Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Một giọng văn xuôi trữ tình và giễu nhại lạ

Một giọng văn xuôi trữ tình và giễu nhại lạ
(Đọc Quan lớn đi bụi - tập truyện ngắn
của Trịnh Đình Nghi, Nxb Hội Nhà văn, 2014)
Nguyễn Văn Siêu nói rằng: “Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.
Văn xuôi Trịnh Đình Nghi là loại văn “chuyên chú ở con người”. Ông không có ý định lập ngôn lập danh làm... nhà văn, mang thông điệp tư tưởng lớn cải tạo xã hội. Ông cũng không thuộc dạng người viết kì khu, tỉa tót, chạm khắc câu chữ, làm một nghệ sĩ khó tính để rồi chết vinh quang hoặc thê lương với nghệ thuật. Ông lại càng tránh xa cái thứ nhà văn bóng bẩy uốn éo lấy tráng kim làm trang sức đời mình sau khi công thành danh toại. Nhưng, bằng nội lực nhà văn, bằng tinh kết truyền đời từ dòng họ, quê hương văn nhân miền chiêm trũng Ý Yên - Nam Định, trái tim nhà văn trong ông rung ngân khắc khoải, lương tâm nhà văn trong con người ông cất tiếng thao thiết. Ông viết như một nhu cầu nội tại cần chia sẻ, cần bày tỏ một thái độ, một quan niệm sống.
Nhà văn Nam Cao, và cả Ma Văn Kháng, nói: “Sống đã rồi hãy viết!”. Vô tình hay định mệnh sai khiến Trịnh Đình Nghi cũng sống dấn thân quăng quật tầm tã, sống phiêu du phiêu bồng, sống lãng mạn... rồi mới viết. Bằng chứng là ông đến với văn chương khá muộn mằn, năm mươi tuổi tri thiên mệnh hiểu đời hiểu người, tóc nhuộm màu sương gió... mới viết, nên câu văn nào cũng thao thức với thời gian, trang viết nào cũng thấm đẫm ưu tư trải nghiệm. Hiện thực được ông chưng cất bày lên trang sách một cách tự nhiên tự tại, như không thể không viết sau nhiều đêm li hương sống đời phiêu dạt “ăn cơm tự sướng nằm giường cá nhân” và ngẫm nghĩ thế sự.

Trịnh Đình Nghi có một kho lẫm vốn từ phong phú, sinh động, sinh khí của đời sống thường nhật, là lời ăn tiếng nói dân dã (mới lạ đến mức chưa kịp định vị, chưa kịp đưa vào từ điển) ùa vào tác phẩm một cách nhuần nhụy, tự nhiên. Chính cái sinh ngữ góc cạnh, thô ráp xù xì, đôi khi lảnh lót, điêu ngoa ngày thường có sức sống mãnh liệt ấy làm cho văn xuôi Trịnh Đình Nghi không thô giản đơn điệu và vượt qua sự tẻ, nhạt vốn đầy rẫy ở làng văn Việt. Ông có biệt tài sử dụng hình ảnh ví von lạ đầy sức ám dụ: “khám sức khỏe chắc nó cũng như cái việc quét nhà, kiểu gì chẳng ra rác”, hoặc: “cứ hắt hơi ba cái lại lo đi khám thì có mà đi khám như “con sen” đi chợ”; nói về cái chết oan tức tưởi: “bác sĩ chích một phát sơ sơ mà sản phụ ôm luôn cả bào thai trèo lên “nóc tủ” (Sợ như đi viện); ẩn dụ tư cách người: “nói năng chào hỏi như thằng cảm cúm” (Ngày chia xa), “thằng chồng mà cứ sổng chuồng ra là y như rằng gái nó ken như ken ruột chó” (Sợ vợ), “mụ nạ dòng có cái mặt phèn phẹt như cái rổ lòng lợn chợ chiều” (Cảm thán về phụ nữ với văn minh đô thị)... Trịnh Đình Nghi là một ẩn số của cái lạ, ông lạ từ cách dùng từ không giống ai: “ngu triền miên khói lửa”, hoặc “nó cứ chu mỏ với chồng”, “nhàn cư vi ngứa mồm”, “tắc thở vì cái bụng đòi cơi nới cạp quần”, “tình hình là cực kì tình hình”... Cứ tưng tửng khẩu ngữ, nói như viết và viết như nói, sinh động đến từng câu từng từ.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường nói rằng: “Ở đâu mà tư tưởng hài hước được tôn trọng thì ở đó mới có những bộ óc lành mạnh hợp lí và mới có lối sống giản dị, suy nghĩ giản dị”. Hài hước mà giản dị, giản dị chứ không giản đơn. Văn Trịnh Đình Nghi là thứ đi chênh vênh giữa dân gian và bác học, giữa thô mộc bỗ bã và tinh tế lắng sâu. Tính chất hai giọng điệu trong một người văn là minh chứng của sức mạnh đa thanh đa sắc. Nếu như đứng ở bên này dòng sông văn chương mang tên Trịnh Đình Nghi nhìn thấy bờ bên kia lực lưỡng, ngạo nghễ đầy ắp tính u-mua (humour), trong tiếng cười có tiếng khóc, trong tiếng khóc có tiếng cười... thì đứng ở bờ bên kia nhìn sang lại thấy bờ sông văn chương bên này như dải lụa dịu dàng, đằm sâu, thao thiết.

Ở cái giọng trần trụi hiện thực thứ nhất, ông cất cao tiếng cười giễu nhại đủ hạng người: từ hình ảnh Cụ quan lớn vật vạ được đàn em ăn chơi thượng hạng hầu hạ đưa đi thực tế dân dã tưởng sung sướng thụ hưởng “hương đồng gió nội”, hóa ra cơ cực, nhọc thân... đủ để có tiếng cười hả hê (Quan lớn đi bụi); đến chân dung hài hước của đám người ảo tưởng, làm thơ bốc mùi “cứ viết mấy chữ là xuống dòng, rồi lại mấy chữ, lại xuống dòng” khiến mụ vợ cũng không chịu được mùi khăn khẳn trên giá sách... có thừa tiếng cười cay đắng (Mùi thơ); hay chuyện đàn ông ngu ngơ, khù khờ dại gái tưởng bở bị đàn bà xỏ mũi... thành tiếng cười ra nước mắt (Leo cây). Như một người cầm cọ biếm họa, Trịnh Đình Nghi phơi bày cái sự xô lệch, nhốn nháo, ngổn ngang, nhếch nhác của cảnh và người thủ đô (Làng Hà Nội). Ông cười cợt cái đểu giả, cái xấu xa, cái nhục, cái vụng về của đàn ông cho thiên hạ biết (Sợ vợ)... Khi biết cười mình cười người thì đã là lúc người ta đi những bước xa. Tiếng cười của Trịnh Đình Nghi lúc dí dỏm, khi hả hê, lúc lại lạnh giá như đồng. Thâm thúy, càng ngẫm càng thấy đau đến trào nước mắt, mà vẫn cứ phải nhếch môi... cười!
Ở cái giọng trữ tình thứ hai, Trịnh Đình Nghi hạ bè trầm khắc khoải hoài vọng những gì đã mất, và đau đáu kỉ niệm xưa (Tết), nhưng ông cũng buồn tê tái với cái thói hợm hĩnh của một lớp người trưởng giả mới vênh mặt về làng. Có những lúc buồn (Cô liêu) sống cảnh “Thiên đường của lặng lẽ, cứ tuần tự mỗi ngày như mọi ngày, cũng vo gạo cũng nhặt rau, cũng lọ mọ nấu xào như thật, rồi lặng lẽ tắm giặt lau nhà...”; khi thì như một tiếng thở dài, chẳng tiếc nuối nhưng vẫn mang nặng một nỗi buồn hoang hoải chỉ đến rồi đi một lần trong đời thời tóc xanh (Tình vu vơ). Rồi lại đau đáu nghĩ ngợi, liên tưởng đến cái sự chơi xương rồng cảnh cũng giống như dùng người xếp nhầm chỗ, nên nỗi cám cảnh và tủi thân, mặc cảm: lúc đặt trong gác tía lầu son, khi bị hắt hủi ném ra bờ rào (Xương rồng kể chuyện)... Tính chất trữ tình trong con người Trịnh Đình Nghi sẵn ở nội tại, đi xa gặp người mới, đắm chìm ngụp lặn vào không gian mới... chỉ làm cho nó sâu sắc, lắng đọng hơn.
Nhà văn Chekhov nói: “Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực thụ”. Văn chương để người ta nhớ trước hết là giọng điệu, mà cái giọng lại được hình thành từ tạng người. Không có giọng riêng rất dễ bị nhòe lẫn vào dàn đồng ca đông đúc, chẳng ai nhận ra ai. Văn là người, chính cái giọng riêng làm nên sự đặc sắc của nhà văn. Trịnh Đình Nghi có giọng riêng không? Đọc người văn này, tôi dám quả quyết: Ông không những có giọng riêng mà còn là giọng văn riêng lạ, không cỗi già mà sinh động, tươi xanh. 
Sương Nguyệt Minh   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tổ chim bé bỏng “Khi lá phong ba già thì chiếc tổ sẽ rụng theo thôi con à. Sự chia tay cái cũ luôn ghi dấu những sự trưởng thành. Bầy ch...