Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

"Suối cọp" và cách giải mã chiến tranh của nhà văn Hữu Ước

"Suối cọp" và cách giải mã
chiến tranh của nhà văn Hữu Ước

“Suối Cọp” – cuốn tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh cách mạng của nhà văn Hữu Ước – là một tác phẩm không chỉ giàu chất nhân văn mà còn rất giàu chất tiểu thuyết. Tác phẩm kể về cuộc chiến đấu chống Mỹ gian khổ và anh dũng của quân, dân ta tại vùng Suối Cọp, “nơi bắt đầu của Đông Trường Sơn tiếp giáp với Tây Trường Sơn và rất gần đường 9 Quảng Trị” (tr.13), qua đó nhà văn gửi tới bạn đọc bức thông điệp vì sao chúng ta thắng Mỹ một cách đầy thuyết phục.
Có thể nói, thành công của cuốn sách chủ yếu nằm ở chiều sâu tư tưởng vì về hình thức dường như tác giả vẫn trung thành với cách viết truyền thống. Thời gian nghệ thuật vẫn là thời gian tuyến tính, vẫn sử dụng một lối văn giản dị, chậm rãi, tự nhiên… Sau nửa thế kỷ, lùi xa sự kiện để trải nghiệm và suy tư, Hữu Ước đã có một quan niệm nghệ thuật mới về hiện thực và con người, có những phát hiện mới về chiến tranh và người lính.
Dĩ nhiên, Hữu Ước không hề né tránh mất mát hy sinh, nhưng cái nhìn về chiến tranh của ông không còn đơn giản rạch ròi trắng – đen, ta – địch, ngòi bút của ông không dừng lại ở các sự kiện khách quan mà luôn đi sâu vào cõi thầm kín của con người. Vấn đề số phận con người được coi là đối tượng khám phá, còn các sự kiện lịch sử chỉ được soi chiếu thông qua số phận con người, vì thế, mọi nhân vật (dù ta hay địch) đều được miêu tả đa diện, nhân văn và người hơn; cái nhìn về chiến tranh và người lính đã được thể hiện ở một chiều kích mới: “Người lính trong tác phẩm phải trải qua hai cuộc chiến: chống kẻ thù xâm lược và một cuộc chiến chống lại kẻ thù là nhân tính. Kẻ thù của nhân tính là sự phủ nhận hoặc chống lại những gì thuộc về con người”. (Nguyễn Quang Thiều – lời giới thiệu tiểu thuyết “Suối Cọp”).
Tiểu thuyết “Suối Cọp” – Hữu Ước
Có thể thấy, bằng cách nhìn sâu vào những vùng khuất lấp trong tâm hồn con người trong “Suối cọp”, nhà văn đã tạo ra được hệ thống nhân vật mà mỗi nhân vật là một số phận, một hình hài riêng biệt. Và mỗi con người chứa một phần lịch sử, những mảnh ghép ấy đã cùng nhau viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Trong đó, tác giả đặc biệt dành nhiều tâm huyết để xây dựng nhân vật đại đội trưởng đại đội trinh sát đặc công 26: Tuần “Râu” – một mẫu hình lý tưởng của người chỉ huy thời chống Mỹ: từng trải, dũng mãnh, năng động, dám nghĩ dám làm, rất thực tế, sẵn sàng xả thân vì đồng đội, lại rất nam tính. Người đàn ông ấy: “Cao tới mét tám, lưng hơi cong, đôi tay dài như tay vượn… Gương mặt, giọng nói ấn tượng, rất đàn ông. Gương mặt vuông chữ điền, hàm én, mắt đen sâu thẳm dưới hàng lông mày to, rậm bằng ngón tay út. Quyến rũ nhất là bộ râu quai nón của anh. Bộ râu đen kịt, như mọc từ hàm trên xuống hàm én… giọng nói hoang dại, có sức cuốn hút âm vang như tiếng cồng chiêng” (tr.21, 22).
Có lẽ đây là nhân vật tư tưởng để nhà văn thể hiện rõ ý đồ nghệ thuật của mình, giúp ông giải mã bí quyết vì sao ta thắng Mỹ. Theo vị đại đội trưởng vào sinh ra tử ấy, Mỹ thua vì chúng “Máy móc, giáo điều, không có tình thương của một con người” (tr.46). Chính Tôm – tù binh Mỹ cũng nhiều lần khẳng định: “Lính đánh thuê không có lý tưởng, họ chỉ mong được sống và trở về” (tr 289); “Mỹ thua các ông là phải” (tr.343); “Người Mỹ thua dân tộc Việt Nam là phải” (tr.351). “Con người, con vật ở đất nước các ông không thể hiểu nổi” (tr.361)…
Là người trong cuộc, Tuần hiểu rõ: chúng ta thắng Mỹ vì ngoài đường lối đúng đắn, ngoài niềm tin vào lý tưởng cao đẹp, sự dũng cảm trong chiến đấu và một trái tim yêu thương; những người lính Việt Nam còn có khả năng chịu đựng gian khổ, năng động, sáng tạo luôn tìm cách thích ứng với hoàn cảnh để sống và sống đẹp.
Văn Hữu Ước thật sự lấp lánh, lãng mạn, bay bổng, nhờ khả năng huy động được tổng lực trí nhớ tuyệt vời, toàn bộ vốn văn hóa tinh thần giàu có, phong phú của ông. Phát huy ưu thế của nhiều loại hình nghệ thuật: thơ ca, nhạc, họa, sân khấu và điện ảnh, ông đã có được những câu văn tài hoa mang trữ lượng văn hóa lớn. Trong “Suối Cọp”, có rất nhiều đoạn văn ăm ắp cảm xúc làm sáng lên chất người trong những người lính và đã chạm được vào trái tim bạn đọc. Nhà văn tâm sự: Ông toàn viết tay, nhiều trang giấy nhòe  vì khóc. Mắt mờ đi không viết ngay được.
Đây là đoạn văn tả rừng vào một buổi sớm mai: “Lạ thế giữa mênh mông của màu đen, nham nhở của chết chóc mầm sống đã lại hiện lên, tươi non mơn mởn. Hàng vạn, hàng ngàn những cây non đủ loại đang này mầm và đã nảy mầm chui lên từ lòng đất. Những nụ mầm, những lá non xanh tươi, ướt đẫm sương lung linh lả lướt như vẫy chào ngày mới như tỏ rõ sức sống quật cường và bất diệt của núi rừng. Từ trong hang hốc, từ những gốc cây chết cơ man nào là các loài chim bay ra. Chúng hót vang chào ngày mới. Tiếng chim hót trên khu rừng chết ở cái thời khắc bình minh đang lên mới nhẹ nhõm, ấm áp cao sang và thiêng liêng làm sao. Tiếng chim nhiều cung bậc, bè cao, bè trầm; khi thì nỉ non réo rắt, khi thì véo von, lảnh lót xua tan đi cái không khí ẩm đạm của khu rừng bị tàn phá và mùi tử khí của những xác chết cộng với oan hồn lẩn khuất, vương vãi, ám ảnh suốt đêm làm Hữu và Hoàn mệt lử” (tr.152, 153).
Và “Chính sức sống diệu kỳ tỏa ra từ ánh bình minh đang lên, làn gió thơm mát lành, tiếng chim hót vang rừng và những mầm lá non xanh mướt như đã xua đi góc khuất của một tâm hồn run rẩy, sợ hãi và thất vọng chán chường của họ. Nó thổi vào lòng Hữu một niềm tin vào tương lai, vào sự sống. Chiến tranh không làm mất đi, không giết chết những giá trị của sự sống” (tr.154, 155).
Vượt lên trên đạn bom, người lính đã biết cách tạo niềm vui sống. Để có cuộc sống đẹp, họ đã không bỏ lỡ cơ hội để hưởng thụ vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của con người. Tận dụng những khoảng lặng hiếm hoi sau trận chiến, các anh đã tận hưởng cái tươi rói của cuộc sống để nuôi dưỡng cảm xúc, nuôi dưỡng sự lãng mạn, tạo sự cân bằng cho tâm hồn, bằng cách mơ về cuộc sống yên bình, mơ về một cây đàn ghi ta, cùng nhau hát những bài ca cách mạng.
Không ai hiểu người lính bằng người lính, nên sau trận đánh căng thẳng, đại úy Tuần đã chọn đúng khúc suối mà phía dưới là các thiếu nữ của trạm cứu thương Suối Cọp đang nô đùa tắm gội để các chiến sĩ “tẩm bổ” mắt. Thương những người lính trẻ, bác sĩ Liên cho phép họ được ngắm cô gái khỏa thân đang được gây mê trên bàn mổ. Còn chính trị viên Mão đã bật khóc khi nhìn thấy cảnh Hoàn và Lan đang cùng nhau ân ái… Bởi hơn ai hết, họ đều hiểu, tình dục là bản năng gốc của con người, nó phải được thỏa mãn nhưng bản năng phải được ánh sáng văn hóa chiếu rọi. Vẻ đẹp kỳ diệu của đôi trai gái yêu nhau say đắm dưới ánh trăng ở chính nơi cái chết đang rình rập đã là minh chứng cho sự bất tử của tình yêu.
Nó cho thấy, dù phải sống giữa hiện thực trần trụi phi nhân tính nhưng vẫn không thể làm mất đi ở người lính Việt Cộng những cảm xúc mang tính người cao quý. Điều đó sẽ cắt nghĩa vì sao khó khăn là thế họ vẫn có cách hành xử rất nhân văn, rất người: sẵn sàng nhường cơm, sẻ muối cho nhân dân (bản Bông Va); yêu thương và không quản ngại hy sinh để cứu đồng đội (Tuần lao xuống suối bắt con hổ mang bành cứu những người lính trẻ); xót thương đồng loại dù họ ở phía bên kia chiến tuyến: “Cái chết của kẻ thù anh cũng thấy đau đớn xót xa” (tr.289).
Kết thúc tác phẩm, những người còn lại của đại đội trinh sát 26, trong đó có đại đội trưởng Tuấn “râu”, chính trị viên Mão, Thế Cương (hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh 26), Hữu và cả Tôm – người tù binh Mỹ đã trở về chiến trường xưa, thăm hang Suối Cọp, đặt hoa ở mộ Liên và viếng các đồng đội ở nghĩa trang Trường Sơn. Binh nhì Hữu (chính là Trung tướng Hữu Ước) giờ đã trở thành một vị Tướng, vẫn luôn hết lòng quan tâm đến đồng đội, vẫn sốt sắng trả món nợ như đã hứa cho nhân dân bản Bông Va. Mộ Hoàn đã được người yêu mang về quê mẹ…
Quả thật, với những tình tiết rất đặc sắc, “Suối Cọp” của Hữu Ước đã chạm được vào trái tim bạn đọc và đã có đóng góp đặc biệt, gây dấu ấn khó quên cho đề tài chiến tranh cách mạng. Tác phẩm đã trả lời được một câu hỏi lớn của lịch sử về cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã góp phần giải mã một cách thuyết phục cái điều mà rất nhiều người luôn lấy làm bí ẩn khó tin: Vì sao Việt Nam, một đất nước đất không rộng người không đông, lại chiến thắng một cường quốc như Mỹ. Và vì sao dân tộc Việt Nam trong suốt 4000 năm lịch sử, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
1/6/2022
Trần Thị Trâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...