Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Cảm giác dã quỳ

Cảm giác dã quỳ
(TTH) - Gió thật lạ và nắng thật lạ. Vừa trong, vừa rát, vừa ngàn ngạt cuống cuồng lại vừa mênh mông hào phóng. Gió làm người ta muốn thu mình lại nhưng nắng lại cứ như lời mời, như nụ cười gọi bước vào khoảng là lạ ấy…
Không có gì khác ngoài nắng và gió. Pleiku trong cảm nhận đầu tiên của tôi cũng chỉ là nắng ấy và gió ấy. Hình như tôi đã bắt đầu từ trung tâm phố, giữa một ban sáng ngờm ngợp gió trên đường. Hình như những ô cửa không mở ra nên gió cứ thế thản nhiên thênh thang trên những con đường ngang, những con đường dọc. Thênh thang trên những con đường nhỏ đôi khi trũng khuất sau dãy dãy nhà phố. Và những hàng cây không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa đủ tuổi tác, dẫu đã quen nhưng cơ hồ vẫn rung lên cùng gió…
Pleiku hẳn nhiên là một thành phố trẻ, phơi phới sắc màu. Những con phố tôi qua dường như lúc nào cũng đông. Bằng sự hiện diện của mình, phố núi cao nguyên này như bày tỏ sự tiếp nhận đa diện về kiến trúc. Không biết đã có ai gọi sự phức hợp này là một nét riêng, nhưng tôi đồ rằng, đó là điều mà thành phố đang điềm tĩnh đón nhận và vẫn đang khác ra, từng ngày... Đôi khi thả bước lang thang trên những ngả đường không kịp nhớ tên, tôi cứ chợt nghĩ, hình như chỉ gió mới là âm hưởng chủ đạo, là gam màu nền chủ đạo để tạo nên dáng vóc, hình hài và cái gì đó là riêng có của phố.
Ngoài gió, cái làm Pleiku khác với các đô thị khác, khác ngay cả với Kon Tum - anh bạn hàng xóm trước khi vào nhà mình chính là những con đường dốc trấp trũng. Là những ngả đường giao nhau từ trên cao. Là cảm giác vươn ra phía trước bằng đại lộ. Là những tòa nhà cao tầng đang mọc lên với biên độ dầy hơn. Và một nhịp sống bắt đầu hối hả.
Ra phố trong buổi sáng mù sương và lạnh gió, trong câu chuyện ban sáng của những người đàn bà quấn khăn trên đầu, trên cổ, mặc áo ấm đi thể dục sáng ngang qua mình mà tôi nghe được từ các giọng Quảng, giọng Huế, giọng Bình Định hay Phú Yên gì đó... vẫn là ước vọng về sự bình an trong những điều tưởng chừng đã cũ. Họ nói với nhau về một ngày chợ. Về giá cả. Những đứa con xa nhà và chuyện đốt nhang vái ông bà cầu mong sức khỏe. Những câu chuyện trôi đi cùng gió. Những khắc khoải ở đâu cũng vậy, huống chi là một vùng đất mới mà họ - hay đúng hơn là những thế hệ tiếp nối sau nữa - nhận làm quê hương!
Thế nên, Pleiku rõ là đang mang trong mình những phong thái, cách sống, những hình thái văn hóa khác nhau và những vỉa tầng ký ức khác nhau. Đôi khi đứng trên tầng cao của Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, tôi nhìn những ngả đường mở ra hút tắp phía trước trong một ban mai cũng hút tắp gió, cứ ngờ ngợ về một điều gì đó mà mình chưa kịp hiểu, chưa kịp định hình. Và vì thế, tôi gọi đó là cảm giác gió...
Trong một sáng sớm cũng đầy gió như thế, tôi đã bắt gặp những bông dã quỳ trên một ngõ phố. Chỉ là một dãy hoa ít ỏi nhưng khi chen mình vào giữa những dãy nhà cao, dã quỳ hẳn đã rất bướng bỉnh khi muốn nói về một chút gì đó đồng nội. Một chút gì đã quen đủ để làm lạ những trái tim thắc thỏm và đa phần là cắc cớ...
6g sáng. Ngoại ô Pleiku vẫn hãy còn ngái ngủ. Hình như chỉ có dã quỳ là vẫn thức khi đêm qua. Như những hàng rào mỏng che chắn những mái nhà thấp vội. Gió vẫn lạnh ngăn ngắt dù ngồi sau xe máy và quàng thêm một chiếc áo ấm mà em họ tôi ái ngại đưa cho. Nơi mà chú út của tôi nằm xuống sau cơn bạo bệnh là một nghĩa trang đã cũ. Và ngôi nhà vĩnh hằng của chú cũng nhỏ nhoi khi khuất lấp sau những ngôi nhà vĩnh hằng khác với đa dạng màu sơn, với những ô kính như những chiếc tủ che nắng, che gió cho người nằm xuống và phần nào đó, làm yên lòng người ở lại. Giữa những năm 1960, chú út tôi vào Gia Lai, làm nghề gõ đầu trẻ ở Pleiku. Chú tôi mất vào năm 1987, để lại một gia đình đông đúc. Những đứa em họ của tôi ngắt học sớm, giờ kiếm cơm bằng nhiều thứ nghề khác nhau…Ở đây, không có cỏ may xót xa và dùng dằng níu kéo như quê tôi nhưng không biết là tự nhiên dã quỳ hay là những đứa em tôi đã mang nó về bên mộ cha. Cái màu vàng không hiểu vì sao, tôi lại thấy nó mang màu của sự chờ đợi, với một vẻ khoan dung, độ lượng. Nhưng lại có điều gì lặng lẽ rưng rưng…
Tôi không nhìn thấy màu của dã quỳ ở Biển Hồ trong một ý định tình cờ. Nhưng trong không gian yên tĩnh lênh lang của đôi mắt Pleiku, gió vẫn rát rạt đuổi nhau trên mặt hồ. Sóng từ những khoảng vắng. Sóng từ phía sâu kia. Dường như ở đó có một nỗi gì đó nôn nao lắm trong một cảm giác vừa gần gụi lại vừa quá xa xôi. Đôi mắt Pleiku làm tôi chới với khi ngó về sâu thẳm. Rồi chiều …
Có thể Pleiku còn rộng lắm so với khoảng thời gian ít ỏi mà tôi dừng lại. Pleiku hẳn sẽ không chỉ là dốc phố, không chỉ là gió và gió đuổi nhau trên những mái nhà. Không chỉ là những con đường mà người đi vội vã trong sớm mai lạnh buốt. Pleiku có thể là những hoài vọng thao thiết mở về ngoại vi. Pleiku có thể là những không gian mới với khao khát thể hiện trong lối trình bày kiến trúc, trong sự dung nạp của nhiều góc độ văn hóa, trong những mong mỏi được phục vụ trước khi là cống hiến…Nhưng trong sự hình dung của mình, tôi cứ nghĩ hoài về hơi thở sâu chìm khuất đâu đó trong thấp thoải phố. Và cũng vì thế mà Pleiku hẳn sẽ không chỉ là một nơi chốn đã qua... 
Trên con đường tôi xa, dã quỳ vô tư và mộc mạc bung thành vệt thẫm. Những cánh hoa như không hề biết lạnh, không hề biết về những cuộc chia tay mà người ta không thể ngoái đầu nhìn lại. Nhưng hình như đó không phải là màu của thản nhiên nữa. Dù vẫn ương ngạnh.
Hay đó chỉ là cảm giác dã quỳ của tôi…?.
Hạnh Nhi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...