Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Vùng biên không yên tĩnh: Số phận không minh định

Vùng biên không yên tĩnh:
Số phận không minh định

“Vùng biên không yên tĩnh” của nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến. Tuy nhiên cách tiếp cận này không phải là mới đối với văn chương hiện đại thế giới, nhưng lại còn khá hiếm hoi với văn chương đương đại Việt Nam.
1. Viết về đề tài chiến tranh và người lính là một việc không mới, có thể nói cũ xưa như trái đất hay chí ít cũng có từ thời Cổ- Trung đại, khi xảy ra các cuộc xâm lăng chiếm đất của các bộ tộc hay một nhà nước phong kiến nào đấy đông về dân số, hùng mạnh về kinh tế và quân sự hơn so với những nước láng giềng yếu thế về mọi mặt.
Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính ở nước ta cũng đã được giới văn chương - nghệ thuật khai thác từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Hiển nhiên là với một đề tài đã được cày xới trong một quãng thời gian dài như thế, với không biết bao nhiêu lần, cũng như bao nhiêu người thuộc các thế hệ nhà văn khác nhau trong gần ba phần tư thế kỷ quan tâm, thể hiện và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Việc tìm ra được một vấn đề mới hay cách tiếp cận mới là điều không hề dễ dàng đối với tất cả những người cầm bút hôm nay. Vậy nên chăng, chúng ta cần quan niệm rằng đối với văn chương- nghệ thuật, không quan trọng là đề tài mới hay cũ, mà quan trọng hơn là “cách tiếp cận” mới hay cũ với mỗi đề tài. Đề tài mới mà không có cách tiếp cận mới, thích hợp, chắc gì đã mang lại hiệu quả cho tác phẩm, làm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của công chúng “khó tính” hôm nay, khi mà các phương tiện truyền thông nghe nhìn, mạng xã hội tràn ngập mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Ngược lại, dù đề tài cũ mà có cách tiếp cận trúng và đúng chắc chắn ít nhiều, tác phẩm sẽ để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc.
“Vùng biên không yên tĩnh” của nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến. Tuy nhiên cách tiếp cận này không phải là mới đối với văn chương hiện đại thế giới, nhưng lại còn khá hiếm hoi với văn chương đương đại Việt Nam.
2. Bình, nhân vật chính của tác phẩm, nguyên là sinh viên Văn khoa, từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, trước khi hoàn thành khóa học vào đầu những năm 80, thế kỷ trước. Những năm đầu chàng sinh viên Bình đã có một tình yêu đầu đời với cô bạn gái tên Thu, một nữ sinh cùng khoa, đẹp như giấc mộng vàng: “Người con gái mà anh hằng đêm nhung nhớ đang đạp xe đến gần. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp đã vơi bớt đi vẻ ngây thơ, thêm vào đó là sự già giặn. Mái tóc dài đen mượt xõa ra sau lưng khiến cô mang một vẻ thướt tha kiều diễm chẳng khác gì trong trí nhớ. Bộ váy màu xanh nhạt ôm lấy thân người mảnh mai càng tôn lên cái vẻ nữ tính lại duyên dáng của Thu” (tr.62).
Thế rồi, số phận chẳng thể nào minh định được đối với chàng sinh viên Văn khoa Bình vừa điển trai, lại vừa giàu mộng mơ ấy, bởi một cuộc chiến ngoài biên cương tổ quốc như từ trên giời rơi xuống. Bình đăng lính và tham chiến tại chiến trường Campuchia trong vòng hai năm. “Chàng trai Bình năm xưa ra đi, mang trên lưng một cái ba lô đong đầy những ước mơ và hoài bão. Ước mơ và hoài bão của anh năm đó không phải lí tưởng chiến đấu bảo vệ tổ quốc hay cái gì. Đó là ước mơ và hoài bão về những ngày sau chiến tranh, anh sẽ trở về để xây đắp tổ ấm của riêng mình, tiếp tục viết những áng văn còn dang dở của mình” (tr. 56).
Nhưng sống trong môi trường binh nghiệp nơi chiến tuyến chẳng hề dễ dàng, càng không phải chốn thư nhàn suốt ngày chỉ lo đèn sách, dùi mài kinh sử như những gì cậu ta từng có trước đây. “Cứ thử nghĩ mà xem. Ở nhà đang ăn ngon mặc ấm. Mỗi ngày quần áo là lượt cắp sách tới trường. Những tưởng cả đời chỉ cần cầm cây bút, dùng bút dùng trí tuệ để bảo vệ đất nước cũng là tốt lắm rồi. Ai ngờ đâu lại bị nhét cho thêm cây súng, rồi đẩy đến nơi chiến trường khốc liệt này. Có những lúc trên đường hành quân, tạm dừng chân vì mệt đến một miếng nước cũng chẳng có mà uống. Ai mà chịu nổi cơ chứ?!” (tr. 53-54). Bởi thế cho nên “Đi lính được mấy tháng, từ chàng thanh niên phơi phới của trường đại học lúc này đã bị rút thành một người chỉ có da bọc xương. Đói khổ chẳng nói. Cứ hễ mỗi lần bom đạn giật điên như thế này, ai mà chẳng lo lắng, sợ hãi” (tr. 53).
3. Đã vậy, trong tâm tưởng của đại bộ phận thanh niên thời hậu chiến, kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), việc đăng lính chủ yếu là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phòng khi đất nước có chiến tranh, chứ không phải là đăng lính để lên đường ra chiến trường tham gia chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược ngay lập tức như các thế hệ cha anh thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nên những suy nghĩ như thế này không còn mấy xa lạ với phần đông trong số họ: “Cái lí tưởng chiến đấu trong họ nhạt lắm. Nó không giống với những người lính cụ Hồ đi đánh Mỹ. Lại cũng chẳng bằng nổi ông cha trước đây đánh đuổi quân Tàu. Ở trên cái đất Campuchia này, có đôi khi họ chỉ ước nhanh nhanh kết thúc mà được về nhà” (tr. 53).
“Vùng biên không yên tĩnh” – tiểu thuyết của Thương Hà
Có lẽ vì thế, rời cuộc chiến trở về, Bình dần nhận ra rằng ý nghĩa của cuộc chiến ấy đối với cá nhân anh không như những gì mà người ngoài cuộc tưởng tượng đến mức huyễn hoặc về nó rồi nhồi nhét vào ý nghĩ của những người trong cuộc vừa vượt thoát ra khỏi cuộc chiến như các anh. “Mùa hè năm 83, cho dù vẫn có những đơn vị đóng quân lại nơi đất khách quê người ấy, nhưng cả ba người, họ cùng mang theo ba tấm thân bặm bụi từ chiến trường kéo nhau trở về. Tuy nhiên, làn da trắng đã không còn, thay vào đó là một nước da ngăm ngăm do dãi dầu mưa nắng. Cái vẻ hồng hào phổng phao ngày trước đã không còn nữa. Thay vào đó là dáng vẻ gầy gò, thậm chí hơi thô ráp, phong trần nữa. Trong đôi mắt họ cũng thiếu đi cái vẻ trong sáng, mong chờ vào tương lai ngày nào. Có lẽ những năm ở nơi xa ấy đã mài mòn đi khá nhiều những mộng mơ màu hồng của họ về cuộc sống” (tr. 55).
Dù nơi chiến trường, cuộc sống chủ yếu chỉ có gian khổ, đạn bom và chết chóc, nhưng vẫn không thể làm Bình nguôi ngoai nỗi nhớ người yêu. “Một trái tim với tình yêu và lí tưởng đầy màu hồng. Một chàng trai vẫn mang theo những suy nghĩ cùng ước mơ có chút không thực tế. Lúc này đây, anh nhận ra rằng: mình cần quay trở về với cuộc sống hiện thực này rồi” (tr. 97).
Và thế là Bình lại bắt tay vào một trận chiến mới. Tuy không có bom rơi, đạn nổ, không bị trầy xước về thể xác hay mất đi một phần cơ thể như người bạn thân của anh (Luân), nhưng xem ra trận chiến để giành giật lại tình yêu trong sáng thuở ban đầu sau hơn hai năm xa cách cũng khốc liệt không kém là bao so với cuộc chiến thực thụ nơi chiến trường nước bạn ngày nào. “Người con trai đang đứng trước mặt cô lúc này thật khác lạ. Đó không phải là sự bào mòn của thời gian. Những cái thay đổi của anh là bởi anh vừa bước ra từ một cuộc chiến. Cái bào mòn anh là sự tàn khốc của chiến tranh, là những khắc khổ của vùng biên giới đì đùng bom đạn. Và cuối cùng, cuộc chiến ấy trả về cho cô một người đàn ông xa lạ (tr. 61)
“Ngày mai… ngày mai Thu có rảnh không? Bọn mình hẹn nhau nhé!”
Thu hơi cúi đầu. Cô nhìn đôi giầy bạc màu lẫn lộn trên đó không biết là bùn đất, là máu khô kết lại, là khói bụi hay là cái gì khác trên chân anh. Lại ngẩng đầu nhìn người con trai trước mặt, trong mắt cô xao động một thứ cảm xúc gì đó mà Bình không thể nào hiểu được.
“Mình hẹn nhau sau nhé!” (tr. 65).
Rõ ràng đấy là những cảm thức và suy tư chân thực của phần lớn những người thuộc thế hệ Bình khi mà tiến trình lịch sử của đất nước ta đã hoàn toàn đổi khác: chuyển từ thời chiến sang thời bình. Nó khác xa với các thế hệ cha anh, khi mà họ phải chấp nhận và hy sinh tất cả vì cuộc chiến chống xâm lược của dân tộc, tuổi trẻ không được phép là kẻ đứng ngoài cuộc, mà chỉ có biết: “Lao thẳng cuộc đời đi như viên đạn/ Nhằm chân trời đã rạng đẳng đông” (Năm xưa, buổi lên đường- Cửa mở- Việt Phương). Hay như: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Tiểu đội xe không kính- Phạm Tiến Duật).
Ngay cả người lính trẻ có tên là Thành trước mặt các đàn anh nơi chiến trường cũng không giấu nổi những tâm tư và suy nghĩ chân thực của mình: “Đôi khi suy nghĩ về nó (cuộc chiến tranh mà họ đang tham dự- Đ.NY), em cũng chẳng biết ý nghĩa thực sự của cuộc chiến này là gì. Rồi có lẽ người ta cũng sẽ tổng kết lại, nói cho thế hệ đời sau về những ý nghĩa cao cả của nó. Còn đối với em, người ở nơi đó ba năm, em chỉ thấy được cái đau thương cả về thể xác lẫn tinh thần mà thôi.” (tr. 87).
“Người ta có nhiều lí do để đi lính lắm các anh ạ. Vì lí tưởng rồi thì vì rèn luyện… Còn em, thì vì nghèo.”… “Ở quê ấy mà, làm gì có gì mà ăn. Nhà còn mẹ già còn em thơ. Lúc ấy người ta bảo em, đi lính thì may ra còn có trợ cấp. Nhà nước còn giúp đỡ này kia. Rồi nếu lỡ sau này em có hi sinh thì rồi mẹ em cũng sẽ có một khoản.” (tr. 113).
Cũng cần nhớ lại rằng, giai đoạn 1975- 1986 là thời kỳ nền kinh tế nước ta lún sâu vào kinh tế thời chiến và bao cấp, chuẩn bị tập tọng chuyển sang kinh tế thời bình và thị trường, nên đời sống của người dân, nhất là vùng nông thôn và công chức nhà nước thiếu thốn trăm bề. Bệnh dịch và nạn đói bủa vây tứ phía. Nếu không có các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta kiên quyết đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường thì không biết đời sống người dân khi ấy sẽ như thế nào?
Đọc kỹ những đoạn văn như thế này, hẳn nhiều người trong chúng ta không khỏi giật mình. Cuộc chiến tiêu diệt bọn Polpot-IêngSary trên đất nước bạn Campuchia vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước có ý nghĩa chính trị và ngoại giao giữa hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước láng giềng với nhau là khá rõ ràng, không cần phải bàn cãi thêm gì nữa cho mất thời gian. Nhưng ý nghĩa của cuộc chiến ấy đối với mỗi cá nhân người trực tiếp tham gia thì đôi khi không hoàn toàn trùng khớp với ý nghĩa chung về chính trị và ngoại giao của đất nước hay chí ít cũng không phải lúc nào cũng trùng khớp với mọi ý nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mỗi cá nhân như Thành và Bình.
4. Có thể nói sau năm 1975, thế hệ của những người thanh niên hậu chiến như Thành và Bình, việc đăng lính vẫn là một nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, mà thanh niên ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới xưa nay đều như thế. Nhưng từ việc đăng lính để sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi có giặc ngoại xâm và việc đăng lính để tham chiến như một mệnh lệnh bắt buộc không thể làm khác được, mặc dù có thể kèm theo những đãi ngộ vật chất hậu hĩnh như những người lính Mỹ tại chiến trường Nam Việt Nam, Iraq, Afganistan… trước đây là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.
Sự khác biệt mà tôi vừa nói trên là một trong số những nguyên nhân chính yếu khiến Bình đã mắc phải “Hội chứng sợ bẩn” một biểu hiện của “Rối loạn ám ảnh nghi thức” (OCD). Đây là căn bệnh tâm lý- thần kinh, chứ không phải là căn bệnh do tổn thương thực thể gây nên. Căn bệnh này xuất phát từ những mặc cảm tâm lý nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí con người, nên khi mắc, người trong cuộc vẫn cảm thấy bình thường như không mắc phải bệnh gì. Người mắc bệnh luôn hành động dưới sự dẫn dắt của những rối loạn tâm lý một cách hoàn toàn tự nhiên và luôn được mặc định rằng dứt khoát là phải làm như thế, không thể không làm được. Cảm giác dơ bẩn, nhớp nhúa thì phải đi tìm nước để rửa, không rửa không thể chịu được. Điều đó khiến trong người Bình luôn cảm thấy bứt rứt, khó chịu đến mức không thể nghĩ và làm được bất cứ điều gì khác ngoài việc đi tìm nước rửa.
“Nhìn vết bẩn sậm màu loang lổ trên ống quần và đôi giầy vải trên chân, toàn thân Bình có một cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Ông ngẩng đầu lên, tìm xem nơi nào có nước để rửa những vết bẩn này. Thế nhưng bao vây lấy ông lại là một mảnh sương trắng mờ mờ ảo ảo nhìn không rõ cái gì. Ông chỉ thấy những gốc cây cao to. Những tán lá tỏa ra nhưng không che kín hết được ánh nắng chói chang trên đầu.
Cảm giác ngứa ngáy càng ngày càng lan rộng. Giống như có một đàn kiến đang bò khắp cơ thể ông. Có điều gì đó thôi thúc ông không nên đứng lại ở đây nữa. Ông cần tìm nơi nào đó để tắm rửa, để thay quần áo, để cọ đi những cáu bẩn trên người, trên quần áo, trên giày của mình”… “Bẩn quá!
Thật sự bẩn quá, không thể nào chịu nổi.
Phải tìm chỗ nào đó rửa tay…
Không!
Không chỉ rửa tay.
Quần áo cũng bẩn. Giày cũng bẩn. Phải đi tắm thôi.
Đúng vậy!
Toàn thân đều bẩn.
Phải tắm. Nhất định phải đi tắm (tr. 122-123).
… Uống một ngụm nước mát lạnh, Bình mới nhớ ra mục đích của mình. Lại vục tay vào dòng suối, ông cẩn thận cọ rửa hai tay. Dường như đó đã trở thành một thói quen suốt mấy chục năm nay. Ông cẩn thận cọ rửa từng kẽ ngón tay. Cẩn thận đến mức mà mỗi lần người khác đợi ông rửa tay, họ đều tự hỏi không biết lớp da của ông có bị mòn đi hay không” (tr. 124).
Thật khó mà minh định được cái sự “bẩn” ấy là những vết bám của bùn đất, lá cây rừng thối rữa, xác côn trùng… hay chỉ là một ám ảnh tâm lý do Bình tưởng tượng ra trong giấc mơ. Dù là cái sự “bẩn” ấy được thiết lập bằng cách nào đi chăng nữa thì nó vẫn cứ để lại cho Bình một ám ảnh thực sự. Ám ảnh về sự dơ bẩn ấy không chỉ đem lại cho Bình sự bứt dứt khó chịu hàng ngày, giữa thanh thiên bạch nhật, mà nó còn len lỏi cả vào trong những giấc ngủ của ông ấy, tạo thành những cơn mơ, có khi là những cơn ác mộng đến khủng khiếp.
Chính tâm lý sợ bẩn thường trực trong con người ông, đã khiến Bình có lần bị đột qụy, tai biến dạng nhẹ. Ông đã từng ngã vật ra ngay trong nhà vệ sinh chỉ vì sợ đôi bàn tay ngấm bẩn mà ông đã mất nhiều thời gian có khi là hàng tiếng đồng hồ chỉ để kì cọ những vết nhơ bám trên đôi bàn tay ấy. Do ngâm nước quá lâu nên bị nhiễm lạnh, làm huyết áp tụt xuống đột ngột, gây đột quỵ. Cũng may mà có được sự chăm sóc kịp thời của những người thân trong gia đình ông Luân, người bạn chí cốt ở chiến trường năm xưa.
“Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu người phế binh già (ông Luân- Đ.N.Y). Rõ khổ. Chiến tranh và chiến trường năm xưa gian khổ và khốc liệt là thế, vẫn chống chọi tốt. Không chết. Lại còn lành lặn, nguyên vẹn trở về với quê hương, gia đình nữa cơ chứ. Khối người chả bằng lão ý. Vậy mà nếu có xảy ra cơ sự gì, lão ý chết ở nhà mình hôm nay thì biết ăn nói với đồng đội, người thân, gia đình của lão thế nào. Rồi biết đâu có kẻ xấu bụng, thối mồm lại đơm đặt dựng chuyện. Tất cả là do cái lão Luân già què, suốt ngày làm bạn với cái xe lăn, chả đi được đến đâu, nên thèm người chém gió là cái chắc. Chả biết tự bao giờ lão ý thích đàn đúm với vài người đồng đội, chiến hữu cũ, nên mới hay rủ rê ông Bình và ông Sang đến nhà ăn nhậu, rượu bia. Quá chén, làm gì mà chả lăn đùng ra đấy. Nếu chuyện ông Bình ngã ở nhà tắm nhà mình mà phải ra đi thì mọi công trạng, thiện tâm và tình cảm của mình dành cho ông ấy và bao người khác bấy lâu nay đổ xuống sông, xuống biển hết. Rồi biết đâu có kẻ độc mồm đổ hết tội lên đầu mình. Ông Bình chết là do ông bạn vàng Luân sất. Già rồi còn thích đàn đúm, đú đởn. Những câu chuyện về chiến tranh bao giờ chả thế. Chiến trường nào chả gian khổ, hy sinh, bom đạn và chết chóc. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc hơn ba mươi năm rồi mà kể mãi không chán. Cứ tưởng chỉ có các ông là đi lính, lập công, yêu nước thôi sao. Đã đến nước dồn vào chân tường, trói lại mà đánh chả thằng chó nào không anh hùng, cứ gì ba lão già này… Ui giời ơi. (tr. 8- 9).
5. Tuy nhiên, nếu chỉ có “Hội chứng sợ bẩn” đối với ông Bình là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi không cần đăng lính, những người bình thường vẫn có nhiều cơ hội để mắc những căn bệnh “Rối loạn ám ảnh nghi thức” (OCD). Ví dụ như những người làm trong ngành y, có liên quan đến mổ xẻ tử thi, đỡ đẻ, những người thường xuyên chôn cất người chết ở nghĩa trang, những người chuyên làm nghề bới móc ở các bãi rác thải hoặc những người mắc chứng bệnh tự kỷ bẩm sinh hay thứ phát… đều có thể dễ dàng mắc căn bệnh này. Có thể coi đây như là một căn bệnh mang tính chất nghề nghiệp cao. Và những người lính chiến như ông Bình, dù thời gian không phải là dài, hơn hai năm, nhưng sự khắc nghiệt của chiến tranh đã tì, đè và hằn lên trong ông một cái gì đó mà người ta thường gọi là binh nghiệp, nên mắc căn bệnh này cũng là lẽ thường tình.
Điều đáng nói hơn là từ ngày mắc căn bệnh “Hội chứng sợ bẩn”, ông Bình ngày càng mơ nhiều, thậm chí là gặp những cơn ác mộng khủng khiếp, giống như người mắc chứng “Rối loạn stress sau sang chấn” (PTSD). Có thể nói, những năm tháng trở về sau cuộc chiến trên đất bạn Campuchia, ông luôn sống trong sự giày vò của những giấc mơ và những cơn ác mộng. Ông nhớ lại:
“À, phải rồi. Hình như là, nếu tôi nhớ không nhầm thì có một lần tôi ngủ nằm mơ, không nhớ chính xác là vào ngày tháng năm nào. Đấy là một hôm tôi mơ thấy được một người lái đò đưa đến đền thờ thần Rắn ở bên Campuchia cùng với bè lũ diệt chủng, mà người cầm đầu chính là Polpot. Đến phần tranh tụng với thần Rắn tôi kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình về cuộc chiến chống lại bè lũ Polpot Iêng Sary để đem lại sự hồi sinh cho đất nước và dân tộc Campuchia. Tuy nhiên, tinh thần và thái độ bảo vệ quan điểm của tôi không thực sự minh bạch, rõ ràng, nên không thể thuyết phục được thần Rắn. Từ khi ấy, tôi tự dưng cảm thấy bàn tay mình vấy bẩn, dính đầy những thứ gì đấy lầy nhầy, nhớp nhúa mà không sao gột rửa đi được. Thế là tôi choàng tỉnh dậy, đi tìm nước rửa. Nhưng lạ thay, dù có rửa bao nhiêu lần tôi cũng cảm thấy không sạch. Vì thế lúc nào tôi cũng muốn rửa.” (tr. 16- 17).
Những giấc mơ, hay nói đúng hơn là những cơn ác mộng triền miên như thế luôn đè nặng lên tâm trí ông Bình, người lính chiến già năm xưa. Bất cứ ngủ ở đâu, tại nhà riêng ở Hà Nội, ở nhà ông bạn cố tri Luân, về cố hương hay đi công tác trên Hà Giang, ngủ trưa hay ngủ đêm, hễ đặt lưng xuống là những ác mộng lại ùa về bủa vây, đè nặng lên giấc ngủ, khiến chả mấy khi ông được yên giấc. Đặc biệt những cơn ác mộng ấy thường ập đến nhanh hơn mỗi khi có những gợi ý từ những gì mà ông từng trải nghiệm trước đây hoặc do ai đó kể lại những mẫu chuyện dù có thật hay chỉ là những tin đồn về cuộc chiến khốc liệt nơi chiến trường xưa.
Ông Bình có những giấc mơ rất kỳ lạ hay đúng hơn là những cơn ác mộng. Ông mơ thấy sự thị uy của những linh hồn đủ loại, nhưng chủ yếu là linh hồn của những kẻ ác đi cùng cửa ác với ông để vào đền thờ Thần Rắn trên đất bạn Campuchia chờ luận tội. Xét một cách danh chính ngôn thuận thì ông Bình và các đồng đội của ông đến đây là để tiễu trừ bè lũ độc tài Polpot- Iêng Sary, cứu người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Điều này rõ như ban ngay, báo chí và các phương tiện truyền thông chính thống đã nói như vậy từ cách đây hơn ba mươi năm về trước cho đến tận hôm nay và cả về mai sau nữa. Nhưng theo Bình, Thành và một số người khác thì hình như điều đó không hẳn là như vậy hay chính xác hơn nói như vậy là đúng, nhưng dường như là chưa đủ. Bởi mỗi sự việc, hiện tượng, quá trình lịch sử có thể được nhìn nhận từ nhiều góc độ, chiều kích khác nhau với những thước đo của các hệ quy chiếu về giá trị không giống nhau. Chẳng hạn, người ta có thể nhìn nhận một vấn đề đã xảy ra theo các góc độ như: Chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, đạo đức, tâm linh, nhân văn… Thước đo của mỗi góc nhìn ấy có một giá trị riêng mà không phải lúc nào nó cũng trùng khớp với nhau. Và giá trị của mỗi thước đo bao giờ cũng mang tính lịch sử cụ thể. Không có một thước đo giá trị nào là bất biến,  phổ quát cho mọi không gian và thời gian lịch sử.
Bởi lẽ trong những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông Bình từng chứng kiến bao người dân lành vô tội và cả đồng đội của ông đã ngã xuống vì hòn tên mũi đạn từ hai phía. Nên chăng, chính ông cũng là người có tội, kẻ thủ ác, nên mới phải đi vào cửa ác để đến gặp Thần Rắn luận tội. Nếu không phải là kẻ thủ ác thì người lái đò đã không cho ông lên chuyến đò ấy rồi.
“Nhìn sang xung quanh, những linh hồn trong khu rừng cũng lần lượt đi ra. Họ lướt qua ông, tiến thẳng về phía ngôi đền. Lúc này nhìn những linh hồn đang bay về phía trước, ông dường như nhận ra không chỉ có quân Việt Nam mà còn có cả những tên lính Campuchia chết trận trong cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam năm nào” (tr. 127).
“Những linh hồn tới đây, đều là bước đầu tiên để chuẩn bị luận tội. Người thủ ác thì đi cửa ác. Kẻ thiện lương thì vào cửa thiện. Người vương tình thì đi cửa tình. Mà kẻ làm sai thì đến cửa sai”… “Bình lúc này ngẩn người ra. Cái lạnh sống lưng khi nãy lại ùa về. Hình như tất cả những kẻ mang tội ác đều đang đứng sau lưng ông, nên ông không cảm nhận được chút ấm áp của thiện lương nào trên con đò này. Người lái đò thấy ông không tiếp tục hỏi thì cũng chẳng lên tiếng nữa” (tr. 133- 134).
Nhưng chính điều ấy đã làm dấy lên trong lòng ông một sự ngờ vực mơ hồ. Phải chăng chính mình cũng đã từng gây nên tội ác trước đây đối với người dân Campuchia và đồng đội của mình. Sự sám hối của ông dù muộn mằn, nhưng cũng đủ để thức tỉnh lương tri của loài người về những cuộc chiến tranh, nhìn dưới góc độ nhân văn, chúng đều nhuốm máu đồng loại. Có thể nói đây là một sự sám hội, với “mặc cảm tội lội”, một trạng thái tâm lý, hay nói đúng hơn là một căn bệnh tâm lý- thần kinh khá phổ biến ở những người từng tham gia chiến tranh. Cái nhìn và những luận giải của nhà văn Thương Hà là khá mới mẻ và có ý nghĩa nhân văn so với nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh trước đây đã được xuất bản là rất đáng ghi nhận.
“Ông không hiểu vì sao người đàn ông kia đứng trước mặt Thần có thể bình tĩnh và hiên ngang như vậy. Ông ta lấy cái dũng khí ấy ở đâu ra? Hay nói đúng hơn, ông ta lấy đâu ra sự tự tin rằng mình không có tội. Chẳng lẽ con người sống trên đời này lại có thể chưa từng mắc tội, chưa từng phạm sai lầm hay sao?” (tr. 143). “Dường như từ khi bước chân vào đây, trong đầu ông xuất hiện một ý nghĩ được mặc định rằng những người bước vào cửa ác này đều là người ác. Chẳng phải họ trước khi đến đây đã thông qua một bước sàng lọc của người lái đò rồi hay sao? Nếu họ không phải kẻ thủ ác, vì sao người lái đò lại cho họ lên đò, đưa họ đến chỗ này? Chẳng lẽ có những kẻ thủ ác lại không hiểu được mình là kẻ có tội hay sao?” (tr. 144).
6. Đúng là với những người trong cuộc lúc đang cầm súng chiến đấu, nhiều khi không thể nào ý thức được những hành động của mình là như thế nào, thiện hay ác, đugs hay sai, tốt hay xấu… Khi được Thần Rắn hỏi những linh hồn người lính Campuchia trong quân đội của chính quyền Polpot- Iêng Sary về tội ác diệt chủng, thì chúng đưa ra nhiều cách biện minh, giải thích khác nhau bằng những quan điểm riêng, theo cái lý của họ. Thần Rắn hỏi những người lính Polpot: “Vậy ngươi nói sao về nạn diệt chủng Campuchia? Về những người đã bị các ngươi tàn sát và cả những người dân nơi biên giới Việt Nam?” (tr. 145). Và họ đã trả lời: “Đó là một đất nước lí tưởng mà chúng ta muốn xây dựng nên. Một đất nước lí tưởng không thể chứa chấp những kẻ không tuân thủ pháp luật. Chúng ta phải là một chỉnh thể thống nhất, phải đoàn kết và trở thành một khối. Chúng ta không thể dung thứ cho những kẻ đi ngược lại với lí tưởng của chúng ta. Bọn chúng mới là những kẻ có tội” (tr. 146). “Thần nói đó là nạn diệt chủng ư? Không đâu. Chúng ta chỉ đang xử phạt những kẻ có tội mà thôi. Chúng ta đưa ra những điều luật và muốn người dân phải thực hiện chúng. Những kẻ chống lại đất nước thì hẳn nhiên không thể được dung thứ” (tr.146-147). “Thần cho rằng ta sai ư? Giống như đám quân Việt Nam mang cái tư tưởng sai trái rồi kéo quân sang đánh chúng ta ư? Ồ không! Bọn chúng mới là những kẻ phá hoại đất nước của ta. Đâu phải tất cả thế giới đều nói ta sai?” (tr. 147). Những linh hồn lính Polpot còn lớn tiếng buộc tội cho những người lính tình nguyện Việt Nam sang Campuchia để đi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả mới là những kẻ có tội: “Bọn chúng (quân tình nguyện Việt Nam- Đ.N.Y) là những kẻ phá hoại. Chính bọn chúng mới là kẻ có tội. Chúng kéo quân đến xâm lược đất nước ta, phá hủy chế độ lí tưởng mà ta dày công xây dựng. Lỗi của bọn ta ư? Bọn ta có tội sao? Không! Chính là bọn chúng.” (tr. 148).
Điều này sau khi Bình nghe được đã khiến đầu óc ông rối tung rối mù lên, vì chính ông cũng không thể biết một cách chắc chắn rằng đâu là đúng, đâu là sai, xét về khía cạnh pháp lý và đạo đức, chứ chưa nói đến xét ở những khía cạnh khác như: nhân văn, văn hóa và tâm linh…
“Chẳng lẽ mình đã làm gì không đúng ư? Chẳng lẽ cuộc chiến này của Bình và đồng đội không phải một cuộc chiến chính nghĩa ư? Vậy những năm tháng ăn gió nằm sương, sống trong bom lửa khói đạn của ông và các đồng đội là cái gì? Những người đồng đội, đồng bào của ông đã một đi không trở lại, đã nằm lại trên đất Campuchia là vì cái gì? Vì một cuộc chiến vô nghĩa ư? (149). “Giọng nói uy nghiêm và lạnh lẽo của thần Rắn vang lên khiến Bình run bắn người lên. Chẳng biết vì sao, sau khi nghe thần nói ông lại có cảm giác như mình đã làm sai gì đó. Ông vẫn luôn canh cánh trong lòng chuyện mình được đưa vào cửa ác, đến gặp thần phán tội là kẻ thủ ác. Liệu có phải bởi vì chính ông cũng mang trên mình một tội ác nào đó nên mới phải tới đây hay không?” (tr. 152).
Có lẽ cuộc đấu trí giữa Bình và Thần Rắn tại đền thờ bên đất Campuchia cách đây hơn ba mươi năm về trước đã vượt ra khỏi tầm suy nghĩ và nhận thức của những hàng sinh viên vừa mới rời ghế nhà trường, cầm súng lên đường làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước bạn, mà Bình chỉ là một trường hợp cụ thể. Vì thế nhiều lúc Bình trở nên lúng túng, quẫn trí. Có lúc ông còn cảm thấy những năm tháng chiến đấu trên chiến trường nước bạn có cái gì đó sai sai. Với những gì Bình từng trải nghiệm qua những năm tháng trong quân ngũ đã khiến ông không khỏi có những lúc dao động về tư tưởng và nhận thức khi mà tuổi đời còn quá non trẻ đã phải dấn thân vào một thực tế quá nghiệt ngã nơi chiến trường. Giới hạn của những nhận thức như Bình khi ấy là điều mọi người hoàn toàn có thể hiểu được. Chỉ có những năm tháng rèn luyện và trưởng thành trong quân ngũ, Bình mới dần lớn lên trong nhận thức về cuộc sống vốn rất phức tạp, có khi còn là nghiệt ngã và tàn nhẫn nữa, mà những người trong cuộc không những không thể trốn chạy được, buộc phải chấp nhận nó như một điều không thể làm khác được.
“Những năm tháng trong quân ngũ, tôi dần cảm nhận thấy được cái hiện thực nó thật sự tàn nhẫn đến mức nào. Người ta sẵn sàng nã súng vào nhau, dùng bom để giết người hàng loạt mà chẳng vì bất cứ một lí do chính đáng nào cả. Ừ thì có thể giống như người kia vừa nói. Vì họ cho rằng đó là chính nghĩa, là những điều cần thiết cho một đất nước lí tưởng của họ. Thế nhưng với tôi thì nó thật vô nghĩa”. “Tôi cho rằng chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược là một điều đúng đắn. Cái đó thực sự là chính nghĩa, không hề sai. Là một người con của đất Việt, tôi cầm súng ra trận để bảo vệ quê hương, bảo vệ tổ quốc và đồng bào mình là một điều hiển nhiên (tr. 162). “Những năm ấy, màn trời chiếu đất, gian khổ không tính xuể. Ngay đến một nguồn nước sạch cũng trở thành xa xỉ. Có những lúc tôi cảm tưởng mình sẽ chết khô ở đó chứ chẳng phải chết vì mưa bom bão đạn.” (tr. 163). “Những ngày chiến đấu ở đó, nhìn đồng đội bên cạnh lần lượt ngã xuống. Có lúc tôi không biết mình còn sống là một điều may mắn hay là xui xẻo.” (tr. 163).
Đã vậy, lại còn một sự thật trớ trêu khác nữa, khiến ông Bình càng trở nên hoang mang về cuộc sống này. Người yêu cũ thuở ban đầu là Thu đi với khác đã đành, vì cô ấy không thể chờ một người như ông trong vô vọng. Đến người thứ hai, tên Nhàn, người yêu và là vợ sắp cưới của ông cùng cơ quan đang hiển hiện sờ sờ trước mặt ông hằng ngày. Vậy mà nhoáy một cái đã chim chuột với người đàn ông khác. Như thế làm sao một người như Bình có thể hiểu nổi con người và cuộc đời này là cái quái gì mà lại có thể thay đổi nhanh đến như thế.
“Ông Bình đá cửa một cái. Cánh cửa phòng ngủ vốn không đóng lúc này bị đá văng ra, đập mạnh vào tường như muốn thức tỉnh hai con người đang điên cuồng trong cơn hoan lạc mà quên hết tất cả. Cô Nhàn bị âm thanh ấy làm cho giật mình, quay ngoắt đầu ra nhìn cửa. Người đàn ông kia đang giữ chặt lấy cô, điên cuồng xâm chiếm lấy cơ thể cô cũng giật bắn lên mà cứng người lại.
“Anh… anh Bình… Sao anh… lại về…?”
Nhàn lắp bắp, đẩy người đàn ông đang ôm chặt lấy mình ra. Người phụ nữ vẫn còn đang chìm trong cơn sóng tình bàng hoàng chưa kịp định thần lại, tay chân bủn rủn khiến cô ngã từ trên giường xuống. Mà người đàn ông kia lúc này cũng không nói được lời nào, lẳng lặng vơ lấy quần áo của mình ở gần đó rồi mặc vào.
“Hai người, cút ra khỏi nhà tôi.”… “Cút hết đi!” (tr. 175- 176).
7. Cuộc chiến tranh biên giới Tây – Nam và trên đất bạn Campuchia đã lùi xa hơn ba mươi năm rồi, mọi cái tưởng đã trôi vào quá vãng. Có lẽ với phần đông người lính tham gia cuộc chiến này đều đã quên đi tất cả vì cuộc sống mưu sinh thời nay chẳng còn cho họ thời gian và tâm trí để nhớ nữa. Với người lính già như ông Bình thì điều ấy lại hoàn toàn ngược lại, nhưng cũng không phải là chuyện khó hiểu. Không những ông Bình không quên những gì mình đã trải nghiệm cách đây hơn 30 tại chiến trường Campuchia, mà hơn thế nó còn đè nặng lên tâm trí ông, nhất là trong chuyến đi thực địa tại Hà Giang, tới thăm nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên cùng với những đồng nghiệp cơ quan. Với số đông người tới thăm nghĩa trang liệt sĩ là để thắp nén tâm nhang tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã dâng hiến tuổi xuân của đời mình cho sự bình yên của nhân dân và tổ quốc. Đấy đích thị là một nghĩa cử cao đẹp, một truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta có từ ngàn đời nay. Ông Bình chắc cũng mang theo tâm niệm ấy. Nhưng dường như còn hơn thế nữa, cái mà không phải ai cũng có. Đấy chính là những giấc mơ, những cơn ác mộng luôn trỗi dậy trong giấc ngủ, mỗi khi có cơ hội gặp được những gợi ý về cuộc chiến tàn khốc nơi núi rừng biên cương phía Bắc của tổ quốc trong những năm tháng quân và dân ta đã anh dũng đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc, gìn giữ từng tấc đất quê hương. Trong những giấc mơ ấy, ông Bình từng thấy những cảnh tượng đau lòng đến thê lương đối với những người phụ nữ người dân tộc thiểu số thời tao loạn của chiến tranh và cả sự độc ác, dã man đến kinh hoàng như những con thú dữ của những tên lính Trung Quốc xâm lược.
“Bên cạnh tảng đá ngay chỗ suối cạn, một người phụ nữ trần truồng bị ép nằm trên tảng đá gồ ghề. Mái tóc xõa trên tảng đá càng hiện lên cái vẻ chật vật của cô ta lúc này. Thân người gầy gầy cùng bầu ngực có hơi xệ xuống bị người đàn ông đang đè lấy cô ta dùng một bàn tay xương xẩu bóp chặt. Những cái xoa nắn nặng nề dường như không mang theo một chút yêu thương nào, chỉ là cơn khát thèm nhục dục” (tr.188). “Người đàn ông thân trên vẫn mặc chiếc áo xanh dính đầy bụi bẩn, cái quần tụt xuống đến đầu gối để lộ ra bắp đùi không gầy đét. Anh ta gục đầu xuống vai người phụ nữ kia. Dường như cảm nhận thân thể hao gầy của người phụ nữ này chẳng có mềm mại chút nào, gã lần miệng xuống mút chặt lấy một bên vú của cô ta. Người phụ nữ oằn mình lên, đón nhận cái khoái cảm vừa đau đớn vừa kì lạ ấy. Trong cổ họng không ngừng thoát ra những tiếng kêu rên mà anh ta cũng chẳng biết đó là thứ ngôn ngữ gì.
Bàn tay xương xẩu xoa nắn thân thể người phụ nữ kia rồi kéo hai chân cô ta mở rộng ra. Khao khát giải phóng giữa hai chân đang điên cuồng gào thét khiến anh ta không đợi nổi mà trực tiếp xâm chiếm từng xăng ti mét da thịt của người phụ nữ trước mặt. Một tiếng hét chói tai vang lên rồi sau đó là những tiếng da thịt va chạm nhau điên cuồng. Có vẻ như bởi vì cả hai đều chẳng có bao nhiêu thịt trên người, cái tiếng va chạm vào nhau nó cũng khô khốc và đau đớn như hai khúc xương gõ vào nhau vậy.
Người đàn ông mang theo cái thèm khát mà lấn tới. Anh ta chẳng bận tâm tới cái đau đớn cùng những tiếng cầu xin của người phụ nữ. Hoặc có thể anh ta chẳng hiểu người phụ nữ ấy nói gì… Cơn khát của anh ta đã lên đến đỉnh điểm. Không chỉ là khát nước, khát thức ăn mà còn là khát dục Hai bàn tay xoa nắn trên thân thể gầy gò của người phụ nữ tựa như đang tìm kiếm một cảm giác tuyệt vời nào đó mà chính anh ta cũng chẳng biết được. Chỉ là anh ta thèm, anh ta muốn thỏa mãn cơn khát xác thịt đàn bà mà thôi. Thân thể người phụ nữ nằm trên tảng đá gồ ghề giống như một con cá quằn quại nằm trên thớt. Không thể di chuyển cũng chẳng thể chạy thoát, cô ta đành cố gắng hùa theo những cái đưa đẩy lên xuống của người đàn ông để giảm đi sự đau đớn của chính mình. Con suối cạn bên cạnh chẳng thể làm vơi đi cái nóng bức khó chịu trong khu rừng hoang vu ấy. Cho dù tìm được thứ để giải cơn khát thì người đàn ông kia vẫn có cảm giác mọi thứ là chưa đủ” (tr. 188- 190). “Lúc này đây, cho dù người phụ nữ trước mặt đen nhẻm gầy trơ xương, đôi bầu vú chảy xệ chẳng có chút hấp dẫn nào thì cũng không khiến gã đàn ông kia bỏ cuộc. Gã vui vẻ hưởng thụ người phụ nữ đang nằm dưới thân mình. Đợi lúc gã giải phóng hết sinh lực bức bí trong nhiều ngày qua, gã nhìn người phụ nữ đang nằm thở dốc thất thần kia mà suy ngẫm. Gã nên mang người phụ nữ này về cho đồng đội hưởng xái hay là xử cô ta luôn nhỉ? (tr. 191- 192).
Chiến tranh không chỉ có những tấm lòng nhân ái, vị tha, sự cưu mang đồng loại trong cơn hoạn nạn, mà còn có sự thiếu thốn về vật chất, khốc liệt về đạn bom, và những cái thú tính nhất của con người. Ở đấy dường như không có chỗ cho văn hóa và văn minh cư ngụ, chỉ có bản năng thú vật ăn thịt người bằng đủ mọi cách. Có lẽ chỉ có chiến tranh mới có thể bộc lộ đầy đủ nhất bản chất con người. Ở đấy có bao nhiêu việc làm đầy tính nhân văn về sự sẻ chia, cưu mang đồng loại, thì cũng có bấy nhiêu hành động phi nhân tính nhất về sự bắn giết, cưỡng hiếp lẫn nhau. Câu chuyện mà ông Bình được nghe cậu Dũng, người hướng dẫn đoàn thực địa của ông trên Hà Giang kể lại. Câu chuyện ấy đã gây ấn tượng mạnh, ám ảnh ông trong suốt chuyến đi cho mãi đến sau này khi trở về Hà Nội: “Lúc đó có một chiến sĩ bên mình bị thương trong rừng, vô tình gặp được một cô gái người Dao ở đó”… “Anh chiến sĩ đó được cô gái người Dao kia cứu về. Cũng không biết là cứu về nhà cô gái hay như thế nào đó, anh chiến sĩ được cô gái người Dao kia chăm sóc. Rồi họ chớm nở một tình yêu giữa vùng rừng núi hoang vu hiểm trở đó.” (tr. 234). “Người ta nói sau đó họ gặp phải một toán lính Trung Quốc. Cô gái bị cưỡng hiếp, còn chiến sĩ bộ đội ta thì bị giết chết. Cô gái sau đó phát điên, cứ quanh quẩn trong rừng vậy thôi. Có lúc vào rừng người ta sẽ vô tình nghe thấy tiếng khóc, tiếng gào thét hoặc là bóng một người con gái chạy qua. Nhưng mà trực tiếp gặp được cô gái ấy thì hình như là chưa có ai.” (tr. 235).
Không biết câu chuyện kể của cậu Dũng thực hư như nào, nhưng chí ít nó cũng đã làm cho ông Bình mất ngủ nhiều đêm. Cứ đặt lưng xuống, chợp mắt lại là hình bóng cô gái người Dao lạc trong rừng và người chiến sĩ quân đội ta bị những tên lính quân Trung Quốc xâm lược giết chết một cách dã man lại hiện về trong ông. Không phải chỉ là một giấc mơ về một điều gì đó, mà nó thực sự đã trở thành một cơn ác mộng đeo đẳng tâm trí ông trong một quãng thời gian khá dài.
“Cắt mở xong chiếc áo của anh ta, tên cầm đầu dùng mũi dao chích loạn xạ lên trên ngực người đàn ông kia. Hắn rạch đến đâu là máu đỏ chảy ra theo mũi dao đến đấy. Người đàn ông khẽ rên. Dường như sự đau đớn này cũng không đủ để khiến anh ta có thể tỉnh táo hơn được nữa. Anh ta đã chẳng còn bao nhiêu sức lực nữa rồi. Bình nhìn vết thương vẫn còn chưa khép miệng trên bụng anh ta. Dù nó vẫn đang chảy máu, nhưng nhìn kỹ thì không phải vết thương mới gì. Có lẽ trong lúc bị những tên này hành hạ, vết thương trước đó của anh ta vỡ ra” (tr. 247). “Mũi dao găm đi một đường từ ngực xuống đến cái bụng phẳng lì lép kẹp của người đàn ông kia. Mũi dao dừng lại ở rốn. Hắn lại liếc nhìn cô gái một cái nữa, thấy cô vẫn kiên trì không chịu mở mắt ra. Hắn dùng lực đâm con dao vào bụng người đàn ông trước mặt. Cơn đau đớn ập đến đột ngột khiến anh ta bật ra một tiếng kêu ộ ộ như con bò bị chọc tiết sống.
Nghe thấy tiếng kêu của người đàn ông, cô gái mở bừng mắt ra. Chỉ thấy con dao găm lúc này đã đâm một nửa vào bụng anh ta. Máu tươi không ngừng từ miệng vết thương mà chảy ra như suối. Cô điên cuồng giãy giụa, muốn bổ nhào về phía tên cầm đầu kia. Khuôn mặt ướt đẫm nước mắt cùng mái tóc tung tóe càng trở nên dữ tợn hơn Đôi mắt to trợn trừng lên như muốn nhào đến vặt đầu cái tên độc ác kia xuống” (tr. 249- 250). “Hắn vừa nói vừa cười khả ố. Con dao đã rạch một đường khá lớn trên bụng người đàn ông. Lúc này thân trên của anh ta hơi đổ về phía trước. Theo miệng vết thương mỗi lúc một to, dường như nội tạng của anh ta cũng đang lòi hết ra ngoài. Chúng mày nói xem. Tao mà rạch ra nữa thì ruột nó có rơi ra không nhỉ?” (tr. 251). “Cuối cùng, khi hắn kéo ra toàn bộ nội tạng của người đàn ông kia, cầm trên tay ngắm nghía một hồi, hắn đi đến bên cạnh một thân cây, lấy đà rồi vắt bộ lòng ấy lên cành cây. Bộ lòng bị vắt lên theo đà ấy mà đung đưa mấy cái. Những giọt máu tươi theo đó mà nhỏ xuống, nhuộm thẫm một phần thân cây gỗ khổng lồ” (tr. 252).
Dù thế nào đi chăng nữa, chiến tranh mãi chỉ là những thời đoạn không bình thường (bất thường) của lịch sử. Tuy nhiên “những thời đoạn bất thường” ấy lại có thể làm thay đổi cả một tiến trình lịch sử của nhân loại hoặc lịch sử của một dân tộc, quốc gia và vùng lãnh thổ. Với chiến tranh không có gì là không thể xảy ra. Dù cuộc chiến xảy ra ngắn hay dài, mức độ khốc liệt cao hay thấp và phạm vi chiến sự xảy ra rộng hay hẹp… như thế nào, thì bản chất sâu xa nhất của con người cả mặt lý trí và bản năng cũng được bộc lộ tối đa trước thách thức tồn tại hay không tồn tại hơn là sự đúng hay sai về pháp lý, được hay mất về kinh tế, đẹp hay xấu về văn hóa, thuận lẽ hay ngược lối về đạo đức. Trong chiến tranh, trước bom rơi, đạn nổ chẳng ai hơi đâu mà cân nhắc, luận lý về đúng- sai, được- mất, đẹp- xấu, thuận hay nghịch… mà trước hết người ta cần phải sống, phải tồn tại cái đã. Minh định về những điều đó thường chỉ dành cho những người ngoài cuộc hay chí ít cũng là sau khi cuộc chiến đã kết thúc một thời gian nào đấy, người trong cuộc còn sống sót mới có thể hoàn hồn lại để xem nó như thế nào.
“Chiến tranh là vậy đấy. Cho dù là cuộc chiến nào. Người ra đi chưa chắc đã có thể trở về. Thứ họ để lại không chỉ là hòa bình cho đất nước mà ngày nay chúng ta đang được tận hưởng, mà còn là rất nhiều thương nhớ cùng đau xót của những người yêu thương họ” (tr. 335- 336). “Những gì mà chiến tranh để lại cho ông không chỉ là những ngày tháng hòa bình của đất nước. Nó còn là sự tan vỡ của một tình yêu thời tuổi trẻ, thứ tình yêu đã giúp ông kiên cường vượt qua ba năm khắc nghiệt của chiến tranh. Nó còn là sự xa cách của tình thân. Cho dù ngày sau có cố gắng bù đắp lại thì cũng đâu có dễ. Vì có những thứ giống như một vết cắt thật sâu vào lòng người vậy. Chỉ một khoảnh khắc thôi cũng đủ để người ta mang theo vết thương ấy tới cuối cuộc đời. Một giây khi đứa em gái nhỏ thân thiết không nhận ra anh trai, đôi mắt sợ hãi đầy cảnh giác nhìn về phía ông khiến ông mãi mãi không thể quên được.
Ấy vậy nhưng người ta sẽ chỉ thường nhắc đến những điều cao cả, những điều mang cái ý nghĩa thật lớn lao mà đâu có ai biết được những cái tăm tối, những cái đau khổ phía sau đâu. Người ta cũng sẽ nói về những người đã khuất, những người chưa tìm thấy hài cốt, những gia đình vẫn miệt mài trong công cuộc tìm lại người thân” (tr. 337- 338). “Cuộc sống là vậy đấy! Người ngoài cuộc sẽ chỉ nhìn thấy những thứ to lớn, những thứ vĩ đại mà báo đài vẫn luôn ra rả nói mỗi ngày. Chỉ có người trong cuộc mới nhìn thấy những thứ tưởng như vụn vặt nhưng lại ảnh hưởng đến cả cuộc đời họ” (tr. 340).
“Chiến tranh. Cho dù là cuộc chiến nào đi nữa, thứ còn sót lại vẫn luôn là đau thương cùng mất mát. Lịch sử ghi lại những cuộc chiến tranh có cả những lời ca tụng. Chỉ có những người thực sự là một phần của lịch sử ấy mới hiểu được, cho dù được ghi tên hay không ghi tên, cho dù còn sống hay đã chết, nỗi đau mà chiến tranh mang lại cho những chứng nhân lịch sử ấy là điều không thể thay đổi được” (tr. 406- 407).
8. Tuy không phải là người từng sinh ra, lớn lên và tham dự bất cứ cuộc chiến nào, nhưng nữ nhà văn Thương Hà đã có một cái nhìn đa chiều và cởi mở về chiến tranh, thậm chí có những cái tác giả đã mạnh dạn đặt lại những vấn đề về chiến tranh. Những vấn đề mà tuồng như đã được đóng đinh vào lịch sử trong nhận thức của bao người và bao thế hệ. Với nữ nhà văn này, những điều ấy chỉ mới là điều kiện cần, nhưng còn chưa đủ về nhận thức bản chất của chiến tranh. Những cái nhà văn trình bày trong “Vùng biên không yên tĩnh” đúng hay sai và hay hay dở đến đâu còn phải đợi thời gian và sự phán xét của bạn đọc. Nhưng dù sao, đây cũng là những cái có chuyện để mà nói, có ý tứ để mà suy ngẫm về bản chất của chiến tranh.
Với lối viết khá dung dị, phóng túng và biến ảo giữa kể chuyện và luận đề từ hồi ức, theo kiểu nhớ lại và suy ngẫm thông qua những giấc mơ của ông Bình, nhân vật chính của tiểu thuyết, dễ làm người đọc bị cuốn hút vào sự huyền ảo trong lối viết này của tác giả. Chỉ từng ấy thôi, cũng rất đáng ghi nhận và trân trọng sự cố gắng muốn nhìn nhận chiến tranh theo cách riêng của mình cũng như lòng đam mê với thể loại văn chương tiểu thuyết của nữ nhà văn Thương Hà, nhất là trong lúc các phương tiện truyền thông nghe nhìn đang chực nuốt chửng văn hóa đọc từng ngày, từng giờ. Chúc mừng tác giả và hy vọng sẽ được đọc nhiều hơn những tác phẩm của chị.
Dịch Vọng, 10/6/2022
Đỗ Ngọc Yên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...