Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Thi sĩ Quách Tấn - Ngòi bút được rèn giũa

Thi sĩ Quách Tấn
Ngòi bút được rèn giũa

Thi sĩ Quách Tấn (1.1.1910 – 21.12.1992), tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên; tiểu hiệu Định Phong, Cổ Bản Nhân, Thi Nại Thị, Cù Huân Khách, Lão Giữ Vườn…
Quê sinh ở thôn Trường Định (nay thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), tổ tiên người Trung Quốc. Ông được giáo dục bài bản từ nhỏ, am hiểu chữ Hán và tiếng Pháp, đỗ Primaire Supérieur – Cao đẳng Tiểu học (1929); từng làm phán sự Tòa Khâm sứ Huế, Tòa sứ Đồng Nai Thượng (Đà Lạt) và Nha Trang; công chức và dạy học từ 1945 đến khi nghỉ hưu (1965), sống ở Nha Trang đến khi qua đời…
Người “ngột” cũ thành mới
Trong thời Thơ mới, Quách Tấn cùng Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên kết thành nhóm bạn Bàn thành tứ hữu (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn). Ông in nhiều thơ trên các báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn), Vì Chúa (Huế), An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ Bảy (Hà Nội), Tiếng dân (Huế); đã xuất bản các tập Một tấm lòng (1939), Mùa cổ điển (1941)…
Đương thời phong trào Thơ mới có nhiều cây bút sáng tác, phê bình cùng bàn trao đổi, tranh luận về đời và thơ Quách Tấn: Tản Đà, Hàn Mặc Tử, T.Đ, Dật Lang, Joseph Maria Thích, Bích Khê, Vân Sơn, Trần Thanh Mại, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đại Đồng, Mộc Khuê, Vương Lập Nguyên, Lương Đức Thiệp, Hoài thanh – Hoài Chân, Liên Giang, Bùi Tuân, Trương Chính, Nguyễn Tiến Lãng, Bửu Đồng, Vũ Ngọc Phan…
Sau khi phong trào Thơ mới chính thức ra đời (1932), Quách Tấn in nhiều thơ quốc ngữ Đường luật (kể cả thơ xướng họa với Hàn Mặc Tử và nhiều người khác) trên báo Phụ nữ tân văn. Trên thực tế, do Quách Tấn trước sau hầu như chỉ trung thành với thể thơ Đường luật nên dù chủ đề và tứ thơ có mới mẻ chăng nữa vẫn không được dư luận chú ý nhiều.
Đây cũng là trường hợp điển hình và đặc biệt khi người được coi là tác gia Thơ mới vẫn sử dụng nguyên lối thơ cũ, trở thành hiện tượng lưỡng phân, nơi đối đầu của quan niệm và lối duy danh mới – cũ. Phải đến khi xuất bản tập Một tấm lòng (1939) có bài giới thiệu của Tản Đà và bài bạt của Hàn Mặc Tử thì tên tuổi Quách Tấn mới thực sự được ghi nhận.
Tại Ngã Tư Sở (Hà Nội), vào ngày mùng 8 tháng Tư năm Kỷ Mão (26 Mai 1939), Tản Đà viết tựa cho tập thơ Một tấm lòng do Quách Tấn tự xuất bản đã giới thiệu khái lược: “Ông Quách Tấn, hiện làm phán sự ở Tòa sứ Nha Trang, ông có gửi ảnh cho tôi xem thời người mới trạc ba mươi tuổi.
Vậy như ông, kể là một người trong tân học; mà thơ ông thời phần nhiều làm theo thể Đường luật, nhất là những thơ tả cảnh, có nhiều vẻ hùng hậu, u ẩn, nhã chí, tinh công”, sau khi trích dẫn các bài Chợ Lớn cảm hoài, Phong cảnh Đà Lạt, Đá Vọng Phu, Về thăm nhà cảm tác đã kết luận, xác định và kỳ vọng; “Thật là tài tình đủ vẻ. Ngoài ra nhiều bài mới thấy trong tập đây, cũng có nhiều câu giai tác. Những điển tích chú thích, độc giả nên xem kỹ ở trong tập thơ.
Thơ ông Quách rất là có công phu, nếu không nhận kỹ chỗ dụng công, thời không thấy bổn sắc của tác giả. Phong dao có câu rằng: Thế gian chuộng của chuộng công… Như cái thi tài ông Quách Tấn, mà lại có công với thơ, thời sau Một tấm lòng đây, ông hẳn còn cho chúng ta xem nhiều tập có giá trị khác”…
Đến lời bạt của Hàn Mặc Tử viết tại Quy Nhơn (ngày mồng Chín tháng Năm năm Kỷ Mão, 25.6.1939) lại biệt ra lối văn trữ tình, hòa hợp những cảm nhận chủ quan với tâm thế sáng tạo thơ ca, cõi người và thiên giới: “Sống với đời thi nhân có cái ý niệm rất mỉa mai chua chát vì đời đã hiện ra bao nhiêu cảnh giả dối, xấu xa, đê tiện… Khinh đời là phải lắm. Với một tâm hồn thanh cao luôn luôn khao khát một bầu trời hoa mộng, tách riêng ra với vẻ phàm phu, thi nhân hằng ngày cứ thấy trả lại đời mình giữa cõi thực, chán chê, buồn não…
Đã thế đời lại diễn ra lắm tuồng lố lăng, trái ngược với tự nhiên khiến thi nhân cười chán lại khóc, lại ngậm ngùi, lại mai mỉa. Nhưng đời vẫn hoa lệ trong ánh sáng văn minh, thi nhân dù ngán ngẩm với nhân tâm thế đạo, song vẫn yêu đời, yêu say sưa mê mẩn với một tâm hồn thi sĩ.
Ôi chao! Sao ta không phải là trăng để soi sáng mãi Một tấm lòng vàng ngọc?! Và nếu ta là trăng, người thiên hạ sẽ reo lên hoan hỷ, vì cứ từng mảnh trăng là từng mảnh thơ, từng mảnh thơ là từng mảnh lòng, thơm tho, ngào ngọt như hương vị buổi ban đầu”…
Đọc Một tấm lòng, Dật Lang (Nguyễn Triệu Luật) trân trọng đánh giá cao: “Xem kỹ ra thì những bài hay nhất của ông là những bài đối với nước non và nhất là đối với đấng thân. Cho hay rằng chữ hiếu là đầu muôn tình cảm.
Mỗi khi ông Quách động đến tính hiếu đối với đấng thân hoặc tình người dân đối với nước non nòi giống thì tôi thấy thơ ông nghe ấm áp như lòng người mẹ hiền, bùi ngùi như dạ người con hiếu và thiết tha buồn bã… như tiếng gọi của giống nòi (…). Mà đừng bảo rằng ông Quách chỉ là nhà thơ của tình mẫu tử, tình chủng loại. Ông cũng là “thi sĩ” của những ý cảnh thơ nữa.
Còn gì thơ bằng cảnh: Hồn ta theo mộng, trí theo thơ…” (Tao đàn, Hà Nội, 1939)… Đến Linh mục Joseph Maria Thích cũng ngợi khen tập thơ “toàn báo”, gồm đủ tình và cảnh, tả cảnh mà ngụ tình kèm trích dẫn nhiều câu thơ, bài thơ và quả quyết: “Ai muốn học thơ nên đọc sách Một tấm lòng của ông Quách Tấn, phán sự Tòa sứ Nha Trang. Tôi kính giới thiệu ông cùng các bạn độc giả” (Vì chúa, Huế, 1939)…
Đến Vân Sơn cũng nhiệt tình đánh giá cao: “Tập Một tấm lòng của Quách Tấn ra đời thật đã làm cho tôi mãn nguyện. Một tấm lòng là một tập thi Đường luật, gom góp những bài thi tả cảnh tả tình, mà lắm bài tác giả đã đăng trên các báo chí lâu nay. Thơ tả cảnh chiếm phần quan trọng trong tập Một tấm lòng (…). Nói tóm lại, tập Một tấm lòng thật là một tập thơ có giá trị” (Điện tín, Sài Gòn, 1940)…
Kịp đến khi Quách Tấn xuất bản Mùa cổ điển, Chế Lan Viên sắc sảo viết tựa, nhiệt tình chào đón tiếng thơ bậc đàn anh tiếp nối, hòa nhập những Phạm Thái, Tương An, Thanh Quan, Tản Đà và hướng tới lý giải chất thơ siêu việt Mới – Cũ, đi đến Mới bằng chính hình thức Cũ: “Bởi vì, tập Mùa cổ điển bé bỏng nhưng quá đầy đủ, trước hết, đã giải cho ta một mối lầm ác nghiệt là phân chia bờ cõi Thơ bằng hai chữ Mới Cũ chẳng có ý nghĩa gì. Và cũng không thể gọi là sau hết, cái việc nó đã đem lại, – ngoài những ý hay, tứ mới, ngoài những cảnh đẹp, tình sâu, – một cái quí báu nhất và cốt tủy nhất là Hồn Thơ, mà chưa một ai định nghĩa cho rành mạch” (1941)…
Tiếp đến bài giới thiệu Nhà thơ Đường cuối cùng: Quách Tấn, Chế Lan Viên đi sâu phân tích các phương diện “cái nét kiều diễm”, “sự điều hòa”, “nguồn thông cảm”, “sức thần diệu”, những ma lực của chữ” và chứng dẫn hai câu thơ ở phần “thực”, vẫn rất Đường thi trong sự đăng đối, niêm luật, nhịp điệu mà hồn cốt đã đậm tình gió mới: Hồn hoa chợp mộng thơm hồn gió,/Tóc liễu dừng thơ đón tóc trăng (Đêm tình) và đi đến đồng cảm, đồng tình: “Ông Quách Tấn, bạn trẻ chúng tôi, đón chào ông đó, – Ông, cành hoa cuối cùng của một mùa xuân đã cạn. – Cành hoa mà cánh thắm nhị vàng lưu đọng cả hương sắc buổi xưa kia” (Bạn đường, Thanh Hóa, 1941)…
Đánh giá và giá trị hiện hữu
Sau khi cả hai tập thơ của Quách Tấn ra đời, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) trong khi thực hiện cuộc tổng kết Ba mươi năm văn học (1941) đã kịp thời điểm danh: “Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được: (…) Quách Tấn vẫn còn Một tấm lòng (1939), chung thủy với Mùa cổ điển (1941)”…
Qua năm sau, Vương Lập Nguyên trong bài Mùa cổ điển – Một trời sương trên một thế giới tân kỳ đã như bừng tỉnh, xôn xao, náo nức mà ngợi ca: “Chao ôi! Cả một bầu trời bao la đang linh hoạt dưới ngọn bút tài hoa. Nghiên là biển, sóng là mực, bút: Doi non. Gió trải giấy mây, chim đề chữ nhạn, văn chương thế ấy chỉ để “ngàn dương ngâm”, “sắc rớn phê” và “thiên nữ rắc hoa” nghinh thưởng.
Chắc tác giả cùng “người Vân hớn” trên Huỳnh cô đã ngâm nga chán rồi, sực nhớ đến bạn trần, mà vãi tung ra một ít gọi là “Riêng nhớ tình yêu ghé đến thăm” đó chăng? Nếu thế thì ngóng vậy (…). Kể thì ông Quách cũng có quyền ngông nghênh đó. Đã là thi sĩ thì ngông nghênh. Nhưng ổng nhè ngông nghênh chính trong thi luật giữa thời Thơ mới thịnh hành! Thật cũng là một điều hiếm có, một sự táo bạo.
Nhưng Mùa xổ điển ra đời, bạn thơ mới sẽ ngạc nhiên, sao những ý mới kia mà họ tưởng chỉ riêng dành cho họ, lại ở vào thi tứ của nhà thơ ít nhất bộ râu cũng dài tới rún và trong làng “thơ cũ” chắc cũng có ngài bực tức, vì lối thơ quá dụng công và cũng nhiều ngài lạ lùng sao trong những bài kỳ quái kia, lại có cả một trời sương thời Đường thời Tống” (Tràng An báo, Huế, 1942)…
Tiếc rằng sau khi tập phê bình – truyện ký Hàn Mặc Tử (nguyên văn viết Mạc – NHS chú) của Trần Thanh Mại ra đời (Nxb. Huế, 1941), Quách Tấn lại đâm đơn lên tòa Nam án tỉnh Thừa Thiên kiện họ Trần về “lỗi” trích quá nhiều thơ Hàn Mặc Tử chưa in.
Nguồn cơn sự vụ khởi lên từ một “lẽ riêng” nào đó (chữ của Hoài Thanh) mà mầm mống của nó đã hiển lộ ngay trong lời kết mát mẻ của họ Trần trong bài Tựa sách Hàn Mặc Tử viết vào tháng 10.1941 ở An Cựu (Huế): “Sau cùng, tôi không quên nhắc đến nhà thơ Đường luật Quách Tấn, và xin gửi một lời cũng gọi là cảm ơn đi, vì tuy rằng ông đã giữ được một ít tài liệu về Hàn Mạc Tử, và tuy ông quyết giữ kỹ lấy cho một mình ông, nhưng ông đã thách tôi một câu nói làm cho tôi phấn khởi mà làm việc nhiều hơn”, khiến Quách Tấn phải nổi xung và quyết liệt khởi kiện.
Đương khi đó Trần Thanh Mại đã viết 3 bài, Quách Tấn viết 2 bài đăng trên Dân báo và Tràng An báo tranh biện với nhau. Rút cuộc vụ án được xử và ký giả Ngô Tỵ tường thuật chi tiết với nhan đề in đậm: Trước tòa Nam án Thừa Thiên: Vụ án văn chương Hàn Mặc Tử đã kết liễu – Đơn ông Quách Tấn bị bác – Ông Trần Thanh Mại được kiện (Dân báo, Sài Gòn, 1942)…
Lại đến Hoài Thanh – Hoài Chân trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam đã xác định: “Nhưng nguy nhất cho những người bênh vực thơ cũ là trong tám chín năm luôn thơ mới sản xuất ra nhiều nhà thơ có danh, nhiều bài thơ có giá trị, mà họ gần như không sáng tạo ra được một chút gì có thể gọi là thơ” và dẫn giải cụ thể: “Tập thơ cũ rất có giá trị Mùa cổ điển của Quách Tấn mới xuất bản năm nay”… Mặc dù vậy, hai ông vẫn tuyển đến 9 bài của Quách Tấn (vượt trên Nguyễn Bính, Chế Lan Viên: 8 bài; Thế Lữ, Hàn Mặc Tử: 7 bài…).
Trong số 9 bài này có 2 bài tuyển từ Một tấm lòng, còn lại 7 bài tuyển từ Mùa cổ điển. Ở đây có đến 8 bài được viết theo thể Đường luật (Tình xưa và Bên sông theo thể tứ tuyệt, còn lại theo thể thất ngôn bát cú), riêng bài Mộng thấy Hàn Mặc Tử viết theo thể thất ngôn xen một câu lục ngôn vẫn qui về phạm trù Đường luật truyền thống. Xét về bài Đà Lạt đêm sương gồm 12 dòng trong thực chất cũng được coi là một bài thơ gồm ba phân đoạn tứ tuyệt liên hoàn…
Nhìn rộng ra, hai nhà phê bình ghi nhận năng lực Quách Tấn vượt thoát lối thơ đề vịnh đăng đối xưa cũ và tìm đến cách cảm, cách nghĩ, cách bộc lộ cảm xúc mới trong những khuôn mẫu hình thức truyền thống: “Theo gót nhà thơ, tôi đi dần vào một thế giới huyền diệu. Ở đây người ta nói rất khẽ, bước rất êm. Những tiếng khóc rộn ràng, những lời reo vui vẻ đều kiêng. Một sức mạnh vô hình, rất mềm mại nhưng rất chắc chắn nặng đè lên hết thảy.
Tình cảnh ở đây không còn là những tình cảnh ta vẫn thường quen biết. Tình cảnh ở đây đã biến thành một thứ hương mầu nhiệm. Nó quyện lấy mình ta và chân ta tự nhiên buớc theo một điệu nhịp nhàng dìu dặt. Ta không thấy gì, ta không nghe gì. Nhưng ta biết thế giới này giàu sang lắm. Chốc chốc một cảnh rực rỡ vụt hiện ra trước mắt ta rồi vụt biến đi” (1942)…
Cùng chung với chiều hướng nhận thức trên, Vũ Ngọc Phan trong sách Nhà văn hiện đại trước hết chỉ ra hiện trạng thể thức Đường luật đã trói buộc nguồn cảm xúc mới của Quách Tấn. Một mặt khác, Vũ Ngọc Phan ghi nhận những tín hiệu mới, ý tứ mới và những cố gắng của Quách Tấn trong việc chuyển tải nguồn cảm xúc mới.
Điều này thể hiện rõ nhất ở những bài thơ Quách Tấn hạn chế việc sử dụng hệ thống điển tích, văn liệu sáo ngữ, đồng thời gia tăng câu chữ, hình ảnh, âm điệu sao cho được uyển chuyển hơn và đi đến kết luận quyết đoán: “Từ Một tấm lòng đến Mùa cổ điển, Quách Tấn đã đi sâu hơn vào sự cầu kỳ, đã gia công đẽo gọt lời thơ hơn trước.
Những bài Đường thi sở dĩ cảm người ta rất sâu là vì ở mỗi bài thơ, thi nhân thường gửi vào ít nhiều tâm sự, làm cho người ta có cái cảm tưởng chỉ khi có hứng, thi nhân mới cầm bút đề thơ và như thế, bao giờ cũng thành thực. Thơ Quách Tấn điêu luyện thì có điêu luyện, nhưng thành thực thì không” (Quyển ba, 1943)…
Quách Tấn được xem là thi sĩ xuất hiện sớm và xuất bản đến hai tập thơ trong phong trào Thơ mới nhưng trước sau vẫn cơ bản trung thành với hình thức Đường thi và trở thành hiện tượng độc đáo của hiện tượng “bình cũ rượu mới”.
Người đương thời đánh giá cao khả năng chuyển tải, chuyển hóa, dung nạp nguồn xúc cảm Thơ mới trên nền tảng văn hóa truyền thống  Đông Á và dân tộc…
5/8/2022
La Nguyễn Hữu Sơn
Nguồn: Báo Giáo Dục và Thời Đại
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...