Như chim bỏ đường bay
Vườn sau nhà, Thụy mắc võng
nằm đu đưa nghe chim hót. Chim ở đâu đó thường bay về họp bầy, lẩn trong lớp
lá, hót líu lo buổi sớm mai lúc mặt trời nắng đỏ. Nằm võng, Thụy tìm được cái
thú đong đưa thân như con nhện đong đưa thân trên mạng lưới. Nằm võng, Thụy còn
tìm ra cái thú ngửa mặt nhìn lên bầu trời thấy trời cao và rộng. Nằm võng, Thụy
còn buông thả cái óc não cho nó rong chơi mặc sức vào cõi vô hạn của Thiên Địa
mịt mù tít tắp. Và nằm võng, Thụy nghe chim chóc hót, lá cây chuyện trò, gió đuổi
nhau trong khu vườn như trẻ nhỏ đùa rỡn nghịch ngợm.
Đấy là hồi còn ở bên nhà, Thụy
mắc võng trong vườn cây ăn quả nơi đó, bố Thụy mua đất cất biệt thự vùng ngoại
ô. Xa thành phố, rừng nhãn với quả nhãn lồng mọng thịt, múi mềm và rịn nước. Rừng
nhãn chim chóc thường kéo đến tụ bầy, ca hót chuyện trò khi trời nắng ấm hanh
khô. Võng ngày ở tù, Thụy cũng có một cái võng treo móc hai đầu thân cột, nằm
treo thân đẩy đưa để tìm về quá khứ một thời lính tác chiến. Dĩ nhiên mắc võng
dưới một sàn gác gỗ mà bên trên là tầng sạp có những bạn tù nằm, nhìn lên, mắt
chỉ thấy mặt giường thấp với lớp bụi đóng, Thụy chẳng có thể thả hồn đi xa hơn
ngoài nỗi buồn quanh quẩn như con rệp quanh quẩn khe kẽ hẹp.
Tháng 2 dương lịch. Sau Tết
Tây rồi Tết Ta, thời tiết vẫn còn lạnh. Buổi sáng sớm dậy, đứng ở cửa sổ gác lầu,
Thụy thấy khói của băng đóng trên những mái nhà, khói phủ dòng suối nước bên bờ
con lạch, khói trên những tàng lá cây cối, và khói thở ra từ vài người bộ hành
đi co ro dưới vỉa hè phố thị.
Bên kia trên một nóc tháp
nhà thờ, Thụy nhìn thấy bóng những con chim trời sải cánh bay liệng. Chim hải
âu. Chim sống ở biển trốn tuyết đã bay về thành phố. Năm nào cũng vào tháng
này, loài chim đó xuất hiện với bộ lông trắng của chúng. Nếu không thả theo
gió, chim đáp xuống đậu ở bãi cỏ trong khu công viên, trong bến đậu xe trước
thương xá, trên mái nóc nhà cư dân ở. Chúng kêu la quang quác, nghển cao cổ,
nghe có lúc như gào.
Vườn sau nhà đất không rộng,
dù vậy Thụy cũng cố thực hiện được hai cây cột làm trụ để treo móc võng. Mé sau
sân, cách một hàng rào bằng gỗ, bên đó có một rừng táo với cây cối trồng thẳng
tăm tắp. Mùa này, dưới gốc những cây táo chưa ra quả, cỏ và hoa cúc mọc đầy.
Hoa cúc có cúc trắng sen lẫn cúc vàng. Nằm đu đưa võng, Thụy đôi khi thấy vài
con quạ đen bay vụt đến. Đậu ở cành hay sà xuống đám cúc lượm mổ sâu, chốc chốc
ngứa cổ la. Nằm ở võng, Thụy cũng còn nghe được tiếng chim chóc ríu rít chuyện
trò. Có con hót. Hót lảnh lót như tiếng phong cầm mà từ cung âm réo rắt đó, đường
đi của âm thanh hình tượng điệu múa của một con rắn đang ngúc ngắc đầu. Có tiếng
hót giọng khàn khàn đục của một con chim cất lên khiến Thụy nghĩ đến một ông
già ho hen nổi cơn, khục khặc nơi cần cổ. Ở một nơi phố thưa thớt nhà, vắng vẻ
xe cộ, cái im ắng vắng lặng với đất hoang và cây cối mọc, chim chóc đã bảo nhau
kéo về họp bạn đông và vui. Mùa này đang vào Xuân. Dù rằng tiết trời còn lạnh,
có hôm đến giữa trưa, mặt trời mới thấy ló mặt. Không có nắng, ấy là bởi lớp
sương mù dầy đặc quá, chúng che vầng ô như bọc tã lót cho ông. Rừng táo chưa tới
mùa táo, có những con sóc nhẩy nhót với cái đuôi cong cong, đôi mắt nhỏ và đen
hột nhãn, cái mõm dài và nhọn, chúng như con nít ưa thích nghịch ngợm leo trèo.
Thụy nằm ở võng treo nơi khu vườn nhìn ra thấy chim, thấy hoa cúc và thấy cả những
chú sóc bé bỏng dễ thương ấy. Nếu là đêm lúc khuya thật khuya, Thụy còn nghe ở
miệt xa nơi cuối rừng trồng táo, có tiếng nước suối chảy. Suối mùa này thủy lượng
sau nhiều cơn mưa lũ, mực nước dâng cao ở vực lưu mé trên. Đầy thì đổ về chỗ
trũng như san sẻ cho nhau cái đầy mà ở thượng nguồn có được. Khác với chim,
chim có cánh thì bay bổng lên cao, nước không có cánh lại loãng nên nước hóa
thân thành loài rắn bò, bò đi theo đường lạch rãnh của con suối. Có đêm Thụy mất
ngủ vì nghe tiếng nước suối kêu réo khiếp quá. Lụt có năm đã sẻ đôi bờ đập kéo
nước tràn vào rừng táo làm úng thủy mất mấy ngày. Liệu nền đất nơi ngôi nhà của
Thụy ở, ghếch trên sườn mép, ngôi nhà đó có đứng vững nổi trước những
mũi khoan xoáy của nước đục khoét ngầm. Ở El Salvador, trận địa chấn đã đi
qua những ngọn đồi mà ở đó có nhà dân ở, vỏ đồi chỉ cứng lớp mặt trên, bụng đồi
đã biến thành đất nhão, khi chấn động đi qua cắt rãnh nứt, nhà cất trên vỏ đã đổ
xuống rồi trôi tuột đi. “Earthquake” với 6 chấm rưỡi, chỉ trong khoảng khắc
không đầy vài giây, trên 1000 người đã bị táng mạng dưới đất, đá và bùn. Mới
đây, ở Haiti, với 7.0, động đất đã xẩy ra làm nhà cửa trong thành phố đổ, vô số
người đã bị chôn vùi dưới lớp gạch đá và bê tông. Đọc tin tức báo chí đăng và
đài truyền hình chiếu, Thụy hay bị ám ảnh bởi những cái lẽ ra Thụy phải quên
ngay nó đi.
Thụy sang Mỹ được 5 năm thì
vợ chồng bất hòa. Giải pháp ly dị là con đường cuối cùng và cũng là cách tốt nhất
để Uyên và Thụy chấm dứt những trận cãi cọ thường xuyên xảy ra. Ở với nhau, cả
hai khắc khẩu, tâm tính dị biệt, ở vậy không thể ăn đời ở kiếp được. Mùa Xuân
năm đó, Uyên đi hội Tết đã gặp người tình cũ. Rủ rê, quyến rũ, Uyên chán Thụy
nên bỏ Thụy để rồi lấy Khanh. Thụy mang vết thương đau kể từ đó khi mất vợ. Bà
chị lấy chồng Mỹ ở với chồng nơi ngôi nhà trên sườn ngọn đồi. Bà chị thấy cảnh
em lêu bêu giữa chốn bụi đời thì ngửa bàn tay đón Thụy về sống chung có chị có
em. Người chồng Mỹ của chị hiền và tốt. Ông chấp nhận sự có mặt của Thụy trong
gia đình coi Thụy như là người em ruột thịt. Ngã té gẫy ống xương chân, ông lo
ngay cho Thụy được ăn tiền tàn tật. Từ đó, Thụy quanh quẩn ở nhà với tiền cấp
dưỡng hàng tháng của sở xã hội.
Mùa Xuân là một trong bốn
mùa được coi là đẹp. Đẹp với chim chóc hót, hoa nở rộ cành, thời tiết ấm áp, có
nắng vàng, có gió nhẹ. Nhưng mùa Xuân đối với Thụy vẫn chỉ là mũi nhọn của những
cái gai đan kết đội trên đầu Chúa. Dù cố quên nhưng chẳng thể quên được, Thụy vẫn
có lúc ngồi nhìn về quá khứ, thấy ở quá khứ có hình bóng Uyên. Người đi qua đời
Thụy để lại cho Thụy những đớn đau rớm máu của vết thương lở loét khó chữa trị.
Người đi qua đời Thụy như một trận bão quét qua thành phố để lại nhà cửa đổ
nát, cây cối gẫy gục, bảng và đèn đường bay, tổng kết thiệt hại về người và vật
chất do bão hoành hành.
Tìm đến thiên nhiên để quên
lãng, Thụy thích nằm võng đu đưa nghe tiếng chim. Chim hót trong rừng táo. Và,
rừng táo chưa ra táo nhưng cúc cánh trắng và vàng, mầu trắng và vàng chạy từ sườn
đồi xuống đến gốc những cây táo trong vườn người chủ dân gốc Mễ.
Đôi khi rảnh rỗi, chồng chị
bước ra sân đến ngồi chuyện vãn với Thụy. Một người đàn ông ít nói, mặt như lớp
băng lạnh, hiếm hoi thấy nụ cười trên đôi môi. Nhưng bản tính tốt, chồng của chị
chưa một lần làm Thụy phật ý buồn lòng. Bởi thế, ở chung nhà với ông ta, Thụy
đã ở lâu được mà không bao giờ nghĩ đến chuyện dọn đi nơi khác. Bỏ đường bay
xa, Thụy như con chim thương tật đôi cánh vỗ, thì cứ nhẩy luẩn quẩn trong đám bụi
gai, kêu tiếng kêu khản.
Năm nay, lạnh đậm. Thời tiết
hình như bất thường. Tháng 1, mặt trời hiếm hoi mọc. Buổi sáng nặng sa mù. Mù đặc
đến nỗi phố xá, cây cối, nhà cửa biến đi đâu mất. Nghe chồng chị than thở, xe
lái ngoài xa lộ lái như người mù vì trong khoảng cách ngắn, đường còn thấy, khoảng
cách dài, mù phủ trắng như bông tuyết vụn. Do lạnh đến sớm, ông còn nói những
cây hoa mai và hoa đào, nụ hoa nở lưa thưa. Đúng ra, mọi năm dọc con đường ông
đi đến hãng, cây cối đó đã vỡ hoa đầy cành. Cả đến cúc, giống cúc dại vào tháng
này đúng ra phải vàng hay trắng suốt một vùng sườn đồi hay trên những bãi đất bỏ
hoang.
Những câu chuyện xem ra chẳng
có gì đáng nói cả. Thế nhưng lúc ngồi bên nhau, không thể cứ im lặng mãi được,
thì bới nó ra để nói cho có. Khi đã sạch nhẵn đề tài, chồng chị nhích cái ghế
qua một bên, đứng dậy rồi đi vào nhà. Qua kính khung cửa, ở nơi phòng khách,
cái đầu hói, cái trán nhẵn của ông anh rể rực rỡ sáng dưới ngọn đèn có phễu chụp
tỏa xuống. Ông ngồi đó đọc một tờ báo. Tờ báo vào lúc sớm mai được người đi
giao báo quăng rớt trước cửa ngôi nhà. Bà chị dậy đun nước pha cà phê, từ bếp
ngó ra mé phố, thấy báo thì mở cửa lượm báo đưa cho chồng.
Thấy em lủi thủi một thân một
mình, chị thương em lân la đến ngồi trò chuyện. Chuyện đẩu chuyện đâu được chị
lôi ra kể. Có lần vừa kể chị vừa ứa nước mắt khi nhắc đến lần đưa người chồng mới
cưới về Việt Nam thăm bố mẹ. Chị nói trong nỗi xúc động bảo rằng:
“Mẹ đón con rể như đón người
dưng nước lã. Bố chìa bàn tay ra bắt tay người lấy con mình lạnh lùng với đôi
con mắt không mấy thiện cảm. Cái đau đớn đó đã dằn vặt chị, hành hạ chị, dù nhiều
lúc chị muốn cố quên nó đi. Sao bố mẹ lại nỡ lòng sua đuổi chị chỉ vì chị lấy một
người ngoại quốc làm chồng. Bố Mẹ đâu biết rằng kể từ khi sang đây, người con rể
do bàn tay của bố mẹ gầy dựng đã quay mặt nhạt lòng bỏ chị đi theo gái. Bố Mẹ
cũng đâu biết chị sống vất vưởng suốt những năm cô đơn, tựa vào đâu trước cuộc
đời phiêu bạt trên vùng đất lạ. Anh ấy là người Mỹ. Đúng là người Mỹ nhưng một
người Mỹ có bản tính tốt. Dù anh ấy già, nhưng tâm hồn anh ấy không già. Chị cảm
nhận ra điều đó nên chị đã yêu anh. Yêu lòng ngay thẳng chân thật, yêu một người
đã dâng trọn trái tim cho mình”.
Kể ra được, chị của Thụy
hình như đã vơi bớt muộn phiền. Tội nghiệp chị, chị như đám bèo trôi lạc dòng
giữa những ngọn sóng đánh, cho nên gặp bờ bãi nào rạt vào được, cánh bèo tạm
táp gửi thân. Giữa Thụy và chị, cả hai đều mang một nỗi buồn. Thì cứ san sẻ cho
nhau như nước hai bên bờ, đầy thì đưa qua sớt lại. Thì cứ chia nhau những chua
sót đắng cay như chia nhau niềm vui của đời người lúc này lúc nọ. Chính vì thế,
chị chị em em đã kẻ tung người hứng quả “ba-lông” trong cuộc chơi bắt bóng cái
thuở ấu thơ năm mười ba tuổi.
Mùa Xuân những buổi sớm mai
nằm đu đưa võng, tai nghe tiếng chim hót, mắt nhìn ra rừng táo có hoa cúc nở,
Thụy lặng lẽ trầm ngâm như một nhà thiền. Thiền để hồn loãng vào hư vô, để nhập
vào cõi tĩnh mịch, để quên xác thân bụi bậm của chính mình. Chính những lúc đó,
Thụy ngồi nghe lá trên những cây cối chuyện trò. Lời của bản nhạc trong cuốn
băng nhựa chị mua về, Thụy mở ra cho chạy. Đấy là lời tự tình trăn trối của một
cuộc tình trắc trở lúc họ xa nhau. “Tình yêu như trái chín/ Trên cây rụng rời/
Một mai thức dậy/ Chuyện trò với lá cây/ Rồi buồn như lá bay/ Một dòng sông nước
cuốn/ Một cuộc tình không may”.
Lòng chùng võng như trời hạ
xuống cơn sa mù lúc chiều tìm về núi, Thụy nghe âm vang trong óc não những lời
nhạc ủ ê buồn bã của tiếng con chim lẻ bạn hụ. “Cuộc tình bay cao vút/ Như chim
mỏi cánh rồi/ Như chim xa lìa bầy/ Như chim bỏ đường bay”. Giữa Thụy và Uyên,
ai là con chim bỏ đường bay. Uyên không bỏ đường bay nên vẫn bay xa thật xa,
bay theo con chim khác trên bầu trời rộng.
Sau bữa theo anh chị lên
Linh Sơn Tự, Thụy một hôm bỗng nói với người chị là:
“Ngôi chùa trên cao núi đó
thật tĩnh mịch há chị”.
Nghe thì gật đầu, chị của Thụy
chỉ phụ họa:
“Nơi tu tâm hành đạo, chùa
phải thật xa trần thế mới tĩnh mà tu được. Gần với thiên nhiên, lòng kẻ tu hành
không còn vẩn đục cái cõi đời người tục lụy”.
“Chị nói đúng. Đêm qua em nằm
thao thức trằn trọc, có một lúc em nghĩ em muốn gửi thân ở chốn cửa thiền”.
Chị Thụy mở tròn hai
con mắt:
“Em chớ nên rỡn chị mà nói
như thế. Dù chỉ là một lời nói rỡn thôi, sao nghe xong chị đã thấy lòng chị
không vui rồi”.
“Em không nói rỡn đâu. Em muốn
đi tu thật mà chị”.
“Lẽ nào em lại cũng bỏ chị nữa
sao. Bố Mẹ đã ruồng rẫy chị, chị đau bầm rập bấy nay rồi, em còn muốn cho chị
mang thêm vết thương khác nữa đây chắc. Hay anh rể của em đã có điều gì làm phật
lòng em chăng”.
“Không. Anh là người rất tốt.
Em không dám phủ nhận cái tốt của anh ấy đã đối xử với em. Chuyện em muốn đi tu
là bởi em muốn tìm một con đường để thoát ra cái bế tắc của đời em. Đi tu để mở
lối khai lộ cho em hồi sinh phục thế. Lâu nay rồi, em ví mình như thân mộc khô,
cây khô vì thiếu nước cạn nhựa. Cửa chùa may ra sẽ như nước mưa tưới tắm thân gốc,
biết đâu cây nhờ đó mà sống lại để ra lá, trổ bông. Đừng ngăn em bởi lẽ em đã
thấy cái ngọn đèn sáng cuối đường hầm. Những sách Phật chị đi chùa đem về, em
đã đọc hết và còn đọc kỹ nữa. Khai sáng từ chữ nghĩa, từ tư tưởng nhà Phật, em
biết em không lựa chọn lầm lẫn đâu”.
“Nếu em đã quyết, chị không
dám can ngăn nữa. Nhưng em mới nói mà chưa lên chùa tu, chị đã cảm thấy lòng dạ
đau sót rồi”.
Chí đã quyết, tâm đã định,
Thụy tìm đường tu để giải thoát cái bế tắc cuộc đời. Ở núi, chùa nơi đỉnh ngọn,
Thụy nghe kinh kệ, thấm nhuần Phật pháp, hồn nhẹ thênh thang. Khổ đau, phiền muộn
dường như được phép mầu nhiệm tẩy sạch, lòng trần rũ bụi, tâm sáng, ý thanh.
Chim mỗi sáng vẫn thường rủ nhau đến cây thụ già đứng cọ mỏ chuyện trò. Và rừng
thì bao quanh, dang vòng tay rộng, ôm ngôi cổ tự như mẹ ôm con. Tĩnh mịch lúc
khuya khoắt đêm tối, vầng trăng sáng nom như một cái mâm bạc treo lơ lửng trên
nền trời bàng bạc. Ở nơi chính điện thờ, lời kinh ê a của vị sư trụ trì nhịp
theo tiếng chuông thỉnh và mõ gõ câu Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật trầm trầm
và buồn.
Như mây bay, hồn Thụy như
mây bay, kể từ đó không còn bận lòng vương vấn cõi trần thế. Tu là cõi phúc.
Tình là dây oan. Thụy đang tìm cõi phúc. Cõi đứng ngoài “Hỉ-Lạc-Ái-Ố” và
“Tham-Sân-Si”. Cõi vô thường vô ảnh vô hình. Thấy chỉ thấy bằng Tâm Thức. Đó là
Vầng Hào Quang của Ánh Đạo Vàng. Đó là Phật. ĐẤNG đã bỏ lầu vàng gác tía, địa vị,
vợ đẹp con khôn, để đi tu và để Cứu Khổ Cứu Nạn cho nhân thế. Kinh sách ghi
chép để lại, Thụy đã đọc kinh sách đó để hiểu về Đạo. Đạo của NGƯỜi đã khai
sáng cái u tối cho con người trần thoát ra khỏi kiếp nghiệp chướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét