Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Về một bài thơ hay của Nguyễn Bính

Về một bài thơ hay của Nguyễn Bính 
Không biết có phải tôi là người nhà quê, tạng khí cũng đậm chất quê nên có mối giao cảm và niềm yêu thích đặc biệt thơ Nguyễn Bính. Nếu nhà thơ còn sống, có lẽ tôi sẽ là một trong muôn vàn "tấm lòng xin gửi tấm lòng" người thi sĩ tài hoa ấy.
Ngày xưa khi còn là học trò ở độ hoa niên, tôi đã cảm nhận được phần nào cái hồn nhiên, duyên dáng và trong trẻo ở lời tâm tình dễ thương của cô gái làng:
Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình với nhau. 

(Chờ nhau) 
Lớn hơn nữa, khi đã nếm trải những cảm xúc muôn màu muôn vị của cuộc đời, đặc biệt là tình yêu lứa đôi, tôi lại khao khát thứ tình cảm vừa dung dị, đời thường nhưng không kém phần nồng nàn, da diết và mãnh liệt của chàng trai quê:
Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió bám đầy áo em.

(Hoa cỏ may)  
Giờ đây, ở cái tuổi được xem là chín của đời người, tôi thật hạnh phúc khi mình là cầu nối đưa thơ Nguyễn Bính đến với học trò và càng hạnh phúc hơn khi giữa đời sống hiện đại, tân kì với bao đổi thay về thị hiếu, vẫn còn đó những trái tim mặn mòi với hồn thơ chân quê này.
Với tựa là "Không đề",  bài thơ sau của Nguyễn Bính đã vượt lên cái không để neo đậu, lưu dấu nhiều ấn tượng cảm xúc trong tâm hồn của mọi người. Tôi tin như thế.
"Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm..."

Thơ Nguyễn Bính mang đậm phong vị dân gian, bàng bạc sắc điệu thuần khiết ca dao và có khả năng làm sống dậy một không gian quê kiễng. Bài thơ này cũng không ngoại lệ. Lợi thế của thơ lục bát là mang lại vẻ hồn nhiên, đằm thắm của chất trữ tình đồng quê. Nương theo âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết của nó, tâm tình của con người cũng dễ dàng biểu lộ. Nhà thơ là người ý thức sâu sắc về điều đó. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều người dễ dàng nhận ra là dù bị chi phối trong khuôn hình câu chữ của thể thơ song cảm xúc không hề đóng khung trong những giới hạn ấy mà dường như là một dòng chảy bất định. Điều đó cũng đúng với đặc trưng của thơ: thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người; thơ giàu sức gợi, ý tình tràn ra ngoài khuôn chữ.
Có một điều lạ là ở hầu hết các bài thơ của Nguyễn Bính, thời gian thường ước lệ nhằm vĩnh cửu hóa thời điểm, đồng thời tạo mối giao cảm mãnh liệt với tâm hồn con người.
Kiểu như:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay...
Hay:  Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng giầu em sang
Ở bài thơ này, thời gian được xác định cụ thể là hôm nay, cái thời khắc của hiện tại, đang diễn ra hoặc chỉ vừa mới trôi qua, còn tươi nguyên ấn tượng trong tâm trí người trong cuộc. Bởi thế, cặp hình ảnh bến – đò không chỉ ẩn dụ cho người đi kẻ ở như lẽ thường trong ca dao mà quan trọng hơn là tạo ra một không gian thực làm phông nền cho một câu chuyện thực. Có võ đoán chăng khi suy luận thế? Thiết nghĩ dẫu thời gian và không gian là ước lệ hay tả thực không phải là vấn đề. Bởi ai đó từng nói rằng, "văn chương là lời nói dối để đi tìm sự thật". Sự thật ở đây chính là cái tình của người con gái chất chứa trong từng cử chỉ, ánh mắt và nỗi niềm khôn tả.
Đây có thể xem là một bài thơ về đề tài chia li, tiễn biệt chăng? Hay là nỗi niềm ngổn ngang trăm mối của một mối tình câm chưa một lần dám thổ lộ ? Nhiều khi không cần tường minh rõ ràng kẻo phá vỡ đi sự bí ẩn, huyền nhiệm của tiếng nói tâm hồn. Nhân vật trữ tình là cô gái quê dè dặt, kín đáo, ý tứ ở trong nhà nhìn ra bến sông qua khung của sổ nhỏ. Ở nơi ấy, có chàng trai đang lên đò chuẩn bị ra đi. Khung cảnh ấy, con người ấy đã làm nên một cuộc chia li đặc biệt, chia li mà không hề có người đưa tiễn, chia li mà chẳng có cái cầm tay bịn rịn như lẽ thường trong đời sống và cả trong thi ca:
Kiểu như:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

Hay: 
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Và như:
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Nếu như trong bài "Tương tư", chàng trai mạnh bạo thổ lộ tình yêu của mình, rằng "Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" thì ở đây, người con gái nói thương nhau một cách ý nhị mà duyên dáng. Niềm thương nỗi nhớ vơi đầy ấy chất chứa trong ánh mắt trao nhau mà đúng hơn là trong cái nhìn đầy mến thương mà cô gái dành cho chàng trai. Cái tình thì không hề nhạt sao cô gái lại tạo một khoảng cách cho cuộc chia li này? Đó là khoảng cách từ nhà đến bến, là sự hạn định tầm nhìn bởi khung của sổ. Phải chăng cái nếp nghĩ cổ xưa rằng nam nữ thụ thụ bất thân còn lưu dấu?. Có lẽ không. Nguyễn Bính là một nhà thơ mới - dân gian song ngay cả trong ca dao, người con gái xưa đã từng táo bạo ước ao: "Ước gì sông rộng một gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi" mà. Để lí giải sâu xa cho điều này, hãy ghé nhìn một chút con đường tình của người thi sĩ đa tình này. Nguyễn Bính sinh thời vốn là người trong mộng của biết bao thiếu nữ, từ cô gái chèo đò trên bến sông quê đến cả những hồng nhan lỡ sa chân vào kiếp phong trần. Họ mê thơ ông và cả con người ông. Tuy nhiên, chính nhà thơ cũng là người đa tình và ôm ấp nhiều mối tình đơn phương với nhiều thiên kim tiểu thư con nhà trâm anh thế phiệt. Những giấc mộng không thành ấy đi vào thơ như một sự giải tỏa với nhiều mức độ khác nhau, phảng phất trong "Người hàng xóm", thấm thía trong "Tương tư" và xót xa se sót trong "Viếng hồn trinh nữ". Vòng vo một chút để lí giải nguyên nhân của sự xa cách trong cuộc tiễn đưa này. Đơn giản bởi lẽ vì cái tình của cô là nỗi thương thầm nên không tiễn đưa ngoài bến mà chỉ thẩn thờ ngó ra từ khung cửa.
Cứ tưởng rằng chỉ dừng lại ở ánh nhìn ấy thôi là đủ. Nhưng không, câu thơ thứ ba là một đột biến về âm hưởng, nhịp điệu, dạng thức và đặc biệt hơn là tâm trạng.
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
Hai câu hỏi dồn dập trong một dòng thơ như tuôn chảy bao cảm xúc phức hợp. Đúng hơn đó là lời tự hỏi để bày tỏ niềm boăn khoăn với bao tâm sự ngổn ngang, bời bời. Dấu ngắt nhịp giữa dòng như bản lề khép mở hai cung bậc. "Anh đi đấy" ư  đầy thảng thốt, lo âu, tiếc nuối và có gì nhói buốt trong lòng và " anh về đâu" đầy ngậm ngùi, ngẩn ngơ và hụt hẫng. Thế mới biết đằng sau ánh nhìn tiễn biệt ấy là bao con sóng ngầm cảm xúc đang ào ạt cuộn chảy. Thế mới cảm nhận hết cái tình da diết mãnh liệt ẩn dấu trong dáng điệu tựa khung cửa nhìn ra bến kia.
Liệu chàng trai may mắn kia có thấu hiểu hết không? Ý thơ làm người đọc chợt liên tưởng đến những "tiếng sóng lòng" và "ánh hoàng hôn trong đôi mắt trong" của Thâm Tâm. Có lẽ có bao nhiêu cuộc chia tay của con người trần thế là có bấy nhiêu cách tỏ bày bởi nói như Nguyễn Tuân, "thơ là mở ra một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó còn phong kín".
Trong cái nhìn dõi theo, ngóng vọng hướng về hình ảnh con đò rời bến từ từ đi xa về một nơi vô định, cô gái cảm nhận dáng hình chàng trai càng lúc càng hút bóng.
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...
Câu thơ bát ngắt thành 3 nhịp như tượng hình những cột sóng trào lên che khuất cánh buồm. Khuất rồi lại hiện để khi khoảng cách ngày càng xa thì không còn thấy sắc nâu của cánh buồm mà chỉ mờ ảo dáng hình của nó thấp thoáng trong khói sương nhạt nhòa. Nhịp điệu của câu thơ không chỉ gợi lên nhịp sóng mà đó còn là những cảm xúc da diết, khắc khoải trong tâm hồn con người. Xưa kia thi tiên Lí Bạch đứng trên lầu cao nhìn theo con thuyền đưa cố nhân về miền phồn hoa đô hội và  nhìn thấy:
Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời
Với người con gái trong bài thơ, cô không đứng ở tầm cao mà chỉ nhìn ra từ một khung của sổ nhỏ để dõi theo cánh buồm chở người thương đi xa. Sự giới hạn về tầm nhìn ấy không hề cản trở mà trái lại như chạm khắc rõ nét hơn sự lưu luyến, bồn chồn và cả nỗi niềm ngẩn ngơ, xót tiếc.
Thơ là thơ nhưng đồng thời còn là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách riêng như cách nói của Sóng Hồng. Có lẽ với bài thơ nhỏ này, Nguyễn Bính đã vẽ được hình cho người ta thấy, nêu được ý cho người ta nghĩ và kí thác cái tình để người ta rung động. Cảm ơn chàng thi sĩ chân quê này!.
Nguyễn Thị Tuyết Hạnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...