Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Bay đi thầm lặng

Bay đi thầm lặng
Mấy hôm rồi, một mình tôi ở nhà, một mình tôi hưởng cái lành lạnh buồn buồn, ôm cây đàn tôi tập lại bài hát mới "Có chút lệ nhoà trong phút hôn nhau, có những vực bờ chôn theo tình đầu. Có tiếng thở dài dưới gió thu đông. Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng." (1) Trời buồn, một mình buồn, bài hát buồn, tôi chợt thấy lênh đênh lãng đãng, tôi trôi dần về kỷ niệm.
   Cuộc đời tôi, mỗi bước đi qua, mỗi kỷ niệm. Vui buồn hay thương đau cũng như nhau, cũng là kỷ niệm cũng làm lòng mình ấm lại trong những ngày chớm thu. Tôi đang bước về khoảng trời yêu thương nhất của một thời, tình yêu còn mới như trang giấy, mới viết một chữ yêu. Đà Lạt của năm 1962. Bắt đầu cho tôi những ngày sống thần tiên. Tôi yêu cái thành phố - đi dăm phút lại gặp nhau, trên những con dốc, những mái nhà ngói nhỏ thấp thoáng cao thấp trên những sườn đồi. Con gái Đà Lạt má đỏ, môi hồng, da trắng tóc dài giản dị mà duyên dáng nhẹ nhàng như con gái Huế. Những chiều nắng vàng, tôi trốn bạn bè lên đồi Cù, nằm một mình dưới gốc thông, lắng nghe gió thổi mơn man trên tóc trên da, có lúc đi bộ vòng vòng trước vườm ươm cây cạnh Hồ Xuân Hương, có lúc một mình ngồi uống ly cà phê sữa nóng tại nhà thủy tạ đợi chiều xuống. Rồi lại một mình đón xe đò về nhà. Đi xe đò, xe lam ở Đà Lạt cũng là một cái thú. Dù đi một mình hay với bạn bè.
   Tôi yêu Đà Lạt như yêu Huế, yêu bờ sông Thạch Hàn. Rời Sài Gòn lên Đà Lạt, lúc đó tôi 17 tuổi. Quyết định một mình và ra đi một mình. Tôi bắt đầu hát ở Night Club ở Đà Lạt ngày 15-11-1962. Cái nhà hàng nằm ngay bên cạnh đường đi trại Hầm. Cũng từ ngày đó tôi tự coi tôi như người Đà Lạt, người của Đà Lạt.
Không có một nơi nào của Đà Lạt mà tôi không đặt chân đến. Không có tiệm ăn nào, món ăn nào ở Đà Lạt mà tôi không nếm qua. Từ Mekong, Sanghai, đến tiệm Mì Quãng Ngọc Diệp, bà bún riêu chợ Hoà Bình, bao nhiêu năm sau dù đã rời xa Đà Lạt tôi vẫn ghé thăm mỗi khi trở lại. Phở Ngọc Lan, cơm thịt đông, dưa chua Bắc Hương, café Tùng... Gần như ngày nào tôi cũng có mặt. Cái thành phố lên cao xuống thấp, nhỏ như bàn tay, mọi người đều quen biết nhau. Bây giờ người đã chết, người còn sống với bao nhiêu trách nhiệm bổn phận của gia đình. Nhắc nhớ là một chuyện không nên. Dù lòng tôi, tận trong thâm tâm tôi, tôi không hề quên. Có điều tự nhủ. Số phận. Mỗi người một phần số. Dòng đời trôi quanh co có khi xui người lỗi hẹn hò. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm một thời, còn mãi những mộng mơ....
   Giờ tuổi đã lớn, con cái đã lớn, có những buổi chiều mưa buồn một mình như chiều hôm nay, tôi chợt thấy lại sống trong những kỷ niệm tôi đã đào sâu chôn cất bao nhiêu năm...Tôi đã tự nhủ với lòng rằng tất cả chỉ là định mệnh, trời đã cho ta thế, ta nhận thế. Tôi đã hài lòng, an phận với hạnh phúc gia đình đơn sơ như hôm nay.
    Lẽ ra tôi không nên viết những điều này lên báo. Nhưng khổ nỗi, tôi chỉ có thể viết được những điều tôi nghĩ, không thể khác hơn.... Có những lúc cơn nhớ nhà nổi lên bất tử. Đang ngồi tự nhiên la lớn....Trời ơi nhớ nhà quá, nhớ Đà Lạt quá, nhớ Huế quá....
     Tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai kêu ai rủ về Sài Gòn cũng lắc. Đà Lạt với tôi là nhất. Đà Lạt như chỗ ẩn náu thần tiên, thân thiết yêu thương tôi. Nhưng sau cùng tôi phải cắn răng bỏ Đà Lạt ra đi, để bước vào một định mệnh khác. Một hạnh phúc. Một bất hạnh khác. Sau đó nhiều lần tôi trở về thăm Đà Lạt như đứa con xa về nhà. Không phải xa lạ như một người khách bất chợt trên đường ghé qua. Lần sau cùng tôi và một người của Đà Lạt về thăm nhà nhưng cây cầu La Ngà đã gãy, chúng tôi phải trở về. Từ đó tôi không bao giờ thấy lại người đó của Đà Lạt và cũng không bao giờ hy vọng về nhà nữa. Những đêm ngồi một mình đến 4 giờ sáng, nhiều lúc quạnh quẽ cô đơn, tôi nhớ Đà Lạt biết đến chừng nào. Nhất là café Tùng, bến xe đò Minh Trung, và con đường hun hút thông reo qua hồ Than Thở đến trường Võ Bị. Từ ở đó, cuộc đời tôi qua nhiều khúc quanh, từ ở đó nơi đêm đêm tôi hát Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui. Nơi tôi khóc ngày mới đến, tôi đã khóc ngày ra đi, tôi đã tiếc nuối không được trở lại để sống cho niềm mơ ước của mình một lần.
    Có còn bao giờ không em 
    Có nỗi bùi ngùi bay đi thầm lặng, có ai nghe thấy tiếng thổn thức đó chăng? Hay chỉ mình tôi, tôi nghe tiếng tôi thở dài trong đêm với Đà Lạt, với niềm mơ ước của tôi.
(1) Bài hát Bay Đi Thầm Lặng của nhạc sĩ TCS.
 Khánh Ly 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà thơ Việt Phương: “Thì là như vậy chứ còn sao” Nhà thơ Việt Phương tên thật là Trần Quang Huy, sinh năm 1928, mất ngày 6.5.2017 tại H...