Cuộc sống quanh ta bộn bề những lo toan, suy nghĩ. Đè nặng
trong trái tim ta những cảm xúc không thể nói thành lời. Ta gởi nỗi lòng trên
trang Nhật Kí, vào những dòng văn và nhất là những dòng thơ. Tiếng thơ ngân
vang lên làm cho tâm hồn ta bỗng trở nên thanh thản, lạ kì. Thơ là gì? Ai có thể
định nghĩa vẹn tròn, hoàn chỉnh? Thơ bắt nguồn từ đâu? Thơ có mãnh lực gì
khiến cung đàn cảm xúc của triệu triệu con người trên Trái Đất này không ngừng
lay động, thổn thức, xuyến xao?. Phải chăng " thơ, trước hết là cuộc đời,
sau đó mới là nghệ thuật" (Biêlinxki)
"Trâm song phụng mẹ cài trên mái tóc,
Theo cha về, lạy hai họ làm dâu."
( Ca dao)
À ơi! Tiếng mẹ ru nhè nhẹ đưa con vào giấc ngủ nồng say. Tiếng
thơ dân tộc đã thấm vào hồn con, đi thẳng, đi sâu vào trái tim con linh hồn Tổ
quốc, quê hương với những tình cảm cao đẹp, thiêng liêng, rất vô ảnh, vô hình.
Mẹ ơi! Mẹ ru con tiếp giấc ngủ mẹ nhé! Thơ cũng xây lên trong ta mộng đẹp thơ
nhé!
"Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé,
Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công
Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,
Thơ đã sinh ra và tình yêu cũng đến cùng."
Thơ có tự khi nào? mà sao khi ta lớn lên đã được nghe mẹ,
nghe chị, nghe thầy cô... đọc những vần thơ An-đec-xen, Targo... Sức mạnh nào
đã khiến thơ khơi lên trong ta từng đợt sóng xúc cảm? Đến với thơ, có lúc ta lạc
quan, yêu đời, có lúc trái tim ta u hoài mà chẳng hiểu vì sao? Vì sao mỗi lần
buồn, đọc thơ, thơ giúp ta quên đi thực tại ưu phiền. Ta đi vào thế giới của
trí tưởng tượng. Ta nghe trái tim băng giá đang ấm dần lên. Ta thấy cả một
hành tinh xanh xanh những đại dương và điệp trùng những cánh rừng tươi thắm.
Thơ đã hòa lên thành khúc nhạc. Bức tranh thiên nhiên trở nên nên thơ, diệu kì.
Thơ là "lơ tơ mơ", "thơ là sự tuôn trào bộc phát những tình cảm
mãnh liệt", " thơ là một cái gì mà người ta không định nghĩa được",
nhiều ý kiến quá, mông lung, xa vời vợi quá, phải không? Thôi! Ta chỉ nên hiểu
một khái niệm giản dị, gần gũi của Biêlinxki: "Thơ, trước hết là cuộc đời".
Từ "thơ" được tách ra bằng dấu phẩy và sau đó từ "trước hết"
như một đòn bẩy có tính chất khẳng định: thơ bắt nguồn từ cuộc sống, cuộc sống
đi vào trong thơ thông qua những từ ngữ, hình ảnh, những bút pháp nghệ thuật mà
tác giả vận dụng để miêu tả và phản ánh. Dĩ nhiên cuộc sống được nói đến trong
thơ đã được nhân cách hóa.
Chế Lan Viên từng nói:
"Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép,
Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia."
("Tiếng hát con tàu")
Trên kia là cuộc đời muôn màu muôn vẻ. Anh là một người nghệ
sĩ.Thơ anh cũng như văn chương và các loại hình khác phải bén rễ vào cuộc đời.
Nếu không nó sẽ là một cái cây èo uột, thiếu sức sống, không mang những cành
săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. Cuộc đời
biết bao niềm vui, nỗi buồn, khơi lên nguồn cảm hứng mênh mông, bất tận, từ
trái tim qua ngòi bút lên trang giấy. Thơ anh tràn trề nhựa sống. Thơ anh làm
rung cảm "triệu trái tim trong hàng triệu năm dài" (Lưu Quang Vũ).
Đúng là "thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy" (Tố Hữu)!
Có thể nói cuộc đời là mạch sữa ngọt ngào tuôn chảy không ngừng từ thế hệ
này sang thế hệ khác nuôi dưỡng thi ca. Chế Lan Viên, "một triết gia thi
sĩ", có lúc chán nản, bế tắc, tâm trạng rơi vào tận cùng hố sâu tuyệt vọng:
" Hãy cho tôi một tinh cầu lạnh giá,
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa,
Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh,
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo."
Vậy mà khi cuộc sống tươi sáng và ấm áp hơn nhờ hơi ấm Cách Mạng
thì tâm hồn thi sĩ băng giá bỗng hóa thành mùa xuân. Người sà vào lòng nhân dân
như sà vào lòng Mẹ hiền. Và tiếng thơ ngân lên từ cuộc đời đến với người trong
những giây phút tuyệt diệu:
" Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ,
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa."
("Tiếng hát con tàu")
Cuộc sống mênh mông, diệu kì, đầy những trăn trở, suy tư lại
là nơi cung cấp chất liệu thơ cho thi sĩ. Con người gởi gắm trọn vẹn tâm tư, nỗi
lòng của mình vào thơ. Con người tìm đến thơ như một thú giải trí, như một
niềm an ủi, như một hành trình tự khám phá chính mình. Sau những giây phút lắng
đọng tuyệt vời do thơ mang lại con người sẽ bắt gặp chính tâm tư của mình, sẽ gặp
" tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí" giữa người với người. Vô
hình văn chương thơ ca đã trở thành nhịp cầu đưa con tim đến với con tim cùng
chia sớt niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, hi vọng.
Cuộc đời là cánh rừng bát ngát, bao la. Anh là thi sĩ, là con
ong cần mẫn giữa khu rừng đang tìm, hút mật ngọt trăm hoa dâng đời. Anh phải chắt
lọc những chất liệu mà đời cung cấp và tạo nên những vần thơ bất hủ, qua bao thời
gian, qua bao thế hệ trái tim con người vẫn không ngừng xuyến xao:
"Nhà thơ biến con ong trăm hoa thành một mật,
Một mật ngọt thành đời vạn chuyến ong bay."
(Chế Lan Viên)
Ong phải vạn chuyến bay mới hút được phần tinh túy nhất của
hoa. Nhà thơ phải bằng mồ hôi, nước mắt, bằng tài năng, xúc cảm mới tạo nên những
dòng thơ có giá trị cống hiến cho đời. Trên trang giấy trắng anh đừng đem cuộc
đời đi phôt một cách cứng nhắc, khuôn mẫu. Vô ích lắm! Thơ anh phải dâng trào cảm
xúc, nghệ thuật sáng tạo, ngôn từ cô đọng thì người đọc mới tìm đến thơ anh. Nếu
không có Nguyễn Du với tài năng lỗi lạc, không 10 năm lưu lạc, chứng kiến bao nỗi
đời thì sẽ không có "Truyện Kiều", không có "lời lời châu ngọc,
hàng hàng gấm thêu" thấm đẫm chất nhân văn sâu sa. Đến với quê hương Kinh
Bắc yên ả, bình dị, con người chăm chỉ, hiền hòa, đến với cái rạo rực, thiết
tha của Hoàng Cầm, ta sẽ có được những phút giây sống trong " Bên kia sông
Đuống":
"Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì...
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Thi sĩ! Anh hãy để cảm xúc từng đợt sóng trào trào trên đầu
ngòi bút. Nhưng anh đừng quên nều chỉ có cuộc đời thì thơ không đủ sức thành
thơ. Thơ còn là nghệ thuật. Người nghệ sĩ như người thợ lặn, lặn vào tận cùng
đáy đại dương, không phải để nhặt nhạnh những san hô tầm thường mà để tìm những
"khối tình con" được tạo nên từ máu huyết cuộc đời của người nghệ sĩ.
Anh không thể tìm đến thơ với cái tôi nhỏ bé, với tài năng kém cỏi. Anh phải
làm sao biến "hạt bụi" giữa cuộc đời mênh mông, vô tận thành
"bông hồng vàng" quí giá, dâng lên đời những cảm xúc rất thơ, rất thực,
để người đọc hiểu thơ, yêu thơ, yêu cuộc đời này và yêu chính mình hơn! Đó là
nhiệm vụ của người nghệ sĩ. Anh có quá phiến diện không khi chỉ nhìn:
"Thơ, trước hết là cuộc đời" mà bỏ qua "sau đó mới là nghệ thuật".
Biêlinxki không phủ nhận vai trò quan trọng của nghệ thuật trong thơ ca. Thơ ca
như cánh diều bay trong gió nghệ thuật. Gió tung cánh diều bay cao, bay xa. Thơ
ca như viên ngọc quí. Nghệ thuật như chất liệu, như hào quang giũa viên ngọc
thô sơ thành đá quí lấp lánh, sáng ngời trong ánh mắt bao người:
"Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng."
"Ngôn ngữ gấm hoa", giàu sức biểu cảm đọng lại
trong tim người Việt Nam, trong tim bao người trên thế giới qua bao thế hệ một
cảm xúc rất đỗi lạ kì. Mùa thu long lanh, mĩ lệ là buổi chia tay giữa Kiều -
Kim, mở đầu cho cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của cánh hoa tài sắc, bạc mệnh.
Buổi chia tay thật thơ, thật đẹp! Liệu ngàn năm sau có thi sĩ nào như thi hào
Nguyễn Du phác họa khung cảnh tuyệt vời này?
Anh muốn tạo những vần thơ có sức lay động lòng người. Thơ
anh muốn vượt qua mọi định luật băng hoại của thời gian và không thừa nhận cái
chết anh phải làm tròn thiên chức người nghệ sĩ. Nghĩa là anh phải sống,
"sống say sưa, sống nhiệt tình, song phải biết tỉnh táo" ("Mãi
mãi tuổi 20") với cuộc đời và phải đem hết tâm huyết, sức lực để tìm tòi,
khám phá. Như một nhà thơ nước ngoài từng nói:
"Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ,
Mới thu về một chữ mà thôi.
Những chữ ấy làm cho rung động,
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài."
Anh phải trả một cái giá "cắt cổ" để thu về những
chữ có sức sống bất tử trong trái tim bao người. Lao động nghệ thuật thật cực
nhọc và vất vả. Nó đòi hỏi nhà thơ phải đem hết trái tim và khối óc phục vụ người
đọc. Nó buộc thi sĩ phải rung động, phải khám phá, sáng tạo thì mới trở thành
thơ ca chân chính.
Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong làng Thơ Mới - với cặp mắt
xanh non, yêu đời ông cuồng nhiệt viết nên những dòng thơ thu:
"Đây mùa thu tới! Mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng!"
Thu Xuân Diệu có khác với thu của các nhà thơ khác như:
"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."
("Thu điếu" - Nguyễn Khuyến)
"Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt khí thu lòa"
("Thu hứng"-Đỗ Phủ)
Thu của Xuân Diệu không có "ao thu lạnh lẽo",
"chiếc thuyền câu" hay "rừng phong" với "hạt móc
sa", chỉ có cảm nhận tinh tế của thi sĩ trước đất trời biến chuyển. Thi sĩ
reo lên như một niềm ngạc nhiên, bỡ ngỡ: "Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!
". Chiếc lá vàng của đời thường đi vào thơ đã trờ thành chiếc lá thơ, lá
mơ, lá của Xuân Diệu. Chiếc lá cũng theo gió rơi vào trái tim của những người
yêu thơ. Chiếc lá mơ rất mơ, rất Xuân Diệu!
"Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng,
Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi!"
(Chế Lan Viên)
Anh đến với thơ nghĩa là anh đến với cuộc đời qua "lăng
kính nghệ thuật" của nhà thơ. Thơ khơi trong anh vô vàn cung bậc tình cảm:
yêu thương, buồn vui, căm thù, xót xa, phẫn nộ... Mỗi một ngôn ngữ thơ là một nốt
nhạc diệu kì có khả năng xúc động hồn người. Cả một bài thơ là một bản hòa tấu
tuyệt diệu với những âm thanh muôn màu muôn sắc. Thơ là đời! Thơ là hoa nảy nở
từ mảnh đất dào dạt nhựa sống. Thơ không phải là một thứ tôn giáo cao siêu, huyền
bí làm cho con người khó hiểu hay tìm đến nó như một nơi lẩn tránh! Thơ cũng không
phải là một thứ ghi chép vặt vãnh, tủn mủn về đời, về người. Thi sĩ ơi! Anh hãy
mở rộng cánh cửa lòng, hãy đón nhận tất cả những âm thanh cuộc sống cuộn xoay.
Ah hãy dừng lại trong chốc lát nghe tiếng thơ sinh sôi, nảy nở dâng lên đời những
đóa hoa đẹp nhất! Hãy ngửi lấy hương do chính anh đã đổi nhiệt huyết và tình
yêu cháy bỏng để tạo nên! Thơ trở lại với đời, chảy trong dòng xúc cảm của con
tim người thưởng thức. Bạn đừng biến thơ thành một thứ giết thời gian hoặc mê
hoặc con người! Bởi bản chất của thơ không phải là thế
"Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực,
Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình."
( Raxun Gamzatop)
Thơ mang tính giải trí song cũng mở ra trước mắt ta chân trời
CHÂN - THIỆN - MĨ. Thơ khơi dậy nơi ta rung động sâu sắc, làm phong phú thế giới
tam hồn con người, hướng con người biết vươn tới mơ ước cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như nhà thơ Thanh Hải đến phút cuối cùng cuộc đời, trên giường bệnh ông vẫn
luôn khao khát:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
(" Mùa xuân nho nhỏ")
Sức sống của nhà thơ thật mãnh liệt, thật dạt dào! Sức sống
chính là sức mạnh để nhà thơ hăng say cống hiến cho đời những giọt xuân trong
trẻo. Sức sống lắng đọng lại trong tim ta một câu hỏi: ta thật sự sống có ích
cho đời chưa? Ta có làm " một nốt trầm " lặng lẽ giữa muôn vàn âm
thanh sôi động này? Thơ ca đã thanh lọc tâm hồn con người, chắp cánh cho ước mơ
bay cao, bay xa.
Sau những phút giây mệt mỏi ta dừng chân nghỉ ngơi, đến với thơ ta có những suy ngẫm về đời, về những điều tốt đẹp. Ta đồng cảm với thi nhân. Trái tim khô cằn, chai đá bỗng từng đợt sóng trào bất diệt, vĩnh cửu! Bạn có từng đọc qua cổ tích " Nàng tiên cá "? Bạn biết gì về An-đec-xen? Người đã làm tròn thiên chức "nghệ sĩ ". " Thơ của ông đã làm no nê trái tim người dân chắng khác gì triệu triệu những hạt bụi nước li ti làm bão hòa không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta nói vì thế mà không ở đâu có những cầu vòng rộng lớn và rạo rực như ở nơi này" (Pauxtopxki). Thơ ca thật diệu kì! Một khi thi sĩ_nghệ sĩ cầm bút không được phép phân biệt giữa mình và người, mà phải "viết hết mình cho người". Có thế thơ anh mới bất tử trong dòng thời gian cuộn xoáy!
Sau những phút giây mệt mỏi ta dừng chân nghỉ ngơi, đến với thơ ta có những suy ngẫm về đời, về những điều tốt đẹp. Ta đồng cảm với thi nhân. Trái tim khô cằn, chai đá bỗng từng đợt sóng trào bất diệt, vĩnh cửu! Bạn có từng đọc qua cổ tích " Nàng tiên cá "? Bạn biết gì về An-đec-xen? Người đã làm tròn thiên chức "nghệ sĩ ". " Thơ của ông đã làm no nê trái tim người dân chắng khác gì triệu triệu những hạt bụi nước li ti làm bão hòa không khí trên đất đai Đan Mạch. Người ta nói vì thế mà không ở đâu có những cầu vòng rộng lớn và rạo rực như ở nơi này" (Pauxtopxki). Thơ ca thật diệu kì! Một khi thi sĩ_nghệ sĩ cầm bút không được phép phân biệt giữa mình và người, mà phải "viết hết mình cho người". Có thế thơ anh mới bất tử trong dòng thời gian cuộn xoáy!
Thơ không chỉ khơi lên trng ta những yêu thương, những cảm
xúc dịu dàng, êm ái mà còn dạy ta biết xót xa, quặn đau trước cảnh "đoạn
trường", biết căm phẫn trước cái ác, cái xấu. Thơ làm thức tỉnh lương tri
bao người. Thơ "là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để
vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người
được thâm trong sạch và phong phú hơn "(Thạch Lam). Hồ Chí Minh từng gởi
niềm tin, quan niệm của mình vào thơ mà "xiềng xích" không thể khóa
được con người vĩ đại này:
"Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong."
("Cảm tưởng đọc thiên gia thi")
Ngược dòng thời gian ta nghe sang sảng đâu đây tiếng "
Nam Quốc Sơn Hà " của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc:
"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư."
Giá trị bài thơ mới cao cả đến nhường nào!
Và hôm nay, có những con người, những nhà thơ, nghệ sĩ thẳng
tiến trên con đường nghệ thuật, không ngừng đem mồ hôi, tân huyết để khám phá,
sáng tạo, đem lại hương vị, ý vị mới cho thi ca như Tố Hữu lúc
"Tạm biệt đời ta yêu quí nhất
Còn mấy dòng thơ, một nấm tro
Thơ gởi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho, chết cũng là cho."
("Tạm biệt")
Họ là những người đặt chân lên hành trình đến với mảnh đất nở
hoa dâng tạng cho người muốn hái. Phải chăng họ cũng quan niệm: "Thơ, trước
hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật"?
Ý kiến của Biêlinxki thật đáng cho ta nghiền ngẫm. Thơ đâu phải
là một cái gì cao xa vời vợi, ngoài tầm bắt. Thơ soi bóng cuộc đời, nồng ấm hơi
thở cuộc đời, và mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ đi vào
tâm hồn con người với mạch cảm xúc tuôn chảy dạt dào không thôi. Thơ chỉ nở hoa
thơm ngát tô điểm cho đời, cho người khi và chỉ khi người thi sĩ_nghệ sĩ phải
yêu đời và trân trọng nghệ thuật.
Đúng vậy! "Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ
thuật"!(Biêlinxki)
nuhongbuongbinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét