Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Những mảnh tình thơ của Hồ Xuân Hương

Những mảnh tình thơ của Hồ Xuân Hương
Trước khi bàn về “Những Mảnh Tình Thơ của HXH”, xin hãy cùng nhau nhìn tổng quát xem trong cổ kim, đông tây, tình yêu (TY) đã được quan niệm như thế nào ngõ hầu có thêm ánh sáng soi rọi vào hoàn cảnh của nhà thơ nữ vừa đa tài vừa đa tình như HXH.
Không ai rõ loài người đã biết yêu đương từ bao giờ, nhưng có thể chắc chắn là tình yêu đã nẩy nở qua khúc nhạc ái ân trong đó Thần TY Venus chỉ viết tặng cho phần dạo khúc (prelude) còn chính đôi tình nhân tự viết lấy lời ca (Lyric) cho cuộc đời mình. Có thơ rằng:
Tình Yêu đến từ Vừng Thái Dương
Người yêu ơi đừng lạc bước quên đường
Thuyền ta đợi bến lâu rồi
Cùng lên dạo Khúc Ca Ðời
Kẻo ngày tháng trôi mau người ơi!
(Hải Bằng,HDB)
Từ những khúc nhạc ái ân, nhiều đóa hoa TY nẩy nở ra và chia thành hai loại chính: TY bao la và tình yêu hạn hẹp hay TY vị tha và tình yêu vị kỷ. Nhà thơ Lamartine của Pháp viết:
Aimer pour être aimé, c’est de l’homme
Aimer pour aimer, c’est de l’ange
Thế nhân yêu để được yêu
Thiên thần yêu một tình yêu vô thường
Vâng, thế gian dễ gì có mấy người yêu chỉ để mà yêu? Ngoại trừ một số nhỏ những tu sĩ đã hiến dâng trọn vẹn con tim cho Thiên Chúa hay cho Ðức Phật, còn phàm nhân mấy ai thoát khỏi lưới TY?
Trong loại TY bao la có TY thiên nhiên và TY đồng loại. Trong loại TY hạn hẹp có TY quê hương gồm tổ quốc và nòi giống; TY gia đình gồm cha mẹ, vợ chồng, và con cái; TY nghệ thuật gồm văn, thơ, ca nhạc, và hội họa, và điêu khắc.
Nhưng bản chất của TY là gì? Bản chất của TY là sự say mê. Không say mê, không có TY. Tuy nhiên mức độ say mê tùy thuộc vào trình độ văn hóa và giáo dục của cá nhân. Do đó có dạng TY thô lỗ và dạng TY thơ mộng. Trong các dạng TY đó, TY lứa đôi (trai gái) có nội dung quan trọng nhất và nhiều màu sắc nhất vì nó tạo những rung cảm tột độ chi phối suốt cả cuộc đời con người:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!

Nguyễn Công Trứ (1778- 1858), đồng thời với HXH, đã gần bẩy ba tuổi mà vẫn còn cưới nàng hầu và ngơ ngẩn vì tình. Và đây đoạn trích trong một bài hát nói của tiên sinh:
Trẻ Tạo Hóa ngẩn ngơ lắm việc
Già Nguyệt Ông cắc cớ trêu nhau
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam
[Cô dâu muốn hỏi tuổi chàng
Năm mươi năm trước ràng ràng hăm ba]
Càng tài tử càng nhiều tình trái
Cái sầu kia theo hình ấy tạo ra
Mua sầu lại kẻ hòa hoa

Trong các thế hệ sau đó bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 20, TY càng được các tài tử và giai nhân tỏ lộ nhiều hơn. Một TTKH vẫn không thể quên được Thâm Tâm, người yêu cũ:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên

Người yêu ban đầu của VHC là Tố Uyển lên xe hoa ngày 12.6.41 về nhà chồng làm quan Tri Huyện. VHC như muốn chết cả đời người và đã làm bài thơ “Mười Hai Tháng Sáu” (1941) có những câu như:
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi, Tố của anh!
Tháng Sáu, Mười Hai từ đây nhé
Chung đôi - từ đây nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi!

VHC, chàng thi nhân bị lỡ chuyến đò tình, đã tưởng tượng ra rằng Tố Uyển rất đau khổ vì bị ép duyên và sống không hạnh phúc. Nhưng 31 năm sau, tình cờ VHC được bà GS Phạm Thị Nhung cho biết: Tố Uyển đã không bị ép duyên. GS Nhung nói với VHC: “Bà Tố không phải là người tham đó, bỏ đăng. Bà Tố đã chờ đợi trong hai năm mà gia đình ông không tới hỏi. Hai bên thật sự cũng chưa có hẹn ước gì, bà Tố lấy quyền gì, lấy tư cách gì để mà chờ đợi? Nên sau phải nghe lời cha mẹ mà lấy chồng ...” (Cỏ Thơm số 39, Hè 2007, tr. 56).
Với một số tán luận về tình yêu nêu trên tưởng cũng tạm đủ để soi rọi cho thấy rằng TY trai gái quả là một cái gì thật kỳ diệu, bền bỉ như sức hút của nam châm, nóng bỏng như lửa rừng, mãnh liệt như nguồn thác, và cũng phẳng lặng như mặt nước hồ thu, hay rạng rỡ như bình minh mới ló dạng. Và, thật sự chưa một ai có thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về TY nhưng có thể nói rằng: có bao nhiêu trái tim yêu thì có bấy nhiêu định nghĩa của TY và con người sẽ chết nếu không còn tình yêu.
Ðời chưa dứt Ngọn Lửa Tình
Ta còn phải viết chuyện mình thầm yêu
Hoa nào không rủ bướm?
Bướm nào chẳng quyến hoa?
Dù mảnh tình thoáng qua
Cũng cho đời hương lạ
Làm ngây ngất hồn ta
Chẳng bao giờ xóa nhòa

(Hải Bằng.HDB: Hương Yêu)
Và, không mấy người yêu thơ mà không biết bốn câu sau của nhà thơ tình Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu

HXH đã giữ hình ảnh của những ai trong trái tim tình của mình?
Trước hết phải nói rằng XH có một tâm hồn lãng mạn với một ý chí vững vàng. Tại sao vậy? - Bởi vì XH đẹp, lại có tâm hồn văn chương, và được giáo dục tốt. Người nào có tâm hồn văn chương mà không lãng mạn cũng như người nào có tâm hồn ăn uống mà lại nhịn ăn? Tưởng cũng nên để ý rằng vào cuối thế kỷ thứ 18, cái không khí lãng mạn trong thi văn đã tỏa ra từ nhiều tác phẩm thơ Nôm lục bát như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743- 1790) mô tả truyện tình giữa Lương Sinh và Giao Tiên, cả hai đều xuất thân từ quí tộc, cùng trải qua một cuộc tranh đấu giữa tình cảm và lý trí, giữa tình yêu tự do thoải mái và khuôn khổ lễ giáo khắt khe.
Hay, truyện Phan Trần, thơ Nôm lục bát, khuyết danh (hai họ Phan - Trần, đời Tống, thế kỷ 11) mô tả một chuyện tình rất say đắm, ngọt ngào, và tự nguyện yêu nhau của một đôi trai tài, gái sắc diễn ra từ một ngôi chùa. Lời văn viết rất lãng mạn đến nỗi người ta có câu: “Ðàn ông chớ kề Phan Trần; đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.” Xin trích dẫn một đoạn đối đáp giữa Ni Cô Diệu Thường (Trần Kiều Liên) và Phan Tất Chính lúc chàng đang khuya lẻn tìm đến chốn ni cô ngỏ lời van xin tỏ tình với nàng.
Họ Phan van xin:
Người ở trong đó có thương người ở ngoài này chăng? Nhờ có lời thăm hỏi khiến vãn sinh khỏi bệnh [tương tư] nên đánh bạo đến đây tạ lòng. Nàng đã có lòng thương hỉ xả bao dong cho, nỡ nào để vãn sinh chịu gió sương lạnh lùng ở ngoài này!
Diệu Thường kinh ngạc đáp:
Ở đây tai vách mạch rừng, lại giữa lúc đêm hôm khuya khoắt, xin người chớ có nhiều lời. Tiểu ni đã quyết giữ trọng một bề rồi, người có lòng thương, tiểu ni cũng đội ơn, mà người có trách thì tiểu nhi cũng đành chịu. Rút dây chẳng sợ động rừng hay sao mà người dám làm những chuyện lố lăng như vậy để cho miệng thế cười chê? Thôi, thôi, tiểu ni van lạy người hãy bỏ qua đi và trở về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng kẻo bệnh tình tái phát thì nguy hiểm biết chừng nào.
Những lời văn ướt át như trên hiện vẫn còn tồn tại trong những vở tuồng cải lương có đệm theo với sáu câu vọng cổ thật là mùi. Cho nên, tâm hồn của XH không thể không chịu ảnh hưởng của loại văn chương lãng mạn của thời đại và quả XH đã yêu và đã không chỉ yêu có một người, vì mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh đưa đẩy, XH lại tìm thấy những rung động mới của con tim chưa bị hoàn toàn chiếm hữu bởi một ý trung nhân nào và XH luôn luôn còn tự do để mà giăng mắc, vẫn trong vòng lễ giáo, với những người hiểu nàng, biết giá trị của nàng, và trên hết, thành thực có tình yêu với nàng, ít nhất là về mặt văn bút.
Người yêu thuở ban đầu của XH là ai?
Người đó là Nguyễn Du (ND) tự là Tố Như, mặc dầu lúc đó Nguyễn Du, 25 tuổi, đã có vợ (nghe lời anh lập gia đình vào năm 1786 và về ở bên vợ họ Ðoàn ở để có chỗ tạm nương thân, và rồi được đề bạt làm Chánh Thủ Hiệu tại Thái Nguyên, thời Chúa Trịnh) còn XH đang độ xuân-thì phơi phới 18 tuổi xanh. Trong khoảng 1790 – 1793, hai người đã “yêu vì nết, trọng vì tài” và chỉ tỏ tình với nhau qua thơ văn mà thôi.
Chắc vì nhà XH ở ven Hồ Tây và thường ngày XH xuống hái sen, nên ND mới làm bài “Mộng Thấy Hái Sen” kín đáo tỏ tình với XH bằng những câu như: “Hoa sen đẹp xinh xinh” và “Hoa sen ai cũng phải yêu”, “Nàng đến tự bao giờ? Cách hoa chỉ thấy tiếng cười” và “Hái sen chớ đụng ngó. Năm sau hoa chẳng sinh”.
Những lời tán tụng phát xuất tự con tim của chàng như thế làm sao trái tim yêu còn trinh nguyên của nàng không khỏi rung động bồi hồi? Ðấy là những dấu ấn của tình yêu thật khó phai. Thật là:
Trong cảnh Hồ Tây, trời thơ hôm đó
Ðóa sen nào?
Rung cánh trước hơi thở của tình yêu?
(Hải Bằng.HDB)
Tình yêu ban đầu của XH dành cho Tố Như được nàng thố lộ trong 14 bài gửi cho ND còn ND gửi cho XH 6 bài (theo biên khảo của TS Phạm Trọng Chánh) và mối tình này có lẽ kéo dài khoảng ba năm (1790- 1793). Ðây là một vài câu đối đáp giữa Tố Như và Xuân Hương:
ND viết: “Tây Hồ cảnh đã hoang vu”
XH đáp: “Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa” (phải chăng XH muốn nói nàng vẫn yêu ND?)
Rồi XH xác quyết thêm: “Cây có vầng xanh tỏ tấm lòng” [Ô, thật say sưa quá!]
ND đáp: “Một vầng trăng sáng tỏ tình ta” [Ô, thật mê ly quá!]
Nguyễn Du Tố Như tiên sinh có một bài thơ chữ Hán tựa đề là “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác”. Theo lời kể lại của Tịnh Thủy Tôn Thất Tùng lúc qua Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 1986, ngoạn cảnh Tây Hồ, ông được một người Tàu gốc Việt tên là Quách Hán cho coi bức tranh có bài thơ “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác” (ÐTTKCT) của Nguyễn Du làm lúc Nguyễn Du đi sứ năm 1813. Tố Như tiên sinh đã đọc truyện viết về nàng Tiểu Thanh dưới đời Vua Hiển Tông, Nhà Minh (1472). Tiểu Thanh là một người con gái có sắc đẹp lại giỏi văn thơ, nhưng lấy phải một người đã có vợ rất ghen tương. Bà này đối xử với Tiểu Thanh rất tàn tệ khiến nàng phải dọn ra ven Tây Hồ sống trong một túp lều tranh. Một ngày kia, người ta thấy túp lều bốc lửa, Tiểu Thanh bị chết cháy, và trong đống tro còn một số văn thơ của nàng. Một văn nhân nghe chuyện, bắt lòng thương cảm mà viết thành truyện. Nguyễn Du tìm đọc được cốt truyện đó đem động lòng trắc ẩn mà cảm tác ra bài thơ nói trên được nhà thơ Vũ Tam Tập dịch như sau:
Ðộc Tiểu Thanh Ký (Cảm Tác)
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

(Nguyễn Du, 1813, Hàng Châu, TQ)
Nguyễn Du làm bài này để khóc cho Tiểu Thanh thì là hẳn rồi. Nhưng duyên phận hẩm hiu của Tiểu Thanh thì giống với Xuân Hương. Như vậy, qua hình ảnh của TT, Nguyễn Du có thể làm bài này cũng là để khóc cho cả XH nữa chăng? Tôi nghĩ: là một người vốn nòi tình (như Chu Mạnh Trinh tự thú rất say mê Thúy Kiều), và vốn rất đặm tình với XH, Nguyễn Du không thể chỉ cảm thương riêng với Tiểu Thanh, hay với Thúy Kiều.
Mặt khác, cũng qua bài “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác” này lại nẩy sanh thêm một điểm tranh cãi mới do nhà thơ Diệu Tần nêu ra trong bài “Ðọc Hồ Xuân Hương: Nàng Là Ai” (đăng trong Xuân Thu Hè 2202, tr. 10. THIDANLACVIET2000@HOTMAI.COM ). Theo Tiến Sĩ (Khoa Giáo Dục, Sorbone, Paris) Phạm Trọng Chánh (tiếp nối GS Hoàng Xuân Hãn để hoàn thành cuốn Hồ Xuân Hương Toàn Tập) thì hai chữ Tố Như trong bài thơ ÐTTKCT không là tên tự (tên chữ Nho) của Nguyễn Du mà chỉ là một từ ngữ thông thường chỉ một người đẹp và vì thế TS P.T.Chánh đã chỉ viết hai chữ tố như với chữ thường (không hoa). Ngược lại, nhà thơ Diệu Tần thì khẳng định Tố Như là tên tự của Nguyễn Du. Ngoài ra, ông Diệu Tần cũng nêu lên thắc mắc: hai câu trong ÐTTKCT: “Bất tri tam bách dư niên hậu - Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - và Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - Người đời ai khóc tố như chăng?”, không rõ là hai câu “khẩu chiếm” (nói lúc sắp qua đời) của ND hay là ở trong ÐTTKCT? Theo lời kể của ông Tôn Thất Tùng vừa nêu trên thì có lẽ thắc mắc này đã được giải quyết. (Xin gõ vào Google: Ðộc Tiểu Thanh Ký sẽ thấy tài liệu.)
Theo tôi, Tố Như đúng là tên tự của Nguyễn Du. Trong thời Nho Giáo, con trai sinh trong dòng danh gia, vọng tộc (xuất thân văn học) còn ở tuổi vị quan (19 trở xuống) thì chỉ có tên tục hay húy do cha mẹ đặt cho. Khi người con tới tuổi nhược quan, nghĩa là coi như quan (20 tuổi), thì gia đình làm lễ “Gia Quan” tức là lễ đội “Mão” cho cậu ta, coi như từ nay cậu là quan, quan trong nhà, và cậu ta được tự chọn một tên mới gọi là tên tự (chữ Nho) đặt sau tên húy để tỏ tâm chí của mình. Ðó là do cái lệ chỉ làm quan mới có mão vua ban, còn làm lính hay thường dân thì đội nón thôi. (Lính thú ngày xưa: Ngang lưng thì thắt bao vàng; đầu đội nón dứa vai mang súng dài).
Cũng kể từ đó, bạn hữu, gia nhân sẽ không lấy tên tục của cậu ta để gọi nữa mà dùng tên tự. Nhưng, riêng cậu ta lại chỉ dùng tên tục để xưng hô chứ không dùng tên tự. Ngoài ra cậu còn chọn một tên nữa gọi là tên hiệu (bút hiệu) nếu cậu có viết lách. Trong trường hợp này, nhà thơ Diệu Tần cũng nêu một tỉ dụ về lề lối giao tiếp ngày xưa là: trong Tam Quốc Chí, Lưu Huyền Ðức khi xưng hô, chỉ nói “Bị này ...”, vì Bị là húy của ông ta. Nguyễn Du chọn tên hiệu là Thanh Hiên. Tên hiệu đặt trước họ; tên tự đặt sau họ: Thanh Hiên Nguyễn Tố Như.
Trở lại với HXH, Nguyễn Tố Như đã có tình thơ văn rất thân mật với nàng. Nhưng rồi mọi sự ở đời đều phải trôi qua, song chắc chắn rằng dù thời gian có phôi phai, những kỷ niệm của Ngày Xanh sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong tâm trí của đôi kẻ yêu nhau, bởi vì:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên
(Xuân Diệu?)
Và,
Người yêu thuở ban đẩu khó quên
Người yêu đến như vừng Thái Dương
Người yêu ơi đừng lạc bước quên đường
Thuyền em đậu bến lâu rồi
Mời lên dạo khúc ca Ðời
Kẻo ngày tháng trôi mau người ơi!

(Hải Bằng.HDB: Hương Yêu, tr. 41)
Người tình thơ thứ nhì của XH là Mai Sơn Phủ trong khoảng 1799 đến 1801.
Sau khi mối tình thơ với ND đã tạm lắng xuống, XH giao duyên thi phú đậm đà với Mai Sơn Phủ, lúc đó còn là một thư sinh chưa có danh phận gì, nhưng nổi tiếng thi văn. Trong Lưu Hương Ký, XH đã lưu lại nhiều bài nhất trao cho chàng họ Mai này. Nhưng, duyên nợ của Hồ - Mai chưa có nên vào khoảng năm 1801, chàng từ biệt XH về thăm quê ở Hoan Châu rồi từ đó tin nhạn vắng tanh, khiến XH lòng buồn khôn xiết. Ðây là bài XH họa bài thơ của Mai Sơn Phủ trong Lưu Hương Ký nhắc lại một chút kỷ niệm đã cùng ngắm hoa và mặn nồng bên nhau:
Họa Sơn Phủ Chi Tác
Này đoạn chung tình biết mấy nhau
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu
Trên tay khép mở tanh chiều nhạn
Trước mặt đi về gấp bóng câu
Nước mắt trên hoa là lối cũ
Mùi hương trong nệm tỏa đêm thâu
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm
Này đoạn chung tình biết mấy nhau

Và đây là một đoạn trích trong bài “Nói Rõ Ý Trình Bạn Mai Sơn Phủ:
Chàng có lòng
Ta cũng có lòng
Trong hồn mộng quyến luyến nhau dưới bóng liễu
Thơ ta cùng ngâm
Trăng ta cùng thưởng
Từ lúc buồn chia tay chàng
Ai là người chỉ ấm nửa thân?
Chớ gẩy đàn ly biệt mà oán bạn tri âm
Hãy cất chiếc đàn đi
Và hiểu thầm nhau trong lúc cao sơn lưu thủy
Ðừng buồn hận mà than cho nỗi xưa nay

Mối tình thứ ba của nàng là mối giao lưu văn bút rất đậm đà với Tốn Phong từ năm 1807.
Ðây là giai đoạn Vua Gia Long đã ổn định chủ quyền trên toàn quốc nên có nhiều xuất hiện thêm nhiều nhân vật danh phận, chức tước như Tốn Phong, Trần Quang Tĩnh, Trần Ngọc Quán, và Trần Phúc Hiển lui tới Cổ Nguyệt Ðường của XH làm cho Tao Ðàn mỗi ngày một thêm nhộn nhịp.
Trường hợp nào Tốn Phong gặp XH? Xin hãy đọc đoạn văn trích trong “Bài Tựa Tập Thơ Lưu Hương Ký” của Tốn Phong:
Mùa Xuân năm Ðinh Mão [1807] tôi đến Thành Thăng Long [thi Hương bị rớt]. Nhân cùng bạn là Cư Ðình nói chuyện vế các tài tử xưa nay, bạn ấy nói cho tôi biết cùng tỉnh với tôi có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Ðường Xuân Hương, học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ.
Tôi liền tìm tới hỏi thăm. Khi hỏi đến tên họ mới biết cô ta là em một ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, Huyện Huỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu, mà đã thành ra đôi bạn thân thiết. Trong những khi uống rượu ngâm thơ, kẻ xướng người họa, tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách.
Từ đó, có những lúc tôi phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương thì cũng vì mẹ già, nhà túng mà ăn ở không yên ổn.
Sang mùa Xuân Giáp Tuất [1814, lại rớt thi Hương] tôi tìm tới chỗ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng, vừa tủi. Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương Ký đưa cho tôi xem mà bảo tôi rằng: “Ðây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước tới nay, nhờ anh làm cho bài tựa.” Tôi mở tập ấy ra xem thì thấy những bài thơ năm chữ, bẩy chữ, những điệu ca, phú và từ chép đầy một quyển. Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc lạ lùng, rồi dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái mà trở nên vui thích khoái trá. ...
Sau đó, XH còn giăng mắc tình thơ thân mật với Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tỉnh (1808) và Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán (1815). Cả hai mối tình có lẽ đã đến sau mối tình của quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển cưới nàng về làm thiếp vào năm 1816 và đưa XH về ngụ ở vùng Vịnh Hạ Long.
Ðây là một trong năm bài thơ vịnh cảnh Hạ Long ghi trong Lưu Hương Ký, lời thơ rất trong sáng và trang nhã.
Qua Vùng Hoa Phong
Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong
Ðá đụng bờ son mọc giữa dòng
Dáng nước lần theo chân núi chuyển
Mình lèn lên để lối duềnh thông
Cá rồng ẩn nấp hơi thu nhạt
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc
Ðâu nào là chốn Thủy Tinh Cung?

(GS Hoàng Xuân Hãn dịch)
Sau khi Trần Phúc Hiển bị xử tử hình thì XH quá sầu đau bỏ lên Chùa Hoa Yên ít lâu cho khuây khỏa rồi lại trở về Cổ Nguyệt Ðường để ôn lại những chuỗi ngày đầy kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Hồi ức cuộc đời mình nhiều buồn tủi thương đau hơn là hạnh phúc đã khiến cho XH sớm từ giã cõi đời vào lúc mới 51 tuổi.
Năm 1842, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, theo anh là Vua Thiệu Trị ra Thăng Long tiếp sứ Tầu, có làm 14 bài thơ tứ tuyệt liên hoàn lúc viếng cảnh Hồ Tây trong đó có đoạn việt về mộ của HXH như sau:
Ðầy hồ rực rỡ hoa sen
Sai người xuống hái để lên cúng dường
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng
Son tàn, phấn rữa, mồ hoang
Xuân Hương đã khuất bên hàng cỏ xanh
U hồn say tít làm thinh
Gió Xuân mấy độ vô tình không hay

(GS Hoàng Xuân Hãn dịch)
HXH sinh ra và lớn lên bên đầm sen ở ven Hồ Tây và thường ra đó hái sen. Khi qua đời, mộ bà được chôn cất cũng bên cạnh đầm sen. Cuộc đời của bà như đã gắn liền với hoa sen. Bà là Ðóa Sen Chúa và có một cái gì rất gần gũi với bốn câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Là xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Tóm Lược Một Bài Viết về Thơ Hồ Xuân Hương
Dưới đây là nguyên văn của Huy Phong và Yến Anh viết trong Sự Hiện Diện của Dâm Thơ trong Dòng Văn Học Việt Nam:
Thật ra, nếu cứ gọi hết thẩy là văn chương tráo phúng đề cập ít nhiều đến cái “giống” hay chuyện ái ân đều là dâm thư thì có lẽ vấn đề đầu tiên là phải tách bạch phân chia các tác giả dùng nghệ thuật này để chọc cười đọc giả [HP và YA viết “đọc” chứ không phải : độc”] làm hai loại khác nhau.
1 . Thứ nhất là những người lấy cái “giống” và khai thác những chuyện chung quanh đó như thứ đề tài tích cực để gây cười trực tiếp, trắng trợn. ...
2 . Thứ hai là những nghệ sĩ mô tả những hình ảnh chung quanh cái “giống” như một thứ cảnh tượng nửa hư nửa thực, nửa rõ nét, nửa chập chờn, nửa sống sượng, nửa bâng quơ; một loại màu sắc bóng bẩy; một câu chuyện vui nhẹ nhàng; một đề tài vừa bởn cợt, vừa xây dựng. ...
Ðứng trên phương diện lịch sử văn học mà xét – và nếu có một cuộc trưng cầu ý kiến, hay thăm dò dư luận - để bầu tác giả, thuộc khuynh hướng thứ hai nói trên, có tài chọc cười thiên hạ bằng những bài thơ “tục” một cách thanh tao tài tình nhất, một cách phong nhã vui nhộn nhất, chắc chắn người được giải quán quân sẽ không ai khác hơn là Hồ Xuân Hương (? - ?), tác giả chọc cười một cách ... tục nhứt trong văn học Việt Nam.
Huy Phong và Yến Anh nêu lên hai thắc mắc:
(1) “Hồ Xuân Hương là thi sĩ hay đó chỉ là tên gọi tập thể, một tên chung của người làm thơ, và trong đó có hơn một người đã làm nên thơ Hồ Xuân Hương nhứt định không phải là ... đàn bà?!”
(2) “Thơ Hồ Xuân Hương đã bắt đầu xuất hiện từ thời nào? Nó hiện diện như một thứ ca dao được nhơn gian truyền miệng kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác hay chỉ mới có từ thế kỷ thứ XVIII như một số nhà văn học sử hiện đại đã củ trương?”
Rồi Huy Phong và Yến Anh kết: “Nói chung, đề tài chánh của các bài thơ ký tên Hồ Xuân Hương là số phận của những người đàn bà sống đời ngoại biên, bị xã hội nông nghiệp cổ truyền bỏ quên, nếu không nói là ruồng rẫy, nên đã không thiếu người dễ dãi cho rằng Hồ Xuân Hương là một phụ nữ đa tài, đa tình, và đa ... dâm!”.
ÐỘC HỒ XUÂN HƯƠNG CẢM TÁC
- Hải Bằng.HDB
Ai dựng thi đàn Cổ Nguyệt Ðường?
Ấy Hồ nữ sĩ hiệu Xuân Hương
Ái ân trận chiến đầy trào lộng
Xướng họa giao lưu thật vấn vương
Ngạo nghễ tài hoa Con Tạo ghét
Khiêm nhường chí cả thế nhân thương
Văn chương dí dỏm người cầu học
Bà Chúa thơ Nôm vốn sở trường

 Hải Bằng
 Theo http://www.vietbang.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...