Tiếng hát và du thuyền trên
sông Hương
Tiếng hát
và du thuyền trên sông Hương là nét đẹp kỳ thú của xứ Huế. Trên sông Hương có
hai chiếc cầu bắc ngang: cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền nhưng trước đây người
dân Huế thường có thói quen đi đò ngang. Bến đò ở dưới gốc cây bồ đề cổ thụ, nằm
đối diện với trường Đại học Sư phạm Huế. Một hôm, tôi và nữ giáo sư Trung Quốc
thử ngồi đò sang ngang một chuyến. Trên đò đã có mấy người; thấy chúng tôi bước
xuống cô lái đò áp đò sát bến, mời chúng tôi lên đò.
Hương Giang thật trong
xanh, cá lượn lờ và rong rêu dưới đáy trông rõ mồn một, dường như tôi không hề
cảm thấy nước sông Hương bị ô nhiễm. Đò ra giữa sông thì chiếc thuyền rồng chở
khách vừa lướt tới. Trên thuyền đều là du khách người phương Tây, họ có đôi mắt
xanh mái tóc vàng trông thật đẹp. Họ chào chúng tôi: “hello” (hêlô), dường
như họ xem chúng tôi là người Việt Nam vậy, trong lòng chúng tôi dấy lên một
chút khoái cảm. Lại một chiếc thuyền nhỏ xuất hiện ở chỗ khúc quanh dòng
sông, thuyền chất đầy rong rêu để về làm thức ăn cho gia súc, thuyền muốn chất
đầy nữa đến nỗi thuyền muốn chìm xuống mặt nước. Thuyền lướt tới gần, trước mắt
tôi là người phụ nữ già cầm chiếc cào bằng sắt từng nhát từng nhát nhịp nhàng
vục mạnh xuống đáy sông vớt rong rồi tấp lên thành đống to trên khoang thuyền.
Dưới sông còn có một cậu thiếu niên da ngăm ngăm đen đang lặn ngụp xuống để vớt
rong. Đống rong rêu to trên khoang thuyền là thành quả lao động của một già một
trẻ, họ lao động thật nhịp nhàng, có tiết tấu trên dòng sông này.
Tôi nhìn thấy cậu thiếu niên hướng tới chiếc thuyền rồng chở khách nước ngoài và bắt chước nói "hêlô". Vẻ thần sắc đắc ý của cậu bé hiện lên trên khuôn mặt khiến chúng tôi không nhịn được cười. Lát sau một chiếc thuyền thúng nhỏ bện bằng tre, dài khoảng một thước tây, được quét một lớp dầu hắc đen bóng loáng, vừa vặn một người ngồi hai tay cầm hai mái chèo nhỏ khoát khoát đều tay đẩy thuyền đi về phía trước. Loại thuyền thúng nhỏ quét dầu hắc đen này thật hiếm thấy ở bên nước tôi. Rồi một chiếc thuyền mũi nhọn mà dài chở cát. Hai cô gái đầu đội nón lá, bận áo rộng đứng hai đầu phía mũi và lái, đang nhịp nhàng chèo thuyền. Ánh tà dương chiếu qua khuôn mặt trăng tròn, gió xao động thổi lay lay ống tay áo rộng, nhìn xa xa tưởng như hai tiên nữ xoè đôi cánh múa nhẹ nhàng bay bay giữa khung trời màu lam vô tận, trông thật duyên dáng biết chừng nào! Huế là một thành phố Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá Trung Quốc. Bên bờ sông Hương có một ngôi đình, bia đá trong đình khắc bài thơ chữ Hán "Hương giang hiểu phiếm" theo thể thơ Đường luật của vua Thiệu Trị. Bài thơ viết rằng:
Dịch âm:
Nhất phái uyên nguyên hộ đế thành Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh Ba bình xuân thuỷ lung yên sắc Chu trục thần phong động lỗ thanh Thiên tửu vị can nhu ngạn thụ Sơn hoa do luyến kết vân anh Kỷ hồi hà hiết thương lang khúc Song khuyết phương thăng nhụy nhật minh
Tạm dịch: Ôm
lấy kinh đô nước uốn dòng
Thả thuyền ban sớm nhẹ thong dong Dòng xuân sóng lặng trùm hơi khói Nhịp mái thuyền xuôi phủ gió rung Cây cối vấn vương sương vẫn đẫm Cỏ hoa quyến luyến mây còn ngưng Bao lâu nào rõ dòng chưa dứt Đã thấy trời đông hưởng ánh dương (Thư Trung dịch) Thành phố Huế có trung tâm dạy ngoại ngữ ở phía Nam sông Hương, hàng đêm có hàng trăm người theo học Trung văn. Phía Bắc sông Hương có khoa Trung văn trường Đại học Sư phạm Huế, hàng ngày nghe giọng đọc âm Bắc Kinh thật rõ. Ở Huế tôi thường đi bách bộ dọc bờ sông Hương. Người dân địa phương biết tôi là người Trung Quốc, họ thường đến hỏi chuyện, có lúc mời tôi về nhà chơi nữa. Hương Giang ơi! người là minh chứng cho tình hữu nghị Trung - Việt đấy! Ấn tượng khó quên nhất là đêm trên sông Hương. Vào buổi tôi ánh nắng đã tắt dần, đèn hoa đăng chiếu sáng. Hàng chục hàng trăm thuyền rồng lướt nhẹ trên sông Hương với ánh đèn toả sáng như giải ngân hà lấp lánh màn bạc. Đèn ở các quán xá hai bên bờ sông Hương chiếu xuống hoà với ánh đèn trên mặt nước tạo thành một màn bạc lung linh huyền ảo. Vào khoảng hạ tuần tháng 5 năm 1994 thầy hiệu trưởng và các thầy hiệu phó trường Đại học Sư phạm Huế dẫn chúng tôi đi chơi thuyền rồng và nghe ca hát trên sông Hương.
Nhìn kỹ thì thuyền rồng Việt Nam không giống thuyền rồng Trung Quốc. Bởi lẽ
cái đầu rồng của thuyền Việt Nam thiếu đi vẻ uy dũng mãnh liệt mà có khuôn mặt
ôn nhu hiền từ, khiến cho du khách cảm thấy thân thiện, gần gũi hơn. Chúng
tôi bước lên thuyền sau vài phút khách, chủ chào hỏi nhau, thì đêm biểu diễn
bắt đầu. Hầu hết các tiết mục là hát dân ca và khí nhạc Việt Nam. Để hoan
nghênh những người khách nước ngoài chúng tôi, tốp dân ca dùng đàn bầu độc tấu
bài "Bến Thượng Hải" quen thuộc mà kênh truyền hình thường biểu diễn.
Tiếng đàn bầu trầm lắng, khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng thân thiết. Là một
học giả Đường thi tôi rất hứng thú khi nghe người Việt Nam ngâm bài "Đề
đô thành Nam Trang". Người biểu diễn là một cô gái Huế yểu điệu, bận áo
dài trắng có khuôn mặt hiền từ. Cô ta thật sự tiêu biểu cho phái đẹp nữ điển
hình Việt Nam. Cô ngâm bài thơ bằng âm Hán - Việt, từng chữ, từng câu nghe thật
rõ ràng mạch lạc. Ngoài trời dưới ánh trăng vằng vặc, dòng sông Hương tĩnh lặng,
bốn chung quanh chỉ có ánh đèn hoa sen toả sáng, nhẹ nhàng trôi nổi trên mặt
nước sông. Hương giang ơi! tôi chân thành cảm thụ được vẻ đẹp phong vận độc
đáo của nàng mà không có gì có thể thay thế được.
Thầy hiệu trưởng còn cho chúng tôi biết rằng buổi biểu diễn đêm nay là thuộc về một nhóm câu lạc bộ dân ca nhỏ. Tôi đưa mắt tính nhẩm thì cả thảy có 8 người: 5 nam 3 nữ; họ là thành viên tài năng của Câu lạc bộ dân ca Huế. Ngoài ra còn có hai nữ ca sĩ trẻ hơn một cô bận áo dài đen, một cô bận áo dài vàng, họ biểu diễn bài "Lý mười thương" và bài "Huế đáng yêu". Tất cả họ họp lại thành 10 danh thủ, đó là những cô gái, chàng trai đáng yêu, đặc sắc của thành phố. Thuyền rồng dần dần cập bến chúng tôi lên bờ vừa vặn đã 12 giờ đêm. Dưới ánh trăng mênh mông bên dòng Hương Giang mờ mờ đứng trên cầu Phú Xuân tựa vào lan can, bất giác một vần thơ chợt hiện ra trong đầu óc tôi: Dịch âm: Triêu kiến Hương Giang bích Mộ kiến hương thuỷ u Liên đăng tự nhi thời Long chu ức cố khâu Nan vọng thính ca dạ Cầm thanh vạn ban nhu Độc lập trường kiều bạn Ái thử dị quốc lưu Tạm dịch: Sớm ngắm sông Hương trong như ngọc Chiều thấy Hương giang vẻ hơi mờ Đèn hoa sen kết như ngày nhỏ Rẽ nước thuyền rồng, nhớ gò xưa Ta nỡ quên sao, đêm nghe hát Tiếng đàn bầu ai, mãi ngâm nga Bên cầu một mình ta đứng ngắm Nước bạn ta yêu, lúc xa nhà. (Trích dịch bài "Thuyền và tiếng hát trên sông Hương" trong cuốn "Truyện truyền thuyết và phong tục Việt Nam" bằng tiếng Trung Quốc của Học Viện Sư phạm Quảng Tây).
MAO THUỶ THANH là Giáo sư Trung Quốc ở Học viện Sư phạm Quảng Tây, thỉnh giảng tại ĐHSP Huế
năm 1994.
12/2002
NGUYỄN XUÂN HOÀ dịch
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét