Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Tình ca mùa thu

Tình ca mùa thu
Mùa Thu là một trong bốn mùa trên trái đất, nó là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa hạ sang mùa đông. Thu là mùa trong đó phần lớn các loại cây rụng mất lá của chúng. Thu cũng là mùa mà thời gian ban ngày ngắn dần lại và thời tiết thay đổi, cảm thấy lạnh hơn giữa cơn gió nhẹ và khi Thu về thì tại các vùng ôn đới lượng mưa cũng tăng dần lên trong một số khu vực.
Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học thì lá đổi màu vào mùa thu bởi vì:
- Ánh nắng mặt trời làm lá khô héo
- Lá sản xuất ít đi chất chlorophyll có tác dụng giữ lá xanh.
- Cây hút chất xanh để có đủ sức sống cho mùa đông.
(Những nhà sinh vật học giải thích (theo Internet / Wikipedia) như sau: Vào mùa thu, các loài cây sản xuất chlorophyll ít hơn, chất này mang lại màu xanh cho lá. Không có chlorophyll, một số lá mang màu của những chất còn lại, những chất này khác nhau ở các cây khác nhau, vì vậy tạo nên màu sắc đa dạng trong mùa thu).
Mùa Thu buồn, lãng mạn vì thế nên có rất nhiều nhà thơ, nhà văn lấy mùa thu làm chủ đề. Riêng trong kho tàng văn hóa Việt Nam thì mùa thu được nhiều tác giả mượn làm khung cảnh cho những sáng tạo và sáng tác của họ. Cũng chiều hướng đó, nhiều nhạc sĩ Việt đã mượn hình ảnh của mùa Thu để sáng tác thành những bản tình ca rất trữ tình và lãng mạn.
Như chúng ta biết, Thu là giai đoạn chuyển tiếp từ mùa Hạ sang Đông. Mùa Hạ (hay hè) thường có tiếng ve reo, cũng là mùa bãi trường và sau đó lại phải đi nhường chỗ cho mùa Thu trở lại. Hình ảnh này đã được nhạc sĩ (ns) Phan văn Hưng phát hoạ như sau:
Con ve sầu ve ve hè nào
Con ve sầu bao nhiêu nhiệm màu
Sớm Thu về tức tưởi xanh xao
Con ve chợt lột xác trên cao
(Con Ve Sầu của NS Phan văn Hưng & Nam Dao)
Có thi sĩ mong Thu sớm trở lại để từ đó nguồn cảm hứng dâng cao và họ mới có thể sáng tác phong phú được, ns Đoàn Chuẩn và Từ Linh có lẽ mang nỗi buồn hay vấn vương tiếc nuối gì đó nên đã gởi gấm tâm trạng của họ qua nhạc phẩm “Thu Quyến Rũ”:
Anh mong chờ mùa Thu
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa Thu quyến rũ Anh rồi.…
Thu nay vì đâu tiếc nhiều
Thu nay vì đâu nhớ nhiều
Đêm đêm nhìn cây trút lá
Lòng thấy rộn ràng
Ngỡ bóng ai về.
(Đoàn Chuẩn và Từ Linh)
Thời gian qua đi không ngừng nghĩ nhưng đôi khi vì đa đoan công chuyện nên hầu như quên khấy đi không gian và thời gian. Đang đi ngoài đường, bỗng dưng nghe sột soạt vì chân mình vừa đạp lên những chiếc lá vàng rơi rụng hay chợt nhìn thấy chiếc lá úa lìa cành rơi xuống sân vườn thì lúc đó mới giật mình biết rằng Thu đà trở lại, và kỷ niệm bỗng chợt về nhưng chẳng biết người yêu giờ ở đâu mặc dầu anh chàng mõi mòn chờ đợi mà người tình vẫn biền biệt chưa đến, để rồi than thở:
Em có còn trở lại
Trời bây giờ vào thu
mây sầu dâng kín lối
Nghe em xa mịt mù
Em có còn trở lại
Khóc trong vòng tay anh
Như một trời u ám
Thương tình mình mong manh
(Em Có Còn Trở Lại của cố NS Trầm Tử Thiêng)

Mỗi năm, vào khoảng hạ tuần tháng mười trở đi thì thời tiết bắt đầu trở lạnh, lá cây tàn úa, rơi rụng trong vườn, ngoài ngõ phũ ngập lối đi. Buổi sáng sương mù, bầu trời âm u và ãm đạm. Đến xế trưa thì có nắng vàng hanh và cơn gió heo mai đã làm cho những chiếc lá vàng từ cành rơi nhẹ làm cho cảnh Thu thêm thơ mộng, làm xao xuyến tâm hồn người nghệ sĩ. Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và Thụy Anh đã mượn hình ảnh lãng mạn đó để nhắn nhũ, tỏ tình với người yêu, một nhạc phẩm được nhiều người ưa thích:
Em có nghe ... mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe ... nai vàng hát khúc yêu đương
Và ...
Em có nghe khi mùa thu tới ... Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói ... Mình yêu nhau nhé
Em có hay ... mùa thu mưa bay gió nhẹ
Em có hay ... thu về hết dấu cô liêu
Và ...
Em có hay khi mùa thu tới ... Bao trái tim vương mùa xanh mới
Em có hay, hay mùa thu tới ... Hồn anh ngất ngây
(Mùa Thu Cho Em)
Và khi người yêu đã đi xa, mang theo niềm thương và chôn vùi mối tình đẹp một chiều thu thì còn lại chỉ là nỗi nhớ không nguôi! Hãy nghe NS Lê Mộng Nguyên thay “chúng ta bộc lộ tâm trạng” này:
Người ra đi chìm trong sương gió
Dứt tình trong một chiều thu
Lòng mơ ước vinh quang ngày mai núi sông lừng vang khúc ca khải hoàn
Bao chiều thu qua
Chiếc lá thu nhắc bóng dáng người mơ màng nay còn đâu
Bao nhung nhớ trong tâm hồn thoáng hương xưa
(Chiều Vàng Năm Xưa)
Con người sinh ra để hoà đồng với xã hội. Đến lứa tuổi nào đó thì lại biết yêu, biết nhớ nhưng đôi khi không có được hạnh phúc tro?n ve?n trong cuộc sống hay trên đường tình. Vì thế con người nhiều khi cảm thấy rằng hình như mình thiếu vắng một cái gì đó, để rồi băn khoăn, rồi mơ mộng lãng mạn, nhớ nhung, nhất là khi ngoại cảnh buồn ảnh hưởng phần nào đến những tâm hồn đang cô đơn:
Mùa Thu không em anh buồn một mình
Cỏ hoa xanh xao chết từ ngày nào
Mùa Thu không em rừng Thu mông mênh
Lá vàng rụng sầu em có hay đâu ?
Mùa Thu không em anh về một mình
Đường mưa bay nhanh lối mòn gập gềnh
Mùa Thu không em hồn Thu ru êm
Tiếng buồn gọi về chua xót tình mê.
(Mùa Thu Không Em - Phạm mạnh Cương)
Vâng, Thu đã về cùng với làn gió nhẹ, khẽ lay rụng những chiếc lá trên mặt đất, bụi cây ngọn cỏ:
Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn, hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của ns Đoàn Chuẩn và Từ Linh)
Cảnh vật thay đổi làm cho lòng người cũng cảm thấy bâng khuâng. Lá rơi rụng ngập lối đi như nhắc nhỡ chúng ta về sự phù du của cuộc đời, giống như chiếc lá: xuân về xanh tươi, đến thu thì úa vàng và cuối cùng rơi rụng, lìa cành. Mùa Thu đến như gợi nhớ trong ta biết bao kỷ niệm mà ta một thời đã trải qua, theo từng giai đoạn và từng khúc quanh của giòng đời:
Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!
Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi
Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!
Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau
(Mùa Thu Lá Bay - Nhạc Ngoại Quốc - Lời Việt Nam Lộc)
Thu tạo nên cảm hứng và không có cảnh nào đẹp, tình tứ hơn là cảnh cùng người yêu tay trong tay dạo bước chiều Thu:
Trời mùa thu lắm mây
còn bước em đi quên về
vòng tay ôm lẻ loi
cho mình còn mãi thương nhau
Chậm lặng người đi qua trên đường phố rét mướt
dấu chân chưa tìm về chút kỷ niệm ngày đầu
để từng mùa thu đến
ra đi không mang tin nỡ quên thôi đành sao
(Mùa Thu Trong Mưa của NS Trường Sa)
Cơn nắng chiều tàn chợt rực lên, nhuộm một màu vàng lên vạn vật, rồi lịm tắt. Mùa Thu cũng thế, đẹp tuyệt vời nhưng buồn và mau tàn úa. Nhạc sĩ Lam Phương rung cảm trong cảnh Thu ãm đạm và gió heo may làm rơi rụng những chiếc lá vàng khô. Kỷ niệm Thu năm nào trở về trong ký ức khách tha hương, nhất là đối với những người Việt tị nạn bỏ xứ ra đi sau ngày 30.04.1975. Ra đi đôi khi chẳng kịp từ giả người thân, không một lời tạm biệt với người tình và có lẽ ai trong số người bỏ nước ra đi tìm tự do hầu như đều mang theo trong tâm khảm ít nhiều những hoài niệm khó quên:
Buồn không em (?)
Mùa thu tan tác lá bay gọi nhau bên thềm
Buồn không em (?)
Những chiều cô đơn xâm chiếm hồn em
Vài tia nắng xuyên qua rèm
Hồng đôi má em cho lòng buồn thêm
Những đêm xa nhà, đời lữ thứ buồn không em?
(Buồn Không Em của Lam Phương)
Gió Thu lành lạnh. Con đường còn ẩm ướt sương đêm. Trong đêm đen, kỷ niệm chợt quay về như như níu kéo, như yêu thương và cảm giác cô đơn lan toả để rồi chợt thấy lòng mình bỗng se lại, tê tái giữa cơn mưa, giống như tâm trạng của ns Lê Minh Bằng qua “Mất Nhau Mùa Thu”:
Đêm thu còn đây ... mưa vẫn giăng mắc mưa đầy
Người đã xa người, tình đã phai rồi
không còn đường mưa chung lối
Em đi về đâu? Cho gió mưa rớt u sầu
Đèn phố không màu,
Mùa thu với cái nắng vàng ươm, với gió bay nhè nhẹ làm rung động người nghệ sĩ nên có nhiều nhạc sĩ sáng tác những bản tình ca độc đáo khi Thu về, như Nguyễn Hiền với “Mái Tóc Dạ Hương”:
Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút ân tình vương tóc quen
Hay nhạc sĩ Từ Công Phụng với “Mùa Thu Mây Ngàn”:
Chiều nay có mùa thu đi về
Buồn vương mây ngàn giăng khắp lối
Mùa thu bơ vơ đến bên trời
Ru tóc em suối nguồn
Gọi hồn hong gió thu buồn
Mùa Thu mộng mơ cũng là khung cảnh của những cuộc tình đắm say nhưng không sao tránh khỏi những lần chia tay đầy nước mắt được thể hiện qua nhạc phẩm rất nổi tiếng “Ngàn Thu Aó Tím” của nhạc sĩ Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc :
Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm còn lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” và vì con người vốn nhạy cảm, dễ lưu luyến cái buồn trong thiên nhiên nên có lẽ chúng ta cũng chẳng lạ gì khi sự rạo rực của con tim dễ giao cảm với cảnh Thu buồn, phản ảnh qua lời nhạc của Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ với tuyệt tác “Giọt Mưa Thu”:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Nhạc sĩ Cung Tiến thì não nùng, ai oán hơn với “Hoài Cảm”:
Chiều buồn len lén tâm-tư
Mơ hồ nghe lá thu mưa
Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa
Ngay cả khi qua xứ người, nhìn Thu người nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã bắt gặp hồn thu giữa xứ lạ ngập đầy lá vàng và không thể dằn nỗi cảm hứng nên dòng nhạc Thu lai láng sáng tạo thành ca khúc “Mùa Thu Đông Kinh”:
Mùa thu Đông Kinh
Buồn như tình em trong cơn gió
Đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai
Lá thu vàng trên bờ vai
Như bao nhiêu thu tình
Mang theo bao nỗi lòng
Tiếng gió thu lạnh lùng
Thu với khí trời mát mẻ, trong lành thường đem lại nguồn cảm hứng cho biết bao nhạc khúc, chẳng hạn “Lời Tình Băng Giá” của Nhạc sĩ Anh Bằng:
Ru nỗi buồn nhớ anh
Ôi nhạc Thu buồn xa vắng
Giọt Thu sầu lai láng
Tình trôi vào quên lãng
Không biết làm sao định nghĩa đúng được “tình yêu” nhưng tình yêu đã làm cho biết bao nhiêu nam nữ đâm ra thất tình, đau khổ. Lắm lúc yêu nhau thật nồng nàn, để rồi nhớ nhau, rồi khắc khoải đêm ngày, nhất là mỗi độ mùa Thu ảm đạm quay về:
Chiều thu mưa vẫn rơi
Chiều thu mưa vẫn rơi
Nhạc thu ru nắng phai nhạt nhòa cuối trời
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây
Tình anh như núi sông, biển rộng mênh mông…
(Tình Là Hư Không của Phạm Anh Dũng)
Cái buồn làm cho nội dung bài thơ, lời nhạc trở nên ướt ác và làm cho vẽ đẹp trở nên quyến rũ, lôi cuốn hơn. Cảnh vật chỉ đẹp, chỉ thơ mộng khi nó phảng phất một chút buồn. Và những vần thơ, những áng văn hay những nhạc phẩm được người đời ưa thích nhất vẫn là những bản nhạc buồn, chất chứa „một ít“ nhớ thương. Rồi đến lúc cũng phải nghẹn ngào tiễn đưa Thu, như cảnh chia tay trong luyến tiếc của những cặp tình nhân thiếu may mắn, cuộc tình đổ vỡ không trọn vẹn:
Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt
Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
đã vội chi men rượu nhấp đôi môi mà phung phí đời em không tiếc nhớ
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa, phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta
Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh,
đành lòng cho nước cuốn hoa trôi …
(Lá Đổ Muôn Chiều của NS Đoàn Chuẩn và Từ Linh)
Người được coi là nhạc sĩ của mùa Thu là Đoàn Chuẩn (và Từ Linh). Những tình khúc mùa Thu do ông viết, có nhiều bản từng ru hồn người nghe như “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Chuyển Bến”, “Dang Dở”, “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay”, “Lá Đổ Muôn Chiều”, “Tình Nghệ Sĩ”, “Thu Quyến Rũ” và “Vàng Phai Mấy Lá” ….
Còn nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời những bài “Tình Ca Thu” rất trữ tình. Rất tiếc là trong bài phóng tác này tôi chỉ có thể trích vài bản tiêu biểu, giới thiệu đến quý độc giả, mong quí vị thông cảm.
 Lê Ngọc Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tuổi chớm thu

Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … sợi thu và...