Thứ Hai, 12 tháng 5, 2025

 

Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần

Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện lắng xuống. Hai quá trình đối nghịch lại tiếp tục khởi động để cuối cùng khiến Trần Nguyên Hãn phải chết.

Lê Lợi khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Minh

Trần Nguyên Hãn chuẩn bị lực lượng

Một mặt, Lê triều khiếu vịnh thi tập nói “Hãn về nhà, dốc sức vào việc xây dựng nhà cửa, dùng gạch hoa và đóng chiến thuyền, đánh khí giới”. Trần Nguyên Hãn còn làm nhiều việc tập hợp quần chúng, thi ân bố đức, mua chuộc lòng dân. Tư liệu dân gian vùng Sơn Tây, như Thần tích của khu Đức Lệ, thuộc trang Sơn Bình xưa có nói: “Thái Tổ xét tới công lớn của ông (Trần Nguyên Hãn – T.H.V), liền đặc biệt cho ông cưỡi voi đi trong ba ngày, đi tới đâu được chiếm ruộng tới đó làm “lộc điền”, gọi là tục lễ trọng thưởng bề tôi có công lớn. Nhưng bản chất tướng công là người nhân hậu, không muốn chiếm lấy ruộng dân, nên tướng công chỉ cưỡi voi đến địa phận trang Xuân Lôi thì dừng lại. Sau khi trở về, tướng công mở mang khu Đức Lệ thuộc trang Sơn Bình để phụng thờ tướng công”. Cuốn Đại vương phả lục do Lê Tung soạn vào thời Hồng Đức cũng có chép: “Một hôm, ông sai người bày tiệc, bái yết thần tổ, rồi mời phụ lão, bề tôi ở trang khu tới ăn uống. Ông bảo các vị phụ lão khu Đa Cai và khu Quan Tử rằng: “Tôi từ nay đã được vinh hiển, dân hai khu của các ông đã ở với tôi hết lòng, tôi xin để mệnh về sau cho khu Đa Cai làm hộ nhi cùng khu sở tại Quan Tử thờ cúng. Còn thần tử ở các trang khác, thì ngày nay tôi cho doanh cư, về sau phải lập miếu thờ”. Nhà nghiên cứu Trần Bá Chí còn cho biết truyền thuyết và các thần tích địa phương đều chép: “Cả làng phải kiêng tên hèm của ông là Hãn, đọc ra Hỡn, ai đóng thuyền thì cấm đóng thuyền mũi vuông có trổ mắt rồng hai bên, giống thuyền tả tướng thời xưa”.

Nếu người khác có lẽ là chuyện rất bình thường nhưng trường hợp hành động như Trần Nguyên Hãn thì rất kỳ quái. Chẳng phải Trần Nguyên Hãn đang bị nghi ngờ đó sao? Chẳng phải ông từ quan để tránh sự hiềm nghi đó sao? Vậy sao ông còn “dốc sức” (chữ của Hà Nhậm Đại) đóng thuyền chiến trổ mắt rồng, đánh khí giới, còn đại hội nhân dân đến cùng ăn uống, chia đất đai, hẹn việc thờ cúng, gọi nhân dân là “thần tử”. Dân làng trái lại còn kiêng húy tên của Trần Nguyên Hãn như kiểu người ta kiêng húy tên vua. Ai ở xa không biết còn tưởng Trần Nguyên Hãn đang hiệu triệu quần chúng chuẩn bị khởi sự để lên ngôi thiên tử.

Trần, Lê chia đường

Về phần Lê Lợi, việc lên ngôi của ông chưa thực sự mở ra một thời kỳ ổn định. Thứ nhất, về mặt đối nội, Lê Lợi chỉ là Kiểm hiệu Thái sư, vừa mới giết vua nhà Hậu Trần để đoạt ngôi. Thứ hai, về mặt đối ngoại, nhà Minh chỉ công nhận Hậu Trần là triều đại chính thống ở Đại Việt. Mặc dù cái chết của Trần Cảo đã được sứ thần Đại Việt sang thông báo, nhưng phản ứng của Minh Tuyên Tông là như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng. Ở trong tình cảnh không ổn định đó, khả năng duy trì quyền lực ổn định lâu dài của Lê Lợi lại càng bấp bênh. Toàn thư cho biết “Thái Tổ tuổi già nhiều bệnh, lại thêm Quận vương (Tư Tề) điên cuồng bậy bạ, vua [Thái Tông] thì còn trẻ thơ”. Nếu như Lê Lợi chết, vua nối còn trẻ thơ, mà Trần Nguyên Hãn lại khởi binh và thông báo với nhà Minh về việc nhà Hậu Trần tái lập, triều đại mà ông dày công gây dựng có thể sẽ sụp đổ trong phút chốc. Chẳng những Lê Lợi sẽ bị biến thành phản thần tặc tử của triều Trần, mà con cháu ông cũng khó bảo toàn tính mạng. Lê Lợi không thể vừa làm người tốt, vừa làm vua hiền. Trái lại, ông bị đặt trước một nhu cầu bức bách là phải dẹp tan hoàn toàn thế lực Hậu Trần còn sót lại.

Chính trong bối cảnh này mà các thần hạ như Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư thay nhau dâng sớ xin Lê Thái Tổ giết Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Đương nhiên không phải lời nói của bọn họ đều vô cớ, vì Trần Nguyên Hãn đã tạo ra rất nhiều hình tích. Lê Thái Tổ đã sai lực sĩ xá nhân bắt Trần Nguyên Hãn về hỏi tội. Kết quả, Trần Nguyên Hãn đã tự sát hoặc gặp nạn trên đường đi mà chết đuối. Trần Nguyên Hãn tự sát tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429). Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái nổi loạn tháng 11 năm thứ 3 (1430). Tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), Lê Lợi giết Thái úy Phạm Văn Xảo, rồi thân chinh đánh Thiệu, Thái. Bế Khắc Thiệu thua chạy rồi chết, Nông Đắc Thái bị bắt. Tháng 12 cùng năm thì “Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ thông đồng với Phạm Văn Xảo làm loạn”. Lê Lợi lại một phen đánh dẹp, bắt được Đèo Cát Hãn. Tháng 3 năm thứ 5 (1432), Lê Thái Tổ về đến kinh sư, ban chiếu kể tội Đèo Cát Hãn, có nói: “Năm ngoái thằng Khắc Thiệu ở Thái Nguyên mưu làm phản đích là do tên thằng Hãn âm mưu, năm nay Cát Hãn nổi loạn, là do âm mưu của Xảo. Mầm mống họa loạn không thể không triệt cho hết”. Vô số người bị chỉ điểm là bè đảng của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, “bị án tử và đồ rất nhiều”. Vụ án Trần Nguyên Hãn vì vậy mà đích thị oan án, nhưng là oan uổng có cớ.

25/7/2021

TRẦN HOÀNG VŨ

Nguồn: Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành

Theo https://vanvn.vn/

 


Tại sao không nên vội tin… đức Phật?

Tại vì, có lẽ chính đức Phật cũng không muốn chúng ta tin ngay, tin vội, tin phi chính kiến về mình.

Một niềm tin cảm tính – một niềm tin chạy theo số đông – một niềm tin như một phản xạ có điều kiện rất có thể sẽ làm hỏng giáo lý mà đức Phật từng dày công gây dựng.

Năm 7-8 tuổi, tôi thường theo bà nội đi chùa và những ngôi chùa với tất cả sự thâm nghiêm, huyền bí của nó đã hấp dẫn thằng-bé-tôi ghê gớm. Khi bà tôi quỳ xuống, chắp tay, cúi đầu vái lạy, tôi cũng được dạy phải làm theo y như thế. Những rung cảm kỳ lạ, khó lý giải xuất hiện trong tâm hồn tôi sau mỗi cái chắp tay, mỗi lần vái lạy.

Mọi thứ cứ diễn ra như vậy cho đến năm 20 tuổi, sau một giấc mơ lạ và sau rất nhiều suy nghĩ chất chứa của cậu-thanh-niên-tôi (chứ không còn là thằng-bé-tôi) về những cái chắp tay, những lần vái lạy trong mỗi lần bước chân vào chùa. Rốt cuộc thì tại sao mình phải quỳ lạy như thế nhỉ?

Tại sao mình phải tin vào sự màu nhiệm huyền bí đến từ những pho tượng trên đài uy nghiêm? Tại sao mình phải tin chỉ vì bà mình đã tin, bố mẹ mình đã tin, những người xung quanh mình đã tin? Tại sao mình phải tin chỉ vì đấy là một niềm tin thói quen – một niềm tin phản xạ vốn đã theo đuổi mình từ thời thơ ấu?

Tôi đem tất cả những thắc mắc này hỏi vị sư ở một ngôi chùa trong lòng Hà Nội. Vị sư đó giải thích với tôi rằng tôn giáo xét cho cùng được xây dựng trên cơ sở của niềm tin. Có niềm tin sẽ có tốt lành. Có niềm tin sẽ có an lạc. Và có niềm tin sẽ có giải thoát. Cách trả lời ấy vừa thỏa mãn, vừa không thỏa mãn tôi.

Thỏa mãn ở chỗ, xét về mặt nguyên lý, đúng là mọi tôn giáo, tín ngưỡng trong cuộc đời này đều xây dựng trên cơ sở của lòng tin, trong đó có những tín ngưỡng bản địa mà lòng tin ấy là vô điều kiện.

Nhưng theo tìm hiểu của tôi khi đó thì tất thảy những tôn giáo lớn đều có một thế giới quan – một nhân sinh quan – một cơ sở lý luận, và nếu bỏ qua những cơ sở lý luận căn bản này để tin ngay, tin vội, tin mơ hồ thì không loại trừ khả năng chúng ta sẽ bị niềm tin dẫn dắt sai đường.

Đọc kinh Phật, tôi chợt nhận ra chính đức Phật cũng có lần đề cập tới điều này. Kinh Kalama – một trong những bộ kinh rất hay và rất nổi tiếng có kể lại câu chuyện một lần Phật đi ngang qua bộ tộc Kalama và những người thanh niên Kalama đã chạy tới hỏi Phật:

– Thưa thầy, bất kể vị đạo sĩ nào đi qua đây cũng nói giáo lý của họ mới đích thực là chân lý. Do vậy, chúng con hoang mang, không biết tin ai!

Câu trả lời của đức Phật:

– Các con đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì, cho dù những điều ấy đã được chép trong kinh điển. Cũng đừng vội tin tưởng vào bất kỳ điều gì, cho dù điều ấy được nói ra từ những đạo sư danh tiếng.

Thấy các chàng trai Kalama vẫn chưa hiểu, đức Phật nói rõ thêm:

– Với tất cả những điều được người khác rao giảng, các con phải dùng tâm mình để quán chiếu, tìm hiểu và phê phán, rồi ứng dụng nó vào đời sống hằng ngày, xem nó có giúp mình thoát khỏi khổ đau được không. Nếu được thì hãy tin.

Cách trả lời của đức Phật khiến chúng ta phải đi đến một kết luận: Cũng chớ vội tin ngay vào chính đức Phật cùng những giáo lý của người, nếu chưa quán chiếu nó, tìm hiểu nó và ứng nghiệm nó vào cuộc sống của chúng ta.

Hiểu như thế (A Di Đà Phật, không biết cách hiểu đó có sống sượng và lầm lạc không!?), mà tôi bắt đầu đọc sách Phật nhiều hơn và bắt đầu thử ứng nghiệm những điều mình đọc vào trong cuộc sống của mình. Nhưng đọc rồi và ứng nghiệm rồi thì tôi vẫn chưa tin ngay.

Thế nên có một giai đoạn dài, thật sự là tôi vẫn hay vãn cảnh chùa, để tìm một sự bình an nào đó, xua đi những căng thẳng mà đời sống này đem lại. Nhưng tôi không còn chắp tay, vái lạy trước tượng Phật như ngày xưa nữa.

Tôi nghĩ, theo tinh thần của kinh Kalama, khi mình chưa hiểu và vẫn chưa thể xác lập một niềm tin đầy đủ vào những giáo lý của Phật mà vẫn cứ chắp tay lạy Phật thì có thể chính đức Phật cũng không hài lòng. Tất nhiên, không chắp tay vái lạy nhưng tôi vẫn giữ sự tôn kính tất yếu của một chúng sinh bé mọn trước một vĩ nhân trong lịch sử loài người.

Đến năm đại học thứ 2, tôi bắt đầu tiếp cận đến khái niệm “tư duy độc lập” từ những cuốn sách tư tưởng phương Tây. Và thật kỳ lạ, cái khoảnh khắc đốn ngộ sâu sắc nhất về khái niệm tư duy độc lập là khoảnh khắc tôi ngưỡng phục và tin tưởng vào giáo lý của đức Phật hơn bất cứ khi nào.

Bởi từ đó đến nay, tôi vẫn giữ nguyên một quan điểm cá nhân rằng, chính đức Phật, bằng cuộc đời và giáo lý của mình lại là minh chứng rõ ràng nhất và để lại những bài học vĩ đại nhất về cái mà người phương Tây gọi là “tư duy độc lập”.

Thử nghĩ xem, sinh ra trong hoàng cung tráng lệ, mang trong mình cái chân mệnh thiên tử điển hình và đã được chuẩn bị trong một khoảng thời gian trên dưới 20 năm để một ngày chính thức làm thiên tử, thế mà vị thiên tử tương lai ấy – thái tử Tất Đạt Đa nhất quyết thoát khỏi cuộc sống vương giả của một thiên tử.

Thoát khỏi cái nôi mà mình đã lớn lên, thoát khỏi những tư tưởng mà mình đã được dạy dỗ, chấp nhận mạo hiểm đi một con đường khác con đường của tất cả những vương tôn quý tử khác, nếu không phải là người có khả năng tư duy độc lập thì sao có thể thực hiện thành công!

Nhưng sự “độc lập” của thái tử Tất Đạt Đa không chỉ là sự độc lập trong mối quan hệ với dòng dõi quý tộc, nó còn là sự “độc lập” với cả đội ngũ tăng lữ thời kỳ đó.

Bởi lẽ, thoát khỏi chốn hoàng cung nhung lụa, thoạt tiên, thái tử Tất Đạt Đa tìm đến trường tu khổ hạnh. Nhịn ăn, nhịn uống, khổ hạnh, ép xác – đấy là con đường tu tập mà các sa môn cùng thời với người đã theo đuổi.

Nhưng với cá nhân mình, chỉ sau một thời gian, người hiểu rằng khổ hạnh ép xác cũng không giúp mình đi tới sự giải thoát, nên nhất định phải chấm dứt con đường tu tập này.

Người còn khuyên 5 sa môn khác cùng chấm dứt, nhưng không những không nhận được sự đồng cảm, người bị chính những sa môn này phê phán, cho rằng vì không chịu được khổ hạnh mà đã bỏ cuộc giữa chừng.

Thực tế chứng minh đấy không phải là sự “bỏ cuộc giữa chừng” mà đấy là một phản ứng minh triết của một người “tư duy độc lập”, để từ đó sáng tạo ra một con đường tu tập riêng – con đường mà trước đó chưa từng xuất hiện: con đường trung đạo!

Và sau khi đã đắc đạo thì đức Thích Ca Mầu Ni đã nói với chúng ta những tư tưởng mà những tư tưởng ấy tiếp tục cho thấy sự “độc lập tối cao” với truyền thống Ấn Độ giáo đương thời.

Nếu Ấn Độ giáo tin rằng mọi vật trong cõi vũ trụ này đều do thần thánh sinh ra thì với đạo Phật, chẳng có thần thánh huyền bí nào cả. Vạn vật do duyên mà thành, hết duyên mà diệt.

Khái niệm “duyên” có lẽ là một trong những khái niệm thể hiện sự độc lập rõ nhất và mang tính hiện đại, biện chứng nhất của giáo lý nhà Phật.

Với những gì được ghi trong Áo Nghĩa Thư (Upanishad) – bộ kinh làm nên tư tưởng luận của Ấn Độ giáo thì số phận con người trong kiếp này (quả) được quyết định bởi những gì con người đã gieo trong kiếp trước (nhân).

Nhân nào quả ấy, kiếp trước đã trót mang “nhân” xấu thì kiếp này tất yếu phải chịu “quả” xấu, không khác được. Một quan niệm như thế đẩy con người vào sự bị động của số phận, khiến con người không thể tự quyết định được vận mệnh của đời mình.

Nhưng với đức Thích Ca Mầu Ni, ở giữa hai khái niệm “nhân” – “quả”, người đặt vào đó một chữ “duyên”, một chữ “duyên” lấy lại cho con người tất cả sự chủ động có thể, một chữ “duyên” giúp con người tự quyết định cuộc đời mình, ngay trong kiếp này chứ không bị động phó mặc cuộc đời cho cho những gì xảy ra từ… kiếp trước.

Bởi kiếp trước có lỡ tạo ra “nhân” xấu, nhưng kiếp này biết tạo ra “duyên” tốt, thì cái “duyên” tốt ấy – cái phần mà con người có thể chủ động thực hiện ấy vẫn có thể cải hóa “nhân” xấu, thậm chí tẩy rửa “nhân” xấu để làm nên “quả” tốt.

Rõ ràng là, trong thế giới tư tưởng của Ấn Độ cổ đại, nếu những tôn giáo tiền Phật giáo thể hiện quan điểm định mệnh luận (mọi thứ là do định mệnh, do thần thánh) thì Phật giáo lại nghiêng hẳn về quyết định luận (mọi thứ là do chính mình). Nếu những tôn giáo tiền Phật giáo mang tính hữu thần cực đoan thì Phật giáo lại mang tính vô thần biện chứng.

Như thế có nghĩa ông Phật thực ra rất hiện đại và với cá nhân tôi, bài học lớn nhất mà đức Phật để lại là bài học về khả năng hành động độc lập – tư duy độc lập – quán chiếu độc lập.

Bây giờ, mỗi lần vào chùa, tôi lại chắp tay trước Phật, quỳ lạy Phật với tất cả sự tôn kính lớn nhất của mình.

Những khoảnh khắc như thế, tôi có cảm tưởng là bậc vĩ nhân ngồi trên đài cao kia đang mỉm cười với tôi và đang nhắc nhở tôi: Hãy nhìn nhận mọi sự vật hiện tượng trong cuộc đời này bằng một tinh thần độc lập, ngay cả khi những điều ấy đã được “xác phong” là chân lý tối cao.

Không nên vội tin đức Phật là vì thế!.

26/7/2021

PHAN MỸ CHI

Theo https://vanvn.vn/

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2025

Trung tướng Trần Độ và ký ức về những ngày ở Điện Biên Phủ

Trung tướng Trần Độ và ký ức về
những ngày ở Điện Biên Phủ

Trung tướng Trần Độ tên thật là Tạ Ngọc Phách, bí danh Chín Vinh, sinh năm 1923 ở tỉnh Thái Bình, mất năm 2002 tại Hà Nội. Ông là nhân vật nổi tiếng trên lĩnh vực quân sự, chính trị lẫn văn nghệ, từng làm Chính ủy Đại đoàn 312, Chính ủy Quân khu 3 (Quân khu Tả ngạn), Phó Chính ủy – Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban rồi Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Vừa cầm súng vừa cầm bút, vị tướng viết văn Trần Độ còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 19 năm ngày ông qua đời (9.8.2002- 2021), xin trân trọng giới thiệu lại bài viết dưới đây…

Trong một đoạn hồi ký của mình về những ngày ở Điện Biên Phủ (do nhà văn Chu Phác ghi lại, in trong tập sách do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành), Trung tướng Trần Độ đã chia sẻ những bài học mà ông đã thu lượm được khi xuống các đơn vị dưới quyền tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các cán bộ, chiến sĩ để giải quyết các khúc mắc nhằm giúp cho đơn vị đồng tâm nhất trí hào hứng bước vào những trận chiến đấu quyết liệt mới, đi tới thắng lợi sau cùng…

Khi nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Đại đoàn 312, ông Trần Độ mới ở tuổi tam thập. Tức là khoảng cách tuổi tác giữa ông với nhiều cán bộ chiến sĩ dưới quyền là rất gần gụi. Và điều này đã giúp cho ông có thêm điều kiện để thấu hiểu hơn tâm sự và cảnh ngộ của họ, giúp họ vượt qua những tình huống khó xử hay phức tạp trong cuộc đời bộ đội. Hồi ức của Trung tướng Trần Độ liên quan tới giai đoạn Đại đoàn 312, theo ý định chiến lược của Trung ương và Tổng Quân ủy, bí mật giấu quân  trong những khu rừng già thuộc vùng Yên Bái, sẵn sàng đánh địch ra vùng tự do và cũng sẵn sàng làm đội dự bị chiến lược của Bộ, sẵn sàng thực hiện phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Đó là vào thời điểm tháng 12-1953.

Trung tướng Trần Độ kể:

“Sau một thời gian khá dài vừa chỉnh quân học tập chính trị về cải cách ruộng đất, vừa huấn luyện quân sự khá kỹ, chúng tôi cảm thấy có một sức chiến đấu mạnh chưa từng có: Tinh thần chiến đấu bắt nguồn từ một lòng căm thù giai cấp rất cao, từ cán bộ chiến sĩ ai cũng hăm hở muốn đi diệt giặc. Cán bộ được bố trí khá vững mạnh, hầu hết là các đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu, trình độ giác ngộ chính trị tốt. Các đơn vị từ đại đội đến tiểu đoàn đều có truyền thống anh dũng và được rèn luyện qua nhiều chiến dịch. Sự đoàn kết trong nội bộ đơn vị vốn đã có từ trước, nay càng được củng cố thêm. Đối với các cán bộ chỉ huy và lãnh đạo không có gì vui sướng hơn khi thấy đơn vị mình có một lòng tin yêu nhau sâu sắc. Chúng tôi cảm thấy như phía trước một cái gì vĩ đại và vẻ vang đang chờ đón chúng tôi. Tôi muốn nhân dịp bộ đội tập kết bí mật này, xuống cơ sở nghiên cứu một số vấn đề lãnh đạo còn vướng mắc trong các cấp và trong cả bản thân tôi nữa…”

Và thế là vào một hôm “trời như muốn trở rét, mưa dầm ướt át, đường rừng đã lầy lội và có chỗ rất trơn”, Chính ủy Trần Độ đã “xắn quần cao quá đầu gối, đeo chiếc xà cột vào người, chống cái gậy bằng cây hóp, xuống thăm đại đội 366 – đại đội chủ công của trung đoàn 209”. Trung đoàn 209, còn gọi là Trung đoàn Sông Lô, là nơi ông từng là chính ủy và ông Lê Trọng Tấn là trung đoàn trưởng năm 1950. Trung tướng Trần Độ kể tiếp:

“Vừa đi tôi vừa suy nghĩ miên man về nhiệm vụ sắp tới và tình hình đơn vị. Điều làm tôi băn khoăn là trong mỗi một đơn vị vẫn còn một vài chiến sĩ chưa tiến bộ, trước nhiệm vụ còn cáo ốm, chây lười hoặc ngang bướng không chấp hành mệnh lệnh. Trong khi đó có một số cán bộ mới được lên cấp thì lại tự ti, e dè hoặc lúng túng trong lãnh đạo và chỉ huy.

Trước đây đã có nhiều đêm tôi thao thức và suy nghĩ về vấn đề này, đã có nhiều lần tôi xuống đại đội nghiên cứu trao đổi  trong Đảng ủy, trao đổi với các chính ủy trung đoàn và các cán bộ khác, tìm mọi cách cải tiến phương pháp lãnh đạo của mình, của các đồng chí khác. Tôi nhớ có một đồng chí cán bộ đại đội gặp tôi, mặt nhăn nhó:

– Anh ạ, đề nghị đổi chiến sĩ khác cho tôi, nếu không tôi xin trả lại đại đoàn. Thà ít quân còn hơn có cậu ấy; thật, chỉ làm vướng chân anh em.

Có đồng chí khác tỏ ra chín chắn hơn nhưng vẫn nguyên một giọng không lấy gì làm thích thú lắm:

– Thì cũng phải kiên trì thôi, nhưng các cậu ấy khó mà tiến bộ, gặp khó khăn thì “chứng nào vẫn tật ấy”.

Những câu nói đó càng khơi sâu mối suy nghĩ của tôi. Trước đây, tôi đã biết một tiểu đội trưởng tên là H., nổi tiếng là “ngang”, lúc thì chây lười từ chối nhiệm vụ, lúc thì tỏ ra ngang tàng, anh hùng cá nhân, hay  trêu chọc, chèn cán bộ. Nhưng H. lại là một đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, bị thương nhiều lần và được nhiều huân chương. Thấy vậy, tôi tìm hiểu kỹ về đồng chí đó. Sau nhiều lần trò chuyện thân mật, tôi rủ rỉ hỏi anh:

– Mình hỏi thật nhé! Tại sao cậu hay “ba gai” thế?

Im lặng một lát, anh đáp:

– Tôi chỉ “ba gai” tùy lúc thôi. Chắc anh cũng biết, ra trận thì tôi đã chiến đấu thế nào.

Nói đến đây anh tỏ ra kiêu hãnh, bàn tay gân guốc nắm lấy báng súng tiểu liên đã bạc phếch, đôi lông mày rậm rướn lên làm cho nét mặt của anh càng thêm vẻ bướng bỉnh. Dần dà, anh kể cho tôi nghe, anh có thành kiến rất xấu với đồng chí chính trị viên đại đội của anh, tuy anh cũng thừa nhận đồng chí chính trị viên rất dũng cảm và tận tụy. Vốn là  năm 1952 trong trận đánh Nghĩa Lộ, H. bị thương vào chân không đi được, bị lạc đơn vị, phải lê hai ngày mới tới một bản nhỏ. Anh kiệt sức tưởng như không sống được nữa. Nhưng anh đã tuyên truyền giải thích cho nhân dân, được nhân dân giúp đỡ, rồi sau anh gặp được các đồng chí tải thương cáng anh về đơn vị. Anh đã nhường cơm cho người cáng. Thế mà sau một thời gian ở quân y về tới đơn vị, đồng chí chính trị viên lại hỏi một câu, làm H. choáng váng cả người: “Sao đồng chí về quân y chậm thế? Ỷ lại vào cáng phải không?” H. nói với tôi là, vết thương đã làm H. đau đớn, mấy ngày lê đi đã đói khát mệt nhọc, nhưng lúc này câu nói của chính trị viên đã làm anh đau đớn hơn nhiều và hầu như không bao giờ quên được.

Về đơn vị H. hay trò chuyện với Hùng. Thực tâm, anh cũng không biết lúc này Hùng có tư tưởng đào ngũ. Thế là chính trị viên lại nói như dội thêm một gáo nước lạnh vào đầu anh: “Muốn đào ngũ hay sao mà làm bạn với thằng Hùng?” Từ đó, biết bao nhiêu ý nghĩ xấu về đồng chí chính trị viên đại đội của anh, luôn luôn làm anh mất thăng bằng về tư tưởng. Anh không phục đồng chí chính trị viên nọ, trước còn ngấm ngầm sau bực quá, anh nói toạc ra rồi cãi lại…

Tiểu đội trưởng H. còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện khác. Khi đơn vị cho H. đi học trường quân chính với ý định bồi dưỡng khả năng cho anh. Anh lại cho là “đẩy đi”. Khi cán bộ thực tâm săn sóc, anh lại cho là giả tạo…

Qua câu chuyện này tôi suy nghĩ rất nhiều về tác phong lãnh đạo của cán bộ. Tôi biết rõ đồng chí chính trị viên là một đồng chí rất trung thành, dũng cảm nhưng có đôi phần giản đơn và chủ quan. Chỉ có một khuyết điểm với một đồng chí tiểu đội trưởng mà câu chuyện đi xa đến thế.

Cần phải rút ra ở đây một vấn đề lãnh đạo cho cụ thể.

Tôi đang mải suy nghĩ  về câu chuyện cũ thì chợt đã đi tới khu vực của đại đội 366. Các chiến sĩ chào tôi và reo lên:

– A! Chính ủy!

– Anh!

– Anh xuống với vai chủ công đấy à? Có nhiệm vụ chưa anh?

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị lập công xuất sắc, tiêu diệt cứ điểm Him Lam ngày 13-13-1954 để mở màn và bắt sống bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm này ngày 7-5 chính là Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312 thuộc Quân đoàn 1). Khi ấy, Đại đoàn trưởng là Lê Trọng Tấn (về sau trở thành Đại tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), còn Chính ủy là Trần Độ (năm 1974 được phong quân hàm Trung tướng).

Các chiến sĩ quây tròn lấy tôi, người hỏi thăm sức khỏe, người chất vấn nhiệm vụ, có đồng chí trình bày luôn thắc mắc. Vốn các chiến sĩ và tôi có một tình cảm đầm ấm như thế, vì trước đây tôi đã là Chính ủy của Trung đoàn này. Hồi đấy Chính ủy Trung đoàn đối với Đại đội chủ công có một tình cảm đặc biệt. Ăn ở, chuyện trò, tâm sự với các chiến sĩ, tôi có cảm giác như chính mình là người của Đại đội chủ công.

Tôi hỏi vui một chiến sĩ người thấp bé:

– Này, cậu thấp thế liệu có đánh nhau được không?

Chiến sĩ đó vui vẻ trả lời:

– Tôi khỏe lắm, có thể  gánh được bốn năm mươi cân, người thấp bé ra trận càng dễ tránh đạn.

Liền lúc ấy, một chiến sĩ khác bĩu môi, mắt lườm người chiến sĩ thấp bé kia, ý chê bai: mày chỉ nói khoác. Người chiến sĩ thấp bé trông thấy, mặt đỏ bừng, miệng lúng búng như định phản đối, nhưng nghĩ thế nào lại lảng đi chỗ khác. Đến khi tôi la cà vui chuyện với một tiểu đội, nhiều chiến sĩ xúm lại pha trò, lại cười rộ lên, người chiến sĩ thấp bé lại đến. Một chiến sĩ hỏi tôi:

– Chính ủy có thuốc không, cho anh em hút với!

– Mình có cả thuốc lào, thuốc lá, nhưng thuốc lá chỉ còn vài điếu…

Các chiến sĩ xôn xao, chìa ngón tay trỏ, ngón cái vê vê làm hiệu:

– Xin Chính ủy một điếu thuốc lào!

– Xin Chính ủy một điếu!

Đồng chí thấp bé cũng hớn hở như anh em khác. Nhưng anh lại chìa ngón tay duỗi thẳng theo kiểu kẹp điếu thuốc lá.

– Báo cáo Chính ủy! Cho tôi một điếu thuốc lá!

Mấy chiến sĩ trố mắt nhìn chằm chằm gần như mắng, làm cho người chiến sĩ thấp bé ngượng đỏ mặt, tiếp theo là những tiếng xì xào trêu chọc. Người chiến sĩ thấp bé lại xìu mặt xuống, tiu nghỉu chuồn đi chỗ khác. Tôi bồn chồn sốt ruột và thấy như chộp đúng được vấn đề tôi đang tìm. Tôi tìm gặp cán bộ đại đội. Một cán bộ đại đội cho tôi biết người chiến sĩ đó tên là K. và giới thiệu luôn:

-Cậu ấy lạc hậu lắm! Không hiểu gì cả, lúc hăng lên thì làm được một tí, rồi đâu lại vào đấy! Mang nặng cũng ngại, đi xa cũng ngại, chiến đấu cũng ngại…

Tôi hỏi:

– Sao mình đến thấy cậu ấy có vẻ hăng hái thế? Cậu ấy cứ xoắn xuýt lấy mình mà hỏi nhiệm vụ cơ mà?

– Anh đến thì thế, chứ anh đi thì “chứng nào vẫn tật ấy”…

Hôm sau anh em vẫn tiếp tục học tập thảo luận phương châm “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Tôi đến dự với tiểu đội có người chiến sĩ thấp bé đó.

Trời mưa, người nào lên sàn lán ngồi đều dính một tí đất. Cả tiểu đội và tôi cũng vậy. Nhưng khi người chiến sĩ thấp bé vừa bước chân lên sàn nứa, thì cả tiểu đội ồ lên, mắng mỏ, gắt gỏng tỏ vẻ nghiêm khắc và hơi thành kiến:

– Bẩn hết cả sàn rồi!

– Cậu K. mang nhiều đất lên sàn!

– Chẳng ý tứ gì cả!

Thế là suốt buổi thảo luận, K. cúi gằm mặt và lặng thinh không phát biểu một lời. Sau đó một cán bộ đại đội cho tôi biết là đơn vị anh còn có hai chiến sĩ chây lười, ngang bướng như thế nữa. Đồng chí nói:

– Chúng tôi vẫn kiên  trì giáo dục đấy, nhưng gay go lắm…”

Bằng những gì tai nghe mắt thấy và với một tư duy sáng suốt, sâu sát, Chính ủy Trần Độ đã quán triệt cho các chỉ huy dưới quyền rằng, muốn bớt đi những hiện tượng như thế, “phải xuất phát từ lòng chân thành, tình yêu thương giai cấp, nếu hắt hủi thành kiến thì không thể nào dìu dắt đồng đội, đồng chí, chiến sĩ tiến bộ được…” Ông nhớ lại:

“Tôi bắt đầu đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của từng sự việc, của từng người. Đồng chí chiến sĩ thấp bé nói với tôi:

-Tôi không tiến bộ được, ở đây cán bộ và anh em đều ghét tôi lắm, đề nghị cho tôi đi đơn vị khác.

Tôi hỏi:

– Thế nhưng tại sao anh  em lại ghét?

Đồng chí chiến sĩ nói với giọng cảm động gần như khóc, kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Thì ra những mẩu chuyện cũng gần giống như của tiểu đội trưởng H. trước kia. Ví dụ, trước lúc đi chiến dịch, chiến sĩ cảm sốt khó chịu thì một người chỉ huy nào đó lại nhìn với con mắt nghi ngờ, hoặc buông thõng một câu: “Lại ốm à?” Đồng chí đó không  muốn giữ trung liên, muốn xin giữ súng trường vì tính tò mò, thiếu kiên nhẫn của tuổi trẻ cũng như nay muốn làm xung kích, mai muốn đánh bộc phá thì cán bộ lại cho rằng: “Lý do lý trấu để từ chối nhiệm vụ…” Như vậy sự giáo dục đã có phần không đáp ứng đúng với lo nghĩ hoặc sai lầm của anh em, rồi từ thành kiến này đi đến thành kiến khác, cán bộ đã đẩy anh em xa lãnh đạo, đi đến thiếu tin tưởng ở mình và  ở mọi người… Tôi cùng cán bộ đại đội 366 bàn bạc cách giáo dục cụ thể và chú ý theo dõi sự chuyển biến của từng người. Sau này, tôi lại cùng các đồng chí cán bộ và phòng chính trị Đại đoàn bàn bạc trao đổi và phổ biến kinh nghiệm chung cho toàn đơn vị…”

Sau đó một thời gian, ngày 24-12, đại đoàn 312 rời núi rừng Yên Bái, lặng lẽ tiến về Điện Biên Phủ… Có thể nói rằng chính công tác tư tưởng mà Chính ủy Trần Độ cùng các cán bộ chính trị của mình đã làm đã góp phần quan trọng  tạo nên một hào khí tinh thần của Đại đoàn, xứng tầm với nhiệm vụ được cấp trên tin cậy giao cho…

9/8/2021

TUẤN PHONG

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
Theo https://vanvn.vn/

 

Tướng Giáp đã đúng về cuộc chiến 1946

Trong cuộc hội thảo thứ ba trong Chương trình Hòa bình cho Đông Á của Đại học Upsalla tổ chức vào 18.10.2013 tại Học viện Ngoại giao, có một sự cố đặc biệt. Tại lần thứ ba này, các nhà tổ chức đã thất bại trong việc mời một nhà lãnh đạo của Đông Á tham dự và phát biểu. Giáo sư sử học Stein Tonnesson, người tham dự hội thảo đã có sáng kiến là thay vào bài diễn văn của một lãnh đạo Đông Á, ông sẽ trình bày một bài diễn văn về cuộc đời và những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và được đồng ý.

Giáo sư Stein Tonnesson đã viết cuốn sách “Việt Nam năm 1946: Chiến tranh đã bùng nổ như thế nào”, bản tiếng Anh ra đời năm 2010 với giả định rằng lẽ ra cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất có thể ngăn được, và Việt Nam đã bị “bẫy”. GS Tonnesson đã có cuộc trả lời phỏng vấn về giả định này.

Cái bẫy chiến tranh

* Tại sao Việt Nam và Pháp bỏ lỡ cơ hội ngăn cuộc bùng nổ chiến tranh cuối năm 1946, theo quan điểm của ông?

– Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định sơ bộ vào 6.3.1946. Nhưng cuộc đàm phán để đi đến hiệp định này hoàn toàn không tự nguyện, bởi vì cuộc đàm phán này là do sức ép của Trung Quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch). Họ có quân chiếm đóng ở Việt Nam, và vẫn còn chiếm đóng miền Miền Bắc Trung Quốc.

Họ có thỏa thuận với người Pháp vào ngày 28.2.1946, khi họ rút quân ra khỏi Bắc Việt Nam, và cho phép người Pháp quay trở lại thế chân. Đổi lại, họ nhận được rất nhiều tiền từ người Pháp.

Nhưng quân Tưởng đã không biết rằng người Pháp đã chuẩn bị quay lại Việt Nam nhanh như thế, và muốn chiếm Việt Nam bằng vũ lực. Nhưng, với mong muốn như vậy, người Pháp cũng muốn thương lượng với chính phủ Hồ Chí Minh để được phép cập cảng ở Hải Phòng.

Chính quân Tưởng cũng đã yêu cầu Pháp phải thỏa thuận được với Chính phủ Hồ Chí Minh trước. Vì vậy, cả người Pháp lẫn người Việt đều bị Quốc Dân Đảng gây sức ép về việc ký hoà ước này.

* Tướng Giáp đã trả lời ra sao khi ông đề cập về chuyện này?

– Khi tôi hỏi tại sao hiệp định này lại không được thực thi đầy đủ, Tướng Giáp đã trả lời rằng nó được ký trong điều kiện với đầy sức ép như vậy, nhưng đã giúp Việt Nam có thêm thời gian củng cố thêm vị thế của mình.

Tức là Việt Nam được công nhận là quốc gia tự do, và họ chỉ cho phép Pháp ở lại tạm thời, sau đó sẽ đuổi quân Pháp ra.

Cuộc đàm phán tiếp theo ở Fontainebleau để tiếp tục những kết quả của hòa ước 6.3.1946, và làm tăng thêm tính độc lập của Việt Nam, đã không đạt được kết quả.

Thế nhưng, Hoà ước 6.3.1946 không bị dập tắt ngay, bởi Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp ở Pháp lúc đó nắm quyền, và họ không muốn có chiến tranh ở Đông Dương. Chính phủ Hồ Chí Minh cũng muốn tránh cuộc chiến tranh này, và họ đã đạt được hòa ước với Bộ Trưởng Thuộc địa Pháp, thuộc Đảng Xã hội.

Tuy nhiên, hòa ước này đã bị phá hoại bởi Cao ủy Pháp tại Sài Gòn Georges Thierry d’Argenlieu, một người được Đại tướng Charles de Galle, chứ không phải Đảng Xã hội bổ nhiệm.

Nhưng đến tháng 12.1946, trong một thời gian ngắn, Pháp có một chính phủ do André Léon Blum đứng đầu, và ông ấy muốn giữ hòa bình tại Đông Dương.

Hồ Chí Minh muốn chính phủ Pháp rút d’Argenlieu, Cao ủy Pháp tại Đông Dương, về, và bổ nhiệm một người khác tốt hơn. Nhưng chuyện đó đã không diễn ra.

Có một cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp thời điểm đó, và Tổng Tư lệnh Quân đội Pháp ở Đông Dương được lệnh ném bom Hải Phòng, giết hàng ngàn người ở đó. Từ đó, ở Hà Nội nổi lên phong trào tiêu diệt quân Pháp, xây dựng công sự và chuẩn bị chiến tranh.

Khi Pháp vào Việt Nam từ tháng 3.1946, quân Tưởng cũng đã rút đi. Hồ Chí Minh muốn giữ chặt mối quan hệ với André Léon Blum, lúc đó là Thủ tướng Pháp, và gửi hàng loạt bức điện tín, nhưng những người Pháp ở Sài Gòn, con đường duy nhất để các bức điện có thể sang Pháp, đã tìm cách trì hoãn những bức điện đó lại.  Trong khi đó, ngoài Hà Nội, người Pháp tìm cách phá hoại Hiệp định, và khiêu khích với mong muốn là Việt Nam sẽ tấn công trước.

Tướng Giáp cho rằng đã quá sức chờ đợi của Việt Nam về mặt thời gian, trong khi Hồ Chí Minh lại quyết định chờ đợi thêm với Chính phủ Blum, song song với việc chuẩn bị những chứng cứ về việc quân Pháp giết người ở Hải Phòng. Hồ Chí Minh muốn có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến tranh.

* Và quyết định ngày 19.12.1946 ông đã gọi là “cái bẫy” của Pháp ở Đông Dương?

– Đúng vậy. Và vào 19.12, Pháp đã tiến thêm một bước nữa, gửi điện tín cho phía Việt Nam, với hàm ý rằng Pháp sẽ tấn công. Và Tướng Giáp đã tin vào điều đó.

Nhưng Hồ Chí Minh cho đến phút chót vẫn nghĩ rằng ông có thể chờ đợi Blum, với quyết định không gây chiến?

Đúng vậy. Và Chính phủ Blum đã làm đúng như vậy. Có điều bức điện mà ông gửi chỉ đến Sài Gòn sau khi chiến tranh nổ ra. Bởi vì khi lên làm Thủ tướng, Blum đã gửi một phái đoàn hòa bình sang Việt Nam, và ngày 17.12.1946, trước cuộc chiến hai ngày là ngày ông ra quyết định.

Tôi nghĩ là có sự thiếu nhất trí trong việc tuyên bố chiến tranh trong nội bộ chính phủ Việt Nam, và có sự hiểu nhầm giữa chính phủ Pháp và Việt Nam, và cơ hội gìn giữ hòa bình đã bị bỏ lỡ.

* Và ông đã hỏi lại Tướng Giáp chuyện này bao giờ?

– Cuối năm 1991. Tướng Giáp nói rằng ông đã được lệnh tấn công, và sự việc đã không thể khác được.

Tôi lại nghĩ rằng đó là nguyên cớ chỉ ra rằng Tướng Giáp đã đúng. Tôi biết ở Việt Nam có những tài liệu nói về chuyện này, nhưng rất tiếc là những người nước ngoài như tôi không thể tiếp cận chúng.

* Khi lần đầu tiên ông gặp Tướng Giáp, cảm giác của ông về vị tướng này thế nào?

Lần đầu tiên tôi xin gặp ông là cuối những năm ’80, nhưng mọi cố gắng đã không đạt kết quả. Trước khi tôi quay lại Việt Nam cuối năm1991, tôi lại xin, và tôi đã được gặp ông.

Có một chuyện hơi buồn cười là tôi đi đến nơi hẹn, Nhà khách Chính phủ, nhưng những người ở Học viện Ngoại giao bảo tôi phải gửi xe ở gần đó, và lên xe ô tô của họ để vào gặp ông. Họ giải thích rằng một vị khách của Tướng Giáp phải như vậy.

Khi tôi vào phòng, chúng tôi ngồi đối diện nhau. Những người của Học viện Ngoại giao ngồi một bên, còn bên kia, phía Tướng Giáp, là những người phụ tá của ông. Tổng cộng cả phòng có chừng 50 người.

Ông bảo tôi đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, và Tướng Giáp trả lời, và người phiên dịch sẽ dịch Anh – Việt và Việt -Anh. Nhưng tôi đã hỏi ông bằng tiếng Pháp, và ông cũng trả lời bằng tiếng Pháp, và người phiên dịch không có việc gì phải làm, giống hệt như cuộc gặp của tôi với GS Phan Đình Diệu vào năm sau.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là tiếng Pháp của ông rất tốt. Nhưng ấn tượng mạnh hơn là ánh mắt của ông, ánh mắt của một người có bản lĩnh lớn.

Hồi đó tôi đã đọc cuốn “Những năm tháng không thể nào quên” của Tướng Giáp, và tôi muốn nghe ông giải thích về một số điều ông viết trong đó, cũng như cách ông kết thúc cuốn sách.

* Đối với câu hỏi của ông về khả năng cứu vãn hòa bình cuối năm 1946, Tướng Giáp đã trả lời thế nào?

– Khi câu chuyện chuyển sang năm 1946, Tướng Giáp nói rằng ông biết rằng tôi sẽ hỏi câu hỏi đó, và ông nói rằng phía Việt Nam đã chủ động tuyên chiến vào ngày 19.12.1946.

Sau đó, Tướng Giáp viết hồi ký của mình, gồm 3 tập, nói rõ những việc mà trong “Những năm tháng không thể nào quên” còn chưa nói rõ. Và ở cuối cuốn thứ 3, ông đã tranh luận về việc cuộc chiến đã xảy ra như thế nào ở miền Bắc, với các luận điểm của một học giả Pháp và một học giả Na uy.

* Học giả Na uy là ông?

– Đúng thế.

Nhưng tôi không cảm thấy hài lòng với giải thích của ông. Bởi qua đó tôi không thấy rõ ràng nguyên nhân chính của Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh.

Tướng Giáp còn đọc rất kỹ những gì đồng tác giả người Pháp và tôi nói, và ông thể hiện rõ quan điểm của mình chống lại những gì chúng tôi giả định.

* Ông giả định điều gì?

Một quan điểm khác của tôi là nếu Việt Nam tránh khỏi cuộc chiến cuối năm 1946, sẽ không có cuộc chiến nào ở Việt Nam, kể cả cuộc chiến Đông Dương lần 2 (Chiến tranh Việt Nam), và con đường phát triển của chính trị và xã hội Việt Nam sẽ hoàn toàn đi theo hướng khác. Và Việt Nam sẽ không quá phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc như thực tế đã diễn ra, và Việt Nam sẽ thực sự độc lập hơn nhiều.

Thế nhưng, cho đến bây giờ, ngay cả luận điểm này tôi cũng không tin.

Việt Nam cùng lắm là hoãn chiến tranh được 10 tháng

* Tức ông không tin vào điều mà ông đã giả định trong cuốn sách của mình?

– Bởi nếu tránh được cuộc chiến cuối năm ’46, Việt Nam vẫn sẽ vấp phải cuộc chiến, khoảng 10 tháng sau, vào năm 1947. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ chuyện này, về phía Pháp, và đi đến kết luận rằng cuộc chiến chắc chắn sẽ xảy ra vào Mùa Thu 1947.

Bởi vì cuối năm 1946, người Cộng sản ở Pháp rất mạnh, có nhiều ảnh hưởng, thậm chí họ còn có các thành viên trong Chính phủ vào tháng 1 năm 1947. Và những đảng viên Đảng Xã hội cũng mạnh, và họ rất muốn giữ hòa bình.

Còn những người Dân chủ, tuy không ham thích chiến tranh lắm, nhưng họ phải chiến đấu vì những chiếc ghế trong Quốc hội, nên họ đã quyết định dừng lại tất cả những nhượng bộ với Việt Nam.

Và vào tháng 4 – tháng 5, năm 1947, những người Cộng sản bị mất ghế trong chính quyền, và cuộc chiến tranh lạnh thực sự đã diễn ra trên tầm quốc tế. Vì vậy, tôi kết luận rằng bên Pháp đã có phong trào chống lại Việt Nam, và chính phủ không còn nằm trong phe tả nữa. Như vậy, nếu Việt Nam tránh khỏi cuộc chiến cuối năm 1946, và tiếp tục đàm phán với Chính phủ Pháp, nhưng không có kết quả cho tới khi có cuộc thay đổi về chính trị ở Pháp mùa thu năm sau, với bất lợi lớn về phía Việt Nam.

Tức là cả trong hai trường hợp, Việt Nam không thể tránh được cuộc chiến tranh với Pháp, chẳng qua là nếu lùi lại được 10 tháng thì có thêm cơ hội chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc chiến?

Đúng vậy. Và anh nói đúng, Việt Nam sẽ có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến, và kể từ đó tới khi Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, Việt Nam sẽ phải chờ đợi ít thời gian hơn để có thể nhận được sự giúp đỡ của họ.

Hơn nữa, thế giới cũng biết thêm về Việt Nam, về những điều người Pháp gây ra ở Việt Nam năm 1946, và bản thân Hồ Chí Minh cũng được thế giới biết tới nhiều hơn.

Và với tư cách là một sử gia, tôi phải nghiên cứu mọi khả năng có thể xảy ra.

* Ông có nghĩ là trong trường hợp đó, Việt Nam sẽ ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, để dẫn tới các hệ luỵ kèm theo, ví dụ như cải cách ruộng đất?

– Vẫn như vậy thôi, bởi sự giúp đỡ của Trung Quốc với Việt Nam bắt đầu từ năm 1950, và Mao Trạch Đông công nhận nước VNDCCH (18.1.1950), rất nhanh trước khi Stalin làm việc này. Ông ta làm vì không muốn Pháp công nhận Đài Loan, và ông ta muốn gây xung đột với phương Tây, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương, và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ đó.

Trong khi đó, Liên Xô không hề quan tâm tới Việt Nam.

* Ý ông nói là Việt Nam từ lúc đó đã là con bài trong ván bài của Mao Trạch Đông?

Đúng. Bởi vì đối với Mao, cuộc chiến ở Đông Dương tốt hơn cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên, bởi Triều Tiên nằm gần vị trí trọng yếu của Trung Quốc. Trong khi đó, Stalin không muốn có một nước Trung Quốc mạnh, nên Stalin đã “gây ra” cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên”, còn Mao thì phải trả giá với hàng triệu sinh mạng và vô số nguồn lực.

Nhưng nói gì thì nói, cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là một yếu tố cấu thành của “chiến tranh lạnh”

* Xin cảm ơn ông!.

26/8/2021
HUỲNH PHAN
Nguồn: 
TUANVIETNAM
Theo https://vanvn.vn/

Bắc đẩu thất tinh

Bắc đẩu thất tinh

“Thất tinh” Tự lực văn đoàn gồm có Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh; Trần Khánh Giư, bút hiệu Khái Hưng (đôi khi còn lấy bút hiệu Nhị Linh); Nguyễn Tường Long thành Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Lân thành Thạch Lam; Hồ Trọng Hiếu thành Tú Mỡ; Nguyễn Thứ Lễ thành Thế Lữ; và Trần Tiêu.
Người con trai thứ ba dòng họ Nguyễn Tường
Cuối thế kỷ XIX, ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có một gia đình gốc Quảng Nam, họ Nguyễn, lấy chữ “Tường” trong tên núi Phước Tường ở Quảng Nam làm tên đệm, thành họ Nguyễn Tường. Qua nhiều đời, ông Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, có con trai là Nguyễn Tường Chiếu, thường gọi là Nhu, do có thời gian từng làm thông phán tòa sứ ở Sầm Nưa bên Lào nên còn được gọi là Thông Nhu.
Ông Thông Nhu kết hôn với bà Lê Thị Sâm, sinh được 7 người con, 6 trai, 1 gái. Người con gái duy nhất là bà Nguyễn Thị Thế, trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường-Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cơ sở xuất bản Sóng in tại Sài Gòn năm 1974, kể rằng thứ tự bảy người con là anh cả Nguyễn Tường Thụy, anh hai Nguyễn Tường Cẩm, anh ba Nguyễn Tường Tam, anh tư Nguyễn Tường Long, thứ năm là Nguyễn Thị Thế, em sáu Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Lân), em bảy Nguyễn Tường Bách.
Trong số này, người anh thứ tư lẽ ra tên ở nhà là Tứ nhưng vì trùng tên với một người bạn của cha nên được đặt tên là Tư. Sau vì học nhảy lớp, thiếu tuổi đi thi nên đổi tên thành Nguyễn Tường Long. Người em thứ sáu tên gọi ở nhà là Sáu, tên Nguyễn Tường Vinh, sau rồi vì không đủ tuổi để thi do học nhảy cóc nên đổi thành Nguyễn Tường Lân.
Người con trai thứ ba trong gia đình này, Nguyễn Tường Tam, là nhà văn Nhất Linh.
Người con trai thứ tư Nguyễn Tường Long là nhà văn Hoàng Đạo.
Người con trai thứ sáu Nguyễn Tường Lân là nhà văn Thạch Lam.
Trong số này, người con trai thứ ba Nguyễn Tường Tam có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn chương và chính trị Việt Nam suốt từ đầu thập niên 1930 đến gần giữa thập niên 1960 của thế kỷ XX.
Cuối năm 1923, sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Tường Tam vào làm một chân thư ký ở Sở tài chính Đông Dương, nơi ông gặp và thân thiết với Hồ Trọng Hiếu, người cùng làm ở Ban kế toán, khi ấy đã có thơ châm biếm trên Việt Nam Thanh Niên Tạp chí. Tháng 11-1925, Nguyễn Tường Tam thôi việc ở Sở tài chính Đông Dương, vào trường Cao đẳng y khoa.
Đúng vào thời điểm đó, chính quyền bảo hộ mở trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội do Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Nguyễn Tường Tam liền bỏ trường thuốc, thi vào trường mỹ thuật, học khóa đầu cùng với những người sau này trở thành danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ…Đó cũng là lý do sau này Nguyễn Tường Tam có thể kiêm thêm cả chân họa sĩ minh họa cho các tác phẩm của ông và bạn bè.
Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Năm 1927, có được học bổng của Hội Như tây du học, Nguyễn Tường Tam bỏ trường Mỹ thuật Đông Dương, sang Pháp du học theo ngành khoa học trong 3 năm, có bằng cử nhân khoa học. Theo Hồi ký song đôi của Huy Cận thì Nguyễn Tường Tam có bằng cử nhân về thiên nhiên học, sau này vẽ côn trùng hay những con vật rất khéo để minh họa cho những câu chuyện đăng báo của mình.
Năm 1930, Nguyễn Tường Tam về nước, vào dạy tại trường tư thục Thăng Long, nơi ông gặp và trở thành bạn tri âm với Trần Khánh Giư, một giáo sư giảng dạy trong trường. Trần Khánh Giư là người sau này sẽ lấy bút danh Khái Hưng, đảo các chữ cái trong chữ “Khánh Giư” mà thành.
Mua lại tờ Phong Hóa
Ngay từ thời còn theo học trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tường Tam đã ôm mộng văn chương. Thời kỳ này, Nguyễn Tường Tam viết hai cuốn tiểu thuyết là Nho phong (xuất bản năm 1926) và Người quay tơ (xuất bản năm 1927). Đến khi vào trường tư thục Thăng Long, theo nghề dạy học nhưng Nguyễn Tường Tam chuyển sang ôm mộng làm báo.
Khi ấy, trong làng báo Việt Nam chưa có một tờ báo trào phúng nào đúng nghĩa. Nguyễn Tường Tam làm đơn xin chính quyền cho ra báo Tiếng Cười, tập hợp một số anh em quen biết như Tú Mỡ, Trần Khánh Giư và hai người em Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân vào làm bộ khung cho tòa soạn báo, phụ trách các mục.
Tuy vậy, chính quyền lần lữa không cấp phép cho ra báo Tiếng Cười. Sau một thời gian chờ đợi, Nguyễn Tường Tam biết là khó có khả năng ra một tờ báo trào phúng của riêng mình. Lúc đó đang có tờ tuần báo Phong Hóa ra đời năm 1932 do mấy đồng nghiệp trong trường Thăng Long chủ trương, Phạm Hữu Ninh là người sáng lập trường Thăng Long làm quản lý, Nguyễn Xuân Mai là người chính thức đứng tên xin giấy phép làm Giám đốc chính trị.
Tôn chỉ của tờ Phong Hóa khi ấy, “xét trong hai nền văn hóa (Pháp và Việt Nam) cái gì tốt đẹp thì thu góp làm văn hóa của nước nhà” khiến cho tờ báo nhạt nhòa, mới ra hơn chục số đã có ít bạn đọc, đối mặt với nguy cơ bị đình bản. Nguyễn Tường Tam bèn đàm phán với Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai nhượng lại quyền chủ nhiệm của tờ báo cho mình, hàng tháng hai người vẫn lĩnh lương quản lý và giám đốc chính trị của tờ báo nhưng… không phải làm gì!
Thay vào đó, Nguyễn Tường Tam lấy bộ khung nhân sự chuẩn bị cho tờ Tiếng Cười chuyển sang làm báo Phong Hóa. Ngoài 5 người có sẵn (Trần Khánh Giư đã làm Phong Hóa từ số 1 đến số 13), Nguyễn Tường Tam chiêu dụ thêm Nguyễn Thứ Lễ, một cây bút mới mẻ đã có nhiều bài đăng báo mà Nguyễn Tường Tam thấy có nhiều triển vọng. Từ số 14 của tờ Phong Hóa đổi mới ra ngày 22.9.1932 đã bắt đầu một giai đoạn mới của tờ báo này với đội ngũ làm báo 6 người nòng cốt do Nguyễn Tường Tam làm chủ bút.
Báo Phong Hóa với hương vị châm biếm, hài hước, đả phá kịch liệt những cái cũ, nhanh chóng có được bạn đọc đông đảo. Tác giả Phạm Thế Ngũ, trong Lịch sử văn học Việt Nam tân biên giản ước (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên), tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản tại Sài Gòn lần thứ nhất năm 1965, nhận xét: “Tờ báo nổ ra như một trái bom, mang lại cho xã hội Việt Nam khi đó món quà mà người ta chưa hề được thưởng thức: cái cười.”
Tuy vậy, do không có nhà in riêng, lại phải mua giấy với giá đắt nên hết sức chật vật để tồn tại. Nguyễn Tường Tam bèn tìm cách liên hệ với một nhà tư sản giàu có cảm tình với Phong Hóa để nhà tư sản này bỏ vốn thành lập cơ sở xuất bản lấy tên là An Nam xuất bản cục, lo đảm bảo các cơ sở vật chất để ra báo và in sách.
Ra mắt Tự lực văn đoàn
Sau một thời gian, nhóm làm báo Phong Hóa ngồi tính toán lại, thấy mọi lời lãi của tờ báo đều chui vào túi nhà tư sản nọ, còn lại những người nai lưng, đổ mồ hôi ra làm báo vẫn chẳng còn được bao nhiêu, khổ sở vẫn hoàn khổ sở.
Vậy là cả nhóm ngồi họp nhau lại, quyết định phải thành lập một hội đoàn mang tính tự lực cánh sinh. Tự lực văn đoàn ra đời.
Để tránh những rắc rối với nhà cầm quyền, tất cả quyết định rằng Tự lực văn đoàn sẽ không có quá 10 thành viên để khỏi phải xin phép. Hội đoàn cũng không có văn bản thành lập, điều lệ, chỉ dựa trên một điểm căn bản là tin tưởng lẫn nhau để cùng hoạt động.
Chính vì thế nên rất khó để có thể xác định chính xác ngày thành lập Tự lực văn đoàn. Chỉ biết rằng những thành viên nòng cốt đầu tiên của Tự lực văn đoàn cũng chính là những người làm báo Phong Hóa dưới sự chủ trì của Nguyễn Tường Tam.
Đến báo Phong Hóa số 87, ra ngày 2.3.1934 có một bài viết mang tên “Tự Lực Văn Đoàn”, mở đầu viết: “Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương”.
Cũng trong bài viết “Tự Lực Văn Đoàn” này đăng Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn gồm 10 mục, phía dưới ký bốn chữ Tự Lực Văn Đoàn. Vì thế, có thể xem đây như là cương lĩnh chính thức của Tự lực văn đoàn và ngày 2.3.1934 là ngày chính thức Tự lực văn đoàn ra đời.
Về các thành viên đầu tiên của Tự lực văn đoàn theo nhiều tài liệu khác nhau cũng có  thông tin khác biệt, mâu thuẫn. Sáu thành viên đầu tiên làm báo Phong Hóa là Nguyễn Tường Tam, Trần Khánh Giư, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân, Hồ Trọng Hiếu, Nguyễn Thứ Lễ chắc chắn là những thành viên đầu tiên. Nhưng theo ý của Nguyễn Tường Tam, cần phải kết nạp thêm một thành viên thứ bảy để đủ số “Bắc đẩu thất tinh”, tương ứng với bảy vì sao trong chòm sao Bắc đẩu. Sở dĩ Nguyễn Tường Tam có ý này là phỏng theo hình mẫu của nhóm Pléiade-Thất tinh-một nhóm gồm 7 nhà thơ Pháp thời Phục hưng thế kỷ XVI.
Có tài liệu nói thành viên thứ bảy này là họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, vì văn đoàn hướng chủ yếu các hoạt động vào địa hạt văn chương nên mặc dù Nguyễn Gia Trí có tham gia vào nhiều hoạt động của Tự lực văn đoàn nhưng thành viên thứ bảy khó có khả năng lại là một họa sĩ. Bởi vậy, thông tin đáng tin cậy hơn cả là theo lời giới thiệu của Trần Khánh Giư, người em ruột của Trần Khánh Giư là Trần Tiêu, khi ấy đang ở quê nhà Hải Phòng và viết tiểu thuyết Con trâu về nông thôn, trở thành thành viên thứ bảy của Tự lực văn đoàn.
Vậy là “thất tinh” Tự lực văn đoàn gồm có Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh; Trần Khánh Giư, bút hiệu Khái Hưng (đôi khi còn lấy bút hiệu Nhị Linh); Nguyễn Tường Long thành Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Lân thành Thạch Lam; Hồ Trọng Hiếu thành Tú Mỡ; Nguyễn Thứ Lễ thành Thế Lữ; và Trần Tiêu.
Sau này, Tự lực văn đoàn mới kết nạp thêm thành viên thứ tám là nhà thơ Xuân Diệu.
26/8/2021
YÊN BA
Nguồn: Văn Nghệ số 34/2021
Theo https://vanvn.vn/

Những cứ liệu lịch sử về cái chết của Phan Đình Phùng

Những cứ liệu lịch sử về
cái chết của Phan Đình Phùng

Đình Nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng (1847-1895), người làng Đông Thái, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, từng làm quan đến chức Ngự sử rồi xin bãi chức về quê. Ông là nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê, đỉnh cao của phong trào Cần Vương, một lãnh tụ tiêu biểu của phong trào chống Pháp vào cuối thế kỉ XIX. Là biểu tượng của giới trí thức yêu nước đương thời, ông được biết đến là người học hành xuất chúng, phẩm chất chính trị, đạo đức được mọi người công nhận, kể cả kẻ thù của ông lúc bấy giờ, có khả năng tập hợp người hiền tài, cả giới trí thức lẫn người bình dân, biết dùng sức mạnh của nhân dân để đánh giặc…
Có nhiều giả thuyết, phỏng đoán xung quanh cái chết của Phan Đình Phùng, về nguyên nhân cái chết, về thực chất người nằm trong quan tài tìm thấy, về việc an táng. Để giải đáp những nghi vấn này, chúng tôi đã khảo sát nhiều tư liệu lưu trữ của Pháp ở Trung tâm lưu trữ Hải ngoại của Pháp ở Aix-en-Provence, ở Trung tâm tư liệu I Hà Nội, một số sách vở, bài viết bằng tiếng Pháp và cả tư liệu triều Nguyễn. Việc này trước đây đã có một số nhà nghiên cứu thực hiện và nêu ra trong một số bài viết, chúng tôi sẽ điểm lại và bổ sung thêm các tư liệu khác.
Báo cáo nhận diện tử thi dịch ra tiếng Pháp đang được cất giữ ở Trung tâm lưu trữ hải ngoại Aix-en-Provence là tài liệu tìm thấy trong văn phòng của Phó công sứ Pháp tại Nghệ An Duvillier, người được Khâm sứ Trung Kỳ giao nhiệm vụ phối hợp với Nguyễn Thân trong cuộc đàn áp khởi nghĩa Hương Khê. Ngoài bản này do Lê Thiết, Tán lý quân vụ và Nguyễn Cửu Khải, Án sát Hà Tĩnh lập, còn một bản khác, bằng chữ Hán do Tuần Vũ quan phòng Hà Tĩnh Phan Huy Quán lập (bản Nguyễn Quang Tô tìm được trong hồ sơ của Nha Kinh lược Bắc Kỳ và dịch ra tiếng Việt). Trong hai bản báo cáo khám nghiệm tử thi này, phần miêu tả nạn nhân giống nhau, chúng tôi sử dụng bản dịch trực tiếp từ tiếng Hán của Nguyễn Quang Tô để thông tin được chính xác hơn:
“Trên linh cữu với hàng chữ đỏ như sau: “Hoàng triều Bính Tý khoa cử nhân, Đinh Sửu khoa Đình nguyên Tiến sĩ, có phụ tư thiện đại phu, An Tĩnh Tổng đốc sung kiêm đốc chư tỉnh Quân vụ đại thần, gia tứ Bình trung tướng, tự Tôn Cát, thụy Trang Lạng, hiệu Châu Phong, Phan công chi cữu”.
“Mở hòm ra khám, thấy dài ước 4 thước, tuổi ước trên dưới 50, đầu tóc ngắn, râu dài ước chừng 4 tấc; đầu một nửa đã bạc. Miệng và mắt đều mở. Tiểu liệm và đại liệm đều dùng lụa sống. Đầu chít khăn sa màu đỏ. Mặt đậy một vuông đoạn đỏ. Hai tay đều bọc đoạn đỏ, hai chân bọc đoạn trắng. Ngoài mặc đoạn Tàu sắc lục; một chiếc áo rộng ống; lại tới một chiếc áo hẹp ống bằng sa mịn màu xanh, tiếp đó là áo bằng xuyến trắng. Bên trong là chiếc áo lụa, phần dưới vấn lụa trắng sống. Ngón cái tay mặt phân làm 3 chi; chi trong cùng liền xương; một chi thịt đã rữa. Lưng vấn sa màu xanh, ước 10 vuông, cùng với lụa cũng chừng 10 vuông.”
Việc nhận diện tử thi do người Pháp và phủ Hà Tĩnh cùng tiến hành tại đồn Linh Cảm. Tư liệu lưu trữ tại Pháp là bản dịch tiếng Pháp của bản xác nhận tử thi ghi ngày 22 tháng 1 năm 1896, dịch cùng thời điểm bản gốc, ngoài Lê Thiết, Tán lý quân vụ và Nguyễn Cửu Khải, Án sát Hà Tĩnh, còn có xác nhận của 3 người trong gia đình cụ Phan là Phạm Thị Bốn, Đặng Thị Đường, Phan Văn Thiết, với điểm chỉ của Hương Lão và Lý trưởng làng Đông Thái, với xác nhận của Phan Quan Cư và Nguyễn Khương, những người tham gia khởi nghĩa biết mặt cụ Phan đã đầu hàng quân Pháp. Buổi khám nghiệm và xác nhận tử thi còn có sự tham gia của bác sĩ Pháp Hantz và Haguet, thanh tra vệ binh bản xứ. Sau khi khám nghiệm áo quan, bản báo cáo khám nghiệm và 2 lá cờ phủ quan tài được gửi vào cho triều đình Huế. Ngày 26.01.1896, Thượng thư Bộ Binh gửi Khâm sứ Trung Kỳ một lá thư về việc trên và đề nghị triều Nguyễn mang một trong hai lá cờ thông báo cho dân chúng kinh thành biết, và đưa một lá cờ khác đi bố cáo rộng rãi từ Quảng Nam tới Bình Thuận.
Còn đây là thông tin trên một số điện tín bằng tiếng Pháp trao đổi giữa Phủ Thống sứ Trung Kỳ ở Huế và Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 1 năm 1896 lưu tại tại Trung tâm lưu trữ I ở Hà Nội.
Theo điện tín ngày 22 tháng 1 năm 1896 của Phủ Thống sứ gửi Phủ Toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, “Thi hài trưa nay đưa đến Linh Cảm vừa được chính thức xác nhận là Phan Đình Phùng, được nhận diện bởi Phan Quang Cư Ng Khuông tức Đế Trạch, Tổng lý Lê Khiết, một linh mục người An Nam đi qua Linh Cảm (tên là Trung, theo một điện tín khác cùng ngày gửi từ Vinh – NTSH chú thích), các hương lãocủa làng Việt Yên, Hà Xá và các chị dâu của Phan Đình Phùng. Thi thể tạm thời được để trong quan tài gần chỗ ở của Quan Phủ, theo đề nghị của Khâm Mạng. Hài cốt của thủ lĩnh cuộc nổi dậy sẽ được đem thiêu và rải tro. Theo thông lệ An Nam, để công bố là thủ lĩnh của cuộc nổi dậy đã rơi vào tay chúng ta, Khâm Mạng sẽ gửi một lá cờ đỏ có ký tự Hồng Kỳ Bảo Thiệp ra ba hướng: thứ nhất về phía kinh đô, thứ hai về phía bắc cho tới Bình Định, thứ 3 về phía nam cho tới Bình Thuận.”
Còn theo điện tín số 28 của Phủ Thống sứ Trung Kỳ gửi Phủ toàn quyền ở Hà Nội:
“Các Ủy viên Chính phủ thông báo Phan Đình Phùng qua đời vào ngày 28 tháng 12 do chấn thương xảy ra vào ngày 21 cùng tháng trong cuộc giao tranh với một đội cảnh binh gửi đến Lào. Tin tình báo được đưa ra bởi một người theo khởi nghĩa bị bắt là Đới Tinh, người này cho biết thêm rằng Trần Cường Quinh, Cang Sách, Lãnh Khai và quả phụ Phan Đình Phùng đã để tang vào ngày 24 tháng 12. Những khẩu súng trường được cho là đã được gói lại và giấu đi trong khi hầu hết những người đồng đảng đã giải tán. Nhờ những thông tin này và được hướng dẫn bởi một tù nhân khởi nghĩa bị bắt, giám binh Moutin đã phát hiện ra một chiếc quan tài, những dòng chữ trên đó không để lại nghi ngờ gì về danh tính của người đã khuất. Nạn nhân có 6 ngón bên tay phải, cần đem ra ngoài các dãy núi để quan lại nhận diện. Dù xác suất lớn nhưng thông tin này cung cấp cho quý ngài vẫn mang tính dè dặt, danh tính của người chết vẫn chưa được thiết lập. Lãnh binh Khuê cùng bọn nổi dậy đã đầu hàng Thượng Biên, do Khâm mạng cử đến ở vùng thượng Quảng Bình. Đội cảnh binh tiếp tục chặn chặt khối núi Quạt”.
Ngày 22 tháng 1 năm 1896, điện tín từ Huế gửi Phủ thống sứ Bắc Kỳ và Phủ toàn quyền ghi rằng đội cảnh binh đã khẳng định những thông tin đưa ra trong điện tín số 28 và “nạn nhân có 2 ngón cái bên tay phải. Một số kẻ đầu hàng đã nhận diện Phan Đình Phùng trước sự chứng kiến ​​của Thanh tra Gandel. Hài cốt của thủ lĩnh cuộc nổi dậy sẽ được đưa đến Vinh vào ngày mai và cảnh sát trưởng sẽ cùng với Phan Quang Cư và Đế Trạch xác nhận danh tính. Một tấm trải vải lụa thêu thẻ hiện cấp bậc và phẩm giá phủ trên quan tài”.
Điện tín ngày 25.01.1896 của Phủ Thống sứ Trung Kỳ từ Huế gửi Phủ Toàn quyền ở Hà Nội ghi như sau:“Việc hỏa táng thi thể của Phan Đình Phùng bắt đầu vào sáng hôm qua đã được định gần như chắc chắn. Mặc dù qua thời gian, nhưng cơ thể tiều tụy vẫn được bảo quản để có thể dễ dàng phân biệt các đặc điểm và hình dáng. Rất đông người đổ xô đến xem thi hài. Những giám binh dân sự từng dán yết thị về Phan Đình Phùng đã thốt lên khi nhận ra. Nạn nhân là một người đàn ông có chiều cao trên trung bình, trên năm mươi, tóc hoa râm, mũi rất mảnh và có độ cong đặc trưng, ​​trán lộ, rộng, phần dưới của khuôn mặt thu hẹp lại, bàn tay phải có thêm ngón cái, có một dấu hiệu đặc biệt là chiếc răng cửa của hàm trên bắt chéo, lộ ra khi cười và đặc điểm đã được biết đến với những người từng gặp.”
So sánh tư liệu lưu trữ của Pháp với sử liệu triều Nguyễn ghi trong Đại Nam Thực Lục – Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên thì thông tin trùng hợp:
“Trước đó Đình Phùng đã chết, quan binh Đại Pháp tới nơi khám xét xác nhận xong, trước tiên gởi điện văn báo hai lần (Một nói quân thứ Quảng Bình báo tin bắt được Đốc binh giặc Vi méo khai Đình Phùng ngày 11 trước đây bị thương, ngày 13 chết, lại nhận được tờ tư của quý Khâm sai đại thần nói quan binh Pháp tới nơi tìm được quan tài của Đình Phùng, khám thấy đúng là bàn tay phải có ngón thừa, cùng việc Chánh Lãnh binh Khuê của giặc tới quân thứ ấy xin đầu thú. Một nói nhận được tin quan một về đồn đòi họ hàng làng xóm lên khai, khám ra quả là xác tên giặc ấy đã được thiêu hóa. Tờ tư của Quảng Bình cũng giống như thế), kế đem cờ đỏ báo tiệp, lại gởi phi chương tâu lên. Vua mừng vì không phụ sự ủy thác, chuẩn cho bàn xong những việc cần làm về sau thì sớm ban sư.”(Quyển 7).
Như vậy, câu chuyện về việc Nguyễn Thân đào xác cụ Phan Đình Phùng đem thiêu rồi trộn tro với thuốc súng bắn xuống sông Lam là một lời kể không có căn cứ nhưng đến bây giờ tình tiết hư cấu này vẫn được nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài viết về cụ Phan Đình Phùng, kể cả trong sách lịch sử[i]. Năm 1919, Trần Trọng Kim đưa tình tiết này vào sách Việt Nam Sử Lược nhưng cũng đưa thêm một giả thiết bác bỏ: “Bấy giờ người Pháp không muốn dùng đại binh sợ náo động lòng người ở bên Pháp, cho nên chỉ sai quan đem lính tập đi đánh. Đánh từ cuối năm quí-tị (1893) cho đến cuối năm ất-mùi (1895) ngót 2 năm trời mà không dẹp yên được, quân lính chết hại cũng nhiều. Bên Bảo-hộ cũng đã tìm đủ mọi cách, như bảo Hoàng Cao Khải viết thư dụ Phan Đình Phùng về hàng cho xong cũng không được. Sau cùng Triều-đình ở Huế thấy việc dai-dẳng mãi không yên, mới xin chính-phủ Bảo hộ để sai quan Tổng-đốc Bình-định là Nguyễn Thân làm Khâm-mạng tiết-chế-quân-vụ đem quân ra tiễu-trừ. Ông PhanĐình Phùng lúc bấy giờ tuổi đã già, mà thế-lực mỗi ngày một kém, lại phải nay ẩn chỗ này, mai chạy chỗ kia, thật là lao khổ vô cùng, bởi vậy khi Nguyễn Thân đem quân ra đến Hà-Tĩnh, thì ông đã phải bệnh mất rồi. Nguyễn Thân sai người đuổi đánh tìm thấy mả, đào lấy xác đem về xin người Pháp cho đem đốt lấy tro trộn với thuốc súng mà bắn đi. Có người nói rằng việc ấy tuy Nguyễn Thân trước định thế, nhưng sau lại cho đem chôn, vì muốn để làm cái tang-chứng cho đảng phản-đối với chính-phủ Bảo-hộ là quan Đình Nguyên đã mất rồi. Từ đó đảng văn-thân tan-vỡ; ai trốn đi mất thì thôi, ai ra thú thì phải về Kinh chịu tội. Nguyễn Thân về Kinh được thăng làm Phụ-chính thay ông Nguyễn trọng Hợp về hưu”.
Thông tin tham khảo nhiều nhất là lấy từ cuốn Phan Đình Phùng, một vị anh hùng có quan hệ đến lịch sử hiện thời của Đào Trinh Nhất, vốn là một cuốn truyền thuyết lịch sử( xuất bản lần đầu năm 1936). Đào Trinh Nhất viết về chuyện này như sau: “Nói về quân Pháp biết chỗ, khai quật được mả cụ Phan lên, đem di thể về đồn Linh Cảm giao cho Nguyễn Thân xem xét có phải thiệt là di thể Phan Đình Phùng không.
Bấy giờ Nguyễn Thân mới biết cụ Phan mất rồi, đắc chí, miệng cười ha hả, dơ tay lên ngang trán mà nói:
– Từ nay ta được ngủ yên rồi!
Hôm sau, lão sức đòi các phụ lão ở làng Đông Thái và họ hàng bà con cụ Phan lên đồn Linh Cảm nhìn nhận đích xác. Rồi đó Nguyễn Thân dở thủ đoạn “anh hùng” của lão để hành hạ tới nắm xương khô thịt nát của người cừu địch với lão mà lúc người ấy còn sống, lão không dám xuất trận giao phong, bây giờ người ta chết rồi mới lên mặt dương oai diệu võ.
Mà lão dương oai diệu võ cách nào?
Không nói ra thì bỏ quên mất sự thật, mà nói thì mình phải thương tâm và gớm ghiếc.
Nguyễn Thân sai đem di thể cụ Phan ra chỗ địa đầu của tổng Việt Yên, đổ dầu châm lửa mà đốt cho xương thịt cháy ra tro, rồi tro ấy trộn vào thuốc súng, nhồi trong súng thần công của ta mà bắn xuống La Giang”.
Cuốn Lịch sử Hà Tĩnh do Nxb. Chính trị Quốc gia in năm 2000 cải chính thông tin cụ Phan mất vì bệnh nhưng vẫn nêu lại chi tiết về hành động của Nguyễn Thân: “Những tháng cuối năm 1895, địch càng ra sức lùng sục để bắt cho được Phan Đình Phùng và các tướng lĩnh khác. Ngày 28 tháng 12 năm 1895, trong một trận giao chiến ác liệt, Phan Đình Phùng, vị lãnh tụ kiên cường của nghĩa quân, đã bị thương và sau đó hy sinh. Mười ngày sau, giặc Pháp và tay sai mới biết tin, Nguyễn Thân đã hèn hạ cho đào xác Phan Đình Phùng đem về làng bắt tổng lý và người thân ra nhận mặt. Sau đó hắn đem đốt xác rồi nhồi vào thuốc súng bắn xuống sông La. Tội ác man rợ của tên đại việt gian bị hậu thế đời đời nguyền rủa” (tr. 383-384).
Ở Pháp, Giáo sư Trịnh Văn Thảo trong bài Nhìn lại cuộc khởi nghĩa Cần Vương, phần ba Trận Hương Sơn (1885-1895) cũng nhắc đến “hành động trả thù “tiểu nhân” trên xác của người lãnh đạo Hương Sơn (đã chết và đã được chôn cất)”khi Nguyễn Thân “khai quật trước khi tẩu tán tro cốt của ông”nhưng không nói việc tẩu tán tro cốt thế nào.
Việc này từ năm 1974, Giáo sư Nguyễn Quang Tô đã đề cập đến trong bài Vài tài liệu về Phan Đình Phùng in trong Tập san lịch sử số 27-28 (sau này Tôn Thất Thọ điểm lại trong bài Phan Đình Phùng và giai thoại lịch sử). Nguyễn Quang Tô nhận định đây là những thông tin có tính chất dã sử, truyền miệng chứ không phải sử liệu có căn cứ “giấy trắng mực đen”. Trong bài này ông cung cấp ba cứ liệu lịch sử. Thứ nhất là tờ yết thị của Nguyễn Thân, nguyên văn bằng chữ Hán, ghi rằng “Thi hài ấy sẽ bị đem thiêu hủy”. Thứ hai là Thông tư số 83 ngày 29.01.1896 của viên Phó sử ủy viên chính phủ, (dẫn từ tài liệu của Trác Ngọc, nội san trường Vinh, số Xuân 1971), nguyên văn bằng tiếng Pháp cũng ghi tương tự “Thi hài ấy sẽ bị thiêu, và tro tàn sẽ bị phân tán”. Thứ ba là biên bản nhận diện tử thi Phan Đình Phùng, do Phan Huy Quán, quan Tuần vũ Hà Tĩnh lập, nguyên văn bằng chữ Hán, phần cuối ghi rằng: “Chúng tôi đã sức cho phủ Đức Thọ liệu biện đầy đủ củi lửa đem áo quan ra nơi đất trống hỏa phần. Sáng nay vâng lệnh, phó lãnh binh Nguyễn… đã hội đồng với các phái quan của quý tòa cùng với nhân viên phủ Đức Thọ đã tới để liệu biện việc hỏa phần nầy”.
Ngoài những tư liệu lưu trữ của Pháp đã nêu trên, chúng tôi nêu thêm một số sách vở của Pháp có ghi chép về việc khai quật mộ và việc an táng sau đó.
Trong cuốn Đế chế An Nam xuất bản ở Paris năm 1904, Charles Gossilin ghi lại như sau: “Vào cuối năm 1895, người ta nhận thấy rằng cuộc khởi nghĩa dường như suy yếu và thiếu phương hướng; Lần theo một manh mối tưởng như không đáng kể, người ta biết được cái chết của Phan Đình Phùng, ở tuổi bảy mươi tư do bệnh kiết lỵ và kiệt sức sau những né tránh liên tục xuyên qua những khu rừng nơi ông bị truy đuổi không ngừng. Thi hài của vị quan này đã được khai quật và đưa về quê gốc ở Hà Tĩnh, dưới chân đồn Linh Cảm. Tại đó, trong tình trạng vô cùng náo nhiệt, người ta đặt thi thể ông lên giàn thiêu, rưới dầu hỏa lên rồi đốt lửa, và khi việc hủy hoàn thành, tro được rải xuống sông. Triều đình An Nam dập tắt cuộc khởi nghĩa trong máu.Tất cả những kẻ nổi dậy vượt qua Lào nhưng không tới được Xiêm La đều bị đưa đến Huế và bị xử tử. Sự đàn áp thật khủng khiếp (tr.314).
Trong cuốn Những người bạn cố đô Huế, số 3 năm 1942, Léon Sogny, từng là Chánh Sở mật thám Trung kỳ khi viết về Nguyễn Đình Hòe, thông ngôn của Nguyễn Thân trong cuộc trấn áp khởi nghĩa Hương Khê, có đoạn viết về cái chết của Phan Đình Phùng: “Từ năm 1885 Phan Đình Phùng phải đối đầu với quân chính quy. Khi đội quân cảnh đến Linh Cảm ở Hà Tĩnh, Bộ chỉ huy cấp cao An Nam quyết định chia quân thành nhiều toán cơ động để truy kích quân nổi dậy trên mọi hướng, bằng cách chiếm các tuyến đường tiếp tế của chúng hoặc bằng cách đánh lui chúng từng bước trong rừng đại ngàn của các dãy núi An Nam. Phương pháp này đã mang lại kết quả tuyệt vời và cuối cùng dẫn đến việc phát hiện ra thi thể của Phan Đình Phùng, chết vì đói và chôn trong một thân cây. Hài cốt của học giả phiến quân được bảo quản tốt, người chết được mặc lễ phục Tiến sĩ lộng lẫy gồm mũ áo, áo dài gấm xanh, và giầy quan cấp Tứ. Kẻ nổi loạn sau khi gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt 10 năm ở Nghệ Tĩnh đã muốn chết dưới lớp áo ôn hòa của kẻ sĩ. Quan tài được khai quật và vận chuyển đến Linh Cảm. Thi thể sau khi xác định được hỏa táng và tro rải bốn phương: đây là sự khắc nghiệt của chiến tranh nhằm trừng phạt những kẻ gây rối.” (tr.346).
Như vậy, về ngày mất của Phan Đình Phùng, đa phần các tư liệu của Pháp đều ghi ngày 28 tháng 12 năm 1895 dương lịch, tức ngày 13 tháng 11 năm Ất Mùi. Sách của Đào Trinh Nhất ghi Phan Đình Phùng mất ngày 13 tháng 11 năm Mùi. Đại Nam Thực Lục – Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên của triều Nguyễn cũng ghi ngày 13. Ba nguồn thông tin này trùng khớp nhau.
Về nguyên nhân cái chết của Phan Đình Phùng, các sách vở chỗ ghi do bị đói (Léon Sogny), nơi ghi là do bị bệnh (Charls Gossilin, Trần Trọng Kim, Đào Trinh Nhất), còn theo tài liệu lưu trữ của Pháp thì do ông bị thương nặng rồi mất. “Phan Đình Phùng qua đời vào ngày 28 tháng 12 do chấn thương xảy ra vào ngày 21 cùng tháng trong cuộc giao tranh với một đội cảnh binh gửi đến Lào”(điện tín Phủ Thống sử gửi Phủ toàn quyền, số 28). Thông tin này lấy từ lời khai của một người theo nghĩa quân ra đầu thú.
Về mục đích của việc khai quật mộ và khám nghiệm là để xác nhận người nằm trong quan tài chính là Phan Đình Phùng, xác định sự thật thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã qua đời. Việc không mai táng lại để tránh mộ phần người chỉ huy sẽ trở thành một hình tượng cho những người ủng hộ cuộc khởi nghĩa, và việc hỏa thiêu và rải tro có phần chủ ý răn đe. Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng vào thời điểm đó, hỏa táng còn xa lạ với người Việt nhưng đó là hình thức an táng thông thường ở phương Tây. Tro sau khi hỏa táng có thể được đựng vào hũ, bình, hoặc rải ra sông hồ, đồi núi.
Liệu ngôi mộ bị khai quật lên có đúng là mộ Phan Đình Phùng và tử thi được đưa về Linh Cảm để nhận diện chính là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hương Khê? Liệu chính quyền bảo hộ Pháp ở An Nam và triều đình nhà Nguyễn có bị mắc bẫy nghĩa quân và dân chúng, như những giả thiết đưa ra trong bài Theo dấu chân thành lũy cụ Phan của Văn Nguyễn? Chúng tôi cho rằng câu chuyện về ngôi mộ của cụ Phan còn được lưu giữ đâu đó trên đất rừng Hà Tĩnh chỉ là lời đồn miệng dân gian, chừng nào chưa có chứng cứ cụ thể, thì đó vẫn chỉ là truyền thuyết, một truyền thuyết đẹp và hào hùng, không kém phần kì bí về lãnh tụ của nghĩa quân Cần Vương, một chí sĩ yêu nước và anh hùng của vùng đất kiên cường Hà Tĩnh.
Tư liệu tham khảo:
– DespierresJean,Nguyen Dình Hòe, Mandarin et Lettré, Acteur essentiel de l’Association des Amis du Vieux Hué,témoin privilégié de son époque, Nguồn : http://www.aavh.org/?page_id=6047
– Đại Nam Thực Lục – Chính Biên Đệ Lục Kỷ Phụ Biên (Cao TựThanh dịch), NXB Văn Hóa – Văn Nghệ 2012
– Đặng Duy Báu (chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000
– Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, nhà lãnh đạo 10 năm kháng chiến (1886-1895) ở Nghệ Tĩnh, Nxb. Tân Việt 1950
– Gosselin Charles, L’empire d’Annam, Nxb. Perrin et Cie, Libraires-éditeurs, Paris 1904
– Hồ sơ lưu trữ về Phan Đình Phùng, Trung tâm lưu trữ Hải ngoại Aix-en-Provence, Pháp
– Hồ sơ lưu trữ về Phan Đình Phùng, Trung tâm tư liệu I Hà Nội
– Sogny L.,Les grandes familles de l’Annam, S.E. Nguyen-Dinh-Hoe, trong Bulletin des amis du vieux Hue, n° 3, tháng 7- tháng 9 năm 1942
– Nguyễn Quang Tô, Vài tài liệu về Phan Đình Phùng, trong Tập san Sử Địa số 27-28, Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn 1974
– Thái Kim Đỉnh, Hà Tĩnh, đất và người, Nxb. Đại học Vinh, 2018
– Tôn Thất Thọ, Phan Đình Phùng và giai thoại lịch sử, Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2017/03/21/phan-dinh-phung-va-giai-thoai-lich-su/
– Trịnh Văn Thảo, La Résistance du Cần Vương revisitée, Nguồn : https://indomemoires.hypotheses.org/9648
– Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Trung Bắc Tân Văn 1920
– Văn Nguyễn, Theo dấu chân thành lũy cụ Phan, nguồn: http://www.htv.com.vn/ky-3-truyen-thuyet-ly-ky-ve-phan-mo-cu-phan
– Bùi Hoàng Đào, Cụ Phan Đình Phùng lãnh tụ phong trào Cần Vương văn võ song toàn.
– Vương Quốc Hoa, Phan Đình Phùng – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Nguyễn, Nguồn: https://vanhien.vn/news/phan-dinh-phung-%E2%80%93-nhan-vat-lich-su-noi-tieng-thoi-nha-nguyen-50581
– Nguyễn Thế Hoằng, Nhà cách mạng Phan Đình Phùng, Nguồn: https://www.canhsatquocgia.org/a276/nha-cach-mang-phan-dinh-phung
– Đặng Duy Báu (chủ biên), Lịch sử Hà Tĩnh tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
30/8/2021
NGUYỄN THỊ SÔNG HƯƠNG
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
Theo https://vanvn.vn/

  Lê Lợi dứt khoát với nhà Trần Cái chết của Trần Cảo và sự từ chức của Trần Nguyên Hãn tưởng rằng sẽ yên ổn nhưng không vì thế mọi chuyện...