Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Hàn Mặc Tử - Tình thơ vượt qua khổ đau

Hàn Mặc Tử - Tình thơ vượt qua khổ đau
1. TIỂU SỬ GIẢN LƯỢC
Hàn Mặc Tử tên thật là Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ (thuộc giáo xứ Tam Tòa),  tỉnh Quảng Bình.
- 1924-1926: Học tiểu học ở Quảng Ngãi.
- 07/1926: Cha qua đời, theo mẹ vào Quy Nhơn ở với anh là Nguyễn Bá Nhân, xướng họa ký tên Minh Duệ Thị.
- 1928-1930: Học trung học Pellerin ở Huế, văn bằng Pháp Việt sơ học.
- 1931: Làm thơ Đường đăng báo ký tên Phong Trần.
- 1932: Hàn làm viên chức sở đạc điền ở Quy Nhơn, yêu Hoàng Cúc.
- Năm 1934, vào Sài Gòn làm báo – đổi bút danh là Lệ Thanh rồi Hàn Mạc Tử.
- 1935-1936: gặp gỡ Mộng Cầm.
- 1936: in tập Gái quê, về Quy Nhơn chữa bệnh.
- 1937: Biết mình mắc bệnh phong, cắt đứt thư từ và xa lánh bạn bè.
- 1938: Hoàn thành tập Thơ điên (Đau thương).
- 1939: Viết Xuân như ý, Thượng thanh khí – quen biết Thương Thương, viết Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội.
- 20-9-1940: Vào nhà thương Quy Hoà, mang số hiệu bệnh nhân 1134.
- 11-11-1940: Qua đời vì bệnh kiết lỵ, tại Quy Hòa. 
Hàn Mặc Tử đem đến cho Thơ Mới một phong cách độc đáo và sáng tạo: bên cạnh những tác phẩm bình dị, trong trẻo, chan chứa tình quê là các tác phẩm đầy những cảm hứng lạ lùng, huyền bí... (CMVTĐ, tr 21-22).
2. KHỔ ĐAU
Trong nhãn quan tự nhiên, cuộc đời của Hàn Mạc Tử có thể được gọi là “ Tài Hoa Bạc Số” hoặc “Thi Tài Yểu Mệnh” với 28 tuổi đời.
Ngay từ bút hiệu, chúng ta đã thấy bàng bạc một điều gì đó rất trở trăn nhưng kỳ lạ, như tiền định một “tiếng gọi thập giá” trong cuộc đời nhà thơ:
- Từ Minh Duệ Thị, như thấy được ánh sáng khôn dò của sóng đời
- Đi đến những uẩn khúc của một kiếp Phong Trần đa đoan
- Vùng vẫy với kiếp Phong Trần đa đoan để tuôn đầy những giọt Lệ Thanh của kiếp tài hoa bèo bọt
- Hết giọt Lệ Thanh bèo bọt lại đến Bức Rèm Lạnh - Hàn Mạc Tử như khuất lấp vào cõi bí huyền.
Vậy Bức Rèm Lạnh - Hàn Mạc Tử có vén được bức màn ấy để nhìn thấy và cho ta nhìn thấy một ánh quang huy hoàng của Vẻ Đẹp: Toàn Mỹ, Toàn Thiện và Toàn Chân như thi sĩ luôn khát vọng không ? Có đấy ! Hãy lướt vào cung đời thơ của thi sĩ để cảm nhận cung bậc… 
2.1  KHỔ - CHẤT THỂ
Với một thân thể mảnh khảnh, Hàn Mạc Tử mang một chất thể khó có thể đương đầu với những bão táp cuộc sống. Thế mà nghiệt ngã vẫn là nghiệt ngã! Cái khổ nhất và khủng khiếp nhất của đời người là tật bệnh mà lại là bệnh số một trong tứ chứng nan y, bệnh phong ! 
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
(Hồn Là Ai )
Đây là thập giá và nỗi khổ khó có gì có thể diễn tả được. 
2.2  ĐAU – TINH THẦN 
Trong ý nghĩa tinh thần, Hàn Mạc Tử mang nỗi đau của trái tim “mờ nhân ảnh”, làn hơi thở “hoi hóp giữa không trung và một linh hồn “rã lần theo hương khói”.
Một khối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu ý nhớ, cả một vùng
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn.
Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
 (Câu 36-41 trong tập Đau thương: Trường Tương Tư)
Vâng! Nỗi đau trăn trở của tình yêu chưa hoàn thiện, khi trái tim không kết nối đường giai ngẫu để một khối tình chỉ biết nở giữa âm u:
Ta lau nước mắt, mắt không ráo
Ta lấy tình nương rủa biệt ly
(Hàn Mạc Tử, Tình Thu)
Nỗi đau với một tuổi thanh xuân bị tước đoạt hết mọi hy vọng tươi đẹp nhất khi choàng vào chứng bệnh nan y không lối thoát, nỗi đau của sự bỏ rơi và xa lánh người thân:
“Như đã chết trong tôi khi sống ở Xóm Tấn đầy đau khổ, nghèo nàn, cô đơn, không một ai đến an ủi săn sóc dù là người thân quyến” (Có Một Vườn Thơ Đạo – Lm. Trần Quý Thiện, tr. 28)
Nỗi đau của một hơi thở chỉ còn đếm thời gian theo từng khoảnh khắc:
Trời hỡi, bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si
       (Hàn Mạc Tử, Những giọt lệ)
 Và nỗi đớn đau khủng khiếp nhất của một linh hồn như đơn độc đi giữa đêm tối niềm tin.
Sao trìu mến thân yêu đâu vắng cả
Trơ vơ buồn và không biết kêu ai?
 (Hàn Mạc Tử, Biệt ly)
3. VƯỢT QUA KHỔ - ĐAU
     CON ĐƯỜNG  VÀ ĐÍCH ĐIỂM VƯỢT QUA
Có thề nói ngay: Con đường “Vượt Qua” khổ đau của Hàn Mạc Tử là con đường cô tịch của Tình Yêu và đích điểm là nên Một trong Tình Yêu Toàn Mỹ.
Khi lui về xóm Động, lánh mình ở xóm Tấn… Hàn Mạc Tử đã từng bước chuyển từ sự thinh lặng bên ngoài để đi vào sự cô tịch nội tâm, gạt rơi những náo động đam mê ngoại tại cũng như buông bỏ những mô thức, hình thể nội tại để chỉ còn một tâm thức trống rỗng sẵn sàng cho ân sủng nảy mầm, nghĩa là để cho Sự Sống Thần Linh vươn lên trong mình, ngay từ thực tại cuộc sống.  
Hàn Mạc Tử đã “ngộ” ra chân lý tối thượng: Tình Yêu là đi ngoài mình để sống cho tha thể.
Thật vậy, từ một hữu thể bụi đất, từ cái tiểu ngã mong manh nhỏ nhoi, qua con đường cô tịch thanh trong, Hàn Mạc Tử đã không còn nghĩ về mình, không còn quặn đau với tiếng rên khôn xiết của số phận nghiệt ngã; nhưng thay vào đó là bật mở trong mình những ánh sáng tinh khôi của thi ca, những nét đẹp diễm lệ của Vĩnh Hằng và những chiêm nghiệm thuần khiết của “Xuân Như Ý”.
Quả thế, Hàn Mạc Tử đã muốn hòa nhập cái tiểu ngã vào Đại Ngã khi ông chiêm ngưỡng ánh sáng của ơn Nên Một trong Tình Yêu. Thi sĩ đã thốt lên:
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rần rật như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.
(Biển Hồn Ta)
Vâng! Máu của tinh tuyết khí lực, máu của sức sống tuổi trẻ đang xuân, máu của tài hoa phát tiết. Tất cả phần thể chất đầy Sự Sống phơi phới ấy như muốn bật vỡ để hòa vào “Bể cả - biển đời” để rì rào cùng tiếng ru vạn vật, ru tình không nức nở trở trăn, ru chiều thôi muộn chờ hạt nắng.
Có thế thôi sao! Không Hàn Mạc Tử còn muốn vươn cao và xa hơn nữa. Sóng lòng của trái tim đang rung nhịp kỳ vĩ, Sóng lòngcủa tinh thần vươn lên “Thanh Thượng Khí”, của linh hồn đang bay lên miền “Tứ Thời Xuân”. Tất cả trở nên khí thiêng để nhẹ nhàng “tràn lan ngoài xứ lạ” và “Dâng cao tột tới trên trời” để mọi đôi mắt và trái tim sẽ trỗi lên cung nhạc thơm khi:
Đầy dẫy no nê nguồn sáng láng
Rất nên trăng ngọc với vàng sao
(Xuân Như Ý – c.6-7)
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt:
Đường thơ bay sáng láng như sao sa...
(Nguồn Thơm – c. 21-22)
Những nỗi đau của Hàn Mạc Tử đã trở thành những vần thơ cầu nguyện, những lời kinh thơm ngát nhịp trái tim.
Vâng! Thơ ấy sục vào tận những hang cùng ngõ hẻm của vô thức, vào chỗ tối tăm bùn lầy nước đọng của hạ ý thức, nên khi thành thơ, thơ ấy vẫn vô cùng trong trẻo.
Bởi thơ từ xưa tới giờ luôn là kinh cầu nguyện của tâm hồn con người, nơi con người có thể sám hối, có thể khắc khoải, có thể khao khát và công khai bày tỏ những khát khao thầm kín nhất, nơi bất cứ một ánh nhìn nào cũng đều được “trong trẻo hóa”, đều thăng hoa, hướng thượng.
Lạ quá! Lạ không chỉ vì đây là câu thơ siêu thực, lạ vì nó siêu thực một cách rất… hiện thực. Đừng tưởng siêu thực là phản hiện thực, là chối bỏ hiện thực. Siêu thực là hiện thực ở dạng “đĩa nén” hiện thực ở mức lạ thường. (Thanh Thảo, HMT và bánh xe 12 trăng)
Thơ của Hàn Mạc Tử hay hơn khi thi sĩ bắt đầu “lắng cái lắng của hồn thơ, say cái say của Thiên Ý”, khi thi sĩ đi ra ngoài mình đế hướng đến Đấng Vô Cùng. Ở đấy không còn bàng bạc cái nhìn trầm luân khốn đốn, những vụn vặt rong rêu đời người, nhưng qua đó là tràn tiết điệu thanh cao, những cung vần thơm tho sáng láng mà muôn trái tim không khỏi bỡ ngỡ giật mình:  
Phút giây hoan lạc ngớp vô song
Bờ bến thơ đây rộn gió lòng                                                        
Ý đã nên sang, tình phải trọng
Cho mau, lời nguyện nóng lên không
(Xuân Như Ý – c.10-12)
Baudelaire viết:
Diễm phúc thay kẻ có thể giương đôi cánh dũng mãnh
Bay vút lên những không gian ngập ánh sáng tĩnh mịch
(Siêu thăng)
Thì Hàn Mạc Tử cũng nói: “Chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tàn đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi” (Chơi giữa mùa trăng).
Cái Đẹp đối với Hàn Mạc Tử là người tri kỷ mà thi sĩ tìm kiếm, một bậc cao quý, toàn trí toàn năng, một đấng mà thi sĩ thấy như là tất cả, trên tất cả mọi sự. Đấng ấy là Trời, vì Người đã tạo thơ ra ở thế gian. Cho nên chỉ với Trời thi sĩ mới có thể trút hết hận tình, kể lể hết niềm đau thương.
“Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt” (Quan niệm thơ).
Với đức tin ấy, Hàn Mạc Tử đã quy tụ, khơi mạch thơ ở Trời và lời vang động của nguồn máu huyết đạo hạnh ấy không còn là những thương tiếc u hoài mà là cả sự trở về với nước Trời. Đó là tiếng kêu của thi sĩ hướng đến vô cùng, trong Đấng Vĩnh Hằng:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Ave Maria)
Hạnh phúc, sức khoẻ, sự nghiệp không còn ở trong tầm tay với, nhưng thật sự Hàn Mạc Tử đã bước một bước mạo hiểm... vào xứ tràn ngập gió mây mà “không trào nước mắt, không thảm thê buồn” vì anh “đã nhập hồn mình trong khúc hát để nhờ không khí đẩy lên trăng”. (CMVTĐ, Nguyễn Thị Tuyệt, tr. 46).
4. KẾT
Hàn Mạc Tử đã biết ứng đáp tiếng gọi không cản trở và không gì lay chuyển của Trời, ấy là tiếng luôn luôn mời gọi chúng ta vượt lên cao:
Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đời, trăng mọc nước Huyền vi
Đây Miên trường, đây Vĩnh cửu, Tề phi
 (Câu 1-3 bài Sao, Vàng Sao trong tập Thượng thanh khí)
Quả thật, trong suốt hành trình khổ nạn đau thương của Hàn Mạc Tử, THẬP GIÁ CUỘC ĐỜI tưởng chừng như đè bẹp sự mảnh khảnh, đơn độc một thi sĩ tài hoa. Thi học của nhà thơ như xoắn lấy và dao động giữa trọng lực và Ân sủng.
Nhưng thoát khỏi tâm tình phản kháng sinh ra vì đau khổ, Hàn Mạc Tử đã vươn lên cao ngang tầm Ân sủng: Ân sủng định hướng cho hoạt động sáng tạo của nhà thơ trên đường tìm cái đẹp và lạc phúc hằng hữu. (CMVTĐ, Võ Long Tê, tr. 69)
Hàn Mạc Tử đã đi ra khỏi mình để vươn tới Tình Vĩnh Cửu và muốn trở nên “Một” trong Đấng Tạo Dựng và đó chính là lối ra ngập đầy ánh sáng, nhạc thơm trong tình thơ Hàn Mạc Tử.
Như vậy chúng ta phần nào có thể đúc kết hành trình “Vượt Qua” của Hàn Mạc Tử:
- Thập giá – khổ đau chỉ là chặng đường khoảnh khắc;
- Phục Sinh – kết hiệp với Đấng Toàn Ái mới là đích điểm.  
Sự cô tịch trong Tình yêu là con đường
Ơn nên Một trong Tình Yêu là đích điểm
 Sơn Tuyền và An Thiện
Theo http://www.nhipcautamgiao.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...