Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Phạm Lam Anh nữ sĩ - Người mở đầu cho thơ ca Quảng Nam

Phạm Lam Anh nữ sĩ - Người mở đầu 
cho thơ ca Quảng Nam
Thật là một hạnh phúc bất ngờ cho con người xứ Quảng khi được biết bậc tiền bối mở đầu cho ‘’dằng dặc trầm hùng một mạch thơ ‘(1) trăm năm Đất Quảng không phải là một vị mày râu đại khoa nào đó mà là một bậc nữ lưu: Phạm Lam Anh nữ sĩ.
Bà sinh khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII tại huyện Diên Phước ,dinh Quảng Nam nay thuộc huyện Điện Bàn,tỉnh Quảng Nam nổi tiếng văn chương từ thuở nhỏ được giới văn lâm thơì bấy giờ xưng tụng sánh ngang với Hồ Xuân Hương nữ sĩ
“Nguyệt Đình, Huệ Phố tài danh nổi
Thơm ngát vườn thơ có Phạm, Hồ ‘’
(Đề tặng Diệu Liên thi tập) (2) 
hoặc “Trong giới nữ lưu từ trước tới giờ không có ai thơ hay bằng bà Phạm ‘’(Phạm Liệu ).
Cái kỳ lạ ở người nữ sĩ tài hoa khai sinh cho thơ ca đất Quảng là thơ bà chỉ mới tìm lại được có ba bài thơ chữ Hán (3) nhưng cả ba bài đều viết về ba người danh thần, hào kiệt mà cuộc đời đầy bi kịch: Khuất Nguyên ,Kinh Kha, Hàn Tín và một bài thơ chữ nôm: Vịnh cảnh gần sáng .
Bà từng tự hiệu Ngâm Si cùng chồng viết một tập thơ lấy tên Chiến cổ đường thi (ngôi nhà thơ chống lại cái xưa), Điều ấy chứng tỏ khí phách của bậc tiên hiền khai cơ trang thơ đất Quảng phải là một nữ lưu hào kiệt mà trăm năm về sau không dễ kiếm tìm. Cả ba bài đều được bà viết dưới thể Thất ngôn tứ tuyệt mỗi bài đều thể hiện nét khí khái riêng rất Quảng của Bà.Bài Khuất Nguyên bà mượn ý câu thơ ‘’Mọi người đều say riêng mình ta tỉnh’’của Khuất Nguyên trong Sở từ để hiển lộ mối đồng cảm với nỗi cô phẫn của bậc trung thần
‘’Cô phẫn khí thành thiên khả vấn
 Độc tinh (tỉnh )nhân khứ quốc cơ không’’
Quách Tấn dịch:
"Khí uất riêng thành trời khá hỏi
Người ngay một khuất nước còn chi’’).(4)
Bài Kinh Kha tuy bà vẫn không thoát khỏi quan niệm (nhân nguyện -thiên ý) của người xưa khi viết
“Kế xảo kỳ như thiên ý xảo
Đồ cùng phiên sử tráng tâm cùng’’
Tạm dịch: 
Mưu khéo sao bằng trời sắp khéo
Đường cùng chí lớn cũng tâm cùng 
nhưng tấm lòng hồn hậu khẳng khái mà vẫn rất bao dong của người xứ Quảng đã phản bác quan niệm của một số kẻ sĩ thời thất quốc cũng như thời bấy giờ cho rằng do Kinh Kha hành thích Tần hoàng khiến y nổi giận mà chinh phạt nước Yên cũng như gồm thâu thất quốc .Bà đã thấu hiểu ý đồ thống nhất lên ngôi hoàng đế của Tần vương Chính nên xem việc Kinh Kha sang Tần hành thích Tần Vương chỉ là một sự việc tất yếu phải xảy ra có tính quy luật không phải là nguyên nhân tai hoạ xoá sổ Thất hùng như một số sử gia quy buộc.
Bài Hàn Tín bà lại nêu một sự việc khác, bà đồng quan điểm với Tư Mã Thiên bậc sử gia hàng đầu của Trung Hoa khi chê cái kém mà lại ngầm khen cái trung của Hàn khi không chịu hoà với Sở mà chia ba thiên hạ để dẫn đến cái hoạ diệt vong
“Sàm ngư bất ngộ thu Tuy thuỷ
Cao điểu đồ bi tận Hán thiên ‘’
Lê Hoài Nam dịch: 
‘’Sau trận thắng ở Tuy thuỷ ,không sớm tỉnh ngộ còn tham ăn cá
Thương xót uổng hoài đã hết chim bay cao trên trời Hán ‘’
đồng thời biểu lộ nỗi cảm khái như bất cứ bậc mày râu nào trước quy luật
‘’Thỏ khôn chết thì chó giỏi bị làm thịt, chim bay cao hết thì cung tốt bị xếp xó, nước địch bị phá thì mưu thần hết đời ‘’ (Lời Hàn Tín khi bị Lữ Hậu bắt).
Ba bài tuyệt cú viết về người chiến bại của bà khí khái, sang sảng, hào hùng, thống thiết khác nào thơ của nữ sĩ Lý Thanh Chiếu đời Tống khi viết về người anh hùng thất cơ Hạng Vũ
“ Sinh vi tác nhân kiệt
Tử diệc vi quỷ hùng
Chí kim tư Hạng Vũ
Bất khẳng quá Giang Đông’’. 
Tạm dịch :
’’Sống làm người hào kiệt
Chết cũng ma anh hùng
Nay còn nhớ Hạng Vũ
Không chịu sang Giang Đông’’

Tài hoa như Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương hay các nữ sĩ cùng thời với bà như Mai Am nữ sĩ, Nguyệt Đình tức Quy Đức công chúa,Huệ Phố tức Thuận Lễ công chúa (cùng là em ruột nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) khi làm thơ chứ Hán cũng ít động bút bình phẩm đến đề tài này. Về thơ Nôm của bà, tiếc thay chỉ còn được đời lưu lại vỏn vẹn một bài thơ :Bài Vịnh cảnh gần sáng. Bút pháp nhuần nhuỵ, hồn nhiên mà vẫn không mất vẻ tao nhã đài các lại rất hóm hỉnh có duyên:
Vịnh cảnh gần sáng (5)
Một giải thương lang lộn mắt mèo
Xóm chài mới dậy đuốc leo heo
Lằn kêu thức chúa chầu sân phụng
Gà gáy khuyên chồng dõi dấu cheo
Ải sói Thường Quân vừa cất bước
Thuyền tên Gia cát vội phăng neo
Phương đông chửa lố vừng con ác
Cửa Khổng nho sinh nhóm tựa bèo
Sáng tác luật thi mà chọn vần eo thì đúng là hiểm vận thế nhưng bà viết như chơi. Câu thừa bà sử cụm từ ‘’đuốc leo heo‘’ tổng hợp cả hai từ leo pheo,heo hút là thấu lẽ vô cùng diễn được cái đơn côi, ít ỏi ,hoang vắng của một xóm chài lúc trời gần sáng. Nó không có cái náo nhiệt của khúc sông dân thương hồ buôn bán tấp nập. Hình ảnh nước sông trong như mắt mèo cộng hưởng với ngọn đèn chài heo hắt gợi ta liên tưởng đến hình ảnh “ giang phong, ngư hoả, cô phàm, bích không tận, trường giang thiên tế lưu ‘’ thường được các nhà thơ đời Đường sử dụng ,liên tường mà vẫn phân biệt rõ ràng chất quê kiểng,thô mộc rất Quảng của ngôn ngữ thơ với các hình ảnh mang tính ước lệ của thi pháp thơ Đường. Các cặp câu thực và luận bà trung thành với thi pháp thơ trung đại với hàng loạt các điển cố ‘’lằn kêu,gà gáy,Thường Quân,Gia Cát …’’ tuy khó hiểu với các bạn trẻ bây giờ nhưng quá quen thuộc đối với giới nho lâm đương thời.
Hai câu kết mà đặc biệt câu thơ cuối cùng bà hạ cụm từ ‘’nho sinh nhóm tựa bèo’’ là một sự bứt phá hồn nhiên khá hóm .Cái nhóm nho sinh vin vào cửa Khổng sân Trình ấy có khác chi cánh bèo. Trong số xúm xít lúc “Phương đông chưa lố vừng con ác ‘’ ấy có bao người công thành danh toại áo mũ vinh quy hay hầu hết mà có khi là tất cả chỉ là anh thí sinh lạc đệ, thân phận có khác chi ngọn đuốc leo heo, cánh bèo trôi giạt uổng công ‘’lằn kêu gà gáy,’’của người bạn tao khang.’’thức chúa, khuyên chồng’’. , Trượng phu, má hồng cảm khái sự đời nào khác chi nhau ?
Có thể tất cả những cảm nhận nầy có tính chất chỉ là sự suy diễn chủ quan của người viết nhưng một điều không ai có thể phủ nhận là trong thơ Phạm Lam Anh nữ sĩ, thơ chữ Hán cũng như chữ Nôm tuy chỉ còn lại mấy bài song lời thơ khí khái, ngôn ngữ môc mạc, chơn chất mà hóm thật sự có tính chất điển hình cho thơ ca đất Quảng được hình thành qua thực tế lịch sử, địa lý, cuộc sống đúng như lời của GS Nguyễn Văn Hạnh khi nhận định về Phạm Lam Anh nữ sĩ trong ‘’Suy nghĩ về thơ Đất Quảng’’:
‘’ Trong cuộc đời riêng, trong tình yêu và hôn nhân bà đã sống chân thật, tự do và khí phách thế nào thì trong thơ bà ta bắt gặp nhân cách bản lĩnh ấy sự cảm nhận, suy nghĩ, không theo thói thường, có tính chất phá cách ấy. Phải chăng đó cũng là một cái gì tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng.? (6)
(1)(6 ): Ng Văn Hạnh -Trăm Năm Thơ Đất Quảng NXB Hội Nhà Văn 2005
(2): Diệu Liên thi tập: thơ Mai Am hiệu Diệu Liên tức Lại Đức công chúa (1826-1904)
(3) Nam hành ký đắc tập của Phạm Ng Du (Thư viện Hán Nôm –Hà Nội )
(4)(5) theo Quách Tấn - Nét bút giai nhân NXB Hà Nội 1977.
Nguyễn Hàn Chung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Chuyện Ngày Chủ Nhật Chủ nhật ngày … tháng... năm... Hắn cặm cụi ngồi viết trong tiếng cằn nhằn của vợ: - Anh có thể cứ để nhân vậ...