Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

 

Nhớ một cựu tù Phú Quốc làm thơ

1 Tháng Tám, 2021

Nguyễn Văn Diệp (*) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An có truyền thống yêu nước. Năm 1943, ông nội và cha anh đều bị thực dân Pháp sát hại khi anh mới được 29 ngày tuổi. Không kịp làm đầy tháng, ông ngoại Bảy Diệp một tri điền sống với nghề làm ruộng, cư ngụ sát biên giới huyện Đức Huệ với nước láng giềng Campuchia xuống Thủ Thừa bế cháu ngoại về nuôi.

Lớn lên trong vòng tay của ngoại cho tới năm 19 tuổi, cậu bé Bảy Diệp chỉ thạo mỗi nghề coi trâu. Bù lại, ngoại dạy anh cách học làm người và truyền cho anh biết viết biết đọc chữ quốc ngữ. Tình cảm yêu thương của ngoại là cội nguồn thổi vào anh cảm xúc của thi ca và chí trả thù cho cha và ông nội. Năm 1962, Bảy Diệp năn nỉ xin ông ngoại đi theo Cách mạng ngay trên quê hương. Năm 1963, nhân chuyến về công tác nơi chôn rau cắt rốn ở huyện Thủ Thừa, Bảy Diệp không giấu xúc động, nhờ thơ bộc bạch lòng mình:

Ta về xóm nhỏ quê xưa

Ghé thăm mảnh đất nắng mưa dãi dầu

Thuở nghèo ở ngoại, coi trâu

Dưới chân đỉa cắn, trên đầu trời mưa

Năm 1997, nhân lên huyện Đức Huệ tác nghiệp nghề báo, tôi tìm gặp Nguyễn Văn Diệp (Bí thư huyện ủy Đức Huệ) được anh kể về tết Mậu Thân (1968) đơn vị anh tấn công vào Sài Gòn. Lần ấy, anh bị thương, bị bắt làm tù binh, bị đày ra trại giam Cây Dừa ở Phú Quốc. Năm 1972, trong một lần anh và bạn tù bị đưa  lên rừng làm khổ sai, lợi dụng lúc bọn quân cảnh sơ hở, anh cùng bạn tù tấn công bọn coi tù, các bạn tù bị sát hại chỉ mình anh chạy thoát vào rừng sâu. Sau mấy ngày lạc rừng, anh gặp được du kích huyện đảo Phú Quốc đang bám trụ chống càn, Bảy Diệp trình bày hoàn cảnh trốn trại và xin gia nhập lực lượng vũ trang huyện đảo để được tham gia chiến đấu. “Sau gần một năm chiến đấu với du kích Phú Quốc, tôi xin trở về đất liền. Được du kích huyện đảo đồng tình, tìm cho tôi một chiếc xuồng của ngư dân đi câu mực đẻ tôi giả vờ làm ngư dân đi biển tìm đường vào bờ” – Bảy Diệp kể. Do không có la bàn định hướng nên chiếc thuyền của anh đi lạc lên đất Campuchia. Anh được bà con nước bạn cưu mang và hướng dẫn giúp anh trở về căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ đang đứng chân trên đất bạn. Ở căn cứ TW Cục một thời gian không dài, Bảy Diệp xin trở về chiến trường Long An tiếp túc chiến đấu cho tới ngày giải phóng 30/4/1975. Tôi đã được nghe nhiều cựu tù Phú Quốc thuật chuyện dùng dây kẽm gai, muỗng ăn cơm khoét hầm ngầm từ trại giam dài hàng trăm mét để vượt nhà tù, nhưng đây là lần đầu tôi được nghe Bảy Diệp kể chuyện đánh bọn coi tù thoát ra làm du kích địa phương rồi vượt biển trở về đất liền. Năm 1997, Bảy Diệp xuất bản tập thơ đầu tay “Bóng quê” (Nhà xuất bản Trẻ in và phát hành). Không đề tặng, không màu mè câu nệ, Bảy Diệp dí tập “Bóng quê” vào tay tôi, nói rổn rảng: “Coi đi cho biết. Biết mới nói!”. Tôi trân quý cầm tập thơ “Bóng quê” và tìm đọc mấy bài nói về nhà tù Phú Quốc dưới góc nhìn của người chiến sỹ không biết sợ hãi trước lao tù, luôn lạc quan trước sự sống và cái chết:

Nhà tù là trại nghỉ chân

Dùi cui, ba – trắc dằn lưng đỡ buồn.

Tôi tò mò hỏi Bảy Diệp:

– Anh xa nhà tù Phú Quốc gần một phần ba thế kỷ, điều gì làm anh day dứt khi nghĩ về Phú Quốc?

Tôi ngó hai mí mắt người Bí thư huyện ủy vùng biên giới. Giọng anh buồn buồn, kể:

– Một số bạn tù rủ nhau vượt đảo, có người chưa kịp trở về đất liền đã phải hy sinh ngay trên đất Phú Quốc, không được cùng mình cầm súng chiến đấu. Rồi anh chậm rãi khóc bạn bằng thơ:

Một phút nghiêng mình xin bái biệt

Những người trung liệt bỏ quên thân

Chiều ra thăm mồ, đêm vượt biển

Đảo ơi, nằm lại hỡi bạn thân

Bảy Diệp nói nhỏ đủ tôi nghe: “Đọc nghe, đừng bình. Tao không rành lý thuyết thơ đâu nghe!”. Liền đó, Bảy Diệp lái sang chuyện canh tác 3,6 ha mía của vợ chồng anh. Anh kể: Hồi trước, đất trồng mía là đất trồng lúa nhưng không có ăn vì nhiễm phèn nặng, lại bị ngập khi lũ về. Hết ngập lại bị chuột phá hại nên quay sang trồng mía. Mùa đầu gặp lũ lớn cuốn phăng cả mía và vốn đầu tư, liền đắp đê bao, năng suất khá lý tưởng. Nhưng khi đem sản phẩm ra thị trường tiêu thụ lại bị gánh nhà máy đường Hiệp Hòa và mấy tay trung gian thu mua mía hết ép giá quay sang chê “chữ đường” (chỉ số chất lượng mía) thấp. Đêm ức quá, ngủ không nổi, liềm chồm dậy phóng thơ chia sẻ sự thua thiệt với vợ và cô bác cùng cảnh trồng mía để trị mấy thằng làm cha nông dân. Bài thơ “Gió và mưa” ra đời trong tức cảnh ấy:

Thương em cực khổ trăm phần

Còng lưng hứng hạt mưa dầm đồng sâu

Làm nhiều, chẳng được nhiều đâu

Ngồi không mà hưởng là sâu đục cành.

Tôi chân tình hỏi Bảy Diệp:

– Nhờ dân trọng, Đảng tin nên ông mới có 16 năm thâm niên làm Bí thư huyện ủy vùng biên giới, mấy năm nay thêm vị trí Thường vụ tỉnh ủy (Tỉnh điều lên làm Trưởng ban dân vận tỉnh ủy nhưng anh xin ở lại làm Bí thư huyện ủy), chả nhẽ chức ấy, quyền ấy chỉ để làm thơ và uống rựu với cánh nhà báo chúng tôi?

Bảy Diệp chồm lên, xuýt đổ ly rựu, xúc động nói, đại ý: Cũng có lúc rơi vào cảnh lực bất tòng tâm. Thấy bà con nông dân cực khổ làm ra hạt lúa, cây mía lại bị thiên tai phá, bị trung gian ép giá phết phẩy chèn giá… Phải cùng Đảng, Chính phủ và nông dân tìm cách tháo gỡ. Rất mừng, Đảng và Nhà nước đã sớm khắc phục thông qua những chủ trương, chính sách đối với nông dân. Bản thân cấp huyện chúng tôi tích cực tham gia, góp phần xây dựng chính sách có liên quan đến nông dân – nông nghiệp và nông thôn. Bảy Diệp nêu ví dụ về 3,6 ha mía của vợ chồng anh. Nhờ đó, mỗi vụ mía, vợ chồng Bảy Diệp lãi gần 30 triệu đồng (thời giá năm 1997). Bỗng Bảy Diệp cười phá lên, anh thổ lộ: “Nhờ mía, mỗi năm vợ trích 20 tấn sản phẩm chia cho tôi in thơ!”. Hèn chi, vài năm sau anh tiếp tục cho ra lò tập thơ thứ 2: “Dáng mẹ” do Hội văn nghệ tỉnh Long An hợp tác với Nhà xuất bản Văn học in và phát hành. Đề tựa  tập thơ “Dáng mẹ”, nhà thơ Bảy Diệp viết: “15 năm làm một Bí thư huyện ủy huyện biên giới, nghề chính viết Nghị quyết chớ không phải làm thơ, nên không rặt thơ lắm. Đơn côi ở góc trời Đồng Tháp Mười (ĐTM), không có điều kiện điêu luyện nghệ thuật, có thể trong thơ còn nhiều sạn, giống như đám lúa tươi bị lốm đốm một ít phèn vậy”. Anh viết:

Giọt thơ là trái tim lòng

Theo dòng lục bát chảy trong cuộc đời

Tôi đã nghe, đã đọc không biết cơ man nào về tiểu luận dài có, ngắn có bình về thi ca, nhưng chưa ai ví hạt sạn trong thơ như Bảy Diệp so sánh “Giống như đám lúa tươi bị lốm đốm một ít phèn vậy”.

(*) Nguyễn Văn Diệp (Bảy Diệp): sinh năm 1943, mất cuối năm năm 2010.

– Hội viên Hội Văn Nghệ Long An.

– Tác phẩm:

+ Dáng quê, NXB Trẻ, 1997

+ Bóng Mẹ, NXB Văn học 2003.

Khuynh Diệp

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu: Dành cả cuộc đời để viết tình ca

1 Tháng Tám, 2021

Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu (1924 – 2015) là một tên tuổi lớn trong làng nhạc Việt Nam, suốt hơn nửa thế kỷ qua ông đã ghi khắc trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng ấn tượng sâu đậm bởi rất nhiều ca khúc nổi tiếng, sống mãi với thời gian.

Có thể nhắc tới nhiều bài của ông đã trở nên quá quen biết: “Đoàn vệ quốc quân”, “Những ánh sao đêm”, “Tình trong lá thiếp”, “Thật là khó nói”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Đêm nay anh ở đâu?”…

Nhiều người có thể không thuộc hết nhưng có lẽ đều biết và ưa thích những bài hát trên. Âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có nhiều điểm độc đáo, đặc biệt. Ngoại trừ bài “Đoàn vệ quốc quân” sáng tác từ trước Cách mạng tháng 8 và một bài sáng tác thời kỳ chống Mỹ với bút danh Huy Quang mang tên “Ra tiền tuyến” thì hầu như ông chỉ viết tình ca (bài hát nói đến tình yêu đôi lứa). Đặc điểm nổi bật ở những bài tình ca của ông là luôn gắn tình yêu nam nữ với bối cảnh xã hội, hoàn cảnh đất nước nhưng ca khúc có giai điệu rất mềm mại, lãng mạn chứ không một chút lên gân, khô cứng.

Dẫu có viết về bất cứ đề tài nào ông cũng viết dưới dạng những bản tình ca và đều có đời sống bền vững trong trái tim nhiều thế hệ công chúng ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Bằng chứng là trong các chương trình biểu diễn, nhiều ca sỹ trẻ thích dòng nhạc nhẹ cũng đồng thời hát nhiều ca khúc của Phan Huỳnh Điểu. Ông là nhạc sỹ ở thế hệ cây đa, cây đề nhưng vẫn có nhiều công chúng trẻ tuổi ái mộ. Hưởng thọ 91 tuổi (sinh năm 1924 tại Quảng Nam), nhưng khi đã bước vào tuổi 80, ông vẫn cho ra đời nhiều tình ca hay, vẫn rất “ăng vô” (vào) công chúng.

Ông là một trong những nhạc sỹ đã làm cho “nhạc đỏ” trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bất cứ thứ nhạc nào khác. Nếu ai có chút kiến thức về âm nhạc sẽ thấy Phan Huỳnh Điểu hầu như chỉ viết bài hát ở điệu thức thứ (mineur) và đa số chỉ dành cho đơn ca. Ngay cả hai bài “Hành khúc ngày và đêm” và “Cuộc đời vẫn đẹp sao” tuy ít nhiều mang tính chất hành khúc nhưng vẫn lộ rõ màu sắc đơn ca hơn là hát tập thể. Một điểm dễ nhận thấy ở người nhạc sỹ xứ Quảng này là rất sở trường với việc phổ thơ. Phần lớn ca khúc của ông đều phổ thơ của người khác. Ông là một trong những nhạc sỹ phổ thơ nhiều và thành công nhất, là bậc thày trong lĩnh vực này.

Cũng như nhiều nhạc sỹ, văn nghệ sỹ khác ở nước ta, Phan Huỳnh Điểu cũng phải làm một cán bộ, công chức chứ không thể chỉ chuyên sáng tác. Nhưng ông đã không cáng đáng một chức vị gì đáng kể mà nói theo cách nói dân giã là cả đời chỉ ngồi bệt xuống đất chứ không có chiếc “ghế” nào. Tuy nhiên, khi Hội Nhạc sỹ Việt Nam mới được thành lập vào năm 1957, ông được bầu làm Ủy viên thường vụ của Ban chấp hành. Nhưng đó là do được bầu và cũng chỉ trong một hai khóa gì đó. Rồi ông xin rút lui vì tự cho rằng mình không hợp với bất cứ chức vụ gì dù chỉ là đoàn thể. Từ đó, ông chỉ chuyên tâm vào sáng tác.

Tôi là thế hệ con, em, học trò của Phan Huỳnh Điểu. Khi ông còn ở Hà Nội, chưa vào sinh sống ở TP. HCM, tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với ông. Ông chỉ hào hứng nói chuyện âm nhạc, chuyện sáng tác. Ngoài ra, không có chuyện gì có thể khiến ông say mê, miệt mài. Nói chuyện gì khác chỉ được ít phút rồi thể nào cũng quay trở lại chuyện âm nhạc. Không như nhiều người sáng tác khác thường chỉ thích nói đến tác phẩm của mình mà thờ ơ với tác phẩm của người khác, Phan Huỳnh Điểu đã khiến tôi rất quý trọng vì ông luôn lắng nghe tác phẩm của bất cứ ai khi muốn ông nghe, góp ý.

Khi tôi vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Văn học, đang tập toạng sáng tác âm nhạc, đã tìm đến làm quen với ông và được ông tiếp đón ngay, không một chút kênh kiệu, khoảng cách, mặc dù lúc đó ông đã rất nổi tiếng. Tôi xin được ông chỉ bảo cho những bài hát mình mới tập viết. Ông chăm chú nghe, thường yêu cầu tôi hát đi hát lại nhiều lần. Có bài ông góp, gợi ý cách sửa ngay, có bài ông nói cứ để đó, lần sau đến, sẽ góp, có nghĩa ông cần thời gian suy nghĩ, nghiền ngẫm.

Những năm tháng đó, con người ta vô tư, trong sáng, ít tính toán như bây giờ. Nay nghĩ lại, tôi tự thấy rất ngượng vì luôn làm phiền ông mà không có bất cứ hình thức gì đền đáp lại ngoài việc năng lui tới chơi với ông. Mà cũng chỉ là thăm “suông”. Vậy mà tôi cứ “hồn nhiên như cô Tiên”, thi thoảng đến làm phiền ông cả buổi. Có lần lại còn được ông giữ lại, mời ăn cơm vì trao đổi bài vở đến quá trưa.

Ai mà tiếp xúc với ông thì sẽ không thể quên đôi mắt to, đen, luôn ướt rất có hồn của ông. Hồi đó, tôi chưa có vợ, cứ thầm nghĩ trong lòng không biết ông có con gái không. Nếu có, chắc phải giống cha. Và nếu giống ở đôi mắt thì sẽ tuyệt đẹp. Nhưng tôi không dám hỏi ông. Vì toàn đến chơi với ông vào giờ hành chính nên ít gặp người khác ở nhà. Rồi thời gian trôi đi, sau đó tôi chẳng nghĩ đến chuyện “hão huyền” đó nữa.

A person and person smiling

Description automatically generated
Vợ chồng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhạc của Phan Huỳnh Điểu làm sao thì con người ông làm vậy. Ông đôn hậu, hiền hòa, điệu đà, dường như không giận ai bao giờ. Ấy là tôi nghĩ một cách chủ quan, đơn giản như thế. Cũng bởi tôi biết rõ từng có người khá đố kỵ, không ưa ông, hạ thấp giá trị tác phẩm của ông. Nhưng ông vẫn nghĩ về họ tốt, vẫn dành những lời trân trọng khi nói về họ. Tôi tưởng ông không biết người kia kỳ thị mình bèn hỏi một người khác cũng rất thân với ông. Người này nói với tôi: “Phan Huỳnh Điểu là thế. Ông ấy không bao giờ chấp nê ai”. Quả là một bài học quý cho tôi về đối nhân xử thế, về sự độ lượng, nhân ái trong việc nhìn nhận con người.

Tôi nhớ mãi một lần cách đây đã gần 40 năm, tôi bị một nhạc sỹ cũng rất nổi tiếng cùng thế hệ với Phan Huỳnh Điểu chèn ép khi cùng sáng tác bài hát cho một tỉnh ở miền Tây Nam bộ. Vị nhạc sỹ này thậm chí còn yêu cầu địa phương nếu đã mời ông thì chỉ một mình ông, không mời thêm bất cứ ai, huống hồ một người còn trẻ (khi ấy), chưa có bề dày tác phẩm như tôi.

Biết chuyện này, khi gặp Phan Huỳnh Điểu lúc này đã về sống ở TP. HCM, tôi kể với ông thì được ông động viên: “Không việc gì phải buồn. Đó là lẽ đời dễ hiểu. Em hãy dốc sức vào viết bài cho tốt. Đó chính là động cơ để em cay cú mà sáng tác hay. Địa phương người ta sẽ thấy thôi. Nhất là công chúng, cứ hay là họ thích, đâu có để ý bài của ai, thày hay trò, có nổi tiếng hay chưa”.

Và cuộc sáng tác lần ấy, tôi đã thành công. Địa phương này đã chấp nhận bài của tôi chứ không phải bài của nhạc sỹ nổi tiếng kia. Sau lần đó, ra Hà Nội, tôi được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam cũng từ “phi vụ” thành công này. Tôi mãi mãi biết ơn Phan Huỳnh Điểu đã có lời động viên đúng lúc, như là cho tôi uống một liều thuốc bổ tinh thần, đã khích lệ tôi vượt qua sự buồn phiền dễ có ở một người trẻ chưa có nhiều bản lĩnh trong cuộc sống.

Và giờ đây, Phan Huỳnh Điểu đã rời khỏi thế gian. Tôi quá tiếc nuối và hối hận vì trước khi ông mất ít ngày, tôi có mặt ở Sài Gòn, nhưng vì bận nhiều việc mà đã không đến thăm ông. Lúc đó, ông đã trên 90 tuổi. Nhưng đâu có nghĩ ông lại ra đi chỉ vài tuần sau đó. Chẳng cứ gì tôi vốn mang ơn ông từng đã chỉ bảo việc sáng tác trong quá khứ mà bất cứ công chúng nào yêu thích âm nhạc đều dễ thấy thật khó có sự thay thế một giọng điệu ca khúc sâu lắng, cuốn hút, mượt mà và cực kỳ truyền cảm như ông.

Phan Huỳnh Điểu mất đi, để lại cho đời sống âm nhạc nước ta một khoảng trống quá lớn, không dễ san lấp. Hôm nay, trong sự ồn ã, thậm chí là bát nháo của rất nhiều loại nhạc, loại tình ca lâm ly, sướt mướt rẻ tiền, người ta vẫn gọi là “não tình” mà không ít bạn trẻ ngộ nhận đó là hiện đại, là sành điệu đang có nhan nhản ở khắp nơi, mới càng thấy quý, thấy nhớ thứ “đặc sản” tình ca của Phan Huỳnh Điểu. Ông quả là rất xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh được Nhà nước trao tặng. Nhưng cao quý hơn là ông đã và sẽ sống mãi trong tâm khảm công chúng bởi rất nhiều ca khúc luôn sáng lung linh như những viên ngọc, không lớp bụi thời gian nào có thể phủ mờ.

Nguyễn Đình San

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Hạt bụi bay ngang qua thân thể em

3 Tháng Tám, 2021


Có quá nhiều đam mê

Tôi thấy em không manh áo

Hơi thở bay trắng mây

Nuôi dưỡng những trận mưa nước mắt

 

Đôi chân em đạp hai mái chèo

Như đôi cánh bồ câu trắng 

Những ngọn cỏ ven bờ nằm sập xuống

Cơn gió trườn đá nhấp nhô

Tôi rướn mắt 

Em cầm hòn than trắng

Viết vào mạn thuyền:

“So much passion and no love!”  (*)

Tôi nhe lưỡi 

Một giọt đỏ nhỏ xuống

 “Tôi yêu em” 

Bóng hoàng hôn tròn

Nhỏ dần tôi nhỏ dần tôi thành hạt bụi bay ngang qua thân thể em.

 (*) thơ Vladimir Holan, trong bài For himself.

 

      

Bóng tối 

Bồng đứa con gái trên tay

Ánh mắt em như lửa

Khêu sáng đêm cắt điện

 

Rượu cứ chảy ra bay lên nôn tháo

Từ cái miệng của hắn

Phả một hơi dài vào ngọn lửa đam mê

Đẩy em bồng đứa con vào góc nhỏ của bóng tối hu hu

 

Từ cái miệng loi nhoi đứa con nhỏ những giọt âm thanh

Chấn động buồng ngực lẻ loi tắt ngấm các vì sao xa Lắc

Bóng tối dọa dẫm nhưng em không hề biết.

 

 

Tiếng hú 

Khi rời em 

Linh hồn anh nhảy múa

Trên chiếc lá còn đọng lại vệt hôn của nắng

 

Khi ấy anh tháo thân thể ra

La cà nhiều nơi

Trút bỏ những giọt lệ xóa vết chân em

Nhưng không thể xóa mùa đông đần độn

Lao tới những chiếc lá úa những móng tay nặng nhọc

Cài đặt âm thanh của em

Lê thê những tiếng hú

Mụ mẫm chuyến xe buýt vội vã về ngoại ô xa xôi

Từng ngày từng ngày

Linh hồn anh nhảy múa trên thân xác của ký ức

Được phơi bày từ thế giới của bài thơ lộn ngược.

 

 

Tôi là ánh sáng

Nhìn mùi thơm bay 

Tôi dang tay

Một đóa hồng đỏ thắm rụng trên gò hỏa tinh

 

Tôi được bao bọc bằng hương thơm

Nàng hỏi: “Anh là ai?”

“Tôi là ánh sáng”

 

Phía xa 

Tiếng xe gầm thét vỡ vụn 

Giang hà những ai đố kỵ.

 

 

Quá tải 

Em cảm thấy vô lý để tự hỏi:

Sao anh hờ hững như hạt sương giọt nắng như làn gió vô tri như dòng sông hoài chảy qua hình hài câm lặng

 

Ôi chờ đợi:

Đám mây đen trên đầu em nặng nề trên vai em bỏng rát trên môi em nhạt nhòa quá tải đối với em.

  

                 

Khúc le buồn 

Ta nắm tay

Dưới bóng trăng già ghì giữ tuổi thơ bay 

 

Vàng lá nghiêng chao 

Núi trọc cô đơn bến nước trơ gan tàn khúc le buồn

 

Đêm bên thác nước đâu đỏ đôi mắt của rừng

Gã vô lại trong thế giới văn minh nâng cốc.

Bùi Minh Vũ

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Nói chuyện với cây phượng trước nhà

3 Tháng Tám, 2021

Những ngày thành phố đang đau

Cây phượng trước nhà năm nào cũng nở hoa

Anh vội ra khỏi nhà sớm mai và về nhà khi phố phường đã chong đèn báo tối

Anh cán bánh xe lên xác hoa

 Những mùa hè đi qua và cây phượng vẫn cứ nở hoa

 

Cứ mỗi ngày những con rắn mối quẩn quanh trong khu vườn nhỏ

 Chúng hồn nhiên chạy loanh quanh theo bóng nắng của ngày

 Những rắn mối quen bóng người như ngày và đêm quen gió

Anh đi về thì chúng đã ngủ say

 

Mỗi ngày chiếc loa phường đúng giờ vẫn phát ra những bản tin quen thuộc

Thỉnh thoảng chen những bản nhạc rộn ràng

Sáng sớm anh ra đường chiếc loa còn im ắng

Khi anh về thì bản tin chiều cũng đã phát xong

 

Mỗi ngày, cứ mỗi ngày mở khép

Anh nhìn bầu trời xanh trong và những con đường rộn vui như hội

Rồi một ngày và nhiều ngày anh thức dậy sớm mai sương

Chợt gặp cây hoa phượng đỏ rực một góc trời đến lạ

Là con rắn mối chạy tìm chỗ trú thân

Là chiếc loa phường phát bản tin buổi sáng

 

Đó là những ngày thành phố đang đau.

 

 

Nói chuyện với cây phượng trước nhà 

Đúng sáu giờ sáng chiếc loa phường báo thức

Cây phượng trước nhà cũng vừa ngủ dậy

Mở cánh cổng nhà bước ra con đường vắng

Nói chuyện với cây phượng

 

 Những cánh đỏ rơi theo con gió dịu dàng

 Trên con đường những xã hoa khô

 Nhà hàng xóm đã khóa cửa đi trốn dịch

Nên những xác hoa cứ  ở lại với cuộc đời

 

 Sáng nay loa phường đọc thông báo chống dịch

 Giống như đang cố níu lại những ngày tươi đẹp

Những ngày hôm qua và những ngày này ôi lạ quá

Sáng sớm mai ra trước cổng nhà nói chuyện với cây hoa phượng

 

 

Một ngày

 Bước ra sân nhìn cây hoa giấy

 Vào trong phòng bật mở ti vi

 Những âm thanh dường như đang bay

 Trên những cánh đồng vắng người hái lượm

 Mở facebook đọc tin giãn cách

 Những sợi dây giăng những chốt chặn trên đường

 Đi ngang đường một chị đeo băng đỏ

 Cầm loa đọc bản tin rất buồn

 

 Lại mở cửa ngắm cây hoa giấy

 Cây rất buồn nên cây nở ít hoa

 Vào trong nhà tắt mở ti vi

Rồi lại ra sân ngắm cây hoa giấy

Ôi bình an, bình an, bình an

Nhắn tin cho những người thân yêu

Lại đi ra ngắm cây hoa giấy

Lại vào phòng tắt mở ti vi.

Khuê Việt Trường

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Nơi đôi mắt lang thang

3 Tháng Tám, 2021

Vũ Việt Hùng dịch từ tiếng Anh

Nhà thơ Krzysztof Rebowski đồng thời là nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Ba Lan. Ông tốt nghiệp Đại học Adam Mickiewicz ở Poznan (Ba Lan). Thơ ông chính thức trình làng năm 1995 trên tạp chí Cogito và đài phát thanh quốc gia Ba Lan trong chương trình “Time For Debut” (Thời điểm ra mắt) của Waclaw Tkaczuk.

Ông là tác giả các tập thơ: “Poems” (“Những bài thơ” – Nxb. Miniatura, Cracow, 2004); “Documentations,” (“Những tư liệu” – Nxb. Miniatura, Cracow, 2005); “In Jan Saudek’s Bonds of Heresy” (“Những hệ lụy dị giáo của Jan Saudek” – Nxb. E – Bookowo, Bedzin, Ba Lan, 2012); “Painting – Poetry” (“Mỹ thuật – Thơ ca”. Minh họa: Marzena Sroczynska-Gudajczyk, thơ: Krzysztof Rebowski, Nxb. Zdunska Wola, 2013); “Where I Am Destined, Where I Originate,” (“Nơi tôi được định trước, nơi tôi được sinh ra” – Nxb. Tilia, Wodziczna, Ba Lan, 2013)…

Thơ Krzysztof Rebowski có mặt trong các tuyển tập danh giá của Ba Lan, như tuyển tập “Thơ Cogito” (Nxb. Aga-Press, 1997); tuyển tập thơ “A Year 10 Times” (Một năm 10 lần (Nxb. Aga-Press, 2004); tuyển tập các tác phẩm mỹ thuật đương đại Slavic “Giữa Ochrya và Bọ” (Nxb. Krosno, Ba Lan, 2011); Tuyển tập thơ quốc tế “Garavi Sokak” (Nxb. Inbija, Serbia, 2011); tuyển tập – Tình yêu dưới góc nhìn các tác giả Slavic (Nxb. Krosno, 2012); tuyển tập thơ Quốc tế “24th Jubilee” (“Đặc ân lần thứ 24” – Nxb. Inbija, Serbia, 2013), và tuyển tập thơ “Fabric with Defects” (“Cơ cấu với những thiếu sót” – Nxb. Lodz (Ba Lan), 2015). Các tác phẩm thơ và văn xuôi của ông được dịch sang tiếng Nga, Anh, Serbia, Bulgaria,  Lithuania, Ucraina…

Ông từng đoạt giải cuộc thi thơ “Sidewalk Flower” (Con đường hoa), Kepno (Ba Lan) năm 2003 & 2004, và cuộc thi thơ quốc gia John xứ Dukla, 2011. Đoạt giải nhì tại cuộc thi thơ quốc tế Bulgaria, Melnik, 2011; Đoạt giải cuộc thi thơ quốc gia Ba Lan, Namyslow (Ba Lan), 2014, 2015, 2016; Cuộc thi thơ Đặc ân lần thứ 50 về các tác phẩm nghệ thuật (ATA), Namyslow (Ba Lan), 2016, và rất nhiều giải thưởng và danh hiệu khác trong các cuộc thi văn chương. Ông là thành viên nhóm văn chương Lower Silesian, TREND. Tham gia Ngày hội Thơ quốc tế tại “Wroclaw – Thủ đô văn hóa của châu Âu” 2016.


Đôi bốt làm việc

Tôi có thể vươn tới

Những đỉnh cao sáng tạo

Đôi bốt cũ mòn

Ném lại trên đường

Nuôi những chú sâu

Tài năng đặt trong thử thách

Của nỗi bất hạnh.

 

 

Đêm đầy sao 

Rạng rỡ trời đêm. Chói lọi.

Những hạt ngọc ánh sao biển xanh

Sự trống rỗng của thực tại.

 

Tôi viết thư cho bạn.

Viết cho bạn bài thơ.

Không có hồi âm.

 

Thị trấn tôn kính Chúa.

Một trong những

Cơn mơ tựa giấc ngủ nặng nề.

 

Tôi viết thư cho bạn.

Viết cho bạn bài thơ.

Bị nhấn chìm trong lòng biển.

Những ngôi sao đong đếm nỗi đau buồn.

 

Những hạt ngọc bao phủ bầu trời.

Trời đêm rạng rỡ. Chói lọi.

 

 

Nơi đôi mắt lang thang

Ngày tận thế dường như rất gần

Bầu trời che phủ bởi đám mây xé gió

Chiếc hòm trĩu nặng kỷ niệm ấu thơ

Trong mảnh vụn của những tấm ảnh.

 

 

Nr 5 

Tôi đánh dấu những dự định

Làn da đỏ trộn với cát đại dương

Dòng máu nóng chảy dưới môi tôi

Đang thiêu đốt lớp vỏ trái đất

 

Cuộc giải vây bắt đầu suy tưởng

Sương muối mùa đông

Trôi nổi tự do

Trong lòng chiếc xe tăng tốc

Một cái chết lập lờ

 

Mỗi ngày lặp lại lần nữa

Trên lưng chú ngựa xấu xa

Đang trong cơn điên loạn

Cử chỉ của tôi

Vững chắc như ngọn gió

Cháy bùng trong ngọn lửa ngỗ ngược thờ ơ

 

Thế giới của tôi

Kéo dài trên bảng màu trái đất

Không giới tính

Nhấp nháy trong vũ điệu điên cuồng

Và thổi ngạt hơi thở

Trong dự trữ bất tỉnh

Được đặt tên gần đây

Vương miện của Sáng tạo!

 

 

 Những người ăn khoai tây

Được xác nhận bởi người nghèo

Trong căn hầm trú ẩn ẩm ướt

Những củ khoai tây luộc chín

Một bữa ăn đàng hoàng

 

Mỗi ngày

Trên chiếc bàn gỗ đầy côn trùng

Những món quà của hoàng hôn

 

Người họa sĩ cao sang

Vẽ nên sự hào nhoáng

Từ lớp vỏ khoai tây.

 

 

 

Ái kỷ 

Không thấy vẻ đẹp chốn tha nhân

Tôi phác hình ảnh phản chiếu lý tưởng

Chạm khắc bằng ngón tay

Trên mặt nước.

 

 

Bị cất trong tủ lạnh đựng thịt

Tôi chuẩn bị từng lời bào chữa

Cẩn thận trên mẩu giấy cầm tay

Và thuê luật sư cao giá nhất lúc này

 

Trong lò mổ, những gì còn sót lại

Mang hình thù tương tự như nhau

Ngoan ngoãn treo lên chiếc móc thép

 

Quá ngạc nhiên khi bạn không nhận ra tôi

Một nhân vật quan trọng

Bị đóng băng trong tủ lạnh bảo tàng Madame Tussauds*

 

Khi họ chứng minh tôi vô tội

Tôi hóa điên bởi cô gái tóc vàng

Với vòm ngực nhô lên quyến rũ.

* Bảo tàng Madame Tussauds, nơi  tái tạo bằng sáp những nhân vật nổi tiếng thế giới thuộc nhiều lĩnh vực, văn hóa, chính trị, kinh tế… Hiện nay, bảo tàng đã có chi nhánh tại nhiều quốc gia trên thế giới. ND

 

 

Walkman

Bên trong chiếc đàn ghita

Dây thần kinh xuống âm

Bằng mật ngọt

 

Bài ca của con tim

Và chiếc ô gấp lại

Chấp thuận tới chốn bồng lai.

 

 

Tình yêu kỳ lạ (phiên bản 2018)

Tình yêu kỳ lạ chạm vào tôi

Một ngày

Và thúc đẩy tôi chiến đấu

 

Tình yêu đến từ

Nơi nào đó không ai biết được

Đánh dấu trái tim tôi

 

Tình yêu lạ kỳ

Không thiếu sót tội lỗi

Chinh phục tôi

Trong khoảnh khắc diệu kỳ

 

Nên tôi đi theo tình yêu kỳ lạ

Tình cờ gặp

Trên con đường phiêu lưu.

 

 

Bù nhìn

Nó đứng trên đồng một mình

với chiếc mũ trên đôi mắt

ai vẫn nhớ về thời gian

thế kỷ trước

với những chiếc lon buộc chặt

đến ống tay áo khoác không hợp thời trang

nó đã quen với nỗi cô đơn từ lâu

thứ bén rễ trong hồn nó như cỏ dại.

Krzysztof Rębowski 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Chùm thơ của Ngã Du Tử

5 Tháng Tám, 2021

Rồi sẽ bình yên

Này em ạ, mùa này đang Covid
Chậm rãi nghe, mây nước cũng có thì
Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt muôn khi
Bỗng ngưng trệ ai cũng buồn thúc thủ

Người Sài Gòn ngậm ngùi còn chưa đủ
Cả nước cùng khuyến khích chống “Co-vi”
Đường Sài Gòn quạnh vắng lắm người ơi
Từng con phố im như pho tượng cổ

Tất cả chợ đều im hơn con phố
Nỗi hoang mang lộ trên mặt mỗi người
Không còn tưng bừng sức trẻ đôi mươi
Thôi nhộn nhịp buồn ơi, cùng chia sớt

Chậm lại thôi, người người đừng thảng thốt
Trở ngại nào rồi cũng sẽ trôi xa
Những ngày qua mắt lệ khóc sơn hà
Nghìn nỗi khổ vật vã từng giây phút

Ráng chút nữa vaccine về sẽ ổn
Cứ bình an trú ngụ ở trong nhà
Dịch mỗi ngày chắc chắn sẽ lùi xa
Nhờ tất cả người đồng lòng chống dịch

09/7/2021

Quà đêm

(Tặng Phùng Hiệu)

Cơn đại dịch cảm nhận đời như thể
Mỏng manh như bao sợi chỉ tơ mành
Đêm vắng lạnh ở hai đầu con hẻm
Sợi dây giăng trắng đỏ chắn đường ngang

Xe em đậu, tặng tôi tình yêu nhỏ
Cảm xúc dâng, sao đầy ắp ân tình
Cả nhà tôi chỉ mình em đến chợ
Chưa bao giờ thành phố vắng, buồn kinh

Có Covid mới hiểu điều ngay thật
Cõi đời này còn lắm tấm lòng nhau
Ai phung phí thần dân vài nghìn tỷ?
Có biết đau bao nổi thống thiết này

Ta quý lắm người hiền trong thiên hạ
Biết yêu thương chia sớt khổ đau này
Đêm xuống chậm trời cao còn trăng tỏ
Biết bao giờ hết kiếp nạn hôm nay

Đêm 27/7 mùa Covid

Ngày lên ánh sáng vẫn hồng

Tiếng chim còn đậu trên cành lá
Gõ vào nhân gian điệu nhạc bình minh
Tôi con sóng lang thang cùng hoa nắng
Gửi vào em mải miết cuộc hành trình

Có phải em là nhật nguyệt?
Tôi thành hôn trong suốt cuộc giang hà
Đường mây rộng tôi mơ vào phép lạ
Sáng trên trời rừng rựng những vòm hoa

Ban trưa nốt nhạc ngày rải đầy hương tóc
Ngày xanh thêm, ơi làn gió diệu thường
Âm thanh đó cứ bồng bềnh lên tiếng
Sóng tôi vỗ bờ hạnh phúc, yêu thương

Vào đêm cánh cửa ngày khép lại
Vẫn ầm vang thuở trăng nước ngập lòng
Và ánh sáng vẫn hồng về phương ấy
Lối giang hồ quang hợp ngập dòng trong

N.D.T

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

  Nhớ một cựu tù Phú Quốc làm thơ 1 Tháng Tám, 2021 Nguyễn Văn Diệp (*) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Thủ Thừa, tỉnh...