Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

"Tiếng chuông chùa tử đằng" trôi trong sự gai gai sởn ốc

"Tiếng chuông chùa tử đằng"
trôi trong sự gai gai sởn ốc…

Mười tám truyện ngắn được gói vào gần ba trăm trang in là mười tám câu chuyện bập bềnh nhấp nhô theo kiếp nhân sinh với đa sắc đa ngôn cứ vồng lên đầy chất liêu trai ma mị trong tập truyện. Nguyễn Đức Hạnh đã quăng ngôn ngữ ra để tung chài cuộc đời, cái ông vớt được về là dằng dặc những hiện sinh. Bao vết cắt cuộc đời cứ thế đan cài vào nhau dưới một giọng kể tương đối lạnh. Do vậy, tập truyện “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” cứ thủng thẳng diễn ngôn mà buông ra những ám ảnh.
Chất hiện sinh làm người ta ngộp thở trong tác phẩm “Kỳ nữ số đỏ và…”. Nhân vật Ma Bảo Ngọc là một sản phẩm của sự trộn lẫn vàng thau cuộc đời vào nhau khá điêu luyện. Thực ra đây không phải là điều mới. Kiểu nhân vật “hai mặt” có phải có trái này đã từng chói sáng trong thế giới ngôn ngữ truyện chưởng võ lâm Kim Dung bên đất Hồng Kông trước đây rồi. Ở Việt Nam, biểu tượng hai mặt dễ bị quy chụp cho nên đa số nhà văn rất ngại khi đề cập tới kiểu nhân vật ấy, nói chi là sáng tạo!? Họ lảng dần và xa lánh luôn cũng nên. Sau này, kiểu nhân vật ấy chúng tôi có thấy chớp nhá trong văn Nguyễn Huy Thiệp. Song, độc giả lại thường có cảm giác rằng truyện của Nguyễn Huy Thiệp là truyện của cái ác, cái xấu mà quên mất đi sự “hai mặt” kia là bởi chính tác giả đã cố tình thổi phồng cái ghê gớm kiểu quỷ ma trội lên lấn át phần người. Thành thử, ở Việt Nam ta hiện nay kiểu nhân vật “hai mặt” nổi lên trên văn đàn có lẽ là điều khá… hiếm. Vì hiếm nên nó dường như là kiểu nhân vật mới với độc giả hiện thời. Do vậy, kiểu nhân vật ấy xuất hiện đầy những rụt rè thử nghiệm. Thử nghiệm mà lôi theo được cả bao nhiêu dính dấp cuộc đời thì kể cũng là một điều đáng dấn thân.
Văn Nguyễn Đức Hạnh thì thường khá cân bằng hai thái cực kia, cái tốt cái xấu, mặt phải mặt trái hình như đã được tác giả cố ý tạo ra thế cân bằng ngay trong quá trình dựng truyện!? Chúng tôi thiết nghĩ, các loại nhân vật của cả hai nhà văn trên đều là những sản phẩm tất yếu của thời đại khi sự điêu trá đẩy đồng tiền lên ngôi. Quy luật cung cầu lừng lững trong mọi mối quan hệ, tri thức cũng chỉ là một phần không thể tách rời của cái quy luật kia, sự hoán đổi vị trí trong tâm thế chấp nhận làm chúng ta có thể chóng mặt, song đó là hiện thực không thể không gọi tên. Mảnh bằng thạc sỹ và tiến sỹ đầy những khuất tất thật mà giả sẽ làm cho Ma Bảo Ngọc vững chân trong xã hội đang có quá nhiều yêu cầu về bằng cấp, nó đã giúp cô tạo dựng thành công một “đế chế” vững chắc cho riêng mình. Chính điều ấy đã thổi hai mặt phải trái cùng bập bềnh trồi lên mà phủ trùm vào nhân vật, cô chấp nhận tất cả những thị phi để lo cho con trong khi cô chỉ có một thân một mình bươn chải với cuộc đời, tình thế ấy được đặt ngay bên cạnh sự từng trải lõi đời của nhân vật thì chẳng lẽ không làm cho chúng ta trân trọng?
Hãy nghe nhân vật Ma Bảo Ngọc xổ toẹt một cách mạnh dạn, thẳng thắn và cực kì bản lĩnh: “Em nói thật, nếu anh khinh em thì cắt luôn ở đây, coi như chưa từng gặp. Chồng em cờ bạc, mất nhà mất xe gây án rồi đi tù. Em ly dị rồi tay trắng ôm con xuống Hà Nội học thạc sĩ. Nhu cầu về tiền rất lớn, một thằng đàn ông không thể kham nổi. Em đành “cặp” với gần nửa tá trâu đực mà anh đã gặp. Mỗi thằng đáp ứng giúp em một nhu cầu. Ông “anh nuôi” nào không biết điều, còn nổi máu ghen tuông em cho nghỉ ngay và luôn. Lúc nào cũng có hơn chục đại gia xếp hàng… Em trả công họ bằng gì? Nào có cái gì khác ngoài tấm thân này. Cóc ghẻ được ăn thịt thiên nga thì cũng phải trả tiền chứ. Ăn không à? Con em vào học trường  chuyên càng tốn. Ai khinh cũng được, em cũng phải sống, để còn lo cho tương lai của con mình. Anh có thấy em giống nàng Kiều không?”.
Một cách nghĩ, một lối sống sòng phẳng có thể làm chúng ta phải gai người nhưng hoàn toàn có cơ sở để cho chúng ta chia sẻ, thông cảm! Môi trường ấy, mong muốn ấy thì làm sao khác được trong khi nhân vật ý thức rất rõ sức mạnh nhan sắc và sự ghị níu của bản thể con người? Tác giả không quá đi sâu khai thác cái hậu quả dốt nát “học giả bằng thật” của cô là chắc chắn ông đã cố ý cho chúng ta nhận ra một điều rằng, bản chất sự việc trong cuộc đời này lúc nào mà chả có hai mặt? Y như nhân vật nữ tiến sỹ cục phó kia thôi, chúng ta có thể vừa phỉ nhổ vừa trân trọng cô ấy là bởi chất vàng và thau được tác giả cố ý đan cài vô nhau, nằm lẫn lộn ngay trong tính cách nhân vật Ma Bảo Ngọc. Cuộc đời làm gì có sự rạch ròi mà đòi hỏi vàng thau tách bạch? Thông điệp ấy không chỉ có trong “Kỳ nữ số đỏ và…” mà nó còn được tác giả rải đều gần như khắp tập truyện. Chúng tôi nghĩ phải chăng đấy là thông điệp chính mà nhà văn Nguyễn Đức Hạnh muốn đem đến cho độc giả ở trong tập truyện này!? Xét cho cùng thì nó cũng chính là sự phức tạp của cuộc đời không chỉ đang nhảy múa trong văn chương Nguyễn Đức Hạnh mà nó còn là sự phức tạp đã và đang tít mù trong chính cuộc đời của chúng ta, của xã hội con người hiện tại.
Bìa tập truyện “Tiếng chuông chùa Tử Đằng”- Nguyễn Đức Hạnh
Cho nên, nhân vật chính của tập truyện “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” họ như vừa chủ động nhập cuộc vừa là nạn nhân của chính sự nhập cuộc ấy. Bởi thế, nhiều câu chuyện được kể lại từ góc độ lí giải nguyên nhân, kết quả xảy ra là tất yếu. Mọi sự ghê gớm và yếu tố kỳ ảo xuất hiện đều chỉ đóng vai trò làm tiếng nói góp phần thúc đẩy cho cái kết cục kia kéo đến nhanh hơn.
Có lẽ vì thế mà yếu tố kỳ ảo không làm cho độc giả phải quá kinh ngạc khi đọc đến nó? Mọi thứ được tác giả sắp xếp gần như hợp với lẽ tự nhiên, không gây cú sốc ghê hồn. Mùi hương kì lạ như cuốn lấy người ta ở nhân vật nữ tiến sỹ Ma Bảo Ngọc (trong “Kỳ nữ số đỏ và…”), hay những bụi cây có vẻ rì rào nhân hóa lên tiếng “yêu nhau, yêu nhau” (trong truyện “Gào thét”) là những chi tiết có vai trò như vậy.
Truyện “Nước mắt đá” cuốn con người vào vòng xoáy của đúng sai phải trái là cũng như một lần nữa tác giả cố ý xác thực rõ hơn kiểu nhân vật “hai mặt”. Mạch truyện nổi lên dẫn dắt câu chuyện thật tự nhiên, tác giả rất khéo trong việc sắp xếp sự dồn nén để cuối cùng bật lên kiểu mở nút là những chi tiết tãi ra y như luật nhân quả đang vào cuộc vậy. Tình yêu “sét đánh” chớp nhoáng đủ cho vẻ đẹp nhân vật nữ cứ óng ánh lên mãi. Nhân vật “hắn” vẫn là kiểu nhân vật dùng dằng khó thoát bởi hai bờ thật giả kèm sát mình y như hậu vệ kèm tiền đạo trong bóng đá vậy. Cái tốt và sự đáng yêu của nhân vật “hắn” đủ để cho không những nhân vật Say bị “hạ gục” trái tim mà cả ông bố Say cũng bị những điều ấy của “hắn” chinh phục gần như hoàn toàn. Nói “hắn” cực kì khôn ngoan và khéo che đậy bản chất con người mình cũng đúng mà nói nhân vậy ấy bị cuốn theo những tiếp biến của hoàn cảnh vì lòng tham trỗi dậy một cách tự nhiên cũng đúng. Một con người lọc lỏi pha chút chán đời khi trong tay “hắn” có cả một cơ ngơi giàu có nhưng vẫn bị vợ bỏ làm nền cho câu chuyện bung nở phía sau. Nếu không tinh ý, độc giả khó có thể phát hiện cái ghê gớm ẩn giấu trong con người “hắn”.
Hai chi tiết mê làm giàu bởi lòng tham trỗi dậy đã phần nào tố cáo bản chất lọc lõi trong con người luôn đắm đuối giàu sang bằng kiểu chớp thời cơ này. Thì chúng ta lại chẳng từng được dạy “thiên thời địa lợi nhân hòa” là ba trụ cột của sự thành công đó thôi sao? Khi nghe Say kể vụ đá đẻ hàng năm nơi bản Say ở, “hắn” đã nghĩ đến chuyện làm giàu. Nhưng tâm ý ấy, “hắn” giấu rất kĩ, không để lộ cho Say biết. Điều ấy chứng tỏ sẽ phải có những ẩn khuất tồi tệ kéo theo phía sau đó! Và thế là, với sự từng trải và vốn lắm của nhiều tiền, Say đã “sập” bẫy tình cảm của “hắn” mà Say không hề hay biết. Thực ra, “hắn” cũng yêu Say nhưng tình yêu ấy không đủ lớn để có thể đè bẹp lòng tham nơi tận sâu thẳm con người hắn. Câu chuyện cứ thế diễn ra và chớp lóe thêm chi tiết hòn đá trị bệnh cứu người độc đáo. Chỗ này, tác giả đã giấu biệt tâm ý muốn cướp hòn đá của nhân vật “hắn”, chỉ đến khi hai cha con Say đã hoàn toàn tin tưởng con người “hắn” thì tác giả mới để lộ ra chuyện hắn muốn cướp lấy hòn đá kia. Và sự thật “hắn” đã cướp. Khi hòn đá đã nằm trong tay rồi, nhà văn để cho nhân vật “hắn” tự độc thoại “Sao họ tốt và dốt thế? Sau này, dùng đá thiêng để kiếm tiền, giàu rồi, sẽ quay lại trả nghĩa cho họ là được chứ gì? Nhưng nghĩ cho cùng mình cũng khốn nạn thật. Họ đã yêu quý và tin mình đến thế? Vậy mà mình lại lừa họ. Không. Mình không lừa! Mình chỉ mượn đá thiêng vài năm để kiếm tiền thay họ. Rồi sẽ trả lại, trả cả vốn lẫn lãi. Chứ đá thiêng ở đấy, đâu có làm ra tiền? Chỉ toàn làm phúc”. (Sđd, trang 197).
Lời lẽ tự chất vấn ấy bộc lộ con người nhân vật lửng lơ trách nhiệm và tham tàn vụ lợi, kiểu nói nước đôi ấy đang đầy rẫy ngoài xã hội trên mép miệng của bao kẻ tham nhũng bạo tàn. Đoạn kết đậm đặc những chi tiết giàu yếu tố kinh dị ma quái đã phần nào làm tăng sự độc đáo và hấp dẫn cho câu chuyện. Một kiểu oan tình nặng chất cổ tích đã giải oan cho nhân vật Say và cả cho chính nhân vật “hắn”. Chao ôi, nếu lòng tham không trỗi dậy thì mối tình kia sẽ đẹp và ám ảnh chẳng kém gì Trương Chi – Mỵ Nương? Cuộc đời đâu phải truyện cổ tích, bởi thế kết cục là cái chết đau đớn của Say và sự đau khổ cuồng mê nơi “hắn” là điều khó tránh khỏi. Đến đây, chúng tôi thấy tác phẩm bật ra một ý nghĩa: Sự tiến hóa trong tâm khảm con người chưa đủ để kéo con người lên thì sẽ bị chính lòng tham của con người kéo xuống, âu đó cũng là lẽ thường tình cho tất cả chúng ta.
Truyện của Nguyễn Đức Hạnh giàu về chi tiết mà kiệm về diễn biến tâm lí nhân vật. Điều ấy có lẽ nhà văn muốn để cho chính câu chuyện của mình lên tiếng? Chất người và sự phù hợp với thực tiễn thường được ông chú trọng nên những câu chuyện trong tập “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” kết thúc thường không thấy sự vật vã đớn đau cho dù nhiều cái kết cũng rất mờ mịt. Tâm trạng nhân vật “hắn” trong “Năm canh bên bờ vực” đã gần như được giải thoát sau khi phải giầm mình trong những giằng xé nội tâm ghê gớm kinh người.
Cuối cùng thì cái thiện tự trong tâm khảm đã giúp nhân vật chiến thắng mình, nó là hóa thân của một sức mạnh tâm linh vô hình cứu chuộc nhân vật: “Một sức mạnh vô hình bóp nghiến vào cổ tay cầm mã tấu, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa, hình như có ai cầm búa đinh gõ liên tục vào đỉnh đầu. Loạng choạng, mắt hoa, đất trời quay cuồng. Thanh mã tấu rời khỏi tay”. Điều ấy đã cứu lão bưởng vàng Khoa và cứu chính nhân vật “hắn”, giúp nhân vật trở về với sự bình thường của cuộc đời, những câu văn kết thúc truyện cứ sáng choang lên và thanh thản đến lạ: “Muôn ngàn lá cây đọng những giọt mưa sáng long lanh, và trong bao nhiêu chiếc lá xanh mướt, ướt đẫm kia đều ngời lên ánh mắt thăm thẳm, dịu dàng, tin yêu và chờ đợi… Muôn ngàn lá xanh…Muôn ngàn mắt lá… Trong veo… Hắn cắn răng, hít một hơi căng đầy lồng ngực, rồi thở dài nhẹ nhõm, trèo lên bẻ một nhánh lan rừng ấp vào mặt hồi lâu, rồi đăm đăm nhìn xuống ngã ba của con đường trước mặt…”. Tâm và tư thế ấy là của con người đã được cứu chuộc. Trang văn Nguyễn Đức Hạnh thêm đẹp hơn lên khi ông đã cho cái thiện tâm trỗi dậy và bừng lên dẫn dắt nhân vật. Quý thay!
Trong tập “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” chúng tôi còn nhận thấy một điều, rằng tác phẩm nào mà thiếu yếu tố kỳ ảo, thì y như rằng, truyện ấy không thể bật lên được. Do vậy, truyện “Nhìn theo giông gió” cũng chỉ ở dạng tầm tầm bậc trung. Cho nên có thể nói, yếu tố kỳ ảo và kiểu viết nghiêng hẳn về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mang đậm màu sắc tâm linh Việt là một thế mạnh nổi bật của Nguyễn Đức Hạnh.
Một điều dễ nhận thấy là hình ảnh “cây đa” đã được tác giả cho xuất hiện nhiều lần trong tập “Tiếng chuông chùa Tử Đằng”. Đây là sự chủ ý của tác giả, nó như một thủ pháp tạo ra điểm nhấn, nhằm tập trung khắc họa thế giới siêu nhiên kỳ quái mang đậm yếu tố Việt? “Phố Đán có hai cây đa, một cây ngoài phố là bạn thân của bọn chúng tôi, một cây là nhà của một con rắn to và tinh khôn dị thường” (Thăm thẳm bóng người, sđd trang 73), “… cây đa ngàn tuổi, cây lúc giúp người, lúc hại người, mọc ở trung tâm của phố” (Phố phiêu bạt, sđd trang 137),… điều đó cho chúng tôi thấy chớp lóe một kiểu thổi hình ảnh tâm linh Việt vào chủ nghĩa huyền ảo mang đặc trưng Nguyễn Đức Hạnh?
Tập truyện “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” còn là nơi thể hiện cách kể truyện đa giọng điệu của tác giả. Bên cạnh giọng tự sự mang đậm bóng dáng liêu trai thì còn thấy nhấp nhô âm sắc của giọng giễu nhại pha màu sắc mỉa mai châm biếm. Truyện ngắn “Phát minh…” đẫm đặc chất giọng ấy. Câu chuyện xoay quanh chiếc máy phát minh dò tìm ra con người tốt xấu thật giả mà cười ra nước mắt. Từ một anh sinh viên học hành đàng hoàng tốt nghiệp nước ngoài hẳn hoi bị quẳng ra đường khi đi xin việc vì anh ta không hề có gì để lót tay, lại chẳng con ông cháu cha chi cả, bỗng nhiên nổi lên trở thành một người “quan trọng” được rất nhiều quan chức cán bộ trong huyện đến viếng thăm để nhờ cậy. Sự “thoát xác” ấy của nhân vật đã tạo ra bao nhiêu những hình ảnh lột tả bản chất cán bộ mua chức, chạy quyền, hoặc lên loon, ẵm ghế theo kiểu con ông cháu cha đang lũng đoạn xã hội hiện thời. Một chuỗi những hỉ nộ ái ố được tuôn ra ào ạt. Chân dung từng loại nhân vật gắn với vị trí thơm tho béo ngậy tự phơi bày bản chất. Truyện “Phát minh…” đã cạy và nạo ra bao nhiêu những tâm tính con người tư lợi là nhờ “cái máy” dò tìm ra con người thật mà thường ngày họ tự ẩn đi. Văn nhẹ nhàng tự nhiên mà như cười như khóc. Quý lắm!
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi thiết tưởng cũng cần phải nói thêm cho dù là sơ qua chút ít về hai nhà văn viết về vùng cao và ở những trang viết của mình, họ đều sử dụng yếu tố kỳ ảo như một lực đẩy cho câu chữ vung tóe lên. Nếu Nguyễn Huy Thiệp đổ ụp hiện thực cuộc sống vào từng trang viết của ông nên cái ác nó hiển hiện từng đường gân thớ thịt làm người ta nghẹt thở giãy giụa trợn mắt thì Nguyễn Đức Hạnh rút tỉa cuộc đời rồi hà hơi tiếp sức vào từng trang viết bằng rất nhiều yếu tố kỳ ảo mang dáng vẻ ly kỳ. Bởi thế văn Nguyễn Đức Hạnh độ sắc lạnh thì có mà sự choáng ngợp nghẹt thở thì không. Thực tế cho thấy mọi sự bày biện trong tác phẩm đều phải qua bàn tay sắp đặt của tác giả, nhưng sự bày biện kỹ quá, chu đáo quá mà thành ra ít đi cái độ ám ảnh. Chúng tôi thầm ước, phải chi văn Nguyễn Đức Hạnh trong “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” có độ nén câu chữ thông tin đi một chút, có thể làm cho độc giả sẽ phải thòm thèm nhưng biết đâu chính sự thòm thèm ấy sẽ lại tạo ra được đây đó những cung bậc ám ảnh đậm nét hơn khi đọc hiểu tập truyện thì cũng là một chuyện nên làm! Điều ấy, tác giả lại chẳng mong ước?.
Sài Gòn, 3/6/2022
Khang Quốc Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa của người, còn hương thơm của ta

Hoa của người, còn hương thơm của ta Lên máy bay còn thơm hương Đà Lạt/ Hoa của người, còn hương thơm của ta/ Ai đem cả Đà Lạt về thế nhỉ/...