Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Sông muôn đời vẫn thế - Thơ Trần Sang

Sông muôn đời vẫn thế - Thơ Trần Sang
 Bìa tập thơ Sông muôn đời vẫn thế của Trần Sang
Khói quê tràn mắt nhớ
Nhân đọc “Sông muôn đời vẫn thế” - thơ Trần Sang
    Một cây bút chẳng còn trẻ mấy nữa, khi Tết Ất Mùi - 2015 nầy anh vừa tròn cái tuổi “tam thập nhi lập”. Đó là Trần Sang, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Thất Sơn - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang. Sau nhiều năm sáng tác, trải nghiệm, chắt chiu câu chữ, Trần Sang đã gửi lòng mình với đời trong những ngày cuối năm 2014 bằng tập thơ đầu tay “Sông muôn đời vẫn thế” (NXB Hội Nhà văn - Hội Liên hiệp VHNT An Giang).
32 bài thơ gói gọn một tấc lòng với quê nhà! Những câu thơ không “bốc lửa”, không quá trẻ trong cách nói cũng không quá già trong nghiệm suy mà vừa đủ để “chín” trong suy nghiệm của chính mình qua những vấp ngã, qua những ngày tháng tha phương, qua những gương mặt cuộc đời đánh tráo nét thơ ngây làm nên một diện mạo khác. Có lúc đứa con quê đã thốt lên nhức nhối: “Có phải tôi là người cũ trên quê hương đã mới?”. Vì sao như vậy? Bởi: “Tôi không phải người của hôm qua/ nhưng xa lạ trên chính quê hương mình?/ có những thứ không thể nào tìm lại/ có dòng trắng đã đẩy tuổi thơ tôi trôi mãi…” (Dòng trắng). Kí ức trở đi trở lại trong nhiều cung bậc cảm xúc của nhà thơ. Đó là sự trở về của quê – phố, phố - quê, những hình thức đạo mạo ngày thường để tạo ra những mối quan hệ xã hội với những dằn vặt của cái tôi trỗi dậy trong tự do được chính là mình, được hồn hậu như quê hương đã rất từng hồn hậu!.
Mùi vị quê nhà đã thấm tận trong từng chân tơ kẽ tóc của mỗi con người, làm sao quên, làm sao rũ bỏ được chứ. Một nỗi nhớ không tên nhưng day dứt suốt trong lòng mỗi khi ta có dịp rỗng rang:
“mười năm con vẫn không phải là người của phố
nhớ khói bếp nhà mình quá
mẹ ơi!
mười năm sao con không rứt ra được phố?
con cũng không biết mình đang chờ đợi một điều gì
và mắc nợ một nơi để đi về
mênh mông thương nhớ…”
         (Mùi khói)
Tôi thử đọc tập thơ xuôi theo mục lục và cắc cớ đọc ngược lại thì sao. Vẫn những nỗi niềm, ai li quê, ai vấp ngã đọc mà không thương, không cảm, không nhớ khói bếp nhà chứ? Cảm ơn Trần Sang đã cho tôi chút thời gian ngẫm ngợi quê hương giữa dòng đời tất bật: “quê hương - một chút chung riêng/ nhưng là tất cả thiêng liêng đời người…” (Con về).
Rồi nhà thơ đã tự vấn mình: “tôi đi/ mười năm mải miết/ vói mãi những tham vọng xa vời/ chồn chân trước những cạm bẫy/ không còn kịp quay đầu/ không còn nơi về lại” [… ] “để thành thật nói một điều chưa đủ/ xin lỗi…/ Đào Hữu Cảnh của tôi!” (Đào Hữu Cảnh của tôi).
Chính vậy mà tác giả rất quan tâm đến thời gian, tâm trạng với tất cả những gì tồn tại và không tồn tại, hữu hạn và vô hạn, mùa thu thời gian và mùa thu đời người để thêm yêu quý hơn cuộc sống này đã và đang diễn ra hằng hữu: “Khi mùa thu sắp sang/ lẻ loi ai một mình/ ai vô tình qua đó?/ nhặt dùm chút lặng thinh…” (Khi mùa thu sắp sang).
Và bất chợt: “cầm tuổi mình trên tay/ cầm mùa trên tay/ đi qua miền thơ dại” chỉ để “tìm mãi một cái tên” (Tìm một cái tên), nghe sao cô đơn quá đỗi. Chàng trai trẻ kia đang lần tìm những cái tên qua những kí tự thân quen, để gọi, để tìm, để trì níu một tình thân ái, mà sao mãi thấy không ra một ai cả. Sự hồ nghi ư?! Không đâu. Anh ta đã bật khóc:“Giữa bộn bề cuộc sống/ tôi về bên bến sông/ tự dưng mà muốn khóc/ nước mắt chảy vào trong” (Sông muôn đời vẫn thế).
Ngay phút giây này đây, những con gió lạnh se sắt kéo mùa đông đang về đích để cho nàng xuân sắp sửa choàng vai nhau đi đến những nụ cười, thì tôi thấy, tôi nghe âm giai của nhịp thơ Trần Sang đang gõ cửa thời gian một cách chậm chạp trong nghiệm suy trăn trở, trách mình. Có lẽ lúc này đây anh đang thiền với chính mình để ngộ ra giọt thời gian tan chảy trong nụ cười miên viễn mai sau: “Cuối năm/ tôi ngồi với tôi/ ngu ngơ luồn tay vào áo/ tìm lại hơi ấm con người/ một năm vội vã/ giật mình/ hối hả những đâu đâu…” (Cuối năm).
Thơ anh không chỉ thế, anh vẫn luôn trăn trở với thế sự, đau cùng nông dân, thương quay quắt cây lúa, yêu tiếng quẫy của cá bên sông, nhớ thời áo trắng, nhớ một ai đó bâng khuâng, nhớ cõi nào đó trong tiềm thức mà về, mà neo đậu trong cõi lòng thi sĩ.
Thơ anh, tựu lại cũng một chữ tình đằm thắm, da diết, sâu lắng cứ đan cài trong lòng người con vùng quê Tân Châu, xứ thất sơn hùng vĩ ấy! Tôi đặc biệt thích bài thơ “Hục hặc dòng trôi”. Nó ôm hết cái tình – tâm – thế của nhà thơ!
Đoạn 2:
“tôi đi qua những con sông dài thăm thẳm
những miền nước đứng yên
những miền đời lênh đênh
xốc lên một mớ rác rưởi
xốc lên tình người lấp vùi
chảy miết”
Và đoạn 5 (kết bài thơ):
“dòng nước ngày nào nuôi lớn tuổi thơ tôi
đã trôi vào cổ tích
tôi cúi đầu trước dòng sông
của một người mang đầy vết tích
ầng ậng nước mà không biết chảy về đâu?
nước ơi!
sông ơi!
hục hặc dòng trôi”
Cảm thức sông nước luôn lênh loang trong câu thơ của Trần Sang, những con nước mang hơi thở của hồn quê nồng đượm ấy sẽ đưa lòng mình ra biển lớn, ngày nào đó, ai biết! Vì tác giả luôn ý thức sâu sắc trong việc sáng tác. Nhà thơ đã tuyên ngôn nghệ thuật cho chính mình: “không thể đóng cửa phòng mò mẫm những câu thơ/ tôi nhận ra điều đơn giản nhất/ thơ không ở trong sách vở/ thơ không ở trong thơ của người khác/ thơ không ở trong sự tưởng tượng của tôi!” (Mở cửa).
Khép lại tập thơ mong mỏng, tôi vẫn nghe ngân vang những giai điệu từ ba bài thơ của Trần Sang được phổ nhạc: Cuối năm, Khi mùa thu sắp sang, Sông muôn đời vẫn thế. Và đâu đó giữa dòng đời xuôi ngược, nhà thơ cầm tuổi con trâu nầy vẫn đang lặng lẽ cày xới câu chữ trên cánh đồng văn chương, anh đang tìm cho câu trả lời thất mùa – rớt giá!.
Trần Huy Minh Phương
Theo http://nhavantphcm.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cô gái vùng cao giấu tình ý trong vị đắng nao nao “Cô gái Ê Đê mắt nâu gây nhớ thương đậm sâu/ Anh về Ban Mê mùa cà phê chín đỏ/ Cô gái ...