Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Một vĩ nhân ưu thời mẫn thế
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ giã cuộc đời cách đây vừa
tròn 430 năm (1585-2015) nhưng tên tuổi của ông còn vang vọng mãi trong lòng
dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật tiêu biểu của lịch sử Việt Nam thế kỷ
XVI. Ông không chỉ để lại một sự nghiệp văn chương cho đời sau ngưỡng mộ mà hơn
thế, cả một triết lý sống đáng để hậu thế phải suy ngẫm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư
sĩ, được người đời suy tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông sinh năm 1491, mất năm
1585; người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo,
thành phố Hải Phòng). Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình vọng tộc
(cháu ngoại của quan Thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn và cả bố mẹ đều là người
có văn tài, học hạnh nên ông đã sớm hấp thụ truyền thống gia giáo, kỷ cương.
Cha là Nguyễn Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên Bá tiên sinh, một nhà giáo có uy
tín trong vùng. Mẹ là nữ sĩ Nhữ Thị Thục, con gái quan nghè Nhữ Văn Lan ở làng
Yên Tử Hạ, huyện Tiên Minh (nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng).
Thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm được gia đình gửi đến ở và theo học
sư cụ trụ trì chùa Mét ở Cổ Am, rồi chùa Yên Tử, cuối cùng cho theo học Bảng
nhãn Lương Đắc Bằng. Khi vào tuổi trưởng thành cho đến khi ra ứng thí vào năm
1535, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua 9 kỳ thi đại khoa do triều Lê sơ và triều Mạc
tổ chức. Một con người tài hoa lại học hành tử tế mà suốt hơn 20 năm lại tỏ ra
không quan tâm đến chốn thí trường là một điều lạ. Thực ra, sự “thờ ơ” đó chỉ
là cái vẻ bề ngoài của một tâm trạng đang giằng xé, một chí hướng đang sôi sục
nhưng chưa có dịp thể hiện. Phần lớn cuộc đời ông sống như “ẩn dật” nhưng không
lúc nào xa đời, quên ngẫm sự đời và luôn tìm cách để giúp đời. Chưa đi thi làm
quan chẳng qua vì ông không tìm thấy chính sự các triều đại đương thời sự tương
hợp với chí hướng và sở nguyện của mình mà thôi.
Sự xuất hiện của triều Mạc năm 1527 đã hé ra một niềm hy vọng
mới. Xuất thân từ vùng biển, họ Mạc có tầm nhìn cởi mở hơn và trên thực tế đã
thi hành một số chính sách kinh tế - xã hội tích cực. Đến thời Mạc Đăng Doanh
(1530-1540), can qua tạm lắng, tình hình dần vào thế ổn định. Bấy giờ, ông ra ứng
thí và đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi ở tuổi 45 vào năm 1535.
Sự dấn thân muộn mằn của một con người tài năng bộc lộ
khi còn tuổi trẻ chứng tỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm không thuộc loại người lãnh đạm với
thời cuộc, mà trái lại, ông là người có lý tưởng cao hơn nhiều so với chí hướng
thi đỗ làm quan, vinh thân phì gia thường thấy ở tầng lớp nho sĩ. Ông chỉ tham
dự vào chính trường khi cảm thấy cuộc đời cần đến mình. Khi hoàn cảnh chính trị
có thể tạo điều kiện cho ông đem tài trí ra giúp đời, phụng sự đất nước.
Trong không gian của khu di tích có rất nhiều vườn tượng,
với kích thước bằng người thật, diễn tả lại cuộc đời,
cảnh dạy học khi xưa của Nguyên Bỉnh Khiêm
Thế nhưng tình thế ở buổi giao thời phức tạp tới mức
ngoài tầm xoay chuyển của một vài cá nhân. Sự chuyển biến của kinh tế - xã hội
vốn đã làm cho triều Lê sơ sụp đổ vẫn đang tiếp tục vận động. Sở hữu tư nhân và
đi kèm theo nó là kinh tế hàng hóa phát triển đã phá vỡ chuẩn mực cũ. Dựng đặt
một mô hình tổ chức xã hội mới không thể là công việc ngày một ngày hai. Là người
hiểu thời thế, Nguyễn Bình Khiêm đã xin về trí sĩ vào năm 1542, sau khi Mạc
Đăng Doanh qua đời. Theo Phan Huy Chú thì khi làm quan, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã
dâng sớ hặc tội bọn bề tôi lộng quyền 18 người và xin giết hết. Không rõ lời
tâu của ông có được vua chấp nhận hay không, nhưng ở triều được 8 năm thì ông
nghỉ quan về quê.
Một nét hết sức đặc biệt của Nguyễn Bỉnh Khiêm là mặc dù xa rời
chốn quan trường, về ẩn dật ở vùng thôn dã nhưng ông không quay lưng với thời
cuộc, không thuộc hạng sĩ phu bất mãn “ngoảnh mặt đi”. Ông chăm chú theo dõi từng
biến cố. Có một điều ai cũng phải nói là làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại - quê
hương ông khi ấy ở vào vị trí cửa ngõ giao tiếp, không phải là một nơi hẻo lánh
và biệt lập. Đó cũng là điều kiện quan trọng để ông có thể thường xuyên nắm bắt
được diễn biến tình hình, không lạc hậu với thời cuộc.
Là quan lại hạng trung đã về hưu nhưng hầu hết các lực lượng
nắm quyền, khi đắc thời cũng như lúc thất thế, đều tìm đến ông để vấn kế. Chẳng
những các vua Mạc coi ông như là bậc thầy, mỗi khi có việc lớn đều sai sứ đến hỏi,
mà ngay cả Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng cũng nhờ những chỉ bảo tinh tế của ông mà
thành công.
Trong cảnh đời nhiễu loạn, cống hiến lớn nhất của tư tưởng
Nguyễn Bỉnh Khiêm là triết lý về đạo người, mà cốt lõi là “đạo nguyên trung
chính đồng thiên hạ”. Theo ông “trung chính” nghĩa là nhân, là thiện, là cứu
giúp đời. Trong suốt đời mình, ông đã thực hiện lý tưởng ấy không biết mệt mỏi.
Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa là bậc trí giả vừa là bậc thức giả. Ông
đọc nhiều, kiến thức mênh mông của ông là cả pho sách lớn. Học trò đã từng nhận
xét: “Sau bộ thi thư suốt nghĩa, bơi thuyền đến bến thầy Chu. Một Kinh Thái ất
thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương tử. Ngang trời dọc đất, cùng lòng Chu tể tâm
tư. Suy trước biết sau, học lối Nghiên Phu mộ hộ”. Nhiều người do ông dạy dỗ
sau cũng đều trở thành những bậc danh Nho tuấn kiệt như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn
Dữ, Lương Hữu Khánh… Tri thức và trí tuệ của ông đáng được người đời, kể cả những
bậc vương giả tôn lên làm thầy.
Không chỉ có sách vở, xuất xứ của ông cho thấy Nguyễn Bỉnh
Khiêm còn là người hiểu thấu sự đời. Nhiều người cho rằng do thông hiểu lý số,
thuộc lòng Thái ất thần kinh mà ông biết trước mọi sự. Có lẽ vì thế khi nói đến
ông, người ta thường nhắc đến những lời sấm ký linh nghiệm. Điều này có thể
đúng nhưng không phải tất cả. Về phương diện này, Nguyễn Bỉnh Khiêm dường như
là một con người có năng lực đặc biệt. Có một hiện tượng lạ mà cho đến nay các
nhà khoa học chưa giải thích được, đó là vào thế kỷ XVI, trên thế giới xuất hiện
nhiều nhà dự đoán tương lai.
Chẳng hạn cùng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở Pháp có
Notradamus, người đã viết sách Những thế kỷ (Centuries) mà nhiều lời tiên đoán
sau hàng thế kỷ được xác nhận là đúng. Ông được vua Charles IX mời làm quan
chiêm tinh. Thế kỷ XVI còn là thế kỷ của những khám phá về thiên văn học và
phát kiến địa lý. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một thời khắc bản lề của
lịch sử nhân loại. Những hiện tượng “lạ” xuất hiện ở thế kỷ này cũng được giới
khoa học quan tâm nghiên cứu. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong số ít người đã hội
tụ trong mình những cảm nhận sâu sắc ấy. Bởi, ông là một vĩ nhân ưu thời mẫn thế.
Ngày 28-11 năm Ất Dậu, niên hiệu Diên Thành 8 (1585), Nguyễn
Bỉnh Khiêm mất tại quê nhà - làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, thọ 95 tuổi. Vua Mạc
cử quan Phụ chính đại thần về tế, sai lập đền thờ và ban biểu ngạch “Mạc triều
Trạng nguyên tể tướng từ”. Trong văn tế Trạng, môn sinh Đinh Thời Trung viết:
“…Tiếng tiên sinh không bao giờ mất, là bóng thu dương sáng mãi, nước Giang Hán
chảy tràn… Đạo tiên sinh muôn thuở vẫn còn, như khu rừng lớn tốt tươi, núi Thái
Sơn bền vững…”.
Trần Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét