Để nghe và yêu được nhạc cổ điển
Chỉ có một cách duy nhất để thưởng thức được nhạc cổ điển, đó
là thường xuyên lắng nghe, bởi cái đẹp và ý nghĩa thật sự của nhạc cổ điển chỉ
có thể tìm thấy ở một nơi duy nhất. Đó là âm thanh.
Vài năm gần đây những buổi biểu diễn âm nhạc giao hưởng thính
phòng của các dàn nhạc, nghệ sĩ trong và ngoài nước thường xuyên diễn ra, thật
sự là những điểm sáng trong bức tranh hoạt động âm nhạc của nước ta. Trên các
phương tiện thông tin đại chúng cũng đã có nhiều bài viết cổ vũ khen ngợi trình
độ của dàn nhạc giao hưởng và các nghệ sĩ độc tấu. Đặc biệt không ít người cho
rằng chúng ta đã có đông đảo công chúng cảm nhận được sâu sắc những tác phẩm cổ
điển thuộc nhiều trường phái khác nhau.
Nếu quả đúng như vậy thì thật đáng mừng, bởi nhạc cổ điển là
một loại hình nghệ thuật có tác dụng to lớn trong giáo dục thẩm mỹ và đạo đức,
nhất là đối với thanh niên. Nhưng qua một vài chuyện dưới đây, tôi dự cảm thấy
chúng ta thực sự chưa có một tầng lớp công chúng như vậy.
Một lần hỏi mua vé xem buổi biểu diễn của một nghệ sĩ piano
người Mỹ, mấy tay phe vé ở Nhà hát lớn thành phố thấy tôi lớn tuổi, ăn mặc tềnh
toàng, liền bảo: “Khốt ơi, ở đây chỉ có các ông tây, bà đầm và các ông to bà lớn
nghe thôi. Nếu khốt muốn xem con phải bán thêm cho khốt cái vé ra”.
Nhiều buổi biểu diễn ở Nhà hát lớn, mặc dù ban tổ chức đã nhắc,
với các tác phẩm gồm nhiều chương, khi dàn nhạc, nghệ sĩ chơi xong toàn bộ tác
phẩm, khán giả mới vỗ tay tán thưởng. Nhưng thường mới hết một chương, khán giả
đã vỗ tay… và khi tác phẩm kết thúc lại chẳng thấy mấy ai vỗ tay… vì sợ nhầm.
Trong một chương trình Nốt nhạc xanh của VTV, mỗi khi nghe thấy
giai điệu của một ca khúc nhạc trẻ là người tham dự tranh nhau trả lời, và trả
lời rất chính xác. Nhưng khi phát lên Chương 2 bản Giao hưởng số 6 (Đồng quê) của
Beethoven thì cả hội trường im phăng phắc.
Tôi có tìm hiểu một số người yêu thích âm nhạc cổ điển, thậm
chí yêu đến mức đam mê mặc dù không hề học qua một lớp lý luận âm nhạc nào, họ
đều cho rằng chẳng có loại âm nhạc nào là âm nhạc bác học, dành riêng cho một tầng
lớp thính giả chọn lọc. Ai cũng có thể cảm thụ được nhạc cổ điển nếu nghe nhiều
và biết lắng nghe. Cũng như tuồng, chèo, nếu không biết lắng nghe thì người Việt
Nam cũng chưa chắc thấy được cái hay của nó.
Với một bản nhạc, khi mới nghe lần đầu và không lắng nghe,
các giai điệu chỉ vang lên trong tai một cách tự nhiên, nhưng khi nghe nhiều lần
và biết lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu được những mẫu hình trừu tượng của âm nhạc.
Danh họa Raphael có nói: “Hiểu biết tức là bình đằng”.
Khi chúng ta hiểu biết một tác phẩm âm nhạc là chúng ta cùng sống với các khoảnh
khắc đã khai sinh ra tác phẩm và đã nhận được thông điệp của người nhạc sĩ gửi
gắm trong tác phẩm ấy. Nhưng ý nghĩa một tác phẩm âm nhạc không bất biến dẫu rằng
âm nhạc vốn được gọi là ngôn ngữ của cảm xúc. Không chỉ các nhạc sĩ cổ điển mà
cả các nhạc sĩ ngày nay đều phản đối mọi nỗ lực trói buộc tác phẩm vào một hình
tượng cụ thể. Vì như vậy sẽ phá hoại niềm vinh quang mà chỉ âm nhạc mới có thể
vượt thoát khỏi ngôn từ – tức là, không bị kìm hãm trong một ý nghĩa cá biệt.
Giả dụ ta nói khúc nhạc Ave Maria của Schubert là
“thánh thiện”, “thoát tục”, “sự thăng hoa của tình yêu”… Liệu những từ ngữ đó
có chuyển tải được chút ý niệm nào, dù là mơ hồ nhất, đến những người chưa từng
nghe và thổn thức với giai điệu của Ave Maria? Chắc chắn là không. Ý nghĩa
của một khúc nhạc không thể nào diễn đạt được bằng ngôn từ, chính điều này tạo
thành bản chất của âm nhạc. Chúng ta có thể định nghĩa một từ bằng những từ
khác, nhưng chúng ta không thể định nghĩa được một giai điệu. Ý nghĩa của một
giai điệu là… chính giai điệu ấy!
Ngoài ra, với từng người nghe, giai điệu gợi lên những điều rất
khác, rất riêng. Chẳng hạn khi nghe một khúc quân hành, người thì nhớ lại kỷ niệm
thời binh nghiệp, người khác lại thấy chối tai vì tiếng kèn trompet và liên tưởng
đến sự đau đớn vừa trải qua trong phòng nhổ răng… Cùng khúc quân hành đó, nhà
phê bình âm nhạc phán “bắt chước Mozart”, còn nhà soạn nhạc trẻ thì thầm mong một
ngày nào đó mình sẽ viết được những khúc nhạc bi hùng như thế.
Ngoài yếu tố quan trọng nhất là biết lắng nghe thường xuyên,
khả năng cảm nhận của ta sẽ được nâng cao nếu ta biết đôi điều về các yếu tố tạo
nên nền âm nhạc và các phương pháp mà các nhà soạn nhạc sử dụng để phối hợp các
cung bậc thành giai điệu. Chúng ta cần tìm hiểu những trường phái, trào lưu của
loại hình nghệ thuật và quan hệ của nó với môi trường văn hóa xã hội.
Chúng ta cũng cần phải có chút ít hiểu biết về những con người,
mà thiên tài âm nhạc của họ đã làm phong phú thêm cho cuộc sống của nhân loại.
Những thông tin này hoàn toàn không tham dự vào ý nghĩa của một tác phẩm âm nhạc
nhưng chúng sẽ giúp mỗi chúng ta tự mình dò tìm cái ý nghĩa bí ẩn và huyền diệu
trong tác phẩm của họ.
Âm nhạc, cũng như tình yêu, dễ dàng nếm trải hơn là phân định.
Không có hai triết gia nào đưa ra một định nghĩa giống nhau về tình yêu. Một
tác phẩm âm nhạc tự thân nó là một quan điểm về cuộc đời. Nó mang đến chúng ta
cách diễn dịch cá nhân của người nghệ sĩ về thân phận con người, mà tác giả đã
nếm trải với tư cách là một người nghệ sĩ và một con người. Tìm đến được tận cội
nguồn của tác phẩm, ta càng chiếm hữu được nó trọn vẹn, càng choáng ngợp trước
những niềm vui tuyệt vời mà âm nhạc mang đến, đưa ta vươn tới những đỉnh cao của
nhận thức, đến vực thẳm của tâm linh.
Có được một công chúng đông đảo là tín đồ trung thành của nhạc
cổ điển không dễ, nhưng hoàn toàn có thể làm được nếu chúng ta biết cách tạo ra
những điều kiện để những ai muốn đều có thể dễ dàng tiếp xúc với các dàn nhạc,
các nghệ sĩ độc tấu và đặc biệt là được nghe nhạc cổ điển một cách thường
xuyên. Chẳng hạn tổ chức nhiều dàn nhạc thính phòng, các nhóm tam tấu, tứ tấu…
biểu diễn ở các địa phương, các trường học…; tổ chức các câu lạc bộ người yêu
nhạc cổ điển; phát chương trình nhạc cổ điển với thời lượng nhiều hơn trên phát
thanh, truyền hình; giới thiệu nhạc cổ điển một cách nghiêm túc và đều đặn trên
các phương tiện truyền thông…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét