Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Edgar Allan Poe với văn học thế giới và văn học Việt Nam

Edgar Allan Poe với văn học 
thế giới và văn học Việt Nam
Edgar Allan Poe (1809-1849) (E.A.Poe) là nhà thơ, nhà báo, nhà viết truyện ngắn, nhà phê bình văn học Mỹ, một trong những người khổng lồ của văn học Mỹ thế kỷ XIX, một “American ‘s Shakespeare” (Shakespeare của nước Mỹ). Sự nghiệp sáng tác của ông không chỉ hiện diện trong con số hàng trăm tác phẩm đủ thể loại: thơ, truyện, phê bình, tiểu luận để lại mà còn là những ý tưởng, dự báo, tiên đoán của một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc sống, dũng cảm trong con đường đi tìm chân lý nghệ thuật trong thời đại hậu công nghiệp đầy hỗn loạn đua chen của nước Mỹ. Poe cũng là người từng nghi ngờ cái giấc mơ về một vùng đất tốt đẹp và giàu có mà các thế hệ sau ông gọi là “American’s Dream” (Giấc mơ Mỹ) - “ông cũng tiên đoán được những giấc mơ khủng khiếp của con người khi bước vào thế kỷ XX, và cuối thế kỷ này nhìn lại thấy Poe hoàn toàn đúng” [6, 154].
Hai trăm lẻ ba năm đã trôi qua từ khi vì sao thiên tài bất hạnh ấy ra đời, đến nay sức hút của những sáng tác thuộc thể loại thơ tượng trưng, truyện kinh dị, trinh thám và cả khoa học viễn tưởng mà E.A.Poe đã khai sinh vẫn làm độc giả kinh ngạc. William Butler Yeats, thi sĩ người Ireland (Ailen) thì khẳng định E.A.Poe là “Một đại thi hào trữ tình của muôn đời trên khắp thế gian” [10, 168]. Jules Verne (Pháp), tác giả truyện khoa học viễn tưởng Hai vạn dặm dưới đáy biển rất quen thuộc ở nước ta thì cho rằng: “Chúng ta có thể gọi Poe là người đi đầu trong việc tôn thờ cái kì lạ" [1]. Baudelaire nhận xét rằng: “Poe đại diện, chỉ riêng ông, cho cả một trào lưu lãng mạn bên kia đại dương” [6, 40]. “Jorges Louis Borges - nhà văn người Argentina - từng khâm phục: “Edgar Poe để lại nhiều cái bóng khác nhau. Chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kỳ lạ ấy. Có hai người mà thiếu họ văn học hiện đại không như nó tồn tại. Hai người đó đều là người Mỹ và cùng sống vào thế kỷ trước: Walt Whitman (...) và Edgar Poe” [8, 692, 693].
Thế nhưng, trong cuộc đời đầy đau buồn và bất hạnh của mình, Edgar Poe đã phải chịu những bất công ngay trên đất nước ông được sinh ra. Ông từng bị cho là:”một gã Mỹ hung bạo, một người độc ác” (Rufus Griswold) do những bài báo, những bài phê bình quá thẳng thắn của ông đối với hầu hết các nhà văn cùng thời. Hoặc có tác giả như Russell Lowell còn cho rằng “Ba phần năm là thiên tài cònhai phần năm trong số những tác phẩm của Poe chỉ là những chuyện vớ vẩn” [2] [5, 5]. Ngay cả R. Emerson - triết gia của thuyết Siêu nghiệm luận - cũng gọi Poe là “một người hiếu chiến” [3][6,155]. Còn W.Whitman thì cho rằng”Poe là một nhạc công chỉ biết chơi những nốt chính của đàn Piano… ông không đại diện cho nền dân chủ Mỹ” [8, 704]. Người ta e sợ, ruồng bỏ, phê phán ông, rồi sau đó lại thán phục ông. Bản thân sự tồn tại của nhà thơ, con người mơ mộng, con người không thành đạt này là một sự thách thức thói đạo đức giả, óc thủ cựu và sự tỉnh táo trong thời đại công nghiệp và thương mại của người Mỹ.
Đó là những độc giả đầu tiên của Edgar Poe trên nước Mỹ. Trong thực tế, cho đến nay, khoảng cách thẩm mỹ ấy đã vô cùng cách biệt. Từ năm 1868 đến hết những thập niên cuối thế kỷ XIX, trong quá trình xác lập mô hình “Nền giáo dục tự do không lệ thuộc người Anh” mà công chúng Mỹ đòi hỏi nhằm thiết lập một nền văn hoá dân chủ cho dân tộc Mỹ sau những năm tháng chịu sự lệ thuộc bởi văn học, văn hóa Anh, người Mỹ đã chọn ngay thiên tài văn chương Mỹ Edgar Allan Poe. Theo Una Corbett - giáo sư tiếng Anh tại trường trung học Western [4] - thì “không có bài thơ nào thích hợp để đọc với chất kịch hơn bài “Con quạ” và “Annabel Lee” [5] [4,4]; Về truyện, hai tác phẩm The Fall of The House of Usher (Sự sụp đổ của ngôi nhà dòng họ Usher) và The Masque of The Red Death (Mặt nạ tử thần đỏ) thì phù hợp để chuyển thành kịch biểu diễn trước công chúng, chẳng thua gì những tác phẩm kịch của Shakespeare. Và từ năm 1875 đến nay, E.A.Poe là một trong những tác gia văn học tiêu biểu được đưa vào giảng dạy trong chương trình bộ môn văn học từ cấp phổ thông cơ sở của nước Mỹ đến Đại học [6]. Trường Đại học nào ở Mỹ cũng có chương trình giảng dạy về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, những quan điểm nghệ thuật và phong cách sáng tác độc đáo của E.A.Poe. Hội nghiên cứu Edgar Allan Poe (Poe Studies Association) được thành lập từ năm 1972 là nơi quy tụ gần 300 học giả trong và ngoài nước Mỹ nghiên cứu và quảng bá sáng tác của E.A.Poe với nhiều công trình có giá trị mang tầm thế giới.
Quả thật, ảnh hưởng của những sáng tác của Edgar Poe không còn chỉ ở trong biên giới nước Mỹ. Chúng ta cũng biết rằng Edgar Poe còn có một quê hương văn học thứ hai: nước Pháptrước khi ông được vinh danh ở quê hương mình. Bắt đầu từ Charles Baudelaire - người ngưỡng mộ Poe - một tâm hồn đồng điệu, một nhà thơ tượng trưng nổi tiếng, đã dành hẳn hai năm để dịch phần lớn truyện ngắn của ông. Baudelaire đã từng tuyên bố: ”Lần đầu tiên tôi mở cuốn sách của Poe, tôi thấy sợ hãi và thích thú, không chỉ ở đề tài giấc mơ quen thuộc với tôi mà những câu chữ, những ý nghĩ của tôi dường như đã được viết bởi ông, hai mươi năm về trước.” [7] [9, 1]. Bậc thầy thơ tượng trưng Pháp này đã hấp thụ tinh thần tiểu luận Nguyên lý thi ca (The Poetic Principle) của Edgar Poe sâu sắc đến nỗi nhiều tác phẩm của ông trong “Ác hoa” (Les Fleurs du Mal) mang đậm màu sắc tư tưởng của Edgar Poe. Trong bài Bình tĩnh (Recueillement), Baudelaire đã tự tìm đến làm bạn với Nỗi Đau: “Ma douleur, donne-moi la main; viens par ici” (Nỗi đau của tôi ơi, hãy đưa cho tôi bàn tay, xích lại gần đây).Có thể thấy ông và Poe cùng thuộc về một “gia đình thần thánh” (famille d’espirits), là hai tâm hồn sinh đôi “twin souls” của nỗi đau và cái chết. Nhiều nhà văn ở Châu Âu đều thừa nhận rằng mình đã đến với Edgar Poe từ những bản dịch của nhà thơ tượng trưng nổi tiếng của nước Pháp này. Đến Stéphane Mallarmé, thơ của Poe được giới thiệu rộng rãi, và bài thơ Le tomb d ‘ Edgar Poe (Ngôi mộ của Edgar Poe) chính là tiếng khóc thương một thiên tài bạc mệnh. Và với Paul Valéry thì “Poe là bậc thầy về thơ ca” [5, 4]. Có thể nói, “không ở đâu, không ai có thể trả lời về tài năng của nhà thơ thiên tài  đầy đủ hơn ở nước Pháp” [8] [9, 6].
Nơi thứ hai Poe từng được vinh danh là nước Nga. Ở đất nước văn học này, hiện tượng Edgar Poe như một ánh sao băng, đến thật nhanh và sau đó thì lung linh rực rỡ như đá ngũ sắc. “Nhà thơ “điên” Edgar Poe là người duy nhất chiếm được trái tim người Slav với tất cả sự siêu phàm và bệnh hoạn của ông, những lý lẽ kỳ lạ và chủ nghĩa thẩm mỹ độc đáo của ông, cũng như với cả những giấc mộng thần tiên hay những cơn ác mộng khủng khiếp của ông.”[9] [8, 6]. Từ những tác phẩm dịch của Baudelaire, người Nga đã tiếp nhận Poe từ 1848. Và sau đó, rất nhiều tác phẩm văn học của họ chịu ảnh hưởng những motif của Edgar Poe. Konstantin Balmont, một trong những nhà thơ lỗi lạc của nước Nga cũng đã dành nhiều năm trong cuộc đời mình để nghiên cứu và tôn vinh những kiệt tác của Poe [10]. Sau này, Dostojevsky và Andreev đã mở rộng thể loại truyện phân tích tâm lý kiểu Edgar Poe  trong những chuyện giết người. Các nhà phê bình Nga cũng không ngần ngại dành cho Poe những vòng nguyệt quế. Những bài thơ của Poe: “The Conqueror Worm”, “The Bells”, “Eldorado”,”Sleeper” được nhiều nhà thơ Nga thích thú học tập giọng điệu độc đáo của nó, trong đó có Miakovsky và Podgoretzky…
Ở Anh, ảnh hưởng của Edgar Poe cũng là một điều thú vị. Người Anh đến với Poe từ những tác phẩm mang bóng dáng nhà soạn kịch thiên tài của họ: William Shakespeare. Von Raumer, nhà nghiên cứu văn học sử người Đức, đã làm một bảng thống kê và Von thấy rằng ngôn ngữ đầy tính chất bản năng của hoàng tử Prospero trong tác phẩm Mặt nạ tử thần đỏ (The Masque of The Red Death) của Poe có rất nhiều nét tương tự nhân vật Macbeth trong bi kịch cùng tên của Shakespeare. Berenice, The Man of the Crowd (Người đàn ông của đám đông), The Imp of the Perverse (Tên tiểu yêu bướng bỉnh)… của Poe chẳng phải cũng mang trong nó những bi kịch Hamlet? Điều này cũng dễ hiểu, có lẽ Edgar Poe đã ngưỡng mộ Shakespeare từ những vai diễn của mẹ ông, Elizabeth Arnold Poe (1787-1811). Bà là một diễn viên gốc Anh rất thành công trong vai các nhân vật nữ của kịch tác gia vĩ đại người Anh này như các vai Juliet Capulet trong Romeo and Juliet, Ophelia trong Hamlet. Ở lĩnh vực truyện trinh thám, Poe lại có một “môn đệ” kiệt xuất khác tại xứ sở sương mù này. Nghiên cứu đối chiếu nhiều cốt truyện, tình tiết, ngôn ngữ, nhân vật giữa một số tác phẩm của hai tác giả E.A.Poe và Conan Doyle, nhiều ý kiến cho rằng không có Edgar Poe thì cũng không có Sherlock Holmes, và cũng không có Nick Carter. Nhân vật thám tử August Dupin đầy trí tuệ của Poe đã tạo cảm hứng cho Conan Doyle khi nhà văn Anh này xây dựng nhân vật thám tử lừng danh thế giới của ông.
Ở Đức, The Raven, Annabel Lee của Poe đã được dịch sang tiếng Đức và nhiều truyện ngắn của ông đã trở nên quen thuộc với người Đức từ lâu. Còn ở Tây Ban Nha, Poe cũng được giới thiệu từ rất sớm: 1856 và hiện nay, ông vẫn là một trong những tác giả được yêu thích hàng đầu.
Còn trên đất nước hoa anh đào Nhật Bản, truyện của Poe được phổ biến rộng rãi chẳng kém gì nước Anh. Thậm chí ông tổ truyện trinh thám của Nhật còn lấy bút hiệu là Edgar Poe. Đó là nhà văn Hirai Taro (1894 - 1965), với bút danh làEdogawa Rampo (phiên âm tiếng Nhật của tên Edgar Allan Poe) và được coi là "Japanase Poe".
Tác giả Gunilla Lindberg-Wada trong công trình Literary History: Towards a Global Perspective, phần viết về truyện trinh thám ở Trung Quốc (Detective Story in China), cho là vào thời điểm đầu thế kỷ XX, dù Trung quốc vốn không mặn mà lắm với các truyện trinh thám phương Tây, và còn những quan điểm bảo thủ trái ngược trong việc tiếp nhận văn học hiện đại nước ngoài, nhưng truyện trinh thám đầu tiên của Conan Doyle cũng đã được dịch ra tiếng Trung rất sớm: năm 1896. Sau đó, một loạt truyện trinh thám phương Tây được giới thiệu bởi nhiều dịch giả khác nhau. Nhiều truyện trinh thám của Edgar Allan Poe cũng lần lượt xuất hiện, bắt đầu từ Con cánh cam vàng (The Gold Bug), xuất bản năm 1905 ở Thượng Hải. Năm 1919, Cheng Xiaoqing (1893-1976), nhà văn Trung Quốc nổi tiếng đầu tiên đã sáng tạo nên những truyện best-seller với hình tượng nhân vật Huo Sang, một “China Holmes” trong loạt truyện trinh thám Sherlock in Shanghai (Sherlock ở Thượng Hải), dựa vào mẫu nhân vật Sherlock Holmes. Đến nay, thể loại này đã trở nên phổ biến trong độc giả Trung Quốc. [12, 172-173].
Đối với văn học Việt Nam, Edgar Poe, một cái tên vừa rất quen mà cũng vừa rất lạ.Theo Hữu Ngọctrong Hồ sơ văn hóa Mỹ, từ những năm trước Cách mạng tháng Tám, truyện The Gold Bug (Con cánh cam vàng) và bài thơ The Raven (Con quạ) của Poe đã được giới thiệu khá rộng rãi trong hệ thống nhà trường bảo hộ qua bản dịch tiếng Pháp. Tiểu luận của Edgar Poe cũng vậy, tuy không trực tiếp và cũng không nhiều, nhưng những quan điểm nghệ thuật về Cái đẹp của ông trong Triết lý về soạn tác (The Phylosophy of Composition) đã theo văn học Pháp, trực tiếp là bản dịch Genèse d'un poème của C. Baudelaire đến với tầng lớp trí thức Tây học Việt Nam từ rất sớm. Năm 1936 nhà thơ Nguyễn Giang đã dịch bài thơCon quạđăng trên Danh nhân Âu Mỹ. Năm 1939, 1940 tác giả Hoàng Trọng Miên đã phóng tác một loạt truyện kinh dị của Poe thành 7 truyện trong tập Trăng xanh huyền hoặc do nhà xuất bản Đông Phương Hà Nội in. Và lần lượt, theo Cao Hồng Dũng, Mai Hương và Nguyễn Thị Huế, năm 1941, Nguyễn Giang đã dịch và xuất bản tập Truyện kinh dị của Edgar Poe; năm 1944 Vũ Ngọc Phan dịch Truyện kì lạ của Edgar Poe. Ba năm sau, 1947, Con cánh cam vàng được Thiết Can dịch ở Sài Gòn. Nhà xuất bản Tân Á - Sài Gòn năm 1953 cũng cho ra đời tập truyện dịch chín truyện tiêu biểu của Edgar Poe với nhan đề Kho vàng bí mật. Nhà xuất bản Như Nguyện - Sài Gòn năm 1957 xuất bản kế tiếp tập Con bọ hung vàng do Hoàng Lan - Từ chung dịch và giới thiệu. Bản in lần này có bổ sung thêm ba truyện lần đầu tiên được dịch so với Kho tàng bí mật. Về thơ và tiểu luận, 1956 Nguyễn Hiến Lê đã dịch ra văn xuôi từ tiếng Anh bài thơ The Raven (Con quạ) và phân tích tiểu luận The Phylosophy of Composition (Triết lý về soạn tác) của Poe trong tập Luyện văn I. Năm 1966, duy nhất có một bài thơ do Hà Bỉnh Trung dịch bài là Eldorado (Xứ mộng) và năm sau 1967, tập The Murder of The Rue Morgue (Án mạng đường nhà xác) gồm 6 truyện của Poe được Lê Bá Kông dịch, đưa vào sách song ngữ dạy tiếng Anh. Bẵng đi gần 20 năm, suốt những năm 70 và đầu 80, mãi đến 1987 truyện của Poe lại được xuất hiện. Và liên tục (tuy không nhiều tác phẩm mới, chủ yếu là những truyện trinh thám và kinh dị quen thuộc như Con cánh cam vàng, Trái tim thú tội, Cái thùng Amotilado, Con mèo đen…) được giới thiệu trong những năm 90.
Cũng trong thời điểm này, một vài truyện chọn lọc của Poe đã được giới thiệu trong chương trình giảng dạy của một số trường Đại học ngành Tiếng Anh (bằng nguyên tác) ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đà Nẵng, hoặc cả ở ngành và Ngữ Văn như tại Đại học Đà Lạt… Năm 2000, Thái Bá Tân dịch 2 bài thơ Annabel Lee và Eddorado của Poe. Đến Tuyển tập Edgar Allan Poe dày 716 trang, bao gồm phần lớn truyện ngắn của Poe, do Ngô Tự Lập và nhóm Ðịa Cầu Văn Hóa dịch, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội xuất bản năm 2002 thì có thể nói đó là một dấu mốc khẳng định sự có mặt của Edgar Poe đối với công chúng Việt Nam. Cho đến nay, ngoài những truyện in chung trong các tuyển tập, một số tập truyện Edgar Allan Poe như Trò chuyện cùng xác ướp (2006), Vụ huyết án phố Morgue (2008), và Con mèo đen bí ẩn (2009) cho thấy poe thực sự có một sức hút nhất định đối với đông đảo người đọc Việt Nam.
Từ những năm 2000 đến nay, tuy còn ít và thưa, nhưng sự hiện diện của Edgar Poe không chỉ dừng lại ở những tác phẩm dịch thuật. Báo Công an Nhân dân đã nhiều lần giới thiệu cuộc đời đau buồn của Poe, giúp cho tác giả Mỹ này đến gần độc giả Việt hơn. Trên tạp chí Nghiên cứu văn học của Viện Văn học, Hội nhà văn, Evăn… đã xuất hiện những bài giới thiệu Edgar Poe. Giới nghiên cứu, phê bình văn học, những “siêu độc giả” khá chọn lọc đã bắt đầu có những công trình nghiên cứu giới thiệu về sáng tác, quan điểm nghệ thuật của Edgar Poe ở một mức cao hơn và đang tìm cách lý giải những dấu ấn của Edgar Poe trong nền văn học hiện đại Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay.
Trở lên chỉ là bước đầu, là cái nhìn tổng quan chưa hoàn toàn đầy đủ về việc dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu tác phẩm Poe ở Việt Nam. Đi vào vấn đề nghiên cứu phê bình cụ thể, ảnh hưởng đậm nét nhất, có thể thấy rõ nhất của Poe đối với văn học Việt Nam là trong những sáng tác giai đoạn những năm 30 của thế kỷ vừa qua. Không biết có phải do hoàn cảnh đặc biệt của dân tộc ta trong những năm tháng bị đô hộ mà âm điệu u buồn tang tóc trong thơ Poe có một sự cộng hưởng với tâm trạng các nhà thơ mới Việt Nam? Hay chính vì trong cùng một dòng chảy u buồn tang tóc chung của trào lưu lãng mạn toàn thế giới?
Trong Thi nhân Việt Nam, xuất bản năm 1941, nhà phê bình Hoài Thanh đã phát hiện: ”Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, còn Hàn Mặc Tử đã đi từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe” [12, 31]. Chế Lan Viên cũng nhận thấy “Con quạ trên mồ Khê là con quạ của Edgar Poe” [11,78]. Chúng ta thử đọc tập Điêu tàn của Chế Lan Viên, Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử, Nấm mộcủa Bích Khê, hay gần gũi hơn là Mê hồn ca của Đinh Hùng với cả một thế giới của những nấm mộ, nghĩa trang nơi nhà thơ khắc khoải, đớn đau tìm lại bóng hình người yêu đã khuất… Hoặc điệp khúc trong vần thơ u sầu ảo não như Ngậm ngùi của Huy Cận, cả những giấc mơ và những ám ảnh nước trong thơ Thế Lữ…Chỗ này chỗ khác, chúng đều có một âm hưởng buồn bã, chết chóc, u ám… gần gũi nhau đến lạ kỳ. Quan niệm về Cái Đẹp, đề tài Tình yêu, Nỗi buồn và Cái Chết của Edgar Poe cũng đã thấp thoáng trong nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Đinh Hùng và nhóm Dạ đài…
Truyện trinh thám của Thế Lữ cũng mang nhiều dấu vết những truyện của Edgar Poe. Ví dụ như Gói thuốc lá của Thế Lữ có nhiều chi tiết khiến chúng ta liên tưởng tới Vụ án mạng trên phố Morgue của Edgar Poe, Vàng và máu mang màu sắc của The Gold Bug (Con cánh cam vàng)… Nhân vật thám tử nghiệp dư Lê Phong trong nhiều truyện khác của Thế Lữ cũng có nhiều nét tương đồng với nhân vật thám tử A. Dupin của “ông tổ truyện trinh thám” Edgar Poe. Trong lời giới thiệu tác phẩm Vàng và máu (ngày 20-1-1934), nhà văn Khái Hưng đã nhận xét: “tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh, hai nhà viết những truyện ghê gớm huyền hoặc, làm cho độc giả yếu bóng vía phải rùng mình lúc đêm khuya” [1,416]
Gần đây, nhà văn trẻ Trần Thanh Hà cũng khẳng định ảnh hưởng của Conan Doyle trong hình ảnh thám tử Kỳ Phát của nhà văn Phạm Cao Củng khi nhà xuất bản Thành Nghĩa cho ra đời một loạt tác phẩm của tác giả được coi là người khai mở thể loại truyện trinh thám Việt Nam này. Mà Jorge Luis Borges (Arhentina), trong tiểu luận Về truyện trinh thám, cho rằng nhân vật của Conan Doyle đã kế thừa từ hình mẫu nhân vật của Edgar Poe: “Người đàn ông cực kỳ thông minh có khả năng khám phá bí ẩn đó đầu tiên có tên là Dupin, sau đó tên là Sherlock Holmes, rồi cha Brown, và cho đến bây giờ thì còn nhiều cái tên khác nữa, những cái tên cực kỳ nổi tiếng.Nhân vật đầu tiên, một hình mẫu, một chuẩn mực - chúng có thể nói như vậy - chính là Charles Auguste Dupin, nhà thám tử sống cùng với một người bạn, và câu chuyện sẽ được người bạn này tường thuật lại. Đó cũng là một phần của truyền thống do Edgar Poe tạo ra và đã được Conan Doylekế tục rất lâu sau khi ông (Poe) chết” [4]. Ở phần sau bài tiểu luận này Borges còn nêu cụ thể hơn: “Conan Doyle bố trí để sao cho những kỳ tích về trí tuệ của Sherlock Holmes đều có thể được chứng kiến và thuật lại nhờ người bạn, bác sĩ Watson, kẻ không ngừng kinh ngạc và bị dẫn dắt bởi những tình tiết bên ngoài, kẻ luôn luôn bị Sherlock Holmes thống trị bởi vì muốn được Sherlock Holmes thống trị. Tất cả những chi tiết này đều đã hiện diện trong truyện trinh thám đầu tiên của Edgar Poe mặc dù Edgar Poe không biết rằng mình đã sáng tạo ra một thể loại văn học mới” [4]. Chính tác giả Conan Doyle cũng thừa nhận: “Mỗi truyện trinh thám của Edgar Poe là một cội nguồn mà từ đó toàn bộ văn học phát triển. Nó chỉ là truyện trinh thám cho đến khi được Poe thổi hơi thở của cuộc sống vào cho nó.” [11].
Ngoài ra, cách xây dựng hình tượng văn học mang tính chất đối lập thành các cặp tương phản thật ra cũng là một nghệ thuật truyền thống quen thuộc trong thơ Đường ở Việt Nam. Tư tưởng Hư vô, xem cuộc đời là ngắn ngủi, mong manh, cái chết là sự giải thoát, là chốn vĩnh hằng, là nơi con người hợp nhất trong tư tưởng với Thượng Đế thật ra rất gần gũi với quan niệm nhân sinh quen thuộc: “Đời người như bóng câu qua cửa sổ”, “Sinh ký tử quy”… tạo nên một màu sắc phương Đông độc đáo trong sáng tác Edgar Poe, khiến Poe gần với tư duy của độc giả Việt Nam hơn - dù đội ngũ độc giả này, cho đến nay, cũng còn rất chọn lọc.
Edgar Allan Poe đã “đến” với văn học hiện đại Việt Nam bằng con đường nào? Vấn đề có lẽ đã đến lúc cần và phải đặt ra ở đây. Thơ Mới (32-45) của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX đã có các trường Thơ Điên, Thơ Loạn Thơ Say,. Những trường phái này cũng đầy dẫy các yếu tố siêu nhiên, ma quái, chết chóc, khủng khiếp hay điên rồ như sản phẩm của những kẻ mắc chứng “nhiễu tâm”. Nếu nói các nhà lãng mạn Việt Nam không hề chịu ảnh hưởng gì thì cũng không đúng, bởi họ hầu hết là các trí thức Tây học, đã từng học và đọc Baudelaire, Mallarmé, Rimbaud… thậm chí còn rất yêu thích các nhà thơ lãng mạn, tượng trưng này. Song có lẽ cần thấy rõ một đặc trưng của tiến trình hiện đại hóa văn học hiện đại Việt Nam: nếu những năm đầu thế kỷ còn nặng về mô phỏng, bắt chước khi tìm đến văn học phương Tây nói chung và văn học Pháp nói riêng qua những hoạt động dịch thuật, biên khảo, phóng tác…, thì đến những năm 30 đã bắt đầu tự khẳng định mình trong những sáng tác của một thế hệ văn thi sĩ tài hoa đầy nhiệt huyết, mong muốn nhanh chóng xây dựng và hiện đại hóa nền văn học nước nhà vốn đã xuất phát chậm hơn phương Tây cả đoạn dài trăm năm… Và có một đặc trưng mang tính truyền thống độc đáo của văn học Việt Nam, phàm cái gì đã được quan điểm thẩm mỹ của nhà văn, nhà thơ chấp nhận nó sẽ nhanh chóng đi vào đời sống tâm linh của con người Việt Nam theo cách riêng của nó, Việt hóa nó theo cái nhìn của người Việt. Thơ ca cũng vậy. Tuy bắt đầu trực tiếp từ những Baudelaire, Mallarmé, Valéry hay Rimbaud, Verlaine, gián tiếp từ Edgar Poe, nhưng những gì tiếp thu được ở họ không còn là nguyên mẫu ban đầu. Điêu tàn của Chế Lan Viên có tiếng khóc của những bóng ma Hời mất nước, có nỗi cô đơn của một kiếp người nô lệ nhưng ở một mức độ nhất định, nó còn khủng khiếp hơn những sáng tác của Baudelaire hay Edgar Poe bởi không có bóng dáng của Thiên đường với những thiên thần sáng láng mà chỉ có tối tăm, và khủng khiếp vô cùng là cõi Âm, là những chiến điạ hoang tàn, là những máu trào, hồn điên, xương gãy, đầu lâu rên xiết.
Thơ Huy Cận, Xuân Diệu cũng đầy cô đơn đến rợn ngợp, cũng có chút kiêu hãnh khát khao lý tưởng nhưng không đầy mộng mị, ma quái như thơ Poe. Còn tình yêu thì không hoàn toàn ảm đạm và quá đầy nỗi chia ly tang tóc, chỉ mỗi giọng điệu buồn thì có chung một âm hưởng như Poe. Thơ Hàn Mặc Tử với nhiều yếu tố siêu thực, sự phân thân hồn - xác khá gần gũi với Edgar Poe nhưng còn đi xa hơn nữa với đức tin Thiên Chúa, với những hồn ma bóng quỷ, và bóng tối, ảo ảnh rùng rợn… và những tuyên ngôn nghệ thuật của riêng ông. Riêng trường hợp Bích Khê và Đinh Hùng là cả một sự đồng điệu lạ kỳ từ cuộc đời, số phận đau thương đến hơi thở thi ca mà chúng tôi sẽ phân tích trong một bài viết khác. Còn truyện trinh thám và kinh dị trong sáng tác của Thế Lữ, Phạm Cao Củng lại là một sự kết hợp Đông - Tây độc đáo. Cốt truyện trong các truyện rùng rợn vừa mang tính chất kinh dị vừa có việc khám phá tội ác và kết thúc theo môtíp truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc: kẻ xấu, kẻ ác phải bị đền tội bằng cái chết bởi một sự ngẫu nhiên nào đó, thường là do một sức mạnh siêu nhiên huyền bí. Đồng thời, những truyện này vừa mang dáng dấp những câu chuyện đường rừng hay những chuyện ma quái kiểu Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh. Nhân vật thám tử tài ba, hay bạn của nhà thám tửcủa các tác giả Việt Nam vừa có cái tỉnh táo lý trí, suy lý kiểu phương Tây, vừa không lẫn vào đâu được nét lãng tử thấp thoáng của những nhà nho tài tử xưa kia, hay phong thái anh hùng mã thượng của con người Việt Nam trọng nghĩa khinh tài, khiến truyện của các tác giả này dễ đi vào lòng bộ phận độc giả bình dân Việt Nam từ những năm bắt đầu xây dựng nền văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ. Điều kỳ lạ là trải qua bao cuộc “thay đổi sơn hà’ của lịch sử dân tộc, những tác phẩm này vẫn có một sức sống bền bỉ theo hành trình gần một thế kỷ thăng trầm của nền văn học dân tộc.
Đây là sự gặp gỡ ngẫu nhiên, bị động hay có ý thức và chủ động? Dường như có tất cả. Trong quá trình giao lưu và hội nhập của các nền văn hóa, văn học hiện nay, những dấu hiệu vừa phác qua ở trên quả là một vấn đề thú vị cần được quan tâm tìm hiểu và đánh giá thấu đáo hơn trong một công trình đầy đủ hơn. Nhưng dù bằng con đường nào thì cũng phải nhắc đến một hiện thực tất yếu không thể bỏ qua khi nói đến sự tương quan kỳ lạ này. Đó chính là cái giọng điệu chung u sầu, ảm đạm, bi quan của thơ lãng mạn thế kỷ XIX, cái giọng điệu của cả một thời đại mà mỗi con người như một linh hồn bơ vơ tự chối bỏ, tự khẳng định và luôn tìm kiếm chính bản thân mình trong nỗi buồn đau của kiếp người từ vạn cổ. Nhân loại tự ngàn xưa đến nay có bao giờ dứt những cuộc tìm kiếm trong khổ đau cay đắng cũng như trong hạnh phúc ngọt ngào… Để rồi, trong quá trình giao lưu và hội nhập, mỗi dân tộc có cách tiếp nhận riêng của mình, từ cái tiếng nói chung ấy tạo cho mình một giọng điệu riêng, bản sắc riêng. Và, từ những cái riêng đó, lại hoà vào dòng chảy chung của văn học thế giới, của nhân loại, tạo nên những ấn tượng không phai mờ cùng năm tháng, góp phần làm cho đời sống tinh thần của con người ngày một phong phú hơn, đa dạng hơn. Tiếp nhận để sáng tạo ra một cái mới hơn theo chiều kích của dân tộc mình, đất nước mình, thời đại mình trên cơ sở bản lĩnh dân tộc mình vốn là nguyên tắc thẩm mỹ trong tiếp nhận văn hóa, văn học của chúng ta. Sự tiếp nhận Edgar Poe đối với văn học thế giới và văn học Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy của quy luật ấy.
Ngày nay, hàng năm, tháng có ngày sinh và ngày mất của Edgar Poe đã trở thành thời gian hoạt động sôi nổi nhất của bốn Viện bảo tàng Edgar Poe lớn và nhiều trường Đại học của nước Mỹ, nơi Poe đã từng ra đời, học tập, lao động, sống đói nghèo và chết trong cô độc, chịu biết bao ruồng rẫy lẫn vinh quang: Baltimore, Philadelphia, Boston, New York. Trong các trường trung học và đại học, thơ Edgar Poe vẫn được đọc trong các giờ văn học, truyện của Poe vẫn được dựng thành các vở kịch sinh động và vẫn giành được sự yêu mến củacông chúng. Năm 2009, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Edgar Poe, nước Mỹ đã tôn vinh là năm trở lại của Edgar Poe. Bưu điện Hoa Kỳ đã cho phát hành con tem mang hình ảnh của ông. Đồng thời, các Viện bảo tàng tại nhiều thành phố nơi ông từng sống qua cũng tưởng nhớ ông bằng cách triển lãm tranh ảnh, các bộ sưu tập tác phẩm của ông, cho diễn những vở kịch, trích đọc văn thơ của ông. Chính quyền bang Boston còn quyết định đặt tên Edgar Allan Poe cho quảng trường chỉ cách nơi ông chào đời vài bước chân. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về cuộc đời, tác phẩm và ảnh hưởng của Poe đang được tổ chức khắp trên nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. [12]
Sống gần trọn trong nửa đầu thế kỷ XIX, trong những năm tháng sôi nổi xây dựng quốc gia độc lập của một nước Mỹ trẻ trung đầy sinh lực, chưa có những cơn lốc chiến tranh tàn khốc như nửa sau cái thế kỷ vĩ đại của nhân loại này, tác phẩm của Edgar Poe, một mình nó, là một góc của mặt trái nước Mỹ. Vì thế, “sáng tác của Poe đa dạng, độc đáo, chứa nhiều mâu thuẫn. Là nhà văn thuộc trào lưu lãng mạn, ông bộc lộ mối bất đồng với xã hội Mỹ ở một số mặt nhưng đồng thời lại tỏ rõ niềm tin ở khả năng và trí tuệ con người trong việc giải quyết những vấn đề của tự nhiên, xã hội và nghệ thuật.” [7, 239]. Hữu Ngọc còn nhấn mạnh: “Với trí tưởng tượng phong phú, Poe đưa ra ánh sáng những khía cạnh thầm kín của tâm hồn, những cái bất định, ốm yếu và độc ác trong con người” [7, 360]. Bằng cảm quan nghệ thuật xây dựng trên một thế giới mộng ảo, thậm chí rùng rợn, ma quái... Edgar Poe đã phản ánh hiện thực xã hội theo cách đi riêng của mình.
Tuy vẫn chưa hết những tranh cãi, những bất đồng, nhưng cho đến nay không ai có thể phủ nhận những đóng góp và vị trí hàng đầu của Poe đối với văn học Mỹ thế Kỷ XIX và ảnh hưởng tích cực của ông không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Về thơ, ông là nhà lãng mạn mở đường cho sự ra đời của chủ nghĩa tượng trưng. Về truyện, không ai có thể phủ nhận vai trò nhà tiên phong trong truyện kinh dị và trinh thám, người đặt nền móng cho thể loại truyện khoa học viễn tưởng và cũng là người báo hiệu cho loại truyện phân tích tâm lý sau này. Về lý luận và phê bình, Edgar Allan Poe chính là “lý thuyết gia” của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và đã xây dựng nhiều chuẩn mực trong nguyên lý sáng tác và phê bình văn học. Di sản đồ sộ của Poe, thật ra, chúng ta vẫn còn biết đến quá ít ỏi và vị trí đúng như Poe xứng đáng có trong văn học Việt Nam, cho đến nay vẫn còn chưa được xác định.
Vinh dự mà Edgar Allan Poe xứng đáng có ấy không chỉ ở tài năng mà thiết nghĩ, có lẽ còn vì Poe đã sống và chết với cái nghề viết văn mà Poe “luôn vật lộn để trở thành một tác giả chuyên nghiệp” bằng tất cả tâm hồn cuồng nhiệt khao khát yêu thương, yêu con người, yêu cuộc sống, yêu nghệ thuật của mình, cái nghề mà ông cho là “thiên mệnh” của đời ông. Trong bức thư gửi Frederick W. Thomas ngày 14-2-1849, cái năm định mệnh trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Poe đã viết“Văn chương là nghề cao quý nhất. Thật vậy, có lẽ nó là cái duy nhất phù hợp với một con người. Đối với bản thân tôi, không gì có thể quyến rũ tôi tách rời khỏi con đường ấy.” [13]
Cái vì sao Al Aaraaf [14] - Edgar Allan Poe ấy đã đột ngột rực sáng trên bầu trời văn học Mỹ vỏn vẹn trong 40 năm, rồi thình lình biến mất, không bao giờ còn xuất hiện lần thứ hai nữa. Nhưng chúng ta lại có cả một bầu trời tinh tú lấp lánh từ những gì Poe để lại…
Chú thích:
[1] “You might call him the Leader of the Cult of the Unusual." [http://schools.nyc.gov/]
[2] “Three-fifths of him genius and two-fifths sheer fudge”. [A Fable for critics]
Nguồn: http://www.readbookonline.net/]
[3] Nguyên văn: the “Jingle man”, có nghĩa là người có nhiều âm điệu. Đắc Sơn dịch là “người hiếu chiến”,Sđd
[4] Western High School, ngôi trường trung học đầu tiên ở Baltimore đã đưa Poe vào chương trình giảng dạy và hàng năm có truyền thống tổ chức lễ hội nhân ngày sinh và mất E.A.Poe, thầy cô giáo và học sinh thường đến viếng ngôi mộ cô độc của nhà thơ bất hạnh này.
[5] No poetry is better suited to dramatic reading than “The Raven” and “Annabel Lee”.
[6] Từ lớp 6 học sinh Mỹ đã học phân tích một số bài thơ của Edgar Allan Poe như: The Bells, Annabel Lee…
[7] “The first time I opened a book written by him, I saw with fear and delight, not only themes dreamt by me, but sentences, thought by me, written by him, twenty years before”
[8] “… Of all nations, no one has responded to the genius of our poet more completely than France.”
[9] “The “mad Edgar” as the only American whom the Slavs had taken completely to their heart, with all his unearthliness and morbidity, his fantastic rationalism and excited aestheticism, with all his dreams and nightmares”.
[10] Konstantin Balmont, one of the outstanding Russian poets of his day, who devoted many years of his life to the study and glorification of Edgar Allan Poe [3, 13]
[11] Sir Arthur Conan Doyle said, "Each [of Poe's detective stories] is a root from which a whole literature has developed... Where was the detective story until Poe breathed the breath of life into it?" [Edgar Allan Poe
From Wikipedia, the free encyclopedia: http://en.wikipedia.org/]
[12] Tham khảo: http://www2.lv.psu.edu/PSA/ và các website liên kết.
[13] Literature is the most noble of profession. In fact, it is about the only one fit for a man. For my own part, there is no seducing me from the path.” [Letter to Frederick W. Thomas]
[14] Tên một bài thơ dài nhất của E.A.Poe, sáng tác khi ông còn rất trẻ (1829). Cảm hứng lấy từ một ngôi sao bí ẩn,mới xuất hiện đột ngột do nhà thiên văn học Đan Mạch Tycho Brahe phát hiện năm 1572.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phạm Đình Ân. 2006. Thế Lữ, về tác giả và tác phẩm. H: NXB Giáo dục.
Bandy, William T. 1962.The Influence and Reputation of Edgar Allan Poe in Europe, Baltimore: The Edgar Allan Poe Society of Baltimore.
http://www.eapoe.org/
Baym, Nina. 1989.The Norton Anthology of America Literature. NewYork; lond: W.W.Norton.
Borges, Jorge Luis. 2004. Về truyện trinh thám. Ngô Tự Lập dịch, Tạp chí Evăn: http://evan.vnexpress.net/
Corbett, Una. 1956. The School and The Memory of Poe. Baltimore Bulletin of Education, XXXIII, No 3. Pp 2-8.
Lê Đình Cúc. 2001. Văn học Mỹ, mấy vấn đề và tác giả. H: NXB KHXH.
Hữu Ngọc. 2000. Hồ sơ văn hóa Mỹ. H: NXB Thế giới.
Poe, Edgar Allan. 2002. Tuyển tập Edgar Allan Poe. Ngô Tự Lập và Nhóm Địa cầu Văn hoá dịch. H: NXB Văn học.
Jeanne Rosellet, Lubov Keefer, Herbert Schaumann and Pedro Salinas.1941. Poe in Foreign Lands and Tongues. The Edgar Allan Poe Society, Baltimore.
Đắc Sơn. 1998. Đại cương Văn học sử Hoa Kỳ - An Introduction in America Literature. HCM: NXB TP. HCM.
Trần Đình Sử. 2001. Những thế giới nghệ thuật thơ. H: NXB ĐHQG.
Hoài Thanh - Hoài Chân. 1997. Thi nhân Việt Nam. H: NXB Văn học.
Wada, Gunilla Lindberg. 2006. Literary History: Towards a Global Perspective, Publisher: Walter de Gruyter, trang 172-173.
Hoàng Kim Oanh
Theo https://vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...