Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Lời kỹ nữ - Xuân Diệu

Lời kỹ nữ - Xuân Diệu
A.TÁC GIẢ:
I. Cuộc đời:
Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.
Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.
Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.
Xuân Diệu tham gia ban chấp hành, nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một "dòng thơ công dân". Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là:
Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983).
Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
II. Sự nghiệp sáng tác:
Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình".
Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. (Huy Cận, tháng 4 năm 2000)
Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định
Về Thơ: ông xuất bản tập Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970), Gửi hương cho gió (1945, 1967), Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961), Hội nghị non sông (1946), Dưới sao vàng (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954), Ngôi sao (1955), Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976), Thanh ca (1982)
Văn xuôi: Phần thông vàng (1939, truyện ngắn), Trường ca (1945, bút ký), Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký), Việt Nam nghìn dặm (1946, bút ký), Việt Nam trở dạ (1948, bút ký), Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký), Triều lên (1958, bút ký).
Tiểu luận phê bình: Thanh niên với quốc văn (1945), Tiếng thơ (1951, 1954), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký), Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960), Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961), Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966), Đi trên đường lớn (1968), Thơ Trần Tế Xương (1970), Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971), Và cây đời mãi xanh tươi (1971), Mài sắt nên kim (1977), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982), Tìm hiểu Tản Đà (1982).
Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet (1962), V.I. Lênin (1967), Vây giữa tình yêu (1968), Việt Nam hồn tôi (1974), Những nhà thơ Bungari (1978, 1985), Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982).
B.TÁC PHẨM:
I. Bài thơ “ Lời Kỹ Nữ”

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá.
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.
Chớ đạp hồn em! Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng.
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu.
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo;
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già,
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt.
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi. Du khách đã đi rồi.
II. Xuất xứ và Hoàn cảnh sáng tác:
1. Xuất xứ:
“Lời kỹ nữ” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945, nằm trong tập thơ “Gửi hương cho gió” (51 bài - xuất bản năm 1945 trên tạp chí báo Thời đại).
2. Hoàn cảnh sáng tác:
“ Lời kỹ nữ” được Xuân Diệu sáng tác năm 1939 tại Hà Nội. Bằng sự đồng cảm và ý thức cá nhân: muốn thoát khỏi sự cô đơn mà tự biết không sao thoát nổi, càng sợ thì càng lún sâu vào bi kịch cô đơn (lời kỹ nữ hay đó lại là tiếng lòng của người thi sĩ), Xuân Diệu đã sáng tác bài thơ với khả năng thâm nhập và giác quan hết sức nhạy bén.
III. Đề tài và Chủ đề:
1. Đề tài:
Nói về tình yêu, khát vọng hạnh phúc và giải phóng cá nhân.
2. Chủ đề:
Bài thơ“Lời kỹ nữ” đã thể hiện niềm khao khát tình yêu, khao khát hạnh phúc. Vẫn với đề tài tình yêu quen thuộc nhưng tình yêu trong bài thơ lại là một tình yêu không trọn vẹn, nó chỉ thoảng qua rồi vụt tan giữa khách giang hồ và người kỹ nữ. Bài thơ là cái nhìn đầy cảm thông của tác giả đối với nhân vật người kỷ nữ. Bên cạnh đó bài thơ còn cho thấy với Xuân Diệu Thơ mới đã lên đến đỉnh cao rồi bắt đầu đi vào bế tắc.
IV. Nội dung:
1. Phân tích toàn bài thơ:
Khi chúng ta đọc vào bài thơ “Lời kỹ nữ” thì ta càng cảm nhận ra đây chẳng phải là một cô gái bình thường trong cái nghề nghiệp vốn dĩ luôn bị khinh bỉ. Cô gái này nhạy cảm với vẻ sáng lạnh của thiên nhiên nghe thấu nỗi giá băng ngoài trời buốt xương da mà rung lên niềm cô đơn.
Bài thơ là một lời van vỉ tội nghiệp của người kỹ nữ. Một thời gian, không gian đặc biệt và cả một cảnh ngộ cụ thể được mở ra:
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi,trăng sáng quá ,khách ơi!
Đêm nay rằm :yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá.

Vậy là lời van vỉ này cất lên sau lúc vừa kết thúc “cuộc yêu đương gay gắt”. Sau đỉnh điểm của cuộc tình, kỹ nữ bỗng càng thấy lòng trống trải, cô đơn. Cuộc đời nguời kỹ nữ thường gắn với ban đêm, ánh trăng. Nhưng trăng sáng của “đêm nay rằm”chỉ soi tỏ thêm nỗi cô độc nỗi lòng mà thôi. Ánh trăng sáng, bữa“yến tiệc sáng trên trời” thật quá tương phản với cảnh ngộ “riêng em” dưới chốn trần gian. Bởi thế, kỹ nữ đành xin - mà xin đâu chỉ một lần - lời thơ như một điệp khúc cầu khiến:
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng ….

Đằng sau những dòng thơ ấy ta như thấy các động tác bày biện lần lượt với thái độ thiết tha, mời mọc niềm nở. Sau gối lả, tay ngả, rượu nồng là một “sản vật” hết sức đặc biệt được cung kính dâng lên:
…..Và hồn của em đây
Em cung kín đặt dưới chân hoàng tử.

Gắn liền bốn từ “đây” là bốn động tác mời mọc bằng bốn vật dâng. Dấu chấm trước chữ “và” ngắt dòng thơ thành hai câu chứng tỏ người mời rất có ý thức về sự quý giá của vật dâng thứ tư - vật dâng cuối cùng này: “hồn”. Cẩn trọng và thành kính biết bao khi tôn vị khách làm hoàng tử và đặt dưới chân người ấy “hồn của em đây”. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời van xin này ba lần kĩ nữ nhắc tới hồn của mình. Đó là ý thức về đời sống độc lập của tinh thần (với thể xác). Đó là nhận cảm thấm thía về nỗi cô đơn và ước mong vượt thoát khỏi tình cảnh cô đơn. Hơn thế, hồn hiện ra như một thực thể vật chất (có thể nâng đặt, có thể bị đạp , có thể “triền miên trên sóng”) minh chứng cho sự mâu thuẫn, giằng xé giữa ước ao về mặt trong sáng của tinh thần với cái hoen ố của than xác, cái tủi cực của đời sống cơm áo. Vừa mới cung kính đặt “hồn của em đây”, “dưới chân hoàng tử”,kỹ nữ đã vội kêu lên :”chớ đạp hồn em!”. Sau đó lại lần nữa cầu xin nhờ cậy:
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành
Vì mình em không được quấn chân anh
Tóc không phải những dây tình vướng víu.

Ngay giữa lúc “tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng”, kỹ nữ đã nhận ra sự lõng lẽo của quan hệ chung tình, sự bất lực, vô vọng của lời nguyền. Dẫu “xanh tốt”, những sợi tóc kia cũng“không phải những dây tình vướng vía”. Khi tình yêu đã không níu kéo nổi tình yêu thì hãy để hồn “trôi phiêu lưu”, “triền miên trên sóng” cho quên đi nỗi đau đớn.
Sự tự quên của con người ta bộc lộ nhiều thái độ. Có khi bất lực, buông xuôi. Có khi bởi bằng lòng, thỏa mãn. Lại có khi vì nguyện ước thiêng liêng “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa” (Tố Hữu). Người kỹ nữ này đang muốn tự quên mình bởi ý thức quá rõ về sự cô đơn, bởi nhớ đến mình thì chạm vào nỗi cô đơn không cùng mà thôi. Cô sợ những giây phút “riêng em phải gặp lòng em”, chính mình đối diện với lòng mình mà thấm thía nỗi trớ trêu, bất hạnh. Còn bi kịch nào đau đớn hơn khi con người phải chốn chạy bản thân mình. Van xin “Chớ để riêng em phải gặp lòng em” chứng tỏ kĩ nữ đang còn, và hơn thế đang rất có ý thức về tình cảnh của mình. Cũng bởi thế cô muốn thoát mà tự biết không sao thoát nổi. Đây là một ý thức tỉnh táo về mình, về người, về sự bất lực trước hoàn cảnh:
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.

Bao trùm khắp cói lòng kỹ nữ giờ đây là nỗi sợ, nỗi cô đơn lạnh lẽo. Nỗi sợ chẳng giấu nỗi nữa mà được thốt lên thành lời. Nỗi cô đơn đã toát ra thành cảm giác rất trực tiếp:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.

Trong văn chương Việt Nam trước đó quả chưa có ai cảm nhận nỗi cô đơn như người kĩ nữ của Xuân Diệu. “Giá băng tràn mọi nẻo” ngoài trời đất đã ngấm sâu buốt xương da hay giá băng trong mỗi lòng người đã tỏa ra làm lạnh cả đất trời, điều ấy thật là khó phân biệt! Trạng thái cô đơn của tâm hồn, của tinh thần được cảm giác hóa qua các giác quan buốt nhức của thân thể.
Dấu mời mọc cung kính, dẫu van xin thiết tha đến mấy, kĩ nữ không sao giữ nổi bước chân của vị khách làng chơi. Dự cảm chia li, ám ảnh cô đơn thoắt thành sự thực.
Nước mắt đàn bà sao tắm được mộng giang hồ của “người viễn du”:
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.

Trong bài thơ có hai nhân vật: kỹ nữ và vị khách chơi. Trong buổi “đêm nay rằm” đặc biệt này, có lẽ cô đã gặp một vị khách làng chơi không phải bình thường. Phải vị khách như thế nào đó thì cô mới mời ngồi lại trong chốc nữa, mới cẩn trọng dâng hiến cả hồn, mới nhờ cậy chia vơi bớt nỗi cô đơn đến như vậy. Nhưng cái quy luật ở đời là không phải mọi mơ ước đều thành sự thật và điều thật oái oăm: người khách vẫn hiểu vẫn nghĩ cô như bao kỹ nữ bình thường khác và cứ xử sự bằng cách thông thường trong hoàn cảnh ấy: “Gỡ tay vướng để theo lời gió nước”. Té ra chàng ta cũng chỉ là một kẻ tầm thường!
Bao lời van xin chẳng thể mũi lòng. Niềm tin đã trao nhầm chỗ! Câu thơ cuối bài như ánh mắt nhìn theo mái, như lời than, những tiếng nấc qua cái lắc đầu thất vọng:
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi.
- Du khách đã đi rồi.

Than về sự đi của người cũng là than về nỗi bất hạnh của mình. Nhịp thơ ở đoạn cuối này trầm lắng lại cùng cái vắng vẻ, lạnh buốt và mênh mông rộng dài của trời đất thiên nhiên, cùng bước chân xa dần du khách. Lối ngắt câu tạo nhịp lắng ấy khác hẵn với đoạn trước. Khi kĩ nữ cất lời, thể thơ tám chữ không tách khổ với cách gieo vần liên tục nối tiếp đã tạo nên hình tượng những con sóng trữ tình vừa miên man vừa ngày một dâng cao. Trong toàn bài thơ từng cặp âm tiết tham gia vần chân được luân phiên đổi thay thanh điệu tạo thêm nhịp nhàng của giọng nói: ơi -trời, quá -lả, say -đây, da -già, chặt - mắt, chơi -khơi, trôi -rồi….bên cạnh đó lời thơ cũng được gieo vần lưng như:
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say;

Hoặc
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu lưu không vọng bến hay gành;…
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt,
Cuộc yêu đương gay gắt vì làng chơi.
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.
2. Bộ ba trăng – du khách – kỹ nữ hay nổi buồn của những số phận lỡ làng:
2.1 Ánh trăng – hình ảnh tuy quen mà lạ:
Không biết tự bao giờ, ánh trăng luôn là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi sĩ văn nhân. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo, là hóa thân của những xúc cảm, là tiếng nói của những tâm hồn cô đơn, lạc lõng; là người bạn tri âm tri kỷ của những vầng thơ…
Trong nền văn học trung đại, ánh trăng đóng vai trò là chứng nhân cho tình yêu đôi lứa vĩnh cửu:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song”
Cũng có khi trăng khơi gợi nỗi nhớ thương, sầu muộn của những cuộc tình ly biệt cho biết bao thiếu phụ trong những đêm trường lạnh vắng:
“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trên hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau”
cho những mối tình khắc khoải, ưu tư:
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường”

Nhưng đối với các ẩn sĩ thì trăng như người bạn tri âm, tri kỷ an ủi những nỗi cô đơn và mang lại nguồn thơ dào dạt:
“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”
hay:
“Nước biếc trông như từng khói phủ
Song thưa để mặt bóng trăng vào”
Từ những năm đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn lao. Sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa phương Tây đã mang lại những biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lí của con người. Đúng như Hoài Thanh nói: “Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi mới”. Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, của khát vọng “cởi trói” đã mang lại một diện mạo mới cho văn học thời kì này. Ánh trăng đến đây không còn được miêu tả theo lối ước lệ tượng trưng như thời kì trước mà đã được các tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một sức sống mới, một màu sắc cá thể hóa rõ rệt, cao độ. Trăng cũng như người, biết chờ đợi, hẹn hò, có tâm trạng vui, buồn, cô đơn khi xa cách. Trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… bàng bạc một thế giới ánh trăng lung linh huyền ảo với đủ mọi hình hài dáng vẻ và trạng thái cảm xúc. Đó là trăng ngà, trăng ngần, trăng sáng, trăng xa, trăng mộng, trăng tàn, trăng lạnh…Nhưng trước hết đó là một ánh trăng buồn – một nỗi buồn vô vọng. Ánh sáng huyền hoặc của trăng không làm người ta say sưa ngắm nghía mà nó khiến người ta lạnh lẽo và run sợ, sự cao xa vời vợi của trăng làm cho con người trở nên chơi vơi, hụt hẫng:
“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
“Gió sáng bay về, thi sĩ nhớ
Thương ai không biết, đứng buồn trăng
Huy hoàng trăng lộng, nguy nga gió
Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng

Trăng ngà lặng lẽ như bông tuyết
Trong suốt không gian tịch mịch đời”

Trăng cơ hồ đã trở thành hóa thân của nhà thơ - một tâm hồn cô đơn muốn tìm chỗ ẩn tựa nương mình:
“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Hay:
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần”
(Nguyệt cầm)
Trăng trong thơ Xuân Diệu đặc biệt rất nhạy cảm với bước chuyển mình của thời gian, nhất là trong những thời khắc giao mùa. Thu đến, thu đi là lẽ đương nhiên của trời đất, vậy mà trăng như người con gái đẹp, buồn nỗi buồn u uẩn, lạnh lẽo, xa xôi:
“Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”

(Đây mùa thu tới).
Ánh trăng không chỉ tác động đến nhân vật trữ tình qua con đường thị giác mà bằng
cả cảm giác và xúc giác. Người kỹ nữ trong thơ Xuân Diệu đã nhận thấy trong tâm hồn mình cái lạnh lẽo của ánh trăng và nàng đã phải run lên vì giá lạnh.
Tóm lại ánh trăng trong Thơ mới nói chung và Thơ Xuân Diệu nói riêng tuy quen mà rất lạ, tầm ý nghĩa của ánh trăng không chỉ giới hạn ở cái nỗi buồn chia biệt mà đã nâng lên thành nỗi cô đơn tuyệt vọng của những tâm hồn khát khao giao cảm nhưng lại rơi vào bế tắc hoàn toàn.
2.2  Hình ảnh người kỹ nữ - cái nhìn mới về giá trị nhân bản sâu sắc
Hình ảnh người kỹ nữ cũng không phải là đề tài mới lạ trên thi đàn, trước Xuân Diệu, Nguyễn Du đã bao lần khóc thương cho những kiếp “phận bạc má hồng” trong Độc Tiểu Thanh Ký, Long Thành Cầm Giả Ca, hay Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị…nhưng cái người xưa cảm là cảm về cái tài, cái sắc của những số phận bẽ bàng phải nhuốm bùn nhơ mà phí tài đọa sắc, những nàng thiếu nữ ấy âm thầm, lặng lẽ chịu đựng kiếp đời đen bạc của mình chẳng lời oán than, phản kháng. Nhưng Xuân Diệu thì không. Bằng cái nhìn cảm thông sâu sắc và sự đồng điệu của hai tâm hồn, chàng thi nhân ấy đã nhìn người kỹ nữ tận nơi sâu khuất nhất của tâm hồn và chàng nhận ra rằng tự sâu trong tâm thức, cái khát khao hạnh phúc cá nhân, tình yêu đôi lứa luôn cháy bỏng và đốt cháy tâm hồn nhỏ bé, yếu đuối của nàng. Thế nhưng cuộc đời một co gái làng chơi không cho nàng có cơ hội thực hiện mong ước nhỏ nhoi ấy, đáp trả lại nàng chỉ có sự ờ hững của người du khách và không gian bao la, rộng lớn quá đỗi lạnh lẽo, vô tình. Nàng run lên và dường như ngất lịm trong nỗi lo sợ tuyệt vọng không lối thoát.
2.3  Nỗi buồn của những số phận lỡ làng
Xuất hiện trong Lời kỹ nữ là hình ảnh của bộ ba trăng – du khách – kỹ nữ xen kẽ, đan cài vào nhau trong mối tương quan giữa cảnh và tình – một mối tình tuyệt vọng của người kỹ nữ. Đi suốt bài thơ là tiếng lòng thiết tha đến thổn thức của nàng, mà mở đầu là những lời nỉ non nghe như mời gọi, van xin, níu kéo khách làng chơi trong khoảnh khắc chia lìa:

“Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa;
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi!”
Nàng chưa đợi người du khách trả lời đã vội phân trần:
“Đêm nay rằm yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở lòng em cô độc quá”

Hóa ra, sau giây phút vui vẻ, người khách qua đường đang hối hả ra đi trong khi lòng kỹ nữ giục giã tha thiết mong níu giữ chân người. Tình cảnh của người kỹ nữ thật đáng thương và chua xót: trên tầng xanh kia đương vui kỳ hội ngộ, yến tiệc náo nhiệt cả 
một bầu trời, và ánh trăng ngời sáng cả một vùng nhưng ánh sáng ấy không sưởi ấm trái tim giá lạnh đang khát khao yêu thương của nàng mà trái lại càng xô đẩy lòng nàng chìm vào bóng tối cô đơn, buồn tủi.
Nàng luôn sống trong tâm trạng khắc khoải, đợi chờ một tâm hồn đồng điệu, chỉ một cánh tay, một bờ vai hờ hững cho nàng nương tựa, để thấy được chở che, thậm chí nếu có thể, nàng sẵn lòng hiến dâng tất cả những nàng có chỉ với một mong mỏi rằng: Người lữ khách ở lại cùng nàng trong đêm vắng, đừng bắt nàng phải mòn mỏi trong hiu quạnh mà thôi:]
“Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử.”

Trước khao khát của người kỹ nữ, Xuân Diệu đã đưa lời thơ lên một tầm cao mới thật có cánh. Vẫn là “em” đang đối thoại, nhưng khách đã hóa thành “hoàng tử”. Hai từ cung kính được thi nhân dùng rất đắc, người kỹ nữ tự hạ thấp thân mình, mà đề cao người khách lạ như một vị hoàng tử cao quý, nàng tôn trọng tình nhân, tôn trọng tình cảm mà nàng đã trao gửi và cũng chính vì thế cũng tôn trọng chính bản thân mình. Với tấm thân lấm bụi trần ai, nhưng tâm hồn nàng luôn hướng về những giá trị cao cả, tốt đẹp, điều đó rất đáng thông cảm và ngợi ca.
Nàng rất táo bạo và mạnh mẽ khi dám cất lên tiếng lòng mình mà không ngại trở thành người con gái lả lơi bởi vì nàng khao khát, nàng nhận thức được tình cảm của mình, đó là cái quyền lợi chính đáng của mỗi người và nàng cũng cần có nó. Thế nhưng tất cả việc làm của nàng đều không làm người khách động lòng thương xót, không một tín hiệu hồi tâm, không một động thái cho rằng nàng sẽ không cô độc giữa đêm nay. Nhìn trăng sáng khoan thai chế ngự, ánh sáng càng rạng rỡ nàng lại thấy lòng băng giá, nàng thốt lên tiếng lòng đau đớn như lời than ai oán tịch liêu:
“Chớ đạp hồn em! Trăng về viễn xứ.
Đi khoan thai trên ngự đỉnh trời tròn.
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn.
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn,
Chớ để riêng em phải gặp lòng em;”

Còn gì tái tê hơn khi cõi hồn nàng đã chất chứa, đong đầy như biển lớn bao la, mà từng giây phút trải qua đời là từng vết cứa của nhát dao lạnh ngắt. Nỗi buồn lạc lõng cứ làm run rẫy chiếc linh hồn cô độc, bé nhỏ kia, và trong nỗi vô vọng ấy chỉ có mình nàng với nàng mà thôi. Mọi khát khao giao cả với cuộc đời đều bị khước từ, cự tuyệt một cách lạnh lùng…
Đau đớn và tuyệt vọng, nàng chua xót nhận ra:bao nhiêu mơ ước, khát khao cả những cố gắng mà nàng cất công nài nỉ chỉ là hư vô, sự thật phủ phàng cuộc đời cô kỹ nữ chỉ có thể giữ chân khách làng chơi trong chốc lát, gặp gỡ chư một sự tình cờ, gió thoảng, mây trôi. Cuộc tình của nàng sẽ không bao giờ trọn vẹn. Với nàng, ngoài những tháng ngày ngụp lặn giữa cuộc đời trụy lạc cứ bập bềnh trôi, không còn gì khác cả. Bởi đời nàng còn mong gì tìm ra bến đổ:
“Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng,
Trôi phiêu liêu không vọng bến hay gành;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu,”

Lời than khóc của người kỹ nữ cũng là tiếng lòng chung của biết bao thiếu nữ:
“Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo,
Trời đầy trăng, lạnh lẽo suốt xương da.
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già;
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt.”

Bởi sự thật mãi mãi không thay đổi, Nàng chỉ là bến sông hiu quạnh mà khách bộ hành chỉ ghé thăm khi mỏi gót, quá giang một đêm trong suốt cả cuộc đời đằng đẳng. Cứcố hy vọng và tin tưởng nhưng vị khách ia chẳng phải là hoàng ử, cũng chẳng là vị ân nhân sẽ cứu rỗi cuộc đời bạc bẽo của nàng. Du khách cũng chỉ là du khách, cũng chỉ là cách chim bằng mỏi mệt xếp cách nghỉ ngơi trong phút chốc cạch đời nàng.
“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi. Du khách đã đi rồi.”

Cái mờ nhòa nhập nhòe trước mắt người kỹ nữ là dòng sông của cuộc đời đang cuộn trôi, người du khách đã thật sự cất bước không gì lưu luyến, chính nơi đó - nơi mà bước chân lạnh lùng của chàng khuất bóng thì kỹ nữ cũng như chết lặng ngừi đi vì uất nghẹn dâng trào. Hết thật rồi! Nàng chẳng còn hơi sức và hy vọng để níu kéo. Đó là duyên phận mà nàng phải vương mang. Cố níu kéo chỉ càng thêm đau đớn và tuyệt vọng.
Xuân Diệu đã khơi gợi những nỗi niềm sâu xa nhất, thầm kín nhất và cũng là chân thật nhất của những số phận người kỹ nữ lỡ làng. Ở họ luôn ẩn chứa niềm khát khao giao cảm, ước mơ về một hạnh phúc để sưởi ấm trái tim vốn bị người đời xa lánh, khinh khi. Đó là nét mới nổi bật trong Lời kỹ nữ và cũng là bi kịch xót xa của chính thi nhân và những nhà thơ mới đương thời.
3. Nỗi buồn trong Thơ mới và Nỗi Buồn trong thơ Xuân Diệu:
3.1 - Nỗi buồn trong Thơ mới
Trong bài “Về cái buồn trong thơ mới” Hoài Chân cho rằng: “Đúng là thơ mới buồn, buồn nhiều”, “cái buồn trong thơ mới không phải là cái buồn ủy mị, bạc nhược mà là cái buồn của những con người có tâm huyết, đau buồn vì bị bế tắt chưa tìm được lối ra”.
Nỗi buồn cô đơn là cảm hứng của chủ nghĩa lãng mạn.Với các nhà thơ mới, nỗi buồn ấy còn là cách giải thoát tâm hồn, là niềm mơ ước trãi lòng với chính mình. “Thơ mới vừa cất tiếng khóc chào đời đã buồn ngay trong bản chất” (Phan Cự Đệ). Như trong thơ của Chế Lan Viên:
“Tôi có chờ đâu ,có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không phong ngoài nghĩa khổ đau”

Thơ mới là một điệu sầu mênh mông,trong đó có 3 nỗi sầu đậm nhất: Sầu nhân thế, sầu thời thế, sầu thân thế. Vào giai đoạn trào thơ mới xuất hiện cũng là lúc các luồng văn hóa phương tây xâm nhập vào Việt Nam. Các nhà thơ đã hết sức mở lòng, hồ hỡi đón nhận nó như sự giải thoát cho mình. Chính tư tưởng mới mẽ này cho họ sự tự do, sự cởi mình khỏi những ràng buộc, những hà khắc niêm luật chặc chẽ của thơ cũ. Nhà thơ mới có ý thức cá nhân sâu sắc, cái tôi lớn lao. Nếu như thơ cũ chỉ là phi ngã, vô ngã thì thơ mới
đề cập đến bản ngã. Họ hoàn toàn làm chủ mình, ý thức được mình, cái tôi lớn cảm xúc dâng trào, được bộc lộ, được bài tỏ….nhưng cái xã hội đương thời chỉ là tù đọng,như một cái nhà tù giam lõng “trái tim rạo rực chỉ chực nhảy ra khỏi lồng ngực”.Chính vì thế mà họ sầu, nỗi sầu thế hệ, nỗi sầu dai dẳng triền miên.
“Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta”
Hay
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”

(Xuân Diệu)
3.2 - Nỗi Buồn trong thơ Xuân Diệu:
Qua bài thơ Xuân Diệu lột tả được một cách xuất thần, đó là mối tình vu vơ tuyệt vọng của người kỹ nữ. Ðọc bài này, người ta sẽ cám cảnh thương cho những duyên phận bẽ bàng, thương đau; mà cũng cám ơn ngọn bút tài hoa của thi nhân đã nói giùm tâm cảnh, hoàn cảnh xót xa của đời những người con gái ăn sương, hương sắc tàn phai theo năm tháng... Mỗi ngày mỗi đêm, tuổi xuân rơi rụng dần mà không tìm thấy chút hy vọng nào cho một hạnh phúc nhỏ nhoi; tìm quên trong cảm giác hầu hạ phục tùng những tấm chồng tạm bợ cũng không sao khỏa lấp đuợc nỗi cô đơn truyền kiếp và cái định mệnh khắt nghiệt đã đóng nặng dấu ấn vào tim. Họ bám víu, nhưng không giữ đuợc gì. Ôm ấp từng khách lạ để tìm hơi ấm hạnh phúc hão huyền. Tình yêu là đâu? Tình yêu là gì? Không chết đi một ít mà chết ở tận cùng con tim. Con tim cũng đã mất đi hình dạng của nó. Sống vật vờ như thế với từng đêm mộng mị chiêm bao. Mỗi sớm mai thức dậy, nhìn thấy sông trôi, người chồng một đêm cũng trôi, cuộc tình tạm bợ cũng trôi đi trong đôi mắt run mờ.
V. Nghệ thuật:
1. Ngôn ngữ:
Cũng trong phong trào thơ mới, các nhà thơ không những sang tạo ra hệ thống nhân vật, hình tượng, thế giới nghệ thuật …mà họ còn sáng tạo ra cả hệ thống lời thơ, câu thơ.
Và Xuân Diệu cũng thế, ông đã đưa vào lời thơ của mình một hệ thống từ vựng mới cũng như cách sử dụng mới. Hệ thống từ vựng của Xuân Diệu mang đầy tính cụ thể, nó mới đến nổi nhiều người không chấp nhận được, ngay cả những người luôn ủng hộ thơ ông. Hoài Thanh đã nói: “Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn như trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ”. Nhưng rồi cũng chính Hoài Thanh khẳng định: “Cái dáng bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người”.
Thật vậy, càng đọc thơ Xuân Diệu, ta càng nhận thấy ông đưa vào thơ nhiều từ mới và cách dụng rất lạ. Thậm chí ông còn sử dụng cả những cách nói định lượng về những cái trừu tượng vốn không có trong tiếng Việt mà là của thơ Pháp. Chính nhờ hệ thống ngôn từ cùng cách sử dụng mới mẽ ấy đã khiến thơ Xuân Diệu trở nên đầy ấn tượng độc đáo.
Mặc dù vậy, Xuân Diệu vẫn còn giữ những nét truyền thống dân tộc: những từ ngữ cổ điển, quen thuộc (viễn du, viễn xứ, bến, gành…). Và những nét duyên dáng Việt Nam ấy đã xuất hiện trong thơ Xuân Diệu một cách rát sáng tạo, độc đáo mà không theo lối mòn của thơ xưa:
Tình giai nhân:bến đợi dưới cây già
Tình du khách:thuyền qua không buộc chặt
Như vậy, ta có thể thấy Xuân Diệu không hề quay lưng lại với quá khứ, mà trái lại ông còn dựa vào quá khứ để làm giàu thêm ngôn ngữ thơ của mình – ngôn ngữ thơ Xuân Diệu mang đầy nét sang tạo.
2. Nhân vật:
Thật ra môtíp người kỹ nữ không phải đến Thơ mới mới có mà đả có và trở nên quên thuộc trong thơ cổ điển. “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị nói đến mối giao tình của một kỷ nữ với du khách Tư Mã Giang Châu. đó là chuyện của cặp giai nhân - tài tử, tri âm - tri kỷ.hình ảnh người con gái giang hồ vốn đã xuất hiện trong nhiều nhà thơ khác, và có trước Xuân Diệu cũng khá lâu (Bi Xuân Nương của Phan Văn Duật ra đời năm 1927). hay Nguyễn Du với "Long Thành cầm giả ca", "Giang Hồ " của Lưu Trọng Lư. Nguyễn Bính trong Oan nghiệt đứng ở nhân vật tôi kể về mình và gia đình mình. nhưng trong lời kỹ nữ của Xuân Diệu "đã khơi sâu vào tâm thức của thời đại, vì vậy nó đạt tới tần trí tuệ cao hơn và ý nghĩa nhân bản sâu sắc hơn" (Lý Hoài Thu). Nhân vật trữ tình trong bài thơ ấy là "em", là lời tân trạng của ngôi thứ nhất thể hiện tâm trạng cảm xúc buồn cô đơn của người kỹ nữ: Họ khao khát hanh phúc, sọe buồn, sợ cô đơn. Bài thơ là sự chuyển hóa của tác giả vào nhân vật trữ tình "em" để nói lên tâm trang của chính mình. Xuân Diệu - với hồn thơ "khát khao giao cảm với đời" luôn là mạch nguồn cảm xúc trong mỗi bài thơ. Số phận của người kỹ nữ luôn ở trong tình cảnh cô đơn,mối tình của họ chợt đến rồi chợt đi, tình cảm trong chốc lát bởi vậy họ rất sọ nỗi cô đơn buồn tủi phải đối mặt với không gian bao la rộng lớn "đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời. khách không ở lòng em cô độc quá". Phải là một trái tim tha thiết, yêu thương luôn "mở hồn ra.
VI. Tổng kết và Đánh giá nhận xét:
1. Tổng kết:
Đến với Lời kỹ nữ ta cứ bị ám ảnh bởi không gian mênh mông, bởi ánh trăng rằm sáng lạnh đến gợn người và nỗi cô độc tội nghiệp của một cô gái tài sắc, có ý thức về bi kịch của cá nhân mình. Lời kỹ nữ trở thành một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Xuân Diệu thời trước Cách mạng tháng Tám 1945, trở thành một trong những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ mới lãng mạn 1932-1945, bởi lẽ khả năng nhập thân vào nhân vật để tìm thấy ở đó niềm đồng cảm với nỗi xót xa lớn nhất của lòng mình. Nói tới thi sĩ lãng mạn Xuân Diệu là nói tới một cõi lòng cô đơn khi những ước ao bồng bột, những khát khao sôi nỗi đụng phải sự hờ hững, lạnh lẽo của người đời, khi trái tim si mê lại hiến dâng nhằm chỗ. Bi kịch ấy Xuân Diệu tìm thấy ở người kỹ nữ. Giữa thi sĩ và cô gái tài sắc này quả có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, có sự “đồng bệnh tương liêu”. Trong một không gian, một thời gian một con người ôm mối cô đơn đang mong tìm đồng cảm. Nhưng càng thiết tha tìm, càng sợ gặp lòng mình thì càng lún sâu vào bi kịch cô đơn.
Ấy là cái bi kịch tất yếu, cái bi kịch lẫn quẫn không sao gỡ thoát nổi của Xuân Diệu thời ấy. Bi kịch của kĩ nữ cũng là bi kịch của mọi cá nhân “ thanh quý, tài sắc, biết suy nghĩ” trong xã hội cũ. Lời van vỉ của kỹ nữ cũng là tiếng lòng của thi sĩ Xuân Diệu. Hai nỗi cô đơn đã gặp nhau trong những lời thơ thành thực khác thường: “Lòng kĩ nữ, lòng thi sĩ..”
2. Nhận xét đánh giá:
Theo Lý Hoài Thu, “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu “đã khơi sâu vào tâm thức của thời đại, vì vậy nó đạt tới tầm trí tuệ cao hơn và ý nghĩa nhân bản sâu sắc hơn”. Nhận định đó của Lý Hoài Thu được thể hiện rõ nét qua cấu tứ của bài thơ. Bắt nguồn từ môtíp quen thuộc của văn chương lãng mạn, “Lời kỹ nữ” viết về mối tình chớp nhoáng giữa khách làng chơi với gái giang hồ. “Mặc dù cũng nói đến cuộc yêu đương nhưng bài thơ 
nhất thiết không phải là bài thơ tình với đúng nghĩa của nó”. Cao hơn tất cả tình cảm không cội rễ, không gắn bó của khách giang hồ, Xuân Diệu muốn bày tỏ nỗi cô đơn của lòng người – một nỗi cô đơn tự mình không chịu đựng nỗi, nhưng cũng không chia sẻ cùng ai.
Còn theo nghiên cứu của Hoài Thanh, Hoài Chân thì “Lời kỹ nữ” của Xuân Diệu “lại mang những nét riêng độc đáo, tiêu biểu cho lối xúc cảm riêng của ông về tình yêu”.
Chỉ có trong thơ Xuân Diệu mới có những thoáng buồn rờn rợn như vậy. Ngay lời văn Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu không như Huy Cận vừa bước vào làng thơ đã được người ta dành ngay cho chỗ ngồi yên ổn. Xuân Diệu phải chịu những tiếng khen chê của mọi người, người khen, khen hết sức; người chê, chê không tiếc lời.
Theo http://nguvan1k37.byethost10.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung

Đọc lại "Xem đêm" của Phùng Cung Nghệ thuật thi ca của Phùng Cung, trong Xem đêm thật tài tình. Có thể nhận định một cách ngắn g...