Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

“Trời còn vương nắng…”

“Trời còn vương nắng…”
Buổi sáng…
Vốn dĩ là người ngủ dậy trễ nổi tiếng vì cái nghiệp khó ru giấc ngủ vào đầu đêm, vậy mà không hiểu sao sáng nay tự nhiên tỉnh táo lạ, nhờ thế mà tôi mới có dịp dậy sớm trước để pha trà, cà phê cho Thầy mà không bị đánh thức nhắc nhở như mọi khi.
Nhấp ngụm trà nóng, nhâm nhi miếng bánh quy lạt, đưa mắt ra sân vườn đón chào những ánh nắng đầu tiên trong ngày, cảm giác lâng lâng mới lạ, thật là thi vị. Vậy là tôi được cơ hội ngắm nhìn cảnh bình minh ở Mật gia, nơi tôi cư ngụ đã nhiều năm qua. Ngẩn ngơ với vẻ đẹp chầm chậm của bóng tối lùi dần nhường chỗ cho vầng thái dương tỏa sáng để làm rõ nét hơn những cảnh vật xung quanh, bất giác tôi nghĩ đến đạo trình giác ngộ cũng như thế!
Cũng là cây Phượng vĩ của mọi ngày, kia là những cánh hoa Ngọc Lan màu trắng thoang thoảng mùi hương, còn Mật giáo đài sừng sững đứng đó từ lâu lắm rồi nhưng sao hôm nay như là được làm mới lại trong buổi sớm tinh tươm. Những tia nắng nhẹ nhàng xuyên qua cành lá  đong đưa trong làn gió, như khẽ chào người bạn lười biếng đến nay mới gặp.
Những hình ảnh này gợi trong tôi nhớ lại những câu chuyện thần tiên thuở nhỏ, và gần đây nhất là những lời thầy hay luôn ẩn dụ, đối với những chúng sanh  đến được với Phật pháp từ sự khổ đau và chướng ngại của cuộc đời “người từ bóng tối bước ra ánh sáng”.
Phần nhiều trong chúng ta là nằm trong hoàn cảnh ngữ nghĩa này vì như lời của Đức Liên Hoa Sanh khai thị : “gặp bất hạnh và khổ đau cho con đức tính hướng sự quan tâm về Pháp” (161). Còn lời dạy của Đức Phật  trong 20 điều khó được : “giàu sang khó học đạo”, vậy là chúng ta “nhờ khổ đau” mà khao khát tìm giải thoát. Nhưng sao chúng ta may mắn hơn những người “khổ đau” khác trong khi họ cũng muốn mong cầu hạnh phúc, “khi được thân người mà lại có niềm tin và trí thông minh, thì sự thật là, việc tu tập trong kiếp trước của con đã được đánh thức do nghiệp tương tục” (giáo lý Dakini/121). Lời khẳng định của Đức Liên Hoa Sanh làm  chúng ta tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào nhân quả. Nhờ có duyên lành sâu dầy nhiều kiếp mới có cơ hội tìm đến được chánh pháp và vị Thầy truyền pháp đích thực, để nhận ra được “đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là phương pháp diệt khổ, đâu là cảnh giới thoát khổ”.
Tâm trí tôi đang miên man trôi theo dòng sông của pháp, thì Thầy đã dậy và đứng sau lưng tự lúc nào mà dường như đọc được cả những suy tư của tôi, Thầy vang lên giọng trầm ấm quen thuôc:
Đã qua rồi những đêm dài lạnh cóng, mặt trời lên chưa hết bóng mù sương.
Đã qua rồi những tháng năm lửa bỏng, cuộc đời ta đâu bỗng chốc hóa thiên đường.
Đúng như vậy, nhìn cuộc sống mưu sinh của các đạo hữu Mật gia vẫn còn đó nhiều vất vả, bấp bênh, bệnh tật vẫn thỉnh thoảng ghé thăm, làm cho tôi chạnh lòng xao xuyến trước những hoàn cảnh như vậy. Những đạo hữu Tiềng Giang luôn phải dậy từ tờ mờ sáng để đi làm đã vậy mà còn làm việc trong một môi trường nhiều ô nhiễm, những đạo hữu không làm ở xưởng cá mắm thì cũng khó nhọc để có được những đồng lương ít ỏi . Còn những đạo hữu miền trung tuổi đã cao nhưng vẫn nai lưng với công việc đồng  áng… (nên tôi mong có giấc mơ mình là tỉ phú).
Nhưng nhìn họ nét mặt luôn hoan hỷ với cuộc sống hiện tại mà không than oán trách hờn (than trời trách đất về thân phận của mình như những chúng sanh không tu tập hay ca cẩm). Nhờ đâu mà họ xả ly được như vậy? Nhờ đã trải qua bao năm tháng thực hành pháp dần dần bước qua bóng đêm của vô minh tà kiến, các huynh đệ chúng ta thấm đẫm những lời dạy của các thánh tăng qua sự truyền tải của vị Thầy, mà hoan hỷ đón nhận những khó khăn trước mắt “khi hố khốn khổ đầy tràn vào lúc con cố gắng tu tập về mặt tinh thần, thì sự thật là nghiệp xấu và sự vô minh của con đang được tẩy trừ” (Giáo lý Dakini/121)
Cũng vì muốn các học trò được hun đúc vững chãi với thất thánh tài đầu tiên là niềm tin vào giáo pháp, mà buổi sáng nào Thầy cũng  luôn cặm cụi bên chiếc máy tính viết lên những trải nghiệm tâm linh của mình: “mặc dù chúng ta đã đến với ánh sáng Phật pháp tuy những khó khăn chướng ngại vẫn còn đó nhưng nó không là mãi mãi, vì nghiệp xấu giảm dần thì tất nhiên ơn phước ngày càng tăng trưởng (hữu lậu: tiêu tai, tăng ích, kính ái, hàng phục, câu triệu); (vô lậu: phiền não giảm dần, giải thoát sinh tử), tự lực hành pháp, tha lực hộ trì. Chỉ cần các trò mở rộng cánh đồng của lòng sùng mộ Đạo sư, những cơn mưa ơn phước sẽ đổ  xuống”… Tách cà phê, ấm trà nóng nguội dần theo những dòng thư tâm huyết….
Buổi trưa…
– Mời Thầy ra dùng cơm.
– Tôi không thể dùng cơm ở ngoài phòng khách được vì nắng gắt nên rất nóng nực.
Mãi lo tập trung vào “ông Táo” để có được buổi cơm trưa tươm tất mà tôi không hay mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Lời “nhắc nhở” của Thầy làm cho tôi nhận ra và giật mình nhớ lại trời đã vào mùa khô, hơn nữa phòng khách nằm về hướng Tây vậy là hứng trọn ánh mặt trời. Ở miền Đông Nam bộ này cái nắng càng trở nên gay gắt hơn, tuy ở trong nhà nhưng tôi cảm nhận sự nóng chan chát đến hoa cả mắt mỗi khi nhìn ra ngoài sân. Trong lòng thương cảm nhớ lại hình ảnh những em nhỏ phải đi bộ cả buổi trưa trên con đường làng mỗi khi tan học về, những người thợ xây đen nhẻm thấm đẫm mồ hôi nhưng vẫn phải làm việc không lơi tay, trời nắng cứ mặc trời nắng… … còn Thầy lại bắt đầu vào mùa ngày hai buổi tưới cây trong vườn.
Nắng rất cần cho sự sống của con người, động vật và cả cỏ cây, nếu không có ánh nắng mặt trời thì không thể duy trì sự sống. Nhưng nếu sức nóng của nắng quá cao thì cũng lại là sự hủy diệt, nên đã có bao lần trên thế giới xảy ra nạn cháy rừng, những mạch nước ngầm bị khô cạn. Vậy là sự “nhiệt tình quá mức” của nắng lắm lúc cũng gây tác hại không nhỏ làm chúng ta phải chán ghét.
Ngẫm đến hình ảnh này đối với những hành giả sơ cơ mới vào con đường tu tập cũng vậy. Sự “nhiệt tình quá mức” của chúng ta cũng gây hại không nhỏ cho mình và cho người. Có những người mới thực hành pháp thời gian ngắn chưa trải nghiệm được gì, mà vội vàng khoe khoang cho rằng mình “tốt hơn, thanh  tịnh hơn” những người trong gia đình mà không tu, và dễ dàng buông lời chỉ trích “thế này không đúng, làm thế kia là mang tội”, đâu biết rằng chưa làm được cho chúng sanh an vui mà ta sẽ còn bị mọi người xung quanh tẩy chay không muốn đến gần. Nếu họ là cha mẹ càng tệ hại hơn, họ sẽ dùng áp lực cản trở sự tu tập của ta vì nghĩ rằng con mình không bình thường. Vì vậy mà không ngẫu nhiên Đức Liên Hoa Sanh khuyến cáo những hành giả sơ cơ cần phải giữ 4 điều:“niềm tin kiên cố, không mảy may nghi ngờ, giữ kín chuyện tu tập, tinh tấn hành trì”.
Có những lúc chúng ta không vì “cái tôi” hơn thua, nhờ đã được vị Thầy giảng dạy pháp Bồ Đề Tâm,mà khởi niệm được một ít trong cái tâm thương xót chúng sanh mà nói  pháp. Trong khi bản thân chúng ta chưa đủ lực kính ái, hàng phục, đạo hạnh, đạo phong (sự thực hành pháp còn quá ít, chỉ có thể thực hành Bồ Đề Tâm nguyện), không đủ khả năng quán xét những ai có căn lành sâu dầy với Phật Pháp, nên sự “nhiệt tình quá mức” có thể sẽ dẫn đến tình trạng họ cho rằng chúng ta chỉ “huyên thuyên” mà buông lời phỉ báng giáo pháp, phỉ báng Đạo Sư, vô tình đã hại chúng sanh trong tương lai rơi vào các cõi thấp mà chính ta gây nhân vì thiếu hiểu biết, tin vào tâm ý của mình. Còn bản thân chúng ta ngày càng phiền não, bực bội vì cứ nghĩ rằng chúng sanh thật là “vô tâm, cứng lòng với sự quan tâm của mình”, lâu ngày chúng ta thối thất tâm Bồ Đề  mà vừa mới có duyên lành được vị Thầy gieo mầm trong tâm thức, vì đã rơi vào lỗi trong giới nguyện Mật giáo tổng quát (10 điều phụ) điều thứ (8): nói giáo pháp cho người không tín tâm.
“Định nghĩa của Bồ Đề Tâm là sự phát khởi trong ta một thái độ vị tha mà trước kia chưa phát ra. Thái độ này không phát sinh trong những người chưa tích lũy công đức và trí tuệ”… Thầy vẫn luôn miệt mài truyền tải những thông điệp của chư Phật, cổ Đức, Thánh tăng đến với học trò qua những ngày pháp hội, pháp sự, những buổi trò chuyện thân mật chỉ mong chúng ta không rơi vào những sai lầm ấy, luôn vững bước trên con đường “Một đời người một câu thần chú” để đạt “an lạc đời này, cực lạc đời sau”. Thầy “tỏa nhiệt đúng mức” phù hợp cho từng đối tượng, để trong chúng ta dù chỉ là những “cây, cỏ mỏng manh bé nhỏ” cũng có thể lớn lên mà “nở hoa” cho đời. Reng… reng… reng… Thầy tạm dừng bữa cơm vì chiếc điện thoại đang rung lên. Một lần nữa hoa Bồ Đề Tâm dụng tỏa hương.
Buổi chiều…
Nằm trên chiếc võng đong đưa theo làn gió nhẹ dưới “thung lũng” của Mật gia còn gì thi vị bằng (cảm xúc này nhiều đạo hữu cũng đã từng “trải nghiệm”. Sự “nghỉ ngơi” “dầy hơn” gần đây của Thầy càng làm cho những cành hoa trong vườn nở rộ khoe sắc thắm và tỏa hương, dàn “hợp xướng” của những chú chim cũng ríu rít hơn, bầu trời trong xanh hơn. Lục căn, lục trần, lục thức đều hiển hiện. trên tay tôi là chiếc điện thoại “lướt sóng” nên dễ dàng lên mạng vào trang Chanhtuduy.com. Chà! có bài mới rồi, bài của đạo tràng Mật gia Vũng Tàu kính dâng đến Thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
… “Chiều tà dần xuống mau, thời gian trôi có đâu đợi người
Vì tục trần vấn vương, đành đan tâm bỏ quên lời Thầy…”
Giọng ca da diết trầm bổng chấn động tâm can, tôi như người ngủ mê chợt tỉnh. Phải! thời gian trôi qua thật nhanh, loay hoay chưa làm được việc gì mà 12h đồng hồ đã trôi qua, mới  buổi sáng đây thôi vậy mà chiều đã đến rồi. Ánh nắng chiều thật là dịu mát, cùng những chiếc lá vàng rơi trong gió thu đầy thơ mộng, cảnh trí này hầu như chúng ta ai cũng ưa thích tôi cũng không “ngoại lệ”, lòng muốn níu giữ khoảnh khắc này dài lâu. Nhìn những “giọt nắng” lưu luyến không muốn ra đi làm trong tôi buâng khuâng nhớ lại vầng thơ của ai đó.
“Đã biết vô thường con sóng nắng, thì lời trùng ngộ thốt mà chi”
Vậy đó cuộc đời vốn dĩ vô thường, không biết mình còn sống để gặp ánh nắng vào ngày mai. Là người tu tập chúng ta cố gắng “nằm lòng” tính chất giả hợp của nhân duyên để tâm tư giảm bớt sầu muộn bởi ngọn gió “được mất”, đối đãi nhị nguyên mà phát triển cái tâm thuận theo lẽ “Đại toàn thiện tự nhiên”.
“Pháp cao nhất là chứng ngộ tính vô ngã.
        Điều cao quý nhất là nhiếp phục tâm trí của mình
        Phương thuốc cao nhất là biết vạn vật không có tự tánh”
(Ngài Atisa/ Khung cửa giải thoát/114)
Lời của các Ngài luôn sâu thẳm và vang vọng, nhưng chúng ta là những người tu tập căn cơ chậm lụt không đủ trí lực để quán chiếu pháp vi diệu Tánh không này. Nay nương nhờ vào từ bi và trí tuệ của vị Thầy mà có thể thực hành phật pháp bằng phương tiện thiện xảo, dễ dàng nhanh chóng, lấy kết quả làm con đường “Um mani padme hùm”.
Làng Phước Thành ngày 24/11/2014
Mật Diệu
Theo http://chanhtuduy.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chương XIII thuyền-trưởng bất đắc dĩ TÔI yên trí tôi chỉ xuống trình-diện tại một chiếc tàu nào là được tuyển-mộ ngay. Vì thế, sau khi tới...