Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

Thiên thần giữa sớm mai

Thiên thần giữa sớm mai

Cô út Hân của Thúy mất khi còn khá trẻ. Theo lời ba kể, cô út xinh đẹp học giỏi. Nhưng tính cách yếu đuối ưa những điều lãng mạn mơ mộng. Thời mới lớn có rất nhiều người con nhà tử tế đến dạm hỏi. Cô nhận lời đính hôn cùng một anh con trai là con người bạn thân của ông nội. Trời xui đất khiến thế nào một hôm đi sinh nhật bạn. Cô gặp một anh chàng ca sĩ không chuyên. Mồm mép ngọt ngào lớn hơn mình cả chục tuổi và nhanh chóng phải lòng anh ta. Sau đó cô lén ăn cắp tiền vàng của ông bà nội. Bỏ nhà đi theo người tình xây tổ uyên ương.
Hai năm sau khi tiền hết tình cũng tan. Anh chàng ấy nhanh chóng chạy theo một bà góa già giàu sụ đáng tuổi mẹ mình. Vứt bỏ cô như một món đồ củ kỷ. Hận người, hận đời trong một lúc tuyệt vọng cô tự giải thoát cho mình bằng phương cách tự sát. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Ông nội không giận con gái lầm lỗi nhưng lại giận cô hủy hoại mạng sống. Vậy là ông quyết định từ mặt cô vì tội bất hiếu. Không cho an táng cô ở mảnh đất gia tộc mà là một khu nghĩa trang khác ven ngoại ô.
Theo tháng năm xoay chuyển ông bà qua đời. Những người họ hàng dần quên lãng cô như một lẽ tự nhiên. Ngoại trừ ba của Thúy. Thương cô em gái chết non không chồng, không con hương khói. Mỗi năm vào ngày giỗ ba cô đều đi cúng mộ. Những năm gần đây Thúy thay ba cô làm việc đó. Thúy chẳng tử tế gì chỉ tại ba má bây giờ về ở với anh trai và chị dâu. Khu nhà ấy cách nghĩa trang khá xa. Cô thương ba mình có tuổi sợ ba gặp phải nguy hiểm khi lái xe trên những cung đường tốc độ cao. Thật ra cũng không có gì mất công hay phiền hà. Buổi chiều về sớm một chút. Ghé ngang chợ mua bó hoa cúc. Ghé tiếp qua hàng cơm mua gà luộc, thịt heo quay. Hàng trái cây, vàng mã hương đăng nằm cách đấy vài bước. Mang tất cả lên bày ra thắp hương khấn vái phù hộ con cháu. Tất cả nhang còn lại thì cắm vào những ngôi mộ lân cận. Kế tiếp nhặt vài cái lá rơi rụng trên mộ - nếu có - chờ tàn nhang rồi đi về. Ra tới cổng thì cho ông bác bảo vệ trông coi một ít tiền gọi là trà nước, vậy là xong. Sau đó lái xe thẳng về nhà như thường lệ bao ngày
Thế nhưng ngay vào năm đầu tiên đi cúng mộ cô mình. Lúc đang lui cui cắm những cây nhang cho những ngôi mộ xung quanh Thúy đã thấy có điều kỳ lạ. Kế bên ngôi mộ cô của Thúy là mộ một người có cùng năm sinh. Cũng chết trẻ thậm chí chết sớm hơn cô của Thúy. Chuyện đặc biệt là những thứ đang được bày cúng. Một hộp bánh kem kiểu pháp của một tiệm bánh lâu đời, khá nổi tiếng ở thành phố này. Kem cây, bánh ngọt loại màu sắc trẻ con thích ăn và kẹo chocolate. Giá như ngôi mộ ấy là một đứa con nít thì không nói làm chi. Đằng này là một cô gái đã trưởng thành. Còn bó hoa thì thật lớn toàn một màu hồng. Những đóa Ly Ly và Hồng phấn khoe sắc rực rỡ tỏa hương trong nắng. Khác xa những loại bông mang dáng dấp rầu rầu mà người ta thường dùng cúng mộ. Trông cứ như bó hoa của mấy anh chàng dùng đi cầu hôn người yêu.
Thúy đưa mắt nhìn trên tấm bia mộ. Trong di ảnh, gương mặt cô gái rất đỗi bình thường ngoại trừ một chuyện. Những đường nét trên mặt cô gái ấy đậm chất á đông. Nhưng đôi mắt lại nâu và mái tóc vàng nhạt. Chứng tỏ cô ấy là một cô gái lai giữa hai dòng máu. Điều kỳ lạ kế tiếp, theo những gì ghi trên bia mộ. Hôm nay không phải ngày giỗ cũng không phải sinh thần của người đã khuất. Vậy mà tất cả những món đồ cúng ấy còn mới tinh. Chứng tỏ chúng chỉ mới hiện diện ở đây vào buổi sáng hôm nay.
Năm thứ hai Thúy đi cúng, vừa bước lên bậc tam cấp dẫn ra hướng ngôi mộ. Thúy thấy một người đàn ông lớn tuổi đi ngược chiều lại với mình. Lúc ngang qua ông ta nhường bước và khẽ gật đầu chào. Thúy cũng cúi chào lại theo phép lịch sự xã giao. Tới nơi Thúy vừa dọn ra cúng vừa liếc sang ngôi mộ lân cận. Như muốn khẳng định sự nghi ngờ trong đầu mình. Trước ngôi mộ ấy vẫn bày những món đồ như cũ. Nếu Thúy đoán không lầm mà người đàn ông khi chắc chắn chính là chủ nhân của những món đồ cúng.
Năm thứ ba sự việc vẫn diễn ra như thế. Lần này không chỉ gật đầu chào ông ta còn cất tiếng ''Chào cô, cô đi cúng mộ à ''. Thúy đáp lời và cũng kèm theo một câu lịch sự cho đúng phép '' Dạ, cháu đi cúng cô cháu. Chào ông, ông đi thong thả. '' Chiều về Thúy gọi điện thoại hỏi ba về người đàn ông ấy. Ba trả lời ngần ấy năm ba đi cúng cô Út điều thấy những gì Thúy đã thấy. Ba thỉnh thoảng có gặp ông ta cũng chào hỏi xã giao chớ không biết gì hơn. Thông thường bao giờ ông ấy cũng đi cúng vào sáng sớm.
Một buổi tối Thúy ngồi coi tin tức của đài địa phương nơi mình sống như thường lệ. Người ta đưa tin về việc có thêm một cơ sở dạy nghề. Chuyên giúp đỡ những trẻ em cơ nhỡ hay tàn tật vừa đi vào hoạt động. Trong khi người dẫn chương trình xướng tên. Trên màn hình lần lượt hiện lên gương mặt những vị Mạnh Thường Quân đang ngồi hàng ghế đầu. Thúy giật mình khi thấy trong số đó có người đàn ông mà Thúy gặp ở nghĩa trang dạo nào.
Không nén được tò mò Thúy liền mở máy tính vào trang web địa phương mình đang sống. Truy tìm thông tin về người đàn ông ấy bằng cái tên mà cô vừa biết được. Ông ta là người gốc Hoa di dân đến đây khi còn nhỏ. Hiện sở hữu hàng loạt cửa hàng mua bán và sửa chữa xe hơi uy tín. Theo những bài viết mô tả ông ta hoà nhã, gần gũi. Tấm gương tiêu biểu cho sự vượt khó khi khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Cuối cùng là luôn hết lòng với những hoạt động xã hội từ thiện.
Đêm đó Thúy đoán non, đoán già về người đàn ông. Thông qua câu ông ta chào mình rõ ràng chẳng những biết mình người Việt. Ông ta còn nói tiếng Việt rất giỏi trong khi ông ta là Hoa Kiều chính cống. Còn cô gái lai trên nghĩa trang là gì của ông ta. Hẳn nhiên không phải là người trong gia đình rồi. Người yêu ư? Ui trời, không thể nào. Ba cái chuyện ôm hoa đứng trước mộ thương tiếc chỉ đành cho mấy anh, chị diễn viên đẹp trai đẹp gái trong phim thôi. Huống hồ chi cô ta mất mấy chục năm rồi. Sau một hồi suy tính Thúy vớ cái điện thoại cài đặt lại giờ ở một ngày đã định. Cô còn cẩn thận ghi chú '' đi sớm để gặp Mr.Tan ''.
Do có chủ ý từ trước nên năm nay Thúy đi cúng từ rất sớm. Vậy mà lúc Thúy đang dọn cúng thì người đàn ông ấy xuất hiện phía sau lưng. Trên tay vẫn là những món đồ như bao năm. Sau khi cất tiếng chào '' good morning ''. Ông ta cũng bày biện ra để cúng như thường niên. Vẫn giống như bao lần Thúy mang nhang đi cắm ở những ngôi mộ lân cận. Vì thấy người ông đứng đó cô khẽ gật đầu như xin phép. Cắm cây nhang ở một góc chân mộ xong. Đắn đo một chút Thúy mở lời:
- Xin lỗi ông về sự đường đột quấy rầy ông vào giây phút này. Nhưng tôi thật sự là có một vài điều muốn nhờ ông giải đáp giúp. Tôi hoàn toàn không có ý xấu hay tò mò chuyện người khác. Sao ông biết nói tiếng Việt và còn biết tôi là Vietnamese? Cô Laura đây là.....?
Người đàn ông không vội đáp lời mà thân thiện mời Thúy ngồi xuống bên hông ngôi mộ. Ông bảo hôm gặp Thúy đầu tiên. Ông nhìn thấy cô xách cái túi lớn làm bằng những sợi lác. Ông đoán cô là người Việt Nam vì người Việt ngày trước hay dùng túi như thế. Thúy thầm khâm phục sự tinh tường nhạy bén của người đàn ông này. Đúng là hôm đó vì gấp gáp nên cô dùng cái túi đệm mà lần trước mang từ Việt Nam qua để làm kỷ niệm.
Nhìn ánh mắt người đàn ông có vẻ đăm chiêu suy tư. Ngại mình làm người khác khó xử Thúy dợm đứng lên định đánh tiếng xin lỗi và cáo lui. Nhưng hình như đoán được ý định của Thúy ông ta giơ tay ra hiệu Thúy cứ ngồi yên đó. Ông ta nói:
- Vì cô cũng là người Việt. Tôi nghĩ tôi có thể kể cho cô nghe câu chuyện này. Những loại bánh kẹo này khi sinh thời cô ấy rất thích ăn. Hôm nay chính là ngày mà khi xưa tôi cầu hôn cô ấy. Hôm đó trời cũng hanh vàng và đẹp như thế này.
Dõi mắt nhìn những lằn khói mỏng manh la đà bay theo cơn gió ban sớm như đang hồi tưởng quá khứ. Ông ta bắt đầu kể câu chuyện về mình cùng cô gái người lai. Có cái tên khắc trên bia mộ là Laura.
------
Tôi có một cái tên dịch theo tiếng việt là Cao Hùng. Từ khi sinh ra tôi đã không hề biết cha mình là ai. Quê hương cũng chỉ là một cái gì đó mờ nhạt không rõ trong đầu. Năm tuổi tôi và mẹ mình nhập cư vào mảnh đất này. Mẹ tôi quần quật với công việc để thích nghi với cuộc sống mới. Chúng tôi sống trong một căn phòng ẩm thấp, nhỏ bé trong khu ổ chuột tại China Town. Ngoài việc ngày cho tôi ăn no hai buổi thì mẹ không hề quan tâm điều gì khác về tôi. Dĩ nhiên tôi không được đi học. Ngày qua ngày lêu lổng cùng đám trẻ nghèo đói giống mình. Chuyện càng tệ hại hơn khi mẹ tôi có tình yêu mới. Mẹ về sống với người tình ở căn phòng khác ở cuối phố. Gã đàn ông ấy không ưa cũng như không chấp nhận dung túng tôi. Chẳng sao cả tôi đã quá quen với việc sống một mình. Vậy là tôi gia nhập vào những thành phần bất hảo. Tôi trở thành tên sai vặt cho đám đàn anh. Ăn cắp, móc túi, đánh nhau tôi đều làm qua. Mười lăm tuổi tôi đã biết cái gì gọi là cơm hàng cháo chợ, vợ nhà thổ. Tôi sống lăn lóc cho đến một ngày....
Hôm đó khi vừa '' thó '' cái bóp của một thằng da trắng cuối góc phố. Tôi có cảm giác như có một đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Tôi quay phắt lại thì thấy một con nhóc tóc hoe vàng, ốm yếu đang đứng cách đấy không xa. Thế là tôi quẳng ánh mắt sắc lạnh về phía nó rồi nhanh chóng lủi nhanh vào dòng người. Một lúc sau khi tôi đang săm soi chiến lợi phẩm ở bãi đậu xe. Xem mình thu hoạch được bao nhiêu. Chợt hai cánh tay tôi bị bẻ ngược ra phía sau. Phần người thì bị đè dí vào cánh cửa xe. Hai người bảo vệ của khu ấy đã nghi ngờ và theo dõi tôi từ nãy giờ. Tôi cố vùng vẫy trong khi họ định gọi điện thoại cho cảnh sát. Ngay lúc đó cái đầu tóc hoe vàng khi nãy xuất hiện. Cô bé ấy nói rằng chính mắt thấy tôi nhặt được cái bóp ở góc phố kia. Có lẽ tin lời con gái mình là thật. Ba má cô ra sức thuyết phục hai viên bảo vệ thả tôi ra. Cuối cùng họ bỏ đi không quên đe đọa sẽ không có lần thứ hai như thế.
Trong khi tôi không biết phải làm sao và định chuồn lẹ thì cô bé ấy đi về phía tôi. Lúc này tôi mới nhận ra những bước chân khập khiễng của cô. Đứng đối diện trước mặt tôi rụt rè một chút cô khẽ đưa bàn tay mình về phía tôi. Bàn tay ấy cầm một hộp bánh nhỏ:
- Tôi cho anh, anh lấy đi. Anh đừng ăn cắp nữa mẹ tôi bảo đó là điều xấu. Khi nãy tôi đã nói dối chủ nhật này tôi phải đi nhà thờ sớm xưng tội.
Cô ấy nhét nó vào tay tôi và vội vàng đi về hướng cha mẹ mình đang đứng đợi. Họ lên xe, chiếc xe lướt đi. Lúc đó tôi mới nhận ra dưới hộp bánh hình như có một tờ giấy được xếp nhỏ. Thì ra đó là tờ giấy bạc 20 đồng. Tôi đứng ngây ra đó. Chưa bao giờ tôi có cảm giác xấu hổ như thế. Nhìn xuống mặt đường trước mặt tôi thấy một cái kẹp tóc be bé xinh xinh. Tôi đoán nó rớt ra từ mái tóc hoe vàng kia. Vậy là tôi đến nhặt lên phủi bụi sạch sẽ rồi cất nó cùng tờ giấy bạc mà cô ấy cho cẩn thận vào túi.
Những ngày sau đó tôi cứ lãng vảng ở bãi giữ xe nhìn từng chiếc xe chạy vào mà không đi kiếm con mồi như thông lệ. Tôi hy vọng gặp lại mái tóc hoe vàng ấy. Một tuần trôi qua trong thất vọng thì cô bé chợt xuất hiện cùng mẹ mình. Họ đi mua những nhu yếu phẩm như bao gia đình khác. Tôi vội vã đi đến khi chiếc xe của họ vừa mở cửa. Cố nặn ra một vẻ mặt tử tế nhất có thể. Tôi cất lời chào và chìa chiếc kẹp ra. Mái tóc hoe vàng '' oh '' lên một tiếng đầy ngạc nhiên và rối rít cảm ơn. Tôi thấy cô ấy xoay qua nói một tràng ngôn ngữ lạ với mẹ mình. Bà mẹ mỉm cười như có vẻ đồng ý. Vậy là cô ấy hỏi tôi có muốn cùng họ đi vào khu chợ phía trước không? Khỏi phải nói tôi hân hoan gật đầu như thể mình được đến một nơi xinh đẹp nào đấy. Chớ không phải nơi mà tôi quen thuộc như trong lòng bàn tay.
Trước khi lên xe ra về tóc hoe vàng tặng tôi một túi lớn đựng những thứ yếu phẩm thường dùng. Lần đầu tiên tôi biết cám ơn người khác một cách thật lòng. Chẳng những thế tôi biết tóc hoe vàng ấy tên là Laura. Nhưng tên thân mật mẹ cô thường gọi là Yến. Yến còn hai đứa em nhỏ một trai một gái. Do một tai nạn từ thời nhỏ Yến mất đi một bàn chân hiện tại phải dùng chân giả. Ba Yến là ông Henry người Mỹ chính gốc làm kỷ sư trong một hãng điện máy. Mẹ là người Viêt Nam. Bà ấy là một người phụ nữ rất tối bụng và tử tế. Chẳng những không xua đuổi kỳ thị một đứa bụi đời như tôi. Bà còn không hề dè chừng hay cấm đoán chuyện Yến giao tiếp trò chuyện với tôi.
Gặp nhau được vài lần thì Yến bảo cô ấy không thể theo mẹ đi chợ nữa. Bởi đã vào mùa nhập học cô ấy cho tôi địa chỉ nhà mình, chỉ dẫn cách đi đến đó. Cũng như nói cho tôi biết mình có thể đến chơi vào lúc nào. Chẳng cần đợi lâu một tuần sau tôi đã đứng trước ngôi nhà của Yến. Nhưng tôi đứng khựng lại ngay trước cánh cổng rào màu xanh thay vì bấm chuông như dự định. Đó là căn nhà nhỏ gọn gàng với khoảng sân trồng đầy hoa cỏ xinh xắn. Chẳng hề bề thế kín cổng cao tường gì cả. Nhưng với một đứa bụi đời như tôi thì nó là một thế giới khác. Thế giới ấy sạch sẽ thơm tho, yên bình chứ không phải rách nát bẩn thỉu như tôi đang sống. Vậy là tôi lủi thủi ra về trong nỗi mặc cảm khôn cùng. Sau đó không lâu tôi lại tìm đến rồi lặng lẽ ra về. Vì lý do gì chính tôi cũng không biết. Như thể một con nghiện lên cơn vậy. Tìm đến đứng tần ngần rồi lại ra về với tâm trạng buồn tủi, tự ti.
Cho đến một hôm còn cách một khoảng ngắn mới tới nhà Yến thì tôi gặp được cô ấy. Yến đang lọt thỏm giữa một đám trai gái loi nhoi thuộc dạng hổ báo chồn cáo. Trên tay còn cố ôm một chiếc thùng giấy. Phía trong có một con mèo nhỏ. Tôi nhanh chóng hiểu ra ngay câu chuyện. Con mèo ấy bị người ta vứt ra đường. Đám chồn cáo ấy lôi ra hành hạ làm trò vui. Yến đi học về ngang vì muốn cứu con mèo mà xảy ra tranh chấp. Chúng vây quanh cô và một con bé nhại lại bước đi cà nhắt của Yến giữa tràng cười khoái trá của đám bạn. Trong khi những đứa khác cười rú lên và hét lớn '' Con què, đồ chân thọt bỏ đi ''. Vậy là tôi chẳng nói chẳng rằng đi thẳng tới và nện vào mặt một trong những thằng khốn đó. Cả đám bọn chúng lao vào tôi đấm đá loạn xạ cả lên. Tôi chẳng xa lạ gì với chuyện đánh nhau để có cơm ăn. Nhưng khi chúng bỏ chạy hết thì tôi cũng bị vài vết bằm trên mặt cùng trầy xước ở cánh tay.
Lần đầu tôi bước vào ngôi nhà Yến như thế đấy. Trong khi mẹ Yến thoa dầu vào những vết bầm, trầy xước thì Yến thổi nhè nhẹ vào chúng. Những lằn hơi thổi nhè nhẹ như cơn gió mát lành thổi qua vùng đất khô cằn trong trái tim tôi. Khi chúng tôi ngồi trên bãi cỏ trước nhà ăn bánh kem đựng trong chiếc dĩa mà mẹ Yến vừa chia cho. Yến khẽ vuốt đầu con mèo con và thầm thì:
- Mèo con ngoan nhé, mẹ đã cho mình được nuôi cậu. Mèo đừng sợ nữa nhé, từ nay sẽ có anh Hùng bảo vệ cho chúng ta rồi.
Chỉ trong giây phút tôi cảm thấy mình lớn hẳn lên với trách nhiệm mà Yến vừa giao phó. Mặc dù sao lần xô xát đó chẳng còn đứa nào dám ăn hiếp hay chọc ghẹo Yến nữa. Tôi trông chờ từng giờ từng phút cho nhanh đến ngày cuối tuần. Để có thể đến căn nhà của Yến. Chốn ấy như là thiên đường đối với tôi. Trên bãi cỏ tôi, Yến chơi đùa với hai đứa em nhỏ. Chúng tôi lăn cù dưới cỏ cùng cười vang trong những trò chơi rất mực trẻ con. Buổi tối tôi được ngồi bàn ăn cùng họ. Không phải một mình ngồi ăn trong góc tối như mười mấy năm qua.
Tôi bắt đầu nhận ra ranh giới của cái xấu và tốt. Tôi xin làm phụ việc trong nhà bếp của một tiệm Dim Sum. Cố tránh xa những đứa bạn xấu của mình. Nhưng những kẻ đàn anh không dễ dàng buông tha một công cụ tốt, móc túi giỏi như tôi. Chúng kéo đến quậy phá, đe dọa khiến tôi bị đuổi việc và nhiều người trong khu ấy không dám mướn tôi. Chúng còn đánh tôi một trận gọi là dằn mặt cái tội phản lại bang hội.
Tuần đó tôi không đến được nhà Yến. Tuần sau tôi đến khi Yến hỏi lý do. Tôi đem câu chuyện kể lại với Yến. Tôi chưa bao giờ dối trá điều gì trước Yến. Thêm một tuần trôi qua, trước bữa ăn tối ngày hôm ấy ông Henry gọi tôi lại và nói:
- Tôi có một người bạn hiện đang cần một người để sai vặt trong tiệm sửa xe của mình. Nếu cậu thích tôi sẽ giới thiệu cho cậu. Buổi tối cậu có thể ngủ tại tiệm sửa xe. Cậu hoàn toàn không lo chuyện đám bạn xấu quấy rối. Tôi đã nói rất rõ về hoàn cảnh của cậu. Bọn chúng chỉ dám làm càn trong khu China Town thôi. Không dám gây hấn với người bản xứ vì sợ bị cảnh sát sờ gáy.
Thời gian đầu qủa thật là rất vất vả đối với một đứa lêu lổng, chưa từng làm nặng hay theo khuôn phép như tôi. Nhưng tất cả dần vào một cái guồng ổn định. Thấy tôi chăm chỉ không nề hà ông chủ tăng lương và dành nhiều ưu đãi. Một ngày Yến khuyên tôi nên đi học. Thoáng nghe tôi đã lắc đầu từ chối. Tôi chưa thử viết chữ qua bao giờ. Nhưng Yến vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Yến kể cho tôi nghe về chuyện nhiều nước trên thế giới. Những quốc gia mà Yến chưa đặt chân tới bên ngoài đời thật. Nhưng lại '' đến '' nhiều lần thông qua những cuốn sách như một minh chứng việc lợi ích khi biết chữ. Cuối cùng gã thanh niên 18 tuổi như tôi đành xách tập đi học a, b, c trước những giọt nước mắt van nài của Yến. Từ đó Yến kiêm luôn việc dạy kèm tôi trong việc học.
Năm tháng vẫn hối hả trôi qua. Yến chẳng những giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học Anh Ngữ mà tôi còn học được rất nhiều điều từ Yến. Yến kể tôi nghe về một đất nước xinh đẹp nào đó nằm bên bờ biển Đông mà Yến gọi là quê Ngoại. Yến bảo nơi đó bây giờ đang có những thay đổi lớn nên mẹ và Yến chưa thể về thăm. Tôi có một chút năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ. Chẳng những tôi biết rất nhiều về Việt Nam qua lời kể của Yến. Tôi còn có thể giao tiếp khá tốt tiếng việt, do học từ Yến trong một giới hạn nào đó.
Nhờ chăm chỉ học nghề. Năm 25 tuổi tôi trở thành thợ giỏi của tiệm sửa xe. Với lợi thế có thể nói được ba ngôn ngữ tôi luôn là lựa chọn đầu tiên của khách hàng. Nhất là những người mới sang chưa rành tiếng. Tôi yêu Yến như một điều hẳn nhiên đã định. Đúng ra phải nói là tôi yêu nàng ngay từ lần gặp đầu tiên. Chỉ là có thể do ngày đó tôi chưa biết cái cảm giác ấy gọi là tình yêu mà thôi. Tôi đã ngỏ lời nhiều lần nhưng Yến đều cự tuyệt và chối từ.
Tôi cứ ngỡ Yến dành cho mình rất nhiều tình cảm. Hóa ra là tôi tự mình ảo tưởng, ngộ nhận. Chán nản tôi rơi vào tuyệt vọng. Tôi cũng hành xử như bao gã thanh niên thất tình khá. Vùi mình vào rượu để quên buồn. Dựa vào một ả đàn bà khác để xua đuổi hình ảnh Yến trong lòng mình. Một kẻ cao ráo, nam tính như tôi kiếm một người tình không có gì là khó khăn. Nhưng rồi những thú vui xác thịt họ mang đến vẫn không chiến thắng được cảm giác của trái tim. Cuối cùng tôi chạy đến tìm Yến. Vứt bỏ luôn cái sĩ diện đàn ông còn lại. Tôi cầu xin lòng thương hại từ Yến. Tới lúc đó Yến mới khóc ngất trên vai tôi và thú nhận. Yến mặc cảm về sự tàn tật của mình, Yến sợ chúng tôi trở thành đôi đũa lệch. Yến sợ mình là gánh nặng đè lên cuộc đời tôi. Sợ tôi phải hối hận sau này. Tôi ôm chặt lấy thân hình mỏng manh của nàng giữa một chiều đông gió lạnh như thế. Thề sống, thề chết yêu thương nàng suốt cuộc đời. Rằng tôi chẳng bao giờ hối hận vì tình yêu này.
Đúng ra tôi muốn cưới Yến làm vợ ngay trong năm. Nhưng chính Yến đã ngăn lại. Yến dùng tất cả khoản tiền dành dụm của tôi. Cộng luôn phần của nàng để mở cho tôi tiệm sửa xe nhỏ. Có thể do Yến chịu sự ảnh hưởng giáo dục từ mẹ mình. Ngoài trừ mái tóc màu vàng hoe và đôi mắt nâu ra. Cách suy nghĩ, giao tiếp của Yến rất thuần Á Đông. Khác xa những đứa con lai ba rọi khác mà tôi từng thấy, từng biết.
Nhờ sự tháo vát biết tính toán từ Yến cộng thêm lợi thế của chính mình. Tiệm sửa xe tôi đã có lượng khách ổn định ngay từ khi mở và phát triển lên từng ngày. Chúng tôi thuê một căn hộ nhỏ và sống cùng nhau. Dự định đầu năm sau sẽ mua một ngôi nhà nhỏ và làm đám cưới. Tôi đã có những tháng ngày vô cùng hạnh phúc. Đủ cho tôi tin rằng chúng vĩnh viễn là khoảng thời gian tốt đẹp nhất trong suốt cuộc đời mình.
Sáng tôi đưa Yến đi làm rồi tới tiệm. Tối đóng cửa và đi đón nàng. Về nhà cùng nấu ăn và dọn dẹp. Sau đó thì xem ti vi. Đêm khuya thì nồng nàn cùng nhau. Sống một cuộc sống êm ả bình dị như bao người. Bằng lòng với hạnh phúc nhỏ bé ấy mà không mơ mộng gì hơn.
Buổi chiều tối hôm đó tôi và Yến đang trở về nhà như thường lệ. Chợt Yến bảo cần mua vài thứ lặt vặt cần thiết để nấu món ăn tối nay. Chúng tôi ghé xe dọc đường để mua những thứ cần thiết ở một tiệm cuối góc đường. Từ bãi giữ xe đi được một đoạn thì trời bắt đầu mưa lâm râm. Yến đề nghị tôi đi tới đó mua một mình sẽ nhanh hơn hai người cùng đi. Yến đứng ngay mái hiên này để chờ tôi. Như thế sẽ tránh kịp cơn mưa đang chuẩn bị đổ xuống. Vì cùng một lề đường và khoảng cách không quá xa nên tôi đồng ý. Trước khi tôi bước vào cửa tiệm vẫn thấy Yến đứng đó với cách tay vẫy vẫy như thúc hối tôi nhanh chân lên.
Khi bóng tôi vừa khuất sau cánh cửa kiếng. Một ngọn dao sắc lẹm của một tên cướp cạn kề sát Yến. Hắn khống chế Yến đứng vào một góc khuất và nhìn vào chiếc túi xách của nàng với vẻ mặt hung hãn. Yến không hề chống cự. Ngược lại nhanh chóng kéo chiếc túi xách ấy qua khỏi vai và đưa cho tên cướp với thái độ hợp tác. Chợt hắn thấy chiếc nhẫn lấp lánh trên tay Yến. Đó chính là chiếc nhẫn tôi cầu hôn nàng và cũng là món quà duy nhất mà tôi tặng nàng. Nó không có giá trị bao nhiêu về mặt vật chất nhưng Yến rất yêu quý nó. Yến cố van nài nhưng tên cướp ấy vẫn muốn lấy cho bằng được. Ra khỏi tiệm không thấy bóng Yến đứng đó. Tôi vội vã chạy đến tìm và gọi thật lớn tên nàng. Nghe tiếng tôi gọi Yến la lớn cầu cứu và nắm chặt bàn tay có chiếc nhẫn đang bị tháo ra phân nửa lại.
Thái độ phản kháng của Yến khiến tên cướp tức giận. Hắn thô bạo xô Yến thật mạnh vào một bờ tường gần đấy. Ngay lúc đó tôi cũng kịp trờ tới và túm được hắn. Gạt được con dao trên tay hắn rơi xuống. Tôi tức giận đấm thẳng vào mặt hắn. Bồi thêm một cú vào bụng khiến hắn ngất ngư và gục ra đó. Bỏ mặc hắn giữa những người hiếu kỳ đang trờ tới tôi bước tới đở Yến lên. Tôi kinh hoàng khi thấy mái tóc vàng của Yến nhuộm đỏ một màu máu và nàng gần như là sắp ngất tới nơi. Tôi nhìn lên bờ tường mà tên khốn ấy vừa xô nàng. Điếng người khi thấy một mảnh sắt lớn nằm dọc nhô ra. Thanh sắt ấy cũng nhuộm đỏ một màu máu. Tôi hốt hoảng ôm chặt Yến lên và chạy ra phía ngoài đường lớn. Cuối đường đang vang lên những âm thanh gấp gáp của chiếc xe cấp cứu do một người tốt bụng gọi đến.
Trong vòng tay tôi Yến nhướng đôi mắt lên. Nói một cách yếu ớt rời rạc:
- Em xin lỗi, anh cố gắng.. cố gắng.. sống. Cố gắng.......
Ngồi trong chiếc xe cứu thương, tôi nắm chặt bàn tay nhỏ bé của Yến. Nhưng mặc tôi van nài, khóc than kêu gào nàng bằng tất cả những ngôn từ mà tôi nghĩ ra được. Bàn tay ấy vẫn lạnh dần, lạnh dần và rồi thõng ra. Yến trút hơi thở cuối cùng ngay trước cửa bệnh viện...
Trong khi Thúy đưa cái khăn giấy lên chậm những giọt nước mắt vừa ứa ra thì người đàn ông ấy rút một chiếc khăn trắng nhỏ từ trong túi ra. Ông ta nhẹ nhàng lau lên tấm bia trước ngôi mộ bằng đôi tay run run và đôi mắt hãy còn ngân ngấn nước.
Không muốn phá vỡ bầu không khí tưởng niệm của người đàn ông ấy. Thúy đứng dậy cáo từ để ra về trước. Ngang qua phía trước bia mộ Thúy đứng lại khẽ cuối đầu chào người đã khuất. Như một hành động kính trọng, ngưỡng mộ. Nhìn thật kỷ một lần nữa vào di ảnh Thúy nói:
- Cô ấy đúng là một cô gái hiền lành tốt bụng khó tìm được giữa cuộc đời này.
Người đàn ông ấy không biết muốn đáp lời Thúy hay đang nói với chính mình. Ông ta thì thầm:
- Không, cô ấy là một thiên thần.
Trên đường đi xuống bãi đậu xe. Thúy đắm chìm trong những suy nghĩ không đầu đuôi.
Đầu tiên là Thúy lắc đầu chua chát khi nghĩ tới cô mình. Cùng là người ấy. Một người thì sống mãi dù thân xác đã về với cát bụi. Một người thì đã chết ngay từ lúc còn thở. Sống như cỏ cây ra đi cũng như cỏ cây. Chưa từng được người đàn ông mình yêu thương thắp cho một nén nhang gọi là để an ủi linh hồn.
Thúy không những chỉ hiểu về mấy món quà cúng kỳ lạ và ngày đi cúng. Cô còn hiểu nhiều hơn thế mà chẳng cần người đàn ông ấy đưa ra lời giải đáp. Như chuyện tại sao tất cả của tiệm của ông ta điều mang tên Yen. Cũng như lý do khiến ông ta hết lòng với hoạt động xã hội. Muốn giúp đỡ những kẻ khốn cùng lỡ lầm.
Xưa nay Thúy luôn cho rằng những câu nói ngọt ngào kiểu ''thiên thần''. Luôn dành cho những kẻ mới bắt đầu bước vào yêu của tuổi mới lớn. Thiên thần thật sự chỉ hiện diện trên những tấm bích chương ở nhà thờ mà thôi. Nếu ở đời này mà có thiên thần thì đó phải là những đứa trẻ còn quấn tã. Sở hữu nụ cười mát lành và một tâm hồn trong veo tinh khôi. Nhưng bây giờ Thúy bắt đầu tin có những thiên thần người lớn sống giữa đời thường này. Ẩn trong lớp áo bình dị đâu đó quanh ta.
Một cô gái nhan sắc, hình thức đều tầm thường. Không học cao hiểu rộng hay tài giỏi, lại còn bị tàn tật. Vậy mà có thể khiến một người đàn ông yêu quý hơn mọi thứ trên đời. Đúng thật cô ấy quả là một thiên thần, chỉ có thiên thần mới làm được như thế. Còn người đàn ông kia. Đừng nói khi ông ta khi trẻ hình dáng thế nào. Ngay cả ở tuổi xế chiều vào ngày hôm nay. Ông ta vẫn giữ được nét điềm đạm, phong độ. Cỡ như ông ấy búng tay một cái. Thúy tin chắc có hàng chục em đào tơ mơn mởn. Mười tám, đôi mươi nuột nà nhảy vào xin chết. Mấy chục năm đã qua bao dâu bể đổi dời. Vậy mà ông ta vẫn giữ được tình yêu nguyên vẹn trong trái tim mình. Chẳng những như thế ông ta còn nhớ rất rõ những sở thích và nhiều điều liên quan giữa họ. Thương một người đã khó, thương một người đã chết càng khó hơn gấp trăm lần.
Xuống tới bãi đậu xe. Trước khi mở cửa ngồi vào tay lái. Thúy quay người lại nhìn ngược lên hướng ngôi mộ có cái tên Laura một lần nữa.. Giữa những tia nắng đang lên cao. Cô thấy bóng người ông ấy vẫn ngồi bất động trước ngôi mộ. Cái dáng cong cong như một dấu chấm hỏi.
Hình như... Thúy thấy mình vừa mới gặp được một thiên thần. Một thiên thần bằng xương bằng thịt hẳn hoi.
23/10/2014
Song Nhi
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...