Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Nhạc phẩm "Phôi Pha" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc phẩm "Phôi Pha" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
"Phôi pha" là tên một nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS). Nhạc phẩm tả lại tâm tình của một người nhớ man mác về quá khứ với một người tình đã mờ nhạt trong trí ức, cũng như những chiêm nghiệm về thân phận con người trước sự hữu hạn của một kiếp sống. Về phần lời nhạc, những ý tưởng ngổn ngang về kiếp người được TCS khéo léo đưa vào để làm tăng thêm sức quyến rũ của giai điệu, vì vậy mục đích của tiểu luận này là để phân tích cấu trúc của bản nhạc nhằm hiểu rõ hơn nghệ thuật sáng tác nhạc của TCS. Xin nói ngay, người viết không được học qua nhạc lý trong một hệ thống đào tạo chính thức nào, chỉ tự học qua một vài quyển sách dạy cách sáng tác một bản nhạc mà thôi. Lý do chính của người viết là muốn qua việc thử phân tích thấu đáo một bản nhạc của TCS sẽ làm tan đi phần nào một quan niệm của người thưởng ngoạn là TCS có một nhạc thuật hạn chế và dễ dãi.
"Phôi Pha" được viết căn bản với cấu trúc AABA, nhưng các đoạn A cũng không giống nhau, và B thì không hẳn là một điệp khúc, mà có tác dụng như một đoạn chuyển tiếp để trở lại đoạn A trước khi kết thúc bài hát. Ta sẽ đặt tên cho cấu trúc này là A A' B A''. Sau đây là phân tích từng đoạn.
Đoạn A:
Đoạn A mở đầu ngay với giai điệu chính của bản nhạc: "Ôm lòng đêm (Am)/ nhìn vầng trăng mới về (F)/ nhớ chân giang hồ (Em)". Đây chính là ý nhạc chính của bản này, làm cho ta phải nhớ về bản nhạc đó với âm hưởng "ôm lòng đêm" (đoạn A,) "đâu còn ai" (A') và sau cùng là "thôi về đi" (A''). Đây là một đặc điểm cần phải có của một bản nhạc để bản nhạc ấy được nổi tiếng. Các thí dụ khác của các "catchy tunes" này là "Trả lại em yêu ..." (Trả lại em yêu-Phạm Duy), "Em đi" (Em đi - Đức Huy), hay "Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa .." (Giáng Ngọc - Ngô Thuỵ Miên). Cái ý nhạc chính này là "căn cước" (identity) của bản nhạc đó, làm cho nó không thể lẫn với bài nào khác được. Một nhận xét khác nữa là TCS có rất nhiều bài nhạc với các căn cước riêng biệt, mỗi căn cước lại có một nhịp điệu (rhythm) riêng, không bài nào giông giống bài nào. Các bài nhạc TCS khác như "Diễm Xưa", "Gọi Tên Bốn Mùa", "Chỉ Có Ta Trong Một Đời", "Nắng Thuỷ Tinh", "Như Cánh Vạc Bay", v.v. là các thí dụ tiêu biểu khác về identity của bản nhạc.
Câu nhạc "Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ", về mặt nhạc thuật là một khởi đầu bằng một câu đảo quãng năm rồi trở về chủ âm la đoản (ôm lòng đêm), theo sau là hai đoạn ngắn liền nhau đi lên và sau đó đi xuống. Giống như ta nói chuyện vậy, ta nói chủ đề, rồi kể lể lên xuống mà không đổi quãng nhiều giữa các nốt nhạc sát nhau. Bài nhạc được viết ở âm giai đoản hoà điệu (harmonic minor - la si do re mi fa sol# la) là một thang âm rất được sử dụng trong nhạc TCS cũng như của các nhạc sĩ Việt Nam khác. Trái lại, theo sách "Writing Music for Hit Songs" thì nhạc Tây phương đương đại ít sử dụng thang âm này hơn, mà họ dùng Aeolian minor scale (la si do re mi fa# sol la.) Có lẽ vì vậy mà nhạc ta nói chung nghe khác nhạc Tây phương chăng?.

Trong câu nhạc kế tiếp (vẫn trong đoạn A,) TCS chọn cách phát triển ý nhạc bằng cách lặp lại nhịp điệu như ở hai trường canh đầu ("ôi phù du, từng tuổi xuân đã già") nhưng dùng những nốt nhạc cao hơn, sau đó phát triển tiếp nhịp điệu của "từng tuổi xuân đã già" thành "một ngày kia đến bờ" và trở nhanh về chủ âm với "đời người như gió qua". Câu hát ngắn nhưng chắc nịch như một lời phán quyết là đời sống cũng nhanh và ngắn ngủi hệt như vậy. Chỉ như vậy thôi, với hai câu hát ngắn, ta đi xong một đoạn của bài hát. Về phần lời nhạc, với một ý nhạc cộng với một biến thể của 1 ý nhạc đó, TCS mô tả xong hình ảnh một người ngắm trăng cùng lúc suy tư về bước chân giang hồ, cộng với sự than vãn về một kiếp người chỉ phù du như một cơn gió qua.
Đoạn A':
Đoạn này kết cấu cũng như sự phát triển ý nhạc tương tự như đoạn A, sự khác biệt ở chỗ thay vì đi về chủ âm qua hợp âm thất trình áp âm (E7), thì TCS quay về âm thức (Do)trưởng tương ứng của âm thức đoản (Am) trước khi trở về chủ âm. Tuy TCS không hề gán hợp âm cho bản nhạc, vì hai chữ "chờ đợi", ta có thể dùng hợp âm tứ trình (F hay F Maj7) để đặt cho hai trường canh này, tạo nền cho một chuyển động mạnh hơn ở điệp khúc.
Điệp Khúc:
Không như các điệp khúc khác có thể thấy rõ rệt sự khác biệt của hai ý nhạc ("Hoa Vàng Mấy Độ" là một ví dụ như vậy - từ âm giai Mi đoản chuyển sang Mi Trưởng), điệp khúc của bài nhạc này giống như một đoạn nhạc chuyển tiếp (bridge) hơn để chuyển về đoạn A''. Đoạn nhạc bắt đầu ngay với hai trường canh ở hợp âm thất trình áp âm ("Về ngồi trong những ngày, nhìn từng hôm nắng ngời" - E7), xong chuyển qua âm thức trưởng tương ứng (C). TCS sử dụng lối dùng nốt rải (appergios) để nhấn mạnh ý nhạc này. Một chú ý khác là sau khi dùng liên tiếp 3 câu nhạc ngắn như vậy, TCS đã cân đối lại phần trước bằng cách dùng liên tiếp 6 nốt "eight note" và hai nốt "quarter note" ("có những ai xa đời quay về lại") để kéo dài, "gằn" câu nhạc xuống, hay trong bài này thì tỏ ý ước muốn người tình xưa trở về lại. Tiếp theo, TCS làm cho lời bài nhạc đã xa vắng càng thêm chất ngất với việc làm chậm lại và ý nhạc đi lên đến hợp âm thất trình áp âm lần nữa ("Về lại nơi cuối trời, làn mây ..... trôi ...")
Đoạn A'':
TCS cho người thưởng ngoạn một ngạc nhiên nho nhỏ và lý thú là ở chỗ ý nhạc chính "Thôi về đi", ngoài việc ở đầu câu như hai đoạn trước (A và A'), còn là sự trở về âm chính La thứ sau cao trào của đoạn trên. Đặt lời với "thôi về đi" như vậy, đã là một sử dụng nhạc thuật rất tài tình để đoan chắc với thính giả là "thôi về đi" là một hệ quả tất yếu, không còn hoài nghi gì nữa. So sánh cái "về" này với cái về trong "Ừ thôi em về" ("Cuối cùng cho một tình yêu" TCS/Trịnh Cung) ta mới thấy chúng khác nhau làm sao! Một bên đoan quyết, còn một bên thì "dùng dằng nửa ở nửa về" do chỗ đặt của từng chỗ đứng của chữ "về" trong câu nhạc.
Để kết thúc bản nhạc này, thay vì đi liền tới E7 như trong đoạn A, TCS đã khéo léo dắt ta qua F trước khi về E7 và sau cùng trở về cung chủ âm Am. Có thể nói TCS đã dùng một giai kết thật lơ lửng nhưng liền lạc và rất phù hợp với ca từ "bàn chân ai rất nhẹ, tựa hồn những năm xưa."
Một chi tiết khác:
Một chi tiết đáng lưu ý là sự xuất hiện nhiều lần chữ "về" (7 lần.) Sự lặp lại này có thể được gọi là một sự nghèo nàn trong vốn từ, hay là một chủ đích của tác giả về một mơ ước của một sự trở về nào đó, hay chỉ là một nỗi cô đơn vốn có của tác giả hiện lên không chủ đích (unconsiously)? Nếu người viết bài này không nói ra chi tiết này thì bạn có cảm thấy có sự trùng lặp trong ca từ không, hay TCS đã thật sự khéo léo trong việc "ngụy trang" các từ này?
Sự khéo léo này, theo tôi nghĩ, có lẽ là ở chỗ khi nào muốn nhấn mạnh chữ "về", thì TCS hoặc dùng một quãng nhảy đảo xa (thôi "về" đi - quãng 5), hoặc là đặt nó vào nhịp mạnh (nhìn vầng trăng mới "về", vườn khuya bước "về" - nhịp 1), hoặc cho nó bắt đầu của một hợp âm rải (appergio) đi lên ("Về" ngồi trong những ngày, "Về" lại nơi cuối trời - hợp âm la thứ.). Các chữ "về" còn lại thì lẩn trong các nốt tạm (passing notes) của một cung nhạc đi lên (đường "về" ôi quá dài,) hay đi xuống (xa đời quay "về" lại.)
Nhân tiện đây, ta hãy thử tìm hiểu tại sao nó trùng lặp rất nhiều, mà ta không thấy chán. Người viết nghĩ là vì tiếng Việt mình có đặc điểm gần giống như tiếng Anh là dùng chữ kép (Anh ngữ thì có động từ với prepositions như get on, get away, get in, get out, v.v. mà chỉ nguời bản địa mới hiểu nổi chúng có ý nghĩa thật sự ra sao.) Ta thấy "về" ở đây ngoài nghĩa chính, cũng còn được kết hợp để làm rõ thêm ý của các danh từ khác như "đường" về, "bước" về. Động từ "về" cũng được thêm vào để làm rõ nghĩa chẳng hạn như "mới" về. Lại còn truờng hợp "về" và "đi" nằm sát cạnh nhau như trong "Thôi về đi", thì truờng hợp này chữ "đi" được khéo léo dùng làm một chữ để nói lên sự thuyết phục, và cách bởi chữ đi một quãng năm, rất tự nhiên như mình nói chuyện hằng ngày vậy.
Như vậy, khi đặt một bản nhạc, ta chỉ cần biết phải làm thế nào cho nó không trùng lặp ý nhạc, ý ca từ với các bài nhạc khác của ta mà thôi, còn các "linh tinh" khác như cách xử dụng lặp đi lặp lại chữ "về" để đạt một mục đích nào đó cho bản nhạc, là một việc cần phải làm và không nên dè dặt trong việc sử dụng chúng.
Kết luận
Ta có thể nói là trong nhạc phẩm "Phôi Pha" này, TCS chứng tỏ ông có một nghệ thuật đặt câu rất vững, không thừa không thiếu. Nếu chỉ nhìn thoảng qua bài hát này cũng như một số ca khúc nổi tiếng khác cũng của TCS, ta có thể hời hợt đánh giá là nhạc của ông đơn giản, và nhạc thuật của ông không có gì cả. Nhưng thật ra, sự đơn giản ấy có được vì đã qua một sự sắp xếp chọn lựa cẩn trọng, với những quyết định phát triển ý nhạc phù hợp với ý nghĩa của lời nhạc. Để trở thành một nhạc sĩ tên tuổi, nhạc thuật phải vững vàng, và hy vọng qua bài này người đọc sẽ đồng ý với người viết là TCS rất giỏi về mặt này.
Tài liệu tham khảo:
1. "Để sáng tác một bài nhạc phổ thông (Kỹ thuật hoà âm và luật sáng tác)" của Hoàng Thi Thơ / Nhà Sách Khai Trí.
2. "Writing Music for Hit Songs" by Jai Josefs - 2nd Edition / Schirmer Books.
3. "The Songwriter's Workshop Melody" by Jimmy Kachulis 1st Edition / Berklee Press.
4. "The Songs of John Lennon - The Beatles Years" by John Stevens / Berklee Press.
 Học Trò
Theo http://traixuviet.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thẻ nhớ vô tri

Thẻ nhớ vô tri Anh bạn thẻ nhớ từ ngày mua về đến giờ, cứ bị nhốt suốt trong máy ảnh, hôm nay mới được ra ngoài, tung tảy, tự mình nhìn ng...