Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Sự kiệm lời và sức gợi trong thơ Thái Hồng

Sự kiệm lời và sức
gợi trong thơ Thái Hồng

Thường thì thơ kiệm lời hay tạo sức gợi. Tựa như cánh cung, càng dồn nén mũi tên bật ra càng lao xa vậy.
Bài Hoa quỳnh của cố thi sĩ Thanh Vũ tính cả tựa chỉ có mười một chữ: “Biết chết đúng lúc/ là hoa quỳnh vô tri”. Tuy vậy, theo chủ quan, tôi ngẫm hãy còn dài. Táy máy, tôi thử xóa chữ xem sao. Tựa Hoa quỳnh, tôi xóa chữ “Hoa”. (Vì dưới đã có chữ “hoa”). Thừa. Vẫn thấy thừa. Tôi lại tiếp tục xóa “Biết chết đúng lúc”, thành “Chết đúng lúc”. Chưa dừng lại “là hoa quỳnh vô tri” thành “hoa quỳnh”. Chữ “là” không cần thiết. Và, chữ “vô tri” trộm nghĩ  “không có mặt” câu thơ vẫn giàu sức gợi. Vậy qua những nhác kéo của tôi bài Hoa quỳnh sẽ trở thành Quỳnh. Và: “Chết đúng lúc/ hoa quỳnh”. Như vậy tôi nghĩ vẫn còn nguyên vẹn giá trị của thiên chức thi ca mà Thanh Vũ đã đạt tới.
(Xin tạ lỗi hương hồn Thanh Vũ và bạn đọc yêu thi phẩm này. Dù đây chỉ là sự giả dụ).
Dong dài quá, xin quay về với thơ Thái Hồng qua tập “Sa mạc ngày” vừa mới in còn thơm mùi giấy đây.
Thơ Thái Hồng không phải bút pháp,  rắn và thô ráp như thơ Thanh Vũ, nhưng rất nhiều bài có cùng mô-típ: Kiệm lời và rất gợi. Xin đơn cử dưới đây:
“Buổi sớm sương mù/ sông mang khuôn mặt đặc quánh/ ẩn giấu/ trái mùa cơn lũ”. (Ẩn). “Những cánh tay đêm/ buông lơi vòi bạch tuộc/ là lúc rùng mình/ bướm thoát kén/ bay lên”. (Thoát). Quả là “ẩn” một hồn thơ  khác biệt và “thoát” khỏi sự sáo mòn “kẻ thù truyền kiếp” của thi ca. Thâm trầm quá. Cao tay nghề quá. Thơ chị không câu nệ tiết điệu, nhưng nhịp thơ vẫn ngân lên sang trọng như ánh bình minh loang trên biển. Ngoài những bài kiệm lời, Thái Hồng còn có những câu thơ đẹp, tài hoa: “…nửa bàn chân nâng điệu múa xòe/ suối uốn lượn vòng eo thiếu nữ…”. (Hoa của núi). Hai câu này đọc lại nhiều lần tôi vẫn thấy… ngọt ngào như thể cô gái Thái vùng Tây Bắc đang dịu dàng với vũ điệu truyền thống, trang phục truyền thống choáng ngợp, ngất ngây dìu mình vào cõi bồng lai mê đắm vậy.
“Sáng, sáng rồi/ họa mi hót tiếng trong trẻo vốn có tặng nụ hoa ban mai/ sương đầu ngày ngậm mặt trời ngời ngời tận hiến/ lại bắt đầu cuộc hành trình của nước, của lửa, của lao xao…/ mang theo/ chắt chiu bài ca họa mi thanh thoát/ nâng niu giọt sương trong vắt/ nhẹ nhàng đi qua sa mạc ngày” (Đi qua sa mạc ngày).
Đem bài này so với những bài thơ ngắn khác cứ nghĩ rằng Thái Hồng làm thơ chẳng hề có dụng ý tự biên tập mình. Nhưng không. Chính “Đi qua sa mạc ngày” khi chị quyết định chọn làm tựa cho tập thơ đã trở thành “Sa mạc ngày”. Như vậy biên độ thơ đã loang ra ngay từ trang bìa chừng như vô tận rồi. Và, đó mới là thiên chức của thi ca mà chị góp phần định hình cho nó. Muôn thuở thi ca phải là gợi, gợi và gợi. Ảo, ảo và ảo như là sứ – mệnh – nội – tại phụng hiến cho đời như thế.
Đây là tập thơ (in riêng) thứ tư của Thái Hồng, nhưng chị vẫn tiếp tục quẫy đạp theo hướng đi riêng của mình. Nhà thơ Kim Ba cho rằng thơ của Thái Hồng “không giống ai” ở đồng bằng sông cửu Long. Cái sự “không giống ai” là mục đích của thi ca muôn đời luôn vươn tới. Thái Hồng cũng không khác.
Thái Hồng một doanh nhân chính hiệu (ở Vĩnh Long). Rất cá tính, bản lĩnh trong nghề nghiệp. Nhưng là nữ sĩ giàu lòng nhân hậu, dịu dàng, nữ tính đôi khi nũng nịu, thầm thì tựa gió xuân. Chị gói tứ thơ dưới lớp chữ rất tinh tế. Chị phá vỡ những định kiến xã hội với những người không may bị “tật nguyền” phải phẫu thuật chuyển giới. Trong một lần rong chơi ở xứ Pattaya (Thái Lan), chị thưởng ngoạn vũ điệu của người chuyển giới mà lòng đầy thương cảm: “Đêm Pattaya/ quay cuồng vũ điệu/ nhạt nhòa Adam Eva/ buông rơi mặt nạ/ trần trụi  thiên thần/ đánh lừa mặt trời/ mỉm cười với nghiệt ngã/ giọt đắng giấu/ sau trò chơi thân phận/ con – người – không – tật – nguyền/ vượt mọi ranh giới/ dâng tặng cuộc đời/ cái đẹp cứu chuộc/ đêm Pattaya/ nỗi đau phù dung/ hóa kiếp”. (Hóa kiếp).
Trong hơn năm mươi bài trong tập “Sa mạc ngày”, ít thấy Thái Hồng dùng dấu nối, nhưng bài Hóa kiếp chị dõng dạc, khẳng khái: “ con – người – không – tật – nguyền”. Vậy, những dấu nối này phải chăng Thái Hồng góp thêm cho sự bất đắc dĩ “làm luật sư” đứng ra bênh vực những “thân chủ của mình” về sự bất nhẫn mà xã hội giáng xuống cho họ chăng? Nữ sĩ Thái Hồng luôn có lòng quảng đại, hào phóng nên thơ chị luôn bao dung, nghĩa dũng là điều đương nhiên. Ngoài ra, Thái Hồng còn nhiều tác phẩm trĩu nặng tình người được biểu đạt bằng ngôn ngữ rất riêng: “Ré tiếng khóc đầu tiên sinh linh bé nhỏ/ ai chọn được số phận?/ các em nào biết sẽ là hạt bụi long đong trần thế/ cắt núm ruột quặn đau mẹ bỏ con giữa chợ đời/…trả lời em là nốt lặng đen buồn/ trả lời em là sự lạnh căm của những kim loại/ chiếc nôi đơn côi nhốt nỗi niềm thân phận…/ thắt thẻo giọt rơi/ gõ vào hồn/ nỗi buồn giấu mặt”. ( Những hạt bụi long đong). Đoạn cuối bài thơ này chị cho con chữ chầm chậm rơi ra như vắt hết nỗi đau của trái tim đẫm chất nghệ sĩ mà yêu thương, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Thương quá!
Thi thoảng thơ Thái Hồng có ẩn giấu chút triết lý. Nhưng chị khéo léo, không để sa đà lên giọng dạy đời. Chẳng hạn bài Khởi hành dưới đây: “Hãy cứu chuộc niềm tin/ giấc mơ sẽ tự khắc hồi sinh”/ bước qua bóng tối/ đứng lên từ vấp ngã/ hoa hướng dương vươn về phía mặt trời/ lộng lẫy sắc vàng tươi/ mây sẽ không che nụ cười/ lá xanh đợi nắng về quang hợp/ mắt thời gian trong trẻo/ lanh canh tiếng ngày reo/  hãy bắt đầu từ tiếng thở/ chẳng muộn bao giờ/ đừng ở giữa đường ray/ tàu đã khởi hành về phía ngày mai”.  Dù vậy, chị cũng vấp phải triết lý không mới về nhân sinh, mà chỉ làm mới về con chữ: “ …ai ở lại cùng tôi/ nghe trăm năm tan trong phút giây/ nghe chim hót trong vô thường/ bàn tay sấp ngửa rồi cũng buông…”. Tôi luôn dõi theo hồn thơ chị lấp lánh dưới từng con chữ như dòng suối mát trôi êm về phía lòng mình. Tuy nhiên, cũng bắt gặp đôi câu chị viết vội, chưa kịp nghĩ, chưa kịp quan sát, biên tập : “ Trốn vào đâu?Lạch cạn trơ đáy bãi bùn…”. (Nhắn). Câu này nhịp trúc trắc, câu chữ lủng củng, ý thơ biến mất. Làm gì có “bãi bùn” nào dù “lạch cạn trơ đáy”. Chữ “đáy” và  chữ “bãi” liền bên nhau trong văn cảnh trên liệu có ổn không? Tiếc!
Cứ ngỡ khó bắt gặp những câu thơ tặng chồng của những nữ sĩ, ấy vậy mà có  đó – Có một Thái Hồng dịu ngọt… rất nịnh chồng khi “rong chơi với thơ” sa đà, bỗng giật mình, kịp nhận ra mình có lỗi: “ em đi loanh quanh chỉ loanh quanh thôi/ cũng chùng không gian khói lam chiều/* anh lặng thinh không nói/ viên sỏi mồi côi buồn thiu buồn thiu…/ em biết! cớ gì anh không hiểu/ em vẫn em – những giấc mơ phiêu/ lãng đãng thơ níu em bờ bến lạ/ chốn em về/ anh vẫn anh – lấp lánh ban mai…”.
(Sức gợi trong thơ Thái Hồng còn làm cho tôi liên tưởng đến thơ Trúc Thông khi ông viết về thân phận người đàn ông hành nghề xe lôi đạp: “… bánh xe quay chậm một đời người…”. Hay như cố thi sĩ Kiên Giang, viết về người mẹ mình, là con nhà nòi về đờn ca tài tử. Khi lấy chồng, thủ phận làm dâu với việc đồng áng, đành treo chiếc đàn, mặc cho nhện bám tơ giăng: “ …cái nọc cấy dìm tiếng đờn ngợp nước…”. Hay như Kim Ba viết về chiếc áo của bà mẹ nơi quê nghèo: “…Miếng vá thức trên lưng…”. Chữ “chậm”, chữ “dìm”, chữ “thức” chẳng có gì đặc biệt trong ngôn ngữ. Nhưng ba thi sĩ tài hoa đặt nó đúng vào văn cảnh đã bật lên một – ánh – sao – thi – ca mới lạ. Phát ghen lên được chưa?)
Tập “Sa mạc ngày” của Thái Hồng theo giác độ của tôi đã tới độ chín. Còn nhiều bài đắc địa, nhưng tiếc quá, không tiện nêu ra. Tuy nhiên, cũng có vài bài tôi chưa thật sự ưng lắm, bởi thấy có nhiều câu, ý không mới và ít trọng lượng. Như : “ … rời Giang Thành hẹn lần sau/ nghe bâng khuâng bao điều chưa kịp nói/ mát sau lưng gió đồng miên man thổi/ người dưng ơi! người dưng ơi!… (Lãng mạn với Giang Thành).
Dostoyevsky, bảo : “ Cái đẹp cứu rỗi con người”. Tôi đã nhận ra thơ Thái Hồng ít nhiều lấp lánh cái đẹp từ trong bản ngã. Từ lung linh, huyền diệu của thi ca. Nó đứng đường hoàng, độc lập giữa sự nhạt nhẽo của “phong trào thơ” hiện nay. Cái đẹp trong thơ Thái Hồng chẳng biết có ‘cứu rỗi” được ai chưa. Nhưng với tôi đã nhiều lần “vịn câu thơ của chị mà đứng dậy”.*
Chú thích:
Ca từ trong nhạc của Anh Việt Thu
** Ý từ câu thơ của Phùng Quán: “Phút ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
19/7/2022
Phạm Bội Anh Thuyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...