Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Nỗi buồn mang tên tháng bảy

Nỗi buồn mang tên tháng bảy

Hồi nhỏ ông bà dạy tháng 7 kiểu gì cũng phải ăn chay. Không được năm ngày, một tuần thì ít nhất cũng phải ăn ngày 14 hay rằm. Ăn chay không chỉ vì muốn tạo phúc giúp con vật nào đó sống thêm vài ngày. Mà còn để tâm mình tịnh muốn gây hắn với ai hoặc bị ai đó kiếm chuyện. Cũng nhủ lòng hôm nay ăn chay nên thôi. Không tranh chấp hơn thua.Ngoài ra ăn chay để bớt đi cái lòng tham quen được hưởng thụ những món ngon máu thịt. Nên ăn chay chỉ quấy quá kiểu rau chấm tương chao. Cho bản thân mình hiểu mình đang có được gì từ cuộc sống.
Hồi nhỏ ông bà dạy tháng 7 phải đi chùa. Dùng lòng thành cầu xin Phật trời. Ban xuống bình yên cho gia đình trước những thế lực ma quỷ. Cầu siêu cho người đã khuất. Cầu an cho người đang sống. Phẩm cúng phải là những thứ thuần khiết đúng nghĩa.
Hồi nhỏ ông bà dạy tháng 7 phải cúng ma đói mà người ta thường gọi chung là cô hồn. Cúng không phải vì sợ. Vì người sợ ma 3 phần, ma sợ người 7 phần. Cúng không phải để cầu xin. Bởi cầu xin thì cầu xin bề trên Thánh thần chớ ai mà cầu ma quỷ. Cúng vì cái nghĩa, vì cái lòng tốt chia sẻ miếng ăn cho cho ai đó đói khát.
Lớn lên tháng 7 vì nhà có duy nhất một mình mình ăn chay nên thôi ra ngoài ăn cho tiện. Một phần cũng sợ chay nhà mình không thuần khiết vì nồi chảo quanh năm nấu mặn. Thành ra chọn tiệm chuyên chay có xuất xứ từ chùa.
Tới nơi ngồi đọc cái menu mà muốn té sấp mặt. Toàn Thịt kho trứng, Cá sốt, Sườn ram, Canh tôm thịt, Gà trộn gỏi …. món chay đấy làm từ đậu phụ rau củ, tàu hủ ky. Cái sự nổi tiếng được đo lường bằng mức độ giống món mặn nguyên bản. Từ hình thức tới mùi vị và vì rằm chémm gấp đôi ngày thường. Ý nhầm… không phải chém mà mắc gấp đôi ngày thường. So với thịt cá thật thì cái giá càng cách xa. Gà ở đây 5 đồng / 1kg. Dĩa gà trộn gỏi chay 20 đồng 1 dĩa/ 1 người ăn
Quay về lên mạng tìm chút hoài niệm mang mùi quê hương. Như cái thời còn nhỏ ở Việt Nam. Tháng 7 bà ngoại hay nấu Kiểm, tàu hủ kho nấm rơm với rau củ cho ăn. Dạo một vòng trên facebook thấy các bà, các cô nấu mâm chay cúng tháng 7 vô cùng rực rỡ. Kèm theo những cái túttt phải như thế, bề trên mới chứng. Và các chị được xem là khéo là giỏi là những chị làm giống món mặn nhất. Có chị làm hẳn cái đùi vịt quay y như đồ mặn luôn Bâng quơ nghĩ việc gì phải tự gạt người, gạt bản thân như thế. Thôi, ăn chay kiểu đó tôi thà ăn mặn cho nó phẽ. Đở nấu nướng lích kích. Đở phí thời gian ngồi quấn rồi bó từng miếng tàu hủ ky cho nó giống con Tôm. Nay tôi ăn mặn Bầu luộc chấm trứng gà dầm chao.
Thế nhân lộn xộn quá thôi mình lên chùa. Mang bó hoa chính tay mình trồng. Vị trí trồng, nước tưới đều là những thứ sạch sẽ đúng nghĩ. Hái mớ xoài cũng lựa trái trên ngọn cao. Bánh tự tay ngâm gạo. Không có cối xay bột như bên Vn. Phải xay bằng cối xay sinh tố. Trầy trật năm – bảy bận. Dậy từ sớm nặn nặn hấp hấp rồi mang lên chùa cúng.
Đến chùa, ngay chánh điện. Đứng lặng nhìn những phẩm vật được nhà giàu dâng cúng. Hoa mẫu đơn nhập, hoa từ châu âu… Từng lẵng lễ vật cao ngút ngàn. Trong đó toàn trái ngon vật lạ. Bèo bèo cũng là Nho hồng ngọc của Nhật. Bánh trái thì càng hoành tráng đủ kiểu.
Thấy mớ vật phẩm của mình sao mà nó hèn mọn nhỏ bé đến thế. Thắp nhang quay lưng đi là có người nhà chùa đẩy vô nằm lăn lóc một góc. Để dành chỗ cho những phẩm vật to lớn hơn sắp được mang tới. Sư Tăng cũng bận tiếp chuyện với những người đang muốn bỏ tiền xây chùa, miễu lớn hơn. Họ bảo làm thế phúc lộc lớn lắm. Hèn chi người giàu càng giàu.
Ai quởn đâu mà giảng giải khuyên bảo mình gần Đạo xa đời ô trọc. Thành ra đứa ngu muội như mình đang sân si so đo ngay dưới chân phật. Ai quởn đâu mà dạy mình rằng bậc bề trên thấy hết, biết hết. Đừng dùng cái bụng đàn bà nhỏ nhen để cân đo công đức. Thành ra trong lòng cứ nghi ngại tự hỏi: Bề trên có thấy được cái lòng thành nhỏ bé của mình giữa một đống phẩm vật sang chảnh như thế không? Ai cũng là con Phật. Mà con đông như thế, Phật có thấy mấy đứa đang lạy tuốt ngoài sân như mình không? Bởi phía trong đành cho những người có theo học khóa tu. Có pháp danh gì đó. Thế mới biết tu cũng có cấp bậc cao thấp. Có phân biệt trước sau. Chứ không phải ” hạ đồ đao thì thành phật ” như mình từng được ông bà dạy.
Hôm bữa mùng 2 cúng cô hồn. Bày biện ra xong thấy ngoài cổng của công ty 5- 7 người đứng lấp ló. Bên này họ không có giật như bên vn. Chính xác là có muốn giật cũng không dám. Bởi nhào vô nhà người ta là ” xâm nhập gia cư bất hợp pháp ” Cảnh sát nó gông cổ liền. Huống hồ chi những nơi kính cổng, cao tường như công ty này nọ của giới mua bán.
Họ là những người đến từ những quốc gia nghèo. Công việc của họ ở xứ này là quét đường dọn rác. Người Hoa ở đây đồ cúng như thế họ không ăn và cũng không mang vào nhà. Đó là kiêng kỵ cúng xong là vứt bỏ ra ngoài đường cho cô hồn, ma đói. Nên những người họ phải chờ ngoài ngõ, chờ vứt bỏ thì họ nhặt.
Nhìn cái bàn chất đầy gà, vịt, cua, thịt…. dưng không buồn. Những thứ đó là do những đối tác làm ăn họ gửi đến cúng chứ không có mua. Bản thân mình cũng phải mua abc các thứ và gửi lại các đối tác ấy. Một cái kiểu ” bách ít đi bánh quy lại ” trong xã giao làm ăn. Thầm hỏi lòng mình có ma đói thiệt không ta? Dù có cũng thây kệ đi. Người 1 cõi bận tâm làm gì. Xá xá nhang nửa cây là dẹp. Ra trước cổng bảo các anh/ chị cứ vào đây chia nhau mang về cho còn nóng sốt. Rụt rè một chút họ mới dám vào. Nhẹ nhàng khẽ khàng chia nhau, mắt lấp lánh niềm vui, miệng lí nhí ” Thank you ”.
Họ đi rồi quay qua dặn chị nhân viên tâp vụ của công ty: 16 này tiền dùng mua đồ cúng cô hồn chị lấy mua hết gạo cho em. Bịch 5 kg. Cúng thức ăn ma quỷ có nhận không? Tôi không biết và hình như cũng không ai biết. Nhưng tôi biết gạo chắc chắn có ai đó đang cần. Không cúng ma quỷ có quấy phá mình đi nữa thì hết tháng 7 ma quỷ cũng bị lùa về âm ty, địa phủ. Nhưng chỉ cần các anh/chị ấy công nhân vệ sinh ấy không xuất hiện 3 ngày thì cả công ty, cả con đường hôi thúi vì rác. Ma quỷ không được cúng ăn, xét cho cùng cũng không có chết lần nữa đâu. Nhưng con người vẫn phải tiếp tục ăn để sống, để lao động, để mưu sinh
Giống như buổi chiều nay thấy một bà bác đang bận áo cúng màu nâu. Tay còn đang cầm chuỗi hạt bước ra từ nơi phật đường trong một căn nhà to lớn. Vớ lấy cây chổi quét sân chạy ra cổng đập bôm bốp vào một con chó hoang bụng chình ình đang nằm thở dốc ngoài cổng. Mặc cho con vật kêu gào bỏ chạy bằng cái dáng vẻ nhọc nhằn lê lết. Chắc là bác ấy sợ con chó làm mất nét đẹp sang trọng của cánh cổng sơn phết xanh đỏ củc nhà bác hổng chừng. Nên bác quên mất dù gì đó cũng là một sinh mạng. À, mà không chính xác là 3- 4 sinh mạng gì đó. Dù cho đó là súc sinh, động vật đi chăng nữa. Chợt nhớ thời bé thơ tính tình nghịch ngợm. Bà Ngoại hay dặn đừng ác nghiệt với động vật dù là đùa chơi. Vì biết đâu luân hồi kiếp sau mình chắc gì được làm người mà làm con vật nào đó.
Hồi nhỏ ông bà dặn tháng 7 ăn chay, cúng chùa, cúng cô hồn và bớt sân si tính toán. Lớn lên nhìn lại lời dặn cũ tự thấy con người mình nó xấu xa gì đâu. Muốn quay về nhà hỏi ông bà: Sao những gì ông bà dạy nó khác xa thực tế mình thấy quá. Nhưng ông bà người thì đã khuất núi. Người thì ngay đến cháu mình cũng không nhận ra. Do chứng bệnh lãng trí của người già. Thì… lấy đâu ra mà giải thích cho mình hiểu hay la rầy mình thôi cái thói nhìn đời cay đắng ấy đi. Sống là buông bỏ, là tha thứ cho qua và cả chấp nhận nữa.
Để rồi nhiều khi ngẫm nghĩ làm người đừng nên lớn. Bởi khi lớn rồi đôi lúc bản thân họ đối mặt với vô vàn câu hỏi không có lời giải. Vậy thì lớn để làm gì? Thà nhỏ để còn có nơi cho cái đầu óc non nớt bấu víu. Để còn tin lời ông bà tháng 7 đi chùa, ăn chay, cúng kiếng… cho tốt. Lớn làm chi để mình hiểu, mình làm ngược lại hết những gì từng được dạy dỗ. Để mình thấy cái đức tin nó không cứu rỗi được cái tâm hồn ngày càng cằn cỗi vì thực tế của mình.
Mênh mông một cõi ta bà
Phận hèn, đức mỏng biết là….về đâu
Có những nỗi buồn mang tên Tháng 7.
Song Nhi
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...