Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam
có khá nhiều câu ca nói về tình cảm của người con đối với cha mẹ ; bổn phận và
lòng biết ơn đối với những đấng sinh thành; mối quan hệ thiêng liêng của tình
ruột thịt… Điều này biểu tỏ rõ ràng rằng, người dân Việt luôn coi trọng chữ
hiếu, chữ nghĩa, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từ thuở nhỏ, tôi đã
có dịp học thuộc nhiều câu ca dao, tuy vậy có đôi câu làm tôi khó hiểu. Lớn
lên, khi được làm cha (và dĩ nhiên cũng đã học được đôi chút kinh nghiệm) tôi
mới tự giải tỏa được thắc mắc. Một trong những câu có ít nhiều uẩn khúc, khó
hiểu đó là:
"Mồ côi cha ăn cơm với cá,
Mồ côi mẹ lót là mà nằm!".
Đọc hai câu này, ai
cũng hiểu được rằng: nếu một người con mất cha sẽ được sung sướng (hay vẫn còn
sung sướng - "ăn
cơm với cá"); ngược lại, nếu bị mất mẹ, thì sẽ bị khổ sở cùng cực (vì
phải "lót lá mà nằm").
Như vậy, theo tinh
thần câu ca dao xưa ,thì cái vai trò, trọng trách, hay bổn phận của người cha
trong sinh hoạt ảnh hưởng, quan hệ với con cái trong gia đình là rất ít, rất mờ
nhạt - nếu không muốn nói là không có gì hay sao? Người cha không biết chăm
sóc, lo lắng, dạy dỗ cho các con mình? Không yêu thương con bằng người mẹ
chăng? Tìm hiểu thêm, chúng ta có thể hiểu, câu ca dao trên được phát xuất từ
hoàn cảnh cá biệt (thiểu số) của một người đàn bà bất hạnh - không có duyên
lành, gặp phải một người chồng thiếu trách nhiệm… đã như thế thì cũng có thể"mồ
côi cha ăn cơm với cá"
Bên cạnh câu hát
ấy, lại cũng có câu hát đáp lại như sau :
"Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất gót con như chì!".
Qua câu ca dao,
chúng ta hiểu được nếu con còn có cha, thì sẽ được rất sung sướng (vì "gót đỏ như son");
mai kia nếu bị mất cha rồi (sống với mẹ) thì sẽ rất khổ sở, sống đời lam lũ,
tăm tối (vì "gót con như
chì!").
Suy nghĩ về câu hát
này, chúng ta cũng phát hiện ra rằng, chính tâm sự gởi gắm này là của một người
đàn ông (hay của người khác biết rõ chuyện) bất hạnh, chẳng may gặp một người
vợ không thủy chung, nhưng gắn bó với gia đình ; thiếu bổn phận chăm sóc dạy dỗ
con cái; để gánh nặng đè lên đôi vai người chồng! (Ca dao: "Mẹ ơi, mẹ bạc hơn gà; con
chưa lẻ mẹ, mẹ đà lẻ con! Mẹ ơi, trái bí còn non; cầm dao mẹ cắt cuột con sao
đành!").
Thực tế trong đời
sống, từ ngàn xưa đến nay, những hoàn cảnh đau lòng như thế không phải là không
xảy ra. Điều quan trọng là, chúng ta phải xác nhận rằng, những cảnh đời thương
tâm, đầy trắc ẩn như thế là rất ít, là cá biệt. Biết rõ như vậy, để càng xác
định, củng cố niềm tin yêu, kính trọng đối với công ơn trời biển của cha mẹ.
Hầu hết các bậc cha mẹ luôn luôn sống vì con cái, luôn hy sinh nhu cầu của
chính mình cho tương lai của các con. Đó là tình yêu thương vô điều kiện, vô
cùng to lớn và thiêng liêng mà mỗi người chúng ta đều được đón nhận từ lúc mở
mắt chào đời.
Ca dao cũng đã lưu
truyền :
"Đội ơn chín chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa!"
"Công cha, nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta…
Nên người - ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao!"
Công ơn của cha và
mẹ đều khó có thể kể hết được, đều to lớn như nhau. Mỗi người đều có một vai
trò,trọng trách riêng nhưng đều xuất phát từ suối nguồn yêu thương con cái vô
bờ. Người xưa đã đưa ra một hình ảnh ví dụ thật thâm thúy :
"Có cha, có mẹ thì hơn
Không cha, mất mẹ như đờn đứt dây"
Cha mẹ được ví như
những dây đờn, mỗi dây có một vị trí, nhiệm vụ riêng, có âm thanh riêng, nhưng
đều góp phần tạo ra âm thanh kỳ diệu cho cây đàn…
Và lại có câu: "Con không cha như nhà không
nóc" - Một căn nhà đúng
nghĩa, đầy đủ, phải có vách, cửa, cột, kèo, nóc, mái… Nhà không nóc thì mưa
nắng sẽ thế nào? Còn mẹ, mất cha cũng là điều bất hạnh (nhà không nóc). Còn
cha, mất mẹ -cũng là niềm khổ đau to lớn!
Suy nghĩ về những
câu ca dao xưa (như nói trên) là để thấu hiểu sâu sắc tâm sự, tình cảm, nỗi
niềm nhắm gửi của bao thế hệ; để hết lòng yêu kính, đền ơn cha mẹ - để trải
lòng cảm thông với biết bao người quanh ta đang bị côi cút, bất hạnh. Hãy đem
tình thương, sự chở che, giúp đỡ đến với họ; để cùng xây dựng một cuộc sống có
ý nghĩa , có hạnh phúc đích thực, bởi vì "dẫu
xây chính đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người!". Hạnh
phúc nhất chính là lúc ta cho đi, chứ không phải nhận về. Hãy mở rộng tâm từ
đến với tất cả…
Báo Bình Định số 1740.
Báo Bình Định số 1740.
Mang Viên Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét