Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Âm nhạc Việt Nam - Đôi điều suy ngẫm

Âm nhạc Việt Nam - Đôi điều suy ngẫm
Cùng với vị thế của đất nước, âm nhạc Việt Nam đã vang lên trên khắp các châu lục với bản sắc dân tộc không thể trộn lẫn, từ các sàn diễn trang trọng hoặc qua các làn sóng có uy tín của các hãng thông tấn và truyền hình lớn; từ những thể loại mang tính bác học tới những thể loại dễ phổ cập vào đông đảo công chúng, không chỉ trong chiến tranh mà cả trong hòa bình, nhiều năm qua cho tới hôm nay.
Nhạc sĩ Việt Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung đã được thừa hưởng một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, đặc biệt truyền thống ấy vẫn không ngừng được bổ sung những yếu tố mới mang tính nhân văn của thời đại. Nhiều học giả nước ngoài đã nói tới tư chất thông minh và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam, nhưng trong lĩnh vực âm nhạc chúng ta không thể không nhấn mạnh một yếu tố “trời cho” vô cùng quý báu, đó là tính đa thanh của tiếng Việt. Tính đa thanh ấy được nhân lên, được làm phong phú thêm nhiều lần nhờ ngữ điệu riêng của từng địa phương, đem lại nét độc đáo trong giai điệu dân ca, ca kịch của các vùng miền bên cạnh những làn điệu đầy sắc màu của các dân tộc ít người trên đất nước chúng ta. Chỉ riêng điều này đã gợi lên không ít thủ pháp giúp cho các nhạc sĩ chúng ta có thể thể hiện thành công nhiều trạng thái tâm hồn, không chỉ trước vẻ đẹp thiên nhiên mà cả trong diễn biến nội tâm vô cùng phong phú, đồng thời giúp các nhạc sĩ dễ dàng Việt hóa những chất liệu ngoại nhập theo mĩ cảm của mình. Có thể minh chứng điều này qua sự so sánh chủ đề “niềm vui” trong chương kết giao hưởng số 9 của Beethoven với giai điệu trong phần kết của Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) vang lên cùng lời ca: …Mắt Người sáng láng vàng sao thắm tươi, trán Người mái tóc bạc thêm/ Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười trên môi Người cười/ Tiếng cười ngày về. Gần đây chúng ta lại bắt gặp một ví dụ tương tự (tuy sự thành công này còn cần thêm thời gian kiểm nghiệm) trong bài Sống như những đóa hoa của Tạ Quang Thắng, giai điệu mang những đường nét và âm hưởng nhạc nhẹ thế giới đương đại với lời ca: …Hôm nay dẫu có gian nan, thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn/ Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi.
Tuy nhiên, để có được một nền âm nhạc Việt Nam hôm nay, chúng ta đã phải trải qua nhiều thăng trầm, thử thách to lớn. Ở thời tân nhạc, nhạc Tây chiếm ưu thế bởi cái mới lạ của nó cùng những phương tiện, phương thức và kĩ thuật biểu diễn hiện đại mà đằng sau nó là một âm mưu nô dịch dân tộc ta, đặc biệt nhằm vào đối tượng lớp trẻ lúc bấy giờ. Vậy mà, như một bản năng tự nhiên, các nhạc sĩ của chúng ta với số lượng không đông và chủ yếu sống ở thành phố, với lòng yêu nước, yêu dân ca, yêu tiếng Việt đã làm nên một kì công: tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc mới của người Việt song song với nền thơ mới. Cho tới nay, mỗi khi hát lên hầu như bất cứ bài nào của Văn Cao, kể cả trước và sau Cách mạng tháng Tám, chúng ta đều cảm nhận được những điều mà tác giả muốn trao gửi tới ta, không chỉ ở ca từ mà ở cả đường nét giai điệu. Nhìn qua, bài nào cũng được chỉ rõ điệu tính ở khóa biểu và khi sắp xếp lại các âm bậc thì rõ ràng hiển hiện thang bảy âm của phương Tây; nhưng khi đi vào chi tiết, chúng ta nhận ra các thang âm nhỏ mang tính ngũ cung xen lẫn thang âm ngũ cung trọn vẹn nằm ẩn dưới những âm bậc được vang lên ở phách mạnh với quan hệ quãng ba gợi lên âm hưởng trưởng - thứ của các hợp âm trong ngôn ngữ âm nhạc phương Tây. Điều này đặt dấu chấm hết cho giai đoạn “lời ta - nhạc Tây”, đồng thời mở ra trang sử mới với sự hình thành ngôn ngữ âm nhạc mới đích thực của người Việt chúng ta. Để làm sáng tỏ, có thể lấy ví dụ ở ngay câu đầu tiên trong Tiến quân ca của Văn Cao với lời ca Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Chúng ta dễ dàng nhận ra những âm bậc được nhấn mạnh nhờ rơi vào phách mạnh và ngân dài là sol, si, re gợi lên rất rõ âm hưởng của hợp âm sol trưởng, nhưng lại nằm trong thang âm ngũ cung trọn vẹn re - mi - sol - la - si.
Thật thú vị, gần đây trong một cuộc thăm dò dư luận rộng rãi từ công chúng của nhiều nước thì Tiến quân ca được coi là một trong những bài quốc ca hùng tráng nhất.
Thành công trên tưởng như là một dạng thể nghiệm thành công một cách ngẫu nhiên của thời quá khứ thuộc thế hệ ông bà nhạc sĩ, hóa ra không phải vậy. Thời các nhạc sĩ con cháu bây giờ vẫn thế! Nhạc nhẹ Việt Nam hôm nay với đủ các thể loại rock, pop, soul, rap, hiphop… cùng những biến thể của nó đã, đang hình thành và phát triển theo nhu cầu tự thân từ cảm hứng của các tác giả, và cũng như cha ông, các nhạc sĩ trẻ đương đại đã trải qua, dù rất ngắn, giai đoạn “nhạc ngoại, lời ta” để rồi kết thúc bằng sự hình thành nền nhạc nhẹ Việt Nam đứng ngang hàng trong khu vực và đang vươn lên tầm cao mới.
Sở dĩ có sự trùng lặp trong hướng đi và cách đi như vậy giữa hai thế hệ cách nhau gần một thế kỉ, là do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan trong đó có khâu lí luận của ta còn yếu, chưa thể đi sâu vào bản thể của sự phát triển với nhiệm vụ không chỉ lí giải mà còn chỉ ra hướng tất yếu cùng các bước đi thích hợp của nó.
Đã từ lâu trong âm nhạc thế giới song song tồn tại hai luồng tư duy: tư duy đơn âm và tư duy đa âm. Con người lúc khởi thủy hoàn toàn gắn với thiên nhiên, do vậy rất tự nhiên gắn với tư duy đơn âm ở cấu trúc đơn sơ nhất, chỉ gồm từ một tới hai, ba âm bậc trên những cao độ khác nhau, dần dần thành thang âm bao gồm bốn, năm âm bậc cơ bản. Tiếp nối qua nhiều thời kì tới khi khoa học - công nghệ phát triển đa dạng, âm nhạc mới xuất hiện luồng tư duy đa âm với sự dẫn dắt của hệ thống những hợp âm, tạo nên sự manh nha của nền giao hưởng thoát thai từ đỉnh điểm phát triển của nền thanh nhạc, tiêu biểu là nhạc kịch - opera.
Từ đó qua giao thoa của hai luồng tư duy này tạo ra nhiều biến tướng trong ngôn ngữ âm nhạc, từ một điệu tính tới đa điệu tính rồi vô điệu tính, kéo theo sự đổ vỡ của những hình thức biểu hiện truyền thống khiến không ít thính giả ngỡ ngàng đành giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, coi đó là lĩnh vực uyên thâm chỉ dành riêng cho các học giả trong giới chuyên nghiệp mà thôi!
Phát triển là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời đảm bảo cho sự tồn tại của bất kì loại hình nghệ thuật nào, đặc biệt trong môi trường có yếu tố thị trường chi phối. Nhạc nhẹ tỏ ra có khả năng đáp ứng nhanh nhất và hiệu quả nhất trong môi trường này nhưng đồng thời vấp phải nhiều chỉ trích gay gắt, trong đó có những nhận xét đúng và cũng có không ít nhận xét sai. Rất tiếc chỉ riêng mảng này thôi, tiếng nói của lí luận phê bình cũng không thỏa mãn được yêu cầu, không kịp đưa ra được những lí giải, những giải pháp hữu hiệu giúp cho nhạc nhẹ của chúng ta luôn giữ được đà phát triển mạnh mẽ.
Theo dòng thời sự vừa qua, giới nhạc sĩ chúng ta với tất cả trái tim mình đã một lần nữa khẳng định hai mảng đề tài lớn gắn chặt với hai nhiệm vụ chiến lược: dựng nước và giữ nước! Từ mối quan hệ hữu cơ của hai nhiệm vụ chiến lược này, người nhạc sĩ cảm thấy rất rõ sự tương tác mạnh mẽ trong cảm xúc sáng tạo của mình ở hai mảng đề tài lớn; điều này không hề mới mẻ, bởi nó đã tồn tại theo dòng chảy qua ngàn năm lịch sử, được thể hiện rõ nét qua sự sáng tạo của các thế hệ nhạc sĩ từ tân nhạc tới Cách mạng tháng Tám, từ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ tới chiến tranh biên giới.
Nhìn vào lịch sử âm nhạc của đất nước, chúng ta có thói quen nghĩ ngay tới thanh nhạc. Quả thật ở đâu cũng vậy, thanh nhạc có trước, khí nhạc có sau, nhưng để làm nên một ngôn ngữ âm nhạc trọn vẹn và bền vững thì phải dựa vào khí nhạc. Chỉ trong khí nhạc mới đạt được âm nhạc tinh chất, âm nhạc thuần túy bởi nó không cần lấy lời ca làm nơi nương tựa, dựa dẫm để truyền cảm. Chúng ta cũng đã có một nền khí nhạc của mình nhưng còn non trẻ và chưa có một chỗ dựa vững chắc để phát triển mạnh, đó là lí thuyết âm nhạc Việt Nam, với cội nguồn trong tư duy đơn âm, phát triển trong tư duy đa âm cùng hiệu quả của nó trong xã hội.
Trong thời đại Hồ Chí Minh cùng dấu ấn lịch sử trường tồn, nền âm nhạc Việt Nam đã không ngừng phát triển. Nhưng để xứng đáng với thời đại của mình thì ở loại hình nghệ thuật này còn nhiều việc phải làm, và có lẽ phải nỗ lực hơn cả vẫn là khâu lí luận phê bình, dù lĩnh vực này đã có không ít đóng góp quan trọng.
Hà Nội, 14/9/2014
Doãn Nho


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...