Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Từ Nguyên Tĩnh và tính vấn đề của Truyền thuyết sông Thu Bồn

Từ Nguyên Tĩnh và tính vấn đề
của Truyền thuyết sông Thu Bồn

Truyền thuyết sông Thu Bồn là cuốn tiểu thuyết không dễ theo dõi. Ở đây có tầng tầng lớp lớp số phận nhân vật, sự kiện, biến cố. Giọng điệu trần thuật và tâm tưởng “hồi cố” cũng không phải do một vài nhân vật chính dẫn dắt mà chính bởi sự xếp đặt của một kiểu nhân vật hữu danh có tên là Lịch Sử…
Ông nhà văn cựu chiến binh Từ Nguyên Tĩnh (tên thật là Lê Văn Tĩnh) thuộc thế hệ đàn anh, có đến mười năm tham gia chiến trận rồi mới trở về học ngành văn cùng một khóa với chúng tôi ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (K23, 1978-1982). Đằng sau cái vẻ ồn ào, sôi nổi, thậm chí tếu táo chuyện trời chuyện biển là cả một sức sáng tạo mãnh liệt, không ngừng nghỉ.
Từ ngày ra trường đến nay ông đã in tới hơn chục tập tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ đoản thiên, trường ca, và có đến vài ba giải thưởng của Hội Nhà văn, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam nữa. Bây giờ thì ông đã nghỉ hưu rồi…
Còn nhớ, gặp lại sau khi ra trường mấy năm, có lần ông “khoe” với chúng tôi rằng mới tham dự trại sáng tác mãi trong Đà Nẵng (được gặp cả các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Phan Tứ, Nguyên Ngọc…) và dự định sẽ viết một cuốn sách tâm huyết về tiểu đoàn đặc công Lam Sơn – Thanh Hóa trên địa bàn Quảng – Đà. Một phần tư thế kỷ qua đi, mãi về sau tôi mới nhận được tiểu thuyết Truyền thuyết sông Thu Bồn, thành quả nghệ thuật từ lời hẹn năm nảo năm nào. Tiểu thuyết mà có cả lời trần tình cùng bạn đọc ba trang, thanh minh thanh nga về quá trình sáng tác. Tôi đọc qua một lượt, thấy nhà văn xứ Thanh thực sự đã thấm được cái hồn cốt con người, cuộc sống, niềm vui nỗi buồn cả một thế hệ đã đi qua chiến tranh và một thời hậu chiến.
Thiên tiểu thuyết giàu tính điện ảnh, phác vẽ một thời gian khổ, đầy biến động của đất nước và biết bao số phận con người. Hầu hết các nhân vật ở đây đều chứa chất những nghịch lý, những bi kịch lớn và nhỏ, những trận bão lòng của số phận cá nhân trong cơn lốc xoáy của vận mệnh lịch sử, dân tộc. Tôi muốn viết một bài đọc sách mà cứ khất lần tháng này qua tháng khác. Điều này có lý do bởi mới đọc qua, tôi không mấy hứng thú với những trang ghi chép của nhân vật Thậm về các trận đánh, nó khiến thiên tiểu thuyết lộ diện lối viết tư liệu, dễ sa đà vào định hướng mô tả sự kiện (mà rất có thể nhà văn đã đưa nguyên các bản tin chiến sự còn lưu trữ được). Thế là tôi đã nhắn một dòng tin ngắn gọn tới nhà văn: “Dường như có một khoảng cách giữa dự định và tính hình tượng của nhân vật trong tác phẩm. Có phần lộ đề không?). Thêm nữa, tôi thấy văn bản còn vương khá nhiều lỗi diễn đạt, cả ở phía người viết lẫn khâu biên tập, nhất là sự nhập nhòa ở những lời thoại và lời kể, tả.
Rồi tôi nhận được ý kiến nhà văn: “Truyền thuyết sông Thu Bồn, mình tạo ra một số tầng. Cái phần ghi chép là cái cớ cho người ta kéo cái hiện thực đã lùi xa trong quá khứ. Cuộc chiến đấu là một bè để tải các số phận trong câu chuyện của người Quảng làm nên truyền thuyết. Vùng đất Quảng trung dũng thật nhiều điều đặc biệt, nếu khai thác truyền thuyết như nơi khác sẽ không được. Mỹ Sơn, Hội An cũng lướt qua như là sự hiển nhiên trong tiềm thức của các thế hệ người Quảng. Cái chính là họ làm nên truyền thuyết mới trong cuộc chiến tranh yêu nước này. Và họ chưa nguôi chuyện này lại gặp chuyên kia. Chưa xong Pháp lại đụng Mỹ, và dĩ nhiên gặp người Việt xa xứ và con em của kẻ thù. Cái truyền thuyết ấy là gì, trong quá trình nhận ra chân lịch sử? NHS, mình viết tiếp cái phần từ tiểu thuyết Cõi người trước đây, nhưng lại mở ra cho số phận của người ngã xuống một dấu hỏi? Có làm tiểu thuyết tư liệu đâu Sơn – 23/5/09”…
Truyền thuyết sông Thu Bồn – tiểu thuyết của Từ Nguyên Tĩnh
Tôi đọc đi đọc lại Truyền thuyết sông Thu Bồn, vẫn gặp lại những ấn tượng ban đầu về khả năng nhà văn đã “tiểu thuyết hóa” được các sự kiện lịch sử, đặc biệt trên phương diện xây dựng nhân vật trong sự ba động của thời cuộc. Về kết cấu, Truyền thuyết sông Thu Bồn mở ra với sự kiện vợ chồng Thậm – Thư nhận được tin con gái Thư An du học bên Mỹ sẽ lấy chồng người Mỹ. Kết thúc thiên tiểu thuyết là việc chàng rể người Mỹ tìm lại xác cha mình trong cuộc chiến trước đây. Người cha đăng lính kia từng bắn trọng thương Thậm (ông thông gia hôm nay) và chính hắn đã bị một đồng đội của ông Thậm kịp thời tiêu diệt (bây giờ cũng có mặt trong ngày vui của đôi trẻ và cùng đi tìm xác người lính Mỹ năm xưa). Tấn bi kịch kết thúc có hậu, một kiểu “khép lại quá khứ” hay là “bước qua lời nguyền” ở tầm quốc gia, dân tộc.
Với 26 chương chính văn và một chương Vĩ thanh, đan xen giữa khung cảnh một thời bom đạn thực chất lại là tấn bi kịch gia đình nối dài tới ba bốn thế hệ, suốt hơn nửa thế kỷ, khởi đầu từ kết thúc chống Pháp (1954), trải qua cuộc trường kỳ chống Mỹ gian khổ đến 1975 và một thời hậu chiến kéo dài tới khoảng cuối thế kỷ XX.
Ở đây có sự đối đầu quyết liệt giữa ta và địch, có sự phân hóa ngay trong đội ngũ những người cách mạng (trung kiên như ông Hoan, Tấn, Thậm, Thư và kẻ chiêu hồi như Kham, Nhiễu), có sự phân hóa ngay trong mỗi con người trước hoàn cảnh, tình thế và thời cuộc mỗi ngày mỗi khác (má Nhàn lấy ông Hoan sinh Thư cùng theo cách mạng nhưng sau lại lấy dượng Châu sinh Ly Ly ở phía bên kia; ông Kham là thủ trưởng cũ nhưng lại gặp Thậm khi phải ra trình diện, sau đợt cải tạo đã cùng vợ con đi Mỹ theo diện HO; cô Thư cách mạng nòi nhưng em gái cùng mẹ lại xuôi về lối sống Mỹ và người con gái duy nhất du học bên Mỹ cũng lấy chồng người Mỹ…). Bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu hoàn cảnh, số phận. Có thể nói chính việc xây dựng được hệ thống nhân vật phức tạp với đủ mọi tình huống đã giúp cho ấn tượng về những trang ghi chép tư liệu các trận đánh không quá nặng nề, đủ làm nền cho một thời trận mạc, đồng thời tô đậm thêm tâm thế hoài cảm, phán xét, chiêm nghiệm lại những tháng năm quá khứ.
Từ điểm nhìn của ngày hôm nay, vấn đề số phận cá nhân và cộng đồng đã thực sự trở thành một chủ điểm quan trọng, đạt tới “tính vấn đề” trong Truyền thuyết sông Thu Bồn. Bước sang thời hậu chiến, có khi chính sự đoàn tụ lại vô tình mở rộng, khơi sâu những vết thương lòng: “Ngày giải phóng, gia đình Thư là một bi kịch” (tr.60). Đó là những tấn bi kịch nhỏ trong ngày chiến thắng vĩ đại của cả một dân tộc, cảm thấu cái giá của sự hy sinh với bao lớp người. Bà ngoại Thư nói: “Nhưng mà cái nước mình nó khổ” (tr.21). Ông Hoan từ nơi tù ngục trở về nói với người vợ cũ: “Hoàn cảnh nước mình nó thế. Anh thật có lỗi không đón được mẹ con em, để em khổ mọi bề” (tr.74), rồi phân trần với người chồng sau của vợ: “Không!… Tôi chưa bao giờ phụ bạc với bà ấy cả… Tình cảnh của nước mình… Ông hiểu chớ?” (tr.279), và ông chiêm nghiệm: “Lúc chiến tranh thì mọi người cùng chung kiếp nạn. Bây giờ hòa bình rồi, bi kịch rơi vào từng người” (tr.286). Bản thân ông cũng thấy rõ sự lạc bước và những giới hạn của mình. Sau bao năm ở tù, tinh thần có thừa mà thiếu kiến thức, ý chí có thừa mà lúng túng như gà mắc tóc: “Nghĩ một lúc thấy điều này là phải, điều kia đuối lý. Nghĩ lại hầu như cái gì cũng là đúng… Góp ruộng, ai vào, ai không cho vào. Lấy lao động là chính, để cải tạo con người, thì con người nào không phải lao động” (tr.86), rồi khi khác trăn trở suy tư: “Có phải là vận mạng của dân tộc mà bất hạnh thì kéo theo bao người khác cùng khổ nhục và đắng cay không? Ba không được học nhiều, nhưng nghĩ thì đâu chỉ người học nhiều là có cái phước được nghĩ ngợi mà người ít học không được cái ân huệ ấy” (tr.291). Đặc biệt đến các chương 22-26, khi Thư An cùng anh chồng người Mỹ và dì Ly Ly hồi hương, không khí cuộc đoàn viên đã khép lại một thời, mở ra những trang đời mới thật nhiều hy vọng.
Truyền thuyết sông Thu Bồn là cuốn tiểu thuyết không dễ theo dõi. Ở đây có tầng tầng lớp lớp số phận nhân vật, sự kiện, biến cố. Giọng điệu trần thuật và tâm tưởng “hồi cố” cũng không phải do một vài nhân vật chính dẫn dắt mà chính bởi sự xếp đặt của một kiểu nhân vật hữu danh có tên là Lịch Sử. Chính vì thế mà người đọc không thấy nhiều những trang hồi ức, hồi tưởng của nhân vật. Tất cả thường chỉ là những mảng thực tại gắn kết, đan xen với nhau, chi phối lẫn nhau, hiển hiện như chính thực tại Lịch Sử. Cốt truyện không đơn tuyến, không xây dựng theo trật tự thời gian tuyến tính, lớp lang trước sau. Trên cái nền của thực tại, quá khứ được mở ra, đan cài theo nhiều chiều, nhiều tuyến nhân vật và sự kiện, lời độc thoại và đối thoại, nhiều khoảng không gian và thời gian khác biệt nhau. Có thể định danh Truyền thuyết sông Thu Bồn là tiểu thuyết sử thi về những số phận con người ở một miền đất trung dũng, kiên cường…
7/6/2022
La Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...