Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Cảm nhận về Đà Lạt

Cảm nhận về Đà Lạt
Từ Phan Thiết lên Đà Lạt mất khoảng 4h đồng hồ, có 3 đường lên Đà Lạt. Đến đèo Prenn, đã cảm nhận được không khí đặc trưng của Đà Lạt với bạt ngàn rừng thông và không khí bắt đầu mát mẻ nhiệt độ chỉ khoảng 18-22 độ. Đà Lạt thật đẹp với những công viên, hồ nước nằm giữa trung tâm thành phố, những biệt thự nằm bên các sườn đồi thấp thoáng trong các rừng thông, và đi đâu cũng thấy Hoa, hoa có khắp mọi nơi, trong công viên, trên đường phố, trên tường rào những ngôi nhà.
     Thời tiết mát mẻ có phần hơi lạnh cũng là đặc trưng của Đà lạt, làm cho người ta gần nhau hơn, buổi tối ra chợ Đêm với nhiều món nướng như Bánh xèo, nem nướng... và đặc biệt có món chè nóng chắc chỉ nơi đây mới có, trời lạnh mà được cốc chè đậu xanh, đen... nóng thấy thật ấm lòng, uống đến đâu biết đến đó.
     Ngồi giữa Đà lạt lại nhớ cái lạnh của mùa Đông Hà Nội. Món trà Astiso cũng là 1 món uống 
ưa thích ở ĐL. Đà lạt còn đẹp hơn nữa nếu như không có những khối nhà chia lô nằm san sát ở Trung tâm thành phố những phô Hoà Bình, Bùi Thị Xuân... chẳng khác gì các thành phố lớn như SG, HN.
     Để Hiểu thêm về Đà lạt mời các bạn đọc thêm bài viết dưới đây: (from Ttvnol.com).
     "Thành phố Đà Lạt nằm giữa cao nguyên Lang Biang, trên bình độ 1.500 mét so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình từ 18 – 20°C, thổ nhưỡng tốt tươi, thật phù hợp với sự sinh trưởng của mọi loài thực vật. Vùng đất mộng mơ với muôn vàn đồi núi chập chùng giữa Trường Sơn hùng vĩ được mệnh danh là “vương quốc của các loài hoa” và thật xứng với tên gọi đó. Có thể nói, không ở đâu trên đất nước ta lại có nhiều chủng loại hoa như ở thành phố này. Hoa khắp mọi miền, hoa Đông phương và Tây phương tụ hội. Hoa dại, hoa rừng khoe sắc cùng hoa nhà vườn của nông dân và hoa sản xuất bằng công nghệ cao cấp của các công ty kinh doanh hoa xuất khẩu.

   Kể tên các loài hoa, nhắc nhở về cội nguồn hơn một trăm năm qua, hãy tịnh tâm cảm xúc nguyên sơ cho những cánh hoa rừng. Trong những khu rừng ven bờ suối vắng, dưới tán thông tao mặc, trên đỉnh Lang Biang hay ven suối Đatănla là sự trong trắng, tinh khôi của những loài hoa mai anh đào, lan, đỗ quyên, bướm bạc. Trong những ngày đầu lập phố, những người dân xa xứ đã đưa những cây mai anh đào từ núi rừng về trồng lên những con đường mới mở cho đỡ quạnh vắng trong nỗi nhớ quê hương. Từ ấy, hàng năm cứ độ vào Xuân, người Đà Lạt và du khách lại chuẩn bị đếm tuổi mình khi những nụ anh đào chúm chím. Anh đào khoe sắc, phô sức sống và trút lá khẳng khiu theo đặc tính của loài thực vật ôn đới. Đà Lạt là xứ sở của hoa lan. Thành phố và vùng ven có hơn 200 loài lan, trong đó có 5 loài mới được phát hiện lần đầu trên thế giới và mang tên Đà Lạt. Từ những thân cây sống cộng sinh, hoa lan được người chơi lan nhân giống bằng củ và đem bán ở các thị trường trong nước và quốc tế. Hoa lan tượng trưng cho sự thành thật, và một huyền thoại cao nguyên đã mệnh danh cho lan là những mảnh hồn trinh nữ giữa rừng sâu. Lan Đà Lạt có nhiều loại quý hiếm như cẩm bào, giáng hương, vanda parishii odorata…nhưng nổi tiếng nhất vẫn là địa lan. Hiện nay, Đà Lạt có hơn 30 loài địa lan, loại hoa “tín nghĩa” này có giá trị xuất khẩu rất cao nên ở đã có nhiều vườn chuyên canh lan có quy mô lớn mà trang trại Lang Biang ở phường 7 là một ví dụ.
     Do lịch sử hình thành và phát triển thành phố, nên ở Đà Lạt có nhiều loại hoa xuất xứ từ phương Tây đến. Cho đến nay, những loài hoa đến từ quê hương xa xôi này vẫn được mang tên gọi khởi thuỷ: marguerite, lys, glaieul, mimosa… Một số khác được mang hai, ba tên gọi khác nhau như: pensée (tư tưởng, học trò), œillet (cẩm chướng), comos (bươm bướm), arum (cuộn kèn)…Mặc dù có nguồn gốc từ châu Phi, châu Âu hay Mỹ La Tinh, nhưng một số loài hoa đã hoàn toàn mang tên Việt. Có thể kể : sen cạn, hoàng anh, thựơc dược, dạ hợp, thu hải đường. Hoa phương Đông trên đất Đà Lạt cũng trăm hồng ngàn tía. Người phương Đông kín đáo, dịu dàng, thâm trầm, tế nhị, “hữu xạ tự nhiên hương”. Trong đêm, chợt bừng thức bởi mùi hương dịu dàng của dạ lan, lài hay hồng. Tại các vườn hoa trong thành phố, sân chùa hay sân vườn cư dân ở Đà Lạt có thể thấy màu hồng của anh đào, tường vi, màu tím của cúc, màu vàng của thiên lý, màu đỏ của râm bụt, màu trắng của huệ, rồi sứ, trà mi, nhất chi mai…Hoa hồng có nguồn gốc từ Trung Đông, nhưng ở Đà Lạt nhiều giống hồng lại mang tên phương Tây: Brigitte Bardot – màu hồng như môi son, Silver – màu tím lợt, America – màu đỏ, Kennedy – màu vàng, Grace Monaco mang màu hồng phấn…"
     "Đà Lạt xấu xí
     Buổi tối lang thang trên mạng và tình cờ lạc vào một phố hoa, tôi bất chợt nhớ về Dalat. Lần về VN vừa rồi tôi không có dịp trở về thành phố tuổi thơ của mình, nhưng những điều từ Dalat tôi đã mang đi theo từ lần ghé về cách đây chưa đầy năm vẫn còn nguyên vẹn. Nếu bạn chưa một lần đến Dalat tôi khuyên bạn đừng bao giờ lên thành phố cao nguyên này, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì lời khuyên của tôi, nhưng quả thật tôi không muốn bạn lại như tôi, 10 năm sau khi bạn quay lại Dalat lần thứ hai bạn sẽ thất vọng vì Dalat của 10 năm sau không còn là Dalat của ngày lần đầu bạn đặt chân đến. Lý do đơn giản, tất cả những gì thuộc về quá khứ dường như bao giờ cũng đẹp hơn, đẹp hơn rất nhiều, và tôi, hình như tôi thuộc típ người hoài cổ, hoài cổ một cách hơi quá thái.
     Thành phố vẫn trong vòng xoáy của sự phát triển, dù nhanh, dù chậm. Ngày xưa người Dalat còn vất vả, thành phố còn nhiều những ngôi nhà bằng gỗ thông. Tôi yêu những căn nhà ấy, những căn nhà bạc thếch màu sơn, những căn nhà còn thơn mùi nhựa thông, vì những căn nhà ấy tạo cho tôi một cảm giác gần gũi với rừng. Giờ cuộc sống khá lên người ta đã tháo bỏ những căn nhà gỗ ấy và xây cho mình những ngôi nhà kiên cố, những ngôi nhà bằng xi măng, sắt, thép. Tôi vẫn biết trong những ngôi nhà xi măng sắt thép ấy người ta sẽ không còn phải mất ngủ vì những cơn mưa đập vào mái tôn suốt cả đêm, người ta không còn phải sợ những cơn gió lạnh mùa đông luồn qua khe gỗ, người ta không còn lo lắng chống đỡ những cơn bão gió giật ầm ầm muốn bay cả mái nhà, hay vơi hẳn đi những nỗi lo thần lửa. Trong những căn nhà ấy giờ đây là sự bình yên, sự no ấm. Không hiểu sao khi nghĩ về sự bình yên ấy tôi lại liên tưởng đến một sự cân bằng không bền, như một hòn bi, chỉ cần đụng đến là lăn. Có thể tôi sai, nhưng tôi vẫn thích những căn nhà gỗ ấy.

     Thành phố ngày xưa nhà không chen chúc như bây giờ, trừ ở hai con đường Nguyễn Văn Trỗi và Phan Đình Phùng nhà cửa san sát, những con đường khác đa phần chỉ có những căn nhà nho nhỏ, một hai tầng, với những góc sân, khoảng vườn và bờ giậu dâm bụt, dạ lý hương hay cúc quỳ xinh xắn. Nhà ở Dalat giờ cũng chẳng khác gì nhà ở Sài Gòn hay nhiều thành phố khác nếu không muốn nói là có phần quê kệch hơn một chút. Những mảnh ghép kiến trúc Âu, Á từ thế kỷ trước, thậm chí từ cả ngàn năm trước vẫn thấp thoáng đâu đấy ở thành phố cao nguyên này, những chiếc cột nhà phỏng theo những cột ở các ngôi đền thờ thời Hy Lạp cổ đại có thể đỡ một mái nhà kiểu cung điện Trung Hoa, màu sắc tuờng nhà, sơn cửa cứ như muốn đánh nhau chan chát, các họa sỹ trường phái Dã Thú có sống lại cũng phải bỏ của chạy lấy người. Có sự pha trộn tinh tế tạo cảm giác ưa nhìn, nhưng cũng có sự phối hợp mà nhìn vào người ta có thể nghĩ ngay đến những câu tục ngữ như „dùi đục chấm mắm tôm“ hay „hoa nhài cắm bãi cứt trâu“. Không trách ai được, tâm lý người Việt ai cũng cho việc „tậu nhà, tậu ruộng“ là việc làm lớn trong đời, khi nghèo khó ai chẳng mơ ước có một ngôi nhà, và trong mơ họ cũng đã tự vẽ cho mình một ngôi nhà mơ ước, ngôi nhà có tất cả những thứ mà họ đã từng một lần nhìn thấy trong đời, kiến trúc sư lại không đủ bản lĩnh trước khát vọng của chủ nhà. Mà có lẽ điều ấy cũng chẳng làm bận tâm nhiều người, sự khó chịu của vài người khó tính và quan niệm về cái đẹp của họ không thay đổi được quan niệm của số đông. Thế nhưng xét cho cùng nhìn không hợp nhãn thì nói thế thôi, có khi đến lúc giàu lên, xây nhà mới chắc tôi cũng khó thoát khỏi lối mòn ấy!
     Thành phố nằm trên những ngọn đồi, nhà cửa nhấp nhô trên những bậc thang. Ngày xưa ở đây người ta xây những căn nhà kiểu Pháp hay kiểu Việt cổ, mặt trước cũng đẹp, mặt sau cũng ... có thể xem như mặt trước, bên hông là những ô cửa sổ xinh xắn. Bây giờ đất chật người đông, nhà cửa xây theo kiểu hình ống như những ngôi nhà phố ở các thành phố khác, nhưng khổ nỗi Dalat lại không phải là những thành phố khác. Ở Sài Gòn người ta có thể không thấy ... ngứa mắt khi mặt sau của những ngôi nhà chỉ là những bức tường trơn phủ một lớp sơn chống thấm đen sì, thỉnh thoảng điểm bởi những ô cửa sổ làm vụng về qua loa, tương phản hẳn với mặt trước của ngôi nhà. Lý do đơn giản là chẳng mấy khi người ta có dịp nhìn những bức tường đó, khoảng không giữa mặt sau của nhà này và nhà khác bé đến nỗi người ngoài chẳng mấy ai có cơ hội nhìn thấy những bức tường xấu xí đó cả. Nhưng Dalat thì không thế, ở Dalat mái nhà đằng sau có thể chỉ ngang bằng nền nhà của nhà đằng trước vì nhà cửa và các con đường được xây trên các sườn đồi, và cứ thế, tất cả cái mặt hậu xấu xí kia cứ ngang nhiên phơi ra trước bàn dân thiên hạ. Hơn thế nữa, không phải chỉ cái mặt hậu mà ngay cả hai cánh cũng có thể ung dung phơi bày cho thiên hạ sự cẩu thả làm cho qua chuyện, lỗi chỉ tại con đường, đường Dalat không thẳng mà lại cong cong uốn lượn theo những sườn đồi! Người Dalat bắt chước người Sài Gòn xây nhà, bắt chước một cách hoàn hảo, và họ quên rằng Dalat không phải Sài Gòn, quên rằng có những điều chỉ nhìn ngang người ta sẽ không phát hiện ra khiếm khuyết nhưng nếu nhìn từ trên cao xuống, tất cả những dị tật cứ lồ lộ ra.
     Dalat thành phố hoa, ai từng nghe đến cái tên Dalat đều biết điều đó, nhưng dọc những con đường giữa trung tâm Dalat người ta chẳng mấy khi gặp hoa. Những cây anh đào, người Dalat gọi là mai, bên hồ Xuân Hương hay dọc dốc Hòa Bình nhìn quặt quẹo đến tội nghiệp, không hiểu vì thiếu sự chăm sóc hay vì khói bụi xe máy. Ngày xưa, bên hồ nhiều gốc mai, tuy chưa là cổ thụ nhưng cũng đủ lớn, đủ xù xì gân guốc để tạo sự tương phản hài hòa với những làn sương mong manh, với mặt nước phẳng lặng. Giờ những cội mai ấy đa phần đã chết, thay vào những cây nhỏ khẳng khiu, mùa mai nở sắc hồng không đủ làm ấm không gian mênh mang quanh hồ. Không biết có phải lúc còn bé nhìn cái gì cũng to không mà tôi cảm giác như cả khu „rừng mai“ nho nhỏ ở Ủy ban thành phố cũ (nằm ở góc cầu Ông Đạo, giờ thuộc về công ty du lịch) giờ cũng vắng dần những bóng mai. TV, cô bạn thân từ hồi học phổ thông của tôi tuyên bố „nếu tao là chủ tịch thành phố tao sẽ cho trồng mai dọc tất cả các con đường Dalat“, tiếc thay TV lại chỉ là một cô giáo cấp 3.
     Dã quỳ cũng là một loài hoa đã đi vào thơ vào nhạc và hoài niệm của bao kẻ ở người đi. Người Dalat gọi hoa bằng cái tên ngắn gọn, hoa quỳ. Ngày xưa hoa quỳ len vào từng góc phố, hình như đường nào cũng có những giậu hoa quỳ, vàng rực cả mùa đông. Ngay trung tâm thành phố, trên con đường vào chợ, nếu bạn nhìn lên phía tay phải, khu Công An TP cũ, cũng ấm áp sắc quỳ. Giờ những hàng giậu hoa đã được thay bằng những hàng rào sắt, những con đường nhựa mới tráng lại với nhà cửa sát nhau và những loài hoa quý phái hơn đã tranh mất chỗ của quỳ, quỳ lui dần về ngoại ô, ven những cánh rừng, ven những vườn rau. Hôm Tết cô bạn ở Sài Gòn lên chơi cứ nằng nặc bắt tôi chở đi xem hoa quỳ, tôi chở cô bạn đến khu Đa Thiện, Vạn Kiếp và chỉ những vạt hoa bên bờ những vườn rau rồi rủ bạn xuống đấy, bạn từ chối vì sợ đau chân!
     Dalat giờ cũng có những con đường chạy song song giữa hai hàng cây, đường Hồ Tùng Mậu đoạn vòng quanh khách sạn Palace giờ vẫn còn những gốc mai trắng (ngày xưa bọn tôi gọi thế) nhưng những cây mai này đã biến trên đoạn từ cây xăng Kim Cúc vào đến hồ Xuân Hương và được thay bằng hai lề đường sạch bong nhưng nhìn vô cảm lạ lùng. Đường Trần Phú thay bằng những cây mai đã chết giờ là những cây lạ, hoa màu trắng, người ta bảo đấy là hoa ban, tôi không biết đấy có phải là hoa ban Tây Bắc không. Dẫu sao tôi vẫn thích sắc hoa mai (anh đào) hơn, vì hoa mai nở vào cuối đông, vì sắc hồng của mai cũng đồng màu với sắc hồng trên má những cô gái Dalat, làm cho mùa đông ấm hơn. Thành phố mùa nào cũng có những khoảnh khắc se lạnh, những khoảnh khắc bồng bềnh trong sương mù, giữa những hư ảo ấy màu trắng dường như quá nhạt nhòa.
     Còn nhiều điều muốn nói nhưng tôi chợt nhớ ra rằng bất cứ một sự so sánh nào cũng là khập khiễng, và sự so sánh giữa quá khứ và hiện tại, giữa hoài niệm và những điều đang diễn ra trước mắt mình lại càng khập khiễng. Cuộc sống là dòng chảy và không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông... Thế nhưng hình như đâu đó vẫn có chỗ cho nuối tiếc... Nếu bạn chưa đến Dalat lần nào bạn hãy thử đến một lần, tôi không ngăn bạn nữa đâu, vì nếu bạn thích sự thay đổi, 10 năm nữa bạn quay lại bạn sẽ thú vị khi thấy Dalat thay đổi, còn nếu bạn là người hay hoài niệm bạn sẽ có những hình ảnh của ngày hôm nay, thời gian sẽ đánh bóng những hoài niệm ấy, như những giọt nhựa thông, thời gian đã biến những giọt nhựa thông thành những viên hổ phách đẹp đến lạ kỳ."
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXVăn học miền Nam: Tổng quan 3

Văn học miền Nam: Tổng quan 3 Phần 15 Văn học Từ giai đoạn trước sang giai đoạn sau 1963 người ta có thể ghi nhận nhiều chuyển biến quan...