hề đặt ra một thắc mắc nào như vốn dĩ nó phải thế! Cô gái nghĩ chắc anh ấy mê mình, nên mình cần phải đi sửa lại cái này cái kia để cho ảnh mê hơn; xếp trưởng phòng tổ chức thì nghĩ chắc cu cậu kia là tay chuyên SBS (săn bắt sếp) rồi thì thủng thẳng nhận mà không mảy may suy nghĩ khác, lại còn mỉa mai theo kiểu quy đổi giá trị đổi chác tầm thường theo lối dung tục nữa. Thế là, câu chuyện cứ thế chảy theo dòng chảy tự nhiên của cuộc sống thực dụng đương thời mà hầu như không có lấy một dấu hiệu gì đó của tình người cho dù là nhỏ nhoi. Phải chăng, qua sự vụ này nhà văn muốn chuyển đến chúng ta một thông điệp, con người đương thời đã và đang bị cái bản ngã, cái thực dụng lôi đi quá xa? Do đâu ra nông nỗi ấy? Phải chăng chúng ta đang bị cái phiến diện một chiều áp đặt nên lúc nào con người cũng cho rằng suy nghĩ của ta là duy nhất đúng?
Cho nên có thể nói rằng, nhân vật được tạo ra từ “Chỉ là vậy thôi” là những nhân vật được kích lên từ những món mồi nhử, rồi bộc lộ tính cách phẩm chất con người mình qua cái món mồi nhử ấy. Ông trưởng phòng tổ chức phải là người hiểu lắm cái món “săn bắt sếp” nên mới có thể nghĩ rất bài bản về nhân vật “anh”. Những nhân vật như cô thư kí, cô thường trực, cô phục vụ căn tin càng làm thêm cho cái xã hội chỉ biết nghĩ một chiều kia sống động và hấp dẫn hơn.
Giọng kể tự nhiên hóm hỉnh như càng làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện.
Chương trình tưởng nhớ nhà văn Lê Văn Nghĩa diễn ra tại khuôn viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (tức Trường PTTH Petrus Ký ở Sài Gòn ngày xưa ông theo học) vào 24.7.2022.
Câu chuyện tưởng rằng cực kì đơn giản ấy sẽ không có gì để nói nếu như người viết không bật ra một chi tiết mở nút ở cuối truyện “bây giờ anh không mua bánh mì bì cho ai nữa vì gánh bánh mì bà lão lưng còng đã không còn ở đầu hẻm mỗi buổi sáng như ngày xưa”. Người đọc cảm thấy được vỡ lẽ mọi thứ khi đọc đến chi tiết này. Nên có thể nói, truyện “Chỉ là vậy thôi” của Lê Văn Nghĩa hấp dẫn người đọc ở yếu tố bất ngờ hàm súc kiểu ngụ ngôn. Tất cả đã được nhà văn gói lại cho thật chặt và chỉ mở nút ra cho đến khi kết thúc truyện.
Câu chuyện ngắn gọn, kiệm lời nhưng lại có sức bật khá mạnh. Nhân vật “anh” là một con người chân thật, sống có tình người. Thì kia, hành động anh mua bánh mì bì cho bà cụ bán bánh mì ở đầu ngõ là hành động thương người của một con người chuyên làm việc thiện nguyện. Bánh mì rẻ lắm, 5000 đồng một ổ. Nhưng khi được anh mua thì cái bánh mì kia không còn là bánh mì của người nghèo nữa mà nó là chiếc bánh mì đẫm đặc tình nghĩa sẻ chia. Nhà văn đã rất khéo léo khi để cho nhân vật “anh” nghĩ ra mình sẽ tặng luân phiên cho từng người trong cơ quan, vừa cho khỏi ngán vừa cho có thông điệp hãy ăn đi, cho dù là bánh của người nghèo, nhưng là cái bánh chất lượng, ăn là ghiền. Ghiền là tìm đến mua, lại ăn. Ý nhân văn thoát ra theo chi tiết này. Làm việc thiện cũng thế, hãy tích cóp duy trì ngay từ những việc làm rất nhỏ, rồi sẽ có lúc tâm thiện lành nở bung ra, lo gì không có được con người thiện lương, lo chi không có xã hội từ tâm lương thiện? Hãy cứ làm đi, cho là nhận. Việc làm thiện lương bắt nguồn từ tâm thiện nên có thể vượt qua mọi rào cản bên ngoài, giúp con người có sức mạnh vượt thoát mọi trớ trêu, phải chăng đó là thông điệp nhân văn mà nhà văn Lê Văn nghĩa muốn gửi đến độc giả ở phần kết thúc truyện?
Có thể nói với “Chỉ là vậy thôi” ngắn gọn, súc tích nhà văn Lê văn Nghĩa đã hóm hỉnh dựng lên một chân dung từ thiện rất tự nhiên mang đậm kiểu thiện nguyện con người Sài Gòn. Âm thầm làm, lặng lẽ sẻ chia, miễn là việc làm kia có ý nghĩa thiện lương thì cần chi ồn ào giải thích. Văn của ông quý ở chỗ ấy, nó rất giàu giá trị nhân văn mà không tô vẽ phô trương, phết phẩy vạc đẽo thôi mà rõ mà đậm chất con người. Bởi thế có thể nói nhà văn Lê Văn Nghĩa là nhà văn của hóm hỉnh tình người.
25/7/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...