Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Đà Lạt, tuổi thơ không quên

Đà Lạt, tuổi thơ không quên
Tôi biết nhớ Đà Lạt từ năm 11 tuổi, lớn thêm lên, nỗi nhớ thành niềm yêu thương pha lẫn tự hào. Tôi đã giận run và suýt đánh nhau với thằng bạn người miền Trung học chung khoa triết Đại học Tổng hợp TP.HCM vì nó dám gọi Đà Lạt là… thị trấn!.
     Hồi nhỏ, qua những bài học ở trường hai chữ “quê hương” luôn gắn với một vùng quê có hàng dừa, bờ tre, giếng nước; có con sông thơ mộng cùng những buổi chiều êm ả khói bếp vấn vương mái nhà tranh; có hoàng hôn xao xác tiếng chim về tổ; có những cánh đồng thơm mùi lúa đòng đòng… Nhìn lại Đà Lạt - nơi tôi sinh ra, chẳng có gì như sách đã tả, trí óc non nớt tự nhủ: “Chắc Đà Lạt không phải là “quê hương”!”…
     11 tuổi tôi xa thành phố Đà Lạt, những buổi chiều đầu tiên ở vùng kinh tế mới heo hút, tôi nhớ Đà Lạt nao lòng. Nhớ sân Trường tiểu học Đa Nghĩa có những cây Mimosa mảnh mai trổ bông vàng, những cây khuynh diệp đồ sộ rủ lá khô, mỗi sáng bác bảo vệ trường quét đốt tỏa mùi ngai ngái. Nhớ thầy Quang đeo kiếng trắng, thầy Viên lớn tuổi, thầy Tính rất khó, học trò sợ. Nhớ cô Hương Giang hay kể về Huế; cô Hiệp nhà gần trường; cô Thu hay bắt tôi quỳ, đánh thước kẻ vào mông, nhưng khóc đỏ mắt khi biết tôi phải bỏ học theo gia đình đi kinh tế mới. Nhớ những buổi tan trường rủ nhau bấm chuông phá các biệt thự, bị ông Tây dắt chó ra đuổi vứt cả cặp mà chạy, những trận đánh nhau tay chân bầm tím…
     Một buổi chiều, khi tôi ngoài 40 tuổi, trên bờ con sông nhỏ chảy qua cố đô Kyoto - Nhật Bản; tôi đứng lặng ngắm những tán hoa anh đào rực rỡ soi mình dưới bóng nước bên cạnh những dãy phố cổ vừa lên đèn. Không phải vì thành phố xa xôi này quá đẹp, tôi đang mơ về cội anh đào già cô đơn bên Hồ Xuân Hương của Đà Lạt. Ở đó có lần tôi đã chạy theo một cô bé tóc xõa ngang lưng, mặc áo len màu hồng ngọc.

Mấy bông hoa anh đào dưới nắng hanh Đà Lạt cũng màu hồng ngọc rung rinh trên cây; tôi chạy theo màu hồng ngọc chiếc áo của cô bé…Tôi ước gặp lại H. một lần để kể lại chuyện này.
     Thành phố Đà Lạt vừa lên đèn, những ngọn đèn trộn trong sương đục tỏa màu buồn buồn. Mưa lưa thưa, đường sũng nước vắng khách. Những chiếc xe ngựa lọc cọc chở rau vào chợ. Con ngựa thở phì rùng mình hất nước. Ngựa Đà Lạt có lẽ xuất xứ nhập cảnh làm ngựa huấn luyện kỵ binh ở trường Võ bị thời Pháp nên thường cao to đẹp mã. Phải về nông thôn miền Tây mới thấy những cây lơ, bắp sú, củ cà rốt Đà Lạt có ý nghĩa như thế nào trong những bữa tiệc, giỗ. Nó làm đẹp hơn cho món cá, chu đáo hơn cho món vịt Nam Bộ. Tôi nhớ con dốc Duy Tân. Có một chiều mưa nhẹ và lành lạnh thế này, tôi lên 6 tuổi bị ốm được mẹ dắt ra nhà thuốc Bắc hiệu con cua để ông thầy Tàu xem mạch, bốc thuốc. Lúc về gần bùng binh Cường Để, mẹ mua cho tôi một bánh patêsô. Vỏ bánh nóng giòn vừa ăn vừa thổi, nhân thịt bên trong thơm ngon kỳ lạ. Hơn 35 năm sau tôi vẫn chưa quên mùi vị bánh patêsô ăn kèm lời mẹ dặn:
     - Về đừng kể, mấy đứa ở nhà ganh!
     Mẹ không còn tiền để mua thêm dù chỉ một cái bánh cho mấy đứa em tôi ở nhà! Rạp xinê Ngọc Hiệp làm tôi nhớ đến những ngày tết. Chỉ có những ngày xuân, chị em tôi mới được ba, mẹ cho đi xem phim một lần, dù nhà chỉ cách rạp 10 phút đi bộ. Bộ phim đầu đời tôi được xem là “Con cóc thần”. Cóc biết phun lửa, nhưng đốt ai thì tôi quên mất. Khác với cái bánh patêsô, mùi phở bò đầu đời tôi được ăn ở rạp Ngọc Hiệp không được ngon. Ba gọi một tô nhỏ xíu cho tôi. Tôi 4 tuổi chưa biết cầm đũa nên ba đút. Mà có thể ba phải như vậy vì tiền đâu để mỗi bố con một tô?
     Đồi cù Đà Lạt có những hố nước nhỏ, mỗi bề vài sải tay, nước trong thấy đáy, có nhiều nòng nọc và cá lia thia 7 màu. Tôi thường trốn học cùng mấy đứa bạn ra đây xúc cá lia thia. Đồ nghề là một mảnh vải mùng bọc quanh, khung được bẻ lại từ dây kẽm. Đà Lạt lạnh nhưng nước ấm, chúng tôi trần như nhộng đập nước tung tóe. Một lát thì bùn đục đen, rong rêu bám đầy người, chỉ cần hai con lia thia bằng đốt bút chì là đủ vui. Thả cá vào lọ keo xem chúng đánh nhau rồi bắt độ. Đứa thua cõng bạn đi ngược đồi, mệt thì lăn ra thảm cỏ êm mượt. Thời đó các anh chị sinh viên của đại học Đà Lạt thường đi cặp ra các gốc cây thông trên đồi cù tâm sự. Họ nhìn âu yếm và gườm chúng tôi bằng tất cả khả năng đe dọa. Gặp chị tốt bụng thì gọi đám nhóc đến cho mỗi đứa một cục kẹo, be hột đậu rang.
     Đà Lạt từng có một cái hồ rộng hơn nửa hồ Xuân Hương, rất đẹp, tên là Vạn Kiếp ở khu Hà Đông. Đầu những năm 70, hồ này cạn dần, biến mất. Lòng hồ thành vườn tược nhấp nhô nhà cửa. Rừng thông đứng bên hồ một thời đẹp như tranh thủy mặc bây giờ lưa thưa, quá vô duyên khi thiếu mặt nước để soi mình! Trường trung học Trần Hưng Đạo nằm ven hồ trong ký ức tuổi thơ tôi thật lớn, thật uy nghiêm, huyền bí, nay phơi ra trơ trọi với dăm căn nhà xây kiểu Tây đổ nát, hẩm hiu. Con đường Vạn Kiếp gần đó hơn 35 năm trước có những ngôi nhà chữ A hai tầng, mài nhọn náu mình dưới những cây thông, cây khuynh diệp cổ thụ.
     Tôi đã sinh ra trong một căn nhà như vậy, có lẽ tiếng khóc chào đời hòa trong tiếng thông reo vi vu. Mỗi lần chị tôi đi quơ những cành thông khô rụng về làm củi, tôi lững thững theo sau cái dáng nhỏ tí đội nón lá như cây nấm của chị. Tôi thích những con ốc sên bám vào những móng nhà xây đá hoang phế phủ rêu. ở đó còn có cây hoa (chẳng biết tên), ngắt đưa lên miệng thổi một hơi, các cánh hoa như những sợi bông gòn mảnh dẻ bay bay trong gió. Có cây me đất cao nửa gang tay, lá chua, rễ như củ cải tí hon ăn ngọt. Hoa ngũ sắc mọc hai bên đường, ngắt nhúm bông cho vào miệng mút ngọt như mật; ong, bướm mải mê dập dìu, lảng vảng. Đường Vạn Kiếp bây giờ vẫn cũ như xưa, tôi đi bốn phương về thấy con đường nhỏ lại, chỉ có bầu trời trên nó vẫn mênh mông! (...)
     Đà Lạt thấm dần vào tôi từ từ qua hàng chục năm, qua những kỷ niệm ấu thơ; những mối tình run rẩy vì sương khuya trên những con đường vắng, quanh co, thông reo nhè nhẹ; những ly cà phê nóng ấm của thủy tạ nhâm nhi với gió lạnh và ánh đèn huyền ảo chấp chới dưới mặt hồ Xuân Hương; và cả những mùa mưa dầm bố mẹ thất nghiệp, cả nhà đói cơm…
     Tôi biết nhớ Đà Lạt từ năm 11 tuổi, lớn thêm lên, nỗi nhớ thành niềm yêu thương pha lẫn tự hào.

Tôi đã giận run và suýt đánh nhau với thằng bạn người miền Trung học chung khoa triết Đại học Tổng hợp TP.HCM vì nó dám gọi Đà Lạt là… thị trấn! 15 năm sau gặp lại nó ở Sài Gòn cùng những thằng bạn học khác, câu đầu tiên tôi hỏi: “Mày còn gọi Đà Lạt là thị trấn nữa thôi?”. Nó lúc đó là giảng viên một trường đại học xuýt xoa: “- Tao mới được đi Đà Lạt về, tuyệt vời quá!... Tao không ngờ!”. Tôi đãi tụi nó một chai rượu ngon. Trong cái vui bạn bè lâu ngày gặp lại, có sung sướng và kiêu hãnh âm thầm vì kẻ cứng đầu đã bái phục quê hương tôi!
     Tôi viết báo đã gần 20 năm, viết đủ chuyện trên trời dười biển, quá khứ đến hiện tại lôi cạn cuộc đời viết đổi sinh nhai. Vậy mà chưa bao giờ tôi viết được một bài cho ra hồn về Đà Lạt! Tôi cứ như kẻ huyên thuyên mà chẳng bao giờ làm được điều gì tốt đẹp cho cái gốc đã sinh thành, nuôi dưỡng mình nên người! Đà Lạt của tôi ơi!.
Lại Văn Long
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...