Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

"Xúc xắc mặt người" - Cái đích cuối cùng là tìm ra được gương mặt thánh thiện ở con người

"Xúc xắc mặt người" - Cái đích cuối cùng là
tìm ra được gương mặt thánh thiện ở con người

Truyện ngắn “Xúc xắc mặt người” được in trên Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh của nữ nhà văn Ngân Hằng. Sau khi đọc xong câu chuyện vẫn hằn sâu trong tôi về một tâm trạng miên man khó tả. Nữ nhà văn sắp xếp diễn trình câu chuyện không có gì là oái oăm cả, nhưng vẫn khiến người đọc bị hấp dẫn bởi cách kể rủ rỉ của mình.
Thoạt tiên ta thấy bối cảnh của câu chuyện được bắt đầu từ thời kỳ bao cấp. Mọi cái ăn, cái mặc, cái tiêu dùng trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình là đều phải tằn tiện, dè xẻn. Gia đình nhân vật tôi được đặt trong bối cảnh ấy. Nhân vật “tôi” đóng vai trò người kể chuyện- đoạn ban đầu là bằng việc mình nghe lại rồi kể ra cho mọi người cùng biết về cái xuất phát điểm của gia cảnh nhà mình. Đại loại bố là người đi ở rể, ông ngoại là người khó tính và có chức sắc trong làng. Mẹ đến ngày vượt cạn, sinh con gái đầu lòng là “tôi”- ông ngoại không vui, chửi cha tôi là người “vô tích sự”. Với câu chửi đó mà ông trở nên lạnh lùng, ác cảm với đứa con gái của mình. Nhân vật tôi còn rất thơ bé nhưng vẫn đủ cảm nhận về sự thiếu vắng hơi ấm từ người cha. Đọc đến đây ta mới thấy thật chua xót về thân phận con người biết nhường nào.
Tình tiết của câu chuyện được đẩy lên khi mà bố mẹ nhân vật tôi sinh đứa con thứ hai là trai- cũng là năm ông ngoại qua đời. Người cha có một lúc hai niềm vui: một là, từ giờ trở đi mình không còn là thằng “vô tích sự” nữa; hai là, ông được thừa kế mọi địa vị mà ông ngoại để lại. Về cậu ấm, ông đã chọn đặt cho một cái tên để nuôi giữ niềm tin yêu và hy vọng ở một tương lại tươi đẹp về nó. Đối với gia thế của ông cũng nhanh chóng được cải thiện, chẳng mấy chốc ông đã xây được căn nhà “mang nét kiến trúc đa phương, mái vòm cong cong, sàn lát gạch bóng loáng, ti vi, dàn máy, đèn chùm khiến tôi như bước vào một thế giới khác trên mảnh đất thân thuộc”- Một sự thay đổi đến chóng mặt như thế ta biết ông hốt được tiền của nhiều đến cỡ nào.
Nhưng niềm vui, niềm hạnh phúc, sự sung sướng đó đâu có được bền lâu. Nỗi đau đem lại cho ông cũng chính từ hai niềm vui đó mới ban tặng cho ông có hơn chục năm trời. Phần đứa con trai- cậu quý tử thì chưa nứt mắt đã đua đòi ăn chơi, nay cờ bạc, mai lô đề, cá độ bóng đá; người cha có chút của nả cất giấu ở đâu nó cũng lục lọi ra bằng hết. Về phần ông, chuyên lo làm ăn bằng các phi vụ bất chính, ham giàu nhanh, ham lãi cao nên ngoài tiền của mình cho vay lãi cao ông lại còn đi tư vấn và gom hết tiền nhàn dỗi trong nhân dân cho tay “doanh nhân” sang trọng và lạ hoắc vay. Qua đó ông cũng có thể được hưởng hoa hồng với một khoản lời khấm khá. Có ngờ đâu gã doanh nhân kia không cánh mà bay. Còn ông, ông bị bà con đến nhà “xâu xé” để đòi nợ. Quả thực “họa vô đơn chí”. Trong lúc quẫn bách, ông đã yêu cầu cô con gái mà bấy nay ông rất ghẻ lạnh rằng: “bán cái nhà trên thành phố của mày đi”. Ôi sao kỳ quặc vậy, từ khi cô đi làm, chắt chiu bằng những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt cô mới tậu được căn nhà có hơn năm chục mét vuông. Những ngọt bùi trước đây cô không hề mảy may được hưởng một chút gì từ ông. Cô buồn đau đến tột độ và không chấp thuận lời đề nghị của ông. Tình cảm cha con đoạn tuyệt từ khi này.
Phương án một không thành, ông đành quyết phương án hai. Có lẽ trong đầu ông đã thủ sẵn cả hai phương án, nếu chót lọt phương án một thì có thể phương án hai cũng sẽ triển khai. Nhưng mà phải sau đó một thời gian nữa. Do phương án một bất thành nên phương án hai ông tức tốc triển khai ngay. Đó là việc tổ chức đám cưới cho thằng Danh để kiếm ít tiền mừng của khách khứa mà giải quyết công nợ cho nó, không kẽo bọn giang hồ thanh toán cho thì gay. Tưởng xong việc nó sẽ ăn năn hối cải, ai ngờ nó vẫn ngựa quen đường cũ. Thân phận người vợ không khác gì người mẹ của hắn. Đỉnh điểm là nó vào tù, người vợ bỏ đi và người cha bị tai biến. Đến nước này người mẹ đành tìm cô con gái để cầu cứu và cô đã cùng mẹ lần tìm hướng tháo gỡ trong cơn hoạn nạn này.
Bằng ngòi bút nhân đạo, nữ nhà văn đã không nỡ đẩy lên một thảm kịch về một cơn bế tắc là phải có một người nào đó “ra đi”. Vì rằng, nhà văn đã hóa thân vào nhân vật “tôi”- người kể chuyện, cả một quãng đời dài của cô từ trước đến nay chưa nhận được một tình yêu thương nhỏ nhoi nào từ người cha; chưa bù đắp được một phần cực nhọc, lam lũ nào cho người mẹ; chưa là chỗ dựa tin cậy cho người em. Phải thế chăng mà cô chưa nỡ để cho một ai đó phải tìm đến cái chết. Mặc dù đỉnh điểm của cảnh ngộ này để có một người phải ra đi cũng là lẽ tự nhiên.
Truyện được kể với một giọng điệu nhấn nhá, không hối thúc, phù hợp với bối cảnh, không khí của câu chuyện. Người dẫn truyện bao quát và có phần áp đặt lý trí cho hướng đi của câu chuyện nên việc đối thoại của các nhân vật là không nhiều. Truyện chủ yếu bó hẹp trong phạm vi một gia đình cụ thể nên không có các tuyến nhân vật và cái tên của nhân vật cũng chỉ lộ rõ có hai người là: Danh- người em trai và Bình- người em dâu mà thôi.
Song, không vì truyện bó hẹp trong phạm vi một gia đình, hơn tí chút là về làng quê mà nội dung phản ánh về xã hội là chẳng được bao nhiêu. Tất cả những mảng màu được đề cập là những thứ rất nóng trong đời sống xã hội bây giờ. Nào là: vấn đề về bình đẳng giới, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong việc đối xử giữa trai hay gái. Nhưng quan niệm phải có người nối dõi vẫn còn đang rất nặng nề trong mọi tầng lớp nhân dân. Rồi vấn đề về tín dụng đen, xã hội đen, dân giang hồ, dân anh chị. Thông qua nhân vật Danh- đó là lời cảnh tỉnh đến tất cả mọi người. Và người cha là bài học cho những ai hám lời, nhẹ dạ cả tin; phảng phất đâu đó nó như việc người giẫm chân vào thứ “hàng đa cấp”- không làm gì cả mà vẫn giàu và giàu một cách rất nhanh, để cuối cùng ngậm trong mình một cục tức đến uất nghẹn mà chết.
Kết thúc ta thấy nó lấp lánh như một câu chuyện cổ tích. Cái hậu của nó chưa rõ nét, song qua cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt ta thấy đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực ở người cha và người em. Qua đó phần nào lý giải cho cái tựa đề của truyện: một người cha- trước đây ta cứ nghĩ ông là một người lạnh lùng, gia trưởng, luôn cay nghiệt với vợ và con gái, đến giờ này ta thấy ông: “mắt dịu đi, thi thoảng lại đưa tay vẫy vẫy tôi, rồi lấy cằm gại lên tóc mẹ”. Với thằng Danh- trước đây là một đứa trẻ láo cá, cục cằn, thô lỗ thì nay Danh đã biết nói lời xin lỗi và mong chị đi tìm vợ mình trở về. “Xúc xắc mặt người” chính là chỗ này đây. Bởi ta cứ luôn nghĩ rằng ông bố và Danh chỉ có độc một mặt như trên, nó đã cố hữu và khó bề thay đổi. Đến khi này ta mới vỡ ra rằng, cái mặt khuất lấp phía bên kia chỉ khi nào thật cần thiết- nghĩa là hoàn cảnh sống thay đổi thì nó mới lộ ra thôi. Và khi này là một gương mặt thánh thiện được lộ ra thật đẹp, thật đáng yêu.
Ẩn chứa sâu thẳm trong câu chuyện ta thấy nhà văn cũng thật khéo khi đã tạo ra được sự chuyển động trong quan niệm về bình đẳng giới. Người mẹ vẫn giữ nguyên mẫu về người phụ nữ truyền thống, mang nặng lễ giáo khi xưa. Nghĩa là phải sống một cuộc đời cam chịu, cúc cung tận tụy, không được kêu ca, phàn nàn dù mình đang phải chịu nhiều oan nghiệt, khổ đau. Nhân vật tôi và em dâu đã có sự tiến bộ rõ rệt. Sẵn sàng tháo bỏ mọi cưỡng bức, áp đặt và coi thường. Không bị lệ thuộc và cam chịu. Vươn lên để khẳng định mình. Qua những chi tiết dù rất nhỏ trong truyện nhưng đủ sức chứa cho một thông điệp hết sức lớn lao.
Đây sẽ là một câu chuyện dài hơi hơn nữa nếu nhà văn dày công đi thêm một vài lối rẽ. Ví như, truy đến cùng kẻ doanh nhân bảnh bao, sang trọng chuyên đi lừa đảo kia; truy đến cùng hang ổ cờ bạc, cá độ bóng đá của người em để xem ai là kẻ cầm đầu; truy đến cùng người cha này đã được ai nâng đỡ mà dám ngang nhiên quy hoạch đất canh tác của người dân để bán cho doanh nghiệp và ăn phần chênh lệch; đẩy người em dâu sang một ngả rẽ khác là được đại gia chăn dắt, nay cô đã thành một bà chủ tiếng tăm… Tất cả nếu cuốn vào, rất có thể sẽ trở thành một cuốn tiểu thuyết cũng nên. Nhưng không, nhà văn biết dừng đúng chỗ để lột tả được cái tựa đề của truyện. Việc kết thúc như vậy người đọc cũng thấy vui vui vì nó không bị đẩy lên mức tàn nhẫn. Những đòi hỏi để có một câu chuyện hấp dẫn hơn nữa cho người đọc là luôn luôn chính đáng. Nhưng mỗi câu chuyện khi đọc xong thấy lòng mình ấm lại và nó như được giải tỏa một điều gì đó là đã góp phần vào sự thành công cho văn đàn rồi đấy, phải không nữ nhà văn Ngân Hằng.
3/6/2022
Phạm Văn Dũng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người bạn tri kỷ

Người bạn tri kỷ Trích hồi ký “Về người cha là thi sĩ Những người thường lui tới nhà cha con tôi có bác Quách Tạo. Tôi xem như là người an...