Thứ Năm, 9 tháng 1, 2025

Ranh giới ngày - Truyện ngắn Nguyễn Hồng Nhung

Ranh giới ngày - Truyện ngắn
Nguyễn Hồng Nhung

Đoàng! Tiếng nổ chát chúa. Thị tan ra. Bóng đứa bé gái mười tuổi lùi lũi đi về phía những ngôi nhà lô xô. Cái thể xác đằng nào cũng phân rữa theo thời gian. Có tán loạn đâu đâu cũng được. Có khi, vật chất tan rữa ấy còn làm được chút chuyện hữu ích, giúp cho cây cỏ được tốt hơn?…
 
Mở sáng
Không thể giải thích nổi vì sao thị luôn có cảm giác may mắn khi thuê trọ nơi này. Mặc dù, căn gác thị thuê ở tút trong hẻm nhỏ. Lách vào hẻm đó nhiều khi phát phiền vì xe cộ của những người vào ra nơi cửa hàng đầu hẻm. Sớm nào, thị cũng hóng đợi tiếng động từ gian nhà đầu hẻm. Sự hóng đợi của thị giống như tín đồ cần phải lui tới nhà thờ mỗi sáng..
Bà cụ hàng xóm đã dậy. Bà quét lá trên vỉa hè trước nhà, tiếng chổi đập vào ngày mới xàn xạt. Những chiếc lá đi hết một kiếp phù sinh, trở về với đất được bà gom lại, bỏ vào thùng rác. Giá vỉa hè rộng hơn một chút, bà sẽ bảo các con đặt cho mình một chiếc thùng sắt nhỏ phía dưới gốc  cây. Bà sẽ hóa kiếp những chiếc lá trong thùng vào một buổi chiều nào đó. Và như vậy, vào mỗi buổi chiều, bà mới có cớ thúc mình từ gác hai đi xuống. Sáng nào cũng vậy, khi chị lao công  chưa quét tới khu phố nhà mình thì bà đã từ căn gác tầng hai xuống quét dọn. Ngôi nhà nằm trên khu phố buôn bán sầm uất của bà có bề ngang chỉ 3m phủ bì. Kinh tế chưa sung túc nên bà cho thuê nguyên tầng một. Cầu thang lên các căn gác tầng trên nhỏ tới mức một người đi, có chỗ còn phải nghiêng người. Bà ở căn gác tầng hai, con trai, con dâu ở các tầng phía trên.
Tám mươi tuổi, sớm nào bà cũng trở dậy, leo xuống tầng dưới thực hiện việc quét lá. Lúc này, người thuê nhà còn chưa tới mở cửa, con phố còn chưa đông người qua lại. Ngày nào bà cũng đi qua tầng một vốn là phòng khách ấm cúng trước kia của nhà mình mà không sao thấy được nét thân thuộc khi trước. Những chiếc xe máy của con trai, con dâu và các cháu chen kín căn phòng. Hai bên tường là hai chiếc tủ kính đựng mĩ phẩm được người thuê nhà bày biện khá bắt mắt, xen lẫn những lọ hoa nho nhỏ.
Bà mở cửa, đặt chân ra vỉa hè. Đó mới chính là khi bà gặp lại những hình ảnh cũ. Chồng bà, một cựu binh trở về từ chiến trận đang dọn chiếc bàn gỗ nhỏ và lau dọn chúng. Rồi ông quét dãy vỉa hè, pha ấm chè. Bà bưng thúng xôi ra bán… Chén trà rót ra cho khách bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn. Nhưng giá tăng, pha đậm, rót đầy thì lỗ vốn. Pha nhạt, rót vơi thì nghĩ không phải với mình, không phải với khách. Chồng bà tính dẹp hàng nước. Nhưng dẹp hàng nước cũng bớt đi một khoản thu trong khi mình lại chẳng biết làm thêm việc gì. Thành ra vẫn phải mở hàng nước đó. Tự trào mình, ông viết mấy câu văn vần, lúc rỗi rãi lại cùng khách ngâm ngợi, cười vui. Vừa quét lá, bà vừa lẩm nhẩm mấy câu văn đó của ông. Mới vừa hôm qua thôi.
Anh con trai đang ở với bà đã từng cằn nhằn vì việc bà tuổi cao, lại cứ thức dậy sớm quét lá trước cả lao công. Nhưng nhìn vào mắt mẹ, anh lại im lặng. Kinh tế kha khá một chút, anh nhất định sẽ không tham lam mà cho thuê tầng một nữa. Anh sẽ dọn lại tầng một, bài trí phòng khách như thời cha anh còn sống. Buổi sáng nào, hễ đến giờ mẹ xuống gác, anh cũng thức dậy, lặng lẽ trông chừng. Dõi theo bước chân run run của bà cho tới chừng nghe thấy tiếng cửa mở an toàn, anh mới chui vào giường, chợp mắt thêm dăm mười phút. Bà lão sống trong hiện tại với những hoài niệm đã qua vừa thân quen, gần gụi, vừa xa vời, đầy ảo giác. Thị ngóng vọng sự thức dậy của bà lão và quan sát trong yên lặng. Tiếng chổi quét lá của bà cụ trong căn nhà đầu hẻm mở ra ngày mới của thị với nhiều liên tưởng.
Bà cụ vốn là một gia đình gia giáo, có trí thức. Trong gia đình có năm chị em gái, bà là người đẹp nhất. Xinh đẹp, con nhà gia giáo nhưng không hiểu sao bà lại chọn người học trò nông dân của cha mình vừa trở về từ chiến trận để kết bạn trăm năm. Trở về từ chiến trận, chồng bà mở xưởng in. Mở xưởng in, ôngtìm cách liên lạc,  đưa đồng đội cũ về làm việc. Trong số đó, có người không còn minh mẫn. Nhưng, ông cũng  đưa về – như một cách trả ơn vì mình  đã trở về lành lặn.
Rồi xưởng in của ông bốc cháy. Tỏa ra từ đám cháy, Phong – một người đồng đội cũ còn hô “ xung phong”.
Mặt trời giờ trưa
Thị ăn lương công chức nhà nước. Thị ở trọ thời là sinh viên đại học. Tới nay, thị lại ở trọ để đi làm. Vì thế, thị thường ở lại cơ quan vào giờ trưa. Chọn giờ trưa để lôi quyển sổ màu đen luôn thường trực trong túi ra, hí hoáy viết. Bên thị , những chiếc máy tính lặng im – trạng thái chết khô của vật chất. Những váy áo, nước hoa, giày đen và sự đạo mạo cũng chết tiệt cả.
Tiếng thét thất thanh của một bé gái lôi thị xềnh xệch trên mặt đê vắng. Đứa bé gái chỉ chừng chín, mười tuổi, mái tóc lơ phơ. Nó vồ hụt một con cào cào, mất thăng bằng. Tiện thể, nó xoài chân, úp mặt xuống đê. Mùi đất, mùi cỏ, mùi mồ hôi. Mùi của mẹ. Nó bật dậy. Mặt trời giờ trưa chói lòa. Bóng mẹ hút xa về phía chói lòa ấy. Nó gọi mẹ. Tiếng gọi khản hút rồi cũng mất vào vừng trời lòa sáng.
Cha nó – đồng đội cũ của bác Tuy. Cha yêu vợ nhưng hay ghen. Vào những hôm trái gió, trở giời, mẹ vào nhà vệ sinh, cha cầm gậy lăm lăm đứng ngoài. Mẹ sinh  nó. Cha ngó vào mặt dứa bé gái đỏ hỏn: Không có nét nào của cha!
Bác Tuy nhủ em gái một nhịn, chín lành. Rồi cha bỏ đi khi nó hai tuổi. Mẹ quỵ xuống. Nó ở với bác Tuy.
– … Cha bị thương. Viên đạn còn ở trong đầu, không gắp ra được nên thay đổi tâm tính. Chứ kì thực, cha là người tốt..
Năm nào giỗ mẹ, bác Tuy cũng xoa đầu, vuốt nhẹ sống lưng nó mà thì thầm như vậy. Nó hai tuổi, bốn tuổi, vào lớp một rồi chín tuổi. Nó cứ vồ hụt cào cào, mất thăng bằng rồi thét lên.
Thị toan cầm lấy tay. Vừa lúc nó ngẩng lên, mở mắt nhìn thị. Cái nhìn mang theo câu hỏi đầy ngờ vực:
– Ngươi là ai?
Dằn mối tự ái, bực dọc, thị bảo nó về nhà.
Không nói không rằng, nó phủi quần áo, vén lại tóc tai. Nó cúi xuống nhặt cọng cỏ có chú cào cào xanh dưới chân mình. Nó lùi lũi đi về phía những mái nhà lô xô. Nó về với lồng chim của mình, mang cho Họa Mi món khoái khẩu, thay nước từ chiếc cóng được bác Tuy làm bằng vỏ đạn. Họa Mi lảnh lót. Không có thanh âm gớm ghiếc nào của chiến tranh. Giá nó cứ quăng đôi mắt khinh khi nhìn thị với câu hỏi ngờ vực:
– Ngươi là ai – kẻ tự mãn, phàm tục và khép kín? Ngươi đang chứa đầy những gì trong mình vậy?
Như thế, mặt trời giờ trưa chói lòa sẽ trở nên đỡ ám ảnh hơn cái sự lùi lũi kia chăng?
Chừng non một giờ nữa là tới giờ làm. Thị rẽ vào quán cafe trước  cổng cơ quan. Ánh mắt của đứa bé gái lấp loáng trong li cafe màu nâu sậm khiến vị của nó trở nên đậm hơn. Thị để thìa cafe nơi đầu lưỡi. Quán giờ trưa đông khách. Dân văn phòng tụ tập lúc nửa ngày, tán chuyện. Rập rìu cặp tình nhân hò hẹn chớp nhoáng… Đông đúc và xa lạ.
Khi đồng nghiệp trở lại văn phòng để bắt đầu giờ làm việc buổi chiều thì thị cũng về tới. Khoác lên mình phong thái của kẻ tự mãn và khép kín – tuồng như kẻ vừa trở về từ góc mờ ám với cuộc tình giờ trưa vụng trộm.
– Mệt không em?- nữ đồng nghiệp châm chọc
– Cảm ơn chị. Trộm vía, sức khỏe của em chả kém ai nên cũng không mệt gì
Thị ở lại văn phòng giờ trưa mà không cùng tụ tập, hóng  chuyện cùng đồng nghiệp thì nhiều phần là có quan hệ lén lút, vụng trộm, ngoài luồng. Thị khoác cho mình bộ quần áo tự mãn và khép kín mà không giải thích gì. Thị đi lại, nói năng, cười cợt, tự mãn. Những lời ong ì sèo không khiến thị  bận tâm
Bà cụ trong căn nhà đầu hẻm khó ở. Anh con trai cắt hợp đồng của người thuê nhà, bày biện lại tầng một, rước mẹ xuống. Bà  vẫn trở dậy sớm như mọi bận nhưng không quét lá dọc vỉa hè nữa. Buổi chiều, bà mang tấm áo cũ có gắn huy chương, huy hiệu của chồng bày lên chiếc bàn tròn trước bàn thờ gia tiên, ve vuốt.
Giá ngày đó, bác Phong không vì trong lúc lên cơn , đốt cháy xưởng in thì chồng bà có khi thọ thêm được vài tuổi nữa. Nghĩ vậy rồi bà lại thấy có lỗi
– Bác Phong làm cháy, mình mất xưởng in. Đó là cái mất nhỏ. Còn bác Phong, mất cả tri giác về hiện tại. Kí ức thì mảng còn,  mảng mất. Bác Phong mất nhiều hơn, mình ạ!
Sau đám cháy, chồng bà vỏn vẹn từng ấy . Cho tới cuối đời , không hề nhắc lại lần nào.
Bà cụ qua đời. Anh con trai quàn theo cho mẹ chiếc áo cũ của ba. Mỗi sáng, thị vẫn ngóng sang hàng xóm. Tiếng chổi quét lá của bà cụ vọng lại, quét đi những mơ hồ, vẩn vơ trong ý nghĩ của thị. Trước số phận cá nhân, mọi cuộc chiến đều trở nên vô nghĩa.
Bà cụ đã đi tìm người bạn đời của mình ở phía thiên thanh. Căn ngõ chật hẹp, phiền phức bỗng trở nên rộng hoác, trống trải. Như một tín đồ cần phải lui tới nhà thờ mỗi sáng, thị vẫn ngóng vọng vào mỗi sớm mai, tiếng động từ căn nhà đầu hẻm. Đôi khi, thị vẫn nghe rõ như tiếng quét lá xàn xạt vọng lại. Thị cảm thấy hụt hơi. Nặng trịch.  Bà cụ và chồng cảm thấy biết ơn vì sau cuộc chiến  mình đã trở về lành lặn. Rồi bại sản cũng vì lòng biết ơn ấy. Nhưng họ cùng con cháu của mình không oán giận, càng không tìm cách đổ lỗi cho ai. Còn thị, thị căm ghét cuộc chiến ròi tìm cách đổ nó lên cụ thể một con người. Nghĩ tới mình, thị cảm thấy hụt hơi. Người nặng trịch
Phó tổng cần chọn một tấm ảnh làm bìa báo. Thị thần người trước các file ảnh rồi nhấp chuột vào bức ảnh có các bé gái ngồi quanh một thành giếng cũ nơi đầu làng. Góc ảnh như từ thiên thanh ngó xuống. Lũ trẻ ngửa cổ ngước lên. Chúng đang tắm chung, đang nô giỡn xung quanh miệng giếng, trên nền  cánh đồng đang vào vụ gặt. Quần áo sũng nước. Ánh mắt, gương mặt rạng ngời. Thị chọn và cho in ra.
Phó tổng gạt phắt đi:
– Lòng yêu nước nào, tình yên Tổ Quốc nào biểu thị qua tấm ảnh này?
Thay vì thuyết trình, biện minh ý nghĩa của tình yêu nước được biểu thị giản dị mà sâu sắc trong bức ảnh, thị lại lặng thinh. Thị cười. Nụ cười xu nịnh?
Phó tổng vốn làm việc bên trung tâm khuyến nông, không phải là dân báo chí. Khi tách tỉnh, phó tổng nhận được suất ưu tiên con thương binh, theo học lớp nghiệp vụ ngắn ngày rồi chuyển ngành. Bác bỏ tấm ảnh thị chọn, ông thao thao nói  về cuộc chiến, về lòng dũng  cảm, về sự hữu ích của các cựu binh. Sinh sau, đẻ muộn, thị làm gì mà biết về chiến tranh?
Tiếng gọi mẹ thất thanh lôi thị xềnh xệch ra đê vắng. Thị điều đình với đứa bé gái, thuyết phục  nó đừng căm hận cha mình. Nó lặng thinh. Càng thuyết phục, thị càng thấy nó tròn xoe mắt ngạc nhiên. Nó căm hận cha mình khi nào nhỉ?
Chỉ là nó cảm thấy bơ vơ, cảm thấy thiếu sự che chở. Nó càng ngày càng lùi xa thị.        Cái bóng mờ của nó càng ngày càng mất hút về phía những ngôi nhà lô xô.
Ngày thị vào đại học, bác Tuy nói quê nội cách trường thị học chừng mươi cây số. Thị đạp xe tới đầu làng, hỏi thăm rồi mải miết đạp ngược lại. Đó là vào năm thứ nhất, khi thị mười tám tuổi. Có thể, vào lúc đó, thị đã đặt đứa bé gái mười tuổi trước họng đại bác đang chờ nổ. Nhưng, thị lại hòng trông đợi từ họng súng đen ngòm đó sẽ mọc ra những cây non? Bận rộn và mọi xô bồ khác cuốn đi. Thị quên phắt nó.
Tiếng quét lá xàn xạt của bà cụ nơi đầu hẻm vẫn vọng về, quét đi những mơ hồ, vẩn vơ trong đầu thị. Quê nội cách trường thị học mươi cây số. Nghĩa là cách chỗ thị ở trọ thêm mươi cây nữa… Tiếng chổi xàn xạt thúc thị đi. Người xe ngược xuôi. Chảy theo dòng đông đúc đó, vừa trôi, thị vừa thầm mong những mặt người đang lướt đi qua thị kia, đừng ai trong số họ mang trong lòng mối muộn phiền nào đó từ chiến tranh.
Đã tới đầu làng. Những thửa ruộng của mươi năm trước đã được thay bằng những ngôi nhà xây kiên cố. Thị hỏi thăm. Người làng chỉ về phía cuối con đường có dòng mương nhỏ. Đi hết bờ mương, tới một khoảng đất trống. Thị dừng chân. Như một kẻ cố chấp, quen đổ lỗi và không thỏa hiệp, thị quay xe. Bánh xe của lịch sử đã quay. Nhưng, bánh xe của hiện tại, của lòng khoan dung với chính mình có thể chạy theo trái tim chứ. Chả lẽ, thị cứ chứa đầy oán giận, đổ lỗi? Những ý nghĩ xô đuổi nhau nhưng không cách nào dừng vòng bánh xe của thị.
Thị rơi vào đêm qua con đường đen ngòm của họng đại bác. Thị là thuốc súng. Thị là viên đạn. Dây thần kinh căng lên. Thị không ngửi thấy mùi khét của thuốc súng. Thị lại thấy mùi đất, mùi cỏ, mùi mồ hôi. Mùi của mẹ.
Đoàng! Tiếng nổ chát chúa. Thị tan ra. Bóng đứa bé gái mười tuổi lùi lũi đi về phía những ngôi nhà lô xô. Cái thể xác đằng nào cũng phân rữa theo thời gian. Có tán loạn đâu đâu cũng được. Có khi, vật chất tan rữa ấy còn làm được chút chuyện hữu ích, giúp cho cây cỏ được tốt hơn?
Chiếc xe làm bằng gáo dừa và dây song khô chạy về phía thiên thanh, đưa linh không thể phách. Thị thấy mình trống không, nhẹ bẫng. Mình không còn trong họng súng? Thị cười.
– Ngươi rỗng không. Hay quá
Tiếng đứa bé gái trong veo. Nó chìa ra cho thị một cọng cỏ. Thị xòe tay. Chú cào cào mình xanh có lẫn những vệt nâu từ cọng cỏ nhảy sang tay thị. Đứa bé gái thu cọng cỏ về. Thị nắm lấy hai gọng càng của chú cào cào xanh. Một cảm giác được vuốt ve, ấm áp. Thị và chú cào cào mình xanh nằm gọn trong bàn tay gầy, đậm mùi cỏ, mùi đất.
– Chị mang quà về cho em đây.
Đứa bé gái xòe tay. Họa Mi mình nâu vàng nhảy từ chiếc cầu tre xuống cửa lồng. Thị bám lấy gọng càng của chú cào cào mình xanh. Họa Mi ngậm mỏ, nện xuống. Một cảm giác nhói đau xuyên qua lồng ngực.
Tiếng Họa Mi lảnh lót. Đứa bé gái lấy ngón tay trỏ gầy gò, gãi nhẹ vào đầu. Họa Mi nâu nhảy trở lại cầu tre, nhấp ngụm nước từ chiếc cóng được làm bằng vỏ đạn. Họa Mi hót chuyện.
– Hay quá! Ngươi trống không, ngươi chứa đầy âm nhạc.
Tiếng đứa bé gái hân hoan. Gió vi vút nơi triền đê buổi trưa vắng. Tiếng Họa Mi lảnh lót. Thị  – chú cào cào mình xanh, cất mình lên cao.
12/5/2021
Nguyễn Hồng Nhung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. Ch...