Sẽ là không quá khi nói rằng,
mỗi mùa gặt là một lễ hội kéo dài, với từng đoàn xe nối đuôi nhau đưa lúa về;
lũ trẻ cùng nhau nô đùa, nghịch ngợm...
Hẳn mỗi người con trên mảnh
đất Việt Nam chẳng xa lạ với những miền quê thanh bình, thơ mộng, những dòng
sông nước chảy êm đềm và những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Từ nghìn đời
nay, hình ảnh đẹp đẽ và giản dị ấy đi vào những bài ca dao ngọt ngào, tha thiết
của bà, những lời ru ầu ơ dịu dàng của mẹ, đi vào những trang thơ đong đầy cảm
xúc và thấm sâu vào trái tim của triệu triệu con người một cách tự nhiên và sâu
sắc đến lạ kỳ như vậy.
Với riêng tôi, những kỷ niệm
về miền quê nơi mình sinh ra luôn dạt dào vô tận. Trong vô vàn những điều đáng
trân trọng ấy, ký ức về những ngày mùa, với những cánh đồng lúa chín vàng luôn
làm tôi nhớ mãi không quên. Cũng chẳng biết từ bao giờ, nó đã nuôi dưỡng tuổi
thơ tôi, làm đẹp tâm hồn tôi để mỗi khi ngoái nhìn lại những khoảng trời quá khứ,
trong lòng tôi lại rạo rực những khúc nhạc mang tên “Tình yêu, quê hương và tiềm
thức”. Có những lúc phải xa nơi mình chôn nhau cắt rốn, chợt nhớ những điều
thân thuộc đến độ cồn cào, da diết, muốn hét lên thật to cho vơi đi bao nỗi phiền
muộn, mà sao khóe mắt bỗng thấy cay cay, con tim bỗng thấy nghẹn
ngào...
Ở nơi miền ký ức đó, tôi đã
lớn dần theo năm tháng, bằng những bữa cơm canh với dưa cà, bằng những con cua,
mớ ốc mẹ mò bắt mỗi ngày. Không quá cao sang, cũng chẳng quá đủ đầy. Nhưng tôi
vẫn thấy mình sung sướng vì được thưởng thức, được nhâm nhi những hạt cơm trắng
thơm lành, từ những hạt gạo tròn trĩnh mà phải mất bao nhiêu công sức, mồ hôi
và những giọt nước mắt thì những người nông dân chăm chỉ, thật thà như bố mẹ
tôi mới làm ra được.
Người ta nói quả thật không
sai, rằng trước khi bạn muốn biết làm thế nào để một chiếc tên lửa được phóng
lên vũ trụ, thì xin hãy dành ra chút ít thời gian thôi, để tìm hiểu xem quy
trình làm ra những hạt gạo chúng ta ăn mỗi ngày ra sao. Tôi thấy tự hào khi được
sinh ra, lớn lên cũng với những mùa lúa, và hơn nhiều đứa trẻ khác, tôi hiểu rõ
những sự vất vả mà người nông dân phải chịu đựng để biến những mảnh đất cằn cỗi,
bạc màu thành những cánh đồng xanh tươi, những thảm lúa khổng lồ nở rộ một màu
vàng nắng, trải dài mênh mông đến tận chân trời.
Tôi yêu quê tôi những ngày
mùa vui như trẩy hội. Với bố mẹ tôi, với những người nông dân thật thà, chất
phác trên quê hương tôi, ngày mùa mới thực sự là ngày Tết. Tất cả như ngập tràn
trong niềm hân hoan, hứng khởi. Cuộc sống bỗng trở nên sôi động và nhộn nhịp
hơn bất cứ thời điểm nào trong năm. Bởi đó là lúc, chúng tôi thu hoạch thành quả
của mình sau những tháng ngày lao động cơ cực, nhọc nhằn. Những cái tinh túy nhất
của đất, của trời, của nắng, của mưa, hòa vào những giọt mồ hôi con người, kết
tinh thành những bông lúa chín trĩu nặng, những hạt lúa óng vàng. Chúng khẽ
đung đưa trước những cơn gió mùa hạ như mời mọc, như chờ đón, như vẫy gọi, và
như để đáp lại nụ cười mãn nguyện của những người đã dày công tạo ra chúng - những
người nông dân chăm chỉ tài ba. Tuy mỗi hạt lúa không phải là một phát minh vĩ
đại, nhưng chỉ cần những thành quả nhỏ bé ấy thôi, cũng đủ làm cho họ cảm thấy
hài lòng, làm cho lũ trẻ chúng tôi hả hê, sung sướng, làm cho không khí thôn
quê vốn yên bình nay trở nên rộn ràng hơn biết bao nhiêu.
Tôi đã trưởng thành. Đã đi học
xa nhà. Nhưng những kỷ niệm gắn với ngày mùa quê hương còn ghi lại trong tôi thật
sâu sắc, thật đậm đà, để mỗi khi ngồi buồn nhớ lại, bỗng dưng tôi lại nở những
nụ cười, cười sảng sảng khoái để biết rằng, mình đã có những ngày tháng đẹp đẽ
vô giá không gì đánh đổi được. Đó là niềm vui không chỉ của riêng tôi, mà là của
tất cả bạn bè tôi, những đứa trẻ con cùng trang lứa, vô tư, hồn nhiên và rất
yêu cuộc sống. Mỗi mùa hè đến, là lúc chúng tôi náo nức với niềm hạnh phúc mang
tên nghỉ học. Đó là lúc cổng trường làng đóng lại và làm sân khấu bất đắc dĩ
cho những tiếng ve cất lên, cũng là thời điểm bắt đầu của những ngày mùa, mang
theo một khí thế mới, một niềm vui mới và một sức sống mới căng tràn.
Nếu có ai chưa từng được trải
nghiệm không khí ngày mùa ở một làng quê nào, thì đó thực sự là một điều đáng
tiếc. Sẽ là không quá khi nói rằng, mỗi mùa gặt là một lễ hội kéo dài. Không có
những trò chơi hiện đại, không cần đèn hoa, cũng chẳng cần cờ trống, nhưng
chúng tôi vẫn được tận hưởng những giây phút ngập tràn niềm vui, được nghe những
bản nhạc cuộc sống đầy sôi động, được ngắm nhìn bức tranh quê hương thơ mộng với
thật nhiều những đường nét, màu sắc hài hòa. Những chiếc nón trắng nhấp nhô giữa
biển lúa vàng, những đoàn xe nối đuôi nhau đưa lúa về trên những con đường nhỏ,
lũ trẻ cùng nhau nô đùa, nghịch ngợm, từng đàn cò, đàn chim sà xuống các thửa
ruộng tranh thủ kiếm ăn. Tất cả như những nét chấm phá bất chợt hội tụ cùng
nhau, để vẽ nên một tuyệt tác sống động của thiên nhiên mà ta chỉ được chiêm
ngưỡng ở những vùng nông thôn Việt Nam mà thôi.
Ngày mùa vui, và tất nhiên
ngày mùa cũng mệt. Nhưng trong khi bố mẹ chúng tôi vắt hết sức lực để làm hết
việc này đến việc khác, thì chúng tôi lại mệt vì chạy nhảy quá nhiều. Với lũ trẻ
ấy, còn gì vui hơn khi được theo bố mẹ ra đồng để tha hồ tụ tập thả diều, đá
bóng, để đi bắt châu chấu, bẫy chim và chơi đủ thứ trò tiêu khiển khác.
Nhìn đôi tay mẹ thoăn thoắt
gặt lúa, nhìn lưng bố khom lại để đẩy xe qua mỗi con dốc, rồi đến khi về nhà lại
thay nhau hong lúa giữa cái nắng buổi trưa oi ả, nhìn những giọt mồ hôi rơi như
ai vắt nước, mới biết để làm ra hạt cơm trắng chúng tôi ăn mỗi ngày, bố mẹ đã
vì những đứa con mà hy sinh nhiều đến như thế nào. Giờ mới biết, là trẻ con sướng
thật. Dù bố mẹ có bận bịu, vất vả nhường nào đi chăng nữa, thì chúng tôi vẫn cứ
hồn nhiên lêu lổng, nghịch ngợm, phá phách mà đâu cần mảy may để ý đến những thứ
xung quanh.
Khi ta vẫn còn là con nít,
nghĩ cho người khác hay thậm chí là người thân dường như là một điều hết sức xa
vời. Và dù lớn lên một chút, chúng nhận ra mình thật đã quá vô tâm, thì cũng chẳng
mấy khi dành ra một chút thời gian để mà hối hận về điều đó đâu. Bởi trẻ con
thì vẫn mãi là.trẻ con mà thôi. Nếu biết suy nghĩ trước sau, biết đắn đo trước
khi hành động, thì đơn giản, nó không còn thuộc về cái thế giới thần tiên lắm
chiêu trò ấy nữa.
Bao nhiêu năm trôi qua, quê
hương tôi vẫn là một vùng nông thôn, gia đình tôi vẫn làm nông nghiệp, bố mẹ tôi
vẫn là nông dân. Đã có những sự thay đổi lớn lao trong khoảng thời gian ấy. Đã
có nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, có những con đường được bê tông hóa, nhưng
bố mẹ tôi vẫn còn nguyên đó sự vất vả và những lo toan bộn bề. Những ngày mùa vẫn
náo nhiệt và tràn đầy khí thế, và ước mơ của tôi vẫn được nuôi dưỡng, vun đắp bằng
những cây lúa mà bố mẹ tôi trồng. Tôi gọi chúng là những cây lúa mang tình
thương bao la và sức sống bất diệt. Để giờ phút này đây, tôi vẫn thấy mình thật
may mắn, bởi nếu không có những thửa ruộng xanh tốt từ bàn tay mẹ tôi cẫn mẫn
và miệt mài chăm sóc, tôi đã không thể được như ngày hôm nay. Chắc chắn rằng,
miền quê yên bình, tươi đẹp ấy sẽ mãi là một hành trang kỷ niệm nâng bước tôi
trên mọi nẻo đường cuộc sống. Tôi không biết bước chân mình sẽ đi được đến đâu
trên đường đời còn rất dài này, nhưng nhất định tôi sẽ cố gắng hết mình, để ít
nhất những giọt mồ hôi của bố, của mẹ không rơi vô ích. Và để những hạt lúa
vàng ngày mùa sẽ mãi nằm lại trong tiềm thức ngọt ngào, không bao giờ nhạt phai.
Phạm Bá Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét