Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Dưới bóng cây Sa La

Dưới bóng cây Sa La

thấy mình....như sương 

Quách Giao
Ngôi vườn nhà của bạn tuy không rộng lớn song có được một khoảng sân rộng. Cây cỏ được bài trí đơn giản theo ý tưởng của bạn tôi. Trước đây bạn tôi đã sống nhiều năm trong môi trường sinh thái cho nên cuộc sống hôm nay vẫn giữ được phong thái của một nhà khoa học về môi trường. Yêu thiên nhiên tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nếp sống địa phương nhưng có một riêng tư. Mỗi cây trồng đều mang một ý nghĩa, một kỷ niệm. Một hòn đá đơn sơ nằm nghiêng nghiêng bên bờ giậu là nơi để cho lùm cây nho tàu (cây mâm xôi) nở hoa, để con dế mèn đêm đêm cất tiếng gáy râm ran. Một dàn hoa mướp vàng, hoa nhiều hơn trái, có những ngọn nhánh ung dung bò dọc theo lưng tường đi hoang ra tận cổng. Tất cả như sống tự do hoang dã. Tuy nhiên sự phân phối các cây trồng đều tuân theo một sắp xếp rất khoa học.
Trước tiên là trồng một cây Sa La. Đây là một loài cây bên Ấn Độ đã từng che mát cho đức Phật ngồi nhập diệt. Vốn biết rằng mình sẽ không được chết nơi chôn nhau, nơi quê hương của cha mẹ là thôn Thuận Hòa, nơi có dòng sông Thuông, có vườn trầu phảng phất hương cay cay hòa cùng với hương cau, hương bưởi. Vì vậy cho nên bạn tôi có một mong muốn là được yên nghỉ dưới một tàn cây Sa la trồng trong vườn nhà. Khi cây Sa la được đem về trồng trong vườn, tôi đã từng hưởng được những cảm xúc rung động đầu tiên. Tôi đã có một bài viết về cây này, khi cây Sa la rụng lá.
Hôm nay cây Sa la này đã phát triển tươi tốt. Cuối năm Đinh Hợi vào thăm bạn, tôi lại được chứng kiến cây Sa la thay lá. Cảnh tượng thay lá không như năm trước mà lần này cây thay lá như các cây thường khác. Nghĩa là lá rụng và mầm non xuất hiện không có gì đột ngột . Vì vậy nên tôi quyết định ghi lại bài viết về cây Sa La thay lá lần đầu .
Nhìn Cây Sa La
Cây SaLa mà bạn tôi mới vừa mua về trồng trong sân vườn của ngôi nhà mới cất. Ngôi nhà xinh xắn và khoảnh vườn đủ rộng để trồng cỏ cây. Cây SaLa cao gần hai thước, khi đem về cành lá sum xuê sắc màu xanh thắm. Trồng được mươi hôm thì lá bắt đầu chớm ửng màu hồng nhạt. Vài hôm sau thì sắc chuyển sang màu đỏ thắm. Ngồi trên lan can tầng hai tôi say đắm nhìn sắc lá mà lòng tưởng chừng như vừa gặp gỡ màu lá bàng đỏ thắm trong mùa xuân về trên bãi biển Nha Trang. Trong khung cảnh hương xuân, cỏ cây nào cũng mang một màu xanh mươn mởn duy chỉ có dãy bàng ven theo con đường biển Nha Trang khoác một tấm áo màu vàng hồng đỏ thắm. Mùa xuân là mùa của lá bàng đổi sắc, mùa của sắc đỏ chung vui hội xuân với màu xanh của lá, màu vàng của mai, của cúc, của vạn thọ v.v... Màu đỏ thắm của lá bàng không bơ vơ lạc lõng mà đậm đà hương sắc của mùa xuân nơi xứ Trầm Hương. Trước màu xanh bao la của trời xuân, của biến thắm, màu đỏ của lá bàng như một chiếc áo dài đỏ rực phơ phất bên những chiếc áo dài đủ màu sắc trong một buổi tiệc mừng xuân. Nhìn màu đỏ của lá bàng trong dịp đầu năm người du khách hoặc địa phương vẫn cảm nhận được sự may mắn và hạnh phúc trong buổi hái lộc đầu xuân.
Cây SaLa trong vườn bạn tôi màu lá đang chuyển sang vàng. Lòng tôi chợt thoảng lên niềm lo lắng bâng quơ. Phải chăng cây không thay màu lá mà vì cây trồng không hợp với đất với thời gian nên lá đổi sắc trước khi rơi rụng để báo hiệu cho sự chết của cây. Tuy đã được người thợ vườn bán cây cho biết là cây sẽ thay là song lòng tôi vẫn không yên. Biết đâu chưa đến mùa thay lá, biết đâu cây Sala không có duyên sống cùng với các cỏ cây khác trong khu vườn mới của bạn tôi. Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh cách đây trên hai nghìn năm cũng dưới một bóng cây SaLa đức Phật đã ngồi nhập diệt. Người bạn tôi không có ước muốn như đức Phật song có ước mong là hằng ngày được ngắm nhìn cành lá cây SaLa đậm màu xanh trong khu vườn tĩnh mịch của mình.
Hôm nay cây SaLa không rụng lá từng loạt mà lại rơi rụng từng chiếc một. Thỉnh thoảng lại rơi một chiếc. Lá không rụng xuống gốc mà lại bay đi xa, nhẹ nhàng như lửng lơ như lãng đãng của bước chân thời gian hiện thành màu vàng in dấu trên thảm cỏ xanh mịn màng. Thời gian qua của con người đọng lại sắc trắng trên mái tóc, song thời gian của những chiếc lá SaLa lại in hằn như lưu dấu vĩnh viển trên màu xanh của thảm cỏ non.Thảm cỏ xanh lặng lẽ đón nhận lá vàng SaLa dịu dàng và chậm rãi. Sắc vàng càng ngày càng thắm không gây cho lòng người cảm thấy sự tàn phai mà là sự nồng thắm của hy vọng, của một sự chuyển mùa tươi đẹp.
Lá SaLa rơi nhẹ nhàng từng chiếc, chầm chậm đều đều. Nhờ tuổi đã về già nên tôi có được sự kiên nhẫn ngồi xem lá rụng. Lá rụng không hề có sự báo trước. Đang nằm yên lặng trên cành bỗng nhiên lá chợt lìa cành. Cành cây không chao động, bóng cây không rung rinh. Cành lá chung quanh như vô tư hờ hững. Lòng tôi bổng nhiên xao động nhớ lại những ngày ấu thơ có những buổi trưa vàng trốn nhà đi xuống biển xem lá bàng rụng. Cứ mỗi lần có gió thổi thì màu lá bàng như rung rinh phát ra những tiếng khua rào rạt rồi ào ào cùng nhau rơi rụng xuống đường. Màu vàng, màu đỏ phơi phới tung bay khắp trời, trôi theo gió, chạy lang thang theo dọc con đường ven bờ bể. Lá bàng được bay chạy khắp nơi. Lá bàng có một sự rơi rụng tập thể, rụng theo từng cơn gió, khi thì ào ạt, khi thì đơn côi. Vào những buổi ban trưa đứng bóng, gió chỉ còn hiu hiu thì cảnh lá lìa cành lửng lơ và hiu quạnh.
Cây SaLa trong vườn của bạn tôi có nét rụng của lá những cành bàng trong buổi trưa tạnh gió. Trong bầu không khí quạnh hiu, giữa lòng bầu trời xanh thẳm, từng chiếc lá SaLa rơi rụng, một chiếc, một chiếc rồi một chiếc. Không một âm thanh rơi rụng mà chỉ có màu sắc vàng lung linh trong nắng. Màu sắc cử động thay cho tiếng vọng của âm thanh. Thuở trước mỗi khi đọc đến đoạn Lá bàng rụng trong tiểu thuyết Đôi Bạn của Nhất Linh âm thanh tiếng lá rụng để cho đôi chị em đi nhặt lá vàng cùng với nhịp tiết tấu ´´gió lại nổi lên´´, tôi đã xúc động vì âm thanh của lá rụng bàng bạc trong khắp câu chuyện.
Hôm nay đây tuy không còn nghe âm vang của lá rụng song lòng tôi lại tràn ngập màu sắc lung linh của lá vàng trong cái mênh mông của sắc nắng. Âm thanh đã biến thành màu sắc. Và trong tâm hồn tôi âm thanh và màu sắc hoà trộn cùng nhau trong hình ảnh lá vàng rụng.
Lá cây SaLa rụng từng chiếc một, đôi lúc cũng có song đôi, cặp ba. Song rất hiếm. Khi lá rụng, không có một hiện tượng nhỏ nào báo trước. Nhiều lúc, tưởng như chiếc lá này sắp rơi thì âm thầm và lặng lẽ chiếc lá kề bên lại nhẹ nhàng lìa cành. Sự ra đi của lá dường như giống với sự ra đi của con người. Đột ngột với người này và lặng lẽ với kẻ khác.
Mới buổi chiều hôm qua cành lá SaLa vẫn còn im lặng xanh trên vòm lá biếc, thế mà sáng hôm nay khi thức dậy ra ngồi nơi hiên nhà nhìn xuống, lòng tôi chợt xao xuyến vì trên cành lá cây SaLa không còn một chiếc lá nào. Mới hôm nào lá SaLa rụng từng chiếc rơi từng chiếc. Thời gian như vô tận. Nhưng đêm qua lá đã rụng sạch như giận dũi rời bỏ tôi không một chút luyến lưu.
Nhìn từng chiếc lá Sa La rơi trên thảm cỏ trước sân nhà bạn tôi, tôi cảm nhận được từng giây phút trôi qua không hờ hửng mà chứa đựng những giây phút mong chờ. Ý mong chờ chứa đọng trong từng giây nhìn ngắm từng chiếc lá nhẹ nhàng rơi. Thời gian trôi qua nhanh chậm tuỳ theo tâm lý người trong cuộc. Tôi đang ở trong trạng thái lơ lửng giữa dòng thời gian. Ngắm nhìn từng chiếc lá Sa La rơi rụng mà lòng luyến tiếc cho thân phận từng chiếc lá rơi mà cũng mong cho những chiếc lá này rơi mau vì tôi cũng biết rằng cây đang trong mùa thay lá. Lá rụng để mầm non lú dạng.
Cây SaLa rụng lá. Nụ lá SaLa chào đời. Mỗi giây phút cây SaLa đều đem đến cho tôi một chút hồi hộp, một chút chờ mong và phút giây hạnh phúc. Trong cuộc đời này còn có biết bao điều hạnh phúc tầm thường nhất đến với chúng ta trong những giờ phút tình cờ nhất. Nếu lòng chúng ta mở rộng thì sẽ đón nhận được bao điều hạnh phúc mà riêng ta ta sẽ cảm nhận được sự yêu đời yêu thiên nhiên không bao giờ hờ hửng với chúng ta.
Hằng năm cây SaLa thay lá một mùa. Mùa Đông lá trở vàng và rơi rụng. Nụ lá xanh non né nở để chào đón hương Xuân.
Bầu trời ban mai vẫn còn ẩn ánh nét ban đêm. Một vài ngôi sao còn lóng lánh, một giải mây trắng mỏng trôi chậm dưới chân trời. Dẫu biết rằng thế nào cây SaLa cũng phải rụng hết lá song sự ra đi vội vàng trong đêm khuya thanh vắng có chút gì làm tim tôi xao xuyến. Tôi thầm nghĩ, giá mà cây SaLa để nhín phần cho tôi một vài lá cuối cùng trong sáng nay thì sự buồn rầu của tôi sẽ vơi đi vì dù tôi biết rằng trên cõi đời này có những điều xảy ra không bao giờ tuân theo ý muốn của mình
Một tuần sau cũng vào một buổi sáng tinh sương tôi như thói quen ra hiên ngồi nhìn xuống vườn. Cây SaLa vẫn vươn các cành trơ trọi hằn nét lên bầu trời. Màu xanh của bầu trời chuyển dần sang hồng nhạt rồi hồng thắm. Mặt trời từ từ nhô lên sau làn mây trắng lãng đãng nơi chân trời. Bầu trời rực rỡ những tia hồng tươi nhuộm thắm cảnh vật.
Bổng nhiên, trước mắt tôi cây SaLa rực rỡ như đang trổ hoa. Trên đầu các ngọn cành những đốm hoa xanh đang lộ diện. Sau một phút giây sửng sốt, tôi nhận thấy rõ rệt hiện tượng nẩy sinh đang hiển hiện dưới ánh nắng ban mai. Trên các đầu ngọn cành SaLa đều điểm một nụ xanh. Toàn cây SaLa đều dày đặc nụ xanh. Đây không phải là nụ hoa mà lại là nụ lá. Trên tất cả ngọn cành, (không có nơi các nách cành), các nụ lá nhô cao đón nắng bình minh. Lúc này tôi mới hiểu rõ là lá SaLa chỉ mọc ở đầu ngọn cành chớ không mọc nơi nách cành.
Đây là buổi sáng đầu tiên lòng tôi hoàn toàn im dịu sau những giờ phút lo âu vì sợ cây SaLa chết.
Nụ lá SaLa mỗi ngày một sum thạnh. Nhìn toàn cảnh cây đơm nụ tôi có cảm giác như đang ngắm một cây mai trong mùa xuân. Tuy nhiên nơi cây mai, nụ lá nhỏ mà dài còn nụ hoa thì tròn và sung mãn. Khách rành chơi mai không bao giờ có sự nhầm lẫn giữa nụ lá và nụ hoa. Nhưng nơi cây SaLa thì nụ lá lại tròn trịa và sung mãn. Trong ánh nắng hồng của ban mai các nụ lá có màu xanh bích ngọc có hình dạng như một nụ hoa vươn thẳng lên bầu trời. Trong lúc này tôi như thưởng thức trọn vẹn cái đẹp của một vòm nụ hoa hàm tiếu. Mỗi ngày nụ lá mỗi lớn nhanh và để rồi một hôm chúng nở bùng. Lá cây SaLa hiện rõ trên nền trời như những chiếc lông chim kết lại thành chùm chen nhau trên các ngọn, đầu cành trông giống hệt như những chiếc cầu lông màu xanh bích. Gân lá lộ rõ trên từng chiếc lá và vì mọc nơi đầu ngọn cành nên trông các nụ lá như những con ong, con ve sầu khổng lồ bay về đậu chổng đầu trên cành SaLa. Tôi liên tưởng đến một bấy sinh vật đang vui đùa họp mặt trên những cành cây mụ mẫm. Hạnh phúc tự nhiên tràn đầy. Thiên nhiên có tình với ta biết là ngần nào.
(Thạnh Lộc ngày 23 tháng 4 năm 2007)
Mỗi lúc yên lành trong cơ thể, tinh thần cảm thấy vui tươi, bạn tôi lại ra ngồi dưới cây Sa la để tâm hồn trầm lắng và anh bạn đã vẽ lại cây Sala bằng bút chì màu. Những người ngoài cuộc chắc chắn sẽ không nhìn thấy những nét tình cảm và thân thiết trong bức tranh song nếu là người trong cuộc, người đã có những kỷ niệm bên nhau trong những ngày tháng ở ngôi biệt thự này thì màu xanh hoa lý trên bức tranh sẽ vô cùng thân thương và êm dịu trong lòng vô cùng.
Có cảm thông được những tình cảm thanh thản trong lòng của bạn tôi trước bước đi chậm rãi của thời gian trên sắc lá của cây Sala và sự lớn lên từng ngày của cây chúng ta mới thấy rõ được tình yêu thiên nhiên của anh bạn, thắm đậm như thế nào. Tôi tin rằng chỉ có một vài người là hiểu được tấm lòng của bạn tôi. Đó là chị Thanh Trúc, anh Trúc Như, bạn Phong Hương, và những người cháu trong nhà.
Dưới bóng cây Sa la bạn tôi đã viết Lời Giới Thiệu cho cuốn "Nguồn Đạo Trong Thơ Văn" của Quách Tấn do tôi sưu tầm và biên soạn, NXB Phương Đông ấn hành năm 2007:
Lời Giới Thiệu
"Ngày Phật đản năm Kỷ Dậu (1959) nhân có dịp tham dự một buổi lễ cúng dường tại chùa Phước Hải, nhà thơ Quách Tấn đã nguyện cùng Phật tổ dâng hiến cuộc đời thơ của mình để phụng sự chính pháp.
Trước đó, tuy sống rất gần với đạo Phật song người đến với chùa, với kinh như một nhà thơ đối với cảnh đẹp của đất trời. Thuở còn đi học tuy đã từng trú ngụ tại chùa, ăn nhờ tương chùa, nghe giảng kinh, đọc kinh song người chỉ có một niềm kính mộ mà chưa có ý tưởng qui y.
Sau khi bước chân vào trường đời cũng như trưòng thơ, người vẫn một niềm kính yêu đạo Phật và đã để lại trong văn thơ những nét bút dịu dàng thơ mộng, thoang thoảng hương trầm. Tuy nhiên, chỉ có hơi hương phảng phất mà thôi. Bởi vậy cho nên trong giới văn học không có ai lầm tưởng nhà thơ Quách Tấn là một nhà thơ của đạo Phật.
Trong thơ văn Quách Tấn, mùi trầm hương chỉ thỉnh thoảng xuất hiện trong những làn hương hoa, trong cảnh vật thiên nhiên tràn ngập giữa trời thơ.
Nhà thơ Quách Tấn đã đến với nguồn đạo bằng tâm hồn của một thi nhân ưa cái chân, cái đẹp. Không có một bài thơ nào mang nội dung như một bài thơ tải đạo của các vị thiền sư đời Lý Trần. Có thể nói người không dùng thơ để tải đạo mà trong thơ chỉ có hương để tải đạo. Thơ và đạo vẫn có một khoảng cách trong những tương quan giữa thơ và đạo.
Viết về Ảnh hưởng Phật giáo trong thơ, trong cuộc đời của hai nhà thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê, Quách Tấn đã chan hòa văn chươngvới tinh thần bằng hữu. Rút từ kinh nghiệm thực tiễn để giải thích nét đặc thù trong văn học: Thơ Hàn Mặc Tử cao đẹp không phải vì có một vài tư tưởng Phật giáo trong thơ mà vì Hàn Mặc Tử là một nhà thơ lớn. Trong đời, Bích Khê luôn luôn tụng niệm kinh A Di Đà không phải để tìm ý thơ mà để làm hành trang cùng đi suốt cuộc đời. Quách Tấn viết về hai bạn liên quan đến Phật giáo trong niềm thân thương trìu mến như nói về mình. Nói để cho bạn đọc mà hiểu rõ, chớ không phải để khâm phục.
Trong các tác phẩm viết về Thi Thoại như Hương Vườn Cũ, Trong Vườn Hoa Thơ, Hưóng Phấn Nâng Hương, Những Bức Thư Thơ có những bài liên quan đến tư tưởng Phật giáo nhưng đó chỉ là những tương quan thuộc về văn thơ. Cho nên Quách Tấn chỉ gợi nhiều hơn là giải thích cặn kẽ. Chỉ riêng có bài Nga nga lưỡng nga nga là nội dung đi sâu vào tư tưởng Phật giáo. Tuy nhiên lời văn vẫn đượm đà, ý văn vẫn tươi sáng.
Nhà thơ có 5 giấc mộng tương quan đến ý niệm sống đối với cuộc đời. Nếu cuộc đời này là vô thường thì những giấc mộng kia có hay không cũng không quan hệ. Mỗi chúng ta đều có riêng những giấc mộng mà khi tỉnh giấc, lòng ta vẫn bàng hoàng luyến tiếc.
Và kết thúc tuyển tập là bài Hồi Ký Về Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Vị cao tăng này đối với nhà thơ vừa là thầy về đạo vừa là trò về thơ Đường. Đôi tri kỷ này đã có những buổi đàm đạo về đạo, về thơ trong một không gian đầy ấn tượng thơ văn và trong một thời gian hợp với lòng, với đời... Trong câu chuyện, một nhân vật khá lý thú được nhắc đến -Phạm Công Thiện- từ một nhà văn đến một nhà sư rồi đi sâu vào văn học Phật.
Trong phần phụ lục, Những Cảm Nghĩ Về Quách Tấn của các nhà văn tiền chiến cũng như hiện tại sẽ góp một phần làm rõ về Quách Tấn trong lãnh vực đạo Phật. Đồng thời Những bài bình về thơ Quách Tấn cũng giúp cho bạn đọc cảm nhận được đôi chút hương trầm.
Và để nối tiếp những giây phút hương trầm thoảng, một số bài thơ được trích trong Tuyển Tập Thơ Quách Tấn, hầu góp một phần nhỏ trong tập văn thơ có mùi Đạo này.
Khánh Hòa được nhà thơ Quách Tấn tôn vinh là Xứ Trầm Hương.
Có những đêm hương trầm thoảng về từ núi Chúa.
Mùi hương âm thầm lan tỏa ngát thơm trong bầu trời thanh vắng.
Với thơ văn Quách Tấn cũng vậy, chúng ta nhiều lúc gặp một ít hương trầm thoảng, mỗi khi tâm ta lắng đọng, để hòa nhập, để cùng với văn thơ nhẹ nhàng đi vào cõi trời trầm hương.
Và cuối cùng chúng ta ghi nhận tấm lòng của anh Quách Giao, con nhà thơ Quách Tấn, đã dày công sưu tập, gìn giữ và ấn hành những di cảo vănt hơ của thân phụ mình. Trong tập sách này, những áng hương trầm mà anh đã chọn kết hợp với các bài viết của các nhà văn bốn phương đã giúp chúng ta cảm nhận được hương Đạo Phật hiện hữu trong văn thơ Quách Tấn.
Thạnh Lộc ngày Phật Đản năm Đinh Hợi (Phật lịch 2551)
Lê Triều Phương
Theo http://chimviet.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc lại thơ vua tìm lấy bóng

Đọc lại thơ vua tìm lấy bóng “Thơ Vua và Suy ngẫm” là cuốn khảo cứu đáng đọc trong góc nhìn lịch đại. Đọc thơ vua rồi suy ngẫm thời cuộc s...