Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Đọc "Nói chuyện học thuật bên kia bờ" của học giả Minh Di phê bình "Nhà sử học" Nguyễn Khắc Thuần

Đọc "Nói chuyện học thuật bên kia bờ" 
của học giả Minh Di phê bình 
"Nhà sử học" Nguyễn Khắc Thuần
A. Giới thiệu Học giả Nguyễn Khắc Thuần
Nguyễn Khắc Thuần là nhà sử học, là một giảng viên đại học ở Việt Nam (hiện là trưởng khoa Việt Nam học Đại học Bình Dương) và là tác giả của nhiều bộ sách lịch sử, văn hóa. Ông có hai bộ sách được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.
Trước khi tham gia vào lĩnh vực sử học, ông từng ở trong quân đội, làm việc tại báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh cùng với Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy. Sau năm 1975, ông vào làm giảng dạy về lịch sử, văn hóa trong ngành sư phạm. Ông từng là giảng viên tại Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông hiện nay là trưởng khoa Việt Nam học của trường Đại học Bình Dương.
Các tác phẩm chính:
- Việt sử giai thoại, 8 tập - NXB Giáo dục
- Danh tướng Việt Nam, 5 tập NXB Giáo dục
- Thế thứ các triều vua Việt Nam
- Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam
- Các đời đế vương Trung Hoa - NXB Giáo dục
- Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập)
- Trông lại ngàn xưa (3 tập)
- Giai thoại dã sử Việt Nam
- Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn
- Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn
- Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn
- Vân đài loại ngữ, Lê Quý Đôn
- Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả - Vũ Thế Dinh
- Ô Châu cận lục, Dương Văn An
- Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái
Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã đạt kỷ lục Việt Nam cho hai nội dung sau:
1. Công trình dịch thuật, hiệu đính và chú giải sách chữ Hán cổ lớn nhất do một người thực hiện (Bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập - 8 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
2. Công trình lớn nhất về lịch sử văn hoá Việt Nam do một người biên soạn (Bộ sách Đại Việt sử lược - 5 tập, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Câu nói nổi tiếng: “Không gì bằng những hành động mà người dân nào cũng mong đợi: xử lý nghiêm, công minh và minh bạch các vụ án tham nhũng, bảo vệ triệt để những người đứng ra tố cáo tham nhũng. Người dân phải nghe, thấy, sờ được những hành động này của Chính phủ”.
B. ĐỌC SÁCH CỦA MINH DI, tôi xin trích một phần nhỏ bài phê bình Học giả Nguyễn Khắc Thuần trong cuốn “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ”  do Học giả, Giảng sư Minh Di biên soạn (sách đang được tác giả và nhóm thân hữu chưa tới 10 người cùng xem trước - trong đó có người viết và Kha Tiệm Ly)
Trích: “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ”
Nguyễn Khắc Thuần, viết:...
- “Con ông 3 tên là (Trịnh) Đán làm Binh Bộ Thượng Thư, hiện nay vẫn còn có bia thần đạo (*) ở xã An Hoành”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 28).
Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần:
* Bia thần đạo là bia ghi việc được ban sắc phong làm thần.
Minh Di phê bình:
Coi chú thích của Nguyễn Khắc Thuần giải nghĩa tiếng “Bia thần đạo” (Thần đạo bi) mà tôi không thể nào ngờ một tiếng bình thường như vậy mà ông cũng sai được!
Thần Đạo Bi là tấm bia dựng trên đường đi trước mộ phần, trên bia khắc một bài văn tự thuật tiểu sử (cuộc đời, sự nghiệp) của người quá vãng, tuyệt đối đây không phải là tấm “bia ghi việc được ban sắc phong làm thần” như Nguyễn Khắc Thuần nói!
Từ điển Từ Nguyên:
- “Thần Đạo Bi”. Lập tại mộ đạo thượng đích BI, thượng ký tử giả sinh bình”.
Hán Dương Chấn bi, thủ đề tác:
- “Cố Thái úy Dương công Thần Đạo Bi minh”.
Tham duyệt:
- “Tống, Ngô Tăng “Năng Cải Trai Mạn Lục, Nhị. Mộ Lộ xưng Thần Đạo”.
Dịch nghĩa:
- “Thần Đạo Bi”. TẤM BIA dựng trên đường đi trước mộ phần, trên BIA khắc Bài văn tự thuật cuộc đời của người quá vãng.
Tấm bia của Dương Chấn thời Hán ở trên đầu Bia khắc:
- “Bài minh ghi lại tiểu sử của ông Thái úy quá cố họ Dương”.
Đọc thêm: “Năng Cải Trai Mạn Lục”, Quyển II:
- “Đường trước Mộ gọi là Thần Đạo”, của Ngô Tăng đời Tống.
Minh Di án: 
Từ điển Từ Nguyên nói rằng bài “Đường đi trước Mộ gọi là Thần Đạo” trong tập bút ký “Năng Cải Trai Mạn Lục” của Ngô Tăng nằm ở Quyển II.
Mở tập bút ký nói trên thì thấy Từ Nguyên đã lầm! Đoạn văn ngắn dẫn trên, chính xác thuộc Quyển I của tập bút ký.
(Tham khảo Năng Cải Trai Mạn Lục. Qu. I. Sự thủy. 73. Mộ lộ xưng Thần Đạo).
Từ điển Từ Hải:
- “Thần Đạo Bi”. Mộ đạo tiền lập Bi dĩ ký tử giả chi sinh bình vị chi Thần Đạo Bi”.
- “Thần Đạo Bi”. Tấm Bia lập trước mộ để ghi lại cuộc đời của người chết được gọi là “Thần Đạo Bi”.
Cứ như định nghĩa trên đây, Thần Đạo Bi là Tấm bia ghi Hành trạng (Tiểu sử, Truyện) của một người quá vãng.
Tục lập “Thần Đạo Bi”, theo “Năng Cải Trai Mạn Lục” bắt đầu có từ thời Tây Hán.
(Tham khảo Sđd. Quyển thứ và điều mục đã dẫn ở trang trước).
Nhưng, cũng cần nói rõ ở đây là những người được lập bia, khắc lại tiểu sử trên bia đều là những người có danh vọng hoặc trong giới quyền quý, hoặc trong giới trí thức.
Văn hào Hàn Dũ (768 - 824) trong suốt một đời chỉ viết có sáu bài “THẦN ĐẠO BI” cho 6 nhân vật có tiếng tăm đương thời.
Thần Đạo là lối đi, đường đi trước mộ phần. Cũng Từ điển Từ Nguyên dẫn trên:
- “Thần Đạo... Mộ đạo. Ý vi Thần hành đích đạo lộ…”
Hậu Hán Thư. Tứ nhị, Trung Sơn Giản vương Yên truyện:
- “Đại vi tu trủng doanh, khai Thần Đạo”.
Chú: “Mộ tiền khai đạo, kiến thạch trụ dĩ vi tiêu, vị chi Thần Đạo”.
Dịch nghĩa:
- “Thần Đạo... Lối đi (phía trước) của mộ phần. Ý nói là đường của Thần đi...
Hậu Hán Thư. Quyển XLII, Trung Sơn Giản vương Yên truyện’ (chép): “Cho sửa sang làm lại Mộ phần to lớn (hơn), mở đường đi trước mộ”
Chú thích: “Trước mộ làm đường đi, dựng trụ đá làm mốc, gọi là Thần Đạo”.
Minh Di án: 
Chú thích Từ Nguyên dẫn trên là của Lý Hiền (655 - 684) đời Đường.
Trong cuốn “Hậu Hán Thư Tập Giải” Vương Tiên Khiêm (1842 - 1917) cuối đời Thanh viện dẫn lời học giả Huệ Đống (1697 -1758) viết:
- “Thần đạo chi xưng thủy vu Tây Hán”.
(Nghĩa: “Danh xưng Thần đạo khởi từ thời Tây Hán”).
Sử gia Ban Cố (32 - 92) chép:
- “Vũ ký tự vi Bác Lục Hầu, thái phu nhân Hiển cải Quang thời sở tự tạo doanh chế nhi xỉ đại chi; khởi tam xuất khuyết trúc thần đạo, bắc lâm Chiêu Linh, nam xuất Thừa Ân”.
Hán Thư. Qu. LXVIII. Hoắc Quang truyện
- “Sau khi (Hoắc) Vũ kế thừa (cha), giữ tước Bác Lục Hầu thì thái phu nhân (tên) Hiển cho sửa lại phần mộ mà (Hoắc) Quang xây lúc còn sống, xây cất lớn hơn, xa xỉ hơn, ở ba bên mộ phần, mỗi bên dựng hai cây cột (đá), cho làm đường đi trước mộ phần, về phía Bắc (đường) chạy tới Chiêu Linh Quán, về phía Nam trải tới Thừa Ân Quán”.
Về hai tên gọi Chiêu Linh và Thừa Ân trong đoạn dẫn trên, Nhan Sư Cổ (581 - 645) viết:
- “Phục Kiền viết: Chiêu Linh, Thừa Ân, giai quán danh dã.”
Lý Kỳ viết:
- “Chiêu Linh, Cao tổ mẫu trủng viên dã.”
Văn Dĩnh viết:
“Thừa Ân, Nghi Bình Hầu trủng viên dã.”
Nhan Sư Cổ viết:
- Phục thuyết thị dã, Văn, Lý tịnh thất chi”.
Dịch nghĩa:
- “Phục Kiền nói: Chiêu Linh, Thừa Ân đều là tên Quán.
- Lý Kỳ nói: Chiêu Linh là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của mẹ (Hán) Cao tổ.
- Văn Dĩnh nói: Thừa Ân là (tên) cái vườn ở khu mộ phần của Nghi Bình Hầu.
- Nhan Sư Cổ nói: Thuyết của Phục Kiền đúng, Văn Dĩnh, Lý Kỳ đều sai”. 
Chưa rõ Chiêu Linh Quán và Thừa Ân Quán là “Quán” gì? là Quán xá? là Thư quán? hay Quán thự? Chú thích trên đây (có gạch dưới) của Nhan Sư Cổ (581 - 645) cũng đã không làm cho chúng ta hết thắc mắc về loại của hai cái Quán này: là Quán gì?
Sau hết, cần nói thêm một điều:
- Có những nhân vật mà tiểu sử đã không được Sử sách đương thời ghi lại trong một số trường hợp nhờ những “Thần đạo bi” mà người đời sau có dữ kiện mà ghi vào sách.
- Trong “Tân Đường Thư”, khi ghi lại tiểu sử của Vương Trọng Thư (762 - 823), sử gia Âu Dương Tu (1007 - 1072) đã căn cứ bài Thần Đạo Bi của Hàn Dũ đời Đường viết về nhân vật này. Bài Thần Đạo Bi viết về Vương Trọng Thư này của Hàn Dũ tựa là:
- “Đường cố Giang Nam tây đạo Quan Sát sứ, Trung đại phu, Hồng Châu thích sử kiêm Ngự Sử Trung Thừa, Thượng Trụ Quốc, Tứ Tử Kim Ngư Đại, tặng Tả Tán Kỵ Thường thị, Thái Nguyên Vương công THẦN ĐẠO BI minh.
Nguyễn Khắc Thuần nói Thần Đạo Bi là:
 - “Bia ghi việc được ban sắc phong làm thần”.
“Với những gì tôi trưng dẫn trên đây về các tiếng “Thần đạo”, “Thần đạo bi” thì tôi xin hỏi ông Nguyễn Khắc Thuần, ông đọc ở đâu hay là chỉ thấy hai chữ Thần đạo, cứ đó mà suy đoán theo cái kiến thức rất hạn hẹp, rất thiếu học vấn của ông. Vậy, ông cho biết Thần nào ở đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?”
Ngoài ra, đối chiếu với nguyên tác Hán văn thì thấy trong câu dịch trích dẫn trên đây Nguyễn Khắc Thuần đã dịch thiếu mất một chữ:
Nguyên tác viết:
- “Trịnh Khả...
Tử Công Đán, Binh bộ Thượng thư, hữu Thần đạo bi...”.
Dịch nghĩa:
- “Trịnh Khả...
Con là (Trịnh) Công Đán, là Binh bộ Thượng thư, có Bia ghi tiểu sử...”.
Nguyễn Khắc Thuần, như đã dẫn, dịch thiếu chữ “Công”, chỉ dịch là “(Trịnh) Đán”.
Thiếu sót trên đây quá hiển nhiên, bất cứ độc giả nào ghé mắt vào nguyên tác cũng sẽ đi đến kết luận là Nguyễn Khắc Thuần đã không đọc bản Hán văn, không thể tìm được một kết luận nào khác hơn! Nếu dịch thiếu ý còn có thể, nhưng dịch thiếu chữ trong tên người, tên sự vật, sự việc thì đây là việc rất hiếm! (ngưng trích).
Nhận xét của Thái Quốc Mưu:
Trong bộ sách viết về Lê Quý Đôn, Học giả Nguyễn Khắc Thuần, mở đầu:
“Chúng ta đều biết Lê Quý Đôn là một học giả uyên bác, do đó chú thích tác phẩm của ông là một việc làm tương đối khó khăn! Khó khăn là vì phải đọc khá nhiều sách thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ, đủ cho người đọc có một cái nhìn tổng quát về học, vấn của Lê Quý Đôn.”
Học giả Nguyễn Khắc Thuần viết, “phải đọc khá nhiều sách thì mới có thể chú thích tương đối đầy đủ”, thực tế ông Thuần chỉ huênh hoang để tự “quảng cáo” mình chứ chẳng đọc được bao nhiêu sách. Chứng minh, chỉ 3 chữ Thần Đạo Bi (Bia thần đạo) ông ta cũng giải thích SAI! Trong khi, với 3 chữ đó, Học giả, Giảng sư Khoa Hán Văn Minh Di đã trích dẫn hàng chục bộ sách để chứng minh chỗ sai của “Học giả” Nguyễn Khắc Thuần.
Đoạn bài trên đây chúng tôi chỉ trích một phần ngắn ở bài viết của Học giả Minh Di phê bình bộ sách “viết về Lê Quý Đôn” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần. Nó chỉ là một phần rất nhỏ để chứng minh một sai lầm trong vô vàn những sai lầm khác.
Đã một lần học giả Minh Di chia sẻ với tôi (TQMưu): “Mình làm văn học, biết điều sai mà không nói là có tội với tiền nhân và có lỗi với các thế hệ mai sau. Khi phê bình, mình phải đặt tình cảm riêng tư ra ngoài, lấy công tâm mà nói. Không nên thiên vị kẻ nào. Mình cứ khen đúng chỗ, chê đúng chỗ chẳng ai dám phê phán mình cả.” Lời chia sẻ của ông rất hợp “gu” tôi!
Để kết thúc, xin kể một chuyện ngoài lề. Anh em chúng tôi luôn tự hào về thư phòng của phụ thân mình. Có lần tôi định khoe với Học giả Minh Di về lượng sách trong thư phòng ấy. Nhưng lại thôi!
Sau đó, tôi đọc được bài viết của Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng - tác giả bài Vàng Rơi Không Tiếc - một lần du lịch Úc Châu, do ái mộ Học Giả Minh Di, tìm đến thăm ông tại tư gia, thì được biết Thư Phòng của Minh Di có trên 6.000 (trên sáu ngàn) bộ sách toàn là những tác phẩm có giá trị, được sắp xếp rất khoa học trên các ngăn ở những kệ sách dài ngoằng. Nhìn lượng sách ấy Nhà văn Đào Vũ Anh Hùng đã phải kêu lên, “Đây chính là một thư viện!”.
Chúng tôi, rất hân hạnh, mỗi khi Học giả Minh Di viết xong một bộ sách ông liền email cho một số thân hữu - không đến 10 người, đọc trước. Trong đó có tôi và Kha Tiệm Ly, em tôi.
ĐỌC “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ” CỦA HỌC GIẢ MINH DI PHÊ BÌNH NGUYỄN KHẮC THUẦN, tôi xin lấy câu, “lên non mới biết Trời cao!” để kết thúc bài này.
24/5/2015
Thái Quốc Mưu
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...