Sau mùa Xuân, mẹ tôi lại ngồi thở dài. Tôi biết lý do vì
sao mẹ thở dài. Cái lý do dễ hiểu bởi tôi đã gần 30 tuổi, vẫn ở vậy không có
người rước. Đúng vậy, mẹ thở dài vì mẹ đã cảm thấy sốt ruột. Gái lớn chưa có
chồng như hoa nở quá độ, gái sẽ ế và hoa sẽ tàn. Với mẹ, mỗi mùa Xuân là mùa
đám cưới nở rộ. Nếu tôi có người hỏi, rồi cưới, rồi tổ chức tiệc tân hôn ở
nhà hàng, như các gia đình khác, thì mẹ vui biết mấy. Năm tôi 25, mẹ đã vẽ ra
hình ảnh đó để ấm áp tuổi già của mẹ. Nhưng rồi, Tết năm tôi 25 qua đi, cộng
thêm mấy cái Tết sau đó, mùa Xuân vẫn không là mùa Xuân như mẹ mong ước.
Vẫn một mình một bóng, lủi thủi và cô đơn, tôi đi đi về về như một con chim lẻ
bạn. Cũng có lúc, tự lòng mình, tôi buồn và tủi nữa. Rồi pha chút hận đời, hận
người, tôi đâm ra chán và thất vọng. Vợ với chồng, mắc mớ gì chuyện vớ vẩn đó
cho phiền muộn, cho nghĩ ngợi vẩn vơ. Không ai lấy thì ở một mình đâu có chết
mà phải bày đặt chuyện lấy chồng. Lấy chồng là đeo gông vào cổ. Mất tự do. Mất
thoải mái. Mất hết những gì mình muốn vì phải lệ thuộc vào chồng. Rồi đẻ một
đứa con, hai đứa con, những cái lo đổ xuống như mưa rào vuốt mặt. Đấy. Bà chị
tôi lấy chồng xong, đẻ đái hung dữ,
nuôi một bầy năm đứa con, má hóp, mắt quầng, người ốm tong ốm
teo vì lo đủ thứ việc. Còn ông anh rể, vợ đẻ thì dáng mà nuôi dưỡng, ông đứng
ngoài vòng, xoa tay, coi như vô trách nhiệm với lũ con lúc nhúc một bầy.
Mẹ tôi không nghĩ thế. Với mẹ, điều suy nghĩ đơn giản của
bà chỉ là gái lớn phải có chồng. Khác với mẹ, bố tôi không bao giờ bận tâm để
mắt hay nhắc đến việc trong nhà. Ông có cuộc sống của riêng ông. Khép kín đời
mình trong một vòng đai gồm những cuốn sách trong tủ sách ở phòng ngủ, đêm
cũng như ngày, trừ hai bữa ăn và giấc ngủ, ông không đọc thì ngồi hí hoáy viết.
Cũng có đôi khi, tôi thấy bố tôi vận áo quần tươm tất, rời nhà đến thư viện,
đi tay không, về với những cuốn sách mượn dầy cộm. Mẹ tôi thấy bố tôi ham hố
đọc sách và viết lách, chẳng biết lo đến chuyện chồng con của tôi, bà cằn nhằn
bố vô trách nhiệm. Mỗi lần nghe mẹ tôi nói, bố tôi chỉ ngồi lặng thinh như cục
đá mặt nhẵn, kệ cho nước chảy qua người. Vào những lúc bố tôi ngồi viết, bị mẹ
tôi quấy rầy làm ngắt quãng câu văn, mặt bố tôi bỗng nhăn lại, nheo hai con mắt,
đuổi mẹ tôi không bằng lời nói mà bằng những biểu lộ hằn trên nét mặt. Thời
gian này, bố tôi đang bỏ công sức ngồi viết cuốn truyện dài. Nếu bố tôi là
người đi trên mây, thì mẹ tôi là người ở dưới đất. Cái thực và cái ảo đối nghịch
nhau như mặt trăng và mặt trời. Chính vì điều đó tôi nhận ra từ ông bố và bà
mẹ, tôi nhìn thấy tương lai của tôi nếu một mai tôi cũng có chồng. Rồi người
chồng tôi cũng xung khắc từ lời ăn tiếng nói, từ cuộc sống hàng ngày, đụng chạm,
né tránh, niềm vui nếu có cũng chỉ là gượng gạo.
Năm 20 tuổi, cái tuổi của một người con gái nẩy nở thân
hình, tình yêu cũng từ đâu đó đến, tình dục cũng phát tiết, đấy là lúc tôi đã
nghĩ về phái nam, nghĩ về thỏa mãn những đòi hỏi của nhục thể. Đấy cũng là
lúc tôi cần có chồng để đáp ứng những nhu cầu mà đôi lúc tôi thèm muốn khao
khát. Nhưng rồi tuổi đời mỗi mùa Xuân qua, năm với con số cộng, ngoài 30, ham
hố trong tôi cứ triệt tiêu như cây trong rừng bị đốn chặt cụt. Đồi núi không
còn bao nhiêu cây, đất trên các sườn và đỉnh đồi núi đó sẽ bị nắng khô se đỏ
bụi. Tôi cũng thế, tuổi càng thêm, tính tình càng khe khắt, cơ thể càng teo
tóp, ham thích này nọ càng thui trột. Từ đó, tôi nhìn phái nam với đôi con mắt
thiếu thiện cảm. Những buổi vui chơi có đông người, tôi thường né tránh, nại
cớ mỗi khi được mời. Tự tôi, tôi đã tránh xa họ và tìm một nơi yên tĩnh, kín
đáo để trốn mình như một con sên rút trong lớp vỏ. Tự ti, mặc cảm, cái bệnh
đó, tôi biết mình đã bị nhiễm và mỗi lúc, bệnh trở nên nặng không còn cách
thoát ra khỏi. Đúng vậy. Giữa đám thợ săn vây bủa chung quanh, tôi là con nai
bị săn đuổi, hoảng sợ trước tiếng súng và tiếng hét trong một khu rừng. Tiếng
súng và tiếng hét đó ở một nhà hàng vào đêm tiệc cưới của một người bạn gái,
tôi đã ngơ ngác trước những người đàn ông ngồi cùng bàn. Bữa đó lẽ ra tôi từ
chối không đi dự, nhưng mẹ tôi cứ khuyên tôi phải đi dự, vì theo ý bà, ở những
nơi đông người như thế, nó là một cơ hội tốt để quen biết nhau, để dễ yêu
nhau, và để đi đến hôn nhân.. Mẹ tôi còn đưa kinh nghiệm
bản thân để kết luận rằng: mẹ lấy bố cũng qua những cuộc vui chơi như thế,
trong một bữa tiệc, ngồi nói chuyện, rồi hợp nhãn hợp ý, rồi phải lòng. Mẹ đã
vạch vẽ con đường cho tôi đi, tôi đã đi vào con đường đó như một người lính
tuân lệnh. Và buổi tối hôm đó, tôi bỗng thấy ham muốn đòi hỏi của tuổi con
gái, tôi buông thả để đi tìm cảm giác lạ. Cây úa héo vì khô nước, bỗng có một
cơn mưa đổ xuống tưới tắm, thân gốc tươi, lá nẩy trồi. Với tôi, tôi là cái
cây úa héo, cũng bỗng chốc được người khác phái đưa về trên chiếc xe, trên đường
đêm khuya khoắt, với những cái hôn môi, những vòng tay ghì siết, và cuộc sục
sạo thân thể. Có lúc tôi bắt sợ. Nhưng ngược lại, cũng có lúc tôi lì lợm tỉnh
khô. Để tìm những gì mình thấy cảm giác lạ, để thỏa mãn cái thú tính mà bao
nhiêu năm tôi ham muốn nhưng chưa một lần biết. Người đó ham hố tột cùng vì
tôi mặc tình không một phản ứng lại. Bấy giờ, tôi đườn người như một kẻ ngấm
thuốc, biết gì nữa để trốn chạy, lúc cơn bạo hành thân xác đỏ ửng như cục
than hồng trong lò lửa nóng.
Chỉ chừng đó thôi không đi xa hơn khi người đàn ông đưa tôi
về đến nhà. Cám ơn anh đã làm phiền anh
cho tôi quá giang. Tại sao lại phải cám ơn một con người đã lợi dụng
cơ hội để sách nhiễu tôi suốt trên đường xe chạy. Không, tôi phải cám ơn là
đúng vì chính tôi, tôi chấp nhận được sách nhiễu mà không là bị. Nên tôi đã
cám ơn và phải cám ơn thôi.
Buổi tối ngồi bên người đàn ông lạ đã không ngừng lại ở đó.
Bởi sau đó một tuần, người đàn ông còn rủ tôi đi ăn và về nhà ông ta chơi. Ở
nơi ông ta ở, một ngôi nhà “mobile home” thuộc loại sang, có phòng khách lớn,
phòng ngủ rộng, hàng hiên bên ngoài và chung quanh là vườn trồng cây ăn quả.
Những cây cam quả vàng, những cây táo quả mầu da lươn, những cây hồng chín mầu
đỏ, chúng đứng trong mảnh đất làm đẹp cho ngôi nhà.
Ngồi đối diện với ông ta ở phòng khách, qua cái cười và mắt
nhìn, tôi biết người đàn ông đó muốn gì ở tôi. Nếu tôi sợ, tôi đã không đến.
Nếu tôi không muốn, tôi cũng sẽ chẳng nhận lời đề nghị của ông lúc rời nhà
hàng. Và đến, tôi biết đến một nơi như thế, với một người đàn ông vừa mới
quen, trong một ngôi nhà chỉ có hai người, giữa ông và tôi, chuyện sách nhiễu
trên xe đêm ông trở tôi về, sẽ được tái diễn. Nó còn hơn thế nữa vì ở đây, điều
kiện dễ dàng và thuận tiện sẽ giúp ông đi xa hơn nếu như tôi đồng ý giúp ông.
Và tôi đã giúp ông như tôi giúp mình để tìm cách chối bỏ thân xác, để phá vỡ
những vây bủa mà nhiều năm rồi, tôi tự nhốt tôi trong cái vỏ sò tù túng và mặc
cảm. Đèn đã tắt. Căn phòng đã tối. Trên tấm nệm giường nằm, tôi thấy da thịt
mình cọ xát vào lớp vải mềm. Tôi cầm cự, cố gắng, chịu đựng, rồi buông xuôi
và thả nổi sau trận cuối của cuộc bạo hành.
Nhiều năm trước đây, tôi thường tự đặt câu hỏi thắc mắc lẫn
tò mò, là chuyện giữa nam và nữ nó thế nào, ra sao, thì bây giờ, tôi đã tìm
ra lời giải đáp. Thỏa mãn chỉ có chừng đó nhưng chừng đó cũng đủ làm tôi điêu
đứng nhiều ngày về sau. Tôi mang bầu. Mẹ tôi dò la biết tôi mang bầu thì bà rất
giận. “Phải bắt cái đứa làm tôi mang bầu để làm lễ cưới hỏi”. Mẹ bảo
thế khi cơn nóng như lửa bùng lên cháy bỏng thái dương bà. “Nó hại đời con
thì nó phải có trách nhiệm. Nó xoa tay chối bỏ đứa con thì đưa nó ra
tòa”. Mẹ tôi hết chửi, gào, rồi hét như một người điên. Bố tôi chỉ biết
lặng im. Trong đau khổ hay lúc vui, ông vẫn giữ được thái độ điềm tĩnh và ôn
hòa. “Chuyện đã rồi, cứ từ từ rồi tính”. “Còn tính gì nữa. Đã có bầu, gặp
nó bảo nó phải cưới gấp. Để lần lữa, cái bụng nó phình to, vượt mặt rồi, cưới
để thiên hạ chúng nó nhìn rồi chửi hả”. Bố tôi lại giữ vẻ mặt lạnh, thủng
thẳng nói từng câu nhát gừng: “Biết rồi, nhưng chuyện bà nói tưởng dễ lắm
hả”.
Đọc những truyện ngắn ông viết, nhiều cuộc tình trắc trở và
dang dở cũng khối cả. Toàn những nhân vật ông tùy ý đưa ra, đặt vào truyện, rồi
thay ông Trời, cho số phận người này được sướng, kẻ kia phải khổ. Truyện tình
phải éo le, chồng tréo những chi tiết để dẫn dắt đọc giả đi đến những gút mắt
bất ngờ, ngạc nhiên, bất bình, truyện mới hấp dẫn và đạt. Ông viết, ông là
người cầm cân nẩy mực, muốn cho ra sao thì cho, muốn để nhân vật sống hạnh
phúc thì được hạnh phúc, muốn nhân vật đó thất tình thì cho nhân vật của ông
uống thuốc độc tự tử hay khủng khiếp hơn, ông cho họ ra đường rày nằm chờ xe
lửa đến, ra đường phố lủi đầu vào xe hơi cho xe hơi cán. Đâu có riêng gì ông
mà nhiều nhà văn khác, như Leon Tolstoi cho Anna Karenine chết thê thảm khi
đoàn tầu lao tới cán qua người, như August Flaubert cho Emma đi sang bên kia
thế giới mang theo nỗi cay đắng uất hận và đau khổ tột cùng của đời mình. Như
... Đó là những bản truyện bố tôi đã hư cấu viết ra. Dù là hư cấu vẫn có những
chất liệu thực tế mà bố tôi mượn được từ cuộc đời. Những gì ông thấy ở chung
quanh ông đã xẩy ra từ những con người và cuộc tình có thực. Tôi đã cho ông cốt
truyện để ông viết về tôi. Và rồi, ông viết về tôi như thế nào. Cho tôi sống
hay chết. Cho tôi đẻ đứa con ra. Cho tôi tiếp tục ở lại ngôi nhà. Cho tôi
thoát ly gia đình để xa lánh người mẹ qui trách nhiệm về tôi, là đứa con hư đốn,
xấu xa, tồi tệ. Tôi biết chắc chắn một điều, bản truyện bố tôi viết về tôi,
ông sẽ không dễ dàng để có một cái kết đúng với ý ông muốn. Ông không kết được
thì tôi sẽ kết cái kết cho ông.
Cái kết đó, tôi đã mở ra để chọn cho mình một lối thoát.
Tôi ra đi. Đến một nơi, nơi đó là nơi nào miễn không là nơi tôi đang sống. Để
tránh khỏi hai con mắt của mẹ tôi, cái mặt lạnh như tiền của bố tôi, và căn
phòng tôi ở bỗng chốc nó biến thành cái quan tài với bốn bức vách gỗ chật hẹp,
ngột ngạt. Điều tôi thỏa mãn vẫn là điều tôi đã ném trả cho mẹ tôi những gì
mà bà ghét tôi cay đắng qua những câu nói bà thường ám chỉ tôi là gái già.
Câu nói đó mang một ý nghĩ xấu xa ghê tởm khi con người được ví với một con
chó. Một con chó đã luống tuổi, ốm yếu và xác xơ lông. Cũng chẳng sao, nếu
tôi là một con chó già, dưới mắt mẹ tôi, mẹ tôi cũng không thể quên rằng, con
chó đó từ bụng bà chui ra, kết quả của cuộc làm tình hung hãn, có từ cuộc
hung hãn sung sướng ấy. Mẹ đã chối bỏ đứa con của mẹ như ruồng rẫy một bông
hoa đã úa cánh mà bông hoa đó, bà đã ưa thích khi nó còn phô sắc, được cắm
trong bình bông, được bày ở phòng khách trên cái bàn mặt kính. Giờ đây, bông
hoa không còn được chiêm ngưỡng nữa, như tôi, đứa con của bà đứng ở ngưỡng cửa
đời đã luống tuổi. Không sao, mẹ hắt hủi thì tôi có lối thoát như một con dế
đá đã tới lúc phải bung mạnh càng.
Mùa Xuân vẫn còn những bông hoa trên cây cối. Những con
chim vẫn hót mỗi sáng bên ngoài khung cửa sổ. Nhưng đối với tôi, cái bụng cứ
mỗi ngày mỗi lớn. Đêm, ở phi trường thành phố, tôi đã có tấm vé cầm tay, đã
có tên trong danh sách chuyến bay, đã lên máy bay của chuyến bay đêm. Tôi đi
Denver. Ở đó, tôi ở nhà bà chị như một người tỵ nạn. Ở đó, tôi sẽ cho đứa con
chào đời vì tới tháng, nó phải chào đời để làm người. Mẹ tôi có nghĩ lại và hối
hận về điều bà không. Bố tôi có đem tôi vào nhân vật để ông viết truyện
không. Tôi chẳng buồn biết đến những điều đó vì khi đứa con sinh ra, niềm vui
lớn nhất vẫn là nó. Tôi cũng chẳng cần bận tâm nhớ đến người tình bội phản với
lời hứa cuội sau đêm ông ta dày vò thân xác tôi, dáng những trận đòn thù chí
tử ở nơi cái lỗ sâu thăm thẳm, để rồi buông tôi ra nằm thở như một con
bò đực kiệt cạn sức lực. Cái cọc ông đóng lút xuống lỗ, đến lúc nhổ, cái cọc
mềm ủng như một củ cải nhúng nước sôi đã nhừ. Trong óc tôi, tôi vẫn hình dung
ra ảnh tượng đó mỗi khi nhớ về ông ta. Cũng đôi khi đêm nằm trằn trọc, tôi lại
muốn tìm đến ông để biết thêm một lần nữa, cái cọc rất cứng và rất hùng hổ
khi nó đóng xuống lỗ. Điều đó không thể thực hiện được vì bây giờ, nơi ông ở,
nơi tôi ở, khoảng cách của đường bay bay rất xa.
Cuối mùa Xuân, bố tôi điện thoại gọi tôi về. Ông bảo: “mẹ
khổ não từ khi tôi bỏ nhà ra đi”. Chị tôi khuyên tôi không nên làm phiền
lòng bà. Chị muốn tôi về lại với bà khi bà đã nhìn ra sự đối xử thiếu công bằng
của bà đối với tôi. Cú điện thoại của bố tôi còn nói rằng: “Mọi chuyện
cũ phải được quên đi. Người ta càng cố tình đào thì cái hố càng sâu thêm. Việc
đó chẳng ích lợi gì và chẳng giải quyết được gì. Con nên về lại nhà nhất là
lúc này mẹ không được khỏe”. Tôi phân vân suy nghĩ về lời bố tôi nói để
tìm cho mình một quyết định. Cuối cùng, đứng ở ngã ba đường, tôi đã chọn một
trong ba con đường để tôi dứt khoát đi về ngả đó.
Đêm ra phi trường, tôi đem đứa con trở lại nhà bố mẹ. Mẹ
đón tôi và cháu của mẹ với ngấn nước mắt buồn và vui. Bố tôi đưa tay ra bồng
con tôi cười với cái cười gắng gượng. Tôi nhận ra cuộc gặp gỡ này giả tạo như
một vở kịch mà người ta cố đóng vai mình đóng, nó đã không lột được tính thực
của nhân vật thủ diễn. Sau nhiều tháng tôi bỏ nhà ra đi, căn phòng tôi ở vẫn
thế. Cái giường tôi nằm kê sát cửa sổ ngó ra mặt phố. Nằm trên giường, mắt
tôi có thể nhìn thấy những cành cây nhỏ nhắn, gầy gò, dính chi chít hoa.
Chúng đong đưa, quơ quét ngoài mặt kính, như những con bướm trắng đập cánh muốn
được bay vào.
Ở mẹ, tôi thấy mẹ tôi lầm lì ít nói. Không như trước kia,
bà bây giờ cố tình né tránh ngồi chuyện trò với tôi. Đó là một cách để mẹ chữa
trị vết thương chưa lành miệng mà tôi đã cứa trên da thịt bà. Dưới mắt mẹ
tôi, tôi vẫn là đứa con mất nết, hư đốn với cái tội con gái chưa chồng mà đẻ hoang.
Giữa mẹ tôi và tôi, khoảng cách của dòng sông vẫn là hai bờ, bên này và bên
kia không thể chập làm một. Chập sao được với nước phải chảy qua hai cái bờ đất
đó để gọi nó là con sông. Nó có thể giao thương bởi cái gạch nối tiếp xúc là
đứa con gái của tôi, cháu ngoại của mẹ.
Bố tôi từ ngày có sự hiện diện của con tôi, công việc viết
lách không còn được bố coi là trọng nữa. Rõ ràng ông đã sao lãng và lười biếng
ngồi trước cái máy computer gõ bài. Bản truyện dài bố đánh tới đoạn nào, đã
xong chưa, tôi không biết rõ. Nhưng có điều, bố tôi thay vì quên ăn bỏ ngủ để
mổ ngón trên cái “keyboard” như trước đây, ông đã ít khi đụng đến cái máy với
những chữ hiện trên khung ảnh. Rảnh, ông ôm hãm con tôi và nựng nịu nâng niu
nó. Giữa hai ông cháu, niềm vui vẫn là những cái cười của một người già và đứa
bé.
Phải nhiều năm sau, khi mẹ tôi đã mất, bố tôi đã quá già và
yếu, con tôi đã trở thành cô gái tới tuổi lấy chồng, tôi mới nhận ra nỗi buồn
mà mẹ tôi buồn là một điều đúng. Nỗi buồn và niềm đau cay đắng ở người mẹ đối
với con, nó là một trách nhiệm và bổn phận không thể không có và thiếu được
mà mẹ tôi đã cho trọn vẹn tình thương của bà. Tôi là kẻ có tội. Tôi đã oán hận
bà một cách vô lý. Tôi là kẻ bội ơn. Tôi bất hiếu. Đêm ngủ với người đàn ông
lạ, ở một ngôi nhà lạ, trên một cái giường lạ, tôi đã xả nỗi căm thù người thắt
ruột đẻ ra tôi bằng một giờ dại dột, để trả lại mẹ mình nỗi cay đắng mà tôi
chịu đựng từ mẹ tôi trút xuống. Đến bây giờ, tôi nhận ra điều đó thì đã quá
trễ khi nhìn ảnh mẹ lộng kính trên ban thờ bà, khi nhìn đầu những nén nhang
vươn lên những sợi khói ẻo lả mong manh, khi thấy đôi con mắt mẹ hiền từ ngó
xuống tôi với nỗi buồn và nhớ, thì tôi đã khóc trước tấm hình của bà.
Bố tôi với cuốn truyện của ông đã viết, chỉ một lần sau
ngày bố tôi ra đi, tôi mới đụng tới và mở ra đọc. Đó là hôm tôi dọn phòng ốc,
thấy nó để ở ngăn hộc tủ, một xấp giấy có bìa và có tên tác phẩm. Với nhiều
chương bố đã viết, nhưng chương cuối đã không có chương kế, mà lẽ ra, ở
chương đó, nó chưa phải là cái kết của cuốn truyện dài. Bỏ dở, ngưng viết, bố
tôi đã đoạn tuyệt chữ nghĩa, vất bỏ văn chương, căn cứ ngày ghi trên tờ bản
thảo, đó là ngày tôi đem bán rẻ cuộc đời tôi trong một canh bạc thua cháy túi.
Nỗi buồn và niềm đau, bố tôi đã giã từ gõ cái bản gõ chữ, thôi viết truyện, bởi
vì truyện và cuộc đời đã được tôi thay ông viết rồi, bố tôi thấy mọi đề tài cốt
truyện, chẳng còn gì để viết nữa.
Mùa Xuân đến rồi đi. Quả đất vẫn quay. Cuộc đời vẫn chỉ có
thế với những bốn từ “hỉ, lạc, ái, ố” mà con người ta không ai ra thoát khỏi.
Cho đến khi cát bụi trở về cát bụi, ở đầu nơi mình nằm, thay cho cái giường
là nấm mồ, với tấm bảng có ba chữ khắc: “RIP”. Nếu một mai tôi chết đi, được
lộn kiếp, tôi sẽ khôn hơn. Hoặc, nếu một mai tôi chết đi, tôi chẳng là gì cả
lại là điều tốt hơn hết.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét