Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Nghĩ từ Hoàng Xuân Hãn

Nghĩ từ Hoàng Xuân Hãn
Tôi viết về Hoàng Xuân Hãn khi giỗ đầu của ông đã qua (10-3-1997) và ngày sinh lần thứ 90 của ông còn chưa đến (14-1-1998). Tôi viết về ông như một ngẫu nhiên, không chủ định, sau một chuyến đi xa về. Nhưng tự trong thâm sâu của ý thức, tôi biết trước sau gì rồi tôi cũng phải có hạnh phúc được "chiêm ngưỡng" ông, khi thế kỷ XX sắp kết thúc. Một thế kỷ qua với không ít con người đã để lại dấu ấn trên gương mặt tinh thần của nó, mà ông là một không nhiều trong số đó.
Họ Hoàng Xuân, một dòng họ nổi tiếng cùng một vài dòng tộc khác ở tỉnh Hà Tĩnh mà tôi được nghe biết từ lúc nhỏ. Tuổi thơ, mỗi lần đi phủ Đức (Đức Thọ), qua khỏi bến Tam Sa, tôi đều được thầy tôi - một hương sư - chỉ cho biết nơi này nơi kia là quê các danh nhân được truyền tụng, trong đó có tên tuổi họ Hoàng Xuân.
Khi đã là học trò tôi được biết và học với một số thầy họ Hoàng. Cái tên Hoàng Xuân Hãn lần đầu tôi được tiếp xúc là khi có trong tay từ rất sớm hai bộ sách Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử. Hai bộ sách, tôi nhớ loại cỡ to, khá dày, có nhiều chữ Hán và ảnh minh chứng. Sách là sách khảo cứu, trí óc non nớt chưa đủ hiểu; nhưng vẫn có thể đến tay tôi, để cho tôi mân mê lướt nhìn; và cái tên Hoàng Xuân Hãn cách đây ngót 45 năm trong tôi đã gợi một ấn tượng khó phai.
Lớn lên, vào đời, không theo học chữ Hán, không chuyên về cổ văn, tôi không chú tâm học hỏi, tìm hiểu về ông. Chỉ thỉnh thoảng được nghe nhắc đến ông, biết đó là một trí thức lớn, sống ở nước ngoài.
Dần dần về sau tôi mới được biết thêm về ông, một nhà bách khoa, tinh thông nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong đó Sử, Văn, và Văn hoá nước nhà là các môn cơ bản; và là một trí thức sống lâu năm ở nước ngoài, nhưng vẫn nặng lòng yêu quê, yêu nước.
Tôi nghĩ đến một đầu óc bách khoa. Ông tinh thông về Toán. Đậu Tú tài Toán (năm 1928), rồi tiếp tục là Cử nhân Toán (năm 1935), và Thạc sĩ Toán (1936), rồi dạy Toán ở trường Bưởi cho đến tháng ba năm 1945. Tốt nghiệp Kỹ sư cầu đường (năm 1934). Làm cuốn sách Danh từ khoa học (năm 1942) và đã nghĩ đến công việc đó từ khi học trường Bách khoa ở Paris (năm 1930). Rồi theo học khoa học nguyên tử (1956-1958) và công bố những phát kiến của mình trên tờ Industries atomiques (năm 1956) - để trở thành "kỹ sư nguyên tử đầu tiên của nước ta"(1). Mỗi ngành học, cả học và hành, ông đều đạt kết quả cao. Một năng lực bách khoa ở tuổi thanh niên như thế dường như là thích hợp với cách tìm đường của một thế hệ như ông - Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên... rồi tiếp đến, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Khắc Viện... Về sau, kiểu người như vậy vẫn còn, nhưng ít dần, rồi hết hẳn. Tôi nghĩ đó là con đường do yêu cầu và mang tính đặc trưng của thời cuộc mà hơn một thế hệ đã chọn đi trong thân phận của người dân mất nước, trong mong muốn gắn bó giữa lập thân và đóng góp cho đất nước.
Ở bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào như trên, nếu có hoàn cảnh đi cho đến cùng, Hoàng Xuân Hãn đều có khả năng trở thành một người có danh, và nổi danh. Nhưng rồi ông đã chọn, theo thiên hướng riêng và hoàn cảnh riêng, con đường khảo cứu: lịch sử, văn hoá sử, văn học sử dân tộc. Con đường đó thật ra ông cũng đã chọn từ trước 1951, khi ông còn ở trong nước, vào tuổi ngoài 40, với Lý Thường Kiệt (1949), Đại Nam quốc sử diễn ca (1949), Hà thành thất thủ (1950), Thi văn Việt Nam (1951)... Nhưng càng về sau, trong hoàn cảnh xa nước, và khi tuổi đã cao thì con đường trở về với ngọn nguồn văn hoá dân tộc hoàn toàn và triệt để chi phối ông. Khoa văn bản học nếu dần dần đã được quan tâm ở nước ta cùng với việc mở lại Đại học Hán học thuộc Viện Văn học trong những năm chống Mỹ thì cái người thật sự để lại những tác phẩm hoàn hảo ở lĩnh vực này lại chính là ông. Thế kỷ XX đã làm xuất hiện không phải nhiều lắm tên tuổi các học giả có đủ cả hai loại tri thức về Khoa học và Văn chương, về Hán học và Tây học; rồi chính nhờ vào sự song hành và tinh thông của cả hai phía đó mà đối tượng nghiên cứu là cái vốn văn hoá cổ kim của dân tộc và nhân loại mới có điều kiện để trở nên thâm sâu và mới mẻ hơn. Hoàng Xuân Hãn theo tôi có lẽ là người hiếm hoi, và có thể là người cuối cùng trong số đó. Ông qua đời mang theo nốt sự hiện diện hiếm hoi ấy. Giờ đây, ai xứng đáng được gọi là người có thể nối nghiệp ông? Tôi nói điều này mà không ngại sợ bị quy kết là sùng bái cá nhân, hoặc quá bi quan!
Trong cái vốn di sản văn hoá dân tộc mà Hoàng Xuân Hãn quan tâm và theo đuổi trong suốt nửa sau hơn 45 năm cuộc đời mình, kể từ khi ông ra nước ngoài, rồi thôi theo đuổi công việc nghiên cứu về hạt nhân, phần kết quả sâu sắc ông để lại xem ra lại ở khu vực văn Nôm. Đó mới là hiện tượng đáng quý, rất đáng quý. Khỏi phải nói văn Nôm là nơi kết tinh rõ nhất cốt tính về tinh hoa của dân tộc và văn hoá dân tộc. Đó lại cũng là chỗ "khó" nhất cho việc dựng lại trung thực diện mạo của nó trong lịch sử, vì sự "tam sao thất bản" trong truyền miệng, vì tính cách lệ thuộc vào quá nhiều yếu tố trong cấu tạo, ghi chép , nhận diện... Hoàng Xuân Hãn đã không trốn tránh đi vào chỗ khó nhất ấy. Và đi vào với tất cả sự thận trọng, vừa tìm kiếm vừa xác nhận các qui luật; theo một phương pháp thật là khoa học để có thể đến được với các văn bản cổ nhất. Do vậy mà ông đạt được một hiệu quả có thể nói là chưa ai sánh bằng trên từng văn bản cổ và trong hệ thống chuyên ngành Hán - Nôm học. Tôi nói điều này là căn cứ vào ý kiến của một số bậc trưởng lão trong ngành Hán Nôm hiện nay ở ta. Công việc mấy năm gần đây ông đang làm, theo tôi biết, đó là văn Nôm Nguyễn Du. Cái ông đã làm xong là Văn tế thập loại chúng sinh, cái ông đang triển khai là Truyện Kiều. Ai trong chúng ta cũng đều hiểu Nguyễn Du là đỉnh cao nhất của văn học Nôm. Hoàng Xuân Hãn làm việc này ở tuổi ngoài 80 - tuổi đã quá đủ, quá thừa cho việc tổng kết toàn bộ tri thức và kinh nghiệm của cả một đời người. Và văn Nôm Nguyễn Du cũng chính là công việc mà nhiều chuyên gia trong giới nghiên cứu chúng ta đã khởi công làm suốt mấy chục năm qua; còn nếu tính chung và rộng ra trong nền học thuật Quốc ngữ thì nó còn lùi sâu vào nhiều thập niên nửa đầu thế kỷ. Văn Nôm Nguyễn Du, chẳng riêng Truyện Kiều cũng là thứ văn sống không chỉ trong văn bản mà còn sống cái sống vinh dự nhất là trong lòng dân, trong lối cảm nghĩ của dân, trong lời ăn tiếng nói của dân. Hơn nửa thế kỷ nay, Hoàng Xuân Hãn không còn điều kiện đi tìm văn bản Kiều trong lòng dân, và trong các thế hệ hậu sinh, như ở tuổi 30 ông đã từng đi trên đất Tiên Điền. Ông chỉ âm thầm một mình một bóng với sách vở, với những suy xét, đối chiếu cực kỳ tỉ mỷ trên sách vở. Thế nhưng tôi biết những thức giả có tiếng là uyên bác, được kỳ vọng nhất ở nước ta hôm nay, vẫn phải tôn ông là bậc Thầy.
Gắn bó với văn học Nôm, nơi đỉnh cao nhất của nó là Nguyễn Du, nơi tưởng đã hết mọi điều cần nói - đó là câu chuyện ông đã dốc cả cuộc đời, kể từ nửa cuối những năm 30. Nhưng ở tuổi gần 90 ông mới nghĩ là có dịp hoàn thiện. Xem thế mới thấy bể học quả là khôn cùng và tấm gương Hoàng Xuân Hãn thật đáng vô cùng kính nể. Cố nhiên không phải chỉ có Nguyễn Du. Sự gắn bó của ông với văn học Nôm còn được thể hiện ở nhiều khu vực khác như Bích câu kỳ ngộ, Hồ Xuân Hương... và còn ngược lên rất xa, đầu thế kỷ XIV, nơi văn phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đây quả là mối duyên nợ ông gắn bó suốt đời. Và có lúc nó còn là cả một chuyện rất cẩn trọng, rất kỳ khu. Song tinh bất dạ của Nguyễn Hữu Hào là tác phẩm ông sao được bản Nôm năm 1943; khi Đông Hồ gửi ra Bắc cho Hội Khai Trí Tiến Đức; ông đã phiên âm rồi giữ đấy suốt hơn 40 năm. Bởi lẽ phải hơn 40 năm sau, năm 1987, ông mới có dịp chuyển đến một địa chỉ tin cậy, đó là nữ sĩ Mộng Tuyết - quả phụ của nhà thơ Đông Hồ.
Người quan tâm và theo đuổi di sản văn học dân tộc ở cả hai khu vực Hán - Nôm, nhất là Nôm; người ở tuổi ngoài 80 ngót 90 vẫn còn tiếp tục những tìm tòi lặng lẽ trong kiên nhẫn và sáng tạo - người ấy vừa qua dời. Há không là một mất mát lớn hay sao?
Giờ đây khi ông đã đi vào cõi vĩnh hằng tôi mới có dịp có một hình dung nhất quán - để bổ sung cho một hình dung đa diện - về ông, người với tuổi thọ gần thế kỷ, có một hành trình suốt thế kỷ với biết bao nhiêu là xáo trộn và đổi thay, hơn bất kỳ thế kỷ nào trước đây. Con người ở tuổi ngoài 30, bất chấp hỗn độn và hiểm nguy đã khẩn trương "đi khắp đường phố Hà Nội để cứu vớt những sách tàn giấy cũ bằng chữ Hán bị vứt đi..." ngay sau ngày Chính phủ Trần Trọng Kim đổ (2). (Chuyện vứt sách hoặc đốt sách là chuyện thường xảy ra, không riêng ở ta, trong những phen chuyển thay thời đại, chuyển thay chế độ!). Nhà Hán Nôm học Ngô Đức Thọ trong bài trả lời phỏng vấn nhân dịp Tưởng niệm Hoàng Xuân Hãn có nói đến những bản sách ghi "Thư viện HXH" và "Thư viện Hoàng Xuân Hãn" mà ông may mắn được đọc; hẳn chắc trong đó có gồm cả số sách được "cứu vớt" trên đường phố Hà Nội lúc này chăng? (3). Cũng con người ấy, ở tuổi 50, đã kiên trì đến miệt mài trong đống thư tịch khổng lồ và bề bộn ở các thư viện Phương Tây để tìm cho được những gì có liên quan đến văn hóa dân tộc và ngữ ngôn dân tộc, mà bị lưu lạc nơi xứ người. Cũng con người ấy, ở tuổi 70, rồi 80, đến ngót 90 vẫn lặng lẽ, âm thầm nơi quê người trước các trang giấy cổ đã bợt bạt bởi thời gian, để dựng lại cho thật đúng, thật nguyên vẹn những chân bản văn chương cổ. Những động thái như thế trong các thời đoạn khác nhau đã làm gắn nối liền mạch hai nửa đời của nhà học giả với cùng một bầu tâm huyết, một bản lĩnh, một cốt cách - cốt cách của một kẻ sĩ chân chính của dân tộc, của một trí thức nặng lòng yêu dân tộc.
Ông đã mất ở một nơi xa, rất xa, để thay cho khái niệm "đất khách quê người". Nơi ông đã phải chọn để sống, để tồn tại, và cả yên nghỉ - có lẽ cũng là bất đắc dĩ, đã không được bao bọc, ấp ủ bởi cảnh và người quê hương. Tôi bỗng chợt nghĩ một điều có thể dễ bị xem là ngớ ngẩn: Dẫu vậy, hay chính vì vậy mà công việc Con người này làm, trong cô đơn, trong âm thầm mới có hiệu quả đến thế! Có thể đó là một oái oăm, một nghịch lý của sáng tạo chăng?
Sau tất cả những đóng góp mà đến khi ông mất ta mới có dịp tổng kết lại, để thấy, những đóng góp ấy là khó ai theo kịp, trong lĩnh vực văn hoá dân tộc, từng rất cần, và bây giờ càng cần một đội ngũ chuyên gia giỏi ở nhiều bộ môn cùng làm... Sau những giá trị mà trước khi chia tay với chúng ta, ông rất xứng đáng ở vị trí người Thầy... Sau tất cả những xác nhận ấy, chúng ta lại thấy con người Hoàng Xuân Hãn - như ông tự thể hiện, lại là một con người rất mực khiêm nhường, và không hết những băn khoăn, trong một nỗi niềm riêng, như trong thư đề ngày 1-12-1994 gửi nhà văn Nguyễn Đức Hiền: "Chúng ta là những kẻ "một hội một thuyền âu ưu vận nước trong sáu bảy mươi năm nay". Những người ở nhà "đã đứng mũi chịu sào, biết mấy phen gian khổ mới có ngày nay, thành quả nước nhà độc lập, thống nhất là điểm trọng". Còn ông "cảnh ngộ tuy khác, nhưng đã cố gắng giữ tấm lòng trung kiên để dự bị phòng khi giúp ích, và nhất là trù tính tương lai dân tộc vững chắc giữa thế giới hoà bình (4). Rõ ràng ai trong đời mà chẳng mong có một đóng góp cụ thể cho quê hương, cho đất nước. Nhưng con người chỉ được sống, được hành động trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử, trong những qui định của lịch sử. Hoàn cảnh lịch sử của ông là vậy: phải rời quê hương từ 1951 cho đến 1996, là năm qua đời. Ai cũng có một tư cách hành xử ở đời. Ông đã chọn tư cách riêng của người trí thức. Tư cách đó ông đã phát huy đến mức tối ưu, và đã giữ trọn cho đến hết tuổi 88 của đời mình. Chưa ai và cũng chẳng ai vượt hơn ông được ở tư cách một tri thức dân tộc trên các lĩnh vực chuyên môn đã được thử nghiệm những tưởng là rất xa nhau: Toán học và Văn chương, Khoa học hạt nhân và Văn Nôm cổ; sự xa nhau làm nên bề rộng, rất rộng của tri thức; nhưng dẫu sự trải rộng, hay chính nhờ vào diện rộng ấy mà hiệu quả của những đóng góp của ông lại là rất lớn, khó ai theo kịp, trong những vùng sâu, rất sâu...
Nghĩ từ Hoàng Xuân Hãn tôi chỉ xin phép giới hạn trong một vài lĩnh vực mà tôi quan tâm và có chút hiểu biết. Thú thật mãi về sau này tôi mới biết ông từng có thời là Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim. Nhiều người có tên tuổi và chính bản thân ông cũng đã từng "ký vãng" về số phận cái chính phủ non yểu này; ở đây, nhắc lại sự kiện trên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là: chỉ trong 4 tháng ở ghế Bộ trưởng mà Hoàng Xuân Hãn cũng đã làm được khá nhiều việc theo cái đà của sự quan tâm đến Quốc học, đến nền Quốc văn và Ngữ ngôn dân tộc mà ông đã có từ lâu. Sự quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt trong học đường, bộ sách Danh từ khoa học mà ông đã viết trước đó 3 năm, cùng Chương trình Trung học ông soạn thảo trong 4 tháng ngắn ngủi của nhiệm kỳ Bộ trưởng quả đã phát huy được tác dụng trong một thời gian dài. Cả đến hai thuật ngữ Phổ thông và Chuyên khoa, ông dùng cho hai bậc học, mà chúng tôi là người quen dùng nó suốt mấy chục năm trên ghế nhà trường cũng chính là do ông đặt ra.
Tôi nghĩ đến Hoàng Xuân Hãn trong những ước ao, tâm nguyện của một tri thức đối với lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc. (Tôi chưa có ý định nói đến trong bài này về Hoàng Xuân Hãn với tư cách nhà sử học - mà tài liệu Thống nhất thời xưa, ông viết tại Paris, tháng 10 năm 1976 ngay sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975, khiến tôi không thể ngẫm nghĩ: Ai là người có thể viết hay và gọn được như ông, kể cả "kịp thời" như ông, về một vấn đề lớn như thế và bức xúc đến thế trong lịch sử dân tộc?). Ông đã là một trong những gương mặt tiêu biểu và sáng giá của người tri thức trước yêu cầu bảo tồn và phát triển nền văn hoá dân tộc, và giữ cho được bản sắc dân tộc của văn hoá - vấn đề không chỉ nổi lên hôm nay mà luôn luôn là sự thôi thúc, và rất nhiều phen bị đe dọa, trong suốt trường kỳ lịch sử. Cuộc đời ông, công việc mà ông theo đuổi là minh chứng cho điều ấy.
Sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa của đất nước thì lớn lao - đó không phải là chuyện của một người, dẫu là một tri thức lớn được nhiều thế hệ ngưỡng mộ (5). Đóng góp của cá nhân cho văn hoá dân tộc, dẫu có lớn đến mấy cũng vẫn cứ là nhỏ - trong những tự đánh giá về mình. Hoàng Xuân Hãn thường không nói, hoặc nói rất khiêm nhường về mình. Ông chỉ làm việc trong âm thầm, và một mình. Âm thầm đọc. Âm thầm viết. Viết để in hoặc viết rồi để đấy. Viết cho công chúng hẹp, và một đôi khi cho công chúng rộng(6). Nhưng từ con người ông và các trang viết của ông có một sự thắp sáng và khả năng tỏa sáng. ánh sáng đó đến từ kho tàng văn hoá dân tộc và đến với kho tàng văn hóa dân tộc. Là người mà phần lớn cuộc đời phải sống ở ngoài nước, nhưng con người ông, sự nghiệp ông lại dành trọn vẹn cho quê nhà, và chỉ mong có ích cho quê nhà.
Những năm cuối đời ông thường gửi bài cho Hồng Lĩnh là tạp chí văn nghệ của tỉnh Hà Tĩnh - đó cũng là hiện tượng không ngẫu nhiên. Cái tên Hồng Lĩnh đối với ông, không chỉ gợi nhớ cảnh quan quê nhà, mà còn là biểu tượng của đất nước.
Đã hay bốn bể là nhà
Lam Hồng ta mới thật là quê hương.
Tôi, lớp hậu sinh, ít kinh nghiệm sống, thiếu từng trải, vinh dự có cùng một quê hương với ông, cũng phần nào thấu cảm được điều đó.
Cuối cùng tôi muốn trở lại hai chữ từ và với - từ kho tàng văn hoá dân tộc và với kho tàng văn hoá dân tộc - ở đoạn văn vừa nói trên. Bởi lẽ không dễ ai cũng biết chọn cho mình một điểm xuất phát đúng, và với một tư thế thủy chung như nhất về con đường được chọn - Để cuối cùng, vẫn với nền văn hóa dân tộc mà ông vô cùng yêu mến và gắn bó ấy, là mục tiêu, là cái đích mà ông đã đạt được một cách rực rỡ, trong âm thầm, là cũng có thể có phần quạnh quẽ, ở tuổi ngót 90 của cuộc đời mình.
CHÚ THÍCH
(1). Theo nhà khoa học Đinh Ngọc Lân.
(2). Theo nhạc sĩ Trần Văn Khê.
(3). Hợp lưu số 19-1996.
(4). Bài Học giả Hoàng Xuân Hãn - chân dung tự họa, báo Đại đoàn kết số 23; 19-3-1996.
(5). Xem Hợp lưu số 29-1996, bài Trả lời Phỏng vấn của các học giả Phan Huy Lê, Đào Văn Thụy, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Huệ Chi.
(6). Tôi nghĩ thật cảm động về công việc mà Luật sư Đào Văn Thụy đã làm, là cho ấn hành Tập san Khoa học xã hội ở Paris (từ 1976 đến 1987) để có chỗ cho bác Hãn công bố các kết quả nghiên cứu của mình (Xem Hợp Lưu, số đã dẫn trên).
Hà Nội 16-18/5-1997
Phong Lê
Theo http://www.hannom.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...